Vương quốc Chămpa (192-1822) đã sáng tạo ra một nền văn hóa độc đáo,
mang đậm sắc thái riêng biệt. Đến nay, tỉnh Bình Định đã phát hiện
khoảng 117 cổ vật thời Chămpa và 414 sản phẩm làm bằng gốm cổ thuộc
nhiều giai đoạn khác nhau. Đáng chú ý là kỹ thuật xây dựng tháp Chàm -
một trong những đề tài được đưa ra khảo luận khoa học...
Bí ẩn của tháp Chàm
Theo Viện Khảo cổ học Việt Nam, di tích văn hóa Chăm được phân bổ đều
khắp trên dải đất các tỉnh duyên hải miền Trung, từ vĩ tuyến 11 đến 18,
từ Quảng Bình vào đến Bình Thuận. ở Tây nguyên, các di tích Chăm cũng
xuất hiện rải rác ở các địa phương như: Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Lâm
Đồng. Bình Định xưa kia từng là kinh đô của Vương quốc Chăm, hiện ở đây
vẫn còn lưu lại 14 ngôi tháp cổ. Những cuộc khai quật tự phát của cư dân
đã tìm thấy nhiều di vật cổ có giá trị như buồng cau, lá trầu, những
vật thờ cúng bằng vàng... nằm sâu dưới lòng đất từ cả ngàn năm nay. Bình
Định thuộc vùng Vijava từ thế kỷ X đến XV, từng là kinh đô của Chămpa
(1000-1471). Cùng với thành Chà Bàn, hàng loạt công trình tôn giáo cũng
đã được xây dựng ở đây. Khác với di tích Chăm ở Quảng Nam rất tập trung,
các di tích ở Bình Định lại được xây dựng rải rác khắp nơi. Hiện có 14
công trình kiến trúc tập trung tại 8 địa danh: Bánh ít, Dương Long, Hưng
Thạnh, Cánh Tiên, Phú Lốc, Phú Thiện, Bình Lâm và Hòn Chuông. Ngoài ra,
còn có 4 tòa thành cổ gồm Thị Nại, Đồ Bàn, An Thành, Uất Trì và hàng
loạt tác phẩm điêu khắc - những phế tích của tháp Chàm như giếng cổ hình
vuông, rắn Naga, trụ văn bia, tượng thần điểu Garuđa, phù điêu Lăng
Ông, tượng tu sĩ, khu mộ cổ... đều được phát hiện tại Bình Định. Trong
tất cả các cổ vật phát hiện được, đáng chú ý là di vật tượng tu sĩ ở
chùa Linh Sơn thuộc thôn Hải Giang, xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn.
Những cư dân ở đây trong khi canh tác đã phát hiện bức tượng chôn sâu
dưới lòng đất và đã đào lên đem hiến cho chùa. Dân địa phương gọi là
chùa Phật Lồi. ở Quy Nhơn, hiện vẫn còn dấu vết các lăng mộ cổ của người
Chăm tại xã đảo Nhơn Châu. Lịch sử Vương quốc Chămpa từ thời hoàng kim
đến lúc suy vong đã lưu lại cho hậu thế hàng chục ngôi tháp cổ với những
kiểu kiến trúc, chạm trổ độc đáo, bí hiểm. Ở khu vực duyên hải miền
Trung hiện có trên 19 khu tháp với hơn 40 ngôi tháp cổ lớn nhỏ.
Và con tàu gặp nạn...
Ch. Lemire đã mô tả các tháp cổ Chămpa phân bố ở tỉnh Bình Định trong
tác phẩm Les Tours kiames de la Province de Binh Dinh như sau: “Trong
các tháp có các tượng, rất có thể chúng bằng vàng hoặc bằng bạc, có mắt
bằng ngọc và răng bằng kim cương. Chúng đã bị lấy mất ngay từ đầu. Những
tượng bằng đá có thể bị lấy đi ngay sau đó. Người ta đã đào các bức
tượng để bóc gỡ các tranh thánh đã được gắn vào đó. Các tháp Bạc (người
Việt Nam quen gọi là tháp Bánh ít) phô bày hàng loạt công trình đáng lưu
ý, phần lớn các tượng đều bằng vàng hoặc bằng đá thếp vàng. Tượng cuối
cùng che vòm đã được mang sang Pháp năm 1886. Gần 80 tấn đá chạm được
dành cho Bảo tàng Lyon đã được tàu Mêkông chuyển về Pháp dưới sự coi sóc
của Tiến sĩ Maurice. Tàu Mêkông bị đắm ở Hồng Hải và những người
Somalis tưởng rằng đã tìm thấy kho báu nên đã đem vào bờ một số lớn
những hòm nặng này, nhưng họ chỉ tìm thấy đá và đá...".
Bức màn bí mật bao quanh số phận của con tàu Mêkông đã thách đố các nhà
khoa học, giới săn lùng cổ vật và cả những kẻ hiếu kỳ hơn 100 năm. Trong
số những người tìm cách sở hữu kho báu trên tàu Mêkông có giáo sư
Robert Stenout (Pháp). Đến tháng 10.1995, sau hơn 30 năm mày mò nghiên
cứu ở hàng trăm thư viện, sở lưu trữ văn khố, các hải cảng, nhiều hãng
tàu biển..., R. Stenout đã khoanh vùng một cách chính xác vị trí mà tàu
Mêkông bị đắm tại mũi Guadaqui ở biển Hồng Hải. Theo R. Stenout, Mêkông
là một con tàu lớn được thiết kế với hai chức năng chở khách và chở hàng
nhưng điều này không làm ảnh hưởng đến sự thanh nhã của nó. Những năm
đầu thế kỷ XX, do còn hạn chế về kỹ thuật, hành trình Đông Dương - Pháp
là một hành trình dài, mất nhiều ngày, nên Mêkông được xây dựng, bài trí
hoàn hảo, sang trọng và nguy nga như một cung điện di động trên mặt
biển. Chuyến đi định mệnh của tàu Mêkông vào năm 1906 chở theo 180 sĩ
quan, thủy thủ, 66 hành khách cùng hàng tấn cổ vật bằng vàng và một
khoang bí mật chứa đầy hàng mà theo khảo sát ban đầu của đội thợ lặn
thuộc tàu Scorbio do thuyền trưởng Campell chỉ huy (tàu Scorbio là con
tàu mà Stenout sử dụng trong cuộc khai quật của mình) thì hàng trăm
nghìn thỏi vàng có trong khoang hàng bí mật này như huyền thoại về
Mêkông đã lan truyền là có thật.
Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau khi định vị được tàu Mêkông và kho báu bí
mật thì nước có chủ quyền trên vùng lãnh hải mà tàu Mêkông bị đắm đã nổ
ra một cuộc nội chiến khốc liệt, việc thu hồi kho báu trên tàu Mêkông
đành dừng lại... kho báu mà tàu Mêkông có nhiệm vụ đưa về Pháp chủ yếu
được thu gom trên khu vực Vijava từ Quảng Nam đến Bình Thuận và chắc
chắn đây chưa phải là kho báu duy nhất của Vương quốc Chămpa.
Những thỏi vàng ròng biến mất
Theo một truyền thuyết thì trên chóp đỉnh của Tháp Đôi, cụm tháp gồm hai
chiếc nằm ở thành phố Quy Nhơn, có 2 quả cầu lớn làm bằng vàng ròng. Cả
hai khối vàng này đã bị các thủy thủ người da trắng của một chiếc tàu
châu Âu đến cướp đoạt và mang xuống tàu sau một cuộc tấn công chớp
nhoáng. Người Chăm cổ không quá đề cao giá trị của vàng và sử dụng chúng
với khối lượng lớn một cách khá phổ biến trong các công trình kiến trúc
đền tháp của mình. Có thể lý giải rằng, đó là do dân tộc này được tạo
hóa ưu đãi quyền sở hữu nhiều mỏ vàng có trữ lượng phong phú. Vàng được
đem đi đúc tượng thần để thờ, đúc phù điêu và dát lên các tượng thờ để
trang trí... Truyền thuyết cũng cho biết rằng, người Chăm sau khi dựng
tượng vàng ở các đền tháp thường quét lên thân tượng một lớp sơn đặc
chế. Kho báu Chămpa được các nhà khoa học Pháp nhắc đến từ khá lâu. Kho
báu cuối cùng - nơi lưu giữ những gì còn lại của vương triều Chămpa đã
được đề cập trong tác phẩm Un royaume disparu - Les Chams et leur art -
1923 (Pháp). Sự giàu có đầy bí ẩn của Vương quốc Chămpa có thể đúng như
các công trình nghiên cứu khoa học đã công bố. Nhưng ngay cả khi sự thật
không phải là như thế thì với việc thừa hưởng 14 quần thể tháp Chàm cổ
còn lại đến nay, có thể khẳng định rằng: Bình Định đang sở hữu một phần
kho báu của nhân loại.
Ngàn năm còn một chút này...
Tháp Đôi được xây dựng vào cuối thế kỷ XII còn được gọi là tháp Hưng
Thạnh. Vào ngày 10.7.1980, Tháp Đôi được Nhà nước xếp vào danh mục những
di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Tháp Đôi được các nhà nghiên cứu
xếp vào loại di sản độc đáo của nghệ thuật kiến trúc Chămpa. So với các
ngọn tháp khác trong vùng, Tháp Đôi không hề giống bất kỳ một ngôi tháp
cổ nào hiện có. Thế nhưng, đến nay các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra lý
do của sự khác thường này.
Cùng với di tích Tháp Đôi, chúng ta ngược lên vùng "Tây Sơn hạ đạo" để
chiêm ngưỡng cụm tháp Dương Long. Ngày xưa người Pháp gọi đây là Tháp
Ngà, dân địa phương thì gọi là tháp An Chánh. Tháp Dương Long có 3 tòa
tháp cổ với chiều cao từ 29 đến 36 m. Các hệ thống cửa phần lớn đã bị
sụp đổ, hư hỏng. Tuy vậy, nhìn vào các tác phẩm điêu khắc còn sót lại,
chúng ta liên tưởng đến những nghệ nhân Chăm đã từng dày công sáng tạo
một nền văn hóa độc đáo. Nhiều nhà nghiên cứu hiện nay đã xác định niên
đại của tháp vào khoảng nửa sau thế kỷ XII. Đây là cụm di tích thứ 2
được Bộ Văn hóa xếp hạng cùng lúc với Tháp Đôi Quy Nhơn. Sau hai cụm
Tháp Đôi, tháp Dương Long là tháp Cánh Tiên và tháp Bánh ít. Tháp Cánh
Tiên được người Chăm xây dựng ngay ở trung tâm thành Đồ Bàn, nay thuộc
địa phận xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Theo tài liệu của
người Pháp, tháp Cánh Tiên còn được gọi là Tháp Đồng, nhưng vì sao có
tên gọi này thì vẫn chưa xác định được. Tháp cao khoảng 20 m, trông xa
giống như đôi cánh của nàng tiên trong chuyện cổ tích đang bay lên trời
xanh. Tháp Cánh Tiên được xây dựng một phần bằng chất liệu đá sa thạch,
xung quanh có nhiều phù điêu chạm khắc tạo cho ngôi tháp cổ một dáng vẻ
độc đáo. Khác với tháp Cánh Tiên, cụm tháp Bánh ít có đến 4 tòa tháp lớn
nhỏ khác nhau. Gọi là tháp Bánh ít bởi vì khi đứng từ xa nhìn lại, cụm
tháp giống như những chiếc bánh ít lá gai - một sản vật thường thấy
trong các dịp cúng lễ, giỗ chạp ở miền Trung. Người Pháp gọi đây là Tháp
Bạc. Tất cả đều nằm trên một đỉnh đồi thuộc địa phận xã Phước Hiệp,
huyện Tuy Phước, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 20 km. 4 ngôi tháp cổ
này đều có các tượng thờ, hình vũ nữ đang múa, hình voi, hình các vị
thần linh. Kiểu trang trí làm cho ta có cảm giác như đang lạc vào thế
giới thần bí của người Chăm cổ xưa. Cũng tại Bình Định còn có tháp Bình
Lâm nằm ở xã Phước Hòa (Tuy Phước). Người dân ở đây kể lại rằng, thôn
Bình Lâm là nơi có những cư dân người Việt lần đầu tiên đến đây khai phá
mở mang vùng đất phì nhiêu này. Trong hệ thống tháp Chàm Bình Định, thì
tháp Bình Lâm là nhóm tháp cổ có niên đại sớm nhất. Một cụm di tích
khác có tên là tháp Thủ Thiện ở xã Bình Nghi (Tây Sơn) nằm bên Quốc lộ
19. Năm 1995, ngọn tháp này đã được Nhà nước xếp hạng di tích. Tuy vậy,
cũng giống như các cụm di tích tháp Chàm khác ở Bình Định, ngọn tháp Thủ
Thiện hiện đang bị đổ nát nghiêm trọng. Nhiều di tích, cấu trúc của
ngọn tháp đã bị thời gian và con người phá hủy. Di tích cuối cùng được
xếp hạng cùng lúc với tháp Thủ Thiện là tháp Phú Lốc. Người Pháp đặt tên
là Tháp Vàng. Phú Lốc nằm giáp ranh giữa 2 huyện An Nhơn và Tuy Phước.
Tháp nằm trên đỉnh một quả đồi cao 76 m so với mực nước biển. Ngọn tháp
đã bị đổ nát khá nhiều, tuy nhiên, nhìn một cách tổng quát vẫn thấy được
dáng vẻ bề thế, uy nghi của một công trình kiến trúc cổ. Ngoài 7 cụm
tháp ở Bình Định đã được Nhà nước xếp hạng, hiện nay vẫn còn một số di
tích tháp cổ khác chỉ còn chân đế, hoặc đã bị sụp đổ do người dân đào
bới tìm vàng, trong đó có tháp Hòn Chuông ở huyện Phù Cát. Ngôi tháp cổ
này cùng nhiều tháp Chàm khác đang đòi hỏi có sự trùng tu.
Có thể nói rằng, 8 cụm tháp với tổng số 14 tòa tháp cổ còn lại trên đất
Bình Định được xem như một loại tài sản vô giá mà lịch sử đã ban tặng
cho miền Trung nước ta. Những bí ẩn về tháp Chàm mặc dù đã được tìm hiểu
nghiên cứu từ cả chục năm nay, tuy vậy cũng chỉ là những nghiên cứu bên
ngoài. Chúng ta tin rằng ở đó còn khá nhiều điều kỳ lạ, nhiều huyền
thoại lý thú cần được làm sáng tỏ.
Nguồn:Tạp chí hoạt động khoa học by Bi - Mi