12/01/2013 16:08 (GMT+7)
Số lượt xem: 95443
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Sau khi phá bỏ ngôi đền, có nhiều người tự nhiên mắc các chứng bệnh lạ.

Người dân xã Vĩnh Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An mấy năm nay vẫn truyền nhau câu chuyện lạ về một ngôi đền thiêng (Đền thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang nằm trên địa bàn xã) rằng: Sau khi phá bỏ ngôi đền ấy đi, có nhiều người tự nhiên mắc các chứng bệnh lạ.


Trước thông tin mang màu sắc mê tín, ma quái kia, chúng tôi quyết định về tận nơi để tìm hiểu sự thật.

Ngôi đền ngàn tuổi

Con đường nhỏ ngoằn ngoèo len lỏi qua những cánh đồng, những vạt rừng xanh tươi dẫn chúng tôi đến ngôi đền thiêng thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang. Khi được hỏi về câu chuyện đền thiêng “báo oán”, vẻ mặt người dân nơi đây đều thể hiện rõ sự hoang mang, sợ hãi. Tất cả đều có ý lảng tránh rồi bảo chúng tôi hãy gặp người khác.

Đền thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang đang được xây dựng lại.
Đền thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang đang được xây dựng lại.

May mắn, theo chỉ dẫn của mọi người, chúng tôi gặp được ông Nguyễn Hữu Châu, người viết thần tích và thần phả về tướng Lý Nhật Quang (hoàng tử thứ 8 của vua Lý Thái Tổ). Trên nền đất, ngôi đền thờ Lý Nhật Quang đang gấp rút hoàn thiện, nằm sát bên bờ sông Lam cuồn cuộn sóng nước, ông Châu thở dài: “Không chỉ tôi, mà tất cả người dân nơi đây đều mong muốn ngôi đền sớm được hoàn thiện. Đây được xem như tấm lòng của ông Nguyễn Sỹ Ngọc và toàn thể người dân, mong muốn “bù đắp” lại những sai lầm trước đây…”.

Ông Châu cho biết, nền móng của ngôi đền cũ không phải ở đây mà ở một khu khác. Chỗ đất của ngôi đền cũ, người dân đã xây dựng nhà cửa trên đó, nên mọi người đã chọn khu đất mới này. Theo ông Châu, cuộc đời và số phận của tướng Lý Nhật Quang, cũng như ngôi đền thờ ngài trên đất Vĩnh Sơn này trải qua biết bao thăng trầm lịch sử.

Tháng 2 năm Mậu Thìn (1028), sau khi Thái tử Lý Phật Mã (anh trai của hoàng tử Lý Nhật Quang) lên ngôi vua (tức là vua Lý Thái Tông), Lý Nhật Quang được chọn ra để trông coi việc tô thuế ở Nghệ An. Năm Giáp Thân (1044), vua thân chinh dẫn quân đi đánh Chiêm Thành. Lúc đưa quân vào đất Chiêm Thành, vua đã giao cho Lý Nhật Quang lo tích trữ quân lương và bố phòng tốt các vùng biên giới ở Nghệ An. Lý Nhật Quang đã hoàn thành xuất sắc mệnh lệnh.

Tháng 7 năm đó, nhà vua giành thắng lợi. Trên đường khải hoàn, vua đã dừng chân ở đất Nghệ An và xem xét công lao của Lý Nhật Quang. Vua đã trao quyền tiết việt (quyền định đoạt mọi chuyện chính sự tại Nghệ An) và gia phong tước vương, gọi là Uy Minh Vương Lý Nhật Quang.

Ông Nguyễn Hữu Châu.
Ông Nguyễn Hữu Châu.

Với trọng trách vua giao, Lý Nhật Quang đã xây dựng được đội quân mạnh mẽ, trở thành một trong những pháo đài kiên cố. Không những thế, ông còn thể hiện tài kinh bang tế thế, phát triển kinh tế, chiêu an dân lưu tán trong các vùng đất khác về khai khẩn đất hoang, lập ra nhiều ấp mới. Ngài đã tiến hành hàng loạt biện pháp khuyến nông như dạy cho dân nghề nuôi tằm, dệt lụa, mở rộng chăn nuôi, phát triển nhiều nghề thủ công, cho xây dựng nhiều công trình thủy lợi, giao thông, phát triển nhiều ngành nghề: khai mỏ, luyện kim, rèn sắt, đóng thuyền. Hiện nay, nhiều nghề thủ công ở Nghệ An và Hà Tĩnh có từ thời Lý Nhật Quang.

Theo truyền thuyết kể lại, khoảng năm 1057, miền biên giới do Ngài cai quản bị bọn phỉ Lão Qua (nước Lào) thường xuyên vượt biên sang cướp phá. Trong một lần đưa quân đi dẹp loạn, Lý Nhật Quang bị thương rất nặng, khi ông chạy qua địa phận xã Đại Điền (nay là xã Vĩnh Sơn, huyện Anh Sơn) ông đã để lại huyết tích. Sau này khi Ngài hóa, người dân Vĩnh Sơn đã xây ngôi đền thờ để tưởng nhớ công ơn của ông.

Gần một thiên niên kỷ đi qua, người dân đất này vẫn nhớ ơn ông, bảo vệ, gìn giữ và hương khói hằng ngày. Tuy nhiên, khi có chủ trương bài trừ mê tín dị đoan, lãnh đạo xã Vĩnh Sơn đã cho phá đền thờ Lý Nhật Quang (khoảng năm 1954), những bức tượng được mọi người chuyển ra hậu điện. Cũng từ đó, những người tham gia vào việc tháo dỡ đền đều gặp phải những tai ương.

Cần một lý giải khoa học

Dù những cái chết bí ẩn xảy ra cách đây đã nhiều năm, nhưng người dân nơi đây vẫn kể lại câu chuyện một cách rành mạch như vừa diễn ra. Theo đó, người gặp nạn đầu tiên tên là Vi, ở huyện Tân Kỳ. Chẳng là khi ngôi đền bị tháo dỡ, thấy cây Lim khô chơ vơ giữa khoảng đất rộng, người đàn ông này đã hỏi mua lại cây đó. Tuy nhiên, tối hôm đó về, không hiểu vì sao ông Vi tự đổ xăng lên người rồi đốt. Không những thế, 5 - 6 người được ông thuê để cưa cây và vận chuyển cũng đồng loạt phát điên, tự mình cầm dao chém vào người, vào tay mình.

Câu chuyện về mấy đứa trẻ nghịch dại mổ bụng hai ông “thần thiện, thần ác” về sau đều bị tâm thần và chết một cách bí ẩn đã khiến người dân nơi đây hoang mang. Rồi chuyện một thanh niên từng cưỡi ngựa gỗ trong đền, khi đi qua sông lặng sóng cũng ngã chết đuối một cách khó hiểu.

Tuy nhiên, trên thực tế, chúng tôi đã cố gắng bằng mọi cách tìm hiểu để gặp gỡ trực tiếp nhân chứng trong những câu chuyện ấy nhưng dường như những câu chuyện này chỉ là giai thoại. Nhân chứng trong những câu chuyện này tương đối mờ nhạt, khó xác định. Hỏi đích xác tên tuổi, địa chỉ thì ai cũng ậm ừ vì không nhớ rõ.

Thế nhưng, có một sự việc được cho là hậu quả của việc động đền mà chúng tôi đã tận mắt chứng kiến, ấy là việc nhiều người dân hiện sống quanh ngôi đền bỗng nhiên mắc bệnh ung thư mà chết.

Theo mọi người chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Duy Công - người được cho là đang bị “Ngài hành”. Ngồi trên thềm với đôi mắt bị mù, ông Công kể: “Năm 1995, gia đình tôi được chính quyền cấp cho mảnh đất trên nền chính điện cũ. Tôi xây nhà và đưa con cháu đến ở, chẳng ngờ kể từ đó mắt tôi cứ mờ dần, con cái thì luôn ốm đau, bệnh tật, làm ăn thất bát. Tôi cũng chẳng hiểu vì sao số mình lại hay gặp phải chuyện đen đủi như thế?”.

Cũng theo ông Công, anh Bình nhà bên cạnh từ khi đến xây nhà trên nền đất của đền, mắt cũng bỗng bị lòa đi. Một số người khác ở trên nền đất khu vực đền như nhà ông Công, không chứng nọ thì cũng tật kia. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh khó khăn nên họ không thể mua được mảnh đất khác để chuyển đi.

Chẳng cần phải sổ sách, anh Nguyễn Bá Toàn, Xã đội trưởng xã Vĩnh Sơn bấm đốt tay xác nhận: “Có khoảng hơn chục người dân sống quanh ngôi đền Lý Nhật Quang cũ bị chết vì ung thư. Và hiện vẫn còn ông Nguyễn Viết Trọng (54 tuổi) bị ung thư vòm họng, ông Nguyễn Văn Châu (55 tuổi) bị ung thư phổi, ông Phạm Bá Hạnh (37 tuổi) bị ung thư ruột, Phạm Thị Ngân (20 tuổi) ung thư vòm họng giai đoạn cuối…

Trước tình cảnh đó, người dân nơi đây hết sức hoang mang, nhiều người vì thế đã bỏ xứ mà đi. Tuy nhiên, giải thích cho việc vì sao nhiều người bị mù, ung thư như thế, anh Toàn dự đoán: “Rất có thể là do nhiễm hóa chất của kho sản xuất vũ khí trước đây. Chuyện là vào khoảng năm 1947, Nhà nước đã xây dựng tại địa bàn xã một xưởng chế tạo vũ khí mang tên Lê Đình Dụ. Đến năm 1949, xưởng bị máy bay địch đánh sập…”.

Nghi vấn được nhiều người đặt ra là: Những hóa chất còn lại của xưởng vũ khí đã ngấm vào đất, vào nước trong vùng, người dân sử dụng nước ấy lâu dần rồi mắc bệnh.

Thực tế, chính quyền xã Vĩnh Sơn cũng đang loay hoay với nghi vấn này bởi sau khi báo cáo tình hình lên huyện, lên tỉnh, mới chỉ có vài đoàn về lấy mẫu đất, mẫu nước để nghiên cứu nhưng hiện vẫn chưa có hồi đáp hay giải pháp cụ thể nào. Chính vì vậy, cũng như tâm lý chung của mọi người, khi điều trùng hợp kia chưa được lý giải một cách thấu tình đạt lý, có cơ sở khoa học người dân sẽ nghĩ ngay đến chuyện tâm linh, ma quỷ.

Bởi vậy, các cơ quan chức năng cần vào cuộc sớm để tìm ra nguyên nhân, cũng như lý giải một cách khoa học, giúp người dân ổn định tâm lý, tránh tâm trạng hoang mang mà nảy sinh hiện tượng mê tín dị đoan.

(Theo VOV)


Tiêu điểm:

Âm lịch

Ảnh đẹp