Cách đây ít lâu - chính
xác là ngày 14 tháng 9 - một bài viết được đăng lên trang Phật giáo Thư viện Hoa
sen có nhan đề “Kinh Vu Lan Bồn thực hay giả?”
của tác giả Đáo Bỉ Ngạn. Ngay hôm sau đó, bài viết này cũng xuất hiện trên trang
Văn hóa Phật giáo và gợi lên một loạt những tranh biện kéo dài đến hơn một tháng
sau. Ý kiến cuối cùng được đăng bên dưới bài viết này là vào ngày 20 tháng 10.
Qua bài viết trên và các ý kiến tranh biện của người đọc, tôi nhận ra khá nhiều
sai lệch từ cả 2 phía, dù là tán thành hay không tán thành. Vì thế, tôi có cảm
nhận là bài viết này không mang lại lợi ích về mặt tu tập cho cả người viết lẫn
người đọc. Mặc dù bài viết không có giá trị nhiều lắm về mặt học thuật, do tác
giả vấp phải quá nhiều sai sót rất cơ bản, nhưng rõ ràng đây là vấn đề khiến
nhiều người Phật tử quan tâm. Bản thân tôi đã được BBT Văn hóa Phật giáo online
chuyển cho xem thư bạn đọc gửi về Tòa soạn bày tỏ ý kiến quan ngại về bài viết
này. Điều quan trọng hơn nữa là, những ý kiến của đa số người đọc cho thấy họ có
phần nào đó còn rất mơ hồ trong
việc tiếp cận Kinh điển,
vốn là nguồn Giáo pháp quan trọng và chuẩn xác nhất cho người học Phật. Vì thế,
tôi sẽ cố gắng trình bày trong bài viết này một vài kinh nghiệm bản thân cũng
như những nhận thức chân chánh mà người Phật tử rất cần phải có khi đọc Kinh
điển. Và như đã nêu trong tiêu đề bài viết, nội dung bài này sẽ không nhằm mục
đích tranh biện, vì điều đó không cần thiết, mà chỉ thông qua sự phân tích sơ
lược một vài điểm trong bài viết “Kinh Vu Lan Bồn thực hay giả?” để trình bày
với người đọc một vấn đề quan trọng và có tính phổ quát hơn trong sự tu tập. Đó
là: Người Phật tử chúng ta nên đọc Kinh điển theo cách như thế nào? Nếu vấn đề
này được làm sáng tỏ, thì chắc chắn người đọc sẽ không còn khởi tâm nghi ngại
khi có người nêu lên những vấn đề tương tự. Và trong thực tế thì điều tương tự
cũng đã từng xảy ra với Kinh Pháp Hoa, Kinh A-di-đà, Kinh Địa Tạng... và nhiều
Kinh điển Đại thừa khác.
Mục đích là như vậy, nhưng với khả năng hiểu biết còn hạn chế mà phạm trù được
đề cập thì quá lớn, nên cho dù người viết đã cố gắng giới hạn ở mức độ căn bản
nhất cũng chắc chắn không thể tránh được ít nhiều sai sót
trong khi trình bày. Vì thế, người viết sẽ vô cùng hoan hỷ nếu được đón nhận
nhiều nhận xét góp ý cũng như những lời chỉ dạy từ các vị thiện hữu tri thức,
chư tôn đức gần xa, để vấn đề càng được sáng tỏ hơn và mang đến những lợi ích
thiết thực hơn cho mọi người trên con đường tu tập.
Trước hết, để trả lời câu hỏi mà ông Đáo Bỉ Ngạn nêu ra trong tiêu đề bài viết,
chúng ta cần nhìn thấy bản văn gốc của kinh Vu Lan Bồn hiện đang tồn tại. Cũng
như khi muốn thẩm định một món đồ là thật hay giả, chúng ta phải tận mắt nhìn
thấy món đồ ấy, không thể chỉ nghe người khác nói về nó đã vội kết luận. Kinh Vu
Lan Bồn, do ngài Trúc Pháp Hộ (Dharmarakṣa – Đàm-ma-la-sát 230 - 316) dịch vào đời Tây Tấn, là một trong
số những kinh văn được dịch từ Phạn ngữ sang Hán ngữ từ khá sớm, được xếp vào
Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh ở quyển số 16, kinh số 685, bắt đầu từ dòng 25
trang 779, tờ a và kết thúc ở dòng thứ 23, trang 779, tờ c. Như vậy, đây là một
bản kinh rất ngắn. Toàn văn kinh không đến 1.000 chữ trong Hán ngữ. Quý vị không
cần thiết phải khổ công sang tận Ấn Độ như các ngài Huyền Trang, Pháp Hiển... để
tìm thỉnh kinh này, mà có thể
bấm vào đây để xem ngay toàn văn trực tuyến.
Quý vị nào không tin cậy nơi bản văn điện tử vì sợ có sai sót, xin mời bấm vào đây để xem hình chụp bản khắc gỗ trong Càn Long Tạng.
Sở dĩ tôi xem đây là bản văn gốc, vì ông Đáo Bỉ Ngạn cho rằng bản kinh này do
người Tàu ngụy tạo, cho nên bản văn ngụy tạo này phải là bản chữ Hán chứ không
phải bản Việt dịch của nó. Bởi lẽ đơn giản là ta không thể xem xét bản dịch
tiếng Việt rồi đi đến kết luận rằng bản gốc nguyên ngữ là ngụy tạo, vì còn phải
xét đến khả năng bản dịch có chỗ không chính xác chẳng hạn.
Về lý thì là như vậy, nhưng sau khi đọc qua bản văn chữ Hán và xem lại các bản
Việt dịch hiện đang lưu hành, tôi nhận thấy cũng không có sai lệch gì nhiều, hết
thảy đều chuyển đạt được ý chính của toàn văn kinh. Vì thế, quý độc giả nào
không biết chữ Hán vẫn có thể yên tâm đọc các bản dịch tiếng Việt, không cần
phải nghi ngại.
Nhưng sau khi xem kỹ bản văn gốc thì tôi đi đến kết luận là ông Đáo Bỉ Ngạn chưa
hề đọc qua Kinh này, hoặc ít ra thì cũng là đọc theo cách không khác gì chưa đọc.
Kết luận này dựa trên 2 lý do rất rõ ràng:
Thứ nhất, ông nêu ra những thắc mắc trong bài viết vốn đã được giải thích rất rõ
trong Kinh văn.
Thứ hai, ông dẫn ra những chi tiết để chứng minh kinh này ngụy tạo, nhưng những
chi tiết đó hoàn toàn không có trong Kinh văn.
Như vậy là, điều thật có trong Kinh thì ông không biết; điều không có
trong Kinh thì ông thêm vào, do đó nên tôi kết luận ông chưa đọc bản kinh này
hẳn là không quá võ đoán. Tất nhiên, tôi có trách nhiệm phải chứng minh được
từng điểm đã nêu trên.
Điểm thứ nhất, những thắc mắc của ông đều đã được giải thích rõ ràng trong Kinh
văn. Tôi sẽ liệt kê và chỉ rõ từng điểm dưới đây. Những chữ in nghiêng là nguyên
văn trong bài viết của ông.
1. Nhưng tại sao chỉ nhắc đến Mẹ mà không báo hiếu Cha? (Hết trích) Xin
thưa, toàn văn kinh có 19 lần sử dụng cụm từ phụ mẫu, như hiện tiền phụ mẫu,
thất thế phụ mẫu, dục độ phụ mẫu... Tuy là nói chuyện ngài Mục-kiền-liên muốn
cứu mẹ, nhưng khi Đức Phật dạy pháp Vu Lan Bồn ngài luôn nói đến cả cha và mẹ
chứ không có chỗ nào nói đến mẹ mà không nhắc đến cha. Khuynh hướng nhắc đến Mẹ
nhiều hơn Cha vào mùa Vu Lan cũng đã có người từng nêu ra, nhưng đó hoàn toàn là
chuyện của người đời, không liên quan gì đến Kinh điển nên ở đây không bàn đến.
Nhưng điều này cho thấy tác giả chỉ "nghe nói" về Kinh Vu Lan Bồn chứ chưa từng
thực sự đọc kinh!
2. Mà tại sao chỉ có báo hiếu vào mùa này nhỉ? Còn mùa khác thì không báo
hiếu sao? (Hết trích) Ngay từ đầu Kinh, Đức Phật đã khen ngợi lòng hiếu thảo
của ngài Mục-kiền-liên là "cảm động cả trời đất", như vậy có nghĩa ngài không
cho rằng chỉ đến mùa Vu Lan hay thiết lễ Vu Lan mới là báo hiếu. Vu Lan Bồn là
một thắng hội đặc biệt nhằm một mục đích đặc biệt, nhưng Kinh văn không hề nói
rằng đây là cách duy nhất hay thời điểm duy nhất để báo hiếu. Người Phật tử xưa
nay đến mùa Vu Lan ngoài việc tụng Kinh Vu Lan Bồn còn tụng đọc cả kinh Báo phụ
mẫu ân, hay nói đủ là Phật thuyết Phụ mẫu ân trọng nan báo kinh. (Mời quý vị tìm
hiểu thêm về kinh này tại đây.) Nếu đã đọc qua kinh này thì sẽ thấy Đức Phật dạy
về hiếu hạnh như thế nào, không thể có thắc mắc kiểu như trên. Hơn thế nữa, cách
đặt vấn đề này cũng rất ư kỳ quặc. Điều này cũng tương tự như đặt câu hỏi: "Tại
sao chúng ta có ngày Môi trường thế giới 5/6, ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, ngày Nhà
giáo Việt Nam 20/11... ? Chẳng lẽ những ngày khác trong năm thì không quan tâm
đến môi trường, không tôn trọng nữ giới, không nhớ ơn Thầy Cô... ?" Đây là
chuyện quá đơn giản nên xin tùy độc giả xem lại cách đặt vấn đề này của ông Đáo
Bỉ Ngạn, tôi thấy không cần thiết phải dài dòng thêm ở đây.
3. Mà tại sao lại phải vào tháng Bảy âm lịch mới có Vu lan thắng hội? (Hết
trích) Kinh văn giải thích điều này rất rõ, vì đây là ngày Tự tứ, chư tăng vâng
lời Phật dạy trải qua 3 tháng an cư, đạo lực tăng trưởng, tâm ý thanh tịnh... Vì
trên đã dẫn văn bản gốc, và quý vị nào không biết chữ Hán vẫn có thể kiểm chứng
thông qua bản dịch tiếng Việt (và có cả bản tiếng Anh bên dưới) tại đây, nên tôi không cần nêu thêm chi tiết nữa.
4. Nếu tôn giả Mục Kiền Liên làm như vậy, thì các tôn giả khác cũng có mẹ
hoặc cha hoặc tứ thân phụ mẫu bị đoạ địa ngục. Vậy thì tính sao đây? Lẽ nào làm
được cho tôn giả Mục Kiền Liên mà vị khác lại không? (Hết trích) Thật kỳ lạ
thay, đây mới là phần nội dung chính của Kinh Vu Lan Bồn, thế mà ông Đáo Bỉ Ngạn
lại hoàn toàn không biết nên nêu lên một câu hỏi hết sức ngây thơ đến mức thật
dễ thương! Câu hỏi của ông thật ra chính là câu hỏi của ngài Mục-kiền-liên, là
duyên khởi để Đức Phật thuyết dạy pháp Vu Lan Bồn. Quý vị đọc lại Kinh văn sẽ
thấy rõ điều này, không cần dẫn chứng rườm rà. Kinh văn nói rõ là, đáp lại câu
hỏi của ngài Mục-kiền-liên, Đức Phật đã truyền dạy pháp Vu Lan Bồn vì các đối
tượng đời sau bao gồm "tỳ kheo, tỳ-kheo ni, quốc vương, thái tử, vương tử, đại
thần, tể tướng, tam công, bách quan, vạn dân, thứ nhân". Như vậy phải hiểu là
tất cả mọi thành phần trong xã hội, cho đến hàng "vạn dân, thứ nhân" còn thực
hiện được pháp này, huống hồ các vị đệ tử khác của Phật mà phải thắc mắc?
Đó là điểm thứ nhất đã nêu, về những thắc mắc của ông Đáo Bỉ Ngạn mà Kinh văn đã
giải thích quá rõ ràng. Chỉ có người chưa đọc kinh hoặc đọc mà không hiểu gì cả
mới có những thắc mắc như thế.
Bây giờ, tôi sẽ chứng minh điểm thứ hai, là ông Đáo Bỉ Ngạn đưa vào bài viết
những điểm không có trong Kinh văn. Điểm này là cực kỳ quan trọng, vì ông đã
dựa vào đó để kết luận Kinh Vu Lan Bồn là ngụy tạo. Tuy là quan trọng như thế,
nhưng điểm này lại quá dễ dàng để làm rõ, bởi vì quý vị chỉ cần đọc lại Kinh Vu
Lan Bồn qua bản tiếng Việt hoặc tiếng Anh tôi đã dẫn ở trên, thì sẽ thấy rõ. Bản
thân tôi đã đọc qua bản Hán văn và xin xác nhận một lần nữa là các bản dịch Việt
ngữ và Anh ngữ này đều có thể tin cậy được trong phạm vi chúng ta đang đề cập,
vì trong bản Hán văn tôi cũng không tìm ra những chi tiết mà ông Đáo Bỉ Ngạn đã
dẫn như dưới đây. Tương tự như trên, những chữ in nghiêng là nguyên văn trong
bài viết của ông.
1. Trong kinh này có ghi là đàn tràng này được thiết lập với sự cúng dường
phẩm vật (còn gọi là cúng trai tăng), và nhờ đến 500 vị thánh tăng A la hán cùng
chú nguyện vào, thì mẹ Ngài mới siêu thăng. (Hết trích) Chi tiết chính ở đây
là nhờ đến 500 vị A-la-hán, hoàn toàn không có trong Kinh văn. Đức Phật chỉ dạy
ngài Mục-kiền-liên cúng dường Thập phương Tăng trong ngày Tự tứ. Thập phương
Tăng hay Mười phương Tăng là một cụm từ phổ quát, chỉ đến Chư tăng ở khắp nơi.
Tất nhiên, khi đọc Kinh văn một cách nghiêm túc, sẽ không ai trong chúng ta lại
hiểu theo cách là phải mời cho đủ chư Tăng khắp mười phương, mà chỉ có nghĩa là
cúng dường một tập thể Tăng chúng thôi. Trên tinh thần đó, các lễ trai tăng đều
tùy duyên sự, tổ chức nơi nào thì mời chư tăng nơi đó, hoặc cúng dường tất cả
chư tăng trong một tự viện... Và như vậy không có nghĩa là không đúng lời Phật
dạy.
2. Vậy thì tôn giả chúng ta bấy giờ lấy đâu ra nhiều phẩm vật cúng dường?
(Hết trích) Câu hỏi này nối tiếp ý câu trên, và cũng là một thắc mắc khá kỳ quặc.
Bởi vì về phẩm vật, Kinh văn chỉ nêu lên một cách rất chung là "cụ phạn bách vị
ngũ quả, cấp quán bồn khí, hương du đĩnh chúc sàng phu ngọa cụ, tận thế cam mĩ
dĩ trứ bồn trung", như vậy chỉ nên hiểu chung chung là "đầy đủ các loại thực
phẩm, hương đèn hoa quả, những món nhu yếu cho sinh hoạt của chư tăng", chỉ thế
thôi. Còn đó là những thực phẩm gì, hương đèn hoa quả loại nào, nhu yếu ra sao...
tất nhiên là tùy tâm tùy sức của người trai chủ, Kinh văn không có chỗ nào thể
hiện ý bắt buộc, chỉ khuyến khích sự thành tâm thành ý mà thôi. Như nói "tận thế
cam mỹ" (ngon ngọt nhất trên đời) thì cũng không có nghĩa là phải đi tìm cho
được những món ngon nhất, mà chỉ có nghĩa là cung kính dâng lên những gì tốt đẹp
nhất trong khả năng hiện có của mình. Như chúng ta khi cúng Phật thì chọn bông
hoa tươi nhất, đẹp nhất, tất nhiên là trong hoàn cảnh lúc đó, khả năng lúc đó,
chứ hoàn toàn không có nghĩa là bắt buộc phải vượt hàng trăm cây số hay bỏ ra
hàng triệu đồng để có được những bông hoa đẹp hơn mới là đúng pháp. Tinh thần
này là phổ biến trong đạo Phật, nghĩa là chú trọng tâm thành hơn vật chất; chỉ
xem vật chất như một phương tiện bày tỏ tâm thành mà thôi. Trong Kinh điển còn
ghi chép lại câu chuyện ngọn đèn không tắt của bà lão bán dầu, vượt xa hàng vạn
ngọn đèn hoa lệ của vua Ba-tư-nặc dâng cúng. Đó là khác biệt ở tâm thành, chẳng
phải ở vật chất bên ngoài. Nếu không hiểu theo nghĩa như vậy, thì ngày nay Phật
tử chúng ta làm sao thực hiện được pháp Vu Lan Bồn? Vì thế, chuyện khó khăn về
phẩm vật là do ông Đáo Bỉ Ngạn gán ghép vào chứ hoàn toàn không có trong Kinh
văn.
Như trên tôi đã trình bày những điểm không hóa có, có hóa không trong bài
viết của tác giả Đáo Bỉ Ngạn. Với những dẫn chứng trực tiếp từ Kinh văn, tôi
nghĩ là việc có nên tin vào bài viết của ông hay không đã quá rõ ràng. Thế mà
vấn đề ông nêu lên lại cực kỳ quan trọng, có thể nói là quan trọng nhất nhì
trong các vấn đề của người học Phật: Đó là thẩm định tính chân thật của Kinh
văn. Tất nhiên, tôi không hề phủ nhận tính chất cần thiết của công việc này,
bởi chúng ta cách Phật quá xa, hơn 25 thế kỷ, nếu không thận trọng phân xét rạch
ròi, biết đâu lại không tin nhầm vào những văn bản mạo nhận là Kinh văn? Ai dám
chắc là trong quãng thời gian dài đằng đẵng hơn 25 thế kỷ lại không có ít nhiều
những văn bản ngụy tạo mạo xưng là Kinh điển? Thế nhưng, dường như ông không hề
biết rằng, đây không phải vấn đề đơn giản và dễ dàng để những người học Phật còn
ở mức độ thông thường có thể làm được.
Về mặt văn bản và học thuật, nghĩa là phạm trù kiến thức thuộc về thế tục, thì
đây là vấn đề của những học giả uyên thâm đa ngôn ngữ, có khả năng đọc thẳng vào
các văn bản gốc, như Hán văn, đôi khi cả Phạn văn, Tạng văn... nhằm so sánh, đối
chiếu trước khi kết luận. Hơn nữa, những vị có kiến thức như thế nhưng cũng phải
làm việc này với một sự cẩn trọng tối đa, như cất công tìm kiếm những bản văn cổ,
những bản văn có độ tin cậy cao, hợp tác và thảo luận với nhiều người có kiến
thức thích hợp để soi rọi vấn đề từ nhiều góc độ, cùng nhau giải quyết nghi vấn
v.v...
Nhưng Kinh văn là Thánh điển, nên những kiến thức thế tục vừa nói tuy là cần
nhưng vẫn chưa đủ, mà còn phải có thêm một khía cạnh nữa là phải uyên thâm Phật
pháp, có công phu hành trì mới hiểu được ý kinh. Kết hợp cả hai phạm trù đời và
đạo, cộng thêm với một sự cẩn trọng tối đa và một tinh thần vô vị lợi, chỉ hoàn
toàn hướng đến sự hoằng truyền Chánh pháp. Có như thế thì may ra mới tạm gọi là
đủ điều kiện, đủ tư cách để đề cập đến chuyện phân định thật giả trong Kinh điển.
Như vậy, ví như có người chưa từng nhìn thấy bản gốc của Kinh văn, hoặc thậm
chí có nhìn thấy cũng không có khả năng đọc, hoặc có khả năng đọc nhưng chưa đủ
sức hiểu hết ý nghĩa, thì liệu một người như thế có đủ tư cách phân định thật
giả trong Kinh điển hay chăng? Và nếu có đủ sự sáng suốt, liệu vị ấy có nên nêu
vấn đề này ra trước công luận hay chăng? Xin nhường câu trả lời cho mỗi độc giả.
Và thông qua những biện giải thực tế như trên, tiếp theo đây mới là ý chính tôi
muốn trình bày cùng quý độc giả. Liệu người Phật tử chúng ta khi đọc Kinh điển
có nên khởi tâm nghi ngờ hay chăng? Làm sao để biết chắc là mình không tin nhầm
vào những bản kinh ngụy tạo nếu có? Việc phân định thật giả rõ ràng là đòi hỏi
nhiều khả năng và tri thức vượt ngoài tầm những người bình thường, vậy chẳng lẽ
chúng ta cứ nhắm mắt tin bừa mà không thể tự mình phân định hay sao?
Xin thưa, không phải vậy. Từ lúc Phật còn tại thế, ngài đã nhiều lần cảnh báo
các vị tỳ-kheo là chớ vội tin theo bất cứ điều gì mà chưa có sự thực nghiệm, tự
mình phân tích, khảo xét, cho dù điều đó là do chính ngài nói ra. Từ chính kim
khẩu Phật nói ra mà còn phải thực nghiệm, phải phân tích, khảo xét, huống hồ là
chỉ đọc thấy trên mảnh giấy, cho dù mảnh giấy đó là Kinh văn! Ngay như tinh thần
học thuật của thế gian, hiện nay nhiều người trong chúng ta vẫn còn khâm phục và
thực hành theo nguyên tắc của người xưa: "Tín thư bất như vô thư." (Đọc sách mà
tin ngay vào sách thì chẳng bằng không đọc.) Sách thế tục còn như vậy, nếu đọc
Kinh điển mà không cẩn trọng hơn, chí thiết hơn, thì thử hỏi làm sao hiểu được ý
nghĩa sâu xa mầu nhiệm trong kinh? Vì thế, người Phật tử đọc kinh phải vâng theo
lời Phật dạy, tự mình thể nghiệm, tự mình hành trì, khảo xét, phân tích nghĩa lý,
ứng dụng thực tiễn, rồi mới có thể tự mình xác quyết xem những lời dạy trong
kinh là đúng hay không đúng, là chân hay ngụy, thật hay giả.
Trong trường hợp Kinh Vu Lan Bồn cũng vậy, mở trang kinh ra chỉ là chữ nghĩa,
văn tự. Nếu tin ngay vào những gì chép trong kinh, ấy là mù quáng, không đúng
lời Phật dạy. Nhưng nếu tự mình làm theo, tự mình hành trì, ắt sẽ tự mình cảm
nhận được phần nào đó những ý nghĩa sâu xa trong kinh, từ đó mới khởi lòng tin
chân chánh, dù ai có xuyên tạc, đả kích cũng không thể làm cho lay động được.
Tôi biết có nhiều Phật tử đến mùa Vu Lan thì phát tâm ăn chay, khai kinh trì
tụng suốt tháng Bảy, hồi hướng công đức cho ông bà cha mẹ hiện tiền hoặc quá cố.
Những vị này cho dù không có điều kiện tổ chức cúng dường trai tăng, cũng có thể
xem là đã thực hành đúng theo lời Phật dạy. Nhiều vị khác có điều kiện hơn thì
tổ chức trai tăng, cung kính cúng dường Tam bảo, hoặc nhiều hoặc ít... tất cả
những người làm như vậy đều có thể xem là làm theo lời Phật dạy. Qua những việc
làm đó, chắc chắn tự thân các vị sẽ cảm nhận được nhiều sự an lạc, hoan hỷ. Vì
sao vậy? Gia đình hòa thuận, con cái hiếu kính tôn trọng ông bà cha mẹ, tất yếu
vợ chồng sẽ lấy lòng hòa kính đối đãi nhau, làm sao không có hạnh phúc? Làm sao
không được an vui? Nếu có vị nào không tin, xin hỏi quý vị, nếu đã phát tâm tụng
xong thời kinh Vu Lan, lẽ nào ngay sau đó gặp chuyện nhỏ nhặt liền quát tháo
sừng sộ với vợ con? Chắc rằng sẽ tránh được điều này rồi. Hoặc giả quý vị thật
lòng cung kính chăm sóc hầu hạ cha mẹ, lẽ nào khi quý vị bảo ban con cái chúng
lại ngỗ nghịch không nghe? Chuyện ấy dù có ắt cũng sẽ được hạn chế, giảm thiểu
hơn, chứ không thể nói là vô tác dụng. Lại nói, chẳng lẽ trong năm chỉ đợi đến
mùa Vu Lan tháng Bảy mới lo báo hiếu? Xin thưa, trong 12 tháng nếu quý vị làm
cho thật trọn vẹn được 1 tháng cũng quý báu lắm rồi, hãy xem đó là bước khởi đầu,
sau đó tăng lên đến 2 tháng, 3 tháng... cho đến ngày ngày tháng tháng đều cung
kính báo hiếu mẹ cha, lẽ nào có thể nói như vậy không phải là làm theo lời Phật
dạy? Như người mới về chùa, thầy dạy ăn chay mỗi tháng 2 ngày, hẳn sẽ thấy là ít
ỏi quá, còn lại 28 ngày khác thì sao? Nhưng nếu làm được chuyện ít ỏi đó rồi,
mai sau tự khắc muốn tăng lên 4 ngày, 8 ngày... cho đến trọn tháng hoặc thậm chí
là trường trai. Tiến bộ hay không đều là do sự hành trì tu tập của chính mình,
nếu tự cảm nhận được sự an lạc, lợi ích, thì tất yếu sẽ ngày càng tăng tiến chứ
không ai ép buộc, mà cũng không thể xem thường những ai mới bắt đầu với mục tiêu
ít ỏi, nhỏ nhoi. Hãy xét như các chùa hiện nay thường tổ chức ngày Bát quan trai,
mỗi tháng Phật tử về tu tập một hoặc hai ngày, chẳng phải là quá ít đó sao?
Trong 28 ngày còn lại thì hỷ nộ ái ố tha hồ tăng trưởng hay sao? Thế nhưng, chỉ
những ai có tham gia tu tập trong một hoặc hai ngày đó mới thực sự tự mình biết
được nó có lợi ích hay không, nên làm hay không, và có giúp thay đổi phần nào
tính tình, thay đổi cuộc sống của bản thân mình và gia đình mình hay không. Phật
pháp là như vậy, chỉ có tự mình thực hành, tự mình thể nghiệm mới có thể tự mình
hiểu được ý nghĩa chân thật trong lời Phật dạy; từ những hành vi cử chỉ ứng xử
nhỏ nhặt thường ngày cho đến hết thảy các pháp môn sâu xa uyên áo cũng đều là
như vậy.
Trở lại vấn đề Kinh Vu Lan Bồn, nếu Phật tử nào đã từng nhiều lần thành tâm báo
hiếu mẹ cha trong mùa Vu Lan như lời dạy trong kinh, rồi xét thấy chẳng mang lại
chút lợi ích gì cho bản thân và gia đình, thì tự khắc vị ấy sẽ không còn tin
tưởng vào kinh điển này nữa, không cần thiết phải đưa ra những lý luận có-không,
không-có như ông Đáo Bỉ Ngạn để bác bỏ.
Nhưng nếu quý vị cũng giống như hàng bao nhiêu thế hệ đã qua, quả thật có tìm
được chút ấm áp tình cảm, chút an vui lợi lạc, chút chia sẻ cảm thông đầy tình
nghĩa trong mùa Vu Lan Thắng Hội, thì thiết tưởng dù có 100 bài viết đanh thép
hơn, lập luận chặt chẽ hơn bài viết của ông Đáo Bỉ Ngạn, cũng không thể vì thế
mà làm cho chúng ta khởi tâm nghi ngờ Kinh này. Mỗi chúng ta đều là con cái của
cha mẹ mình, nhưng đồng thời cũng là những bậc cha mẹ, ông bà của thế hệ tiếp
theo. Nhờ có Vu Lan Thắng Hội mà mối quan hệ trong chuỗi tiếp nối nhiều thế hệ
như vậy từ xưa nay luôn được giữ gìn tốt đẹp, chan hòa đạo nghĩa cũng như tình
cảm. Một mùa lễ hội thấm đẫm tình người, thấm đẫm tính nhân văn như vậy, thiết
nghĩ nếu như hiện nay chưa có thì ắt là văn minh nhân loại cũng rất cần phải đặt
ra cho có, huống hồ chúng ta may mắn được kế thừa truyền thống tốt đẹp từ hơn 25
thế kỷ qua mà nay lại khởi tâm hồ nghi, và lại hồ nghi dựa trên những lập luận
hoàn toàn không xác đáng?
Tôi nói điều trên hoàn toàn không chỉ là ý kiến cá nhân, chủ quan, mà là có thực
tiễn chứng minh cụ thể. Trong truyền thống văn hóa phương Tây, do tiếp xúc muộn
màng với đạo Phật nên trước đây họ không có lễ Vu Lan, nhưng họ lại có Ngày của
Mẹ (Mother's Day) là ngày chủ nhật thứ nhì trong tháng Năm (nhưng cũng có khác
biệt về thời gian ở một số nước khác nhau). Khi so sánh ngày này với Vu Lan
Thắng Hội, chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào là chữ hiếu được đặt nặng hơn
trong nền văn hóa chúng ta, vì tuy ý nghĩa là tương đồng ở chỗ tưởng nhớ đến cha
mẹ (Ở đây mới là chỗ ông Đáo Bỉ Ngạn nên đặt câu hỏi, vì họ không nói đến cha,
mà Ngày của Cha - Father's Day - lại rơi vào một ngày khác, là ngày chủ nhật thứ
ba của tháng Sáu.) nhưng ý nghĩa của Vu Lan Thắng Hội là sâu xa hơn rất nhiều,
và ảnh hưởng của mùa Vu Lan trong toàn xã hội cũng mạnh mẽ hơn, rộng khắp hơn.
Nếu chúng ta đọc Kinh điển theo cách như trên, nghĩa là kết hợp song song với
sự hành trì thực nghiệm, thì cho dù không có kiến thức uyên bác, không được đọc
nhiều kinh điển, cũng vẫn có thể nhận được phần lợi ích từ những kinh văn đã
tụng đọc.
Thế còn việc phân định thật giả khi đọc Kinh điển thì sao? Tất nhiên, khi đã đọc
kinh với sự nghiêm túc suy xét nghĩa lý thì ta sẽ thấy có những chỗ ta hiểu được
và những chỗ ta chưa hiểu được. Và trong những chỗ ta chưa hiểu được đó, lại có
khả năng hoặc là do ta còn kém hiểu biết, hoặc là ngay trong kinh văn có sự sai
lệch. Tuy nhiên, đó là nói cho cạn lý mà thôi, chứ theo nhận định của riêng tôi
thì những chỗ gọi là sai lệch đó thật ra không đáng kể, bởi tất cả kinh điển đều
đã trải qua sự khảo đính, rà soát của nhiều bậc đại sư, trí giả qua nhiều thế hệ,
nên việc sót lại một đôi chỗ sai lệch tuy là có thể có nhưng không đến nỗi làm
lệch lạc ý kinh, và do đó nên nếu chúng ta không đủ trình độ để phân biệt cũng
không phải là điều đáng ngại. Ta có thể đặt niềm tin vào các bậc thầy trực tiếp
dẫn dắt ta, trực tiếp dạy dỗ ta trên đường tu tập.
Tại sao tôi nhấn mạnh ở đây 2 chữ trực tiếp? Bởi vì cho dù là một vị cao tăng
danh tiếng nhưng ta không được trực tiếp tiếp xúc, trực tiếp thọ học, thì cũng
không thể giúp ta được nhiều lợi lạc bằng một vị tăng bình thường nhưng trực
tiếp dẫn dắt, dạy dỗ cho ta. Lấy trường hợp như ông Đáo Bỉ Ngạn dựa vào lời của
Hòa thượng Tuyên Hóa là một bậc cao tăng, nhưng lời đó rõ ràng không mang đến
lợi lạc cho ông, ấy là vì ông không được trực tiếp thọ học với ngài, nên chỗ
hiểu sai của ông không thể được ngài chỉ dạy.
Tất nhiên, vì là những người Phật tử nên chúng ta lấy lòng thành tín trao đổi
cùng nhau, và tôi đặt niềm tin vào trích dẫn của ông là Hòa thượng Tuyên Hóa có
tuyên bố "Kinh Vu Lan Bồn là ngụy tạo". Nhưng nếu xét về mặt học thuật thì lẽ ra
ông nên nói rõ Hòa thượng đã tuyên bố như vậy trong trường hợp nào, ghi chép ở
sách nào, trang mấy, hoặc chí ít cũng cho biết là ở phần nào trong sách đó.
Trong bài viết ông chỉ nói là "theo pháp ngữ của ngài" mà không cho biết chi
tiết gì thêm, e rằng không đủ tính thuyết phục đối với người đọc.
Tuy nhiên, như đã nói, tôi lấy sự thành tín mà tin lời ông, nên sẽ tiếp tục phân
tích những gì ông trích dẫn. Ông trích dẫn rằng:
"Theo pháp ngữ của Ngài thì người Tàu ngụy tạo ra kinh “Vu lan bồn” nhằm củng
cố sự chuyên chế của giường cột phong kiến, vốn lấy Trung Hiếu làm đầu, dầu là
ngu trung và ngu hiếu!" (Hết trích)
Và ngay sau đó ông viết:
"...niềm sùng kính của tôi đối với Ngài là tuyệt đối vào thời điểm đó, nên
tôi hoàn toàn tin tưởng đây là sự thật." (Hết trích)
Ở đây, tôi xin nhắc lại Phật ngôn đã nói ở trên về việc "chớ vội tin". Đối với
lời chính Phật nói ra, đức Phật còn dạy chúng ta chớ vội tin, huống gì lời của
người chưa phải là Phật. Cho dù chúng ta chưa hề có ý nghi ngờ lời dạy của một
cao tăng, nhưng cũng có rất nhiều khả năng có thể xảy ra khi ta đọc lời ấy trên
văn bản: hoặc có thể bị sao chép, in ấn sai lệch, hoặc có thể được nói ra trong
một hoàn cảnh nhất định, với những đối tượng nhất định, hoặc có những dụng ý
nhất định mà ta chưa hiểu v.v... Vì thế, nói gì thì nói, việc ông Đáo Bỉ Ngạn
"hoàn toàn tin tưởng" khi chưa tự mình phân tích, tự mình thể nghiệm, khảo
xét mà chỉ dựa vào "niềm sùng kính"
thì rõ ràng là không đúng như tinh thần Đức Phật đã dạy. Đã tự mình vội tin, lại
đem niềm tin sai lệch ấy tác động đến nhiều người khác, nếu là người chân chánh
tu tập Giáo pháp Như Lai, có lẽ ông nên chí thành sám hối về sai lầm này.
Bây giờ, tôi mạo muội thử đặt mình vào vị trí của ông, nghĩa là do nhân duyên
nào đó được đọc qua lời tuyên bố như ông trích dẫn ở trên. Vì đây là vấn đề hệ
trọng, liên quan đến sự phân định thật giả trong Kinh điển, nên tôi không thể
cho phép mình vội tin ngay, mà sẽ vâng theo lời Phật dạy để tự mình phân tích,
khảo xét, tự mình thể nghiệm. Và dưới đây là kết quả phân tích, khảo xét, thể
nghiệm của riêng tôi.
Thứ nhất, lý do ngụy tạo Kinh Vu Lan Bồn được nêu trong câu trên là "nhằm
củng cố sự chuyên chế của giường cột phong kiến, vốn lấy Trung Hiếu làm đầu, dầu
là ngu trung và ngu hiếu". Thú thật, dù đọc đi đọc lại Kinh văn cả trăm lần,
dù là trong nguyên bản Hán văn hay bản dịch tiếng Việt và tiếng Anh, tôi đều
không thấy được cái mục đích này! Không một chỗ nào liên quan đến "giường cột
phong kiến" (đúng ra phải là rường cột, tôi không biết nguyên bản
viết sai hay người trích dẫn sai?), lại càng không có chỗ nào liên quan đến "ngu
trung, ngu hiếu". Mà nếu làm theo Kinh này là "ngu hiếu", thì e rằng
bao nhiêu thế hệ thầy tổ của chúng ta trước đây đều ngu cả rồi sao? Nghĩ đến đây
tôi bất giác thấy lạnh cả người, dù muốn tin câu này cũng quả thật không dám
tin!
Câu tiếp theo ông Đáo Bỉ Ngạn viết: "Ngoài ra còn nhiều mục đích khác nữa."
Nhưng vì không thấy phân biệt rõ ràng nên tôi cũng đành chịu, không biết là lời
của ông hay của Hòa thượng Tuyên Hóa. Hơn nữa, một câu chung chung như vậy chẳng
nói lên được điều gì cả, nên muốn phân tích ý nghĩa cũng chẳng biết làm sao mà
phân tích! Vì thế, tôi bắt đầu quay sang khảo xét về mặt văn bản. Đến đây, tôi
tìm được 2 văn bản có liên quan đến Hòa thượng Tuyên Hóa và Kinh Vu Lan Bồn.
Văn bản thứ nhất là Hòa thượng Tuyên Hóa lược giảng Kinh Diệu Pháp Liên Hoa,
quý vị có thể xem tại đây. Trong văn bản này, Hòa thượng Tuyên Hóa có đoạn
nhắc đến ngài Mục-kiền-liên và dẫn lại toàn bộ câu chuyện "Mục-kiền-liên cứu mẹ"
trong kinh Vu Lan Bồn. Mặc dù ngài không dẫn chính xác kinh văn, vì là trình bày
theo lối kể chuyện kết hợp giảng thuyết, nhưng tất cả chi tiết đều y như trong
kinh. Vì Hòa thượng Tuyên Hóa là một nhân vật gần đây, các đệ tử trực tiếp của
ngài còn sống rất nhiều, nên khả năng bản Lược giảng Kinh Pháp Hoa này bị
giả mạo hầu như không thể xảy ra, bởi các đệ tử của ngài chắc chắn sẽ lên tiếng
ngay nếu có điều đó. Do đây tôi có sự ngờ vực, nếu Hòa thượng Tuyên Hóa thực sự
tuyên bố rằng Kinh Vu Lan Bồn là ngụy tạo, vì sao ngài lại sử dụng nội dung kinh
trong bài thuyết giảng của mình?
Văn bản thứ hai là bản dịch Anh ngữ của Kinh Vu Lan Bồn, nhan đề "The Buddha Speaks the Ullambana Sutra", do Vạn Phật
Thánh Thành thực hiện, mà Vạn Phật Thánh Thành là do Hòa thượng Tuyên Hóa sáng
lập, các dịch giả ở đây hầu hết đều là đệ tử của ngài hoặc ít ra cũng là làm
việc theo tôn chỉ của ngài. Chúng ta đều biết, Hòa thượng Tuyên Hóa đề ra 8 quy
tắc rất nghiêm khắc cho việc phiên dịch nói chung, và công việc phiên dịch ở Vạn
Phật Thánh Thành nói riêng. Do đây tôi có sự ngờ vực, nếu Hòa thượng Tuyên Hóa
thực sự tuyên bố Kinh Vu Lan Bồn là ngụy tạo, vì sao các đệ tử của ngài lại vận
dụng 8 quy tắc vàng để phiên dịch một bản văn ngụy tạo, hơn nữa vẫn ghi rõ đó là
Kinh (sutra)?
Như vậy, sau khi tự mình khảo xét về mặt ý nghĩa và về mặt văn bản, tôi đều thấy
có những lý do xác đáng để không nên vội tin vào lời tuyên bố vừa đọc thấy như
trên.
Và từ đó tôi tiếp tục quay sang đặt câu hỏi về sự thực nghiệm của chính bản thân
mình. Ngay từ thuở nhỏ tôi đã nhiều lần được theo cha mẹ đến chùa trong dịp lễ
Vu Lan, thậm chí là khi còn chưa biết được ý nghĩa Vu Lan là gì. Từ đó đến nay,
đã quá tuổi "tri thiên mệnh", tôi chưa thấy chút nguy hại hay không tốt nào của
Kinh Vu Lan Bồn, mà trái lại mỗi Mùa Vu Lan về trong tôi đều đầy ắp những kỷ
niệm đẹp, những tình cảm dào dạt khó phai. Tôi từng dự lễ Vu Lan với tư cách một
người con, rồi đến một người cha, nhưng ở cương vị nào tôi cũng thấy lòng mình
thanh thản theo từng nhịp kinh tiếng mõ trong Mùa Vu Lan. Với những trải nghiệm
đó, tôi thấy không chút hoài nghi về tính chân thật của Kinh văn, và tôi vô cùng
hoan hỷ nếu như từ nay đến cuối đời vẫn luôn may mắn có đủ thiện duyên để thực
hành những lời dạy trong kinh vào mỗi Mùa Vu Lan.
Cuối cùng, sau khi kết hợp cả sự phân tích, khảo xét và tự mình thể nghiệm theo
đúng như lời Phật dạy, tôi đi đến kết luận là bản thân tôi không thể tin vào lời
tuyên bố nói trên, rằng Kinh Vu Lan Bồn là ngụy tạo. Còn việc Hòa thượng Tuyên
Hóa có tuyên bố như vậy hay không tôi xin miễn bàn, vì tôi thấy không còn cần
thiết nữa.
Bây giờ xin trở lại với vấn đề đọc Kinh điển của người Phật tử. Với cách đọc cẩn
trọng và toàn tâm toàn ý như trên, vậy mỗi khi gặp điều nghi ngại ta phải làm
sao? Dưới đây tôi xin chia sẻ vài kinh nghiệm của bản thân tôi, hy vọng sẽ có
ích phần nào cho quý vị khi rơi vào những trường hợp tương tự.
Từ năm khoảng 20 tuổi, tôi đã rất nhiều lần đọc kinh Duy-ma-cật, nhưng cứ mỗi
lần đọc đến câu "Tùy kỳ phát hành tắc đắc thâm tâm" (Từ chỗ khởi làm mà được
lòng tin sâu vững) là trong lòng tôi lại khởi lên một mối nghi không sao xóa bỏ.
Từ thuở còn đi học, mỗi khi đọc kinh điển tôi vẫn luôn dặn lòng là phải thực sự
hiểu biết rồi mới đặt niềm tin, bởi nếu không hiểu mà tin thì đó hẳn phải là một
niềm tin mù quáng. Điều này dẫn đến một hệ quả tất yếu là, đối với một sự việc
ta cần phải nhận hiểu, đặt niềm tin rồi sau đó mới bắt tay vào làm; vì nếu chưa
hiểu, chưa tin mà đã vội làm thì không thể tránh khỏi làm sai, làm bậy. Đối với
tôi vào lúc ấy thì điều này có vẻ như một chân lý bất di bất dịch, bởi nó phù
hợp với tinh thần lý luận khoa học cũng như những kiến thức mà tôi tiếp thu được
từ nhà trường. Và khi vận dụng vào sự tu tập, tôi cũng thấy là hoàn toàn thích
hợp. Như khi được nghe dạy về Năm giới, tôi nhất thiết phải tự mình tìm hiểu,
suy xét xem đó là những giới gì, ý nghĩa ra sao, thọ trì sẽ được những lợi ích
gì v.v... Chỉ sau nhận hiểu rõ ràng vấn đề và đặt niềm tin, tôi mới bắt đầu việc
thọ trì Năm giới... Và đối với tất cả những lời dạy khác trong kinh điển, tôi
tin là cũng đều nên như thế.
Nhưng theo câu kinh văn vừa nói trên thì dường như nếu chưa khởi làm (phát hành)
ta sẽ không thể có được lòng tin! Lẽ nào cách nhận hiểu của tôi từ trước là sai?
Lẽ nào người ta có thể khởi làm một điều gì đó khi chưa có được niềm tin? Những
nghi vấn này theo đuổi tôi trong nhiều năm liền, nhưng rất may mắn là nhờ tiếp
nhận được nhiều ý nghĩa khác từ kinh văn nên trong lòng tôi hoàn toàn không có
sự nghi ngờ về tính chân thật của kinh điển, chỉ khởi nghi tình duy nhất ở câu
kinh mình chưa hiểu được đó mà thôi. Nhờ vậy, tuy vẫn ôm mối nghi tình nhưng
niềm tin của tôi vào Tam bảo, vào Chánh pháp không hề suy suyển, vẫn mỗi ngày
một tăng tiến hơn. Cho đến nhiều năm sau, khi trải qua những lần cận kề với cái
chết, tâm thức được thử thách trong nhiều điều kiện khắc nghiệt, tôi mới chợt
nhận ra rằng cái niềm tin của tôi từ thuở đôi mươi về trước hoàn toàn không phải
là niềm tin sâu vững (thâm tâm) mà kinh văn nói đến. Niềm tin đó dựa vào sự suy
diễn, lý luận nên thực chất của nó là rất mong manh và dễ dàng bị lay chuyển,
đổi thay theo hoàn cảnh. Trái lại, niềm tin có được sau nhiều năm thực hành lời
Phật dạy là một niềm tin hoàn toàn khác hẳn. Đó là một niềm tin sâu vững, chắc
chắn đến mức cho dù ta có rơi vào bất kỳ hoàn cảnh nào, đối trước bất kỳ trở lực
nào, cũng sẽ không hề mảy may khởi lên một chút nghi ngại hay thối chí. Vì thế,
đến lúc này thì ý kinh trở nên hoàn toàn sáng tỏ với tôi và mối nghi tình ngày
xưa cũng tự nhiên tan biến.
Từ kinh nghiệm đó, tôi tin chắc rằng người Phật tử chúng ta khi đọc Kinh điển
hoàn toàn có quyền, và thậm chí là cần phải, sinh khởi nghi tâm ở những nơi nào
ta không thực sự hiểu được. Mối nghi này không hề ảnh hưởng đến niềm tin hay sự
tu tập của ta, mà ngược lại còn có tác dụng thôi thúc ta tìm hiểu chuyên sâu hơn
vào Giáo pháp, thực hành tinh tấn hơn những gì đã học hiểu, nhằm có thể tự mình
tháo gỡ nghi tình.
Tuy nhiên, cần phân biệt rõ giữa nghi tâm cầu tiến như trên với sự hoài nghi,
hoang mang của những người chưa đặt trọn niềm tin vào Chánh pháp. Những nghi ngờ
loại sau này ngăn trở ta đi theo Chánh pháp, gợi lên trong lòng ta những phóng
tưởng si mê, và vì thế nó là cực kỳ tai hại.
Chẳng hạn, như trường hợp nói trên của tôi, nếu thay vì giữ vững niềm tin vào
Tam bảo, vào Chánh pháp, tôi lại quay sang phát triển sự biện luận, nhận hiểu
của mình – tất nhiên là còn đầy si mê trong đó – để chứng minh rằng Kinh
Duy-ma-cật có vấn đề, có chỗ sai lệch v.v... thì chẳng những bản thân tôi xem
như tuột dốc không phanh, mà thậm chí còn có nguy cơ kéo theo nhiều người khác
nữa, nếu họ đặt niềm tin nơi tôi.
Những phóng tưởng trong tâm thức ta có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào, nhưng chúng
thường hoạt động mạnh mẽ nhất khi ta có sự nghi ngờ không đúng pháp như vừa nói
trên. Chẳng hạn, khi ta nghi ngờ một người nào đó là tội phạm thì có vẻ như mọi
thứ nơi người ấy, từ cử chỉ hành vi cho đến dáng vẻ, cách ăn mặc... sẽ đều có vẻ
như rất giống một tội phạm! Đó chính là do sự phóng tưởng nơi tâm ta. Nó như cặp
kính màu khiến cho ta không còn nhìn thấy được sự vật đúng thật như bản chất của
chúng. Nếu tự mình nhớ lại, chắc chắn mỗi người trong quý vị đều có thể dễ dàng
tìm được những ví dụ sống động về những phóng tưởng tương tự như thế. Đây chính
là nguyên nhân quan trọng khiến cho những mối bất hòa thường có khuynh hướng
ngày càng trở nên sâu đậm hơn. Khi ta nghĩ về một người như là "người xấu", ta
sẽ luôn có khuynh hướng thấy mọi việc làm, mọi lời nói, thậm chí là mọi thứ liên
quan đến người ấy đều... xấu. Một khuynh hướng hoàn toàn phản khoa học, nhưng
lại là một khuynh hướng rất thường gặp và chi phối rất nhiều trong cuộc đời ta,
nếu ta không có sự sáng suốt tu tập Phật pháp để hóa giải.
Tôi đi sâu vào điều này là để nêu ra một ý nữa mà người Phật tử cần lưu ý khi
đọc kinh điển. Hãy đọc kinh điển với tâm thanh tịnh sáng suốt và loại trừ mọi
phóng tưởng. Mà phóng tưởng trong trường hợp này là gì? Đó là những điều hoàn
toàn không thật có, nhưng do sự suy diễn, sự thiên kiến hoặc ngờ vực của ta mà
chúng được tạo thành. Đối với ta, những phóng tưởng ấy thường có vẻ như rất hợp
lý, rất đúng đắn. Thế nhưng, nếu khách quan phân tích thì ta sẽ thấy ngay là
chúng rất vô lý và thậm chí đôi khi thật khôi hài. Tôi xin lấy một vài ví dụ
ngay trong bài viết của ông Đáo Bỉ Ngạn. Ông viết:
Trong kinh “Địa tạng bổn nguyện” một người nữ Bà la môn, vì thương mẹ mình bị
mất mà không biết thác sanh vào chốn nào, niệm tôn hiệu của Đức Giác Hoa Định Tự
Tại Vương Như Lai chỉ một ngày một đêm thì người mẹ ấy từ địa ngục thác sanh vào
cõi trời. Suy ra, 500 vị thánh tăng A la hán cùng chú nguyện chỉ bằng một người
nữ Bà la môn? Phải chăng chỗ này lộ ra sự vô lý về đối tượng “cầu siêu” và “đạo
lực” giữa một người phụ nữ với hàng trăm vị thánh tăng? (Hết trích)
Đoạn văn lý luận này mới đọc qua nghe như rất hợp lý, vì bao gồm đủ các phần nêu
dữ kiện, so sánh và kết luận. Nhưng thực chất thì đây hoàn toàn là một phóng
tưởng được sinh khởi từ sự nghi ngờ của ông đối với Kinh Vu Lan Bồn. Tôi sẽ làm
một thao tác đơn giản là hệ thống hóa lập luận trên của ông để chỉ ra điều này:
Người nữ bà-la-môn niệm Phật để cứu mẹ mình trong 1 ngày đêm => có kết quả
Năm trăm vị A-la-hán chú nguyện để cứu mẹ ngài Mục-kiền-liên => có kết quả
Suy ra: Năm trăm vị A-la-hán chú nguyện = Người nữ bà-la-môn
Sự tóm tắt như trên phản ánh trung thực những gì nêu ra trong đoạn văn, nhưng
khi nhìn vào hẳn quý vị sẽ thấy ngay tính khôi hài và vô lý của nó! Một đàng là
niệm tôn hiệu Phật, nghĩa là cầu sự gia bị của đức Phật, và có kết quả là nhờ
đặt niềm tin vào Đức Phật, nhờ có tha lực của Đức Phật; còn một đàng là sự chú
nguyện trực tiếp của các vị A-la-hán cho mẹ ngài Mục-kiền-liên, hai trường hợp,
hai phương tiện, hai pháp môn, hai đối tượng đều hoàn toàn khác nhau, làm sao có
thể so sánh được? Và kết quả suy ra cũng không liên hệ vào đâu cả. Nếu trong vế
trên là 2 người nữ bà-la-môn chẳng hạn, tất nhiên trong kết luận sẽ là 500 vị
A-la-hán = 2 người nữ bà-la-môn! Cách đặt vấn đề và suy luận như thế này, nếu là
ở một học sinh Tiểu học, tôi cũng rất lo ngại là học sinh ấy sẽ không qua nổi kỳ
thi tốt nghiệp! Và nếu không xếp lập luận này vào loại phóng tưởng, hẳn tôi cũng
không biết phải lý giải thế nào về đoạn văn lập luận này. Đó là chưa nói đến
việc 500 vị A-la-hán này cũng đã là sản phẩm tưởng tượng rồi chứ hoàn toàn không
có trong bản Kinh văn đang đề cập.
Nếu như ví dụ này chưa đủ làm rõ ý nghĩa của sự phóng tưởng, tôi xin nêu tiếp ví
dụ thứ hai, cũng ngay sau đó trong bài viết của ông Đáo Bỉ Ngạn:
Đối với người Tàu, cái gì cũng có thể nguỵ tạo, bịa đặt, vẽ rắn thêm chân.
Các vị xem “Tây du ký” là truyện chương hồi của Ngô Thừa Ân, khác xa với chính
sử về hình ảnh của Pháp sư Trần Huyền Trang còn gọi là Đường Tam Tạng... (Hết
trích)
Đoạn văn này được đưa ra để củng cố cho kết luận ở trên rằng Kinh Vu Lan Bồn là
ngụy tạo, vì thế ta có thể tóm tắt như sau:
Người Tàu cái gì cũng ngụy tạo => Tây du ký ngụy tạo chuyện ngài Huyền Trang
Kinh Vu Lan Bồn do người Tàu làm ra => Vậy Kinh Vu Lan Bồn là ngụy tạo.
Mới nhìn qua có vẻ như đây một lập luận vững chắc theo kiểu Tam đoạn luận. Thế
nhưng xét lại thì thấy ngay là mỗi vế đi một đường, chẳng liên quan gì đến nhau
cả! Nếu cách chứng minh này được chấp nhận, thì xem như tác giả sẽ chứng minh
được tất cả kinh điển trong Đại Chánh Tạng đều là ngụy tạo, vì đều do người Tàu
làm ra cả! Chỉ cần thay tên kinh là Kinh Pháp Hoa, Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Đại Bát
Nhã v.v... thì phương trình vạn năng này sẽ bác bỏ hết tất cả Kinh điển Phật
giáo trong Hán tạng. Thật đáng sợ! Nếu không hiểu đây là sự phóng tưởng từ mối
nghi ngờ của tác giả thì không biết phải hiểu khác đi như thế nào? (Ấy là chưa
nói đến một sai lầm cũng rất nghiêm trọng ở đây mà dường như tác giả hoàn toàn
không biết: Người dịch kinh Vu Lan Bồn không phải người Tàu! Như đã lược dẫn
ngay từ đầu bài viết, ngài là một cao tăng từ Ấn Độ sang, tên Phạn ngữ là
Dharmarakṣa, hay Đàm-ma-la-sát, niên đại vào khoảng 230 – 316. Tên Hán ngữ
của ngài là Trúc Pháp Hộ, với chữ Pháp Hộ là dịch nghĩa, còn chữ Trúc được lấy
làm họ giống như một số vị tăng Ấn Độ khác vào thuở ban đầu Phật giáo mới truyền
sang Trung Hoa, để chỉ xứ Thiên Trúc, tức là Ấn Độ, chẳng hạn như các ngài Trúc
Pháp Lan, Trúc Phật Niệm...)
Như thế đó, nếu cũng trên tinh thần này, chúng ta đọc lại toàn bài viết thì sẽ
thấy còn rất nhiều điểm phóng tưởng khác từ sự nghi ngờ không đúng pháp của tác
giả. Vì thế, tôi muốn nhân đây nêu ra để tự nhắc nhở mình cũng như tất cả quý
Phật tử khi đọc Kinh điển là: Hãy tỉnh táo loại trừ mọi sự phóng tưởng của
tâm ý, rất dễ dàng sinh khởi khi trong tâm ta có sự nghi ngờ không đúng pháp.
Tóm lại, việc đọc kinh điển có thể nói là một phần cực kỳ quan trọng trong sự tu
tập của người Phật tử. Chư Tăng Ni không phải lúc nào cũng hiện diện bên cạnh để
dạy dỗ, dắt dẫn ta; mà dù có được vậy thì ta vẫn phải tự mình nỗ lực nghiên tầm
học hỏi từ Kinh điển mới có thể vững tiến trên đường đạo, chứ không thể hoàn
toàn ỷ lại vào người khác. Qua bài viết này, tôi hy vọng có thể chia sẻ được với
quý độc giả, quý Phật tử một số điểm cốt yếu khi đọc Kinh điển, để tránh không
rơi vào sai lệch.
Thứ nhất, xin hãy thận trọng trong việc phân định thật giả,
đừng vội kết luận hồ đồ rồi sinh tâm nghi ngờ không đúng pháp, điều đó không
những gây hại cho chính mình mà còn có thể làm hại đến nhiều người khác.
Thứ hai, xin hãy đọc Kinh điển
với tâm sáng suốt thanh tịnh, không vội tin chắc vào bất kỳ điều gì, mà phải nỗ
lực thông qua sự hành trì thực nghiệm để ngày càng củng cố niềm tin sâu vững của
mình vào Chánh pháp. Đối với những gì đã nhận hiểu, tin tưởng, phải nỗ lực thực
hành, áp dụng ngay vào cuộc sống hằng ngày. Đối với những gì chưa thông suốt,
chưa hiểu thấu, nên khởi nghi tình để tiếp tục nghiên tầm, tiếp tục chiêm nghiệm,
nhưng tuyệt đối không để mối nghi tình ấy phát triển sai lệch thành sự bất tín
Tam bảo, phỉ báng Kinh điển. Nếu giữ được lòng nghi thanh tịnh với chỗ chưa
thông suốt, chắc chắn sẽ có ngày tháo gỡ được để tiến tới xa hơn trên đường tu
tập. Nếu không lưu ý điểm này sẽ rất dễ dàng rơi vào chỗ chạy theo những phóng
tưởng sai lầm, khiến chúng ta hiểu lệch lạc ý kinh và đánh mất niềm tin vào
Thánh giáo.
Thứ ba, hãy nỗ lực tìm kiếm những
bậc thầy chân chánh, những thiện hữu tri thức để kề cận và trực tiếp nương theo.
Những vị này sẽ nâng đỡ, dắt dẫn ta trên đường tu tập. Cho dù họ không phải
những bậc cao tăng danh tiếng, không có học thức uyên thâm, thì ít ra họ cũng là
người đi trước ta được một vài chặng đường, nên chắc chắn sẽ có những kinh
nghiệm thiết thực nào đó để truyền đạt cho ta. Kinh điển là Thánh giáo, không
phải dễ dàng mà có thể nắm hiểu ngay được hết ý nghĩa thâm sâu, nên khi đọc Kinh
điển mà có thầy, có bạn thì sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Cuối cùng, tôi xin trích lời ông Đáo Bỉ Ngạn dưới đây để nêu ra một nhận xét
nhằm kết lại bài viết này:
... chúng ta nên xét lại để mà minh bạch với đồ chúng, để nguỵ-chân, thực giả
đưa ra ánh sáng Phật pháp chiếu soi. Đừng vì những gì gọi là truyền thống hay là
những lợi ích gì đó mà không dám lên tiếng! (Hết trích)
Qua một số phản hồi của người đọc từ bài viết của ông Đáo Bỉ Ngạn, tôi được biết
cụm từ "những lợi ích gì đó" được nêu ra ở đây nhằm chỉ đến việc một số
chùa chiền hiện nay nhân dịp lễ Vu Lan để kêu gọi Phật tử tổ chức các lễ trai
tăng linh đình, cúng dường phẩm vật ê hề, cho đến có cả việc đòi hỏi cúng bằng
tiền mặt để... tiện chi dụng. Là những người Phật tử chân chánh, chúng ta không
ai tán thành những việc quá đà và phi pháp trong chốn thiền môn, nhưng cũng nên
phân biệt rạch ròi đó là sự sai trái của những cá nhân, những người không có sự
tu tập chân chánh, chứ không liên quan gì đến Kinh điển. Kinh Vu Lan Bồn hoàn
toàn không dạy những điều như vậy, không nên liên kết một cách vô cớ để sinh
lòng bất kính với Kinh điển. Những ai mượn đạo tạo đời, dựa vào lòng tin của tín
đồ để mưu cầu lợi dưỡng cá nhân mà không có sự nỗ lực tu tập, tất yếu đều phải
đối mặt với nghiệp quả của riêng họ. Chúng ta không thể vì những hiện tượng tiêu
cực đó mà quay sang công kích Kinh điển hay suy giảm lòng tin nơi Chánh pháp,
nơi Tam bảo.
Hy vọng là qua bài viết này, bản thân ông Đáo Bỉ Ngạn cũng như một số người đọc
đã tán thành ý kiến của ông nêu ra sẽ có thể bình tâm nghĩ lại và rút ra được
đôi điều suy ngẫm, để tất cả những người Phật tử chúng ta đều có thể cùng nhau
thẳng tiến trên con đường tu tập theo Giáo pháp của Như Lai.