Một hôm, có một vị sư già tuổi đời
khoảng 70 tuổi lên núi tu. Sư ghé lại hỏi thăm chùa. Sư có dáng người
cao lớn, đi đứng khoan thai nhẹ nhàng, đôi mắt rất sáng. Được hầu chuyện
sư một buổi tối thì chú Sa di sáng mắt và sáng lòng. Chú hỏi rằng: “Con
nghe sư nói chuyện như một bậc thầy có kinh nghiệm, chắc sư tu học lâu
năm lắm đó?”. Sư đáp: “Sư mới tu”. Chú Sa di thưa: “Sư nói sư mới tu con
không dám tin đâu”. Sư bảo rằng: “Sư mới tu lại”. Chú hỏi tiếp: “Có
phải sư là người Việt gốc sư không?”. Sư cười và đáp: “Đúng vậy”. Người
Việt gốc sư là như một cụm từ riêng. Nó chỉ cho những vị đã xuất gia mà
trở về đời sống của người tại gia. Chú tò mò và thành thực hỏi sư: “Sư
ơi, xin sư đừng buồn thì con mới dám hỏi”. Sư bảo rằng: “Chú có duyên
gặp sư thì tùy ý hỏi, sư sẽ hoan hỉ trả lời”. Chú buột miệng hỏi tiếp:
“Sư về đời có kinh nghiệm gì mới lạ không, kể cho con nghe với”. Sư mỉm
cười bí ẩn với dáng vẻ chân tình, sửa lại tư thế ngồi và bắt đầu kể
chuyện cho chú nghe.
Câu chuyện về đêm giữa vị sư và chú Sa di vẫn tiếp tục như lời dặn ân
cần. Tuổi trẻ tu học thì phải nắm chắc pháp tu mới có hiệu quả. Nếu
không chú sẽ gặp chướng ngại như sư từng gặp hơn 30 năm về trước. Chú
nghe câu này càng chú ý hơn. Có nghĩa là sư đi tu khi chú chưa nằm trong
bụng mẹ. Sư kể với giọng trầm lặng hơn. Sư đã trải một khoảng thời gian
của đời mình để tìm hiểu pháp môn tu học con ạ. Thời đó chưa có trường
lớp dạy giáo lý như bây giờ. Những điều sư tu học được là từ sư phụ của
mình. Khi sư phụ qua đời thì cuộc đời sư thay đổi nhanh chóng. Lúc sư
còn trẻ tuổi như chú. Sư tự mình quyết định lên núi mà tu cho mau chứng
quả. Sư đã từng uống nước, nhịn ăn tới 49 ngày để ngồi thiền. Vì sư nghĩ
rằng mình làm giống hệt như Phật ngồi cội Bồ đề để mau chứng ngộ. Rất
tiếc là sư không tự biết rằng: Mình không phải là thái tử Tất Đạt Đa!
Cho nên dù nhịn ăn tu thiền 49 ngày nhưng vẫn chưa chứng đắc như mong
đợi.
Qua thời gian tu tinh tấn đó, tâm thức sư rất an định. Thực sự, bản thân
sư không biết mình chứng đến tầng định nào. Nhưng tâm thức trở nên có
vài tác dụng khác trước. Tâm lại đắm chìm trong sự thấy biết vừa đạt
được, nên có nhiều chướng ngại phát sinh. Tri thức và thực nghiệm là hai
lĩnh vực bổ sung cho nhau chứ không phải là một. Phật dạy : “ Pháp được
Thế Tôn khéo thuyết giảng, thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến
để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người có trí chứng hiểu.”
[1] Kinh Phật dạy thâm sâu khó nghĩ bàn. Sư nghĩ, có những câu kinh đã
thuộc lòng lâu lắm vẫn chưa chiêm nghiệm hết ý nghĩa. Với một câu mà
chưa thấu triệt thì cả bài kinh còn khó hơn nhiều. Cần có khả năng tu
học nghiêm túc mới thấu rõ nghĩa lý vi diệu trong đó.
Sau này, sư mới biết rằng dấu hiệu thấy biết ban đầu đó là thành quả của
sự định tâm. Nó chưa phải là tác dụng của tuệ giải thoát theo tinh thần
Phật dạy. Bản chất sự tu tập có hiệu quả thì hai yếu tố Định và Tuệ
phải quân bình. Khi mình mất chánh niệm thì bị tri giác sai lầm đánh
lừa. Đánh lừa như thế nào? Đánh lừa trong giấc ngủ, đánh lừa trong ý
niệm chứng thần thông và nhiều vấn đề khác nữa. Trong lúc ngủ sư thường
có giấc mơ đúng với sự kiện sẽ xảy ra sau đó. Sư cho đó là biểu hiện
tiến bộ của sự tu học tinh tấn. Nên đam mê những điềm báo trong giấc mơ
là kì diệu. Về sau, các giấc mơ đó không còn chính xác nữa, sư vẫn là sư
như trước.
Còn nữa, ý niệm mình có thần thông bắt đầu len lỏi trong tâm thức sư.
Những người bị cõi âm dựa hay bị tà ma họ rất sợ sư. Đôi lúc người nào
đó dự định đến thăm, sư biết mình sắp có khách và hình dung được về hình
ảnh người đó. Trạng thái định tâm có nhiều năng lực khác nữa. Như một
bóng đèn bỏ trên bàn, sư từ đằng xa có thể làm nó di động. Sư có thể làm
tắt ngọn đèn trong nhà bằng ý tưởng của mình. Lúc bấy giờ, một vài
huynh đệ chưa đủ kinh nghiệm tu học thán phục và xem sư như một bậc thầy
gương mẫu. Có nhiều bổn đạo hiếu kì, tỏ lòng thành kính và rất ngưỡng
mộ sư. Dần dần bà con xa gần xôn xao tìm về chổ sư nghe pháp. Lúc ấy, sư
bận bịu suốt ngày với tín đồ qua lại.
Đáng tiếc thay, năng lực của sư đó chỉ là tác dụng của sự định tâm thôi
con ạ. Đó không phải là bản chất của tuệ giải thoát. Vì tuệ là khả năng
chánh niệm và quán chiếu về thân và tâm xả li phiền não, tâm giải thoát
tự tại. Tất cả công phu tu tập của sư lúc đó hướng về một nẽo khác. Do
thiếu tỉnh giác nên bao nhiêu sự thấy biết chỉ nuôi lớn cái tôi của bản
thân. Lúc đầu cái tôi đó biểu hiện yếu ớt. Về sau, chúng mạnh mẽ như
dòng thác lũ che lấp tâm trí mình. Sư có cảm giác mệt mõi vì không tìm
thấy sự thanh thản như ngày đầu tu học. Nhưng sư vẫn chưa nhận ra những
gì mới mẽ hơn trong vấn đề tu tập.
Hồi đó, sư chưa thông đạt kinh giáo như hôm nay, nhưng mà sư ưa sống một
mình. Do đó, cánh cửa tiếp xúc kinh nghiệm với người có trí tu học bị
đóng lại. Người ta bảo rằng: “Ăn cơm có canh tu hành có bạn”. Điều đó
nhắc nhở mình khi chưa trưởng thành thì phải biết nương vào hội chúng mà
tu học thì mới an ổn. Nếu khi không biết rõ giáo lý mà tu tập thật là
uổng phí năng lực. Được học chánh pháp, được gần gủi các bậc thiện tri
thức trong đời đó là khó. Kinh nghiệm từ sư, tuổi trẻ như chú nên cần
học tập nhiều nữa. Hiểu rõ giáo lý sau đó tu mới có kết quả nhanh chống.
Dù thiền học hay tịnh độ cũng cần học cho rõ ràng.
Giáo lý Phật dạy là con đường của giới, định và tuệ. Con phải khéo lắng
nghe và khéo vận dụng. Con từ bỏ tất cả những gì tuổi trẻ cần phải học
thì nên suy nghĩ lại. Những lúc bế tắc trong vấn đề tu học thì thật đáng
tiếc. Nhiều tình huống khác xảy ra sẽ làm tâm trí con luẩn quẫn trong
đường tu. Trong giới luật xuất gia có dạy: “Phật quy định, người xuất
gia 5 hạ về trước phải chuyên học và tinh tường về giới luật, 5 hạ về
sau mới học hỏi giáo lý, tham cứu thiền học” [2]. Đó là kinh nghiệm rất
bổ ích con ạ.
Sư kể tiếp, trong thời buổi chiến tranh dân tình ly tán. Chùa chiền vắng
người qua lại. Với một nhân duyên vô cùng đặc biệt, sư trở về đời sống
tại gia. Từ kinh nghiệm những chướng ngại lúc tu học của bản thân. Sư
càng nghiên cứu giáo pháp Phật dạy một cách tinh tấn. Sư âm thầm thực
hành thiền quán trong hình thức người cư sĩ. Sư đã nhận thức trạng thái
thiền tập khá rõ ràng. Sư học giáo lý Tịnh độ một cách tường tận. Sư
thường đến chỗ thanh vắng tham thiền. Khi tâm vào định và cảm nhận nhiều
trạng thái khác phức tạp. Sư trở lại nhất tâm niệm Phật để vượt qua
trong an tịnh. Sư không khẳng định mình chứng thiền hay đắc niệm Phật
tam muội. Có điều sư nhận thấy khác trước. Từ bản chất tâm mà luận,
Thiền và niệm Phật gặp nhau một điểm con ạ. Con nhớ điều này, sư không
diễn tả hết được. Và sư nguyện rằng: “Trong một quá trình tu tập đời
mình, nếu chưa chứng quả, sư nguyện sanh về cảnh Cực lạc”.
Chú Sa di ngạc nhiên vô cùng và hỏi rằng: “Sư nói chuyện lạ lắm, Sao lâu
nay con thấy nhiều người tu thiền ít niệm Phật. Họ chỉ cầu chứng đắc
thiền, hay khai ngộ tâm tánh mà thôi?”. Sư đáp: “Trước đây sư cũng nghĩ
như vậy, nhưng quá trình quán tâm sư mới ngộ ra tầm vóc cao siêu của
giáo lý tịnh độ!” Nhưng con phải hiểu lý rốt ráo của chữ Tâm niệm Phật
trong giáo lý Tịnh độ. Tâm ấy là pháp giới, pháp giới chính là tâm, chứ
không phải cái tâm thông thường. Cho nên Phật dạy: “Pháp giới là một
thể, nhập vào pháp giới, gọi là nhất hạnh tam muội. Nếu có người nam,
người nữ nào muốn nhập vào pháp nhất hạnh tam muội, nên khéo nghe pháp
Bát nhã ba la mật, như pháp mà tu hành, sẽ nhập vào pháp nhất hạnh tam
muội. Như tâm duyên quán pháp giới, bất thối, bất hoại, không nghĩ bàn,
không chướng ngại, không tướng trạng.”[3]. Nhất hạnh tam muội là kết quả
của niệm Phật. Tam muội là chánh định, niệm Phật là pháp môn trí tuệ :
“Nếu có người niệm Phật, nên biết người này cùng với Văn Thù Sư Lợi
không khác”.[4] Văn thù là biểu trưng cho trí tuệ Phật. Chân nghĩa của
giáo lý Tịnh độ là như vậy.
Phật dạy không hề hư vọng, do chúng ta chưa hiểu tường tận nên phân biệt
mà thôi. Sau đó, sư niệm Phật và quán tưởng về tâm và cảnh theo tinh
thần Niệm Phật Tam muội. Nhân duyên đó, sư thấy mình gần Phật A Di Đà.
Vì Phật A Di Đà là Vô Lượng Thọ, là Vô Lượng Quang. Vô Lượng Thọ là siêu
việt thời gian, Vô Lượng Quang là siêu việt không gian. A Di Đà cũng là
pháp giới tánh vô sai biệt. Sư vận dụng giáo lý như thế mà niệm Phật
con ạ. Hơn thế nữa, sư tin rằng, một vị Phật phát nguyện tiếp độ chúng
sanh về cảnh giới Tây phương Cực lạc. Thế giới đó có từ bản nguyện giáo
dục của Phật. Chúng sanh mọi trình độ được vãng sanh thì không còn đọa
lạc lục đạo luân hồi. Đó là lý do vì sao chúng ta phát nguyện vãng sanh.
Sư nói thêm rằng, sau này con sẽ tiếp xúc giáo lý Thiền và Tịnh với
nhiều quan điểm khác nhau. Nhưng con phải biết lựa chọn, tham cứu, lắng
nghe và học hỏi. Phật dạy có tám vạn bốn ngàn pháp môn. Nhưng phải chọn
cho mình một pháp môn mà tu. Phương pháp này sư đã chiêm nghiệm hơn mấy
chục năm trời. Sư thực hành với niềm tin đó và nhận thấy tiến bộ tâm
linh. Sư đã phát nguyện trở lại với tư cách một vị Tăng để thực hiện cái
chí nguyện đầu đời của mình. Sư sẽ sống đời xuất gia trong khoảng thời
gian còn lại. Sư rất mong chia sẻ những kinh nghiệm tu học của mình cho
mọi người. Con cũng nên như vậy nhé! Chuyện là như thế, mục đích sư kể
ra là muốn khuyên con một điều khác nữa.
Con phải nhớ, niệm Phật là phương pháp an toàn. Con phải am tường giáo
lý niệm Phật Tam muội để dụng công mới có lợi ích lớn. Ngoài ra, phải
học cho kỹ giáo lý quán niệm của Phật dạy. Như giáo lý tứ niệm xứ và các
kinh nghiệm của tổ sư thiền. Con cần phải tiếp nhận tinh hoa các pháp
môn để biết thêm. Sau đó dụng công tu tập với phương pháp thích hợp với
lòng không nghi ngờ. Những tri thức đó là phương tiện hữu ích. Phải học
pháp môn tu y từ kinh điển và các bậc thầy đi trước.
Con nên ghi nhớ, chỉ chúng ta quay lưng với Phật và Bồ tát chứ các Ngài
không bỏ chúng ta. Con phải tư duy giáo lý nhân quả, thành kính với Tam
bảo trong mọi lúc thăng trầm. Từ giáo pháp của Phật, con sẽ đối diện với
tâm của mình. Đừng quên nỗ lực sám hối và phát nguyện cao thượng hướng
về giải thoát sanh tử. Con phải biết nhận diện tâm mình thông qua sự tu
học bản thân. Sư không thể nói hết và chẳng bao giờ nói hết được, con
phải khắc cốt ghi tâm những điều trên.
Chú Sa di nghe xong những lời đó với thái độ trân trọng. Chú nghiệm ra
lời dạy giản dị trước đây : “Tu không học là tu mù, học không tu là đãy
đựng sách”. Đó là kinh nghiệm từ các bậc thầy muốn nhắn lại cho mọi
người đang thực hành chánh pháp. Tinh thần đó rất phù hợp với những lời
dạy của Phật trong kinh điển. Sự mong muốn tu tập mau chứng ngộ là yếu
tố giúp chúng ta nỗ lực tin tấn. Nhưng nếu không hiểu rõ phương pháp
thực hành thì sẽ có nhiều chướng ngại. Muốn trở thành một hành giả tu
tập, điều đầu tiên phải học Phật pháp. Nhận thức và thể nghiệm chân lý
là nội dung của con đường thoát khổ. Con đường đó, ai muốn đi thì trước
hết phải mở lòng lắng nghe giáo pháp của Phật dạy./.
(Trích “Đi tìm Phật”,Thích Đức Trí)
Chú thích:
1-Trung bộ I, Kinh Ví Dụ Tấm Vải (số 7), HT.Thích Minh Châu dịch.
2-Sa di luật nghi, Thiên giới luật môn, HT.Thích Trí Quang dịch.
3-Trí Giả đại sư, Ngũ phương tiện niệm Phật môn, Thích Đức Trí dịch.
4-Trí Giả đại sư, Ngũ phương tiện niệm Phật môn, Thích Đức Trí dịch.
[1] Trung bộ I, Kinh Ví Dụ Tấm vải (số 7), HT. Thích Minh Châu dịch.
[2] Sa di luật nghi, Thiên giới luật môn, HT. Thích Trí Quang dịch.
[3] Tri Giả đại Sư, Ngũ phương tiện niệm Phật,Thích Đức Trí dịch.
[4] Tri Giả đại Sư, Ngũ phương tiện niệm Phật,Thích Đức Trí dịch.