Ví dụ như những cây hương thừa trong bát hương nếu hàng ngày không
thu gọn thì trở nên dơ bẩn và dễ gây cháy rất nguy hiểm. Cho nên các bát
hương đặt trước các tượng Phật trong chùa, hàng ngày vào lúc sáng sớm
đều cần phải thu gọn, giữ cho bát hương luôn luôn sạch sẽ như mới thắp
hương lần đầu.
Các nữ tín đồ thờ Phật tại nhà đến kỳ kinh nguyệt thì không dám tới
chùa lễ Phật, thậm chí không dám đến trước bàn thờ Phật để thắp hương
tụng kinh, tọa thiền, niệm Phật.
Kỳ thực đó là điều kiêng kị của hàng quỷ thần cấp thấp. Vì quỷ thần
sợ máu bẩn nên hễ thấy máu bẩn thì dễ nổi giận. Quỷ thần nghiện ăn máu,
thấy máu là dấy lòng tham, nhưng máu kinh nguyệt không phải là máu tươi
nên quỷ thần có phản ứng như bị người ta đùa bỡn làm nhục.
Do vậy, phụ nữ khi hành kinh vào các đền, miếu, điện thờ quỷ thần thì có thể bị hậu quả không tốt.
Còn như các Sa-di ni, Tỳ kheo ni, cùng các Ưu bà di (nữ cư sỹ) ở gần
đều sinh hoạt tại chùa, cùng các phụ nữ tu hành hàng ngày làm bạn với
kinh sách, tượng Phật và các pháp vật khác của nhà chùa, từ xưa đến nay
chưa từng thấy ai bị tai họa bởi vấn đề xung khắc do kinh nguyệt gây
ra cả.
Những người thờ Phật tại gia khi lập bàn thờ Phật trước hết phải nhờ
người làm lễ khai quang các tượng Phật, Bồ Tát, lại phải chọn ngày tốt,
hướng tốt. Đó cũng là do tín ngưỡng dân gian hoặc phong tục dân gian.
Theo quan điểm "nhập gia tùy tục" mà nói thì tục lệ đó cũng không có
gì sai trái lắm. Làm lễ khai quang là để tỏ ý thận trọng, chọn ngày
chọn hướng là để tỏ ý cầu mong tốt lành.
Nhưng theo quan điểm Phật giáo thì chư Phật, Bồ Tát có ở khắp mọi
nơi, không một chỗ nào không ứng hiện. Tất cả mọi hướng đều có chư
Phật, Tam bảo, Long thiên hộ pháp.
Như vậy, đương nhiên là không hề có những vấn đề do tín ngưỡng dân
gian tưởng tượng ra. Chỉ cần chọn một chỗ nào mình cho là tôn quí nhất,
rồi với tình cảm thành kính nhất và chọn một thời điểm thích đáng nhất
để đặt tượng thờ Phật là được.
Có người cho rằng có những bài chú, bài kinh nào đó thì người tu tại
gia không được niệm, hoặc có những bài chú, bài kinh nào thì không được
niệm vào một giờ nào đó.
Kỳ thực, với tấm lòng cung kính, tất cả mọi bài kinh, chú đều có thể
tụng niệm ở bất cứ nơi nào thanh tịnh. Tốt nhất là trước khi tụng niệm
nên rửa tay, súc miệng rồi đứng trước bàn thờ thắp hương lễ Phật mà
tụng niệm nhưng không nên nói người tu tại gia không được tụng kinh nào
đó hoặc không được niệm chú nào đó, trừ những pháp môn quy định đặc
biệt của Mật Tông thì không kể.
Trong một nhà cũng có thể có người tin Phật, có người tin Thần, phải
chăng có thể thờ chung cả Thần và cả Phật trong cùng một bàn thờ ? Điều
đó nên coi là không có vấn đề gì.
Nên thờ Phật ở chính giữa, cúng Bồ Tát ở hai bên, cúng các Thần
ngoài cùng, coi là kẻ bảo vệ bên ngoài cho Tam bảo, cũng nên để cho các
Thần gần gũi với Tam bảo để tu học Phật pháp, gây thần nhân duyên với
đạo Phật.
Nếu đạt được sự thỏa thuận của cả nhà, sau khi đã đổi ý mà tin theo
Phật thì sẽ làm lễ cúng Thần, khấn cáo với Thần rồi đem tượng (và đồ
thờ) Thần cất đi, để tránh cúng thờ ngẫu tượng quá nhiều sinh ra tạp
loạn.
Có nhiều người không hiểu đối với tro hương cùng các kinh sách, tượng
và các pháp vật bị hư hỏng thì sẽ xử lý như thế nào? Thậm chí có người
mang đến giao cho nhà chùa.
Kỳ thực thì chỉ cần chọn chỗ đất trống và đồ đựng sạch sẽ, bỏ các
thứ đó vào rồi châm lửa đốt đi, đốt xong đào lỗ chôn xuống đất là được.
Những thứ làm bằng kim loại không đốt được thì tìm chỗ cất kín, một
thời gian sau sẽ xử lý thải bỏ như đối với đồ đạc cũ kỷ rách nát khác.
Các vật cúng bày trên bàn thờ Phật như hoa, quả, nước trà v.v… thuộc
các loại phẩm vật tiêu hao thì phải thay đổi hằng ngày. Những thứ gì
còn có thể dùng được, ăn được thì nên đem dùng vào việc khác hoặc đem
cho người nhà ăn dùng, không nên vứt đi. Những thứ bị ôi thiu, hư nát
thì phải đổ bỏ đi như đổ rác. Còn như phẩm vật bày cúng nên bày cúng
đơn chiếc hay bày một đôi thì không có hạn chế gì cả.
Xét về mỹ quan đối xứng mà nói thì nên dùng một cặp đôi. Nhưng nếu vì
tiền nong vật phẩm có hạn, hoặc do vị trí chỗ bày biện không tiện, chỉ
bày cúng đơn chiếc thì cũng không có gì là không được. Còn về đồ cúng
là những món gì, về nguyên tắc là tùy theo chỗ tiền nong chi tiêu mà
mình có thể lo liệu được, không bày biện rườm rà mà cũng không cần phải
phô trương.
Thời gian tu hành tại nhà thích hợp nhất là vào lúc sáng sớm và buổi
tối, lúc đó nhờ thân tâm thanh tịnh, thoải mái. Như vậy mới có thể
chuyên chú, thành tâm mà tu tập.
Nếu vì tính chất công việc làm ăn thì đương nhiên có thể chọn những
thời gian khác nhau. Tốt nhất là không lập bàn thờ trong phòng ngủ,
không nên ngồi tọa thiền, lễ Phật, tụng kinh ở trên giường.
Nhưng nếu nhà ở chỉ có một phòng thì tốt nhất là lúc bình thường lấy
vải khăn che phủ tượng Phật. Khi nào lễ Phật thì xếp dọn giường chiếu
chỉnh tề, sạch sẽ rồi mới mở khăn tượng Phật ra. Nếu giường làm lễ cúng
được, coi đó cũng là một nơi để tu hành.
Nói tóm lại, lấy cái tâm thanh tịnh, cung kính để biểu thị mức độ trang trọng, nghiêm túc làm nguyên tắc.
Sau khi đã quy y Tam Bảo thì không được quy y một tôn giáo nào khác,
không được thờ phụng một đền miếu, đạo tràng nào của tín ngưỡng dân
gian. Tuy vậy vẫn phải giữ thái độ tôn kính đối với các tín ngưỡng đó.
Khi đi vào các nhà thờ, đền miếu, đền thần phải cúi người chắp tay
chào hỏi. Không được coi việc thờ phụng đó là đối tượng tín ngưỡng của
mình, mà coi đó là cử chỉ để giữ quan hệ hữu nghị.
Trước khi chưa có nhận thức xác thực đối với Phật pháp thì không được
đọc sách báo ngoại đạo, nếu không sẽ dẫn đến sự chỉ dắt sai lầm về
phương hướng.
Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm