Thế thường người đời hay than trách : Con người sao quá tệ ác xấu
xa ! Khi đã thấy người xấu là mình đã ngầm nhận mình tốt rồi. Nếu mọi
người xung quanh đều là xấu, đều là hèn hạ, đều đáng ghét, mình quá tốt,
thì không còn lòng dạ nào muốn thân thiện sống chung với ai cả
. Như vậy
thì ở thế gian này mình như một kẻ lạc loài.Vì mình quá tốt mà người
đời thì quá xấu không giao hảo được. Khi thấy mình lạc loài giữa đám
rừng người thì sanh tâm chán đời.
Ngược lại, nếu thấy mọi người
ai cũng tốt, ai cũng giỏi, ai cũng hơn mình, thì lúc đó mình thấy cần
nhập cuộc với họ, để được hay được tốt, được tiến bộ, lúc đó tâm yêu đời
phát khởi. Quan niệm yêu đời hay chán đời gốc từ chổ thấy người tốt hay
thấy người xấu mà ra. Thoạt nghe qua thấy hơi thế gian, nhưng đó là
tinh thần tích cực của người tu Phật chân chính và tinh thần tiêu cực
của người mới học đạo.
Vậy chúng ta nên nhìn đời bằng cách nào để không buồn chán, để không muốn tự tử, để vui sống ?
Đa
số chúng ta với cặp mắt quen nhìn ra ngoài, ít nhớ ngó lại mình; nó có
đặc điểm là thấy bên ngoài mà không thấy mình. Bởi vậy, lúc nào cũng
thấy người này có khuyết điểm này, người kia có khuyết điểm kia, mình
nhìn ai, ai cũng có khuyết đểm cả, còn mình thì không thấy lỗi nên nghĩ
mình tốt. Người khác cũng vậy, họ cũng thấy mình xấu luôn, chỉ một mình
họ tốt. Mọi người sống đều hướng ra ngoài, khi thấy thì thấy cái khuyết
nhiều hơn cài ưu và cái xấu của người mình nhớ mãi, cái tốt của người
mình lại mau quên. Ngược lại, cái xấu của mình thì mình mau quên, cái
tốt thì nhớ mãi. Cho nên giúp ai việc gì mình nhớ hoài, còn ai giúp mình
thì không nhớ. Do đó mà sinh ra cái bệnh kể công và quên ơn người.
Cái
ơn lớn nhất là ơn sinh dưỡng của cha mẹ mà cũng muốn quên nữa. Hằng
ngày chúng ta không nghĩ đến chuyện hiếu thảo với cha mẹ, mà cứ dạy con
phải có hiếu với mình. Đó là do mình nhớ mình ban ơn cho nó, còn cha mẹ
ban ơn cho mình thì mình lại quên. Đây là chuyện thực tế mà bất công,
dưòng như ai cũng dự chút phần trong đó. Đa số chúng ta vì quên cái tốt
và nhớ cái xấu của người, nên thấy ai cũng xấu cả, ai cũng thua mình ,
nên sanh tâm chán nản. Ngưọc lại, chúng ta luôn nhớ cái xấu và quên cái
tốt của mình thì lúc nào cũng thấy có người hơn mình để học hỏi. Có
nhiều người nói chuyện đáng thương lắm, họ nói rằng : Ở đời chẳng ai
thông cảm tôi cả. Trong nhà thì cha mẹ anh chị em không hiểu được tôi,
ra ngoài xã hội cũng chẳng thông cảm tôi. Tại sao mọi người không thông
cảm mình ? Tại mình quá hay, hay tại mình quá dở ? Nhìn kỹ lại coi ? Tại
mình chấp ngã to quá, mở miệng ra thì đề cao mình lên, hạ người xuống,
mình cao quá ai mà thông cảm mình nổi ! Người mà hay than như vậy là do
họ thấy họ hay, không thấy họ dở, thấy không ai hiểu nổi mình, nên cảm
thấy bị cô độc. Mà cô độc thì sinh ra chán đời rồi muốn chưởi đời.
Những
người mà hay chưởi đời là cái bệnh đó. Lỗi tại đâu mà mình bị cô độc
như vậy ? Chúng ta xét thật kỹ mới thấy lời Phật Tổ dạy hay đáo để, vì
chúng ta không nghiền ngẫm nên quên đi. Bởi vì mọi người ai cũng nghĩ
mình là người tốt là người cao thượng, chung quanh mình ai cũng xấu;
hoặc xấu nhiều hoặc xấu ít. Do thấy như vậy mà bi quan yếm thế. Tôi ví
dụ cho dễ hiểu. Có người tới chùa cho mít giống, họ giới thiệu giống mít
này rất ngon, quí hơn tất cả loại mít ở đây. Tri Viên chùa nhận biết
giống mít đó quí nên khi ương trồng, chăm sóc rất chu đáo. Ngược lại nếu
người cho mít giống giới thiệu giống mít đó dở. Tri Viên dù có ương
trồng rồi cũng bỏ đó. Tại sao Tri Viên trồng giống mít ngon chăm sóc chu
đáo mà lại bỏ quên giống mít dở ? Vì Tri Viên thấy mít ngon là quí
trồng được trái thì được nhiều người ưa thích, còn mít dở dù có được
trái chẳng mấy ai ưa chuộng. Con người cũng vậy, nếu thấy ai hay, tốt
thường làm lợi ích cho đời thì mình quí trọng, còn ai là người dở xấu
thì mình khinh họ. Bởi vì mình thấy những người này không làm nên trò
trống gì, chỉ có ta thôi, nên thấy họ không có ý nghĩa gì đối với mình
cả. Vì vậy mà sanh ra chán không muốn lo không muốn làm gì cho ai cả,
nên sống trong u buồn khổ não, chớ không vui.
Xưa Khuất Nguyên ôm
đá trầm mình dưới sông Nịch La chết, cũng vì quan niệm : “Người đời đục
cả chỉ một mình ta trong, người đời mê cả chỉ một mình ta tỉnh”. Khuất
Nguyên nhìn đời như thế làm sao sống được với đời mà không tự vận chết ?
Khuất Nguyên chết vì thấy mình hơn thiên hạ, thiên hạ không ai bằng
mình nên đâm ra chán đời, không muốn sống nữa. Đó là quan niệm sai
lầmcủa người xưa. Ngược lại, ông chài nghe Khuất Nguyên than, ông bèn
nói : “Nếu nước đục thì ta rửa chân, nước trong thì ta giặt dải mũ”. Ông
chài thấy nước đục nuớc trong gì cũng có ích cho ông hết, vì vậy mà ông
vui sống, Khuất Nguyên thì phải tự tử. Để thấy rằng, nếu biết nhìn đời
bằng cặp mắt dung hòa; người dở giúp mình việc khác, người hay giúp mình
việc khác, ai cũng là người giúp đỡ mình thì cuộc sống đâu có gì phải
chê chán ?
Muốn có quan niệm sống phù hợp với đạo lý và hữu ích cho đời, thì
chúng ta phải có thái độ nhìn đời cho thấu đáo. Như Khuất Nguyên thấy
người đời đục cả, chỉ một mình ông trong, người đời mê cả chỉ một mình
ông tỉnh. Như vậy “cái ta” của ông to cở nào ? Do “cái ta” to quá nên
không thông cảm được ai và cũng không chịu nổi với mọi người, phải trốn
mọi người bằng cách trầm mình xuống sông Nịch La để chết. Bây giờ chúng
ta muốn sống với mọi người cho vui thì phải làm sao ? Phải nhìn thấy cái
dở và quên cái hay của mình. Nếu thấy được cái dở và quên cái hay của
mình thì tự nhiên “cái ta” tự hạ thấp. “Cái ta” mà thấp thì đâu còn cách
biệt với ai, ai ai mình cũng có thể sống được. Quí vị kiểm lại coi, có
người nào trọn đời giỏi hoàn toàn không ? Cẩn thận tối đa cũng có lúc sơ
suất lộ ra những cái dở để người ta thấy. Như vậy, nếu kiểm những điều
dở từ thuở bé đến bây giờ ghi đầy cuốn sổ một trăm trang. Lỗi mình cộng
lại nhiều như thế thì có gì mà phách lối, có gì mà kiêu ngạo? Do vì cái
dở mình xóa hết, cái hay thì ghi vào, khi giở sổ ra thấy mình hay nhiều
quá, nên mới thấy mình siêu, mới thấy mình hơn thiên hạ. Chúng ta có hai
cuốn sổ, một cuốn ghi công của mình và một cuốn ghi tội của người. Khi
ghi công mình thì không bỏ sót một chút nào.Và ghi tội người cũng vậy
không bỏ sót, đôi khi còn ghi oan nữa là khác. Bởi vậy nên ngồi lại bàn
chuyện đời thì thấy thiên hạ tội thôi là tội, mình thì công thôi là
công. Do đó nên mình khinh mọi người, mình khinh người thì làm sao người
thương mình được. Kể cả anh chị em ruột đi nữa mà có vẽ khinh khi nhau
đã không thông cảm, huống là bạn bè, người xa lạ ! Mọi người và mình
muốn có chổ cảm thông nhau thì việc đầu tiên chúng ta phải nhìn lại thấy
lỗi và quên cái hay của mình.Thấy mình dở nhiều, nên gần ai cũng có cái
mình học hỏi, nhờ vậy mà mình dễ cảm thông với mọi người. Tụng Vô Tướng
trong kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ có dạy :
Nhược chơn tu đạo nhơn
Bất kiến thế gian quá
Nhược kiến tha nhơn phi
Tự phi khước thị tả
Tha phi ngã bất phi
Ngã phi tự hữu quá
Đản tự khước phi tâm
Đả trừ phiền não phá
Tắng ái bất quan tâm,
Trường thân lưỡng cước ngọa.
Dịch :
Nếu người thật chơn tu
Không thấy người đời lỗi
Nếu thấy lỗi của người
Lỗi mình đến bên trái
Người sai ta không sai
Ta sai tự có lỗi
Chỉ dẹp tâm mình sai
Dứt trừ phiền não sạch
Yêu ghét chẳng bận lòng
Duỗi thẳng hai chân nghỉ.
Nhiều
người cho bài tụng này Tổ dạy quá thấp, kỳ thực đây là nền tảng đạo
đức. Chúng ta thấy Tổ dạy quá kỹ. “Nhược nhơn tu đạo nhơn, bất kiến thế
gian quá”. Người tu hành chơn thật thì không thấy lỗi của người đời, vì
thấy lỗi người thì quên lỗi của mình, hễ quên lỗi mình là không tu, mãi
lo nhớ anh này dở chị kia kém, rồi buồn giận phát sanh... Người tu thật
thì hằng xét nét lỗi mình, mình còn tham, ít biết nhẫn nhục, nhiều si
mê... để khiển trách và sửa chữa. Quí vị kiểm lại coi mình đang tu thế
nào ?
“Nhược kiến tha nhơn phi, tự phi khước thị tả”. Nghĩa là
thấy lỗi người thì lỗi mình đến bên cạnh rồi. Tại sao vậy ? Vì khi thấy
lỗi người tâm ngã mạn liền sanh, vì vậy phải dè dặt đừng thấy lỗi người,
mà phải thấy lỗi mình để mình tu sửa cho tiến bộ.
“Tha phi ngã
bất phi, ngã phi tự hữu quá”. Nếu người làm quấy là họ chịu, mình đừng
giành cái quấy của người. Thế mà người đời cứ đi giành cái quấy của
người ta; thấy ai làm lỗi liền sanh bực bội nóng giận. Như vậy là người
có lỗi mình liền sanh lỗi, tức là mình giành lỗi với người rồi. Nhiều
người nói mới nghe coi như họ tích cực lắm, kỳ thực thì họ chưa biết tu.
Họ cho rằng mình phải thấy lỗi người để chỉ trích cho họ sửa, nếu không
chỉ thì để họ quấy hoài sao ? Thoạt nghe thấy như tốt lắm, nhưng nếu cứ
thấy lỗi người hoài thì sanh tự cao ngã mạn, đó là cái bệnh lớn của
người tu, đâu phải là người tốt!
“Đản tự khước phi tâm, đả trừ
phiền não phá”. Chỉ nhìn lại mình để thấy tâm sai quấy lỗi lầm mà phá bỏ
nó, luôn luôn do dứt trừ phiền não để cho tâm được trong sạch. Được như
vậy thì :
“Tắng ái bất quan tâm, trường thân lưỡng cước ngọa”.
Khi yêu ghét không bận lòng thì lúc đó duỗi thẳng hai chân ngủ một cách
thoải mái. Sở dĩ chúng ta nằm xuống ngủ không được là vì nhớ người này,
buồn người kia, trách người nọ, tâm tư cứ quay cuồng làm sao mà ngủ cho
được. Tổ nói người thật tu thì hết khổ, còn người tu giả cứ thấy lỗi
người hoài thì khổ hoài. Đâu quí vị kiểm lại mình coi, có ai đó làm cho
quí vị buồn giận, tối lại quí vị ngủ có ngon không? -Không. Buồn giận
ngủ không ngon, thương ghét ngủ cũng không ngon. Tu là cốt đem lại sự an
ổn cho mình và cho người. Nếu mình bất an thì mọi người cũng bất an
lây. Thế nên phải buông xả hết, thì mới có thể tiến tới chỗ an vui, khi
mình được an vui thì người cũng được an vui lây, nếu mình cố chấp, phần
mình đã khổ lại còn làm khổ lây người khác. Chúng ta tu thì phải nhớ
đừng mang tâm trạng tìm lỗi người khác, mà phải luôn nhìn lại lỗi mình.
Bài
tụng này Lục Tổ dạy chúng ta rất kỹ là phải thấy lỗi mình đừng tìm lỗi
người. Nếu thấy lỗi người thì lỗi mình tới một bên rồi. Tu cốt yếu là
dẹp lỗi lầm của mình, phá sạch tâm phiền não, buông xả lòng yêu ghét, có
như vậy mới thảnh thơi hết khổ. Thoạt nghe, chúng ta thấy như Tổ tiêu
cực, thiên hạ làm quấy để mặc họ, mình không can thiệp sao ? Đây Tổ dạy
chúng ta một phép tu để cho tâm hồn mình được cởi mở rộng rãi thêm lên,
chớ không để cho ích kỷ hẹp hòi đi đến chỗ tiêu cực chán đời.
Sau
đây là câu chuyện rất quen thuộc mà đa số Phật tử có tụng kinh Pháp Hoa
đều biết. Bồ Tát Thường Bất Khinh thấy ai cũng có Phật tánh và sẽ thành
Phật, Ngài không thấy người nào dở cả nên đi đâu gặp ai Ngài cũng nói :
“Tôi không dám khinh các Ngài, các Ngài sẽ thành Phật”. Nếu thấy ai
cũng sẽ thành Phật thì có khinh chê người nào đâu ? Nhờ cái thấy đó nên
Bồ Tát giáo hóa độ sanh từ đời này đến kiếp khác không chán. Như tôi nói
ở trước, Tri Viên biết giống mít tốt sẽ cho trái quí, tự nhiên sốt
sắng, săn sóc mà không chán vì đặt hết hy vọng vào cây mít. Cũng vậy, Bồ
Tát biết tất cả chúng sanh sẽ thành Phật thì còn gì mà sợ. không lo
giáo hóa cho họ được thành Phật. Tâm niệm của Bồ Tát thấy ai cũng có khả
năng thành Phật. Phật là bậc Vô Thượng Giác mà ai cũng có thể làm được
thì việc thường ai làm chẳng được ! Vậy chúng ta hãy kiểm lại mình và
nghĩ rằng chung quanh mình ai cũng trở thành người tốt, tốt bằng mình
hoặc tốt hơn mình, thì mình đâu có chê chán ai, đâu có xa lánh ai. Nên
cuộc sống giữa mình và mọi người có sự liên hệ giúp đỡ qua lại với nhau.
Còn nếu mình thấy ai cũng xấu hết, chỉ có một mình mình hay, thì ai
giúp mình được nữa ? Do thấy một mình hay, nên khiến thiên hạ thấy lại
mình là kẻ bướng kẻ gàng, kẻ kiêu mạn... Bởi thế, trên đường tu, người
Phật tử chân chính phải nhớ cho thật kỹ là đừng thấy lỗi người mà phải
thấy lỗi mình và tìm cái hay của người. Cái hay nhất của con người là ai
cũng có thể thành Phật. Phật quả là cái cao tột mà thấy ai cũng có thể
thành, thì chuyện thế gian, nếu hội đủ duyên tốt chắc họ sẽ thành công
tốt.
Đâu chỉ một Bồ Tát Thường Bất Khinh thấy như thế, mà Phật
đâu không từng nói : “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”.
Vì vậy mà Ngài giáo hóa chúng sanh suốt bốn mươi chín năm không chán
ngán. Kinh A Hàm cũng như kinh Hoa Nghiêm, có đoạn kể : Sau khi Phật
thành đạo dưới cội Bồ Đề, Ngài nhìn xuống đầm sen, thấy có những hoa
đang trổ tỏa hương thơm, có hoa đang còn búp, có hoa mới ngoi lên khỏi
mặt nước, có cái còn là ngó sen ở dưới bùn... Nhưng Phật kết luận rằng
tất cả những hoa sen đó cái nào rồi cũng trổ hoa thơm đẹp như nhau.
Chúng ta thấy Phật nhìn đời hết sức lạc quan. Dầu là hoa sen đang là cái
ngó còn dùi dưới bùn hôi, mà Ngài cũng thấy nó sẽ lên khỏi nước, trổ
hoa đẹp và có hương thơm. Cũng vậy, chúng sanh người đã tu hành tiến bộ
khá ví như hoa sen vừa lên khỏi nước, người đang tu hành nửa chừng ví
như hoa sen còn nằm trong nuớc, người mới phát tâm tu ví như hoa sen vừa
ra khỏi bùn, người chưa phát tâm tu ví như hoa sen còn ở dưới bùn. Nếu
tu, tất cả đều sẽ thành Phật, do thấy như vậy nên đức Phật đem hết khả
năng ra giáo hóa cho tất cả. Ngài giáo hóa rồi, còn dặn dò đệ tử sau này
phải luôn luôn truyền bá đừng để cho ngọn đèn chánh pháp lu tắt. Chúng
ta vì thấy mọi người xấu hết, nên có tâm trạng bi quan, tự nguyện kiếp
sau xin không trở lại làm người, hoặc nguyện về Cực Lạc làm dân Phật A
Di Đà, chớ không trở lại cỏi Ta Bà này, ngán con người lắm ! Người ta
sợ làm người là tại sao ? Vì mọi người xấu ác hết, một mình ta tốt nên ở
giữa đám người xấu ác này không chịu nổi, phải tìm chổ có người tốt hơn
để an ổn vui tươi. Người vừa khởi niệm đó đã là xấu rồi !
Phật
dạy người có nhiều đức tính tốt hơn ta đó là bậc thầy ta, ta học những
cái hay của họ. Người có cái dở hơn ta cũng là bậc thầy của ta, ta cũng
học để tránh. thầy hay, chúng ta học bắt chước, thầy dở, chúng ta học để
tránh. Cũng vậy, khi phát tâm tu, người trợ giúp phương tiện để tiến là
thiện tri thức, mà người làm chướng ngại để thử thách coi mình tiến tới
đâu cũng là thiện tri thức. Người giúp phương tiện là kéo mình lên từ
từ, người thử thách giúp mình nhảy vọt; cả hai đều là người tốt giúp
mình tiến, nên không có người nào để cho chúng ta chê chán cả. Chỉ có
chán cái hèn yếu của mình. Tu lẽ ra những chuyện nghịch ý trái lòng là
phải thắng nó, mà thắng không được, để cho sân si nổi lên là dở, hãy tự
chán mình, vì nói được mà làm không được. Hiểu như vậy, mới thấy chúng
ta tu có tiến được hay không là do đặt cái nhìn đúng hay sai. Nếu nhìn
không đúng thì việc tu hành cũng lệch luôn. Người phát tâm tu, không ai
mà không thầm hứa chinh phục tham, sân, si. Đã ngầm hứa như vậy rồi, thì
những cơ hội khơi dậy tham, sân, si là cơ hội tốt để cho chúng ta điều
phục nó. Nếu chúng ta chưa điều phục được thì trách mình hay trách cơ
hội ? Phải tự trách mình còn yếu. Vậy mà đa số người tu gặp chướng duyên
cứ trách thiên hạ cứ trách hoàn cảnh : Tôi tu mà thiên hạ phá tôi hoài,
chớ không ngờ chính vì mình không thật tu, hoặc tu còn yếu không chuyển
được cảnh rồi thối chuyển lui sụt. Nếu nói theo đạo lý chân thật, thì
thế gian này không ai phá mình cả, chỉ có mình phá mình. Vì tất cả cái
hay, cái dở, cái tốt, cái xấu nó không bắt mình thành tốt hay thành xấu,
mà chính mình mới thành tốt hay thành xấu. Người ta cứ đổ thừa : bị
tiền tài, sắc đẹp... nó cám dỗ tu không được. Tôi ví dụ có một Phật tử
mới phát tâm tu, đi đường bỗng thấy một thỏi vàng rớt trên đất, liền
động lòng tham lượm bỏ túi, từ đó tâm bất an, toan tính đủ chuyện hết.
Bất an là do không điều phục được lòng tham, lòng nó quấy phá mất thanh
tịnh mà đổ thừa vàng nó cám dỗ. Nếu thấy vàng thì thấy, đi cứ đi, không
bận lòng thì có gì trở ngại ? Để thấy rằng trong cuộc đời này không có
cái gì ở bên ngoài hại mình bằng chính mình không làm chủ được tham,
sân, si nơi mình. Đó là cái gốc của mọi tai họa. Nếu biết gốc của tai
họa từ tham, sân, si ở nơi mình thì phải thẳng tay mà điều phục nó, chớ
không có kêu ca than trách người, cảnh. Nếu ngồi trách người trách cảnh,
đó là người che lỗi mình, bào chữa cho mình.
Kinh Hoa Nghiêm,
Phật có nói : Tất cả chúng sanh đều đầy đủ đức tánh Như Lai, chỉ vì vô
minh phiền não che khuất nên còn làm chúng sanh.Vậy ai cũng có đức tính
như Phật hết, tuy hiện tại thân tướng chưa đầy đủ ba mươi hai tướng tốt,
nhưng rồi sẽ có, nếu chúng ta đủ lòng tin và nổ lực tu rồi cũng sẽ được
như Phật. Sở dĩ chúng ta còn luân hồi trong lục đạo thấy mình và Phật
cách nhau quá xa là do vô minh phiền não che khuất. Nếu dẹp hết vô minh
phiền não thì mình với Phật đâu có khác. Phật và Bồ Tát chỉ cho chúng ta
con đường Niết Bàn rất cụ thể. Đó là : “Biết như thật điên đảo, không
thọ tất cả pháp, nội tâm tịch diệt, đến Niết Bàn”. Ai biết như thật điên
đảo thì không thọ tất cả pháp, nếu không thọ tất cả pháp thì nội tâm
tịch diệt, nội tâm tịch diệt đó là Niết Bàn, không nghi ngờ. Nếu người
không biết như thật điên đảo, điên đảo mà không biết điên đảo, thì thọ
nhận tất cả pháp. Chấp tất cả pháp thì đi tới đấu tranh, mà đấu tranh là
đau khổ. Vậy thấy như thật điên đảo là thế nào ? Điên đảo là lấy đầu
làm đuôi, giả cho là chơn, thấy trái ngược gọi là thấy điên đảo. Ví dụ :
Được khen thì vui, bị chê thì buồn. Được khen thì vui, bị chê thì buồn,
hợp lý quá tại sao nói là điên đảo?
Lời khen chê là âm thanh vừa
phát ra liền nữa, lời khen mất, nó không thật mà chấp nó là thật. Thứ
chê không nhất định. Chẳng hạn người tửu lượng thấp uống nửa lít rượu đã
say túy lúy, khen người tửu lượng cao uống một lít không say là giỏi là
hay. Còn nguời Phật tử giữ năm giới không uống rượu bị chê là người bỏn
xẻn không biết ăn chơi. Nếu qua lời khen đó mà vui, qua lời chê đó mà
buồn là điên đảo. Vì cái không đáng buồn mà buồn, không điên đảo là gì!
Cái không đáng khen mà khen, khen để đi tới chổ chết. Cái khen đó là hại
tai sao lại mừng ? Lời khen chê không có giá trị thật mà tuởng lầm là
thật đó là điên đảo. Điên đảo mà tự mãn với điên đảo nên rồi cứ đau khổ.
Có cái khen cái chê nào là cứu cánh đâu ? Nhóm người này khen mình lại
có nhóm nguời khác chê mình. Khen chê tùy chỗ, tùy thời, tùy theo cái
nhìn của mỗi người sai khác. Nó không có lẽ thật, mà mình chấp là thật,
đó là sai lầm. Tiếng nói đã không thật, giá trị khen chê cũng không
thật, hai cái không thật tưởng là thật, không điên đảo là gì ? Do không
biết như thật điên đảo nên mới chấp nhận các pháp, khen thì vui nên
giành được khen rồi dẫn tới đấu tranh, bị chê thì buồn nên nổi sân giận
sanh đấm đánh lẫn nhau, gây đau khổ cho nhau không có ngày cùng.
Ngay
nơi cái điên đảo mà thấy đúng như thật, thì không chấp không tạo thêm
tội lỗi, mà phát triển điều hay điều tốt. Chẳng hạn như biết thân này là
vô thường, giả tạm không thật, tuy biết nó không thật, vẫn đem nó ra
làm việc hữu dụng cho đời, sống một ngày làm cho xứng đáng một ngày.
Ngày mai còn làm nữa, ngày mốt còn làm nữa, làm hoài cho tới chết mới
thôi, không chán. Nếu nghĩ thân nay còn mai mất làm chi cho mệt, ngồi
chơi uống trà cho khỏe là tai họa ! Cùng một sự việc mà thấy đúng thì
cuộc sống có giá trị, đời vui tươi. Nếu thấy không đúng thì gây tai họa
lớn không thể lường. Vì vậy, người học Phật chúng ta nương theo cái nhìn
của Phật là thấy tất cả điên đảo đúng như thật, để không thọ nhận các
pháp cho tâm đuợc tịch diệt và đến Niết Bàn.
Niết Bàn đối với chúng ta gần hay xa và có ai không có quyền đến không?
Ai cũng có quyền đến Niết Bàn với điều kiện như đã nói.
H.T Thích Thanh Từ
http://www.thienviendaidang.net/01phathoc/phathoccanban.php?readmore=6730