Một thời Thế Tôn trú ở Savatthi, tại Jetanava, vườn ông Anàthapindika, dạy các Tỷ-kheo:
Có
ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là
ba? Có hạng người đáng ghê tởm, không cần phải gần gũi, không cần phải
sống chung, không cần phải hầu hạ cúng dường. Có hạng người, này các
Tỷ-kheo, cần phải nhìn một cách thản nhiên,
không nên gần gũi, không nên
sống chung, không nên hầu hạ cúng dường. Có hạng người, này các
Tỷ-kheo, cần phải gần gũi, cần phải sống chung, cần phải hầu hạ cúng
dường.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người đáng ghê tởm,
không cần phải gần gũi, không cần phải sống chung, không cần phải hầu hạ
cúng dường? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người ác giới, tính tình
độc ác, sở hành bất tịnh, có những hành vi che đậy, không phải là Sa-môn
nhưng hiện tướng Sa-môn, không sống Phạm hạnh, nhưng hiện tướng có Phạm
hạnh, nội tâm hôi hám, đầy những tham dục, tánh tình bất tịnh. Hạng
người như vậy, này các Tỷ-kheo, đáng ghê tởm, không cần phải gần gũi,
không cần phải sống chung, không cần phải hầu hạ cúng dường. Vì cớ sao?
Vì rằng, dầu không thuận theo một chút nào tri kiến của người như vậy,
nhưng tiếng xấu được đồn xa về người ấy là có bạn ác, có bằng hữu ác,
tôn sùng kẻ ác…
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người cần
phải nhìn một cách thản nhiên, không nên gần gũi, không nên sống chung,
không nên hầu hạ cúng dường? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người phẫn
nộ, nhiều hiềm hận, dầu có bị nói chút ít cũng tức tối, phẫn nộ, sân
hận, sừng sộ, hiện rõ phẫn nộ, sân hận và bực tức. Hạng người như vậy,
này các Tỷ-kheo, cần phải nhìn với cặp mắt thản nhiên, không nên gần
gũi, không nên sống chung, không nên hầu hạ cúng dường. Vì cớ sao? Vì
nghĩ rằng: “Người ấy có thể nhục mạ ta. Người ấy có thể chửi mắng ta.
Người ấy có thể làm hại ta”…
Và như thế nào, này các Tỷ-kheo, là hạng người cần phải gần gũi, cần
phải sống chung, cần phải hầu hạ cúng dường? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có
hạng người giữ giới, tánh tình hiền thiện. Người như vậy, này các
Tỷ-kheo, cần phải gần gũi, cần phải sống chung, cần phải hầu hạ cúng
dường. Vì cớ sao? Vì rằng, dầu không thuận theo chút nào tri kiến của
người như vậy, nhưng tiếng tốt được đồn xa về người ấy là có bạn lành,
là có bằng hữu lành, là tôn sùng kẻ lành. Cho nên, hạng người như vậy,
cần phải gần gũi, cần phải sống chung, cần phải hầu hạ cúng dường.
(Kinh Tăng Chi Bộ I, chương 3, phẩm Người [lược])
SUY NGHIỆM:
Sống
và ứng xử với mọi người trong xã hội sao cho đúng đắn, thuận tình và
hợp lý là cả một nghệ thuật. Đức Thế Tôn thật minh triết khi chỉ dạy
quan điểm ứng xử với mọi người, nhất là với người xuất gia thật phân
minh, rõ ràng. Theo Thế Tôn, giới hạnh hay đức hạnh, đạo đức của một cá
nhân chính là nhân tố quan trọng nhất để hàng Phật tử chúng ta bày tỏ và
thể hiện ứng xử cung kính, thân cận nhằm nương tựa học tập noi gương.
Ngoài yếu tố đạo đức ra, dù cá nhân ấy có mang bất cứ hình thức nào cũng
chỉ là hạng người “đáng ghê tởm”, không đáng để quan tâm hay chỉ “nhìn
một cách thản nhiên” mà thôi.
Trước hết, đối với hạng người tham
lam, độc ác, luôn gian dối và che đậy những việc làm xấu ác và tệ hại
của mình, không chỉ là người thế tục mà có thể họ là một số người tu
biến chất hay đội lốt người tu vì những mục đích xấu xa, những người này
dù họ có hình thức như thế nào đi nữa cũng đáng bị khinh miệt, ghê tởm.
Người con Phật chân chính quyết không thân cận cũng như hầu hạ, cúng
dường hạng người này.
Đối với hạng người nhiều nóng giận, hay sân
si, lắm bực bội thì chúng ta nên tránh xa, cũng chẳng nên thân cận vì
lợi bất cập hại, như cầm đuốc đi ngược gió sẽ khó tránh được họa cháy
tay. Chỉ “nhìn một cách thản nhiên” tức không quan tâm để ý hay ly khai
với người nhiều nóng giận là một cách ứng xử khôn ngoan, tinh tế nhất.
Trong trường hợp phải sống chung thì cần “kính nhi viễn chi”, kính mà
không gần họ, dù cho đó là bề trên đi nữa.
Chỉ có hạng người có
giới đức, đạo hạnh với tính tình hiền thiện mới đáng để cho chúng ta
“cần phải gần gũi, cần phải sống chung, cần phải hầu hạ cúng dường”. Dù
rằng, những người này có thể họ rất bình thường, không danh phận, không
chức vụ và thậm chí cũng có thể chư vị là những hành giả sống ẩn dật hay
lang thang vô định.
Mới hay, phẩm chất đạo đức hay giới hạnh của
một người mới là điều quan trọng nhất. Vì có giới mới có định, tuệ và
có sự thảnh thơi, giải thoát. Cho nên, những người con Phật chúng ta
phải tỉnh táo và mở to đôi mắt trí tuệ để ứng xử hợp lý nhằm thân cận,
tôn vinh và cúng dường sao cho mình và mọi người đều được lợi lạc.
Quảng Tánh - Tạp chí Đạo Phật Ngày Nay 14