06/10/2012 07:22 (GMT+7)
Số lượt xem: 153979
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Giác Ngộ - Giáo lý Tứ diệu đế với bốn chân lý vượt lên trên mọi tác động của điều kiện bên ngoài, bàn về bản chất của kiếp nhân sinh và khả năng vượt thắng mọi nỗi khổ niềm đau của con người đã trở thành động lực và niềm tin của nhân loại, trước mọi thăng trầm của cuộc sống vẫn tin tưởng vào một tương lai tươi sáng của nhân loại nói chung và con người nói riêng.



Dẫn nhập

Phật giáo ra đời đã hơn 25 thế kỷ, nhưng những lời dạy của Phật vẫn chứa đựng hơi thở thời đại và dường như không bị lệ thuộc vào sự thay đổi của không gian và thời gian.

Một trong những giáo lý cơ bản và quan trọng của Phật giáo là Bát Chánh đạo (con đường tám nhánh - Trung đạo), chứa đựng trong bài kinh Chuyển pháp luân - bài pháp đầu tiên của Đức Phật. Bài pháp trở thành tâm điểm chú ý, trong đó, ý nghĩa về thái độ bao dung, khoan hòa, tránh xa những cực đoan hay thái quá (anta), được Lão Tử và Khổng Tử chia sẻ trong khái niệm "trung dung" hay "trung hòa", và tận Hy Lạp xa xôi, ý tưởng này cũng được chia sẻ bởi Aristote qua khái niệm "hài hòa". Điều này dường như vẫn là một vấn đề thời sự, giúp cho chúng ta tỉnh thức trước những cám dỗ của cuộc sống đương thời, nhằm tìm kiếm một cuộc sống thanh thản và yên bình.

chuyenphap-1.gif

Giáo lý Tứ diệu đế với bốn chân lý vượt lên trên mọi tác động của điều kiện bên ngoài, bàn về bản chất của kiếp nhân sinh và khả năng vượt thắng mọi nỗi khổ niềm đau của con người đã trở thành động lực và niềm tin của nhân loại, trước mọi thăng trầm của cuộc sống vẫn tin tưởng vào một tương lai tươi sáng của nhân loại nói chung và con người nói riêng.

Trung đạo và Tứ diệu đế càng có ý nghĩa hơn khi đó chính là bài pháp đầu tiên được Đức Phật nói ngay sau khi giác ngộ Vô thượng Bồ đề, minh chứng cho một trí tuệ vô song vừa được thức tỉnh sau một thời gian dài mộng mị trôi lăn trong cõi tử sinh.

Do vậy, tìm hiểu giáo lý Trung đạo và Tứ diệu đế, cùng sự ra đời của bài kinh Chuyển Pháp luân có ý nghĩa không chỉ về mặt lý luận mà còn cả trong thực tiễn thực tập của mỗi người con Phật, từ đó xác định lối đi và mục đích cho thật rõ ràng trước khi lần tìm về nguyên lai bản tính của chính mình.

Bối cảnh sinh hoạt tư tưởng dẫn đến sự ra đời của bài kinh

Các nhà nghiên cứu khi xem xét tình hình sinh hoạt học thuật thời Đức Phật, thường chia thành hai trào lưu riêng biệt: trào lưu chính thống và trào lưu phi chính thống. Trào lưu chính thống lấy kinh Veda và Upanishad làm kinh điển chính; các trào lưu khác biệt hay chống lại kinh VedaUpanishad được xem là trào lưu phi hay phản chính thống.

Một cách phân loại khác, chi tiết hơn, chia các trào lưu tư tưởng đó thành 4 loại chính: Bà la môn giáo chính thống, trào lưu tín ngưỡng dân gian, trào lưu lấy Veda và Upanishad làm tư tưởng chính nhưng có phát triển thêm như Du già, Số luận, Chính lý… và cuối cùng là trào lưu phi chính thống.

Ngoài ra, có một số nhà nghiên cứu, dựa vào các kinh điển của Phật giáo, cụ thể là kinh Sa môn quả, nói đến sáu phái mà trong kinh điển thường gọi là "Lục sư ngoại đạo phái":

1. Phú-lan-na Ca-diếp (Purana Kassapa): cho rằng việc làm thiện ác là do tập quán chứ không có một nghiệp căn tương ứng nào, vì thế không tin bất cứ điều gì hay hoài nghi tất cả.

2. Mạt-già-lê Câu-xá-la (Makkholi Gosala): duy tự nhiên, tất cả mọi hành vi thiện ác, ngay cả chuyện giải thoát đều tuân thủ theo một quy luật tự nhiên, con người không thể quyết định hay nỗ lực được điều gì.

3. A-di-đa Kê-sa-khâm-bà-la (Ajita Kesakambali): chủ trương Duy vật luận. Con người do tứ đại hợp thành, chết rồi là hết, nên tận hưởng những khoái lạc, bác bỏ luân lý.

4. Phù-đà Ca-chiên-diên (Pukudha Kaccayana): chủ trương Duy tâm luận, cho rằng tâm vật bất diệt, sự sống chết của con người chỉ là sự tụ tán của những yếu tố tạo thành con người, còn những yếu tố ấy thì không bao giờ bị tiêu diệt.

5. Tán-nặc-da Tỳ-la-lê-tử (Sãnyaya bellatthyputta): theo chủ nghĩa cảm hứng, nếu cảm thấy thế nào thì nói thế ấy đối với thế giới hiện tượng, không xác quyết là có hay không, đúng hay sai.

6. Ni-kiền-đà Nhã-đề-tử (Nigandhà netaptta): chủ trương vận mệnh luận, lấy đó làm cơ sở để thuyết minh tất cả. Còn về sự thực hành thì lấy sự khổ hạnh cực đoan và nghiêm trì giới bất sát làm đặc sắc.

Nhìn chung, về sinh hoạt học thuật thời kỳ Đức Phật ra đời, tư tưởng triết học Ấn Độ có những bước phát triển mạnh mẽ, đa dạng về đề tài, phong phú về trường phái chứ không còn thống nhất ở kinh Veda hay Upanishad trước kia. Các trường phái ra đời trong thời kỳ này có thể ví như hoa rộ nở giữa mùa xuân, mỗi trường phái đều có những cách thức giải thích khác nhau, đôi khi chống đối nhau trong việc lý giải về bản chất thế giới cũng như phương thức thực hiện nhằm đưa đến giải thoát cuối cùng. Sự phát triển vượt bậc này không chỉ tạo ra tiền đề cho Phật giáo trong việc góp nhặt tinh hoa của các trường phái khác mà còn là cơ sở để Phật giáo bổ sung, chỉnh lý và sửa chữa những ưu khuyết của các học phái khác, hình thành nên một tôn giáo mới - Phật giáo, vừa kế thừa truyền thống, vừa có những cái mới, tạo nên bước ngoặt căn bản trong dòng chảy chung của triết học Ấn Độ.

Nội dung : Kinh Chuyển Pháp Luân

a) Phê phán quan điểm sai lầm của các học phái

Mở đầu bài kinh, Đức Phật cho rằng: "Hỡi này các Tỳ kheo, có hai cực đoan (anta) mà hàng xuất gia (pabbajitena) phải tránh…"

Khái niệm cực đoan (anta) là khái niệm chỉ một thái độ tột cùng, thái quá hay cực điểm; và khái niệm người xuất gia (pabbajitena) là chỉ những người từ bỏ con đường thế tục, cắt ái từ thân và tìm kiếm con đường giải thoát.

Ngay khi bắt đầu giảng thuyết cho 5 anh em ông Kiều Trần Như nói riêng và những người tìm kiếm con đường giải thoát nói chung, Đức Phật nhắn nhủ ngay rằng những người xuất gia cần phải từ bỏ hai con đường cực đoan hay thái quá; nói cách khác, Đức Phật phê phán hai con đường này là con đường sai lầm, không dẫn đến giải thoát tối hậu. Hai con đường đó chính là:

1. Sự dễ duôi trong dục lạc - là thấp hèn, thô bỉ, phàm tục, không xứng phẩm hạnh của bậc Thánh nhân, và vô ích.

2. Sự thiết tha gắn bó trong lối tu khổ hạnh - là đau khổ, không xứng phẩm hạnh của bậc Thánh nhân, và vô ích.

Con đường thứ nhất là con đường đắm say trong dục lạc hay sung sướng thái quá và con đường thứ hai là con đường chìm đắm trong khổ hạnh, khổ đau thái quá. Đây là hai con đường Đức Phật cảnh báo sẽ không đem đến cho người xuất gia sự giải thoát viên mãn.

Cũng cần nói thêm rằng, vào thời kỳ Đức Phật Thích Ca còn tại thế và ngay cả trước khi Đức Phật Thích Ca ra đời, Ấn Độ đã tồn tại nhiều trường phái hay giáo lý khác nhau nhằm tìm kiếm con đường giải thoát. Nhưng tựu trung, thái độ đối với cuộc sống thường được xoay quanh hai con đường chính: một là ham mê dục lạc và hai là khước từ mọi ham muốn.

Một trong những chủ thuyết chủ trương tận hưởng mọi lạc thú trên thế gian là chủ thuyết Lokayata - danh từ Pali và Sanskrit - ám chỉ chủ thuyết vật chất hay duy vật do Carvakas sáng lập. Theo quan điểm của giáo lý này, con người chết là hết, bỏ lại tất cả mọi năng lực trong đời sống và chỉ có cuộc sống hiện tại là có thật, do vậy, những người theo chủ thuyết này cho rằng: "Hãy ăn, uống và tận hưởng mọi lạc thú, vì cái chết đến với tất cả", và rằng: "Đạo đức là một ảo tưởng, chỉ có khoái lạc là thực tiễn. Chết là mức cuối cùng của đời sống. Tôn giáo là một thác loạn điên cuồng, một chứng bệnh thần kinh. Có sự ngờ vực tất cả những gì tốt đẹp, cao cả, trong sạch và bi mẫn. Lý thuyết của họ chủ trương thỏa mãn dục vọng, lợi kỷ và thô kệch, xác nhận ý chí tục tằn. Không cần phải kiểm soát khát vọng và bản năng bởi vì đó là phần di sản thiên nhiên của con người".

Trong khi đó, một số trường phái đề cao đời sống khắt khe khổ hạnh. Họ cho rằng chỉ có khổ hạnh mới có thể đưa con người đến giải thoát. Chủ thuyết này được đa số những người tu tập của nhiều trường phái khác nhau chấp nhận. Ngay chính Đức Phật Thích Ca cùng 5 anh em ông Kiều Trần Như trước kia cũng đã từng thực tập như vậy ròng rã suốt 6 năm trời nhưng vẫn không đạt được kết quả giải thoát tối hậu.

Phê bình hai chủ trương này, Đức Phật cho rằng cả hai đều là vô bổ, vô ích, không xứng đáng với phẩm hạnh của thánh nhân.

b) Những giáo lý chính được Đức Phật giảng trong bài pháp đầu tiên .

Giáo lý về Trung đạo hay Con đường tám nhánh

Ngay sau khi phê phán hai chủ trương là khoái lạc thái quá và khổ hạnh thái quá, Đức Phật đưa ra con đường thứ ba là Trung đạo (Majjhima Patipada). "Từ bỏ cả hai cực đoan ấy, Như Lai đã chứng ngộ "Trung đạo" (Majjhima Patipada), là con đường đem lại nhãn quan (cakkhu) và tri kiến (nana) và đưa đến an tịnh (vupasamaya), trí tuệ cao siêu (abhinnaya), giác ngộ (sambhodhaya), và Niết bàn"

Trung đạo không phải là con đường nằm giữa hai thái cực mà là con đường vượt lên trên hai thái cực. Từ điển Phật học quan niệm: "Trung có nghĩa là bất nhị, là tuyệt hết đối đãi, là mục song phi song chiến, là đạo trung hòa không thiên lệch về một phía", điều đó có nghĩa con đường trung đạo là con đường chấm dứt mọi đối đãi nhị nguyên như thường-đoạn; có-không; phải-trái…

Trong các giai đoạn phát triển về sau của Phật giáo, cách hiểu về Trung đạo cũng có nhiều ý kiến khác nhau, như Pháp tướng cho Duy thức là Trung đạo, Tam luận cho Bát bất là Trung đạo, Thiên Thai cho Thực tướng là Trung đạo, Hoa Nghiêm cho Pháp giới là Trung đạo… Tuy vậy, trong kinh Chuyển Pháp Luân, Đức Phật xác quyết rằng con đường Trung đạo chính là Bát Chánh đạo hay con đường tám nhánh.

Trong kinh nói:

"Hỡi này các Tỳ kheo, con đường Trung đạo mà Như Lai đã chứng ngộ, con đường đem lại nhãn quan, tri kiến và đưa đến an tịnh, trí tuệ cao siêu, giác ngộ và Niết bàn là gì?

Đó chính là Bát Chánh đạo - là Chánh kiến (samma ditthi), Chánh tư duy (samma samkappa), Chánh ngữ (samma vaca), Chánh nghiệp (samma kammanta), Chánh mạng (samma ajiva), Chánh tinh tấn (samma vayama), Chánh niệm (samma sati), và Chánh định (samma samadhi). Hỡi này các Tỳ kheo, đó là "Trung đạo" mà Như Lai đã chứng ngộ".

Yếu tố đầu tiên trong Bát Chánh đạo là Chánh kiến, sự thấy biết chân chính, nhằm phá tan mọi hoài nghi của những người bạn đồng tu khi xưa về lời Đức Phật dạy, đồng thời cũng muốn nêu lên một nhận định then chốt trong giáo lý của Phật Đà là: cần phải thấy đối tượng một cách chân chính, nghĩa là thấy đối tượng như chính nó mới có thể dẫn đến những nhận định về sau. Không có sự thấy đúng đắn, nghĩa là nhìn đối tượng bằng đôi mắt chủ quan, thiên lệch hay cảm tính đều có thể dẫn đến sai lầm trong những đánh giá. Để có sự thấy biết đúng đắn hay như thực, cần loại bỏ các quan niệm tà kiến, vọng tưởng, truyền thống, phong tục, tập quán, quyền lực, địa vị của người nói… và nhìn chúng như chính chúng là. Đó chính là yếu tố đầu tiên và cũng là điều kiện tiên quyết trong giáo lý Trung đạo của Phật giáo.

Sau khi có được sự thấy biết đúng đắn, như thực về đối tượng, nhánh thứ hai là Chánh tư duy, nghĩa là suy niệm chân chánh. Suy niệm chân chánh trong Phật giáo đòi hỏi đối tượng tư duy phải khách quan với đối tượng được tư duy, nghĩa là chủ thể tư duy phải loại bỏ tâm luyến ái, thái độ vị kỷ và ác tâm. Để làm được điều này, chủ thể cần nuôi dưỡng tâm từ, thái độ ôn hòa đối với khách thể được tư duy.

Nhánh thứ ba trong giáo lý về Trung đạo chính là Chánh ngữ - lời nói chân chánh. Lời nói chân chánh xuất phát từ sự tư duy chân chính, như thực về đối tượng được tư duy và dĩ nhiên, lời nói chân chánh là phải vì mục đích không chỉ nói như thực về đối tượng mà còn phải hướng đối tượng tới sự hoàn thiện hơn chứ không phải là nói chỉ để nói.

Tiếp theo Chánh ngữ là Chánh nghiệp - tạo nghiệp chân chánh hay hành động chân chánh và Chánh mạng - cuộc sống chân chính. Cả ba yếu tố: Chánh ngữ, Chánh nghiệp và Chánh mạng là phương thức thể hiện tư duy chân chính nhằm hoàn thiện giới đức, phát triển lối sống lành mạnh.

chuyenphap.gif

Nhánh thứ sáu là Chánh tinh tấn - nỗ lực thực hành trong sự chân chánh nhằm diệt trừ những hạt giống xấu và phát triển tâm thiện. Sự giải thoát và giác ngộ không phải một sớm một chiều mà thành tựu, do vậy, có thấy biết, có tư duy, có thực hành nhưng thiếu sự nỗ lực thì công phu tu hành cũng mau chóng bị mai một. Trong quá trình tinh tấn, nỗ lực không ngừng nghỉ, yếu tố thứ bảy - Chánh niệm - luôn luôn tỉnh giác trong từng hành vi, cử chỉ, lời nói đến việc làm trở thành cặp song trùng thiết yếu. Nỗ lực nhưng không tỉnh giác có thể dẫn đến một kết quả đảo ngược với dự định ban đầu. Từ sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong tỉnh giác dẫn đến Chánh định - tức an trụ tại một đối tượng duy nhất, đặc biệt đối tượng đó là tâm thức của chính mình sẽ dẫn đến một kết quả - tâm ta ngày càng được gạn đục khơi trong, những yếu tố bất tịnh, phiền não, vô minh ngày càng nỗ lực được loại bỏ, thay vào đó, những hạt giống thiện, trí tuệ, thanh tịnh ngày càng được nảy mầm. Khi tâm thức, trong sự tỉnh giác của Chánh niệm và Chánh định, với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của Chánh tinh tấn, với việc thực hành thường xuyên của Chánh ngữ, Chánh nghiệp và Chánh mạng thì vô hình chung dẫn đến một kết quả, sự thấy biết tự nhiên sẽ đúng đắn, tư duy ngày một rõ ràng. Như vậy, Bát Chánh đạo với Tám nhánh cơ bản nêu trên, vừa là nhân vừa là quả, hỗ tương cho nhau vì một mục tiêu giải thoát và giác ngộ.

Tóm lại, giáo lý Trung đạo - Bát Chánh đạo được Đức Phật nói trong kinh Chuyển Pháp Luân, vừa là cơ sở nhằm phê phán hai thái cực đang chi phối xã hội Ấn Độ đương thời, vừa xác lập một trong những nguyên lý căn bản nhất của Phật giáo, tôn giáo đã ảnh hưởng không chỉ Ấn Độ mà nay đã lan rộng ra cả thế giới.

Giáo lý Tứ diệu đế

Mở đầu bài kinh bằng việc khuyên người xuất gia từ bỏ hai thái cực cực đoan, xác lập con đường Trung đạo, Đức Phật nói tiếp về Tứ diệu đế như là bài pháp cơ bản nhất trong toàn bộ giáo lý của Đức Phật và cũng là mục tiêu duy nhất của Phật giáo khi hiện hữu tại thế gian này.

Tứ diệu đế (bốn chân lý vi diệu) gồm có: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế. Phạn ngữ Sacca, là chân lý, cái gì thực sự có. Danh từ Bắc Phạn (Sanskrit) tương đương là Satya, một sự kiện không còn tranh luận nữa. Danh từ Pali gọi những chân lý này là Ariya Saccani (những chân lý Thánh thiện, hay Thánh đế), vì đây là những chân lý do Đức Phật tìm ra, là bậc Thánh nhân (Ariya) vĩ đại nhất, hoàn toàn trong sạch và đã thanh lọc trọn vẹn mọi nhiễm ô.

(1) "Đây là Khổ Thánh đế"

Như vậy, hỡi các Tỳ kheo, đối với các pháp chưa từng được nghe trước kia, nhãn quan, tri kiến, trí tuệ, minh sát tuệ và ánh sáng, phát sanh đến Như Lai.

(2) "Khổ Thánh đế này phải được nhận thức (parinneya)."

Như vậy, hỡi các Tỳ kheo, đối với các pháp chưa từng được nghe trước kia, nhãn quan, tri kiến, trí tuệ, minh sát tuệ và ánh sáng, phát sanh đến Như Lai.

(3) "Khổ Thánh đế này đã được nhận thức (parinnata)."

Như vậy, hỡi các Tỳ kheo, đối với các pháp chưa từng được nghe trước kia, nhãn quan, tri kiến, trí tuệ, minh sát tuệ và ánh sáng, phát sanh đến Như Lai.

Thánh đế đầu tiên (Khổ đế) đề cập đến Dukkha - một Phạn ngữ được hiểu là đau khổ hay khó chịu đựng. Đứng về phương diện cảm giác, "du" là khó, "kha" là chịu đựng, "dukkha" là cái gì làm cho khó chịu đựng. Hiểu như một chân lý, "Du" là cái gì đáng khinh miệt, không đáng bám níu. "Kha" là hư vô, rỗng không. Thế gian nằm trong biển khổ và như vậy là đáng khinh miệt, ghê tởm, không đáng cho ta bám níu. Thế gian là một ảo ảnh, không có gì là thực tế, do đó thế gian là hư vô, rỗng không. Vậy, Dukkha là hư vô, không đáng cho ta bám níu.

Đối với người đạt đạo, đời sống là đau khổ. Sống tức là chịu đựng đau khổ. Mọi cảm giác hay những cái đạt được ở thế gian này không chắc thật nên cái được gọi là sung sướng hay hạnh phúc chỉ là tạm bợ, nhất thời, không vững bền… Cuối cùng, mọi người cũng chỉ thất vọng và đau khổ với cuộc sống của chính mình. "Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sống chung với người mình không ưa thích là khổ, xa lìa những người thân yêu là khổ, mong muốn mà không được là khổ, tóm lại, chấp thân ngũ uẩn là khổ". Trong tất cả những nỗi khổ mà con người phải chịu đựng, cái thường thấy nhất chính là sinh (jati), lão (jara), bệnh (vyadhi) và cuối cùng là chết (marana). Bốn nỗi khổ trên thường trực đe dọa cuộc sống con người và không ai có thể tránh khỏi. Bên cạnh bốn nỗi khổ trên, những nỗi khổ thuộc về cảm giác như mong ước mà không thành tựu, yêu thương mà không được gặp gỡ hay gặp gỡ người mà mình ghét bỏ đều đem lại cho mọi người những nỗi khổ niềm đau. Tựu trung lại, có thân này tức là có khổ và không ai thoát khỏi khổ đau khi chấp nhận sống ở trên thế gian này. Trong bản kinh, Đức Phật cho rằng Khổ đế là một sự thực, đòi hỏi phải được nhận thức như là một sự thực tồn tại và hiện hữu trong đời sống, đòi hỏi phải được quan sát, phân tích và sự phân tích và quan sát nỗi khổ niềm đau này sẽ dẫn đến tri kiến thích đáng thực tướng của chính ta.

chuyenphap-2.gif

(1) "Đây là Khổ tập Thánh đế."

Như vậy, hỡi các Tỳ kheo, đối với các pháp chưa từng được nghe trước kia, nhãn quan, tri kiến, trí tuệ, minh sát tuệ và ánh sáng, phát sanh đến Như Lai.

(2) "Khổ tập Thánh đế này phải được tận diệt (pahatabba)."

Như vậy, hỡi các Tỳ kheo, đối với các pháp chưa từng được nghe trước kia, nhãn quan, tri kiến, trí tuệ, minh sát tuệ và ánh sáng, phát sanh đến Như Lai.

(3) "Khổ tập này đã được tận diệt (pahinam)."

Như vậy, hỡi các Tỳ kheo, đối với các pháp chưa từng được nghe trước kia, nhãn quan, tri kiến, trí tuệ, minh sát tuệ và ánh sáng, phát sanh đến Như Lai.

Diệu đế thứ hai được Đức Phật xác định là Tập đế - Nguyên nhân gây ra nỗi khổ niềm đau. Trong bản kinh, nguyên nhân của đau khổ là ái dục, hay luyến ái (tanha): "Hỡi này các Tỳ kheo, đây là chân lý thâm diệu về nguồn gốc của đau khổ (dukkha-samudaya-ariyasacca, Khổ tập thánh đế). Chính ái dục là nguyên nhân đưa đến sự tái sanh (ponobhavika). Ái, hợp với tâm thiết tha khao khát, bám níu cái này hay cái kia (đời sống). Chính là ái, đeo níu theo nhục dục ngũ trần (kamatanha), ái đeo níu theo sự sinh tồn (bhavatanha, sanh ái, luyến ái với ý tưởng cho rằng vạn vật là trường tồn vĩnh cửu), và ái, đeo níu theo sự không sinh tồn (vibhavatanha, vô sanh ái, luyến ái với ý tưởng cho rằng sau cái chết là hư vô).
Kinh Pháp Cú ghi: "Do ái dục sanh phiền muộn. Do ái dục sanh lo sợ. Người đã hoàn toàn chấm dứt ái dục không còn phiền muộn, càng ít lo sợ" (câu 216).

Đức Phật dạy rằng, ái dục dẫn đến sanh-tử, tử-sanh, triền miên, mãi mãi. Như vậy, chính trong Tập đế, Đức Phật đã gián tiếp đề cập đến đời sống quá khứ, hiện tại và vị lai.

Có ba loại ái dục: Đầu tiên, hình thức ái dục thô kệch nhất là luyến ái theo nhục dục ngũ trần (kamatanha). Thứ nhì là luyến ái đời sống (bhavatanha), và thứ ba là luyến ái theo trạng thái vô sanh (vibhavatanha). Theo các bản chú giải thì hai loại ái dục sau là luyến ái những khoái lạc vật chất có liên quan đến niềm tin rằng vạn vật là trường tồn vĩnh cửu (sassataditthi, thường kiến) và luyến ái có liên quan đến sự tin tưởng rằng sau kiếp sống này là hư vô, không còn gì hết (ucchedaditthi, đoạn kiến). Bhavatanha cũng có nghĩa là luyến ái trong Sắc giới và Vibhavatanha là luyến ái trong Vô sắc giới, vì Aruparaga (ham muốn đeo níu theo Vô sắc giới) cũng được xem là hai ‘thằng thúc’ (samyojana, dây trói buộc, cột chúng sanh vào vòng luân hồi).

Ái dục là một năng lực tinh thần vô cùng hùng mạnh, luôn luôn ngủ ngầm trong mỗi người và là nguyên nhân chính của phần lớn các điều bất hạnh trong đời. Chính ái dục, thô kệch hay vi tế, làm cho ta bám víu vào đời sống và do đó, dẫn dắt ta mãi mãi phiêu bạt trong vòng luân hồi. Một người bình thường chỉ biết thọ hưởng dục lạc, và cho đó là cao thượng, là hạnh phúc duy nhất. Trong sự thỏa mãn nhục dục, chắc chắn có hạnh phúc nhất thời khi mong chờ, khi thọ hưởng, và khi hồi nhớ các thú vui ấy. Nhưng nó chỉ là tạm bợ và huyễn ảo. Theo Đức Phật, không luyến ái (viragata), hay vươn mình vượt qua khỏi những khoái lạc vật chất là hạnh phúc cao thượng hơn. Hạnh phúc thật sự nằm bên trong chúng ta, và không thể đạt được thông qua tài sản, sự nghiệp, quyền lực, danh vọng, hay chinh phục, xâm lăng. Nếu hạnh phúc đạt được thông qua những thứ vừa kể trên thì nó chỉ là tạm bợ, mau chóng biến mất và thay vào đó là tâm thức bám víu, khổ đau và cuối cùng lại trở thành nguyên nhân dẫn chúng ta đến sinh tử luân hồi.

(1) "Đây là Khổ diệt Thánh đế."

Như vậy, hỡi các Tỳ kheo, đối với các pháp chưa từng được nghe trước kia, nhãn quan, tri kiến, trí tuệ, minh sát tuệ và ánh sáng, phát sanh đến Như Lai.

(2) "Khổ diệt Thánh đế này phải được chứng ngộ (sacchikatabba)."

Như vậy, hỡi các Tỳ kheo, đối với các pháp chưa từng được nghe trước kia, nhãn quan, tri kiến, trí tuệ, minh sát tuệ và ánh sáng, phát sanh đến Như Lai.

(3) "Khổ diệt Thánh đế này đã được chứng ngộ (sacchikatam)."

Như vậy, hỡi các Tỳ kheo, đối với các pháp chưa từng được nghe trước kia, nhãn quan, tri kiến, trí tuệ, minh sát tuệ và ánh sáng, phát sanh đến Như Lai.

Chân lý thứ ba là Diệt thánh đế - trạng thái sau khi ly tham, sân, si và những ái dục ràng buộc tâm thức. "Đây là chân lý thâm diệu về sự diệt khổ (dukkha-nirodha-ariyasacca, khổ diệt Thánh đế). Đó là, xa lánh trọn vẹn và tận diệt chính tâm ái dục ấy. Đó là sự rời bỏ, sự từ khước, sự thoát ly và sự tách rời ra khỏi tâm ái dục". Theo đó, những hình thức thô kệch nhất đến vi tế nhất của ái dục suy giảm được phần nào thì đắc quả phần đó. Những hình thức thô kệch được suy giảm thì đắc quả Tư đà hàm (Nhất lai), tầng nhì trong các tầng thánh, và chỉ được diệt trừ khi đắc quả A na hàm (Bất lai), tầng thánh thứ ba. Những hình thức ái dục tế nhị được tận diệt trọn vẹn khi đắc quả A la hán.

(1) "Đây là Khổ diệt đạo Thánh đế"

Như vậy, hỡi các Tỳ kheo, đối với các pháp chưa từng được nghe trước kia, nhãn quan, tri kiến, trí tuệ, minh sát tuệ và ánh sáng, phát sanh đến Như Lai.

(2) "Khổ diệt đạo Thánh đế này phải được phát triển (bhavetabbam)."
Như vậy, hỡi các Tỳ kheo, đối với các pháp chưa từng được nghe trước kia, nhãn quan, tri kiến, trí tuệ, minh sát tuệ và ánh sáng, phát sanh đến Như Lai.

(3) "Khổ diệt đạo Thánh đế này đã được phát triển (bhavitam).

Như vậy, hỡi các Tỳ kheo, đối với các pháp chưa từng được nghe trước kia, nhãn quan, tri kiến, trí tuệ, minh sát tuệ và ánh sáng, phát sanh đến Như Lai.

Chân lý thứ tư, Đạo đế, con đường để diệt tận khổ đau và thành tựu Diệt đế. Trong bản kinh, Đức Phật ghi nhận rằng, để diệt tận khổ đau, người xuất gia phải thực hành Bát Chánh đạo, hay Trung đạo, con đường Tám nhánh: "Hỡi này các Tỳ kheo, đây là chân lý thâm diệu về con đường dẫn đến sự diệt khổ (dukkha-nirodha-gamini-patipada-ariya-sacca, Khổ diệt đạo Thánh đế). Đó là Bát Chánh đạo: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định".

Bát Chánh đạo trở thành phương tiện thực hiện việc chuyển hóa khổ đau, thành tựu đạo quả. Như vậy, Bát Chánh đạo, bên cạnh việc phê phán hai con đường thái quá sai lầm của các chủ thuyết khác, còn được Đức Phật xác nhận là con đường đưa đến an lạc và giải thoát tối hậu.

Sau khi đã giảng giải Tứ diệu đế một cách tỉ mỉ và rành mạch, Đức Phật kết luận bài pháp với những lời mạnh mẽ sau đây:

"Hỡi này các Tỳ kheo, ngày nào mà tri kiến tuyệt đối như thực của Như Lai về Tứ đế dưới ba sắc thái và mười hai phương thức [1], chưa được hoàn toàn sáng tỏ thì, cho đến chừng ấy, Như Lai không xác nhận rằng Như Lai đã chứng ngộ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác (anuttara sammasambodhi).

Khi tri kiến tuyệt đối như thực của Như Lai về Tứ đế trở nên hoàn toàn sáng tỏ, chỉ đến chừng ấy, Như Lai mới xác nhận rằng Như Lai đã chứng ngộ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Và lúc ấy phát sanh tri kiến và tuệ giác: Tâm của Như Lai đã hoàn toàn giải thoát một cách vững chắc, không còn lay chuyển, và đây là kiếp sống cuối cùng, không còn đời sống nào khác nữa."

Khi thời pháp chấm dứt, Kondanna (Kiều Trần Như), vị đệ tử cao niên nhất trong năm vị, thấu triệt giáo pháp và đắc quả Tu đà hoàn, tầng đầu tiên trong bốn tầng Thánh. Ngài chứng ngộ rằng cái gì đã có sinh ra tức phải hoại diệt - Yam kinci samudayadhammam sabbam tam nirodha-dhammam.

Kết luận

Kinh Chuyển Pháp Luân là bộ kinh đầu tiên Đức Phật nói ngay sau khi Chứng quả Vô thượng Bồ đề. Nội dung bài kinh chứa đựng những nguyên lý chính yếu và quan trọng nhất của Phật giáo (cả Nam truyền lẫn Bắc truyền). Từ nội dung bài kinh trên, có thể rút ra một vài nguyên tắc khi tìm hiểu Phật giáo nói chung và bản kinh này nói riêng:

1. Phật giáo căn cứ trên kinh nghiệm bản thân và tránh xa những hệ thống hay những chủ thuyết đang có thế lực lớn thời bấy giờ. Nguyên tắc này đòi hỏi để hiểu Phật giáo, phải căn cứ trên kinh nghiệm bản thân chứ không thuần túy ở lý thuyết. Nói cách khác, Phật giáo nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thực hành, thay vì chú trọng đến tín ngưỡng và giáo điều. Tin tưởng suông vào giáo điều không thể dẫn đến giải thoát.

2. Phật giáo là một con đường đưa đến diệt tận đau khổ chứ không phải là một tôn giáo đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng hay tạo một thế giới "ảo tưởng" theo nghĩa là "đền bù hư ảo".

3. Không có thần linh trong việc tạo ra nỗi khổ cho con người mà chỉ do chính con người tạo dựng ra nỗi khổ cho bản thân mình. Do vậy, không có nghi thức cúng tế thần linh để con người phải rụt rè, van vái hay sợ sệt.

4. Giới (sila), Định (samadhi), Tuệ (panna) là chánh yếu để thành tựu mục tiêu, Niết bàn được biểu hiện cụ thể thông qua con đường Trung đạo hay Bát Chánh đạo.

5. Nền tảng của Phật giáo là Bốn Chân lý (Tứ diệu đế) có thể kiểm chứng bằng kinh nghiệm. Bốn Chân lý ấy do chính Đức Phật khám phá ra thông qua sự tỉnh giác và suy tư của chính Ngài chứ không từ bất kỳ lời dạy của ai.

6. Khổ đế, chân lý đầu tiên, đề cập đến những thành phần cấu tạo bản ngã, và những giai đoạn khác nhau trong đời sống. Chính các thành phần này đưa đến trạng thái khổ đau của con người. Thấu triệt chân lý thứ nhất (Khổ đế) một cách hợp lý đưa đến tận diệt nguyên nhân của khổ.

7. Chân lý thứ hai (Tập đế) có liên quan đến một năng lực luôn luôn ngủ ngầm bên trong mỗi người, đó là ái dục. Ái dục là nguyên nhân đưa đến tất cả những điều bất hạnh trong đời sống. Chính Tập đế cũng đề cập một cách gián tiếp đến những kiếp sống quá khứ, hiện tại và tương lai, thông qua đó, chuỗi dài sinh tử của kiếp người và những hệ luận nghiệp báo, tái sinh cũng được đề cập.

8. Hai chân lý đầu tiên là tại thế, thuộc về thế gian (lokiya). Chân lý thứ ba, chấm dứt đau khổ, mặc dầu tùy thuộc nơi ta, là siêu thế (lokuttara) và vượt hẳn ra ngoài phạm vi luân lý. Diệt đế là một pháp (dhamma) phải được thấu triệt bằng nhãn quan tinh thần (sacchikatabba). Đây không phải là trường hợp từ khước thế gian bên ngoài mà là dứt bỏ mọi luyến ái ở bên trong đối với thế gian bên ngoài. Do vậy, Niết bàn không phải được tạo nên (uppadetabba) mà phải được đạt đến (pattaba). Niết Bàn có thể được thành tựu ngay trong kiếp sống hiện tại này. Như vậy, có thể hiểu rằng mặc dầu tái sanh là giáo lý chánh yếu trong Phật giáo, mục tiêu cứu cánh của Phật giáo là chấm dứt tái sanh - không tùy thuộc ở tương lai, vì có thể thành tựu trong kiếp sống hiện tiền.

9. Để tận diệt một năng lực hùng mạnh (ái dục) cần phải vận dụng và phát triển Tám yếu tố công hiệu (Bát Chánh đạo). Tám năng lực tinh thần hùng mạnh và có tánh cách thiện, phải được tập trung để đánh đổ một năng lực bất thiện dai dẳng ngủ ngầm bên trong ta.

10. Tuyệt đối tinh khiết, hoàn toàn thoát ra khỏi mọi tiến trình sanh tử triền miên, một cái tâm không còn vướng chút ô nhiễm, trạng thái bất diệt (amata), là những phước lành đi kèm theo cuộc chiến thắng vĩ đại này.

Trí Không

TÀI LIỆU THAM KHẢO 1- Đại tạng kinh Việt Nam, HT.Thích Minh Châu dịch, VCNPHVN, 1995. 2- HT. Narada, Đức Phật và Phật pháp, Phạm Kim Khánh dịch, VNCPHVN, 1998. 3- Kinh Pháp Cú, Phạm Kim Khánh dịch, 1971. 4- Maha Thongkham và Huỳnh Văn Niệm soạn dịch: Chuyển Pháp Luân và Tứ Diệu Ðế, năm 1995, Sài Gòn. 5- PTS. Doãn Chính, Lịch sử triết học Ấn Độ cổ đại, NXB. Thanh Niên, HN, 1999. 6- PTS. Doãn Chính: Tư tưởng giải thoát trong triết học Ấn Độ, NXB. Thanh Niên, HN, 1999. 7- Thích Mãn Giác, Tìm hiểu sáu phái triết học Ấn Độ, NXB. TP.HCM, 2002. 8- Thích Quảng Liên: Sử cương triết học Ấn Độ, NXB. Bồ Đề, Sài Gòn, 1965. 9- Thích Thanh Kiểm: Lược sử Phật giáo Ấn Độ, THPG TP. HCM, 1989. 10- Will Durant, Lịch sử văn minh Ấn Độ, Nguyễn Hiến Lê dịch, Trung tâm Thông tin ĐH Sư phạm TP.HCM, 1989.

http://www.giacngo.vn/thuvien/2010/10/08/7FE418/


Âm lịch

Ảnh đẹp