Nghĩa là: “Bồ-tát
Quán Tự Tại (tên gọi khác của Bồ- tát Quán Thế Âm) trong lúc hành sâu
về trí tuệ ba-la-mật, quán thấy năm uẩn là trống không, vượt qua mọi
gánh nặng khổ đau”.
Mặc dù tiêu biểu cho một giai đoạn phát
triển về sau của tư tưởng thực nghiệm Phật giáo, câu kinh là một cách
nói khác về pháp môn Niệm xứ (Satipatthàna) trong Kinh tạng Pàli, được mệnh danh là con đường duy nhất “ekàyano maggo” đưa
đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu,
thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn. Cụ thể, đó chính là phương
pháp quán pháp trên các pháp đối với năm thủ uẩn. Trong Kinh Niệm xứ, Trung Bộ, pháp môn tu tập này được diễn tả như sau:
“Này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo
sống quán pháp trên các pháp đối với năm thủ uẩn? Này các Tỷ-kheo, Tỷ-
kheo quán sát: “Đây là sắc, đây là sắc tập, đây là sắc diệt. Đây là thọ,
đây là thọ tập, đây là thọ diệt. Đây là tưởng, đây là tưởng tập, đây là
tưởng diệt. Đây là hành, đây là hành tập, đây là hành diệt. Đây là
thức, đây là thức tập, đây là thức diệt”. Như vậy, vị ấy sống quán pháp
trên các nội pháp; hay sống quán pháp trên các ngoại pháp; hay sống quán
pháp trên các nội pháp, ngoại pháp. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi
trên các pháp; hay sống quán tánh diệt tận trên các pháp; hay sống quán
tánh sanh diệt trên các pháp. “Có những pháp ở đây”, vị ấy sống an trú
chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị
ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời”1.
“Hành thâm bát-nhã ba-la-mật-đa” tức thực tập sâu sắc trí tuệ
giác ngộ hay trí tuệ đưa đến bờ kia, đưa đến giải thoát, cũng đồng nghĩa
với việc thực hành sâu sắc pháp môn thiền quán hay tuệ quán (vipassanà) được nói đến trong Kinh tạng Pàli nhằm đạt đến mục tiêu cứu cánh giải thoát gọi là tuệ giải thoát (pannàvimutti), tức thành tựu sự giải thoát hay đoạn tận khổ đau nhờ phát triển trí tuệ.
Sao gọi là “kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách?”. Đó là nhờ thực tập pháp môn quán ngũ uẩn hay như lý giác sát (patisankhà yoniso) năm uẩn nhiều lần và sâu sắc (hành thâm), thấy rõ với trí tuệ hay như thật tuệ tri (yathàbhùtam pajànàti) sự
sanh khởi và đoạn diệt do nhân duyên, tính chất trống không, rỗng
không, không tự tính, không thực thể, vô ngã của năm uẩn, nên tâm thức
vị hành giả thoát khỏi mọi ái luyến, chấp thủ đối với sắc, thọ, tưởng,
hành, thức, thoát khỏi mọi ảo tưởng về “tôi” hay “của tôi”, thực chứng
tâm vô ngã, giải thoát. Kinh Niệm xứ gọi đó là “sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời”.
Không nương tựa, không luyến ái, không chấp trước thì tâm được giải
thoát, trở nên an nhiên tự tại, thoát khỏi mọi hệ lụy khổ đau; chuyện gì
xảy đến đối với sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng không bận lòng, không
sầu, bi, khổ, ưu, não. Năm uẩn là khổ đau, là gánh nặng của muôn vàn khổ
não; do đó, nếu mê lầm mà rơi vào tham ái đối với sắc, thọ, tưởng,
hành, thức, thích thú ôm ấp, nhận làm của mình, tức là mời gọi khổ đau,
quẩy gánh nặng lên vai. Trái lại, thấy rõ năm uẩn là khổ, vô thường, vô
ngã, giả hợp, không thực thể thì hết mê lầm, hết tham ái đối với sắc,
thọ, tưởng, hành, thức, cũng đồng nghĩa là giã biệt khổ đau, đặt gánh
nặng xuống2. Trong Kinh tạng Pàli, Đức Phật nêu rõ kinh nghiệm giải
thoát của Ngài nhờ tu tập pháp môn quán sát năm uẩn:
“Này Vaccha, đây là điều Như Lai đã thấy: “Đây là sắc, đây là sắc
tập, đây là sắc diệt; đây là thọ, đây là thọ tập, đây là thọ diệt; đây
là tưởng, đây là tưởng tập, đây là tưởng diệt; đây là hành, đây là hành
tập, đây là hành diệt; đây là thức, đây là thức tập, đây là thức diệt”.
Do vậy ta nói rằng, với sự đoạn trừ, ly tham, đoạn diệt, xả bỏ, vứt bỏ
tất cả ảo tưởng, tất cả hôn mê của tất cả ngã kiến, ngã sở kiến, mạn tùy
miên, mà Như Lai được giải thoát, không còn chấp thủ”3.
Thấy rõ năm uẩn là duyên sinh, là không,
là vô ngã thì thoát khỏi mọi ảo tưởng về “tôi”, mọi ám ảnh về “tự
ngã”, thoát khỏi tâm tham ái, chấp thủ đối với sắc, thọ, tưởng, hành,
thức, không còn lý do cho mọi vọng tưởng sinh khởi quấy rầy và che mờ
tâm thức. Đây chính là kết quả của công phu thiền quán sâu sắc đối với
năm uẩn mà Tâm kinh Bát-nhã gọi là “hành thâm bát-nhã ba-la-mật-đa”,
tức quán sát và thấy rõ năm uẫn là không, là vô ngã nhằm cắt đứt
tham ái, chấp thủ, vô minh (vọng tưởng), giải thoát hoàn toàn mọi hệ
lụy khổ đau. Sự thấy rõ bản chất sanh diệt, vô tự tính, vô ngã tính,
trống không, không thực thể của năm uẩn, sự dứt bặt mọi ý niệm phân biệt
đối đãi, buông bỏ tâm tham ái, chấp thủ đối với sắc, thọ, tưởng, hành,
thức tức là thực chứng bát-nhã ba-la-mật, vượt khỏi mọi gánh nặng khổ
đau (độ nhất thiết khổ ách), đạt đến bờ kia (đáo bỉ ngạn), thành tựu
tuệ giải thoát (pannàvimutti) hay chứng đắc Niết-bàn. Sau đây
là bài kinh4 nêu rõ phương pháp quán sát năm uẩn là trống không, rỗng
không, không thực thể, vô ngã, do Đức Phật chỉ dạy cho các Tỷ-kheo nhằm
giúp cho họ thực tập và nuôi lớn tuệ giác giải thoát, thành tựu mục
đích đoạn tận khổ đau, đắc quả A-la-hán, thực chứng Niết-bàn:
“Một thời Thế Tôn ở Ayujjàya, trên bờ sông Hằng. Ở đấy Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo…
Ví như, này các Tỷ-kheo, sông Hằng này chảy mang theo đống bọt nước
lớn. Có người có mắt nhìn đống bọt nước ấy, chuyên chú, như lý quán sát.
Do nhìn chuyên chú, như lý quán sát nó, đống bọt nước ấy hiện rõ ra là
trống không, hiện rõ ra là rỗng không, hiện rõ ra là không có lõi cứng.
Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cứng trong đống bọt nước được?
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm có sắc gì thuộc quá khứ, vị lai,
hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc
xa hay gần; vị Tỷ-kheo thấy sắc, chuyên chú, như lý quán sát sắc ấy. Do
vị Tỷ-kheo nhìn chuyên chú, như lý quán sát nó, sắc ấy hiện rõ ra là
trống không, hiện rõ ra là rỗng không, hiện rõ ra là không có lõi cứng.
Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cứng trong sắc được?
Ví như, này các Tỷ-kheo, trong mùa thu, khi trời mưa những giọt mưa
lớn, trên mặt nước, các bong bóng nước hiện ra rồi tan biến. Một người
có mắt nhìn chuyên chú, như lý quán sát nó, bong bóng nước ấy hiện rõ ra
là trống không, hiện rõ ra là rỗng không, hiện rõ ra là không có lõi
cứng. Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cứng trong bong bóng nước
được?
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm có thọ gì thuộc quá khứ, vị lai,
hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc
xa hay gần; Tỷ-kheo nhìn chuyên chú, như lý quán sát thọ ấy. Do Tỷ-kheo
nhìn chuyên chú, như lý quán sát nó, thọ ấy hiện rõ ra là trống không,
hiện rõ ra là rỗng không, hiện rõ ra là không có lõi cứng. Làm sao, này
các Tỷ-kheo, lại có lõi cứng trong thọ được?
Ví như, này các Tỷ-kheo, trong tháng cuối mùa hạ, vào đúng giữa trưa
đứng bóng, một ráng mặt trời rung động hiện lên. Một người có mắt nhìn
chuyên chú, như lý quán sát nó. Do người ấy nhìn chuyên chú, như lý quán
sát, nên ráng mặt trời ấy hiện rõ ra là trống không, rỗng không, không
có lõi cứng… Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cứng trong ráng mặt
trời được?
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm có tưởng gì thuộc quá khứ, vị lai,
hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc
xa hay gần; Tỷ-kheo nhìn chuyên chú, như lý quán sát tưởng ấy. Do
Tỷ-kheo nhìn chuyên chú, như lý quán sát nó, tưởng ấy hiện rõ ra là
trống không, hiện rõ ra là rỗng không, hiện rõ ra là không có lõi cứng.
Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cứng trong tưởng được?
Ví như, này các Tỷ-kheo, một người cần có lõi cây, tìm cầu lõi cây,
đi tìm lõi cây, cầm cái búa sắc bén đi vào ngôi rừng. Ở đây, người ấy
thấy một cụm cây chuối lớn, mọc thẳng, mới lớn, cao vút. Người ấy chặt
rễ cây ấy. Sau khi chặt rễ, người ấy chặt ngọn. Sau khi chặt ngọn, người
ấy lột vỏ chuối ngoài. Khi lột vỏ chuối ngoài, giác cây còn tìm không
được, tìm đâu cho có được lõi cây? Một người có mắt nhìn chuyên chú, như
lý quán sát cụm cây chuối ấy. Khi người ấy nhìn chuyên chú, như lý quán
sát nó, cụm cây chuối ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là rỗng
không, hiện rõ ra là không có lõi cứng. Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có
lõi cứng trong cụm cây chuối được?
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm các hành gì thuộc quá khứ, vị lai,
hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc
xa hay gần; Tỷ-kheo nhìn chuyên chú, như lý quán sát hành ấy. Khi người
ấy nhìn chuyên chú, như lý quán sát, hành ấy hiện rõ ra là trống không,
hiện rõ ra là rỗng không, hiện rõ ra là không có lõi cứng. Làm sao, này
các Tỷ-kheo, lại có lõi cứng trong các hành được?
Ví như, này các Tỷ-kheo, một ảo thuật sư hay đệ tử một ảo thuật sư, tại ngã tư đường bày trò ảo thuật. Một người
có mắt nhìn chuyên chú, như lý quán sát trò ảo thuật ấy. Do người ấy
nhìn chuyên chú, như lý quán sát nó, trò ảo thuật ấy hiện rõ ra là
trống không, hiện rõ ra là rỗng không, hiện rõ ra là không có lõi cứng.
Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cứng trong trò ảo thuật được?
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm thức gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện
tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa
hay gần; Tỷ-kheo nhìn chuyên chú, như lý quán sát nó, thức ấy hiện rõ ra
là trống không, hiện rõ ra là rỗng không, hiện rõ ra là không có lõi
cứng. Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cứng trong thức được?
Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Đa văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với
sắc, nhàm chán đối với thọ, nhàm chán đối với tưởng, nhàm chán đối với
các hành, nhàm chán đối với thức. Do nhàm chán, vị ấy ly tham. Do ly
tham, vị ấy giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên: “Ta đã giải
thoát: Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm xong, không
còn trở lui trạng thái này nữa”. Vị ấy biết rõ như vậy”.
Quán năm uẩn là trống không, rỗng không,
không thực thể nhằm buông bỏ tâm tham ái, chấp thủ, buông bỏ mọi gánh
nặng khổ đau, không còn sanh tử luân hồi; cũng giống như quán năm uẩn
là vô thường, là khổ đau, là vô ngã, là gánh nặng, là bệnh tật, là cục
bướu, là mũi tên, là bất hạnh… đều là những pháp môn thực nghiệm
tự nội, có khả năng giúp cho con người trực tiếp nhận diện sự thật khổ
đau, vô thường, vô ngã của mọi sự kiện hiện hữu để thực hiện tâm giải
thoát, bình đẳng, buông bỏ tâm tham ái, cố chấp, loại bỏ mọi ngã tưởng
hão huyền, thực nghiệm một cuộc sống tự do thanh thản an lạc ngay trong
cuộc đời còn nhiều mê chấp khổ đau.
Chú thích:
1. Kinh Niệm xứ, Trung Bộ.
2. Kinh Gánh nặng, Tương Ưng Bộ.
3. Kinh Aggivacchagotta, Trung Bộ.
4. Kinh Bót nước, Tương Ưng Bộ.
Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 148 | DIỆU HẰNG