01/01/2013 18:39 (GMT+7)
Số lượt xem: 161823
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Trên pháp hội Linh Sơn : “Bấy giờ, đức Phật từ nơi tướng lông trắng giữa chặn mày, phóng ra một luồng hào quang chiếu khắp cả một muôn tám ngàn cõi nước ở phương đông, dưới thì chiếu đến địa ngục A tỳ, trên thấu trời Sắc cứu Cánh.


Chúng ở cõi nầy đều thấy cả sáu loài chúng sanh ở cõi kia. Lại thấy các đức Phật hiện tại nơi các cõi kia và nghe kinh pháp của các đức Phật ấy nói. Cùng thấy các cõi kia, các hàng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, cận sự nam, cận sự nữ, những người tu hành đắc đạo. 

Lại thấy các vị Đại Bồ Tát dùng các món nhân duyên, các lòng tín giải, các loại tướng mạo mà tu hành đạo Bồ Tát. Lại thấy các đức Phật nhập Niết Bàn, lại sau khi các đức Phật nhập Niết Bàn, đem xá lợi của Phật mà dựng tháp bằng bảy báu”.

Pháp Hội linh Sơn khắp hiển bày,

Đạo Sư lông trắng giữa đôi mày.

Quang minh biến chiếu hằng sa cõi,

Lục đạo sinh linh, Phật chẳng ngoài.

Chư Phật mười phương đồng thuyết pháp,

Đại thừa vô lượng nghĩa không hai.

Viên dung pháp giới trùm châu lưới,

Nhứt sát na gian hiện đủ đầy.

Pháp hội Linh Sơn vẫn còn đó, hàng thính chúng vẫn còn tụ hội đông vầy. Lời pháp âm vi diệu của chư Phật vẫn còn rền vang trong pháp giới, chấn động cõi tam thiên.

Tất cả chúng sanh vì bất giác mê lầm, nên thanh tịnh bản nhiên bổng chợt dấy sanh sơn hà đại địa. Vì vô minh vọng tưởng che đậy, nên không thấy được nguồn gốc chơn thật. Vì điên đảo mê mờ, nên chúng ta nhận lầm thân tứ đại giả hợp nầy cho là thân thật của mình, và những tâm niệm lăng xăng duyên theo bóng dáng của sáu trần, khởi phân biệt hay dở tốt xấu rồi sanh yêu ghét cho thật là tâm của mình, nên mãi tạo nghiệp trầm luân đi trong sanh tử chưa lúc nào dừng nghỉ.

Vì mê lầm chấp giả làm thật, nhận bóng làm chơn cho nên đang ở trong phổ quang minh trí mà vọng thấy bị buộc ràng, an trụ nơi Niết Bàn tịch tịnh diệu thường mà không hề hay biết. Hằng ngày đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, mặc, giặt, giũ đều là tiến hành trong đạo giải thoát mà chẳng nhận ra. Tất cả đều ở trong cái không sanh diệt mà vọng thấy có sanh diệt, nên bị cuốn hút trôi lăn theo dòng nước xoáy.

Đã từ vô lượng kiếp rồi, chúng ta là những đứa con hoang, bỏ nhà trốn đi lang thang làm kẻ bụi đời; Những tên cùng tử nghèo hèn, sống lây lất nơi đầu đường xó chợ. Đã từng lăn lộn nơi sáu đường quên mất lối về, lênh đênh trôi dạt nơi biển khổ sanh tử không biết đâu là bến bờ giải thoát. Có khi thì vui cười hỉ hạ, hưởng thú vui ngũ dục thạnh hành trên các cõi trời; lúc thì kêu la, khóc lóc kinh khiếp hãi hùng chịu hành hạ trong cảnh dầu sôi lửa đốt, nằm giường sắt, ôm cột đồng nơi đường địa ngục. Hoặc có khi hò hét đấu tranh, tâm lúc nào cũng đầy sân si thù hận, gây bao cảnh đầu rơi máu đổ ở cõi A- tu- la. Hoặc lắm lúc phải chịu đọa đày trong cảnh lầm than đói khát nơi đường Ngạ quỉ. Rồi cũng có khi vì si mê ám chướng phải đọa làm loài súc sanh, phi cầm tẩu thú, mang lông, đội sừng, mang vác cày kéo nặng nề, ăn dơ ở bẩn, v.v…

Và cứ thế chúng ta cứ đi mãi, đi mãi đến những chân trời vô định. Sống lây lất hết quán trọ nầy đến quán trọ khác, chưa lúc nào dừng nghỉ. Càng đi càng biệt mù tăm dạng.

Vì thế trong Khóa Hư Lục, Ngày Trần Thái Tông khi diễn tả về bốn núi sinh, già, bệnh, chết qua mấy bài kệ, trong đó có câu:

Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách,

Nhật viễn gia hương vạn lý trình.

Nghĩa là:

Lang thang làm khách phong trần mãi,

Ngày cách quê hương muôn dậm đường.

Bây giờ, ngay đây nếu một phen chúng ta biết quay lại, lắng sâu tận đáy lòng, hồ tâm trong lặng, ngay đó buông tay, toàn thân nhẹ nhõm, chẳng cần dở chân cất bước, liền đã đến nhà ngồi sẳn tự bao giờ… Thật là điều hi hữu, chẳng khác gì:

Rùa mù đáy biển sâu vạn dậm,

Ngàn năm mặt biển bọng cây trôi.

Cơ duyên vạn thuở rùa gặp bọng,

Chui tọt vào trong chẳng nghĩ bàn.

Lúc ngủ chiêm bao thấy mình đau nặng, hoảng hốt lo sợ, lăng xăng chạy đi tìm thầy chữa bệnh. Giật mình tỉnh dậy, biết rõ là mộng thì có còn đi tìm ông thầy nào để chữa chứng bệnh trong giấc chiêm bao ấy nữa. Thế nên nói:”Pháp an tâm mà không có pháp”, chỉ “thường biết rõ ràng nói không thể đến”; hoặc là “Thiền tông không một pháp cho người”. “Khi mê thì thầy độ, ngộ rồi con tự độ vậy”.

Nếu là Phật thật, thì khi đi vào trong nhà cầu, nhà tắm đó là ai? Còn là chúng sanh thì có đi vào chánh điện, trèo lên bàn Phật mà ngồi, cũng không che dấu được bộ mặt thật nanh vuốt của quỉ dạ xoa.

Người giả trang thiền tướng dẫu cố tình che đậy, bưng bít trong chiếc áo ca sa, ở lẫn lộn trong hàng Thích tử, nhưng xét kỷ lại hạnh nghiệp quá thô tháo, đức độ chẳng tinh rèn, phàm tân đặc sệt, nói làm trái nhau, hung hăng tự đại; Thật đáng thương thay, xót thay! những kẻ tự dối mình, gạt người, không tin nhân qủa, phỉ báng Phật Pháp. Tuy nhiên, dưới con mắt của Tông sư, phải hiện nguyên hình với cái đuôi của cáo chồn, và phía sau chiếc mặt nạ đội lốt thiền tăng, là cái đầu hôi tanh của loài dã hồ tinh mị. Những kẻ cống cao ngạo mạn, vổ ngực tự xưng, lên giọng thầy đời, bắt chước chỉ đông vẽ tây, sao khỏi cái cười của hàng thức giả. Hãy xem loài giả can kia dù có cố tình bắt chước điệu bộ và rống lên tiếng rống của con mãnh sư, vẫn phát ra giọng the thé của con chó rừng.

Khi bàn tay nhơ, dính lọ, dính nhớt, thì có sờ vào chỗ nào cũng để lại nơi đó dấu vết của sự dơ bẩn và lem luốc. Nếu thật là bàn tay sạch, thì tha hồ cầm nắm, mọi thứ chẳng vì đó mà bị nhiễm nhơ. Một khi đã thấu triệt rồi, thì phố chợ ồn ào có khác nào nơi rừng sâu vắng vẻ. Chưa liễu đạt thì thấy có ra có vào, trong ngoài khác chỗ. Hải ấn đã nắm trọn trong tay thì dẫu có đi đông đi tây, vào nam ra bắc, xuống đất lên trời cũng chẳng ngoài chỗ ấy, chưa từng rời chỗ ngồi mà đạo khắp mười phương.

Phải thế:

Khi đã biết bờ mê là bến giác,

Thì Niết Bàn, sanh tử chớ chia đôi.

Địa ngục, thiên đàng đâu cảnh khác,

Tửu điếm, tòng lâm thảy đạo tràng.

Trà phòng, thiền thất thôi bày vẽ,

Nơi nơi chốn chốn thảy già lam.

Ai có hay chăng? Hình như đâu đây vẫn còn văng vẳng lời thuyết pháp thâm trầm của Tổ sư qua đoạn kinh Kim Cang:

“Bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thinh, hương, vị, xúc, pháp sinh tâm, ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”.

Và kìa! Ánh mắt rực rở hào quang của anh tiều phu Huệ Năng quê mùa, dốt chữ đang nhìn chăm chăm vào đôi mắt của Ngũ Tổ Tôn sư, thảng thốt hô lên:

“Đâu ngờ tánh mình vốn tự thanh tịnh!

Đâu ngờ tánh mình vốn không sanh diệt!

Đâu ngờ tánh mình vốn tự đầy đủ!

Đâu ngờ tánh mình vốn không dao động!

Đâu ngờ tánh mình hay sanh muôn pháp!”

Sự bừng ngộ ấy, đã làm Tổ sư hài lòng và mĩm cười mản nguyện.

Đêm ấy, dưới ánh trăng vằng vặc, có hai bóng người đưa tiển nhau qua sông và Y Bát đã về nam.

Người thời nay không biết thầy trò người ta làm gì, với mục đích gì? Cũng bắt chước dắt nhau vào phòng riên đóng cửa, cài then, lấy chăn trùm kín, bày nhau làm chuyện lạ đời, rồi bảo là truyền trao tâm ấn. A ha! Ối ! A ha ! thực tức cười nôn ruột, rốt cuộc thầy là vua ma, trò là dân ma. cả đám dắt nhau vào hầm lửa.

Là hàng Thích tử trong tông thừa, chúng ta phải lấy việc lớn thoát ly sanh tử làm chỗ an thân lập mạng. Ngày đêm canh cánh quay về lo phản quan tự kỷ, không nên móng tâm tranh đua danh lợi và mưu cầu hưởng thụ lợi dưỡng thế gian. Tiếc thay cho cuộc đời xuất gia cứ bôn ba xuôi ngược, du lịch ngoạn cảnh nơi nầy nơi kia, luống để thời giờ trôi qua vô ích. Chúng ta hãy đặt lại câu hỏi, với tâm nguyện tha thiết ban đầu chúng ta bỏ cha, bỏ mẹ, thân bằng quyến thuộc đi tu để làm gì? Nếu là người dốc chí đi theo con đường hạnh nguyện của chư Phật, làm hàng sứ giả Như Lai với bản hoài “Tự lợi, lợi tha; tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn”, thì chúng ta phải an cư một chỗ lo chuyên tu thiền định, không ngại chịu đựng khó khổ, vượt qua mọi thử thách gian truân, để tìm cho ra con đường giải thoát. Phật Tổ không bao giờ lừa dối chúng ta, hãy mạnh dạng vươn lên, hãy vững niềm tin mà ung dung tiến bước. Pháp không chờ đợi, thời gian không kỳ hẹn. Chúng ta phải có tâm xả thân cầu đạo như Tổ Huệ Khả suốt đêm đứng chôn chân trong tuyết và tự chặt đức cánh tay mình để thể hiện lòng quyết tâm cầu pháp tha thiết. Như Lục Tổ Huệ Năng, vì pháp quên thân, phải đeo đá giả gạo(vì thân gầy ốm, phải đeo thêm đá cho nặng ký mới đạp nổi cái chày) Và còn bao nhiêu tấm gương cao thượng khác nữa. Chúng ta phải một phen ngồi lại, chiếu soi vào bên trong, lặng tâm dứt tưởng để nhận cho ra mặt thật xưa nay của chính mình là gì, thì may ra mới nếm được hương vị giải thoát. Pháp yếu của chư Phật không hai, không khác, muốn ngộ tánh giác phải nương cái sáng phát dụng nơi sáu căn mà quay về nhận lại chân tâm bất sanh bất diệt thì ngay đó giải thoát. Đấy là chân lý muôn đời của chư Phật. Vì thế, trên Pháp Hội Lăng Nghiêm, các đức Như Lai như số vi trần, tuy khác miệng và đồng một lời bảo với Ngài A-Nan rằng:”Lành thay! A-Nan ông muốn biết câu sanh vô minh (nguồn gốc sanh tử từ vô thỉ) là sáu cái đầu gút khiến ông luân chuyển sanh tử, thì nó chính là sáu căn của ông chứ không phải vật gì khác. Ông muốn biết tánh vô thượng bồ đề khiến ông mau chứng an lạc giải thoát tịch tịnh diệu thường, cũng chính là sáu căn của ông chứ không phải vật gì khác”.

Luân hồi trong sanh tử cũng chính là sáu căn, giải thoát an lạc cũng chỉ là sáu căn. Sáu căn nầy không có thật tánh, cái hiểu biết đồng một nguồn. Nếu mê, thì nhận lầm thức tánh phân biệt nơi sáu căn phát dụng, rồi bị nhiễm ô trói buộc. Nếu ngộ, thì từ nơi sáu cửa trở về nhận lại tánh diệu viên.

Đức Phật khai thị rõ thêm, tại sao cũng từ sáu căn đó, mà mê ngộ khác đường, trầm luân giải thoát không chung lối? Là vì “Tri kiến lập tri tức vô minh bổn, tri kiến vô kiến tư tức Niết Bàn”. Nghĩa là “Trong cái thấy biết, thức tánh chạy theo phân biệt là gốc vô minh, trong cái thấy biết không phân biệt là Niết Bàn”. Đây là con đường trở về với tánh giác.

Trong bài phú “cư trần lạc đạo” của Ngài Trần Nhân Tông, hai câu chót cũng diễn tả chỗ nầy:

“Trong nhà có báu thôi tìm kiếm,

Đối cảnh vô tâm khỏi hỏi thiền”

Như vậy. đối chiếu qua yếu chỉ trong kinh, lời dạy của chư Tổ và sở ngộ của Lục Tổ Huệ Năng qua đoạn kinh Kim Cang, tông chỉ nào có sai khác.

Chỉ cần một phen lóng đứng là chân lý hiển bày; một lần chết đi để muôn đời được sống lại.

“Bất giác lặng chìm trong đáy thức,

Mơ màng tịch tỉnh lộ tâm nguyên.

Sáu đường ba cõi mười phương Phật,

Pháp giới từ quang ngập ánh thiền.”

Thể dụng như như, gương sáng một vừng, chẳng phiền bước tới, khỏi nhọc đi lui, nào phải nhọc công ngó tìm quanh quẩn. Vì sao? Bước tới, bỏ lại sau; bước lui, lại lùi xa; ngó quanh bị cướp mất, thẳng ngay dưới gót chân đó mà trực hạ thừa đương, về đến nhà nằm nghỉ ngơi thoải mái.

Cơm canh một nồi, tương, rau, dưa, muối nào có thiếu gì, mặc tình thọ dụng. Được gốc rồi, củ, rễ, cành, lá theo nhau, tất cả gom về một mối. Hương đầy trời, hoa đầy đất, hạt trái tròn đầy, bày lồ lộ chưa từng che đậy. Lục lọi tìm cầu chỉ toi công nhọc sức, nghỉ ngợi suy tư, một rừng gai góc mịt mù; khổ công tham cứu thì đường xa muôn dậm ly hương.

Các bạn có thấy chăng?

Trước mắt vườn xuân một đóa hoa,

Linh Sơn Pháp Hội diễn bày ra.

Nụ cười thầm lặng rền như sấm,

Chấn động ngàn sau nhịp sống hòa.

Muốn hòa điệu với nhịp sống đó, con người phải một phen lột xác, vượt thoát ra khỏi mọi cảnh giới nhị nguyên đối đải. Đập nát mọi khái niệm và giải trừ mọi kiến thức, phá vở mọi kiến giải tình chấp, gột sạnh những ngấn bụi vô minh vọng niệm đã thêu dệt, kết chặt thành khối trong ký ức. Lật đổ toàn bộ hệ thống mạng lưới của tư tưởng, trả con người trở về với thực tại, để nhận chân ra mặt thật xưa nay của chính mình. Ngay cái khoảnh khắc chớp nhoáng và tức thời đó, con người sẽ choàng tỉnh dậy với trạng thái đột biến chấn động ở nội tâm. Một lần chết đi để muôn đời được sống lại, sống lại muôn đời với con người hoàn toàn mới mẻ và cũ rích tự bao đời.

Và anh thấy chăng! Cảnh giới giải thoát đang mở ra dưới ánh mặt trời trí tuệ luôn bừng sáng. Một trạng thái bình an hoàn toàn yên tĩnh. Một sự tĩnh lặng tuyệt vời vô lượng vô biên. Một tâm thể hồn nhiên trong sáng tràn đầy sự linh mẩn. Tất cả mọi cảnh vật đều thức dậy dưới ánh triêu dương rực rở, chim ca mừng ngày mới, bình minh tỏa chiếu khắp muôn phương.

Đồng thời qua trạng thái đột biến chấn động nội tâm đó, trí tuệ của thiền giả được phát kiến thật sâu xa.

Trí tuệ siêu huyền đó vượt lên trên mọi khái niệm khuôn định thường quen, tri thức suy luận hoàn toàn không dính dáng, tư duy quán tưởng bặt dấu vết vận hành. Cảnh giới của ý thức phân biệt và văn tự ngữ ngôn phải được giải trừ; không hệ lụy bởi âm thanh sắc tướng, không vươn tới bằng niềm tin và cầu nguyện. Mà nó chính là một sự phản tỉnh ở nội tại, một sự chuyển hóa triệt để từ nội tâm, một sự tỉnh thức trong cái thực tại bất sanh bất diệt, ngay đây và bây giờ, chưa từng bị thời gian chi phối và bị hạn cuộc bởi không gian. Từ sự phản tỉnh đó, thiền giả khám ra chân trời màu nhiện của cảnh giới chơn không huyền diệu. Bằng vào trí tuệ đó, chúng ta phá vở được lớp vỏ vô minh hắc ám dầy đặc, đã giam hãm đời người trong ngục tù tăm tối của trần gian từ vô lượng kiếp. Sự tỉnh thức đó đã mở ra cho chúng ta một nhãn quan hoàn toàn mới mẻ, khi đối cảnh là chơn lý hiện bày, vừa chạm mắt là nguồn chơn hiển lộ. Không còn thấy có sự chia chẻ giữa tâm và cảnh, sự ngăn ngại giữa lý và sự, sự ngoài nhau giữa tánh và tướng, sự sai biệt giữa bản thể và hiện tượng. Mà chính khi ấy, thấy rõ được thật tướng của vạn pháp. Khi nhìn một sự vật, thấy rõ được nguyên lý của vũ trụ vạn hữu. Khi đối cảnh không còn nói đến vấn đề vô tâm hay hữu tâm. Vì tất cả đều hiện bày chưa từng che đậy.

Ngoài kia nắng ấp hoa đua nở,

Trong nầy rực rỡ một cành xuân.

Ngoài ấy trong nầy đâu cảnh khác,

Làu làu một thể hiện toàn chân.

Rõ ràng ngay cái đương sanh là cái vô sanh, ngay cái đương diệt là cái bất diệt. Tất cả những hiện tượng sanh sanh, diệt diệt đều lồng trong cái bản thể bất sanh bất diệt. Dầu cho cõi tam thiên đại thiên thế giới có đồng thời tan hoại, thể ấy cũng không hao bớt, và dù cho cùng một lúc hằng hà sa số thế giới có sanh khởi, thể ấy vẫn không tăng thêm. Vậy thì có còn sanh tử nào để cầu thoát ra và có còn niết bàn nào để mong được đạt đến. Vì tất cả thực tại đang ở vào chân trời giải thoát rực rở, và tắm mình trong ánh sáng chân lý vô biên.

Giờ đây sự sống của thiền giả không còn giới hạng trong chiết thân tứ đại ngũ uẩn nầy nửa, mà thể nhập vào trong sự sống vô cùng tận, Sự sống vô cùng tận đó được thể hiện trong muôn sự muôn vật, sự sống của muôn sự muôn vật, đều có mặt trong mỗi mỗi sự vật. Sự sống của mỗi mỗi sự vật lại có mặt trong tất cả muôn sự muôn vật. Trong một có tất cả, trong tất cả có một. Một tức là tất cả, tất cả tức là một.

Ngộ nhập được pháp giới tánh chân như bình đẳng, ngay cái thực tại nhất như nầy. Trong đó không thật có sanh, có diệt, có người, có mình, có tâm, có cảnh, có thời gian, có không gian, không cao, không thấp, không mê, không ngộ…Tính ấy duyên khởi ra tất cả sự vật, không có ngăn ngại, đồng thời cũng là bản tánh của tất cả sự vật không hề thay đổi. Thấu rõ được nguyên lý ấy là ngộ nhập được cái “tri kiến phật”.

Người ngộ nhập được cái “tri kiến Phật” nầy , người ấy có thể tùy theo nguyện lực đi vào trong sanh tử để làm lọi ích chúng sanh. Đi vào trong sanh tử, tức là đi vào trong dòng sống vô cùng vô tận. Đi vào trong cái vô cùng vô tận là trở về với thực tại vĩnh hằng. Cái thực tại vĩnh hằng lại trùm khắp cả ba đời và mười phương hư không pháp giới. Mười phương hư không pháp giới có thể thu nhiếp về trên đầu một mảy lông hay chui vào trong một hạt bụi. Trên đầu một mảy lông có thể hiện ra vô lượng cõi nước. Chẳng rời chỗ ngồi mà hiện khắp hóa thân.

Từ sự trực ngộ, trực nhân và trực nhập nầy, Thiền giả nhận ra cái thực tại không tiền khoáng hậu, không có cái đã qua và không có cái sẽ đến. Nhận chân được cái thực tại trước mắt là thể nhập được lý vô sanh. Cũng chính ngay đây, chúng ta mới đích thực hưởng được sự bình an vĩnh củu. Đời sống con người sở dĩ bất an vì luôn luôn sống trong sự loạn động, nuối tiếc quá khứ và vọng hướng tương lai. Hết năm bắt, buông bỏ rồi lại rượt đuổi theo ảo ảnh. Vì thế mà đời người luôn sống trong rự rối rắm, sợ hãi, lo âu và phiền muộn. Do bất giác mê lầm, vô minh tạo nghiệp nên đời đời sanh tử và vĩnh kiếp trầm luân. Một phen tỏ ngộ mới hay ra vô lượng kiếp tử sanh như giấc mộng. Xưa nay thường giải thoát mà vọng thấy bị buộc ràng, thường ở niết bàn mà mộng thấy có sanh tử.

Vô lượng kiếp lai sanh tử mộng,

Niết bàn hoa dốm giữa trời không.

Mê lầm chấp ngã, nhân, sanh , thọ,

Tỉnh ra muôn vật hóa thành không.

Khi sáng ra lẽ thực, chúng ta mới thấy các pháp chưa từng sanh, chưa từng diệt. Thật ra, đây chỉ là một dòng chuyển biến liên tục từ trạng thái hình thể nầy sang trạng thái hình thể khác mà thôi, nhưng bản thể vẫn bình đẳng bất động. Vậy thì sự bình an và chân lý ấy đâu cần tìm ở đâu xa, vì nó luôn hiện hữu nơi đây. Cứu cánh giải thoát là bây giờ và chân lý tối hậu là ngay cái thực tại trước mắt. Trực nhận được cái thực tại vô sanh là đạt đến cứu cánh giải thoát.

Thôi chớ chạy tìm kiếm quẩn quanh,

Ngại gì muôn kiếp tử cùng sanh.

Buông tay thẳng đấy nhà liền đến,

Chậm bước suy tư mất bảo thành.

http://thienviendaidang.net/node/278


Âm lịch

Ảnh đẹp