Phật pháp hiển hiện trong cuộc sống bình dị
Trong một góc nhỏ tại TP.HCM, bé Hà 9 tuổi say sưa tô màu và theo dõi
câu chuyện về cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Tập tô màu này là món
quà mà bé nhận được trong một lần lên chùa cùng mẹ.
Tại một xã nhỏ miền duyên hải tỉnh Thái Bình, mỗi sáng ngày Rằm, mồng
Một, người dân lại tĩnh tâm, lắng lại và tinh lọc tâm hồn mỗi khi được
nghe Kinh A Di đà và kinh Vô lượng thọ trầm hùng trên đài phát thanh
của xã.
Tận dụng khoảng thời gian được nghỉ cuối tuần, hai Phật
tử tự nguyện đã cùng các sư ni chùa Linh Đường (Linh Đàm, Hà Nội) ghi
âm kinh Diệu Pháp Liên Hoa và in đĩa để phát cho các tín đồ thân hữu
của chùa và đưa tặng chùa bạn.
Trên một diễn đàn Phật giáo,
một Phật tử đã thốt lên rằng: “Tôi thật thích thú khi được nghe bộ sưu
tập 1000 giờ Pháp Âm Phật giáo. Cả một kho tư liệu Audio đồ sộ về đạo
Phật nhưng ấn tượng với tôi nhất là 31 chương trình Phật pháp nhiệm mầu
do chùa Hoằng Pháp xây dựng.
Các thầy chùa Hoằng Pháp, đặc biệt là thầy trụ trì - Thượng tọa Thích
Chân Tính đã có một sáng kiến tuyệt vời, đưa hình tượng người thật
việc thật lên truyền hình, trong đạo tràng chùa Hoằng Pháp. Qua những
câu chuyện kể hết sức sống động với người thật việc thật, mới thấy sức
cảm hóa phi thường của đạo Phật.
Vào thế kỉ XXI, nghe một bài
kinh, một bài tán tụng bằng Hán văn quả thật rất khô khan nhưng nghe
được những câu chuyện sinh động, những gian nan khổ ải của kiếp người,
cuối cùng được Phât pháp cảm hóa thì lợi lạc cho quần sanh thực sự hữu
hiệu. Công nghệ tiến bộ, nhịp sống sôi động, hình thức hoằng pháp bằng
các chương trình Phật Pháp Nhiệm Mầu quả thật là một đổi mới thích nghi
rất có ý nghĩa.”
Ngôi chùa “điện tử” giữa đời thường
Cùng với internet, mạng xã hội và các thiết bị công nghệ hiện đại,
những ngôi chùa “điện tử” cũng dần trở nên quen thuộc với cư dân mạng.
Tại ngôi chùa điện tử, các vị thân hữu của chùa có thể thăm viếng, nghe
pháp thoại, tụng kinh, dự pháp đàm, ngồi thiền, tụng giới, hát nhạc
Phật và trao đổi kinh nghiệm tu học của mình.
Website của các
chùa, các tự viện đã trở thành một kho thông tin Phật pháp, một thư
viện Phật pháp trực tuyến khổng lồ mà các tín đồ có thể tìm đến và sẻ
chia bất cứ lúc nào.
Chưa tính đến các website riêng của chùa và tự viện thì ở Việt Nam
hiện nay đã có hơn 100 trang thông tin Phật pháp có lượng truy cập khá
lớn.
Các chương trình Phật pháp nhiệm màu trên Youtube
Những mạng xã hội như Facebook, Yahoo… cũng trở thành công cụ truyền
bá Phật pháp hiệu quả khi chỉ bằng những câu chuyện nhỏ, những bài pháp
thoại ngắn hay pháp âm hoặc câu status là những câu kinh, kệ... cũng
đã thu hút được rất nhiều cư dân mạng Việt Nam, nhất là giới trẻ.
Đặc biệt, qua các kênh trên internet mà nhiều tu sĩ đã thành lập được
những đạo tràng tu tập online, cùng nhau trao đổi Phật pháp nhiệm màu
để ngày càng tinh tấn hơn trên con đường tu học.
CNTT- Phương tiện hoằng pháp thời đại mới
Đánh giá về việc áp dụng công nghệ số trong việc hoằng truyền chánh
pháp, Đại đức Thích Giác Duyên cho biết: “Đạo Phật xuất hiện trên thế
gian đã hơn 2500 năm, trải qua mỗi thời đại với những phát triển về xã
hội và khoa học, bằng tính Khế lý và Khế cơ, Phật giáo biết vận dụng
những thành tựu đó để xiển dương đạo pháp, lợi lạc quần sinh.
Đối với thời đại khoa học công nghệ phát triển vượt bậc như hiện nay,
những vị “Sứ giả Như Lai” muốn đạt được những kết quả tốt đẹp trong
việc hoằng truyền Phật pháp tất nhiên không thể không sử dụng công nghệ
thông tin làm phương tiện.”
Còn Thượng tọa Thích Thọ Lạc cho
rằng: "Chúng sanh đa bệnh, Phật pháp đa phương" (Chúng sanh nhiều bệnh
thì Phật pháp cũng có nhiều phương cách khác nhau để điều trị). Trong
một thời đại mà người người quen với MP3, radio, CDs, VCD, DVD,
YouTube, iPad hay Laptop... thì việc khai thác các công nghệ hiện đại
đưa vào ngành truyền thông và hoằng pháp sẽ giúp đạo Phật nhập thế sâu
rộng hơn vào đời sống hiện đại.
Theo Huyền My - VNN