19/02/2013 19:18 (GMT+7)
Số lượt xem: 76820
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tại nhiều ngôi chùa mặc dù có biển yêu cầu khách không được mặc váy ngắn, quần cộc khi vào chùa, thế nhưng chúng tôi chứng kiến rất phổ biến hiện tượng phụ nữ mặc váy ngắn đi chùa lễ Phật đầu xuân.


Mặc dù Tết nguyên đán Quý Tỵ đã đi qua, những ngày làm việc đã bắt đầu nơi công sở, nhưng chúng tôi theo dòng người đi lễ các đền chùa ở Hà Nội, thấy chùa, đền, phủ nào cũng vẫn đông nghịt khách đến lễ Phật cầu may mắn. Đi lễ chùa là một nét đẹp văn hóa trong đời sống tâm linh của người dân Việt. Vào mồng một, ngày rằm hàng tháng, đặc biệt vào những dịp lễ, Tết có rất nhiều người đi chùa lễ Phật. Vào chùa đầu xuân, chúng tôi được chiêm ngưỡng rất nhiều người đảnh lễ Phật rất thành tâm, thể hiện nét đẹp văn hóa. Một trong những nét tiến bộ của khách đi lễ chùa năm nay là nhiều người đã bỏ thói quen đem những đồ lễ mặn hay vàng mã đến chùa, hiện tượng rải tiền lẻ lên ban thờ Phật đã giảm, thay vào đó họ tự giác cho tiền vào những hòm công đức hoặc ghi phiếu công đức. Bởi vậy, những bàn ghi nhận công đức ở các chùa lúc nào cũng đông người.

vay ngan vao chua le phat_ anh chup o chua Phuc  Khanh.JPG
Cứ trang phục như thế tự nhiên đến... chùa lễ Phật (ảnh chụp tại chùa Phúc Khánh, Hà Nội)

Tuy nhiên, bên cạnh những người đến chùa lễ Phật, hành thiện tích đức, giữ được nét văn hóa thanh lịch khi đến cửa thiền thì cũng còn không ít người làm những điều trái giáo lý nhà Phật, làm mai một bản sắc văn hóa, gây mất mỹ quan hay giảm giá trị văn hóa đích thực khi đi chùa lễ Phật.

rac o san chua_ anh chup o chua tran quoc.JPG
Và tùy tiện xả rác (ảnh chụp tại sân chùa Trấn Quốc)

Một trong những hình ảnh phản cảm nhất là hiện tượng nhiều cô gái trẻ, phụ nữ vào chùa mặc quần áo hở hang diễn ra rất phổ biến. Tại các chùa Trấn Quốc, chùa Một Cột  có tấm biển ghi những dòng chữ “Đề nghị quý khách lưu tâm: không mặc quần áo ngắn vào chùa” không chỉ bằng tiếng Việt mà còn bằng nhiều thứ ngoại ngữ nữa, thế nhưng dường như “phái đẹp” vẫn cố “lờ đi” những lời nhắc nhở này. Nhiều người đi lễ chùa mặc váy ngắn cũn cỡn, nếu mặc thêm tất đủ che khuất màu da của đôi chân còn có thể chấp nhận được, đằng này họ mặc tất rất mỏng nhìn rất khó coi. Thậm chí nhiều người váy ngắn tưởng như không thể ngắn hơn nữa, đôi chân lại để trần khoe màu da trắng nõn. Ngày nay váy ngắn là thời trang phổ biến nơi công sở làm tôn lên vẻ đẹp phụ nữ. Nhiều phụ nữ ngay cả những ngày rét buốt vẫn thích trưng diện váy ngắn, vì với họ “thời trang đập chết thời tiết”. Tuy nhiên, váy ngắn đến chùa lại trở nên không đúng chỗ, vẻ đẹp phụ nữ đã biến thành sự kệch cỡm. Một trong những quy ước, khuyến cáo của nhà Phật đối với du khách, Phật tử là “Khi vào chùa cần mặc quần áo dài, kín cổ, đi khẽ. Tránh mặc áo ngắn tay, áo sát nách, áo may ô, quần soóc, váy ngắn,… Đối với Phật tử thì phải mặc áo lễ khi đến điện thờ Phật trong chùa”. Nhớ lại cách đây 3 năm, từng có một lần tôi đến chùa Đỏ (ở quận Hà Đông – Hà Nội) để phỏng vấn TT.Thích Minh Hiền – Phó ban Văn hóa Trung ương GHPGVN. Đang phỏng vấn, thì có một cô gái cũng là phóng viên đến phỏng vấn Thượng tọa theo lời hẹn từ trước. Thế nhưng khi cô gái này bước vào ghế ngồi, tôi ngạc nhiên khi thấy Thượng tọa  đứng dậy, bỏ sang bàn khác, rồi bảo cô gái: “Mời cô về thay quần áo khác rồi đến đây thì tôi mới trả lời. Đến phỏng vấn chư tăng mà mặc váy ngắn thế kia là bất kính”. Cô gái ngượng ngịu đành phải ra về. TT.Thích Minh Hiền giảng giải cho tôi biết: vào chùa mà mặc váy ngắn, quần cộc là bất kính với Tam bảo.

vay ngan vao chua sau khi le phat roi den khu vuc dang ky giai han _ anh chup o chua Phuc Khanh.JPG
Váy ngắn đi đăng ký dâng sao giải hạn ở chùa Phúc Khánh

Những ngày này, khách đến lễ chùa đầu năm không chỉ cầu may mà còn chen chân xếp hàng đăng ký dâng sao giải hạn. Cúng sao giải hạn là một tập tục tồn tại từ lâu đời và thời nay dường như ngày càng "phát triển" tại Việt Nam.  

rat dong nguoi vao chua le phat dau nam_ anh chup o chua tran quoc.JPG
Cảnh chen chân ở chùa Trấn Quốc

Lễ chùa đầu xuân Quý Tỵ, chúng tôi còn chứng kiến vô vàn hình ảnh phản cảm khác. Ở nhiều chùa không khí ngột ngạt bởi khói hương mù mịt, tro vàng mã bay lả tả khắp sân chùa. Những đỉnh hương lớn đặt ngoài sân chùa phía trước chánh điện khói um bởi hàng hàng trăm que, hàng ngàn que hương đang cháy, hòa quyện cùng khói từ những thẻ nhang trên tay những người lễ Phật. Hiện tượng đốt vàng mã tràn lan, nhiều người không đốt vàng mã ở những lò hóa vàng mà nhà chùa đã xây, mà đốt ngay trên sân chùa, gây ô nhiễm nhếch nhác. Nhiều người sau khi đốt hương, đặt rễ đã vứt bừa bãi vỏ bao hương, túi nilon đựng đồ lễ xuống ngay sân chùa. Ở nhiều ngôi chùa do khách đi lễ quá đông lại mất cảnh giác đã khiến những kẻ đạo chích, trộm cắp có cơ hội hoành hành. Ở nhiều di tích, nhà chùa phải dán những bản khuyến cáo, in hình những kẻ trộm cắp để nhắc nhở người đi lễ phải cảnh giác. 

thong bao dang ky le giai han dan o chua mot cot.JPG
Thông báo ở chùa Một Cột ngay giữa lòng Thủ đô có nội dung gây nhiều dị nghị trong dư luận

Bài và ảnh: Chu Minh Khôi

http://giacngo.vn/bandoctoasoan/bandoc/2013/02/19/12C408/


Âm lịch

Ảnh đẹp