Đại lễ lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2009, khi ấy chúng
tôi đang du học ở nước ngoài nên không thể trực tiếp tham gia nhưng
trong lòng luôn cầu nguyện để một lần đến với trai đàn này. Và nhân
duyên đã hội đủ…
Con đường quốc lộ 1A đoạn đi qua chùa Từ Quang luôn tấp nập xe cộ cùng
dòng người xuôi ngược nhưng có lẽ hôm nay mọi thứ dường như chậm lại để
trải lòng với dòng chữ: “TRAI ĐÀN CHẨN TẾ BẠT ĐỘ OAN HỒN UỔNG TỬ SẢN NẠN
THAI NHI” được giăng thật to trước lối rẽ vào chùa.
Vừa bước vào ngôi đại hùng bửu điện thật trang nghiêm thanh tịnh,
điều đầu tiên mà chúng tôi bắt gặp trong số hơn 1000 người đang hiện
diện là hình ảnh những cặp thanh niên trong độ tuổi từ 18 đến 25 với
những tờ văn phát nguyện trên tay, họ thành tâm sám hối trước Tam bảo và
những giọt nước mắt hối hận muộn màng lăn dài trên những gương mặt còn
rất trẻ.
Lặng lẽ, chúng tôi thiền hành với những bước chân chính niệm thành tâm
cầu nguyện đến hàng nghìn sinh linh đang hiện diện trong pháp hội này.
Bằng tâm niệm, chúng tôi có thể cảm nhận được hơi thở, ánh mắt, nụ
cười và cả những oán hờn của chúng. Thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp đâu
đó những ánh mắt của ông bố bà mẹ nhìn về nơi xa xăm, không cần những
giọt nước mắt hay thốt ra những lời sám hối, chúng tôi cũng hiểu và cảm
thông với những lỗi lầm mà họ đã gây ra trong quá khứ.
Chúng tôi thầm nghĩ, đây có phải là những hậu quả sau những phút giây
ân ái khoái lạc để rồi giờ đây phải nhận một bản án lương tâm quá nặng
nề? Bất chợt một cô Phật tử vỗ nhẹ vào vai chúng tôi hỏi có viết sớ cầu
siêu cho đứa con chưa?
Chúng tôi thoáng chút bất ngờ và cười nhẹ thay cho câu trả lời vì
không biết phải giải thích như thế nào khi một thanh niên như chúng tôi
chưa một lần biết đến cảm giác ái ân ra sao mà lại hiện diện tại pháp
hội này.
Có lẽ trong tâm thức của cô Phật tử ấy khi thấy những thanh niên đến
pháp hội đều là những người lầm lỡ. Nhưng cũng không có gì làm lạ khi
xung quanh chúng tôi nơi đây là những người từng chối bỏ quyền được sống
của một sinh linh vô tội.
Phá thai là một vấn nạn của xã hội hiện nay, nó luôn để lại dấu vết đau
thương trong lòng những người can tội giết chết chính đứa con của mình.
Có lẽ chúng tôi sẽ không bao giờ quên được hình ảnh nạo phá thai mà
chính bản thân tận mắt chứng kiến.
Khi bắt tay thực hiện vở cải lương Nỗi Niềm Hối Hận, chúng
tôi có dịp đi thực tế đến các “lò sát sinh” (không biết phải dùng từ nào
chính xác hơn để diễn tả các điểm nạo phá thai!).
Sau một hồi thuyết phục thật lâu về nội dung cũng như ý nghĩa của
kịch bản, chúng tôi được bác sĩ (chúng tôi còn gọi là những “đồ tể nhân
loại” và ê-kíp cho phép vào tận bên trong để “mục sở thị” hành động “sát sinh” của họ.
Rùng rợn! Dã man! Đáng sợ! Đó là những gì đang diễn ra trước mắt! Một
câu danh hiệu Phật A Di Đà đã thốt ra! Công tắc của máy hút được mở lên,
và… những phần trong cơ thể của đứa bé cũng theo đó mà ra ngoài. Đầu,
chân, tay… tất cả đều đã tượng hình! Cả thân thể đứa trẻ bầm tím do kẹp
gấp, máy hút, v.v…
Còn những vị “đồ tể nhân loại” cứ thế như một cái máy được lập trình
sẵn thật điêu luyện với từng động tác nhuần nhuyễn thuần thục… Khi những
chiếc que inox lạnh tanh ấn vào cơ thể, cô gái rướn người kêu rên đau
đớn, vị “đồ tể nhân loại” liền quát lớn “Có ngu thì ráng mà chịu, giờ than van cái gì?”.
Vì quá đau nên cô nhìn quanh để tìm một điểm tựa tinh thần… Nhưng,
không một ai cả! Những vị “đồ tể nhân loại” đứng xung quanh dường như
không quan tâm, họ lạnh lùng sắt đá như thế đấy!
Cô đưa mắt nhìn sang chúng tôi. Trước tình cảnh như thế, chúng tôi
liền đưa đôi tay của mình để cô níu chặt vào hầu chia sẻ nỗi đau quá lớn
về tinh thần và thể xác mà cô đang phải gánh chịu. Những giọt nước mắt
đã vô tình đua nhau lăn dài trên đôi má chúng tôi…
Trước ngày khai mạc đại lễ, chúng tôi được Ban tổ chức gửi hơn một trăm
thiệp mời tham dự. Không đắn đo suy nghĩ, chúng tôi đã gửi trực tiếp đến
một số phòng khám phụ khoa, cơ sở nạo phá thai trên địa bàn Thành phố
Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh lân cận, với một hy vọng rất nhỏ bé: “mong
sao những ai hành nghề nạo phá thai được một lần đến với pháp hội, có
cơ hội sám hối chuộc lại lỗi lầm đã gây nên và hãy đốt bỏ “bộ áo giấy”
của “đồ tể nhân loại” để khoác lại chiếc áo blouse thiêng liêng của một
lương y tâm đức”.
Theo Đại đức Thích Giác Thiện thì đại lễ không chỉ cầu nguyện cho những
sinh linh ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới theo đúng tinh thần từ bi
của đạo Phật không giới hạn ở quốc độ này hay quốc độ khác.
Bên cạnh đó, thông qua các buổi thuyết giảng trong thời gian tổ chức
đại lễ, những thông điệp yêu thương hạnh phúc gia đình, mang tính giáo
dục cao được gửi đến các bạn thanh thiếu niên, đó cũng là những lời chia
sẻ cảm thông thật chân tình của những người tổ chức pháp hội.
Chúng tôi rất kính phục Tâm Bồ tát thật vĩ đại của Đại đức Thích Giác
Thiện – một vị trụ trì trẻ dành trọn tình thương cho chúng sinh. Có tận
mắt thấy được sự tất bật lo toan của Đại đức trong suốt thời gian tổ
chức đại lễ càng làm chúng tôi cảm động dường nào bởi Thầy là người chu
toàn mọi mặt từ việc lớn cho đến những việc nhỏ nhặt nhất hầu pháp hội
được thành tựu viên mãn.
Khi bài viết này được đăng tải thì Đại lễ siêu độ thai nhi lần III
năm 2011 cũng vừa khép lại nhưng với tấm lòng từ bi cao cả của một vị
trụ trì trẻ, trải lòng mình lắng nghe chia sẻ với những nỗi đau thầm kín
của nhân loại, chắc hẳn rằng những ai đã từng đến với pháp hội chùa Từ
Quang thì không sao quên được hình ảnh cao quý của Ngài – Đại Đức trụ
trì Thích Giác Thiện.