04/05/2013 18:39 (GMT+7)
Số lượt xem: 90287
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Anuruddha là người em họ đầu tiên của Đức Phật xuất gia theo Ngài. Một lần nọ, trong khi Đức Phật đang giảng pháp, Anuruddha ngủ gục và bị khiển trách. Anuruddha nhanh chóng biết lỗi và đến quỳ trước Đức Phật. Ông biết tính biếng nhác của mình, và nguyện không bao giờ ngủ gật nữa.

   

 


Kể từ đó, Anuruddha làm việc cả ngày đêm, bất kể giấc ngủ. Nhiều lần Đức Phật ân cần bảo: “Sự lười biếng trong tu tập là đáng trách, nhưng làm việc quá độ mà không nghỉ ngơi thì cũng là sai lầm”. Đức Phật cũng dạy: “Mọi chúng sinh hữu tình nhờ vào thức ăn để sống, cũng vậy, đôi mắt cũng cần nghỉ ngơi để bồi bổ thị giác chứ!”. Tuy thế, Anuruddha vẫn không thay đổi: “Con đã thề trước Đức Phật, và con không thể phụ lời thề đó”.

Không lâu sau, mắt của Anuruddha bị mù. Cuộc sống của ông trong Tăng đoàn trở nên bất tiện và khó khăn, đặc biệt khi đi khất thực và may vá. Tuy nhiên, các vị trong Tăng đoàn đều hết lòng giúp đỡ ông. Dầu bị mù, nhưng ông không lấy làm buồn phiền, đau khổ; ngược lại, vì ông rời xa mọi thú tiêu khiển thường ngày và những thị phi của cuộc sống xung quanh, nên ông càng tinh tấn tu tập.

Một lần nọ, áo của ông bị rách. Thử một vài lần để vá, nhưng ông chẳng thể nào giải quyết một mình. Rốt cuộc, ba cái áo của ông đều bị sờn, khiến ông phải nhờ Ananda giúp đỡ. Đức Phật biết chuyện, Ngài bảo: “Anuruddha! Đưa chỉ và kim đây, Như Lai này sẽ vá áo cho!”. Nghe thế, Anuruddha cảm động khóc, không nói nên lời. Cùng với Ananda, Đức Phật hoàn tất vá áo vào cuối ngày.

 Đọc câu chuyện trên, ai cũng thán phục quyết tâm tu tập của ông Anuruddha, đồng thời không thể đồng ý cách khắc phục việc ngủ gục của ông bằng cách chong con mắt, bỏ qua giấc ngủ để đến nỗi bị mù. Nhưng cũng vì thế mà ông được hưởng phước báu do nếp sống lục hòa và tình cảm chia sẻ của Tăng đoàn, và nhất là sự ân cần và chăm sóc đặc biệt của Đức Phật thể hiện bằng hành động vá áo.

Chuyện đã xa xưa, trên 2.500 năm, còn ngày nay, ai dại gì bỏ ngủ đến nỗi mù mắt như Ngài Anuruddha? Ấy thế mà, vẫn có những thanh niên, ở độ tuổi sung sức, phải cam phận mất ngủ, mất chơi trong mấy tháng thường. Đây là những học sinh lớp 12 sắp bước vào kỳ thi tốt nghiệp phổ thông (TNPT), được nhà trường nuôi tập trung vài tháng ở trong trường, cách ly với gia đình và xã hội, để ôn luyện những môn thi tốt nghiệp hầu trở thành cậu tú, cô tú. Cách ôn luyện là xào lui xào tới những nội dung thi, cho học thuộc lòng, hỏi bài, trả bài, làm bài thử.

Dưới đây là thể hiện cách làm như thế tại một trường trung học phổ thông (THPT) tư thục tại TP.HCM, thời gian là năm 2010:

“Từ vài tháng nay, 270 học sinh khối 12 của Trường THPT tư thục (…) (TP.HCM) đã quen với lịch học dày đặc: sáng từ 6g30-11g, chiều từ 13g30 đến 16g, tối từ 18g đến 20g30, nghỉ giải lao 30 phút rồi tiếp tục chiến đấu đến 23g30! Sân trường, hành lang và các phòng học luôn sáng đèn tới nửa đêm. Đi cùng học sinh trong hành trình thức khuya dậy sớm, tiết kiệm từng giờ từng phút để ôn tập là đội ngũ 9 giáo viên quản nhiệm, một dược sĩ trực 24/24 giờ, hai cán bộ quản lý nội trú ở khu nam và khu nữ, hai nhân viên bảo vệ, một nhân viên canwgtin”. “Bữa ăn chiều lúc 17 giờ thường chỉ kéo dài chưa đầy 15 phút. Ăn xong, học sinh tranh thủ thư giãn để bước vào hai suất học buổi tối”.

Học ngày học đêm như thế may mắn học sinh không bị mù vì ngày nay phòng học đầy đủ ánh sáng, lại có mắt kính giúp sức, chứ như thời Đức Phật ngày xưa chắc cũng bị như Ngài Anuruddha. Tuy nhiên, Ngài Anuruddha mù thị giác mà sáng lòng tin, mà chứng được chân lý của cuộc sống, mà được hòa hợp trong Tăng đoàn, nhất là lại được Đức Phật ân cần chăm sóc, giáo dục; chứ còn những học sinh thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tin học hóa, bị quản tại trường , bị nhồi nhét kiến thức, thiếu môi trường xã hội và thiên nhiên để nẩy nở nhân cách, xing quanh chỉ thấy bốn bức tường, sách vở giáo khoa, phấn trắng bảng đen, thì học sinh này cũng chỉ dật dờ thị giác như những con gà công nghiệp.

Nhà trường và cha mẹ học sinh buộc con em làm như thế nhân danh lợi ích của con em, cụ thể là mảnh bằng tốt nghiệp THPT. Nhưng  liệu có nên bất chấp mọi phương tiện để đạt mục đích, nhất là mục đích đậu TNPT đâu phải là quá khó khăn, nếu không nói là kết quả thi quá bình thường: phần lớn là chín mươi mấy phần trăm, đậu dễ chứ rớt khó? (biết đâu mấy cô cậu vào phòng thi tự xoay xở mà đậu, chứ đâu phải nhờ công lao đèn sách mấy tháng tập trung?). Nhưng giả sử một thành phần ít ỏi nào đó có khó khăn tiếp thu kiến thức, thì cần một chế độ hướng dẫn ôn tập hợp lý, một chế độ chăm sóc ân cần chứ không phải dùng biện pháp nhốt con người và nhồi kiến thức.

Có thể những trường THPT như thường nói ở trên là chỉ có ở TP.HCM, nhưng hình thức dạy ôn thi tập trung theo kiểu nhồi kiến thức là phổ biến khắp mọi miền. Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố các môn thi tốt nghiệp THPT vào cuối tháng 3, tức khắc các trường vội vã tiến hành thi học kỳ 2 cho lớp 12, để đi vào chiến dịch: ôn tập,phụ đạo, truy bài, thi thử, với hình thức tập trung, cho đến gần ngày thi; báo hại những học trò trên trung bình cũng bị tập trung thi như vậy, dầu chúng tự biết đủ sức để vượt qua kỳ thi.Tất cả guồng máy đó chẳng qua là để chạy theo thành tích, chạy theo chủ nghĩa phần trăm. Trường anh đạt chín mươi mấy phần trăm, trường điểm kia của chị đạt trăm phần trăm mà trường tôi chỉ có tám mươi mấy phần trăm là không được rồi. Cầu trời mong sao cho tụi nó xoay xở làm bài trong phần thi để nâng cao cái phần trăm lên, cho vui vẻ cả làng!

Xét cho cùng, hơn thua nhau con số phần trăm cũng không nói hết điều gì thực chất, chỉ trừ một điều: kết quả chín mươi mấy phần trăm của kỳ thi làm cho mọi cấp quản lý giáo dục thở phào, và là liều thuốc an thần cho con bệnh giáo dục hiện nay. Nhưng những ai có chút tâm huyết trong giáo dục không khỏi buồn lòng khi đối chiếu tỷ lệ cao vút đó với kết quả thi tuyển sinh đại học, đại đa số thí sinh không đủ điểm trung bình, một số không nhỏ đạt điểm 0, điểm 1 – tất nhiên mức độ khó hơn thi tốt nghiệp THPT, nhưng đề thi tuyển sinh không phải là gay go để đạt điểm trung bình.

Trong tình hình giáo dục vẫn chưa có gì cải thiện, và thành tích thi đua vẫn đặt nặng trên con số phần trăm, thì cách dạy nhồi nhét vào mùa thi cao điểm khó mà chấm dứt, tuy nhiên các cấp quản lý giáo dục cần nghiên cứu cách tiến hành ôn tập hợp lý:

- Dành cho học sinh chủ động ôn thi, chủ động về phương pháp, chủ động về thời gian, nhất là học sinh đủ tự tin để vượt qua kỳ thi TNPT, một kỳ thi không có gì sàng lọc đáng kể. Đó là tôn trọng học sinh, nhất là học sinh từ 18 tuổi trở lên phải tự chịu trách nhiêm về công việc của mình.

- Sắp xếp thời gian biểu hợp lý, không truy bứt học sinh, hướng dẫn có phương pháp, giữ gìn sức khỏe cho học sinh, sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tinh thần để đầu óc học sinh dễ chịu khi đi thi.

- Song song với việc tổ chức ôn tập, các liệu pháp tinh thần của nhà trường và thầy cô nhiều khi tỏ ra hiệu quả: động viên, nhắc nhở, hợp tác với gia đình để chăm lo học sinh.

- Xin chấm dứt hình thức tập trung phụ đạo như đã nói trên. Đó là việc lợi bất cập hại, và chưa hẳn những đầu óc thẫn thờ, hôm qua ra khỏi “trại” hôm nay đi thi thì làm sao tỉnh táo làm bài được.

Việc hàng năm có một số lượng lớn thí sinh đi thi và đại đa số đậu tốt nghiệp THPT nói lên thành tích phổ cập giáo dục, với mật độ cô tú, cậu tú trong xã hội còn cao hơn ở Pháp2, nhưng một mặt khác, phản ánh tình trạng học sinh chỉ đi theo con đường khoa cử, dầu có khả năng học tập hay chỉ đến lớp cho qua ngày đoạn tháng, còn con đường học nghề song song với ngành học phổ thông thì thật tiêu điều, không mấy thu hút được học sinh.

Đến bao giờ thanh thiếu niên có nhiều ngã rẽ khác nhau, chọn môi trường học chữ, học nghề phù hợp với năng lực của mình, đáp ứng nhu cầu của xã hội, mặt khác, xã hội đề cao thực học và tuyển người theo yêu cầu công việc, thì chuyện học hành thi cử mới đi vào thực chất, và nhà trường mới có điều kiện để làm tốt hơn việc dạy người.

Ngày nay, xã hội đã phát triển, khoa học giáo dục đã mở ra nhiều phương pháp để truyền thụ kiến thức và kỹ năng đáp ứng yêu cầu của xã hội, tuy nhiên trí tuệ và tình thương, nhất là trí tuệ và tình thương đối với thế hệ trẻ vẫn là bài học muôn đời cho người dạy.

Thuở xưa, người xuất gia đi theo Đức Phật rất đông đảo, gồm đủ thành phần xã hội, với trình độ nhận thức chênh lệch nhau. Ngài đã giảng pháp cho tất cả, Ngài ban tình thương cho tất cả, đồng thời Ngài cũng đã có những cách dạy, cách hướng dẫn, cách thảo luận, cách khơi gợi tâm tùy theo trình độ, nhất là với các đệ tử đặc biệt, từ những vị đại đệ tử xuất chúng như các ngài Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, Ma-ha Ca-diếp, Tu-bồ-đề, A-nan-đà,… cho đến vị chậm hiểu như Ksudrapanthaka (Châu-lợi-bàn-đặc), vị Tỳ-kheo mù Anuruddha,… kể cả tướng cướp Angulimala, kỹ nữ Ambapali. Ngài là đại sư vừa dạy đại trà, vừa giáo dục theo đúng đối tượng. Sự truyền cảm của Ngài và đệ tử, cụ thể bằng hành động vá áo, là một bài học vô giá, không chỉ cho Tăng đoàn thời đó, mà mãi mãi cho hậu thế, như suối nguồn tươi mát cho cuộc đời trầm luân. Trong suối nguồn từ bi và trí tuệ đó, hết thế hệ này đến thế hệ khác, những vị thầy âm thầm “vá áo” cho trò được lành lặn niềm tin, và để thầy và trò cùng nhau sống trong chân thật và an lạc.

 Chú thích:

1. Tư liệu từ Tuổi Trẻ online, 30/5/2010: “Nhồi” chữ trước ngày thi.

2. Căn cứ dữ liệu trong bài: Đôi chút về bằng Tú tài Pháp, tạp chí Văn Hóa Phật Giáo số 109, ngày 15/7/2010. ■

http://chuabuuminh.vn/admin/admin.aspx?Task=12


Âm lịch

Ảnh đẹp