24/10/2012 08:32 (GMT+7)
Số lượt xem: 112618
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

(VHPGO) Giàu hay nghèo, tựu trung ai cũng có nỗi lo, ai cũng muốn tầm cầu hạnh phúc, vất bỏ phiền não. Quẳng gánh lo đi mà vui sống là câu châm ngôn trứ danh của một người thành đạt nước Pháp. Song, để quẳng được gánh lo có hiệu quả thì mỗi danh nhân làm theo một cách riêng.



Quẳng gánh lo

Đức Phật chỉ ra loài người có 8 loại khổ là nguyên nhân của lo âu sầu muộn. Đó là sinh, lão, bệnh, tử khổ (sinh ra, lớn lên, bệnh tật, già yếu và chết đi đều có khổ); cầu bất đắc khổ (muốn mà không được); ái biệt ly khổ (thương nhau xa lìa khổ); oán tắng hội khổ (ghét nhau gặp gỡ khổ), ngũ ấm xí thạnh khổ (năm uẩn không điều hòa là khổ). Tám cái khổ này gây ra 84.000 phiền não âu lo. Ai cũng muốn không còn nỗi lo trói buộc. Đức Phật dạy cách thoát khỏi lo âu được mô tả trong kinh Chuyển pháp luân. Đó là sau khi quán xét Bốn chân lý cao cả (Tứ diệu đế), người tu Phật thực hành theo Tám con đường giải thoát (Bát chánh đạo) thì đạo quả sẽ viên thành theo từng cấp độ. Trong Phật giáo Mật tông cách giải quyết vấn đề là thực thành đơn giản bằng phương pháp khai thác nguồn năng lượng bên ngoài thông qua câu thần chú.
Thần chú là gì? Là mật ngữ của chư Phật, của chư đại Bồ tát lưu xuất từ những cơn đại định tam muội, đã đúc kết tất cả tinh tuý vi diệu trong vũ trụ.

Thần chú Mani, Lục tự đại minh

Thần chú theo tiếng Phạn là “mantra” có nghĩa là “bảo hộ tâm thức” thoát khỏi uế trược, phiền não. Do đó, có thể hiểu nôm na, thần chú là phương tiện ban vui, cứu khổ. Công năng thần chú được mô tả trong nhiều kinh sách Mật giáo. Tuy nhiên, tựu trung lại thần chú có 5 chức năng vi diệu sau đây: kính ái (ai đọc thần chú sẽ được người, trời, quỷ thần kính trọng và quý mến); tăng ích (được gia tăng tiện ích đời thường như tuổi thọ, sức khỏe, thành đạt); tiêu tai (tai ách sẽ bị tiêu trừ theo quy trình từ nặng hóa nhẹ, từ nhẹ trở thành không có chi); câu triệu (tập trung được các năng lực tinh tế của vũ trụ); hàng phục (trừ tà, khử ma, tức là những thế lực vô hình chuyên tìm cách phá hại con người). Trong pháp hội Lăng nghiêm, Đức Phật dạy rằng ngay cả các bậc Bồ tát lớn cũng phải trì chú. Từ đó biết là thần chú thật sự hữu ích cho chúng sanh hữu tình, trong đó có loài người chúng ta. Sau đây trích dẫn từ kinh Thủ Lăng Nghiêm để thấy rõ được oai lực của thần chú: “Giả sử có chúng sanh nơi tâm còn tán loạn, những miễn vẫn trì niệm thần chú này, cũng vẫn thường được 84.000 hằng hà Kim cang thần ngày đêm đi theo giữ gìn hộ vệ… Các tiểu quỷ thần phải xa lánh kẻ thiện nhân này ngoài 10 do tuần, và các chúng ma có muốn rình rập quấy nhiễu cũng không thể được…”

Theo những điều vi diệu đã nêu trên, chúng ta hiểu được việc loại trừ những phiền não thô kệch của thế gian đối với “vũ khí” như thần chú, quả thật là chuyện nhỏ. Chỉ có điều là chúng ta có chịu thực hành, hoặc thực hành đều đặn không? Thông thường người ta gọi là niệm chú, khác với tụng chú là đọc lớn tiếng kèm theo chuông mõ như ở các chùa Việt Nam. Niệm tức là đọc thầm trong trí, hoặc đọc rì rầm chỉ cho cổ áo nghe được mà thôi. Khi gọi là trì chú tức là thực hành thường xuyên theo đúng nghi thức của thần chú quy định (từ “trì” tức là nắm, giữ chặt; tức thị là nắm chặt một câu chú làm phương tiện chuyển hóa tâm). Niệm chú gồm có 6 cách sau đây được chỉ ra trong quyển “Khẩu quyết Mật tông” do đại sư Liên Hoa Sanh chỉ dạy trong chương Luyện trí Kim cương thừa:
- Một là niệm kim cương là niệm mà chỉ chuỗi đeo cổ của mình mới có thể nghe thấy.
- Hai là niệm có âm điệu kim cương được dùng trong những dịp thực hành thành tựu lớn (giai đoạn thứ tư của pháp tu Mật giáo).
- Ba là niệm bí mật kim cương là niệm thầm trong tâm.
- Bốn là niệm như luân xa là tưởng tượng lời niệm ra khỏi miệng, đi vào bụng, rồi tan biến trở vào trung tâm tim.
- Năm là niệm như tràng hoa là xoay tràng hoa thần chú quanh chủng tự trong trung tâm tim, rồi nhất tâm nhiệm trong khi tập trung trí vào các âm.
- Sáu là niệm tập trung vào các âm thanh là niệm trong khi tập trung tâm trí riêng vào âm thanh của thần chú.
Những người mới bước chân vào ngưỡng cửa Mật tông thường làm theo cách thứ 3 và thứ 6 để tiện cho việc đi đứng nằm ngồi đều sử dụng được. Cũng giống như dùng thuốc trị bệnh, thuốc càng quí càng nhiều kiêng kỵ. Khi trì niệm thần chú nào cũng đều tuân theo những quy định sau: Không được ngừng niệm chú giữa chừng để trò chuyện với người khác; Không được niệm lớn tiếng vì như thế sẽ giảm quyền năng thần chú và loài phi nhân và ma quỷ sẽ hốt hoảng mà bất tĩnh; Đừng khạc nhổ những nơi có người qua lại, vì như vậy gây trở ngại cho năng lực thần chú; Trong 4 oai nghi thì khi ngồi theo thế kiết già niệm chú là tốt nhất (lưng thẳng, vai ngang, cổ hơi ngã, hai bàn tay đặt ngửa lên nhau, lưỡi chạm vòm miệng, mắt nhìn về hướng mũi). Đó là những điều cần biết khi niệm chú được Đạo sư Liên Hoa Sanh chỉ ra trong quyển “Khẩu quyết Mật tông”, chương “Chuỗi lưu ly thực hành không lỗi”.
Những điều nêu trên thuộc về sự, còn phần về lý nhằm giải tỏa những ai đang lo rầu, phiền não xin hảy lưu ý những điều sau đây. Khi hành giả (chỉ những người trì niệm thần chú) niệm chú tức là ngừng nói chuyện thế gian, sẽ tốt cho việc luyện khẩu thanh tịnh. Khi hành giả ngồi với tư thế bảy điểm (liên hoa thất điểm) tức là nghiêm trang được thân mình thì sẽ giữ được thân thanh tịnh. Điểm chú ý ở đây là ngay khi đi, đứng, hoặc nằm mà niệm chú thì dù ở tư thế nào các hành giả đều được thân thanh tịnh. Khi hành giả tập trung vào tâm trí để nghe âm thanh thần chú, đương nhiên không nghĩ đến các chuyện đời muôn mặt, lúc ấy sẽ giữ được ý thanh tịnh. Thân, khẩu, ý thanh tịnh được thời gian nào tức lúc đó được gọi là tức thân thành Phật. Đã là Phật thì làm gì có lo âu, có phiền não!
Những gì nói trên gọi là phần tự lực của hành giả, tức là mình dựa vào sức của mình. Còn phần tha lực tức là trông chờ tác động từ các Chư Phật, chư đại chẳng hạn Bồ tát Quán Thế Âm, để Ngài giúp ta quẳng gánh lo đi mà sống, đây là vấn đề bất khả tư nghị (không thể nghĩ bàn). Trong kinh “Quảng đại viên thông, vô ngại đại bi, tâm đà la ni” Quán Thế Âm Bồ tát xác quyết rằng khi chúng sanh trì niệm thần chú của Ngài thì mọi sở nguyện chính đáng đều được như ý, nếu không được như vậy Ngài thề không thành bậc Chánh đẳng chánh giác. Điều này có nghĩa là thần chú sẽ làm nhịp cầu nối với Quan Âm Bồ Tát, là một cần ăng ten thu sóng vi diệu từ cõi giới của Ngài. Nhờ đó hành giả được đáp ứng những sở cầu bởi vì Quán Thế Âm Bồ Tát sẽ gia trì một cách màu nhiệm.

(Quán Thế Âm Bồ Tát  - Quán Âm Tứ Thủ – nguyên mẫu Tây Tạng)

Một khi đã khởi lòng tin như thế, hành giả không lo gì chuyện khó khăn phiền muộn của đời thường, vì sẽ gửi hết nỗi ưu tư của mình cho Ngài lo toan. Chỉ cần làm một việc nhẹ nhàng là chuyên tâm trì niệm thần chú. Lúc đó, tự lực sẽ có tha lực, tha lực sẽ bỗ trợ cho tự lực ngày càng tinh tấn, phá nát phiền não ác, tồi phục bốn loại ma, sẽ rời xa địa ngục như kinh “Bát đại nhân giác” chỉ rõ trong điều thứ 4. Sau khi đã hiểu và tin thì chuyện còn lại là do người đọc tự quyết định. Nguyện cho những ai có căn duyên được sở thành như ý!

NGUYỄN PHẠM

http://vanhoaphatgiao.com.vn/?p=1362

Âm lịch

Ảnh đẹp