06/03/2012 11:44 (GMT+7)
Số lượt xem: 235937
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Con người sống giữa thế gian ngoài việc chịu tác động lẫn nhau còn chịu sự tác động tự nhiên. Nhưng không phải lúc nào con người cũng gặp may mắn thuận lợi, gặp những điều kiện sinh sống bình thường, mà trong một số trường hợp con người phải đối mặt với những thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, ốm đau hay các biến cố rủi ro khác nhau.

I. DẪN NHẬP

  Con người sống giữa thế gian ngoài việc chịu tác động lẫn nhau còn chịu sự tác động tự nhiên. Nhưng không phải lúc nào con người cũng gặp may mắn thuận lợi, gặp những điều kiện sinh sống bình thường, mà trong một số trường hợp con người phải đối mặt với những thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, ốm đau hay các biến cố rủi ro khác nhau. Điều này đã được Đức Thế Tôn nhận định, đây là nỗi đau của nhân thế. Ngày nào con người còn tồn tại với ngũ uẩn thân, thì ngày đó những nỗi đau còn hiện hữu.

Trước những bấp bênh sóng gió của cuộc đời, các quốc gia đã lên tiếng bảo vệ xã hội đối với những thành viên của mình, bằng một loạt những biện pháp công cộng, chống đỡ sự hẫng hụt về kinh tế và xã hội do bị mất hoặc bị giảm đột ngột nguồn thu nhập vì ốm đau, thai sản, tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, tàn tật, tuổi già và chết, kể cả sự bảo vệ chăm sóc y tế và trợ cấp gia đình có con nhỏ…Các hình thức ‘an sinh xã hội’ được xây dựng có sự khác nhau giữa các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, có thể thấy những cơ chế chủ yếu của nó bao gồm: bảo hiểm xã hội, cứu trợ xã hội (còn gọi là cứu tế xã hội), các chế độ trợ cấp từ quỹ công cộng, các chế độ trợ cấp gia đình, các quỹ dự phòng, sự bảo vệ do người sử dụng lao động cung cấp, các dịch vụ liên quan đến an sinh xã hội.

  Cách đây 26 thế kỷ, Đức Thế Tôn xuất hiện giữa thế gian đã từng ưu tư quan tâm đến những vấn đề rốt ráo của con người, vấn đề ‘an sinh xã hội’. Ngài đã tự mình dấn thân tìm con đường giải thoát ra khỏi tình trạng bấp bênh sóng gió của cuộc đời hay các biến cố rủi ro khác nhau.

II. Ý NGHĨA AN SINH XÃ HỘI

  Khái niệm An sinh xã hội là thuật ngữ được dịch ra bởi cụm từ Social Security (tiếng Anh), Sécurities (tiếng Pháp). Thuật ngữ An sinh xã hội được hiểu là sự bảo đảm nhằm bảo tồn nhân cách cùng giá trị cá nhân, đồng thời tạo lập cho mỗi người một đời sống sung mãn và hữu ích để phát triển tài năng đến tột độ (Đạo luật của Mỹ, 1935). Thuật ngữ An sinh xã hội cũng được ghi nhận là sự bảo vệ xã hội chống khó khăn do bị ngừng hay bị giảm về thu nhập, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, thất nghiệp, thương tật, tuổi già và chết. (Tổ chức quốc tế ILO)

  An sinh xã hội thể hiện quyền cơ bản của con người và là công cụ để xây dựng một xã hội hài hòa, văn minh và không có sự loại trừ. An sinh xã hội có nguyên tắc cơ bản là đảm bảo sự đoàn kết, chia sẻ và tương trợ cộng đồng đối với các rủi ro trong đời sống, do vậy có tác dụng thúc đẩy sự đồng thuận, bình đẳng và công bằng xã hội. Bên cạnh đó, hệ thống An sinh xã hội thông qua tác động tích cực của các chính sách chăm sóc sức khỏe, an toàn thu nhập và các dịch vụ xã hội, sẽ nâng cao năng suất lao động, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu lao động nói riêng và toàn bộ quá trình phát triển kinh tế nói chung.

  Nhà nước ta cũng tham gia tích cực “Ưu điểm của hệ thống ‘An sinh xã hội’ Việt Nam trong thời gian qua là đã hỗ trợ đắc lực cho người nghèo, người yếu thế và nhiều đối tượng khác.

o  Thứ nhất là chính sách bảo hiểm xã hội, lo cho những người làm công ăn lương đảm bảo đời sống lúc về già.

o  Thứ hai là chính sách năng động của thị trường lao động, tức là cứu vớt những người bị tác động của yếu tố bên ngoài, đó chính là bảo hiểm thất nghiệp.

o  Thứ ba là trợ giúp xã hội, như cơn bão số 9 vừa qua mà các gia đình đang bình thường mà tự dưng mất nhà thì Nhà nước phải có chính sách trợ giúp ngay lập tức.

  Các chính sách ‘An sinh xã hội’ từng bước được mở rộng về phạm vi, đối tượng và mức hưởng. Các chính sách hỗ trợ ngày càng nhận được sự ủng hộ, tham gia của cá nhân, cộng đồng dựa trên tinh thần đoàn kết, chia sẻ và tương trợ… Hệ thống ‘An sinh xã hội’ gồm các cơ chế, chính sách, giải pháp nhiều tầng, nấc nhằm bảo vệ cho mọi thành viên trong xã hội không bị rơi vào tình trạng bần cùng hoá bởi tác động tiêu cực của các loại rủi ro”. ‘An sinh xã hội’ là sự bảo đảm mà xã hội cung cấp cho mọi thành viên trong xã hội thông qua việc thực thi hệ thống các cơ chế, chính sách và biện pháp can thiệp trước các nguy cơ, rủi ro có thể dẫn đến suy giảm hoặc mất đi nguồn sinh kế.

1.  An sinh xã hội lấy con người làm trung tâm, coi quyền con người, bảo vệ con người trước biến cố rủi ro xảy ra. Con người vừa là động lực của sự phát triển xã hội, vừa là mục tiêu của việc xây dựng xã hội. Trong tuyên ngôn nhân quyền do Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua 10.12.1948 đã khẳng định “Tất cả mọi người với tư cách là thành viên xã hội, có quyền hưởng bảo hiểm xã hội. Quyền đó đặt trên cơ sở sự thỏa mãn các quyền về kinh tế xã hội và văn hóa cần cho sự tự do phát triển con người”.

2.  An sinh xã hội vừa tạo điều kiện cơ bản và thuận lợi giúp cho các đối tượng đặc biệt có cơ hội phát huy hết thế mạnh của cá nhân đồng thể thể hiện thái độ trách nhiệm của nhà nước trong việc tạo ra cơ hội giúp họ hòa nhập vào cộng đồng.

3.  An sinh xã hội góp phần ổn định phát triển và tiến bộ xã hội. Mục tiêu cơ bản của An sinh xã hội là tạo môi trường công bằng cho các tầng lớp dân cư, cho người nghèo, cho người lao động, cho các đối tượng gặp biến cố rủi ro tham gia. Ngoài việc hạn chế còn đa dạng hóa các hình thức hoạt động khác nhau để góp phần thúc đẩy xã hội.

4.  An sinh xã hội thể hiện truyền thống tương thân tương ái đoàn kết giúp đỡ nhau phát huy sức mạnh cộng đồng, phát huy giá trị truyền thống của dân tộc.

5.  An sinh xã hội góp phần lại thu nhập các tầng lớp dân cư, giữa người lao động, làm công, người có công với nước, người gặp khó khăn, biến có rủi ro, người nghèo neo đơn.

III. PHẬT GIÁO - TINH THẦN AN SINH XÃ HỘI

  Suốt 45 năm hoằng pháp không biết mệt mõi, Đức Thế Tôn mang chân lý hiện sinh đi vào cuộc đời trên tinh thần ‘An sinh xã hội’. Những làng mạc, những thôn xóm mà Ngài đi qua đều hưởng nhuần lợi ích với những ai thực hiện: việc làm đúng, lời nói đúng, và tư duy suy nghĩ đúng đắn.  Lời chỉ dạy của Ngài vừa mang ý nghĩa về mặt kinh tế, vừa có giá trị về mặt xã hội, đặt biệt thể hiện giá trị đạo đức cao đẹp và tinh thần nhân đạo sâu sắc.

1.  Ý nghĩa về mặt kinh tế

  Đức Phật không bao giờ ca ngợi sự nghèo khổ. Trái lại, trong kinh Kutadanta (Trường Bộ) và kinh "Chuyển luân thánh vương tu hành" (Trường A Hàm), Ngài giải thích là muốn trừ nạn giặc cướp và trộm cắp thì dùng hình phạt hay là bố thí đơn thuần đều không thể giải quyết triệt để vấn đề. Qua vị Bà la môn chủ tế, ở triều vua Mahavijita, Phật giải thích là muốn loại trừ triệt để bọn giặc cướp ở trong nước thì: “Những người nào trong quốc độ nhà vua, nỗ lực về nông nghiệp và mục súc, thì nhà vua hãy cấp cho những người ấy hạt giống và thực vật. Những người nào trong quốc độ của nhà vua mà nỗ lực về thương nghiệp, thì nhà vua hãy cấp cho họ vốn đầu tư, những người nào trong quốc độ nhà vua, nỗ lực về mặt quan chức, thì nhà vua hãy cấp cho họ thực phẩm và lương bổng. Và những người này sẽ chuyên tâm vào nghề nghiệp riêng của mình và sẽ không nhiễu hại quốc độ nhà vua nữa. Và ngân quỹ nhà vua sẽ được dồi dào, quốc độ sẽ được an cư lạc nghiệp không có tai ương, ách nạn và dân chúng hoan hỷ vui vẻ, cho trẻ con nhảy đùa ở trong lòng, và sống với nhà cửa mở rộng”. (Trường Bộ Kinh, tr. 241-242). Bên cạnh đó, Đức Phật cũng không phê phán sự giàu có,.mà còn khuyến khích cuộc sống đạo đức và trí tuệ để thành tựu những điều quý báu nhất của nhân sinh, như đoạn dẫn chứng lời Phật giảng cho các Tỷ kheo: “Các ngươi phải siêng năng tu các điều thiện, nhờ tu điều thiện mà mạng sống lâu dài, nhan sắc thắm tươi và được an ổn, khoái lạc, của báu dồi dào, uy lực đầy đủ...” (Trường A Hàm, Kinh Chuyển luân Thánh vương tu hành, tr. 327.).

  Đức Phật còn đi vào chi tiết về vấn đề tiết kiệm và chi tiêu tiền bạc, thí dụ, đức Phật dạy chàng thanh niên Sigala rằng anh ta nên tiêu khoảng 1/4 số tiền kiếm được vào các chi phí hằng ngày, kinh doanh 1/2 và để dành 1/4 còn lại phòng khi cần thiết. Một lần đức Phật nói trưởng giả Cấp Cô Độc (Anathapindika) -- người rất ngưỡng mộ đức Phật, và đã lập ra tu viện nổi tiếng Kỳ Viên (Jetavana) cho đức Phật -- rằng một cư sĩ sống đời gia đình có bốn loại hạnh phúc:

-  Hạnh phúc thứ nhất là được có kinh tế vững vàng hay đủ của cải, kiếm được do những phương tiện lương thiện, ngay thẳng (atthi-sukha);

-  Hạnh phúc thứ hai là được sử dụng của cải đó cho chính bản thân người ấy, gia đình, bạn bè, thân quyến và các nhu cầu cần thiết khác (bhoga-sukha)

-  Hạnh phúc thứ ba là không có nợ nần (anana-sukha)

-  Hạnh phúc thứ tư là được sống một cuộc đời trong sạch, không có các ác nhiệp về thân, khẩu, ý (anavajja-sukha).

  Từ một số thí dụ này, ta có thể thấy rằng đức Phật coi việc ổn định tài chánh -  kinh tế là một điều kiện để tạo ra hạnh phúc cho con người, nhưng đức Phật không coi việc làm ra của cải là cần và đúng nếu chỉ nói về vật chất mà thiếu một nền móng đạo đức và tâm linh Vì rằng hạnh phúc về của cải, kinh tế chỉ bằng một phần mười sáu của hạnh phúc tinh thần, do sống một cuộc đời trong sạch, không tội lỗi.. Tóm lại, dầu khuyến khích sự phát triển về vật chất, Phật giáo luôn nhấn mạnh về sự phát triển đạo đức và tâm linh để tạo nên một xã hội hạnh phúc, hòa bình và tự tại.

2. Giá trị về mặt xã hội

  Thực thể xã hội, chính là từng cá nhân, vì xã hội là một tập hợp của nhiều cá nhân. Nếu cá nhân mà không hiện hữu như một thực thể tồn tại thì xã hội cũng không thể hình thành. Cách mệnh nhân sinh do vậy phải nhắm đến đối tượng là những cá nhân, thực thể của xã hội. Nếu chỉ nhắm đến đối tượng là cái tổng thể xã hội hoặc là tập hợp quyền lực của tổng thể xã hội hay nhắm đến việc thay đổi, sửa đổi hay cải thiện những mô thức, định chế, cơ cấu, nguyên tắc trong sinh hoạt xã hội từ văn hóa, giáo dục đến kinh tế, chính trị, v.v... (mặc dù, không ai chối cãi rằng công cuộc chuyển đổi và cải tạo xã hội ở giới hạn bề ngoài ấy đã có những tác động, những thay đổi, những cải thiện trong chiều hướng tích cực và lợi ích), xưa nay đều không thể hoàn thành được mục đích an sinh xã hội đến tận gốc rễ. Bởi vì những mầm mống và thảm trạng của bất an, khủng hoảng, khổ đau, và những tệ nạn xã hội khác vẫn còn đó.

  Một điển hình dễ thấy là luật pháp của các nhà nước đã được công bố và thi hành, nhưng luật pháp ấy chỉ nhắm đến việc ngăn chận và trừng phạt những hệ quả mà không có giải pháp để chuyển hóa tận gốc từ nguyên nhân. Vậy, muốn giảm thiểu tối đa hay loại trừ các tội trộm cướp, tham nhũng, v.v... việc chế tài và trừng phạt theo hệ quả của luật pháp nhà nước đối với tội phạm không, vẫn chưa đủ, cần phải có phương thức để con người bỏ bớt hay diệt trừ lòng tham lam thì tệ nạn đó mới có thể chấm dứt. Lòng tham chính là căn nguyên của tội trộm cướp, tham nhũng, v.v... Ngày nào mà con người còn lòng tham thì ngày ấy xã hội vẫn còn tội trộm cướp, tham nhũng, v.v... An sinh xã hội không nhắm đến việc chuyển hóa bản chất con người mà cụ thể là chuyển hóa tâm thức, cho nên đã không thể đem lại thành công tận gốc rễ.

  An sinh xã hội của đức Phật là nêu cao giá trị làm người. Mặc dù nhận thức được bản chất vô thường, giả tạm và không thật của tập hợp ngũ uẩn, đức Phật đã không có thái độ phủ nhận giá trị hiện hữu của con người, vì ít ra con người còn có thể vận dụng được xác thân ngũ uẩn ấy cho công cuộc chuyển hóa vô minh và giải thoát phiền não khổ đau đối với tự thân và tha nhân. Trong mối tương quan tương duyên của cộng đồng xã hội, mỗi người đều có giá trị hiện hữu bình đẳng như nhau. Không ai có quyền nhân danh bất cứ thế lực gì để chà đạp lên quyền sống và quyền làm người của kẻ khác. Làm người ai cũng muốn bảo vệ sự sống và sợ cái chết, ai cũng tránh khổ đau và mưu cầu hạnh phúc, ai cũng có sự tôn nghiêm trong tư cách làm người; cho nên phẩm giá của con người là giá trị phổ quát, không một ai có thể chối bỏ hay chà đạp.

  Sau khi dựng lại giá trị làm người, đức Phật đã chỉ ra khả năng vốn có của con người. Theo lý thuyết tất yếu của nghiệp và định luật hiển nhiên của nhân quả, khổ đau hay hạnh phúc là do chính con người tạo ra từ cơ năng thừa hành của tâm thức chủ đạo. Tạo tác nghiệp thiện hay ác, thọ nhận an lạc hay khổ đau đều do tâm thức dẫn đầu. Không có tâm thức tác ý, không có tâm thức điều động thì thân khẩu không làm sao tạo nghiệp. “Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác tất cả. Nếu đem tâm ô nhiễm tạo nghiệp nói năng hoặc hành động, sự khổ sẽ theo nghiệp kéo đến như bánh xe lăn theo chân con vật kéo xe.” (Kinh Pháp Cú, Phẩm Song Yếu, kệ số 1, Thích Trí Đức dịch).

  Có một điều mà có lẽ chúng ta đều đồng ý rằng sở dĩ xã hội có những vấn đề như bất công, tham nhũng, trộm cướp, không an ninh, bất ổn, bệnh tật, nghèo khó, v.v... căn nguyên là vấn đề của cá nhân, của mỗi người. Bởi vì chính mỗi cá nhân vẫn còn cưu mang trong tự thân mình những yếu tố căn bản để dẫn đến các vấn đề ấy. Yếu tố căn bản đó chính là một tâm thức nhiễm ô vì vô minh và các phiền não như tham, sân, si, v.v... Khi mỗi cá nhân với tâm thức có vấn đề thì đi đến đâu, sinh hoạt ở đâu, sống ở đâu, cá nhân đó cũng sẽ tạo ra vấn đề cho bản thân, cho cộng đồng, cho xã hội. Một cá nhân có vấn đề, nhiều cá nhân có vấn đề thì đó sẽ là vấn đề chung của xã hội.

 Nếu từng cá nhân tự chuyển hóa tâm thức để giải tỏa những vấn đề trong chính họ, nghĩa là họ đã giảm trừ hay tận diệt vô minh và các phiền não gây ra bất an khổ não, thì xã hội bớt đi một thành viên tác tạo những vấn đề khó khăn. Đó là mới nói trên lãnh vực tiêu cực, còn trên lãnh vực tích cực thì khi một cá nhân trở thành người hoàn thiện, người tốt sống lợi ích cho mình và người, thì cộng đồng xã hội có thêm một thành viên kiến tạo hòa bình, an lạc và thịnh vượng. Một người thiện, nhiều người thiện thì xã hội sẽ trở thành thiện.

3.  Giá trị đạo đức cao đẹp

Trong nhiều bộ kinh, Đức Phật cũng đã từng dạy các thầy tỳ kheo bất cứ một xã hội nào, con người không thể tách xa cuộc sống đạo lý căn bản, và Phật giáo luôn đóng một vai trò rất quan trọng trong việc hướng con người đến một lối sống lành mạnh, đạo đức cao đẹp. Tôn giáo của Đức Phật có một hệ thống đạo đức toàn diện. Nó đã giúp con người giải quyết những uẩn khúc nội tại và làm giảm bớt sự căng thẳng luôn luôn đè nặng tâm lý của mỗi cá nhân.

  Đức Phật đã đưa ra những phương thức chuyển hóa vừa mang tính triệt để cho từng cá nhân, vừa mang tính phổ cập cho quảng đại quần chúng nhân sinh, chẳng hạn Ngũ giới, Thập thiện, Tứ nhiếp pháp, Lục độ, v.v… Một người khi thực hành Ngũ giới, Thập thiện, Tứ nhiếp pháp, Lục độ không phải chỉ mang lại lợi ích là đời sống an lạc và giải thoát cho cá nhân không thôi, mà còn đem lại sự ổn định trật tự, an ninh, an lạc, tinh thần tích cực dấn thân, lòng thương yêu cứu giúp, đời sống văn hóa đạo đức, trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội, v.v... Đặc biệt, giáo nghĩa Lục độ là nền tảng xây dựng Bồ tát đạo, mà Bồ tát đạo là con đường vị tha toàn diện, lấy việc cứu độ khổ ách cho chúng sinh làm bản hạnh nguyện để qua đó tu tập và khai mở tâm đại từ bi, đồng thời phát huy diệu dụng của trí tuệ Bát-nhã để thành tựu mục đích tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn.

Ngoài những trình độ cá nhân, để giải phóng mình ra khỏi khổ đau của luyến ái buộc ràng, Phật giáo còn công nhận gia đình là một đơn vị của xã hội. Tất cả những thành viên trong gia đình như cha mẹ, anh em, vợ chồng … đều là những tác nhân có thể  góp phần làm cho xã hội ngày thêm vững mạnh. Điều quan trọng là tất cả những thành viên đó phải ý thức được trách nhiệm của mình về những công việc mang tính đạo đức hơn là sự ràng buộc lẫn nhau.

  Về vấn đề này, Đức Phật đã hướng dẫn 6 mối quan hệ trong cuộc sống như trong Kinh Thi-Ca-La-Việt thuộc Trường Bộ, dạy cho tất cả mọi người phải luôn luôn tôn trọng lẫn nhau giữa con cái đối với cha mẹ, vợ đối với chồng. Tất cả đều phải xây dựng trên nguyên tắc đạo đức mà đối xử lẫn nhau một cách tốt đẹp và hoà thuận. Ngay cả những người đã khuất, người  còn sống phải cần lo chu toàn trong việc thờ phượng cúng kính, để tỏ lòng  hiếu kính của con cái đối với cha mẹ và ông bà.

  Chúng ta tiến tới một bước xa hơn nữa là sự thực hành, luôn luôn lấy giới luật làm kim chỉ nam để ngăn chặn những hành vi xấu, mang tính tội lỗi, nhằm giúp cho con người sống một cuộc đời thanh tịnh, thánh thiện và từ bỏ mọi xiềng xích của các dục lạc trần tục, đồng thời họ còn phải khuyên dạy hay khuyến khích những con em tránh xa những điều xấu ác mà rèn luyện phẩm hạnh ngày một tốt hơn.

4.  Tinh thần nhân đạo sâu sắc

  Vì sự an lạc cho số đông, cho xã hội, Đức Phật đã khuyên dạy các thầy tỳ-kheo nên quan tâm đến mọi sinh hoạt của người dân bằng tấm lòng từ bi và sẵn sàng giúp đỡ họ ở mọi phương diện như sức khoẻ, bệnh tật. Đặc biệt thầy tỳ-kheo là tuyệt đối không bao giờ gây phương hại hay làm thương tổn, khổ đau cho người dân.

Sa môn khất thực trong làng

Ví như ong lượn nhịp nhàng bên hoa

Kiếm tìm mật nhụy hút hoa

Xong rồi tung cách bay qua cuối vườn

 Không làm hoa tổn sắc hương (Pháp Cú , kệ 49)

  Với tinh thần “Phục vụ chúng sanh là cúng dường chư Phật”, chư Tăng, Ni hay Phật tử đều có một tinh thần trách nhiệm rất cao trong những hoạt động từ thiện nhằm giúp đỡ những người bị thiên tai lũ  lụt hay những trẻ em mồ côi, tàn tật và người già yếu không nơi nương tựa…; rất nhiều Chùa mở những phòng mạch miễn phí để chữa bệnh cho người nghèo hay mở những trung tâm khuyết tật cho những người không may trong xã hội.

  Qua những hoạt động mang tính tiêu biểu của Phật giáo đối  với xã hội, chúng ta thấy rằng Phật giáo là một trong những tôn giáo  tích cực nhất. Phật giáo luôn luôn mang đến sự hòa bình cho nhân loại, không chủ  trương chiến tranh dù dưới bất kỳ  hình thức nào. Điều này nói lên tinh thần từ bi, bất bạo động của Phật giáo. Đức Phật không bao giờ chấp nhận sự tranh đấu lẫn nhau về mọi phương diện, mà Ngài chỉ chủ trương tinh thần dung hoà, bình đẳng, và khuyên mọi người cần phải có tinh thần đoàn kết, biết yêu thương, đùm bọc, che chở lẫn nhau.

IV.  HOẰNG PHÁP VÀ BIỆN PHÁP  HIỆN THỰC AN SINH XÃ HỘI

     Kế tục Phật giáo và tinh thần An sinh xã hội, Hoằng pháp cần có sự phát triển sâu rộng vào trong quần chúng nhân dân, công nhân, sinh viên học sinh trong chưng trình nhân đạo, phối hợp cùng chung tay với nhà nước chăm lo cho người nghèo, người cô đơn, người khiếm khuyết… bằng các chương trình cụ thể như sau:

1.  Phát động các chuyến thăm và Hoằng pháp các vùng sâu vùng xa, hải đảo biên giới. Hiện nay có những  đoàn đang thực hiện nhưng chưa có sách lược cụ thể mà làm theo tinh thần tự phát.

2.  Phát động chương trình giúp đỡ tư vấn cho sinh viên học sinh trong mùa thi và mùa học hè. Hiện nay có vài tỉnh thành thực hiện nhưng chưa đồng bộ.

3.  Pháp động chuyến thăm từ thiện kết hợp Hoằng pháp cho người nghèo, người cô đơn, người khiếm khuyết. Mở rộng mô hình của các chùa đang thực hiện như chùa Kỳ Quang 2, chùa Long Hoa quận 7 Tp. HCM, và các chùa thuộc các tỉnh thành

4.  Kết hợp Hoằng pháp và những bếp ăn từ thiện tại các bệnh viện

5.  Kết hợp Hoằng pháp với chương trình mổ mắt nhân đạo…

V. KẾT LUẬN

Trên phương diện tuệ giác, Đức Phật đã tìm được một giải pháp tốt nhất cho vấn đề ‘An sinh xã hội’. Đó là tiến trình tu tập chuyển hóa tâm thức của mỗi cá nhân. Khi một cá nhân trở thành người hoàn thiện, người tốt sống lợi ích cho mình và người, thì cộng đồng xã hội có thêm một thành viên kiến tạo hòa bình, an lạc và thịnh vượng. Một người thiện, nhiều người thiện thì xã hội sẽ trở thành thiện. Bản thân đức Phật, sau khi thành đạo, đã nỗ lực vân du khắp lưu vực rộng lớn của sông Hằng để thuyết Pháp độ sinh. Suốt gần 45 năm mà ngày nào cũng vậy với ba y và một bình bát đi khất thực từng nhà, ai có duyên được độ thì độ, không phân biệt thành phần giai cấp xã hội, từ kẻ cùng đinh nghèo khó đến vua chúa trưởng giả, tất cả đều đối xử bình đẳng như nhau. Tận tụy giáo hóa như vậy cho đến ngày nhập Niết-bàn mới thôi. Đó là vì lòng từ bi thương xót con người và chúng sinh khổ não mà hóa độ.

Tiếp nối hạnh nguyện chư Phật, những tu sĩ Phật Giáo, bất cứ trong thời nào, cũng luôn luôn là hàng ngũ tiên phong đứng ra giúp nước, giúp dân, đem lại cảnh thái bình thịnh vượng cho nước nhà. Chúng ta hãy nhìn lại lịch sử của những triều đại, như Lý, Trần. Các Ngài như Vạn Hạnh Thiền Sư, Vua Trần Nhân Tông, … vừa là những Bậc chân tu mà cũng vừa là những chiến sĩ đại tài, sẵn sàng tham gia vào con đường chính trị để giúp dân, giúp nước. Đối với những tu sĩ trong thời đại hiện nay, các Ngài luôn hoạt động một cách tích cực không ngừng nghỉ trong các hoạt động xã hội, văn hóa.

Theo truyền thống chư Phật, chư Tổ, Ban Hoằng Pháp đã và đang vạch ra một chiến lược toàn diện lâu dài nhằm đem giáo pháp an lạc hạnh phúc đến khắp nhân sanh. Đúng như lời Đức Phật thường dạy: "Hãy ra đi, các Tỳ kheo, đem lại sự tốt đẹp cho nhiều người, đem lại hạnh phúc cho nhiều người. Vì lòng từ bi, hãy đem lại sự tốt đẹp, lợi ích và hạnh phúc cho chư Thiên và nhân loại. Mỗi người hãy đi một ngả (…) Hãy phất lên ngọn cờ bậc thiện trí. Hãy truyền dạy giáo pháp cao siêu. Hãy mang lại sự tốt đẹp cho người khác. Được vậy, là các con đã hoàn tất nhiệm vụ". Đó chính là con đường, là giải pháp rốt ráo cho vấn đề An sinh xã hội.

 

Thích Nguyên Hạnh

Nguồn: Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam


Âm lịch

Ảnh đẹp