Lịch
sử Đạo Phật có rất sớm. Xuất phát ở Ấn độ, Đạo Phật truyền đến các nước
khác rồi sang Việt Nam bằng hai con đường thủy và bộ. Vào đời Hùng Nghị
Vương khoảng năm 528 đến 529 trước Tây lịch đã có nhà sư Phật Quang đến
phía Nam Việt Nam ở núi Quỳnh Viên. Chử Đồng Tử có duyên với Phật pháp,
sư Phật Quang đã truyền cho Đồng Tử cây gậy và cái nón. Cây gậy tượng
trưng cho ngũ giới. Tam Bảo xuất hiện tại Giao Chỉ từ đây, dần dần khai mở tâm linh con người hiện rõ hơn, và ngôi chùa được kiến tạo để tôn thờ Tam Bảo xây dựng dựng nếp sống đạo đức nhân sinh yên bình xã hội.
Đến thời ngài Khâu Đà La, ngài ở lại Giao Chỉ để hóa duyên đem Phật pháp đến cho chúng sanh đã để lại công hạnh tu tập và những điều linh nghiệm cho người Giao Châu luôn sống được an lạc. Những điều linh nghiệm đó thể hiện qua 4 pho tượng: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện.
1/. Sự hình thành và ý nghĩa ngôi chùa.
Vạn pháp đang chuyển mình và hiện
hữu theo những dòng chảy của ý niệm. Hình ảnh ngôi chùa là khởi đầu
trong mỗi tâm thức, vì thế ngôi chùa đã trở thành biểu tượng sống động
của tâm thức con người trong suốt thời gian vô cùng, không gian vô tận.
Ngôi chùa không chỉ là hình ảnh biểu tượng tâm thức tâm linh của người Việt mà còn thể hiện
nét văn hóa Việt Nam qua lịch sử. Phong cảnh và kiến trúc mang đậm tính
nhân văn sâu sắc, và thật sự đã đi vào hồn dân tộc, con người Việt Nam
từ lâu.
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông.
Qua
thơ ca, ngôi chùa trở nên hùng hồn và kiên cố hơn, nó đã mang sứ mạng
lớn lao trong những giai đoạn thăng trầm của đất nước, gánh vác trách
nhiệm góp phần đưa con thuyền dân tộc đến bờ vinh quang. Lúc đất nước an
bình ngôi chùa là nơi xây dựng nếp sống lành mạnh; tạo nên giá trị đạo đức;
hình thành phương thức giáo dục chuẩn mực; gắn liền môi trường thiên
nhiên trong sạch; hướng đến một xã hội thanh bình thịnh trị.
2/. Tinh thần phát triển hình ảnh ngôi chùa.
Tinh thần là của mỗi con người, thực hành theo tinh thần chân chính là không của riêng ai. Phật giáo hướng đến mọi điều thiện
mục đích tạo lập cuộc sống an lạc thanh bình. Vì vậy trong quá khứ các
bậc Quân Vương sáng suốt đến đâu là chùa, đình, miếu, vũ… được kiến tạo để cầu
nguyện quốc thái dân an hướng con người sống có niềm tin chân chính,
mang sắc thái hòa đồng. Hình ảnh chúa Nguyễn Phúc Chu hiệu Thiên Túng
Đạo Nhân mới 17 tuổi, vừa lên ngôi cho xây dựng một loạt chùa, miếu, mở
hội lớn ở chùa Thiên Mụ, chùa núi Mỹ Am. Tự chúa ăn chay ở vườn Côn Gia
một tháng, thân hành phát tiền gạo cho người nghèo thiếu.
Đến
thời vua Thiệu Trị đã kiến tạo nên chùa Diệu Đế vào năm 1844 trong đoạn
văn bia đã ghi rõ, bấy giờ các quan đại thần dâng sớ xin được sửa sang
nơi này trở nên di tích Phạm vũ để lưu lại về sau. “Nhân niệm đại học chi đạo “thành chính cách trí tu tề trị bình” tại chỉ ư chí thiện. Tuy tượng giáo hư vô, diệt khuyến nhơn vi thiện,
tắc hà phỏng vu vương đạo giả tai viên cửu tùng sở thỉnh kiến lập phạm
cung, khai phát Bồ đề tâm nhi hóa thông vạn loại, hoằng thí phương tiện
lực, dĩ giác ngộ quần sanh”. Nghĩa là Nhân nghĩ đến đạo đại học thành ý,
chánh tâm, cách vật, trí tri, tu thân, tề gia, trị bình… đều dừng lại
nơi chí thiện. Tuy Phật giáo chủ trương “chơn không diệu hữu” song nhất mực khuyên người làm thiện. Nhìn kỷ thì điều thiện có bao giờ trở ngại cho vương đạo đâu? Liền y theo lời tấu mà vua cho tôn tạo một ngôi chùa để thờ Phật, làm nơi khải mở Tâm Bồ Đề mà hóa thông muôn loài, là phương tiện bố thí Chánh Pháp ngõ hầu giác ngộ chúng sanh”.
Tư tưởng căn bản của các bậc quân vương lấy điều thiện làm nền tảng, cho nên ngôi chùa là cơ sở, triết thuyết Phật giáo là phương thức để
thực thi trong việc an dân lập quốc. Những ngôi chùa luôn mang sắc thái
văn hóa tâm linh cho con người, từ đó hình ảnh ngôi chùa đã dần dần đi
vào nếp sống của mỗi con người, lan rộng ra khắp cả muôn nơi.
a/. Đời sống văn hóa.
Nếp
sống thanh tao điềm đạm của các vị tu sĩ trong chùa và các Phật tử luôn
làm đẹp thêm chốn thiền môn. Nhà chùa luôn dạy con người luôn có văn
hóa khiêm cung, kính trên nhường dưới, luôn tự mình thắp đuốc lên mà đi
đó là tính tự giác và có lỗi thì sám hối tự tâm không trái phạm nữa. Tội
do tâm khởi rồi cũng do tâm sám hối mới diệt được. Nếp sống văn hóa làm
cho con người tự giác nổ lực mọi lãnh vực trong cuộc sống khi đó mới
đạt đến chân, thiện, mỹ.
Cảnh chùa là không gian nhẹ
nhàng, luôn mang lại nếp sống buông xả, tiềm mặc khắp nơi trong kiến
trúc nhà cửa, cây lá thiên nhiên, và nơi hình ảnh các bậc chân tu, rất
vi tế và diệu dụng đang lung linh vận hành tương tác giữa con người với
vạn vật, giữa đạo với đời.
Mọi người thường nói chúng ta “đi
chùa” tuy hai từ đơn giản nhưng toát lên nét nhẹ nhàng thanh thoát trong
văn hóa tâm linh con người. Đến chùa bởi vì chùa thường xây dựng bên
sườn non hay trên đỉnh đồi nơi thanh tịnh biết bao công trình kiến trúc
đã có trong từng ngôi chùa.
b/. Nét đẹp trong lối kiến trúc.
Ngôi
chùa là một công trình kiến trúc đầy ý nghĩa cho đạo giữa đời khi mỗi
ai đó đến cảm nhận được sự linh thiêng huyền bí nhưng lại gần gủi với
chúng sanh.
Phong cách kiến trúc chùa thường có hình chữ “khẩu”
rất đặc trưng. Trừ điện Đại Hùng thờ Phật, còn hai bên tả hữu có Tăng
xá. Ngôi nhà phía Đông biểu tượng từ bi, ngôi nhà phía Tây biểu tượng
cát tường. Kiến trúc ngôi chùa luôn hài hòa với thiên nhiên khi con
người đến đây luôn thấy được kiến trúc đặc sắc riêng mà không nơi nào
có.
Phong cảnh chùa lúc nào cũng “tĩnh lặng”. Cảnh chùa là yên
lặng trong cuộc sống bôn ba giữa cõi đời, một kiến trúc đầy nghệ thuật
phối hợp hòa nhau trong cuộc sống ở một tôn giáo hòa bình cho nhân loại.
c/. Phong cách ưu việt vui đạo hòa đời.
Đạo Phật vốn dĩ là một “nghệ thuật sống” vô cùng linh động, sống chan hòa với vạn vật, với thiên nhiên.
Nghệ
thuật sống này là buông xả, phi hữu phi vô, phi dị phi đồng, phi ngã,
phi phi ngã, vô niệm vô ngôn. Những giây phút như thế đã nói lên sự
thanh thoát của một chốn thiền môn là nơi cho bao thế hệ con người dày
công xây dựng hướng tâm về đây. Bức tranh là vẽ đẹp cho đời thì ngôi
chùa cũng là thanh tịnh mỗi khi ai đến chùa thì sẽ cảm nhận rằng sự lo
toan tính toán sẽ tạm dẹp qua một bên bao nhiêu sự khổ đau phiền não ở
đời tan biến dần đi. Tính duyên khởi với sự sống trong môi trường nhà
chùa lúc nào cũng hợp với căn cơ tùy thuận chúng sanh theo đúng chân lý
của chư Phật tổ đã dạy:
Sống đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói đến thì ăn mệt ngủ liền
Trong nhà báu sẵn thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền
Ngôi
chùa vốn đã bao hàm bản chất tâm linh và các nghệ thuật: kiến trúc, hội
họa, thơ văn; cho nên tự thân nó lại trở thành triết lý sống bao dung
theo chiều hướng phát huy duyên sinh. Chính đó là cái đạo tâm của con người để có được đạo đức cho đời.
d/. Giá trị đạo đức.
Đạo đức xã hội theo Phật giáo luôn đem đến sự bình yên trong tâm hồn con người nhất là Phật tử các giới luôn là tấm gương cho đời.
Hình
ảnh ngôi chùa còn là triết lý bao dung, từ bi vô hạn. Cửa chùa luôn
rộng mở với muôn loài chúng sanh. Cho nên, ngôi chùa thờ Phật cũng là
nơi mở lối thông lộ giao hòa với Khổng - Lão để thành ra “Tam giáo đồng quy”. Ngôi chùa còn là hình ảnh biểu hiện cái “tuỳ duyên bất biến” của đạo Phật, là hình ảnh giữ gìn tâm thức linh hồn của dân tộc qua tiến trình thời gian quá khứ, hiện tại, tương lai theo nhận thức của nhân thế.
Mái chùa ở đâu thì nơi đó luôn có đạo đức, quanh ngôi chùa luôn bình yên trong nếp sống hòa nhã. Cách giáo dục của nhà chùa cũng nhẹ nhàng luôn khuyên con người rằng:
“Chư ác mạc tác,
Chúng thiện phụng hành
Tự tịnh kỳ ý
Thị chư Phật giáo”.
“Không làm các điều ác
Thực hành các điều thiện
Giữ tâm ý trong sạch
Đó là lời Phật dạy.
g/. Môi trường giáo dục cộng đồng
Ngôi
chùa không còn bị hạn hẹp trong không gian nhất định, bởi tinh thần
giáo dục mang bản sắc vô ngã. Vì vậy tính giáo dục đạo Phật không phân
biệt đẳng cấp chủng tộc, mà tùy duyên, tùy theo căn cơ của chúng sanh.
Tinh thần giáo dục đạo Phật như mặt trời quang rạng, mặt trời không vì
kẻ mắt mù mà không chiếu đến. Nền tảng giáo dục mạng tính nhân bản đòi hỏi mỗi con người tự nhìn lại đối diện với chính mình.
“Không ai làm cho ta cao thượng
Không ai làm cho ta thấp hèn
Chỉ có hành động của ta làm cho ta cao thượng hay thấp hèn mà thôi”.
Hình
ảnh ngôi chùa lặng lẽ nằm đó như một tiếng nói không lời “bất ngôn chi
giáo” (sự giáo dục không bằng ngôn ngữ). Thứ ngôn ngữ “vô ngôn” chỉ trầm
tư trong tâm thức rồi cảm nhận được sự thanh thoát. Mọi con người đều
được đến chùa lễ Phật, vãng cảnh hay hành hương đều có an lạc tự tâm. Và
thấm nhuần lời Phật dạy, luôn biết tứ trọng ân: ân quốc gia, ân xã hội,
ân thầy tổ, ân cha mẹ…
Phật giáo luôn dạy hàng Phật tử luôn
sống biết lớn nhỏ, biết vương lên trong đời sống là công nhân tốt trong
mọi thời đại mọi xã hội.
h/. Tính an bình sống tôn ti trong xã hội.
Xã hội luôn cần đến nhiều chùa chiền hơn để cho đạo đức con người hòa nhã bằng ánh mắt yêu thương không giận hờn không ghét bỏ một ai.
Dưới
triều Nguyễn (1802-1945), chùa chiền Phật giáo được xây dựng khắp nơi.
Nhiều chùa ở Huế và cả nước được trùng tu, khởi tạo, khai sơn. Dù đề cao
Nho giáo nhưng Phật giáo cũng được các vua quan ưu ái coi như là biện
pháp để thu phục nhân tâm. Từ 1858, Pháp xâm lược Việt Nam, Phật
giáo không hề vì thế mà suy yếu, trái lại từ thời vua Đồng Khánh đến
Khải Định lại có thêm nhiều chùa xuất hiện như Ba La Mật, Hải Đức, Diệu Đức
v.v… Từ chúa Nguyễn Phúc Thuần (1765-1788) cho đến những năm 30 của thế
kỷ XX, sau hàng trăm năm trầm lặng sóng gió Phật giáo mới được chân
hưng, mà thời kỳ rạng rỡ là 1920-1939. Lúc này, kinh Phật đã được dịch
ra tiếng Việt, cả nước đều có Phật học đường. Cho đến nay các chùa Báo
Quốc, Tây Thiên, Diệu Đức vẫn là nơi đào tạo nhiều cao tăng nổi tiếng ở trong nước và nước ngoài, như các vị: Hòa thượng Trí Quang, Thiện Siêu, Đôn Hậu, Mật Nguyện, Trí Thủ v..v….
Sau
năm 1975 Phật giáo ngày càng hiểu rõ chủ trương chính sách mới về tự do
tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, yên
tâm tu hành tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội, thực hiện nếp sống “đẹp đạo tốt đời” và thực hiện tốt nghĩa vụ công dân với đất nước, xã hội theo đường hướng “đạo pháp - dân tộc - xã hội chủ nghĩa”.
Những ngôi chùa khắp cả nước luôn là cảnh thanh bình để cho con người hướng đến nơi đây sẽ đem lại sự an lạc ngay hiện tại.
k/. Hình ảnh ngôi chùa là linh hồn của dân tộc.
Nét đẹp ngôi chùa luôn làm cho con người thanh thản bỏ đi các phiền não ở đời thư thái trong tâm hồn.
Ngôi chùa luôn mang đầy tính nhân văn, kiến trúc, hội họa, đạo đức, nghệ thuật, mỹ thuật, xã hội, từ thiện, từ bi, hỹ xã, tâm linh… hướng đến cho con người, và luôn nhắc nhở con người đừng bao giờ quên.
Lang thang làm khách phong trần mãi
Ngày cách quê hương muôn dặm trường.
Trong
dân tộc hình ảnh ngôi chùa là quê hương, là điểm tựa tâm linh vững chắc
cho con người. Nếu ai đó không phát huy về tinh thần tâm linh thì sẽ
mất đi tính Phật, và hương ấm vốn có của chính mình.
(Trích tham luận của BĐDPG Quảng Điền-ĐHPGTT Huế VI)
(theo Liễu Quán Huế)