Phần 2: Yếu tố không gian
Phần trên chúng ta đã thảo luận về sự linh hoạt ứng dụng thời gian
trong công tác tổ chức tu tập để phù hợp với số đông. Tiếp đến thảo luận
lĩnh vực thứ 2, làm sao khai thác ứng dụng hết không gian của tất cả cơ
sở tự viện.
Trước hết chúng ta bàn luận giá trị tồn tại của ngôi tự viện trong
lòng mọi người, trong lòng dân tộc. Tự viện không bị ảnh hưởng bởi một
cá nhân hay một tập thể hay một thể chế chính trị nào đó mà nó được
truyền thừa trên cơ sở đạo đức nhất định, được xã hội công nhận.
Có nghĩa là trong đất nước của chúng ta, khi một ngôi chùa được xây
dựng tất yếu ngôi chùa đó trở thành “tài sản chung tồn tại vĩnh viễn
(thập phương thường trụ)”; cho dù xảy ra chiến tranh loạn lạc hoặc bị
thời gian làm hư hại thì ngôi tự viện đó cũng không được sử dụng vào mục
đích riêng của bất kỳ tổ chức chính trị. Giả sử có thì cũng chỉ mang
tính chất tạm thời, sau đó phải tiến hành hoàn trả đúng như mục đích ban
đầu của tự viện.
Và một tính chất đặc thù của Phật giáo là ngôi tự viện này được kế
thừa bởi người có đạo đức (giữ giới luật), tâm thức bình hòa (thiền
định), có nhận thức siêu việt có khả năng tự mình và hướng dẫn người
khác tu tập (trí tuệ), không phải trao truyền bằng cách căn cứ vào mối
quan hệ huyết thống cha truyền con nối, hay chuyển nhượng mua bán, mà tự
viện được tồn tại kế thừa trên tinh thần căn bản trên.
Theo thời gian tự viện trở thành nơi chứng kiến nhiều đổi thay của đất nước, theo từng cột mốc lịch sử của dân tộc.
Tất cả các ngôi chùa trên đất nước được hình thành vô cùng trân quý
trong nhân duyên thù thắng như vậy, những con người hiện tại đang gánh
vác trên vai trọng trách điều hành, đang ở nhà của Như Lai, tuyên dạy
giáo pháp và thực hành theo Như Lai, thế nên nơi đó sẽ tràn đầy đạo vị
và là nơi ký thác tâm hồn của dân tộc.
Như vậy, làm thế nào để phát huy hết tất cả các giá trị tồn tại của
ngôi chùa, dưới đây chúng ta cùng nhau thảo luận một số ý kiến:
Xây dựng theo lối kiến trúc phù hợp với văn hóa địa phương nhất, phù
hợp với quan niệm thẩm mỹ của vùng miền, thể hiện nét đặc thù riêng
trong tâm hồn của Phật tử, không quá hào nhoáng xa hoa, không nên lãng
phí tài sản của xã hội, khi xây dựng phải có nơi lễ bái thờ phụng, thư
viện đọc sách, giảng đường học tập, thiền đường và niệm Phật đường, tổ
đường để cung phụng Lịch đại Tổ sư và nơi ký tự ký linh của mười phương
Phật tử.
Trong lịch sử, cải cách quan trọng nhất của ngài Bách Trượng là: “một ngày không làm một ngày không ăn (nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực)”, nhưng sự cải cách đó còn một điều quan trọng trong kiến trúc xây dựng Tòng lâm.
Ngài chủ trương không thành lập chính điện, chỉ có thiền đường và
giảng đường, vì đương thời các tự viện xây dựng chính điện quá phô
trương, thiếu yếu tố thực dụng, lại tách rời xã hội bình dân, chỉ phục
vụ nhu cầu của giai cấp quý tộc, làm ảnh hưởng đến nhân dân, tạo lòng
tham dẫn đến trộm cắp và chiếm đoạt gây mất an ninh trật tự, xáo trộn xã
hội.
Tổng thể kiến trúc sao cho khai thác hết tính chất giáo dục tuyên
truyền, ví dụ như nơi nào cần có câu chữ sách tỉnh thế nhân thì nên viết
các lời Kinh kệ hay Pháp cú, nơi nào cần ảnh hiện hình tượng của đức
Phật, Bồ tát và Tổ sư thì nên xây dựng, kết hợp gắn các tấm biển nhỏ
giới thiệu sơ lược về công hạnh của quý Ngài, để cho mọi người trong
thời gian ngắn nhất có đủ nhân duyên tìm hiểu học hỏi thêm, dần huân tập
trong tiềm thức của mọi người.
Còn khuôn viên tự viện nên bố trí theo biểu tượng vườn Lộc uyển
chuyển pháp luân, hoặc thế giới quan của Phật giáo về ba ngàn đại thiên
thế giới, hoặc hồ liên trì (sen) và 16 loại hành quán trong “Kinh Quán
Vô Lượng Thọ” v.v… để khi khách thập phương đi kinh hành, hoặc ngồi
thiền, thì có đối tượng trợ duyên quán chiếu, dễ đạt đến cảnh giới thiền
định, làm cho cá nhân hòa vào vũ trụ v.v…
Chúng ta phải khai thác vận dụng hết mức để phát huy tiềm năng trong
cơ sở tự viện, không nên để lãng phí một góc độ nào, mà hãy thổi hồn vào
từng nhành cây cộng cỏ, viên đá, mái hiên để chúng sinh hữu tình và
chúng sinh vô tình đều có công năng trợ thành chính giác cho hành giả.
Vậy làm sao phát huy hết tính chất giáo dục tu tập trong mỗi tự viện,
để cho sự tồn tại của nó được miên viễn trong tâm hồn của mọi người,
điều đó phụ thuộc vào tầm nhìn cũng như cách xây dựng, bày trí của người
lãnh đạo để ngôi tự viện kia trở thành chốn thiêng liêng, là biểu tượng
của quê hương mà mỗi người con khi xa quê họ đều nhớ về, là nơi gửi gắm
tâm hồn giữa cuộc sống nhiều bộn bề lo toan, là chốn đi về của mọi
người.
Nên chăng chúng ta phải có kế hoạch dài hơn, đào tạo một số nhân sự
chuyên ngành kiến trúc tự viện và nghệ thuật tạc tượng v.v… môn học này
được giảng dạy trong các trường Phật học để trên cơ bản mọi Tăng ni đều
đọc được cái ý ẩn tàng trong của mỗi nét bút và biểu tượng của từng tác
phẩm trong Phật giáo, để khi tiếp nhận trụ trì ngôi tự viện, hoặc xây
dựng mới, cũng có ý tưởng tư vấn cho kiến trúc sư hoàn thiện việc xây
dựng đúng cách phù hợp với văn hóa Phật giáo nhất.
Tuy là “vật chất hữu hạn bởi hình thể phương vị, nhưng nó là nơi biểu hiện cho tinh thần vô hạn với không gian thời gian”.
Ai đi xa cũng nhớ quê nhà, ai rời làng đều nghĩ mái chùa ta. Chúng ta
phải làm thế nào để tất cả mọi người dân đi đâu cũng tự hào về ngôi tự
viện hiện diện trong lòng mình, hãnh diện khi nhắc tới tự viện với những
người xung quanh, khi đó chúng ta không còn bị lung lay bởi các đạo
khác mà ngược lại họ sẽ tự cải đổi để được cái cảm nhận thiêng liêng
theo mình.