11/03/2012 16:10 (GMT+7)
Số lượt xem: 118904
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Kim cương, vàng, ngọc trai, đá quý... thì ai cũng biết vì sự phổ biến và nổi tiếng của chính nó, nhưng khi chúng bỗng dưng trở thành nguyên liệu chính cho liệu pháp làm đẹp độc đáo và đắt tiền thì nghiễm nhiên chỉ thuộc về giới đại gia.


Chơi kiểu... "độc"

Truyền thuyết kể lại rằng, Nữ hoàng Cleopatra - một trong những nhân vật nổi tiếng nhất thời cổ đại để duy trì một làn da mịn màng, khỏe mạnh đã đắp mặt nạ bằng vàng mỗi đêm. Người ta tin thế và phương pháp làm đẹp này đã hiện hữu trong cuộc sống với tính năng cải thiện tính đàn hồi và làm giảm các dấu hiệu lão hóa của da. Cụ thể toàn bộ khuôn mặt sẽ được phủ kín bởi một lớp mặt nạ vàng 24 carat và gamma PGA - một loại đậu tương Nhật Bản. Trên thế giới, với gần 500 USD cho một lần làm đẹp, đây thực sự là “cuộc chơi” chỉ dành riêng cho giới lắm tiền.

Ở Việt Nam, dịch vụ cao cấp đắp mặt nạ bằng vàng đã xuất hiện với chi phí gần 2 triệu đồng/lần. Để dán kín vàng cho một khuôn mặt sẽ mất khoảng trên 20 lá vàng 24k, với giá bán khoảng 5 USD/lá… Trong thời buổi khó khăn do nền kinh thế giới đang khủng hoảng, báo chí phương Tây, trong đó có hãng tin Reuters của Mỹ đã đề cập và "phục sát đất" thú chơi "ngông" của người Việt mà xưa chỉ dành cho Nữ hoàng.

Chưa hết, trong dược điển Trung Hoa, bột ngọc trai được xếp vào một trong các loại thuốc dưỡng da quý hiếm hàng đầu trong hoàng cung. Theo sử sách lưu truyền, khi xưa, Võ Tắc Thiên, Dương Quý Phi, Từ Hy Thái hậu… đều sử dụng phương thức kỳ bí và huyền diệu từ bột ngọc trai để làm đẹp. Và thú làm đẹp này thu hút một lượng khách hàng lắm tiền trong thời bão giá với chi phí dịch vụ trọn gói lên đến hàng triệu đồng.

Trên thế giới, những thú ăn chơi xa xỉ đều đã có, và sự xuất hiện của những loại hình dịch vụ này chỉ được tính bằng thời gian chứ tiền không còn là vấn đề đáng quan tâm. Đó là các viên kim cương giá từ 1 triệu USD trở lên sẽ được đặt lên đường viền trên sống lưng, nhẹ nhàng dùng để massage nhằm nới lỏng nút thắt trong các mô. Dạng kim cương bột 1,5 carat sẽ được trải đều trên da nhằm thanh lọc các chất độc của cơ thể. Với liệu pháp này, khách hàng phải móc hầu bao tới hơn 20.000USD/lần. Xếp sau là dịch vụ massage bằng dây chuyền đá quý gồm hồng ngọc, ngọc bích, ngọc lục bảo… sẽ được chà lên cơ thể cùng với các loại dầu với mục đích lấy lại được cân bằng tinh thần (?). Giá cho 90 phút massage như vậy, khách hàng phải chi mức giá gần 300 USD.

Và nếu theo đà của nhu cầu của người giàu, những thú chơi như xóa nếp nhăn bằng mặt nạ trứng cá muối (liệu trình làm đẹp sẽ kéo dài 3h, bắt đầu bằng 1 viên kim cương và kết thúc với một mặt nạ trứng cá muối cùng liệu pháp ánh sáng đèn LED) có trị giá 750 USD/lần; tắm trong nước băng và mật ong; massage sử dụng cốc hút chân không nóng; massage bằng rắn; massage các ngón chân bằng cá chép không răng… sẽ có mặt tại Việt Nam trong tương lai không quá xa. 

Ăn phải... lạ

Cái câu đã chơi thì phải ăn, mà đã ăn thì phải chơi ngẫm đi nghiệm lại vẫn thấy đúng. Đã bàn đến cái thú chơi “độc” mà thiếu luận kiểu ăn lạ của giới nhà giàu thì quả thật thiếu sót. Đối với người nghèo, được một bữa “ăn tươi” đã là xa xỉ, nhưng đối với người giàu thì hết đỗi bình thường.

Hẳn người Thủ đô chưa quên bát phở bò Kobe giá 700.000-800.000 đồng hiện. Khi ấy, sự xa xỉ chỉ còn là một khái niệm hết sức trừu tượng làm lu mờ những giá trị ăn no, ăn ngon bởi người ta chỉ quan tâm đến việc thưởng thức thịt con bò lạ ở tỉnh Hyogo của Nhật Bản, được nuôi dưỡng cầu kỳ bằng việc cho bò ăn toàn những thức ăn bổ dưỡng như ngô non, lúa mạch, uống bia thay nước, được tắm nước nóng, nghe nhạc Mozart, Chopin, Beethoven để thư giãn, hàng ngày được massage bằng rượu Sake hảo hạng… Một tuần đôi, ba lần ăn sáng bát phở bò Kobe hết gần vài triệu, kể cho người nghèo nghe chuyện nhà giàu ăn sáng khác nào chuyện cổ tích.

Khi tiền đã không còn là mối bận tâm thì việc chi 2.500 USD để thưởng thức một con rùa vàng vẫn được cho là đạm bạc. “Tiệc rùa vàng” xa hoa là một bữa tiệc cực “độc” bởi chỉ có giới đại gia mới đủ kinh tế để dự tiệc. Mỗi con rùa vàng nhỏ bằng cái bát con, tục truyền rằng chúng là loài vật sống trên đại ngàn nên hấp thụ linh khí của đất trời nên máu thịt tinh khiết, ăn vào đại bổ, ai có bệnh tim nếu uống rượu mật rùa, huyết rùa sẽ thuyên giảm (?).

Nhân đang bàn đến cái chuyện ăn vào đại bổ, sự xa xỉ của người giàu còn được thể hiện đẳng cấp, chịu chơi và lạ đang âm thầm diễn ra tại Việt Nam bằng việc cho vàng lá lung linh vào trong rượu để uống với giá dao động từ 2 triệu - 7 triệu/chai. Làm đẹp bằng vàng, uống vàng, theo quy luật “hơn thua” khắc sẽ có ăn vàng, bởi người giàu cho rằng ăn vàng sẽ tốt cho sắc đẹp, sức khỏe. Điển hình nhất là mỗi dịp Tết Trung thu về, người ta đã nghĩ ra cách cho nguyên miếng vàng vào trong nhân, hoặc tán nhuyễn ra thành bột để trộn vào nhân bánh với mức giá 2-3 triệu đồng/chiếc. Không ít người vì cái thú ăn phải lạ của bản thân đã mua bụi vàng 24 carat cho vào thức ăn nhằm tăng cường sức khỏe, săn chắc da, bổ sung khoáng chất, mà theo khảo cứu trong lịch sử y văn không hề nhắc đến giá trị dinh dưỡng trong vàng.

Theo nhận định của giới chuyên môn, vàng là kim loại nặng, cơ thể không thể hấp thụ vàng, vậy nên cái thú chơi xa xỉ ăn vàng, uống vàng để hiện “đẳng cấp” xem ra chuyện chỉ có ở người giàu Việt Nam.  

Hà Nội bây giờ không thiếu những địa chỉ xa xỉ chỉ dành riêng cho giới lắm tiền nhiều của. Họ đến và “vung” tiền để thể hiện đẳng cấp thượng lưu bằng những món đắt nhất từ khai vị trải dài cho đến tráng miệng được niêm yết giá trong menu toàn bằng USD. Với những tên gọi mỹ miều: súp vây cá tổ yến hồng xíu thượng hạng, súp tổ yến gạch cua, súp bào ngư Nam Phi, súp tổ yến tiềm hạnh nhân, bào ngư Mexico, tôm hùm, cháo đầu tôm, ốc vòi voi Canada… tròm trèm trên dưới 20 triệu đến hàng trăm triệu đồng cho một lần làm “thượng đế” đặc biệt chốn xa xỉ.

Có lẽ chưa thời nào mà các món sơn hào hải vị chỉ dành cho bậc vua chúa thời xưa nay lại đại chúng đến như vậy. Thế nên người ta mới ví von về cái sự ăn chơi của người giàu phức tạp theo cái kiểu sáng ở đồng bằng (ăn phở bò Kobe), trưa thì xuống biển (thưởng thức hải sản tu hài Mexico, tôm hùm, ốc vòi voi Canada…), chiều lại lên rừng (dự tiệc rùa vàng) và khi đêm về cái thú điểm tâm cho ấm bụng trước khi ngủ sẽ là bào ngư Nam Phi sốt xì dầu hay súp tổ yến gạch cua…

Ăn lạ, uống “độc” đã nghiễm nhiên tồn tại trong một bộ phận người giàu, một phần là cách để để họ thể hiện “đẳng cấp”, khẳng định “thương hiệu”, phần khác bởi sở thích xa xỉ hóa cái thú thưởng thức tiêu dao vì quá nhiều tiền, còn lại không ít trong số đó là những kẻ “tiêu tiền chùa” tha hồ mà vung.   Đúng là không muôn “lạ” vạn “độc” chưa phải thú ăn - chơi của người giàu! Khi chết mà con người ta vẫn muốn thể hiện đẳng cấp của mình thì đúng là không còn chuyện gì để bàn.

Thời nay, nhiều người lắm tiền nhiều của thuộc bậc đại gia còn định giá cái chết của mình trước bằng việc "chơi" quan tài nghìn USD. Một cỗ bằng gỗ giáng hương chạm khắc rồng phượng, hoa văn cộng thêm việc dát vàng trên nắp có giá 1.000 - 2.000 USD; đẳng cấp hơn nữa là quan tài bằng gỗ pơ-mu, gỗ sưa ngót nghét hàng trăm nghìn USD/cỗ. Nhìn những người ăn tiêu một cách thiếu hiểu biết mà trộm nghĩ tới đám sinh viên nghèo với bữa đói, bữa no trong thời bão giá; đến những người nông dân chân lấm tay bùn quanh năm lẫm lũi với ruộng đồng. Chính sự xa xỉ của một bộ phận người sẽ đào thêm hố sâu ngăn cách về phân cấp giàu nghèo, và khi sự xa xỉ được định danh nhằm phân biệt “thương hiệu”, “đẳng cấp”, “tầng lớp trên” sẽ thay đổi hoàn toàn thước đo, tiêu chuẩn mới về giá trị con người. 

Cũng đã có không ít kiểu ăn chơi tàn nhẫn một cách quái dị được truyền thông và dư luận lên án. Đó là óc khỉ, tay gấu, bào thai rắn, mắt đại bàng… được các đại gia “quý tộc” lựa chọn trong những món ăn được truyền tai là “bổ âm, kích dương, tốt tứ tung”. Mất nhân tính là món ăn óc khỉ, thời Từ Hy Thái Hậu đã dùng để chiêu đãi các sứ thần, đến nay nó cũng nằm trong danh sách các món ăn lạ của người giàu. Óc khỉ phải được ăn sống, người ta khoét một lỗ trên mặt bàn ăn, chiếm diện tích bằng 1/3 đầu con khỉ nhô từ dưới lên. Thực khách sau khi yên vị với các gia vị đi kèm, đến giờ “hành quyết”, “đao phủ” sẽ cầm dao sắc lẹm phạt một đường chỗ mỏm đầu con khỉ nhô lên. Khách sẽ dùng thìa múc óc tươi ăn trước khi con khỉ từ từ chết. 

 

Từ óc động vật, người ta chuyển sang ăn bào thai động vật hoang dã theo cái nghĩa càng quý càng hiếm như thỏ, hươu, nai, lợn rừng, gấu… Trong đó rắn lục sắp đến kỳ “khai hoa nở nhụy” là “đẳng cấp” số 1. “Đao phủ” bằng cái vẩy tay trái nhanh như chớp mắt tóm gọn đầu con rắn lục, tay phải dùng dao nhọn phạt đứt đuôi con rắn, dòng máu đỏ được “chắt” vào từng ly rượu. Thêm một lần đưa dao, bộ lòng tung ra, trái tim con rắn được tách ra, thoi thóp đập trên đĩa, túi mật xanh lét được đánh giá là tinh túy nhất của con rắn được lấy ra cho vào một cốc rượu to. Nhát dao thứ ba xiên thẳng vào bào thai con rắn mẹ, những con rắn lục con chưa đủ tháng ngày nằm chiễm chệ trên đĩa, quằn quại. Ly rượu màu đỏ, ly rượu màu xanh được các đại gia khai màn, trái tim rắn được thả vào ly rượu khác rất nhanh trôi tuột vào bụng thực khách. Tiếp sau, các con rắn lục con nằm gọn trên từng đôi đũa, thực khách nhúng qua nồi nước dùng sôi sùng sục… và thế được gọi là bổ dương?!!

Ăn thịt, uống máu, nuốt mật chưa đủ, với cái lý lẽ ăn gì bổ nấy, giới lắm tiền nhiều của đã tìm mua mắt đại bàng - chúa tể của bầu trời - để ăn cho… sáng mắt long lanh, bổ thấu trời xanh. Loại đại bàng được các đại gia ưa chuộng phải có trọng lượng từ 1kg trở lên, ăn phải lúc nó còn sống, đến giờ “hành quyết”, chú đại bàng được cột chặt đôi chân, hai sải cánh, con dao nhọn sẽ được khoét sâu vào hốc mắt xoáy tròn để móc lấy mắt. Sau khi lấy xong, “đao phủ” mới dùng cái chầy đập cho con đại bàng chết hẳn rồi mang đi chế biến. Đôi mắt đại bàng sẽ được hầm cách thủy để đại gia “thưởng thức”. Đến nay chẳng biết những công năng thần hiệu của óc khỉ, mắt đại bàng, bào thai rắn… thế nào, nhưng những người lắm tiền vì thỏa cái sự “độc”, “lạ”, “bổ” của bản thân mà mất hết nhân tính, đáng bị lên án.

Theo ANTĐ


Âm lịch

Ảnh đẹp