24/12/2011 18:04 (GMT+7)
Số lượt xem: 84076
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

SGTT.VN - Ba người sống trong túp lều nhỏ ở xóm lao động nghèo trên đường Vĩnh Khánh (quận 4, TP.HCM) sau ngày tha hương. Người mẹ bươn chải đủ nghề, lao lực đến sinh bệnh để nuôi hai con ăn học.


 Lê Huỳnh Châu nuôi ước mơ võ học từ tình cảnh khó khăn ấy để rồi một ngày trở thành võ sĩ Taekwondo đẳng cấp quốc tế khi đoạt huy chương đồng thế giới năm 2011 và đoạt luôn suất tham dự Olympic London 2012…

Đường đến võ đài

Lê Huỳnh Châu và mẹ trong căn nhà nhỏ ấm áp. Ảnh: Trọng Văn

Lớn lên trong cảnh không cha, bé Châu trải qua tuổi thơ nghèo khó và hụt hẫng. Đó là những ngày dài theo mẹ sống dưới chân cầu Calmette nối giữa quận 4 và quận 1 để bán thuốc lá bởi, như lời người mẹ, bà Dương Thị Huệ thì “Thời ấy khu vực này phức tạp lắm, chích hút nghiện ngập rất ghê. Đưa tụi nhỏ ra đường nắng bụi nhưng yên tâm hơn là để ở nhà”. Hộ khẩu ở quận 4 nhưng hai chị em Châu được học ở trường Nguyễn Thái Bình, quận 1 nhờ người mẹ nghèo đến trường trần tình hoàn cảnh. Những buổi trưa hè, Châu chơi đùa trước cửa nhà với đám trẻ hàng xóm. Nhà vô địch Taekwondo tại ASIAD 1994 Trần Quang Hạ lúc đó cũng đang sống ở xóm lao động nghèo này, thấy vậy gom đám trẻ về dạy võ, để vừa tách tụi nhỏ khỏi môi trường sống phức tạp, vừa rèn luyện thân thể. Châu bước vào nghiệp võ khi mới mười tuổi…

Sáu năm sau, Châu quyết định trở thành vận động viên chuyên nghiệp khi tạm dừng học văn hoá ở lớp 10 để đăng ký vào chương trình Thế hệ vàng thành phố. Mẹ là người đầu tiên ủng hộ quyết định đó của Châu, bởi lầm lũi nuôi con bấy lâu nay, bà luôn muốn con trẻ phải được sống với đam mê của mình. Châu lao vào tập luyện tơi tả, cộng với chế độ ép cân, người ốm như một cây sậy. Có lúc nản muốn bỏ ngang, người mẹ nghèo lại là lá chắn, vực dậy tinh thần của con… Hiểu cái đạo nghề võ mà thầy Hạ truyền dạy, lại được mẹ vun xới, Châu chinh phục các giải thưởng từ cấp thành phố rồi vươn ra khu vực và quốc tế. Chưa có duyên với huy chương vàng ở những giải đấu cao nhất, thế nhưng huấn luyện viên và đồng môn đều khẳng định Châu chịu khó, có lối đánh đẹp nên sẽ tiến xa… Nhà võ sĩ đẳng cấp quốc tế thừa nhận: “Không có mẹ, chắc em không được như bây giờ”.

Gia tài của mẹ

Chị gái lớn của Châu đã lập gia đình riêng với công việc ổn định. Châu đang tập luyện cho giải đấu Olympic 2012 và đã trúng tuyển vào đại học Sư phạm thể dục thể thao. Người mẹ nhận ra thời gian trôi thật nhanh, “tụi nhỏ đã trưởng thành lúc nào tui không biết”. Người phụ nữ 55 tuổi đang mang trên mình hai căn bệnh thoái hoá cột sống và lao phổi suốt thời gian qua chỉ quan tâm đến chuyện mưu sinh chạy vạy nuôi con. Căn nhà diện tích vỏn vẹn 10m2, nay tường treo đầy huy chương, đồ lưu niệm của con, còn khuôn mặt người mẹ đã giãn ra với những nụ cười: “Hồi thằng Châu được hai tuổi thì cất căn chòi trên mảnh đất này, nghèo rớt mồng tơi. Sáng mở mắt ra là lo không biết hôm nay ăn gì. Trời nắng còn đỡ chứ mưa là mấy mẹ con ôm nhau ngồi thu lu trên một chiếc giường, tụi nhỏ khóc, tui la nhưng bụng rầu thúi ruột”. Giấc ngủ tuổi thơ của hai đứa nhỏ lớn lên trong tình cảnh ba người xếp lớp như cá mòi trong căn nhà chật. Mãi cách nay gần hai năm, nhờ tiền thưởng của Châu mới cất được căn nhà gạch cho ba mẹ con núp mưa nắng.

Ngày Châu nhận được giấy đi tập huấn ở Đài Loan, mẹ khóc rất nhiều. Người mẹ nghèo không biết đó là xứ nào nhưng vui bởi con có cơ hội được đi nước ngoài học tập. Kể cả chuyện con được huy chương quốc tế, được đi thi đấu Olympic, mãi gần đây bà mẹ chất phác mới biết những sàn đấu ấy vinh dự như thế nào. Vui nhưng bà lại lo không biết thằng bé sẽ sống sao khi không có mẹ chăm sóc. Hồi mới xin được cho hai đứa nhỏ vô trường học, người mẹ thỉnh thoảng lại canh giờ ra chơi của con, đứng ngoài bờ rào nhìn vào xem con thế nào. Sau này hai đứa lớn hơn tí, được học bán trú tưởng sẽ rảnh rang hơn nhưng người mẹ lại quày quả đi kiếm việc làm thêm. Bữa ăn từ chỗ chỉ rau và kho quẹt, khi những đứa con bưng tô hủ tíu trộn đầy cơm, người mẹ rơm rớm nước mắt bởi đó là một sự “lên đời”. Ngay cả khi Châu có lương vận động viên, tiền thưởng, người mẹ vẫn phụ tiền ăn cho con đủ năng lượng tập luyện. Còng lưng như thế cho đến khi con thành người, cái giá phải trả cho những tháng ngày lao lực là bệnh tật ập đến...

Bởi thế, với Châu căn nhà 10m2 đang ở là gia tài của mẹ, bởi sau bao khó khăn mệt nhọc hay những lúc đứng trước các bước ngoặt cuộc đời, cứ tìm về đây là nhà võ sĩ lại thấy ấm áp trong tình mẹ...

bài và ảnh: Trọng Văn

http://sgtt.vn/Loi-song/157332/Dao-vo-nghia-me.html


Âm lịch

Ảnh đẹp