29/10/2012 21:10 (GMT+7)
Số lượt xem: 129410
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

hình ảnh minh họa

Câu chuyện kỳ lạ của cô Shanti Devi xảy ra tạiDelhi, Ấn Độ, năm 1926. Khi lên 4 tuổi, Shanti Devi nói với cha mẹ của mình rằng nhà thật của cô là ở thành phố Mathura, nơi hiện nay chồng cô đang sống. Lúc ban đầu, cha mẹ cô cũng buồn cười, nhưng sau thì lo con gái mình loạn thần kinh chăng? Nhưng Shanti Devi luôn chứng tỏ mình là con bé ngoan và thông minh.



Năm lên 6, Devi trốn khỏi nhà và tìm tới Mathura, cách đó hơn 300 dặm, nhưng không thành vì đường quá xa. Có lần, cô nói với một bạn học của cô rằng tên thật của cô là Lugdi Devi, chứ không phải Shanti Devi, rằng cô đã có chồng và một đứa con nhỏ mà cô không săn sóc  được vì cô chết 10 ngày sau khi sinh đứa bé. Nhưng không có người nào tin lời cô nói.

Cuối cùng, thầy giáo cô cũng như bà hiệu trưởng cũng sinh nghi, họ đến thẳng nhà cô, hỏi  han cha mẹ cô và cả cô nữa thật cặn kẽ. Cô mô tả lại cuộc sống xưa kia của cô ởMathuravới chồng cô là một thương nhân. Trong câu chuyện, cô luôn pha vào những thổ ngữ củaMathura, mà ởDelhikhông ai hiểu cả. Họ hỏi tên chồng cô là gì, cô trả lời là “Kedar Nath”. Bà hiệu trưởng gửi thư hỏi người quen ở Mathur và biết ởMathurađúng là có một  thương nhân tên là Kedar- Nath. Bà hiệu trưởng gửi thư thẳng cho Kedar Nath, và được trả lời là đúng 9 năm trước đây, vợ anh ta đã chết sau khi sinh con 10 ngày.

Kedar Nath phái một người em họ mình đếnDelhiđể gặp cô gái. Cô gái nhận ngay ra người em họ của người chồng cũ, lại còn thắc mắc vì sao anh ta béo ra và chưa chịu lập gia đình. Cô còn hỏi thăm tin tức về đứa con của cô.

Sau đó, đến lượt Kedar Nath quyết định tự mình cùng với đứa con trai nhỏ điDelhi, và tự giới thiệu mình không phải là Kedar mà là anh cả của Kedar.

Nhưng, Shanti Devi vừa gặp Kedar Nath, sau khi nghe giới thiệu là “anh của Kedar” bèn nói to: “Không, ông không phải là anh chồng tôi mà chính là chồng tôi”. Thế rồi, cô khóc và lăn xả vào vòng tay ôm của chồng. Đến lượt đứa con trai nhỏ vào phòng, Shanti ôm chầm và hôn không khác gì mẹ hôn con, mặc dù đứa con trai lớn hơn Shanti Devi.

Mọi người chứng kiến đều ngạc nhiên vô cùng. Devi nhắc lại lời hứa của người chồng cũ rằng anh ta sẽ không đi bước nữa sau khi Devi qua đời. Nhưng cô nói sẵn lòng tha thứ khi người chồng cũ thú thật là mình không giữ lời hứa và đã lấy người vợ mới. Kedar Nath còn ở lạiDelhithêm vài ngày nữa, và khi trở vềMathura, anh không còn nghi ngờ gì nữa Shanti Devi đúng là vợ cũ của mình tái sinh.

Nhưng câu chuyện không dừng ở đó mà đồn xa khắp nơi, đến tai Mahatma Gandhi. Thánh Gandhi đích thân đến thăm và hỏi chuyện cô gái. Cô gái đã làm Gandhi vô cùng thán phục. Shanti Devi nói với Gandhi rằng, Lugdi Devi trước đây có niềm tin tôn giáo sâu sắc. Gandhi xoa đầu cô gái và nói “Ta mong nghe nói về cháu nhiều hơn, khi cháu đếnMathura, lòng ta sẽ luôn bên cạnh cháu. Cháu cần chân lý. Đừng bao giờ đi chệch con đường chân lý, không kể phải trả giá như thế nào”. Rồi Gandhi phái cô gái đến Mathura, cùng với cha mẹ cô, ba công dân đáng kính của thành phố Delhi, cùng với một số luật sư, nhà báo và nhà doanh nghiệp. Tất cả những người đi theo cô gái và cha mẹ cô đều là nhân vật trí thức có tiếng tăm. Ngày 15 tháng 11 năm 1935, đoàn đến nhà ga xe lửaMathura. Đông đảo quần chúng đã tập họp ở sân ga để chào mừng đoàn. Cô bé Shanti Devi làm mọi người ngạc nhiên khi cô tay bắt mặt mừng những người thuộc gia đình cũ của cô. Cô bé chạy đến và ôm choàng một ông già và gọi: “ông nội của cháu”, và hỏi “ông nội để cây tía tô của cháu đâu rồi?”. Ông già rất đỗi ngạc nhiên, vì trước khi chết, cô bé đã trao cho ông nhờ ông chăm nom cây tía tô, một loại cây ở Ấn Độ nổi tiếng về công hiệu y học và tâm linh.

Rồi cô bé hướng dẫn cả đoàn về ngôi nhà cũ của cô, và cha mẹ cô. Rồi cô lại gặp người chồng cũ, ông này cũng ngạc nhiên vô cùng. Gia đình cha mẹ hiện nay của Shanti Devi lo lắng là cô bé sẽ bỏ rơi họ. Nhưng rồi, cô bé cũng tự trở lạiDelhivới cha mẹ hiện nay của cô. Trong thời gian ở lạiMathura, cô bé biết rõ người chồng cũ đã không giữ đúng bất kỳ một lời hứa nào của anh ta, đã nói với cô trong giờ phút cô lâm chung. Thậm chí, anh ta đã không cúng thần Khrishna số tiền 150 rupi, mà cô đã cất dấu dưới sàn gỗ của nền nhà, để cầu cho linh hồn cô được siêu thăng giải thoát. Shanti Devi tha lỗi cho người chồng cũ về tất cả mọi thất hứa của anh, trong khi ngày càng có nhiều người biết chuyện cô và ngày càng thán phục cô. Một ủy ban gồm người địa phương được cử ra để thẩm định tính xác thực của câu chuyện, và kết luận Shanti Devi đúng là Lugdi tái sinh.

Shanti Devi tiếp tục sống độc thân, vì cô ta đã hứa với người chồng cũ là sẽ sống độc thân trong đời sống kiếp sau. Cô không bao giờ lợi dụng danh tiếng của cô, và sau khi học xong môn văn chương và triết lý ở cấp đại học, cô sống một cuộc đời dành cho cầu nguyện và thiền định.

Qua câu chuyện trên, một câu chuyện về sự tái sinh trong vô vàn câu chuyện tái sinh khác đã và đang diễn ra khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng. Với những câu chuyện tái sinh như thế, điều mà Phật giáo nhấn mạnh là làm một chuyển biến nội tâm tích cực, nảy sinh từ việc chấp nhận thuyết tái sinh. Nếu không có sự chuyển biến nội tâm tương ứng, thì thuyết tái sinh đó chỉ là một kiến thức, một thông tin vô thưởng vô phạt như trăm ngàn thông tin khác mà thôi.

Vậy, chúng ta nghĩ xem, nếu chấp nhận thuyết tái sinh thì chúng ta sẽ có những chuyển biến nội tâm tích cực gì?

Thứ nhất, chết không phải là chấm dứt đời sống, là hết tất cả, không phải là được tiễn đưa đến nơi an nghỉ cuối cùng với khóc lóc bi thương, mà là tiễn đưa tới một cuộc sống mới, tốt đẹp hơn, nếu trong đời đã qua, chúng ta đã từng sống tốt đẹp.

Thứ hai, tuổi già không phải là tuổi “lão lai tài tận”, mà là tuổi chuẩn bị tích cực cho cuộc sống mới tương lai, ngang qua một cái chết thanh thản, tỉnh táo như lá rụng mùa thu. Ở tuổi già của người tin ở thuyết tái sinh, thường có ý nghĩ như thế này: “Tất cả những người chúng ta gặp, có quan hệ ở đời này, rất có thể đã có quan hệ với chúng ta trong một hay nhiều đời trước, thậm chí còn có quan hệ gia đình với họ nữa: họ có thể  là cha mẹ, vợ chồng, anh em, con cái, họ hàng, bạn bè thân thiết của mình, cho nên đời này gặp họ không phải là đầu tiên, mà là gặp lại. Do đó, có quan hệ thân thiết lại càng thân thiết hơn, yêu quý hơn, trân trọng hơn. Trong số này, nếu có người ghét và làm hại mình thì sao? Hãy cứ nghĩ rằng, có thể trong một đời trước, chúng ta đã ghét và làm hại họ, và đây chỉ là một sự trả nợ công bằng. Hơn nữa cũng là dịp tốt để tự mình rèn luyện đức tính bao dung, nhẫn nhục. Do đó, hãy đừng oán giận họ, mà cảm ơn họ.

Khi tôi  còn trẻ hơn, mắt chưa bị mổ thì tôi dạy học ở nhiều trường, tích lũy cũng được một ít tiền, thế rồi, một ngày, hai kẻ cắp lẻn vào nhà, nẫng sạch trơn! Nhưng tôi lại nghĩ: “Đây không phải là sạch tiền mà là sạch nợ”. Tôi đã mắc nợ hai cô, cậu ăn cắp này trong một đời trước, và bây giờ, có dịp may trả nợ họ. Có khai báo công an lấy lệ, nhưng mọi việc êm xuôi. Đấy, người tin thuyết tái sinh, có nhận thức như vậy đối với diễn biến của  cuộc đời mình.

Phương châm sống: “Hết lòng giúp đỡ mọi người với hết khả năng của mình, nhưng nếu không được thì chớ hại người”. Tôi nghĩ đó là  một phương châm sống tốt đẹp, dựa trên niềm tin thuyết tái sinh.

Thứ ba, một nhận thức lạc quan nảy sinh từ niềm tin ở thuyết tái sinh là sự nghiệp rèn luyện tâm linh như hành thiền, nội quán v.v… không phải là công việc làm ở đời này, mà là tiếp tục một công việc làm từ nhiều đời trước. Người Việt Nam, sống trong một đất nước có bề dày lịch sử Phật giáo 20 thế kỷ, có thể đã tái sinh nhiều lần, nhiều đời với tư cách là người Phật tử, từng sống theo tám điều dạy của Phật trong “Bát chánh đạo”, từng ngồi thiền nhiều đời trong tư thế hoa sen v.v… Tôi không ngạc nhiên khi gặp nhiều người bạn của  tôi tuy không phải chính thức là Phật tử, nhưng ngồi ở tư thế kiết già hoa sen một cách dễ dàng.

Bản thân tôi nay tuy tuổi đã cao, nhưng vẫn tranh thủ ngồi thiền hằng ngày, không kể giờ giấc, có khi rất ngắn 5 phút, 10 phút, đêm khuya hay tảng sáng thì ngồi lâu hàng giờ, nhưng mỗi lần ngồi đều với niềm tin, mình đã từng ngồi thiền trong nhiều đời rồi. Do đó mà có thể ngồi thiền với toàn thân và tâm thoải mái, không vội vã, bức xúc gì hết…

Thứ tư, để kết luận, tôi xin phép ghi lại ở đây câu nói của Phật Thích Ca Mâu Ni khi Ngài ngồi dước cội cây bồ đề, chứng Túc mạng thông vào canh đầu đêm Ngài thành đạo:

“Ta nhớ lại nhiều, rất nhiều đời sống quá khứ mà ta đã từng trải qua, một, hai đời, ba, bốn, năm đời… năm mươi, một trăm… một trăm ngàn đời, trong nhiều kiếp  vũ trụ khác nhau. Ta biết rõ tất cả về tất cả những kiếp sống khác nhau đó” (Kinh Trung Bộ).

Đối với chúng ta là Phật tử, những điều Đức Phật nói trên đây về Túc mạng thông, có trọng lượng hơn bất cứ một chứng cứ nào hết!

Tất nhiên, Thiền sư Tây Tạng Sogyal Rinpoche trong “Cuốn sách Tây Tạng về sống và chết” (The Tibetan book of living and  dying) có thể đưa ra nhiều chứng cứ khác như lời tâm sự của Henry Ford, nhà doanh nghiệp và nhà từ thiện lớn của Mỹ:

“Tôi tin thuyết tái sinh năm tôi 26 tuổi… Từ nay, đối với tôi, thời gian không còn bị hạn chế nữa. Tôi không còn là nô lệ của kim đồng hồ nữa… Tôi muốn truyền đạt tới những người khác, sự bình lặng nội tâm mà quan niệm về một cuộc cuộc sống lâu dài đem lại cho chúng ta”.

Tâm thức chúng ta là một dòng chảy liên tục, từ kiếp sống này sang kiếp sống khác, không dừng nghỉ và mỗi lần chết chỉ là một mắt xích của dòng chảy liên tục. Sự hiện hữu của tâm thức là không thể nghi ngờ, vì chúng ta thể nghiệm nó hàng ngày. Nhưng, một điều nữa chúng ta không thể nghi ngờ là dòng tâm thức thay đổi từ tâm niệm này sang tâm niệm khác, không xen hở, do ảnh hưởng của các nhân duyên từ bên trong, cũng như bên ngoài.

Tâm thức không phải là một cái gì đơn nhất, mà có nhiều lớp. Những lớp tâm thức thô nhất, nằm trên bề mặt thì chịu sự chi phối của các hoạt động của thân, đặc biệt là của não bộ. Vì cái thân có thể chết đi, thì các lớp thô của tâm thức ngưng hoạt động, nhưng các lớp tâm thức vi tế vẫn tiếp tục dòng chảy của nó không ngưng đoạn, từ kiếp sống này qua kiếp sống khác. Đó chính là cơ sở của tái sinh, chứ cơ sở đó không phải là một linh hồn bất tử bất diệt.

Dòng tâm thức, ở các lớp vi tế của nó vẫn tiếp tục dòng chảy của nó, không có điểm khởi đầu, không có một Thượng đế hay thần linh nào tạo ra nó hết. Tâm niệm này diệt, nhường chỗ cho một tâm niệm khác nảy sinh. Không giống hệt cũng không khác hẳn tâm niệm vừa diệt. Từ thời vô thỉ đến nay, dòng tâm thức của mọi chúng sinh đều liên tục chảy như thế, và đó là cơ sở của tái sinh.

Đạo Phật bác bỏ khái niệm một linh hồn bất diệt, chuyển từ đời này sang đời khác là vì lẽ đó. Dòng tâm thức vi tế của con người, tuy chảy liên tục không ngưng nghỉ, nhưng cũng biến đổi không ngừng, niệm niệm sinh diệt.

Gs. Minh Chi

http://www.daibi.vn/2011/10/mot-chuyen-tai-sanh-o-an-do/


Âm lịch

Ảnh đẹp