Ấm nồng tình xuân...
Những ngày giáp Tết, khuôn viên trong những ngôi chùa ở Hà Nội nhộn
nhịp tất bật không khác gì các ngôi nhà tại gia. Từ việc lau dọn bao sái
(Tượng Phật, các gian nhà trong chùa - PV), chuẩn bị gói bánh chưng,
cắm hoa các ban thờ... đến việc ghi sớ giải hạn, cầu an đầu năm... ai
cũng hối hả cho những công việc của mình.
|
Hoa sen nhân tạo được trang trí trước cổng chùa Trấn Quốc |
Đến Thiền viện Sùng Phúc (Quận Long Biên) hay chùa Đình Quán (huyện
Từ Liêm) trong những ngày này, mọi người sẽ bắt gặp những tiếng cười nói
rộn rã, sự vui tươi của Quý Sư Thầy, Sư Cô và các bạn sinh viên tình
nguyện trong việc gói bánh chưng chay.
Vui nhất là những người canh lửa ngồi quây quần bên nồi bánh chưng
xanh, trò chuyện với nhau bằng những chén trà ấm rồi nghêu ngao hát mấy
câu thơ vui xuân. Cứ thế cho đến tận sáng. Củi lửa kêu lách tách, phía
trên nước sôi sùng sục nghe như âm vang của tiếng gọi mùa xuân đang đến
gần.
Bạn Nguyễn Minh Phương (ĐH Công Nghiệp Hà Nội) quê ở Hải Dương tâm
sự: “Mình được nghỉ Tết từ 20 âm lịch nhưng thấy ở chùa Đình Quán “nhộn
nhịp” chuẩn bị Tết nên mình xin phép gia đình ở lại chùa để cùng các Sư
Cô dọn dẹp chùa và gói bánh chưng. Trong lòng mình thấy vui và cảm thấy
như được đón Tết sớm”.
Còn ở chùa Trấn Quốc (Tây Hồ), ngôi chánh điện đang tràn ngập sắc hoa
và cây trái. Hoa ly, hoa lan, hoa hồng, cúc vàng, nụ tầm xuân... được
cắm trang trọng trong những chiếc bình tôn nghiêm.
Hoa xuân vốn đã đẹp, Quý Sư Thầy ở đây khéo léo cắt tỉa nên màu sắc
của hoa trở nên có hồn hơn. Rực rỡ nhất là chậu mai vàng đặt giữa chánh
điện đầy ắp nụ và những cành thiếp chúc xuân của các Phật tử xa gần cúng
dường nhà chùa.
Từ cổng chùa vào trong vườn tháp là hai hàng cây xanh đan xen những
lá cờ Phật giáo phảng phất tung bay hay những bông sen màu vàng nhân tạo
vào buổi tối được thắp đèn sáng thả xuống Hồ Tây, tạo nên màu sắc lung
linh, huyền ảo. Tất cả như đang “háo hức” đón xuân về nơi cửa Phật.
Tràn ngập hỷ lạc trong ý đạo
Ngôi chùa là nơi ấp ủ nuôi lớn đời sống tâm linh của người con Phật
(Tu sĩ và cư sĩ - PV). Mỗi lần đến chùa lễ Phật, trong lòng cảm thấy nhẹ
nhàng, những giờ phút này mọi phiền muộn lo âu cho cuộc sống mưu sinh
thường ngày gần như được trút bỏ.
|
Không khí gói bánh chưng Tết của chư Ni và Phật tử chùa Đình Quán |
Tết đến xuân về, đi lễ đầu xuân là một truyền thống lâu đời và trở
thành nét đẹp trong đời sống tâm linh của người Việt. Trong khoảnh khắc
thiêng liêng của đêm giao thừa luôn khiến người ta cảm thấy vui và hạnh
phúc khi được sum vầy bên gia đình.
Trong không gian đầy mùi hương phảng phất, trước dáng vẻ uy nghi của
những bức tượng Phật sơn son thếp vàng, cùng tiếng chuông mõ ngân theo
lời kinh của chư tôn đức Tăng, Ni. Tất cả đều quyện vào nhau tạo nên một
bầu không khí yên bình, thanh tịnh trong tâm hồn người Việt khi đến
chùa ngày xuân.
Dịp Tết xuân về, mai đào đua nở quanh điện Phật cùng với mâm ngũ quả
được cung tiến lên ban thờ tô thêm phần uy nghiêm tỏa sáng. Mâm ngũ quả
cúng giao thừa cũng được xếp bày khéo léo, thể hiện tấm lòng thành kính
của người con Phật hướng về mùa xuân.
Một Sư Cô ở chùa Lạy Đà (huyện Đông Anh) cho hay: “Đã hơn 10 mùa
xuân, Sư Cô ăn tết trong thiền môn (cửa chùa - PV) với một không khí ấm
cúng, trang nghiêm và thanh tịnh. Mặc dù công việc trong dịp Tết bận rộn
nhưng trong lòng vẫn thấy vui trước niềm vui xuân hướng thiện của người
Việt và dân tộc Việt”.
Mùa xuân về cũng là dịp để người con Phật thể hiện tấm lòng tri ân,
tưởng nhớ bao thâm tình đến rồi đi trong cuộc sống. Và trên mỗi gốc phố
con đường, mọi người được trở về quê thăm cha mẹ, ông bà trong tình xuân
ý đạo.
Bùi Hiền - Theo: KH&DS