Hà Nội: Vu Lan về sớm
|
Ngay từ sáng sớm đã có rất đông Phật tử về chùa Quán Sứ để cầu nguyện |
Từ ngày 14/7 Âm lịch, người dân Việt đã tấp nập lên chùa dự lễ Vu Lan
báo hiếu. Các ngôi chùa như Quán Sứ, chùa Bằng A, chùa Hà, chùa Láng,
chùa Đình Quán... đã tổ chức lễ Vu Lan theo nghi thức truyền thống Phật
giáo hết sức trang nghiêm.
Ngoài việc tổ chức các khóa lễ như cầu
siêu, tụng Kinh niệm Phật, cầu cho Quốc thái dân an thì các chùa còn tổ
chức lễ Bông hồng cài áo. Mục đích là để tưởng nhớ công ơn sinh thành
dưỡng dục của các đấng song thân, dù còn hiện tiền hay không còn trên
cõi đời này.
Mỗi khóa lễ, đã thu hút được hàng
nghìn người về dự. Tất cả đều thành tâm lễ bái và cầu nguyện cho cha mẹ
được bình an, các sinh linh được siêu thoát.
Ngoài đồ lễ cúng cô hồn và vàng mã ra,
người dân còn mua thêm cá, cua, ốc, chim sẻ… để làm lễ phóng sinh thể
hiện lòng từ bi của người con Phật.
TPHCM: Các sư đi khất thực sớm
|
Với những người Phật tử thì lại cầu nguyện cho người thân đang sống an lành còn người đã mất thì sớm siêu thoát |
Trong ngày đại lễ này, các chùa đều có nhiều hoạt động được tổ chức như:
khóa lễ Cầu an - Cầu siêu, lễ quy y, cúng thị thực cho các vòng hồn
chưa được siêu thoát… Ngoài ra một số chùa trước đó còn tổ chức lễ cài
bông hồng và tụng kinh Vu Lan cho bà con Phật tử.
Ngay từ sáng sớm các Sư tại TPHCM đã đi khất thực theo đúng đúng hạnh nguyện của Chư Phật từ ngàn xưa.
Các chùa lớn như Vĩnh Nghiêm (quận 3),
Phổ Quang (quận Tân Bình), Việt Nam Quốc tự (quận 10), Phước Hải, Tịnh
xá Trung tâm (quận Bình Thạnh)… dòng người đi lễ tấp nập ngay từ sáng
sớm. Đội ngũ bán hàng hoa, hương vàng, mua bán chim phóng sinh… diễn ra
khá “xôm tụ”.
Chị Hoàng Thị Thuận (quận Bình Thạnh)
đi lễ tại Tịnh xá Trung tâm tâm sự: “Cứ vào rằm tháng 7 là tôi lại đến
chùa để cầu siêu cho cha mẹ đã qua đời. Không chỉ có vậy, tôi còn đưa
các con theo để các cháu hiểu hơn về đạo hiếu của ông bà ta. Với các
cháu đây là một ngày học về tinh thần đạo đức một cách thực tế nhất”.
Được biết Vu Lan là nghi lễ truyền
thống có từ hàng ngàn năm qua. Trong những ngày này những người dân cũng
như Phật tử thường tham dự các lễ cầu siêu, trai đàn chấn tế, bố thí
thức ăn cúng dường cho các hương linh cô hồn đẳng chúng...
Huế: Tụng kinh để báo hiếu mẹ cha
|
Chư Tăng thọ nhận khánh tuế và cúng dường trai tăng của Phật tử |
Vu Lan về, Huế lại thêm một lần nữa ngạt ngào hương thơm đạo hạnh. Từ
những ngày đầu tháng 7 âm lịch, tiếng kinh Vu Lan Báo Ân cha mẹ đã vang
vọng khắp nơi trong các ngôi chùa Huế.
Hằng đêm, chư Tăng, Ni và Phật tử đã cùng nhau trì tụng những lời kinh thấm đẫm nhân văn cao cả để báo hiếu mẹ cha.
Cao điểm nhất của không khí Vu Lan
trên đất cố đô là bắt đầu từ ngày 8 tháng 7 âm lịch. Hầu hết các chùa
Huế cũng như tại các tư gia Phật tử đã có sự chuẩn bị chương trình
“kính mừng Vu Lan Thắng Hội” người ta đã cùng nhau sửa sang lại bàn thờ
Phật và tổ tiên ông bà để cung đón Vu Lan.
Tại các chùa như Từ Đàm, Thiên Minh,
Hải Đức, Từ Hiếu, Hiếu Quang... đều có tổ chức chương trình Vu Lan với
cả nghi lễ cầu nguyện và Bông hồng cài áo cho hàng ngàn Phật tử.
Trên sông Hương vào mùa Vu Lan đêm đêm
các Tăng, Ni và Phật tử đều có tổ chức lễ phóng sanh đăng để cầu
nguyện âm siêu dương thái...
Chùm ảnh ngày Vu Lan
Tại Hà Nội
|
Buổi sáng sớm các Sư tại TPHCM đã đi khất thực theo đúng đúng hạnh nguyện của Chư Phật từ ngàn xưa |
|
Theo quy định của Hệ phái khất sĩ chỉ nhận thực phẩm không nhận tiền |
|
Dâng lễ |
|
Còn những người còn mẹ lại vui sướng cài lên ngực đóa hoa màu hồng |
|
Có những người con dù
tóc đã muối bạc nhưng vẫn đưa cha mẹ trên xe lăn đi lễ Phật ngày rằm Vu
Lan (ảnh chụp tại Tịnh xá Trung tâm quận Bình Thạnh sáng rằm tháng 7) |
|
Những ngày này các dịch vụ ăn theo đông khách |
|
Trước đó các chùa đều
tổ chức cho Phật tử cầu siêu cho người thân đã khuất và cúng cho những
vong linh chưa được siêu thoát (ảnh chụp tại chùa Thiện Mỹ - quận 5) |
|
Và làm lễ quy y cho
Phật tử (ảnh chụp Đại đức Thích Lệ Minh, trụ trì chùa Thiện Mỹ trao
chứng điệp quy y cho các bạn Phật tử trẻ trong dịp Vu Lan) |
Hoài Lương - Bùi Hiền - Trí Năng