Thông tin dễ dàng tìm kiếm được sau vài cái chạm khiến cho não bộ lười nhớ hơn. Ảnh: TL |
Một thập niên sau khi các trình duyệt web được công chúng sử dụng rộng rãi, internet đã đi vào gần như mọi lĩnh vực quan trọng của cuộc sống. Thế giới internet đã hiện đại hoá cách chúng ta thông tin cho nhau, vui đùa với nhau, chăm sóc, dạy dỗ, làm việc, mua sắm, gửi tiền và liên lạc với nhau… Sự có mặt của internet với các trình duyệt tìm kiếm phức tạp đã làm cho việc tiếp cận thông tin dễ dàng như là gõ bàn phím. Con người không còn tốn nhiều công sức để có thể tìm thấy thông tin mong muốn bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào. Một câu nói quen thuộc của người sử dụng internet Việt Nam: cái gì không biết thì tra Google.
Việc sử dụng rộng rãi và thường xuyên các trình duyệt tìm kiếm và dữ liệu trực tuyến để tìm thông tin đã ảnh hưởng đến cách trí óc ghi nhớ thông tin. Công trình nghiên cứu tác động của Google lên trí nhớ của tiến sĩ Betsy Sparrow ở đại học Harvard và Jenny Liu ở đại học Wisconsin, vừa được công bố trên tạp chí Science, khẳng định sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào internet đang thay đổi hoạt động của não.
Trình duyệt tìm kiếm thay thế trí nhớ
Khoảng 60 sinh viên đại học Harvard tham gia các cuộc thí nghiệm với bốn giai đoạn. Trong ba giai đoạn đầu, họ được yêu cầu gõ vào máy tính những câu không đặc biệt như là “mắt một con đà điểu lớn hơn não của nó” và kiểm tra khả năng ghi nhớ. Các nhà khoa học nhận thấy, sinh viên khó nhớ những từ nào mà họ nghĩ rằng dễ tìm thấy câu trả lời từ máy tính. Trong thí nghiệm 4, để xác định việc tiếp cận máy tính ảnh hưởng đến cái gì trong quá trình ghi nhớ, 34 sinh viên tại đại học Columbia được yêu cầu nhớ những câu đã gõ và cả folder nào lưu trữ chúng trong số năm folder đã cho. Các nhà nghiên cứu ngạc nhiên khi thấy sinh viên nhớ vị trí folder tốt hơn là nhớ về thông tin đó. Các chuyên gia gọi đây là “trí nhớ hoạt động”. Sparrow đưa ra một ví dụ về trí nhớ hoạt động. “Tôi thích xem bóng chày. Nhưng tôi biết chồng tôi biết các dữ liệu bóng chày, vì thế khi tôi muốn biết cái gì tôi sẽ hỏi anh ấy, và tôi không màng ghi nhớ”.
Theo Sparrow, “Chúng ta đang trở nên cộng sinh với các công cụ máy tính, dần dần trở thành những hệ thống nối liền. Chúng ta trở nên lệ thuộc chúng ở cùng mức độ mà chúng ta phụ thuộc những kiến thức nhận được từ bạn bè và đồng nghiệp – và mất đi nếu họ không còn liên hệ nữa”.
Các kết quả của bốn cuộc nghiên cứu cho thấy khi đối mặt với những câu hỏi khó, con người thường nghĩ đến máy tính đầu tiên và khi con người nghĩ rằng mình sẽ tiếp cận thông tin, khả năng ghi nhớ thông tin ít hơn và thay vào đó, con người thường cố nhớ nơi tiếp cận thông tin đó. Internet đã trở thành một hình thức quan trọng nhất của trí nhớ bên ngoài hay trí nhớ hoạt động, nơi mà thông tin được tập trung lưu giữ bên ngoài bộ não chúng ta.
Trình duyệt tìm kiếm vẫn có ích
Các kết quả chứng tỏ rằng chúng ta lệ thuộc internet như một nguồn trí nhớ bên ngoài để có thông tin và điều đó tác động đến trí nhớ con người. Điều đó không có nghĩa là Google làm con người lười biếng. Thay vào đó, Google đã giải thoát năng lực ghi nhớ để phân tích thông tin.
Albert Einstein từng nói: “Đừng bao giờ ghi nhớ thứ mà bạn có thể tra tìm”. Những phát hiện của cuộc nghiên cứu chứng tỏ rằng chúng ta đang theo sát lời khuyên này. Thế hệ hiện nay nhớ nơi tìm thông tin internet tốt hơn là nhớ chính thông tin đó và đây là “tác động của Google”.
Sparrow cho rằng, “Công nghệ có thể làm tổn thương loại trí nhớ mà chúng ta thường nghĩ, như là nhớ tên một diễn viên, nhưng cũng có thể có một số lợi ích. Nếu bạn bỏ đi công cụ ghi nhớ, có lẽ con người phải lấy thông tin nhiều hơn từ cái mà họ đang đọc, và có lẽ họ nhớ các ý niệm hơn”.
Những tác động lên trí nhớ của internet vẫn là lĩnh vực chưa được khám phá, nhưng các cuộc thí nghiệm đã dẫn đến kết luận: internet đã trở thành hệ thống lưu trữ bên ngoài quan trọng nhất của con người và trí nhớ đang thích ứng với công nghệ truyền thông mới.
VÕ PHƯƠNG (INTERNATIONAL BUSINESS TIME, WASHINGTON POST, MONEY TIME)