Truyền thống
Phật giáo Bắc tông phân tích thêm, đây là thời điểm đức Phật nói kinh
Địa Tạng cho thánh mẫu Ma Ya. Còn trong truyền thống của Nam tông cho
rằng mối liên hệ giữa chư thiên, tức là người ngoài hành tinh với con
người chúng ta thông qua việc học hỏi giáo pháp đức Phật là điều không
thể phủ định về phương diện lịch sử, đặc biệt trong mùa an cư thứ bảy.
Mùa thứ tám, đức Phật nhập hạ tại rừng Bagaha, một khu rừng xinh đẹp,
khí hậu ôn hòa thuận lợi cho việc phát triển tâm linh, không quá xa
thành thị nhưng cũng không quá gần, để mỗi sáng khi vào kinh thành khất
thực, người tại gia có cơ hội học hỏi dựa trên sự an lạc, tĩnh tại từng
bước chân đi hành hóa của những vị xuất gia. Ngược lại, người xuất gia
cũng có cơ hội giảng kinh thuyết pháp cho những người hữu duyên. Mùa an
cư thứ chín, đức Phật có mặt ở tại Kosambi.
Chín mùa an cư đầu, chúng ta thấy địa
điểm đóng vai trò khá quan trọng. Trong các nơi này không nơi nào không
có cảnh trí an lành thuận lợi cho việc phát triển đời sống thiền quán.
Khoảng ba mươi sáu mùa an cư còn lại, đức Phật dành hai mươi bốn mùa an
cư tại Kỳ thọ Cấp Cô Độc viên. Ai đã từng có cơ hội chiêm bái Phật tích
tại Ấn Độ và NePal sẽ thấy rất rõ khu vườn tuy bây giờ chỉ còn khoảng
trên dưới 40 mẫu, trong quá khứ nó có thể rộng trên 100 mẫu.
Lý do tại sao đức Phật lại dành gần một
nửa thời gian hoằng hóa của Ngài ở tại Kỳ Viên mà không phải một nơi nào
khác? Kỳ Viên thuộc về miền Bắc Ấn Độ, khí hậu từ tháng năm đến tháng
chín thường nóng và ẩm thấp rất cao. Tuy nhiên cảnh trí tại đây rất đặc
biệt. Hiện nay cảnh đẹp ở đây không còn như xưa nhưng nếu tham quan,
chúng ta vẫn có thể có tầm nhìn bao quát rằng nó hẳn là một nơi lý tưởng
để đức Phật chọn lựa suốt một nửa thời gian hoằng hóa của Ngài.
Từ đó, chúng ta đặt vấn đề
về tính chất hỗ trợ của không gian tâm linh đối với nội dung tâm linh mà
các hành giả cần phải trải qua suốt ba tháng. Không gian đó là gì?
Tiêu chí không gian tâm linh
Trong các kinh điển Nam tông, đức Phật nêu ra ba tiêu chí để tất cả hành giả cần phải tự suy xét chọn lựa.
Tiêu
chí một, những không gian giúp hành giả được nhiều tặng phẩm cúng dường
của đàn na tín thí nhưng nếu nội dung tâm linh, sự tu tập, và những giá
trị an lạc hạnh phúc không có mặt thì đức Phật vẫn khuyên các vị Tỳ
kheo không nên lưu trú tại đây. Vì như thế sẽ dẫn đến tình trạng rơi vào
chủ nghĩa lợi dưỡng, nghĩa là hưởng thụ trên nền tảng niềm tin và sự
phát tâm cung kính của người tại gia. Từ lời chỉ dạy rất ngắn của đức
Phật, chúng ta thấy người tại gia khi phát tâm cúng dường cho người xuất
gia cũng phải hiểu rõ nên cúng cái gì, cúng như thế nào để người tiếp
nhận đạt những giá trị hỗ trợ cần thiết, nhờ đó mà tinh tấn phát triển
đời sống tâm linh tu tập một cách có kết quả. Chứ không phải hễ có phát
tâm, có tấm lòng đem tới cúng là tốt. Đời sống tâm linh thường đi ngược
với đời sống vật chất hưởng thụ. Trong thời hiện đại, cám dỗ của đời
sống vật chất cao hơn rất nhiều so với thời đại ngày xưa của đức Phật.
Chẳng hạn, mỗi một thầy hay một sư cô sử
dụng ba tháng mới hết một ống kem đánh răng. Nếu ngày nào cũng có người
phát tâm cúng một ống kem loại lớn thì 89 ống kem của 89 ngày hạ sẽ
dùng vào việc gì? Tương tự, nếu mỗi ngày, các Phật tử phát tâm cúng
dường mỗi thầy hay mỗi sư cô một bộ y hậu bằng những loại vải xịn nhất
thì số lượng y hậu sẽ rất nhiều. Trong khi đó, đức Phật khuyên mỗi người
xuất gia không mặc quá ba bộ gồm y thượng (áo choàng toàn thân bên
ngoài), y trung (áo ngắn bên trong), và y hạ (quần sà rong). Hiện nay,
hiểu theo nghĩa thoáng rộng hơn, ba y tức là ba bộ y, ba cái hậu, chưa
kể ba cái áo tràng đi đường, ba cái áo để tiếp khách đến chùa… Người ta
có thể tạm chấp nhận vì nhu cầu xã hội ngày nay cộng với sự hâm nóng
toàn cầu nên việc thay đổi y phục xuất gia là cần thiết. Nhưng liệu
trong 90 ngày hạ với 90 bộ vải để chuẩn bị may cho 90 bộ y có cần thiết
đối với người xuất gia hay không?
Trong cách thức đặt câu hỏi đã hàm ý câu
trả lời. Tương tự, nếu ngày nào cũng có người phát tâm cúng mỗi thầy
một bao thư giá trị từ 100 ngàn đến 500 ngàn thì sau ba tháng an cư, quý
thầy sẽ có một khoản tiền khá lớn. Liệu số tiền khá lớn đó có hỗ trợ
tích cực cho việc tu học của các vị xuất gia trong thời hiện đại hay
không? Câu trả lời có thể là hai: Có hoặc không. Có, nếu quý thầy tận
dụng số tiền đó để mua kinh sách và các phương tiện phục vụ cho sự tu
học. Không, nếu quý thầy nghĩ rằng đây là cơ hội để có thêm nhiều tặng
phẩm cúng dường của đàn na tín thí. Dĩ nhiên không mấy người có suy nghĩ
tầm thường như thế nhưng đôi khi vẫn có. Vì có nhiều người khi vào đạo
không phát khởi được lý tưởng chân chính nên theo, nên dễ dàng rơi vào
các thói quen hưởng thụ như khi còn ở tại gia.
Tiêu chí hai, những nơi chốn mà sự có
mặt của người xuất gia tu tập, đặc biệt trong ba tháng an cư, vừa mang
lại giá trị lợi dưỡng tức là sự phát tâm cúng dường của đàn na tín thí
và vừa được học kinh điển, luật luận từ những bậc tâm linh đi trước.
Trong tình huống này, đức Phật vẫn khuyên người xuất gia nên đặt nặng vế
thứ hai. Vế đầu không có cũng chẳng quan trọng, còn vế thứ hai nếu đạt
được thì sau ba tháng an cư, người xuất gia sẽ tích tụ được rất nhiều
kinh nghiệm tu học cho bản thân, hoằng pháp cho tha nhân. Đây chính là
mối quan tâm hàng đầu của nhiều vị xuất gia.
Nhiều vị Tăng Ni ở tỉnh lẻ cứ ba tháng
an cư lại phát nguyện đến các thành phố lớn để nhập hạ. Mùa an cư kiết
hạ năm 2009 tại chùa Phổ Quang đón nhận vài trăm thầy vì phương tiện tại
đây đầy đủ, hội trường lớn, các vị giảng sư giỏi, các bậc tôn đức có
kinh nghiệm tu học và có thời gian chuyển hóa tâm linh lâu dài. Đến đây
nhập hạ thì cơ hội lắng nghe sẽ nhiều hơn các trường hạ thuộc tỉnh lẻ.
Điều đó tạo ra sự lưu động, và lưu lượng người xuất gia có mặt tại các
trường hạ trong nước di chuyển tùy theo các địa điểm an cư. Tuy nhiên
như thế có cung ứng được các nhu cầu trong mối quan tâm vế thứ hai mà
đức Phật đã đặt ra hay không?
Nơi nào có giảng sư giỏi, có tôn đức tu
tập tốt thì nơi đó sẽ quy tụ nhiều hành giả hơn. Và trên phương diện nào
đó, một cách rất tự nhiên như một sự hỗ trợ, nơi nào có nhiều người
phát tâm cúng kính như thành phố Hồ Chí Minh thì trường hạ nơi đó luôn
luôn đón nhận hành giả xuất gia tham dự nhiều hơn. Tuy nhiên mục tiêu
vẫn nằm ở vế thứ hai, bằng không, nếu rơi vào vế đầu thì toàn bộ mùa an
cư đó chỉ phục vụ cho mục đích lợi dưỡng như tiêu chí thứ nhất mà đức
Phật đã răn nhắc.
Tiêu chí ba, những không gian, tùng lâm
mà việc nhập hạ của người xuất gia chân chính dù không có bất kỳ một tín
chủ nào phát tâm cúng dường nhưng nếu tại đó tâm của hành giả được an
tịnh, đời sống đạo đức được tăng trưởng, những giá trị phụng sự xã hội
trở thành đại nguyện lực và sau ba tháng an cư, hành giả trở nên tích
cực hơn, năng động hơn, hiệu quả hơn trong hoằng hoá thì đức Phật khuyên
các hành giả phải cố gắng vượt qua những khó khăn để trở thành con
người xứng đáng sau ba tháng an cư.
Nói như thế không có nghĩa đức Phật
khích lệ chủ nghĩa lý tưởng mà bỏ rơi thế giới hiện thực. Ở đây đức Phật
muốn nhấn mạnh tầm quan trọng và mục đích của an cư không phải đơn
thuần là tránh mưa và tránh cơ hội dẫm đạp các loài côn trùng vi tế như
một số học giả Kỳ Na giáo đã cố tình lý giải. Họ cho rằng truyền thống
an cư của đạo Phật có nguồn gốc và chịu ảnh hưởng trực tiếp từ truyền
thống an cư của họ.
Sao phải an cư mùa mưa?
Một trong các giả thuyết đã đặt ra trong
tình huống này là vào khoảng năm thứ sáu, có nơi nói rằng năm thứ mười
hai sau khi đức Phật thành đạo, tôn giả A Nan nhìn thấy cứ ba tháng mùa
mưa, trung bình từ tháng 6 đến tháng 9 dương lịch, thì các tu sĩ của đạo
Kỳ Na do sáng tổ Mahavira sáng lập, đều cấm túc một chỗ để tu hành.
Điều đó đã trở thành thói quen văn hoá tâm linh tại đất nước Ấn Độ và
được quan niệm như điểm tựa tinh thần cho những người tại gia cúng
dường. Lúc đó ngài A Nan nghĩ rằng, sẽ rất hay nếu Như Lai đồng thuận và
quy định bằng luật hẳn hoi rằng ba tháng mùa mưa, các tu sĩ Phật giáo
cần phải ở yên một chỗ như truyền thống Kỳ Na giáo.
Lý giải đó xem ra có logic về lịch sử
nhưng lại phi logic trong những giá trị chân lý. Đức Phật được gọi là
bậc Vô Sư Trí tức là toàn bộ giá trị tâm linh Ngài đạt được không phải
do học từ các vị thầy ở trường lớp mà là do Ngài phát minh. Hay nói cách
khác, chân lý có giá trị muôn đời, quá khứ cũng thế, hiện tại không có
gì thay đổi và tương lai vẫn là những chỉ số bất di bất dịch. Do đó,
cách tiếp cận từ góc độ lịch sử này sẽ cho chúng ta thấy được tầm nhìn
xa trông rộng về những giá trị tâm linh mà đức Phật quy định cho những
vị xuất gia chân chính.
Trong
một mùa an cư, đức Phật đã tuyên bố “Phụng sự chúng sinh tức là cúng
dường chư Phật”, như vậy chúng ta không có lý do gì để hiểu một cách vật
chất hóa rằng việc cấm túc an cư của người xuất gia nhằm tạo cơ hội cho
đàn na tín chủ cúng dường. Mỗi ngày, những vị xuất gia vẫn đi thiền
hành vào các ngõ ngách của xã hội, không đi hai ngày cùng một hướng,
không dừng lại một cách cố ý để các tín chủ phát tâm và để có cơ hội
tiếp nhận nhiều hơn mà chỉ phát xuất từ một tâm niệm rằng, mỗi bước chân
đi an lạc, tĩnh tại, nhẹ nhàng và thảnh thơi của người xuất gia sẽ là
bài học thiết thực về đời sống chuyển hoá tâm thức mà cốt lõi của nó là
thiền quán. Trong sự bôn ba với sức ép của đời sống kinh tế vật chất,
người tại gia có thể nương tựa vào những bóng dáng tu tập này để xử lý
được cảm xúc thăng trầm, vinh nhục xuất hiện trong cuộc đời như là những
thách đố. Rõ ràng trong sự tương tác như thế thì người xuất gia bỗng
dưng trở thành một ruộng phước cho người tại gia gieo trồng và người tại
gia xem đó là cơ hội hỗ trợ đời sống tâm linh cho người xuất gia, chứ
không phải vì mục đích tiếp nhận cúng dường mà người xuất gia đi hành
khất như đã nói trên.
Lại càng sai lầm hơn nếu chúng ta hiểu
rằng ba tháng mùa mưa không đi ra khỏi chùa là để tránh đạp côn trùng
nhỏ nhít phát sinh do ẩm thấp. Không ngôi chùa nào ở thời đại của đức
Phật lại không có cây, cũng hiếm có ngôi chùa có diện tích quá nhỏ. Nơi
đâu cũng là rừng cây, và đã là rừng cây thì chỗ nào cũng có côn trùng vi
tế. Tránh dẫm đạp côn trùng vi tế ở bên ngoài chùa thì đồng thời chúng
ta cũng phải dẫm đạp côn trùng vi tế ở trong chùa, điều đó có gì khác
nhau? Cho nên lý giải “nhập hạ là để tránh đạp côn trùng” là hạ thấp tầm
nhìn tâm linh của đức Phật và cũng là cách biến học thuyết nhập hạ Phật
giáo như một bản photocopy của Kỳ Na giáo, mà vốn các nhà truyền đạo Kỳ
Na giáo luôn cổ suý tầm ảnh hưởng của Mahavira lớn hơn nhiều so với đức
Phật. Bên cạnh đó, cách lý giải này cũng có thể rơi hoàn toàn vào cái
bẫy của những người theo Bà La Môn giáo rằng, học thuyết của Sa môn Cồ
Đàm (tức đức Phật) chỉ là sự tích hợp tâm linh của Ấn Độ giáo chứ không
có gì hay hơn, đặc biệt hơn như người ta đã tán dương Ngài.
Dĩ nhiên những người con Phật không
tranh luận với cuộc đời, không nhất thiết phải chứng minh rằng đức Phật
hơn các vị lãnh tụ tôn giáo khác, ở đây nó thuộc về vấn đề lịch sử mà
chúng ta cần tôn trọng, để thấy rất rõ những đóng góp về giá trị tâm
linh mà đức Phật đã khai sáng cho con người.
Ai dám khẳng định rằng ngoài ba tháng
mùa mưa, những tháng còn lại không có côn trùng vi tế? Mùa nắng có côn
trùng vi tế của mùa nắng, mùa xuân, mùa thu cũng có côn trùng vi tế của
mùa xuân, mùa thu. Mỗi mùa có mỗi loại chủng vật với những sự sống khác
nhau và mỗi bước chân đi của chúng ta đều phải dẫm đạp lên chúng, làm
cho chúng chết. Đây chính là lý do mà phẩm Tịnh Hạnh của kinh Hoa Nghiêm
đã khuyên rằng mỗi buổi sáng, các vị xuất gia khi đặt chân xuống giường
là phải phát nguyện chuyển năng lượng của lòng từ bi đến tất cả mọi
loài chúng sanh. Hãy quán tưởng rằng mình hoàn toàn vô tình tạo ra cái
chết không toàn thây của các loài côn trùng vi tế và mong cho chúng được
siêu sinh thoát hoá.
Mùa mưa, mùa nắng, sáng hay ngày, bất cứ
nơi đâu, tất cả người xuất gia đều làm như thế cả. Do đó, không nên
giới hạn giá trị của an cư mùa mưa vào mục đích hạn chế nghiệp sát đối
với các côn trùng mà chủng loại chúng thường được sinh trưởng vào mùa
mưa ẩm thấp này. Từ đó, khắp nơi trên thế giới ngày nay đã chọn tháng an
cư không nhất thiết là mùa hè. Ví dụ ở Úc, các thầy chọn mùa đông làm
mùa an cư, tức là tháng sáu, tháng bảy, tháng tám vì rất lạnh giá, mọi
hoạt động Phật sự khó có thể được thực hiện. Các Phật tử đến chùa cũng
khó khăn do lái xe trên đường tuyết phủ sẽ không an toàn và gặp nhiều
trở ngại. Năng lượng xăng dầu tiêu phí vào mùa đó cũng rất cao, cho nên
nếu đến chùa tu học thì khá tổn thất về kinh tế. Ba tháng đó, ở chùa
phần lớn chỉ có tu sĩ, còn người tại gia đến chẳng là bao. Đối với những
vùng như Bắc Mỹ thì tháng mười một, mười hai và tháng giêng dương lịch
là mùa cực lạnh, có nơi âm đến 30 độ, nên việc nhập hạ vào ba tháng đó
trở thành nhập đông chứ không còn là nhập hạ nữa. Do đó giá trị của nó
sẽ được lý giải khác hoàn toàn với việc tránh dẫm đạp các côn trùng.
Nói cách khác, dưới tầm nhìn và kinh
nghiệm tâm linh của đức Phật, dù chư Tăng có phụng sự xã hội cỡ nào đi
chăng nữa cũng đừng bao giờ trải nghiệm những giá trị an lạc, tĩnh tại
của bản thân, như kinh Pháp Cú đã nói:
“Lợi người bao nhiêu,
Đừng quên phần tự lợi,
Người trí tự chuyên chế,
Hạnh phúc sẽ lâu dài”.
Ở đây, đức Phật nói rất rõ về tính khả
thể trong vấn đề đóng góp của mỗi con người là có giới hạn và đừng lao
theo tính khả thể đó đến độ quên mất bản thân trong thất niệm. Phụng sự
cho tha nhân mà bản thân mình bệnh tật rồi khổ đau, không an lạc hạnh
phúc thì giá trị phụng sự đó có giới hạn và không bền. Cho nên cần phải
bồi dưỡng đời sống nội tâm để dấu ấn đóng góp trở thành cái gì đó khó
quên ở mọi người, và sự tiếp nhận chắc chắn phải an lạc, hạnh phúc một
cách lâu dài, chứ không chỉ đơn thuần là kinh nghiệm chứng đắc hay trải
nghiệm. Người xuất gia chân chính dưới sự hướng dẫn của đức Phật và thực
tập một cách có hiệu quả sẽ đạt được cùng lúc cả hai nội dung: kiến
thức Phật pháp và kinh nghiệm tâm linh. Hai nội dung này truyền đạt lại
cho thế gian thì người tiếp nhận sẽ cảm nhận một cách rất sống động và
thực hiện theo dễ dàng.
An cư bao lâu là đủ?
Truyền thống Phật giáo Nam tông có nơi
khích lệ đến bốn tháng và thời điểm bắt đầu cũng có phần khác nhau, chia
ra làm hai: an cư sớm và an cư muộn.
An cư sớm là nhập hạ từ nửa tháng đến
một tháng trước mùa an cư chính thức mà các chùa thường tiến hành. Trong
truyền thống Nam tông, an cư sớm được hiểu là ngày mùng 1 tháng 6,
trong khi ngày 15 tháng 6 mới là thời điểm chính thức an cư. Còn an cư
muộn thì thay vì bắt đầu từ ngày 15 tháng 6, có nơi lại bắt đầu từ ngày
15 tháng 7 hoặc mùng 1 tháng 7. Tuỳ theo điều kiện không gian, thời gian
và phương tiện thuận lợi hay không mà việc an cư sớm hay muộn vẫn được
cho phép.
Điều
đó cho phép chúng ta thêm một lần nữa lý giải rằng, truyền thống an cư
của đức Phật không phải vì mục đích tránh mưa. Nếu tránh mùa mưa thì
phải diễn ra ngay đúng thời điểm mùa mưa chứ không được trước cũng không
được sau.
Đối với truyền thống Bắc tông, thời điểm
bắt đầu an cư từ ngày Rằm tháng 4 và kết thúc vào ngày 14 tháng 7 âm
lịch để chuẩn bị lễ Tự tứ lớn nhất trong năm. An cư sớm có thể trước
mười lăm ngày, và an cư muộn có thể kết thúc vào mùng 1 tháng 8.
Trong thời hiện đại, khoảng thời gian từ
chín mươi đến một trăm hai mươi ngày an cư rất khó có thể thực hiện
được, đặc biệt các chùa ở phương Tây. Khi các cộng đồng châu Á sang
truyền đạo và giới thiệu những hình thái tâm linh cho người phương Tây
chọn lựa một cách phong phú và có lợi lạc thì mùa an cư phần lớn ở hải
ngoại chỉ mười ngày, có nơi chỉ bảy ngày. Bỏ ngôi chùa đi nhập hạ mười
ngày là một thách đố lớn mà những người xuất gia thời hiện đại khó có
thể vượt qua. Phật tử chỉ đến chùa vào ngày thứ bảy, chủ nhật, nếu cả ba
tháng tức mười hai tuần lễ không có thầy/ sư cô trụ trì thì có lẽ Phật
tử sẽ không đến chùa nữa. Tình trạng này đồng nghĩa ngôi chùa sẽ bị đóng
cửa vì hiếm có ngôi chùa nào ở hải ngoại sau khi cất xong có thể trả
hết nợ như các ngôi chùa tại Việt Nam. Có chùa thiếu nợ đến 90% tiền xây
dựng, chùa nhẹ nhất cũng 20%, và phải trả từ năm năm đến hai mươi năm
mới dứt. Do đó các thầy trụ trì buộc phải ở ngay chùa của mình để sinh
hoạt đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng quần chúng, nhờ đó quần chúng bá tánh
mới phát tâm.
Nhiều người phát tâm có điều kiện, nghĩa
là khi các dịch vụ yêu cầu về đời sống tâm linh như khoá lễ cầu an, cầu
siêu, cầu phước, cầu thọ, cầu tài được thực hiện thì họ mới phát tâm
cúng dường. Còn nếu không có những điều đó thì hiếm ai phát tâm cúng
dường mặc dù dư thừa về tài sản và tiền bạc. Là Phật tử chân chính,
chúng ta nên phát tâm vô điều kiện vì thấy rất rõ việc phát tâm cúng
kính là nhu cầu cần thiết cho sự tiến triển đời sống tâm linh của những
người xuất gia.
Thử hình dung nếu một nhà sư hay sư cô
cứ mười tiếng trong một ngày lo kinh tế hay đồng áng thì cái đầu của vị
thầy hay sư cô này sẽ bị bê tông hoá, tài chính hoá hay thế tục hoá. Đó
là chuyện hiển nhiên phải diễn ra. Còn nếu các thầy, các sư cô không
phải bận tâm về những chuyện kinh tế thì toàn bộ thời gian còn lại sẽ
dành cho việc tu tập, giá trị tâm linh cũng theo đó mà phát triển.
Thấy được như thế, người tại gia nên
phát tâm cúng dường, không cần chờ đến khi có nhu cầu nào đó cần đáp ứng
thì mới đền tạ công đức. Việc đền tạ công đức trong tình huống này cũng
giống như “tiền trao cháo múc”, hết việc Phật sự thì vẫy tay chào với
ngôi chùa luôn.
Do đó, chúng ta phải thông
cảm đồng thời có cái nhìn thấu rõ bản chất văn hoá và đời sống tự do
kinh tế ở hải ngoại để không lấy những quy định truyền thống để bắt nạt
các vị xuất gia trong thời cận hiện đại rằng “Tại sao không thể nhập hạ
hơn mười ngày?” Vấn đề đặt ra là trong thời gian dù bảy hay mười ngày,
thậm chí ba tháng hay bốn tháng, tất cả những vị xuất gia có mặt trong
giới trường cần phải làm gì?
An cư là để truyền trao kinh nghiệm hoá độ
Nhiều bản kinh thuộc truyền thống Pali
đặc biệt là kinh Trường Bộ và Trung Bộ cho thấy các giả thuyết của Kỳ Na
giáo và Bà La Môn giáo về mục đích tránh mùa mưa là không đứng vững.
Đối với rất nhiều vị xuất gia trẻ với tâm nguyện lớn muốn đóng góp tài
mọn của mình nhưng không đủ năng lực thuyết phục và hướng dẫn cặn kẽ cho
những người đang thắc mắc hay có nhu cầu tìm đến đạo Phật, thì mùa an
cư kiết hạ là cơ hội quý báu để tăng chúng khắp nơi hội tụ về nhằm chia
sẻ những khó khăn trong vấn đề truyền bá, vấn đề đối thoại liên tôn
giáo, liên triết học và muốn lắng nghe kinh nghiệm giải quyết vấn đề của
những bậc cao túc.
Chẳng hạn thời đức Phật, có lần một vị
Tỳ kheo với năng lực lý luận rất vững, nhưng khi bị một người Bà La Môn
đặt vấn đề rằng: “Nhân quả mà Sa môn Cồ Đàm thuyết giảng là bản sao của
học thuyết Bà La Môn chúng tôi. Nếu không phải như vậy thì xin ông hãy
trình bày một đặc điểm gì trong học thuyết nhân quả là của đức Phật. Còn
không trình bày được thì đức Phật của ông cũng chỉ là người ăn cắp học
thuyết của chúng tôi thôi”. Vị Tỳ kheo này nghe cảm thấy khó chịu nhưng
không đủ sức biện minh. Sau đó ông về tường trình lại với đức Phật và
được Ngài giải thích. Ba nội dung khác biệt mà đức Phật nêu ra như sau.
Thứ nhất, nhân quả của đạo Phật không
dựa hoàn toàn trên nền tảng quá khứ. Đức Phật nói: “Ai lý giải mọi sự
diễn ra trong hiện tại có dây mơ rễ má với quá khứ thì người đó sẽ đánh
mất cơ hội làm mới cuộc đời và cơ hội an vui hạnh phúc ngay trong hiện
tại”. Mặc dù không giải thích thêm nhưng chúng ta phải hiểu đức Phật
ngầm ám chỉ rằng, người như thế dễ dàng chấp nhận có một định mệnh an
bài như một số phận và mọi nỗ lực thay đổi nó chỉ là trò đùa đành hanh
trước thượng đế quyền uy tối thượng. Nếu nói theo Nho giáo: “Lưới trời
lồng lộng, thưa mà không lọt”, ai có nỗ lực cỡ nào chăng nữa cũng bị
dính trong lưới trời đã được phủ trùm mà thôi. Cho nên đức Phật nói, hãy
phân tích mọi thứ chính yếu trên nền tảng nhân quả hiện tại. Dĩ nhiên
việc liên hệ nó với quá khứ không hoàn toàn bị tước bỏ.
Thứ hai, nghiệp đã được gieo trồng sẽ
không nhất thiết trở thành cái quả cố định. Từ lúc nghiệp được gieo cho
tới lúc trổ quả, nó vẫn có thể thay đổi tùy theo tình huống và hoàn cảnh
khác nhau.
Thứ
ba, có những loại hành động được gọi là vô hiệu nghiệp với hai nguyên
nhân. Trước là, năng lực của hành động đó mạnh hơn gấp nhiều lần so với
năng lực nghiệp đã được gieo trồng trước đó. Tự thân của hai loại nghiệp
đối lập này sẽ diễn ra theo cách thế loại trừ lẫn nhau. Cái nào mạnh sẽ
khống chế, do vậy những nghiệp trước đó yếu hơn sẽ bị hòa tan và mất đi
hiệu lực trổ quả. Kế tiếp là, có rất nhiều các loại nghiệp hay hành
động của con người không có cơ hội trổ quả vì hoàn toàn không có điều
kiện thuận lợi về môi trường. Cũng như một hạt đậu bỏ trên nền xi măng
thì sau một trăm năm nó vẫn là hạt đậu khô thậm chí bị mối mọt ăn nếu
dưới nhiệt độ ẩm thấp. Sẽ không bao giờ có cây vì hạt đậu không có ngòi
nảy mầm.
Trong khi đó, học thuyết nghiệp của Bà La Môn giáo là chủ nghĩa an bài. Nói theo Nguyễn Du là:
“Bắt phong trần, phải phong trần.
Cho thanh cao mới đặng phần thanh cao”.
Nếu chịu khó phân tích thêm, nghiên cứu
thêm những bài kinh khác mà đức Phật dạy về nghiệp trong Pali, A Hàm và
Đại thừa, chúng ta sẽ thấy còn hàng trăm vấn đề rất khác so với truyền
thống nghiệp của các tôn giáo bạn.
Cho nên, ba tháng an cư là cơ hội rất
quý để những người xuất gia trẻ học được độ sâu trong học thuyết mà đức
Phật đã khám phá và truyền bá; học sâu được những cách thức giải quyết
vấn đề trong các cuộc đối thoại liên tôn giáo, đối thoại liên triết học
mà không phải hễ ai hiểu đạo Phật là có thể làm công việc đó thành công.
Có rất nhiều cuộc đối thoại lắt léo mà
chỉ cần một mẹo vặt nhỏ là có thể khai thông, hoặc điểm tâm được người
đang bị bế tắc, hoài nghi, khống chế và có thái độ ngang tàng nghĩ rằng
mình là số một trên cuộc đời. Do đó nó đòi hỏi chủ nghĩa kinh nghiệm và
nghệ thuật phân tích vấn đề mà đức Phật và các bậc Thánh tăng xưa đã
từng làm.
An cư để trưởng dưỡng đạo tâm
An cư dẫn đến trạng thái an tâm khi
chúng ta bớt tiếp xúc với thế giới tại ngoại, hạn chế giao tiếp với xã
hội xung quanh khi không thật sự cần thiết. Các hành giả có điều kiện
tăng trưởng đời sống nội tâm của mình lớn hơn mức bình thường. Vì khi
dấn thân ra xã hội, thời gian dành cho sự tu tập sẽ ít hơn thời gian
chúng ta ẩn tu một mình, đó là điều hiển nhiên. Tuy nhiên việc các tu sĩ
Phật giáo phải đóng cốc trên núi rừng và tu một mình là điều không được
Phật khích lệ. Vì tu như thế, dù một trăm năm cũng không lợi ích gì cho
ai ngoài lợi ích cho bản thân. Cùng lắm là được thiên hạ cung kính và
phát tâm vì nghĩ rằng đây là bậc chân tu thật học. Chỉ chừng đó thôi.
Cho nên, trong ba tháng an cư, đức Phật vẫn cho phép người xuất gia đi
giảng kinh, thuyết pháp, làm Phật sự, thăm viếng người thân bị bệnh tật
hoặc những nhu cầu xã hội vốn không thể thiếu vắng sự đóng góp của họ.
Có sáu truyền thống Luật học, mỗi truyền
thống có những quy định khác nhau về tính gia giảm thời gian cho phép
đi ra ngoài trong ba tháng an cư. Theo truyền thống Nam tông ở một số
nước hiện nay, thời gian tối đa vắng chùa về ban đêm là bảy ngày, có nơi
cho phép mười bốn ngày. Còn đối với truyền thống luật học Bắc tông, có
nơi cho phép đến một tháng, do công tác Phật sự giúp người cứu đời.
Trong cuộc đối thoại đặc biệt với Hòa thượng Thích Trí Quảng, cố Hòa
thượng Thích Trí Thủ đã nói rằng: “Nếu không đi thuyết giảng trong ba
tháng an cư, nơi tất cả chư Tăng ở nhiều tỉnh thành hội tụ thì sau này
có muốn thuyết giảng để chia sẻ và truyền đạt cũng khó có cơ hội”.
Ngày xưa, đức Phật cho phép thời gian
trung bình là nửa tháng, còn một số tình huống đặc biệt thì có thể vượt
hơn nửa tháng. Như vậy, tính bắt buộc người xuất gia phải ở một chỗ
không phải là tiêu chí tiên quyết. Chúng ta thấy rõ việc ở yên một chỗ
nhằm tạo cơ hội phát triển nội tâm chứ đâu phải là phương tiện duy nhất
của vấn đề. Khi nhận ra được điều đó thì chúng ta vẫn có thể tu trong
lúc đang ở trên xe.
Mỗi
khi Hòa thượng Thích Trí Quảng đi đâu, có quần chúng Phật tử đi cùng
trên chuyến xe thì trên xe thường tụng kinh chứ không ngồi nói chuyện
hay ngủ gật. Hòa thượng rất khích lệ việc cùng tụng kinh trên xe. Đó là
tâm niệm an cư mặc dù không phải mùa an cư nhưng toàn bộ chiếc xe vẫn
được xem là đang an cư trong lúc nó di chuyển với tốc độ 60Km/giờ. Thậm
chí nếu sau này chúng ta cùng đi trên một chuyên cơ, toàn bộ hành giả có
mặt trên đó cũng tụng niệm, hành trì như thế thì dù tốc độ bay là
1000Km/giờ, chúng ta vẫn được gọi là đang an cư, tức là ngồi yên một chỗ
về phương diện tâm.
Như vậy, an cư nằm ở chuyển hóa tâm, làm
cho tâm an lạc, hạnh phúc, bình an, nỗi khổ niềm đau được giải phóng ở
cách thức trọn vẹn nhất chứ không đơn thuần ở yên một chỗ. Trạo cử là
khái niệm tâm lý học Phật giáo cho thấy sự dao động của tâm chứ không
đơn thuần là sự lóc chóc của thân, như đi đánh đòng đưa, ngồi rung đùi,
vừa cười vừa nói, dáng dấp thiếu sự đĩnh đạc trang nghiêm. Trạo cử thực
chất chỉ sự dao động trong tâm, đang ngồi chỗ này mà tâm nghĩ chỗ khác,
không có hiện tại lạc trú, không có chánh niệm tỉnh thức, không có nhất
tâm bất loạn, không có thân, khẩu, ý nghiệp giao cảm nhau trong sự giao
cảm tâm linh với đức Phật. Tất cả những người như thế đều được gọi là
đang bấn loạn tâm. Lúc đó, dù có mặt trong ba tháng an cư, ở một nơi lý
tưởng cỡ nào đi nữa, người đó vẫn được xem là thất bại vì tâm an chưa
được thiết lập.
Tại sao cần có nhiều thành phần khác
nhau cùng đến an cư? Vì nội dung an cư là điều chúng ta phải quan tâm.
Nếu mỗi thầy, mỗi sư cô an cư tại các tỉnh thành hoặc các huyện của
mình, không có sự giao lưu giữa nhiều vùng khác nhau thì sự thông cảm về
phương diện Phật sự sẽ gặp khó khăn. Nhờ ba tháng sống chung, chư Tăng ở
vùng A, vùng B có điều kiện hiểu rõ thêm phong tục tập quán, có thể
truyền giao những kinh nghiệm giảng kinh, thuyết pháp và làm Phật sự.
Miền Bắc hiện nay đã được nhà nước ủng hộ bằng tâm chân thành. Đây là
thời điểm chưa từng có trong lịch sử Phật giáo Việt Nam ngoài triều đại
nhà Trần và nhà Lý.
Do
đó, khi nhập hạ chung, chúng ta có thể chia sẻ những kinh nghiệm có giá
trị. Tại miền Bắc, số lượng nhân sự làm Phật sự giảng kinh, thuyết
pháp, giáo dục và lĩnh vực văn hoá từ thiện hầu như là nắng hạn. Trong
khi đó, tại Sài Gòn và nhiều tỉnh thành khác lại dư thừa nguồn nhân sự
cho các Phật sự này. Nếu trong lúc nhập hạ, chúng ta có thể chia sẻ và
thiết lập được mối cộng thông với nhau, kết hợp việc thỉnh mời chư Tăng ở
miền Nam ra miền Bắc và thỉnh mời chư Tăng ở miền Bắc vào miền Nam để
giao lưu, thì chúng tôi tin chắc rằng lợi lạc của nó rất cao. Không có
những mùa an cư như thế, chúng ta khó có thể thiết lập nhịp cầu cảm
thông về Phật sự và hỗ trợ lẫn nhau.
***
Tóm lại, mùa an cư kiết hạ là một phương
tiện cộng tu, là không gian tâm linh để các hành giả cộng tu được an
lạc hạnh phúc. Đó cũng là nơi trao đổi kinh nghiệm hoằng pháp, và là
phương tiện rất tốt để người tại gia được phát tâm cúng dường vào ruộng
phước, người xuất gia tiếp nhận nó, nêu cao tâm nguyện tu tập và truyền
bá.
Các tổ Trung Hoa trong phương diện này
đã dạy người xuất gia những câu tâm niệm rất sâu sắc: “Kiếp này tu tập
không đạt kết quả thì kiếp sau phải mang lông đội sừng để đền trả nợ của
đàn na”. Tức là người xuất gia khi tiếp nhận phẩm vật cúng dường của
người tại gia không nên hãnh diện tự hào mà lúc nào cũng phải nghĩ mình
có đủ công đức, phước báu để tiếp nhận nó hay không. Tiếp nhận như việc
vay nợ ngân hàng, người tại gia rộng lượng cho vay nợ mà không lấy lãi,
người xuất gia khi tiếp nhận phải có Phật sự xứng đáng hơn để đền bù.
Tài thí, pháp thí lưỡng toàn mới là các Phật sự tốt đẹp. Khi tiếp nhận,
người xuất gia phải làm sao ban bố những bài pháp thiết thực, lợi ích
cho người tại gia để đền trả sự vay nợ này.
Một vị tổ khác cũng đã khuyên những
người xuất gia chúng tôi là, mỗi lần tiếp nhận phẩm vật cúng dường thì
phải quan niệm rằng: người xuất gia giống như viên đá mài, người tại gia
như là cây kéo, con dao, cái búa… Cứ sau mỗi khi cúng, con dao, cái
kéo, cái rựa của người tại gia bén hơn, đồng thời viên đá mài của người
xuất gia chúng tôi mòn đi chút ít.
Nếu không tinh tấn tu hành thì viên đá
mài này, sau mấy mươi năm nhận cúng dường sẽ chỉ còn con số 0. Nếu tu
tốt thì từ một viên đá mài sẽ sinh sôi thành hàng trăm, hàng ngàn viên
đá, có mài thoải mái, mài vô cùng cũng không bao giờ tận hết. Đó là ý
nghĩa vô tận tạng trong đạo Phật. Như vậy, việc tu tập trong mùa an cư
là cơ hội cho tất cả chúng ta cùng thăng tiến, nhờ đó xã hội được an vui
và hạnh phúc
(Vi tính và biên tập: Subin – Giác Minh Duyên)(Tạp chí Đạo Phật Ngày Nay)