BÁCH TRƯỢNG TÒNG LÂM THANH QUY


Việt dịch: Sa môn Thích Bảo Lạc Chùa Pháp Bảo Sydney và Chùa Viên Giác Đức Quốc xuất bản PL. 2552 DL 2008
20/07/2011 18:37 (GMT+7)
Số lượt xem: 234034
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


BÁCH TRƯỢNG TÒNG LÂM THANH QUY
Việt dịch: Sa môn Thích Bảo Lạc 
Chùa Pháp Bảo Sydney và Chùa Viên Giác Đức Quốc xuất bản PL. 2552 DL 2008

Quyển Đầu

 BÁCH TRƯỢNG TÒNG LÂM 
THANH QUY CHỨNG NGHĨA 

1.3 Nguyên Tựa Thanh Quy Chứng Nghĩa

Quốc gia (chính phủ) trị dân có luật và lệ, Phật Tổ dạy chúng tăng có giới luật và Thanh Quy. Đạo Phật cũng như đạo Nho có luật; chỉ có điều Phật nói luật nhưng không nói thừa.

Thanh Quy cũng như luật ngoài đời, do Tổ thuật mà giữ gìn đúng nghi cách. Nhưng Thanh Quy khởi đầu từ ngài Pháp Vân đời Lương (thế kỷ 5) ở chùa Quang Trạch. Ngài vâng sắc chỉ của vua soạn ra Thanh Quy để ngăn trừ lỗi phạm của hàng tăng đương thời mà lưu lại tới đời Đường (618-907). Vào đời nhà Lương thiền nói riêng và Phật giáo nói chung chưa lớn mạnh, đến đời Đường giáo pháp Thiền có thể nói rất là cực thịnh. Ngài Bách Trượng sưu tập lại thành sách nên đặc biệt đề tên Ngài làm tên sách.

Toàn bộ gồm có 9 chương: chúc quốc gia hùng mạnh, dân tộc phú cường, báo đáp thâm ân như cha mẹ, sư trưởng, ân vua và ân Tam Bảo. Uống nước phải nhớ nguồn; những ngày vía Phật, Bồ Tát, những ngày giỗ kỵ chư Tổ sư tiền bối dày công xây nền đạo. Chương Trụ Trì có những công việc thiết yếu cần hành xử thích hợp như hai dãy Đông-Tây liêu chúng, các ban chức sự, pháp lục hòa sống giữa chúng. An cư kiết hạ, tuổi đạo (hạ lạp) và chương cuối cùng là pháp khí dùng trong chùa như chuông, trống, vân bảng, khánh, linh v.v… đều đưa vào Thanh Quy làm hiệu lệnh cho nhân thiên để lưu truyền rộng rãi.

Lành thay! Bậc sư biểu chỉ Bách Trượng Đại Trí là một người tiêu biểu nổi bật. Sách “Bổn Sơn Các ký” ghi rằng: “Đạo của Phật nhờ Đạt Ma mà sáng,việc của Phật nhờ Bách Trượng mà hoàn bị” Dù đời có lắm thiên sai vạn biệt, những hơn thua, bỉ thử, một mặt buông một mặt níu bất nhất. Văn phong có làm phật lòng một số người, nhưng không thể không mỗ xẻ phân tích để cho thật lợi ích nhiều người. Cho chí những đề cương, tiết mục lớn chưa từng thiếu trong Thanh Quy này. Tiếc thay việc lưu truyền đã lâu nên chân ngụy xen tạp khó phân. Cũng vì Phật Pháp đang trong buổi suy vi, giới luật như bị lơ là bỏ phế. Ôi, Thanh Quy đây ở vào lợi thế cao vút như thế- cứu nguy của thời đại- nên gấp phổ biến sách này vậy.

Ở đây tôi (Tỳ kheo Nghi Nhuận) tham khảo nhiều sách, chỉ có cuốn này là quá tuyệt, thấy các chương mục cũng giống như trong Đại Tạng Kinh và gần giống như mục lục cuốn “Liệt Tổ đề cương”, văn gọn mà lại trong sáng, nghĩa rõ ràng lại thâm sâu. Nghĩa lý đầy đủ nên có thể nói là sách khá hoàn bị. Hễ nghiên đọc dù kẻ căn sắc bén hay chậm lụt gì đều được lợi cả, nên không gian hay thời gian không còn là vấn đề nữa. Song sợ kẻ sơ tâm chưa am tường nên dẫn lời bậc cổ đức thành văn giải sơ lược để chứng minh đó, cốt để nêu lên yếu nghĩa càng làm cho thêm rõ ràng, gọi là Bách Trượng Tòng Lâm Thanh Quy chứng nghĩa ký làm duyên khởi cho cuốn sách.

Muốn tường tận ý nghĩa mong cho bậc thức giả đọc nội dung sách và cũng mong được chư vị tiếp tay lưu hành rộng rãi. Mấy lời sơ lược cẩn bạch cùng chư phương hiền giả liễu tri.

Đạo Quang năm thứ ba, nhằm năm Quí Mùi nhân ngày lễ Tự Tứ giải hạ, tại tệ liêu thư phòng chùa Chân Tịch- Cổ Hàng.

Cẩn bạch. 

Tỳ Kheo Nghi Nhuận


Âm lịch

Ảnh đẹp