BÁCH TRƯỢNG
TÒNG LÂM THANH QUY
Việt dịch: Sa
môn Thích Bảo Lạc
Chùa Pháp Bảo
Sydney và Chùa Viên Giác Đức Quốc xuất bản PL. 2552 DL 2008
Quyển Đầu
BÁCH TRƯỢNG TÒNG LÂM
THANH QUY
CHỨNG NGHĨA
1.1 Lời Tự Trần
Sau khi dịch
xong tác phẩm và xem lại từ đầu chí cuối, dịch giả nhận ra điều này: mặc dù
sách ví như kim chỉ nam của giới thiền gia, nhưng chưa thấy có ai dịch ra văn
tiếng Việt, đó cũng là việc lạ mà không ai đủ thẩm quyền giải thích thỏa đáng.
Theo nhận xét của riêng tôi, có quá nhiều vấn đề hay công việc mà ngày nay
không còn thích hợp nữa. Nếu bỏ không dịch lại không đúng với nghĩa dịch thuật,
còn như trung thành theo sách lại khó cho đọc giả hay hành giả với những việc
mà hiện thời nghe quá xa lạ như ban sài, hầu liêu, liêu nguyên, tịnh đầu. Từ
chỗ suy nghĩ đó cho ta có một cái nhìn phóng khoáng hơn để hiểu vấn đề cho tinh
tường theo tinh thần giới luật, luật tắc hay luật lệ.
Nói đến luật lệ
hẳn có hai phạm trù tách biệt rời nhau giữa luật và lệ hoàn toàn không giống
nhau. Luật của tổ chức, đoàn thể, hiệp hội, thiền gia hay rộng hơn như quốc
gia, quốc tế không thể làm khác được. Nếu người nào vi phạm hẳn bị phạt do theo
mỗi qui định riêng của từng lãnh vực áp dụng. Trong khi lệ có tính co giãn
(flexible), tùy nghi có thể đúng nơi này lại không hợp nơi khác, hay thời này
áp dụng và bước sang giai đoạn khác hay thời khác lại quá xa lạ. Trong Bách
Trượng Thanh Quy cũng vậy, có những lệ xưa, ngày nay không còn phù hợp nữa,
nhưng chúng ta cũng cần phải biết mà chỉ biết ghi nhận chứ khó áp dụng vì thấy
không còn thích ứng nữa.
Trong lúc dịch,
chúng tôi cũng có tự ý thêm vào những từ cập nhật như thông báo trên đài, trên
báo… là những việc mới phát sinh gần đây chưa lâu, nhưng là thực tế cần thiết
mà các tòng lâm hay thiền môn không thể thiếu được. Ấy là chưa đề cập tới các
phương tiện truyền thông đại chúng như email, website, mobile phone, cách đây
nửa thế kỷ làm gì có và đâu ai sử dụng bao giờ. Nếu cho rằng ta cần nên cách
mạng, sao còn để tồn đọng lại những việc xưa cũ như cúng trăng sao, cúng ông
táo, cúng cầu sâu bọ đừng phá hại mùa màng hay những việc như bán đấu giá đồ
vật của vị tăng quá cố, nhận vật rơi đem cất vô kho và thông báo cho chủ nhân
tới nhận lại… đều là những sự kiện mà ngày nay được xem như là bất cập vậy. Có
điều chúng tôi rất tâm đắc là tác phẩm có nhiều điều cần phải học mà chư Tổ đức
đã dày công tạo nên trong chiều dài lịch sử hơn nghìn năm qua và còn lưu lại
bây giờ cũng như mãi về sau. Bao nhiêu tâm tư và tuệ giác đã được hình thành mà
hàng hậu bối thừa hưởng hôm nay, chúng ta phải xứng đáng nhận lấy vai trò là
đàn con cháu của các Ngài trong hàng Thích tử.
Cũng như những
dịch phẩm trước, ở đây chúng tôi xin ghi nhận sự đóng góp vô cùng cao quí của
hai ban: ban kỹ thuật, và ấn tống.
Ban kỹ thuật
gồm có đánh máy, lay out, bìa và in ấn. Phần này có những vị đã nhiệt tình làm
việc bằng nhiều cách để mới thành hình được dịch phẩm này. Đó là T.T Thích Như
Điển, Đ.Đ Thích Nguyên Tạng, Đ.Đ. Thích Hạnh Bình, Đ.Đ. Thích Phổ Huân, sư cô
Thích Nữ Giác Anh, chú Hạnh Bổn, Phật tử Thiện Tuệ, quý cô Giác Duyên, Giác
Trí, Giác Niệm, chú Giác Thuần, Phật tử Quảng Tuệ Duyên.
Ban ấn tống do
quí Phật tử: Chúc Quốc Lịch, Tiên Ngọc, Chúc Mân, Tâm Phước, Vi Quang, Diệu
Ngọc, Ánh, Chúc Vân- Quí Hội, Hương Ngọc, Đức Phương, Túy Nga, Diệu Tịnh, Tâm
Lan, Lê Văn Búp, Nguyễn Thị Chơn, Chúc Liêm, Diệu Yên, Quảng Thành. Tiền chuyên
chở kinh do ban Ấn tống kinh chùa Viên Giác Đức quốc phát tâm cúng dường.
Nguyện hồi hướng công đức này lên Tam Bảo chứng minh gia hộ quí vị Bồ đề tâm
kiên cố, thân tâm an tịnh và đạo quả viên thành.
Sau nữa, dịch
giả ngưỡng mong chư tôn đức tăng già hoan hỷ những chỗ sai lầm thiếu sót trong
bản dịch, và cũng xin quí Ngài và quí vị thức giả vui lòng bổ chính giúp những
điểm lệch lạc, sai trái để cuốn sách được hoàn chỉnh trong dịp tái bản lần
tới.
Nguyện hào
quang chư Phật soi sáng chan hòa Phật Pháp tới khắp mọi người và mọi nhà để cho
tất cả đều được thấm nhuần pháp giải thoát trong đời sống hiện tại và tương
lai. Với tâm thành dịch giả cầu nguyện quí vị và pháp giới chúng sanh người còn
an lạc, kẻ thác sớm được vãng sanh về cõi Tây Phương Cực Lạc quốc.
Sydney mồng 9
tháng 11 năm Đinh Hợi,
nhằm ngày 18
tháng 12 năm 2007.
Sa môn Thích Bảo Lạc