BÁCH TRƯỢNG TÒNG LÂM THANH QUY


Việt dịch: Sa môn Thích Bảo Lạc Chùa Pháp Bảo Sydney và Chùa Viên Giác Đức Quốc xuất bản PL. 2552 DL 2008
20/07/2011 18:37 (GMT+7)
Số lượt xem: 236540
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


BÁCH TRƯỢNG TÒNG LÂM THANH QUY
Việt dịch: Sa môn Thích Bảo Lạc 
Chùa Pháp Bảo Sydney và Chùa Viên Giác Đức Quốc xuất bản PL. 2552 DL 2008

Quyển Đầu

 BÁCH TRƯỢNG TÒNG LÂM 
THANH QUY CHỨNG NGHĨA 

1.2 Lời Tựa Đầu Tiên 

Lời Tựa Đầu Tiên Cuốn Bách Trượng 
Thanh Quy Hàn Lâm Học Sĩ Dương Ức Khai Quốc Hầu Thuật 

Bách Trượng Đại Trí thiền sư ứng dụng thiền từ Thiếu Thất (Đạt Ma) đến Tào Khê (Lục Tổ) tới lúc đó phần nhiều Ngài ở chùa luật tông. Tuy sinh hoạt nơi biệt viện nhưng đối với những việc thuyết pháp, trụ trì… chưa đúng Qui Tắc nên Ngài thường ôm hoài bão muốn chấn chỉnh; bèn cho rằng đạo của Phật Tổ là muốn giữ nguyên không bị biến thái, đâu có phải cùng hành như phái A Cấp Ma Giáo ư? Hoặc nói các Kinh Du Già, Anh Lạc là giới luật Đại thừa cớ sao y cứ vào đó chứ?

Ngài nói: Tông của ta không hạn cuộc Đại - Tiểu thừa; không khác Tiểu hay Đại thừa mà đem chiết trung chỗ sâu rộng lập ra qui tắc, miển sao cho thích hợp. Như thế ngài có sáng kiến lập thiền riêng là ở phàm mà vẫn đầy đủ đạo nhãn, có đức đáng tôn gọi là trưởng lão. Bên Ấn Độ vị trưởng lão đạo cao hạ lạp thâm niên được gọi là A Xà Lê, là vị thầy Giáo Thọ chính ngạch. Vị thầy ở nơi phương trượng như căn nhà nhỏ của Duy Ma Cật, không phải chỉ riêng phòng ngủ mà nơi đó còn là điện thờ nữa. Ở trước là Thọ Pháp đường tiêu biểu Phật Tổ quen thuộc mà đương thời tỏ lòng tôn kính. Nơi qui tụ đồ chúng không cần nhiều hay ít, cao hay thấp mà hể người đã vào tăng viện rồi đều căn cứ tuổi hạ mà sắp xếp, đặt giường theo dãy dài có hộc tủ, giá móc đồ đạc. Khi ngủ hẳn cần mền gối, nằm phải nghiêng bên phải theo thế kiết tường. Do vì hành giả ngồi thiền lâu chỉ cần chỗ đặt lưng xuống nghỉ phải đủ phép oai nghi. Trừ nhập thất, làm việc chung, học tập không phân trên dưới, không theo tiêu chuẩn, nhưng hể người đã nhập chúng (tăng viện) rồi thì sáng phải tham thiền, công phu, làm việc, tối tùng chúng tụng kinh, học tập, hội họp…

Bậc trưởng lão thăng tòa thuyết pháp, chủ sự làm việc chúng, lớp lang thứ tự, chủ khách thăm hỏi nhau. Xiển dương tông yếu là biểu hiện y pháp thực hành. 

Ngày hai buổi cháo cơm tùy nghi thích hợp, cần kiệm miển sao cho dòng pháp mạch lưu thông. Công tác tập thể dưới trên đều góp sức, cắt đặt 10 việc xá (phòng) mỗi việc cử một người lãnh đạo trông coi chúng làm việc, làm cho mọi việc đều chu toàn. Nếu có ai giả dạng trá hình trà trộn trong chúng thanh tịnh, gây động chúng; liền phải cho Duy Na kiểm tra đưa ra giữa chúng xử phạt hay tẩn xuất ra khỏi viện, cốt giữ cho chúng được thanh tịnh. Nếu như có người phạm lỗi phải họp chúng bàn thảo hình phạt phải thích đáng rồi cho ra khỏi chùa như hình thức tẩn xuất, làm cho đương sự hổ trẽn. Hình phạt này có 4 điểm lợi:

1- Giữ cho trong chúng thanh tịnh làm cho người tin kính, 
2- Không làm mất thể cách vị tăng để tuân lời Phật dạy, 
3- Không làm quấy nhiễu cửa chùa, dè dặt đến cửa quan, 
4- Không tiết lộ ra ngoài để giữ gìn tông phong.

Chúng cùng ở chung, thánh phàm cho rõ ràng. Ngay như khi Phật còn tại thế mà bọn lục quần Tỳ kheo còn quấy phá; huống chi ngày nay thuộc đời mạt pháp, đâu thể hoàn toàn không lỗi lầm được! Khi thấy một vị tăng phạm lỗi liền đem ra khiển trách (chỉ lỗi), còn hơn là chẳng biết để chúng coi thường làm hại giáo pháp, gây tổn thương cho đạo không nhỏ vậy.

Ngày nay thiền môn như ít đề phòng chỗ phương hại nên theo Thanh Quy tòng lâm của Bách Trượng có phân định từng mục, từng phần các việc hẳn hoi. Vã lại, luật pháp để phòng gian, không phải là để cho bậc hiền sĩ, thà có tư cách không phạm lỗi hơn là phạm mà không giáo hóa. Đại Trí thiền sư lập Thanh Quy- duy trì Phật pháp- thật lợi ích biết bao nhiêu! Đây là qui tắc duy nhất trong thiền môn được xem là xưa nhất. Đại cương của thanh qui định nơi Thanh Quy thứ mục rất thứ tự rõ ràng, lượng được chỗ yếu chỉ san định lại làm đèn sáng cho lớp đàn em. 

Nhân đây mà viết lời tựa này.


Âm lịch

Ảnh đẹp