GIỚI THIỆU TẠP THÍ DỤ KINH
Kể
từ thời Đàm Thiên (542-607), người ta đã biết trong khi miền Nam Trung
Quốc chưa có kinh sách Phật giáo, thì ở nước ta đã dịch được 15 bộ kinh,
như Thiền uyển tập anh[15] đã ghi. Thế thì, 15 bộ kinh mà Đàm Thiên nói
tới này, ngày nay ta có thể biết gì về chúng chăng? Và chúng gồm những
bộ sách nào? Để trả lời những câu hỏi ấy, chúng tôi cho nghiên cứu lại
toàn bộ những tác và dịch phẩm của Khương Tăng Hội hiện còn, và phát
hiện ra một hiện tượng khá lý thú là hai tác dịch phẩm lưu hành khá rộng
rãi của Khương Tăng Hội đã chứa đựng một số những cấu trúc tiếng Việt
cổ[16]. Hiện tượng có mặt các cấu trúc này dẫn chúng tôi đến kết luận là
có tồn tại một tạng kinh tiếng Việt vào thế kỷ thứ hai để làm bản đáy
cho những bản dịch của Khương Tăng Hội, mà nổi bật nhất là Lục độ tập
kinh[17].
Đồng
thời chúng tôi cũng cho nghiên cứu lại những bản kinh Phật giáo bị
“thất dịch” và thường được xếp vào thời Hậu Hán, mà điển hình là Tạp thí
dụ kinh.
I. Vấn đề truyền bản và tên gọi
Tên
gọi Tạp thí dụ kinh 2 quyển xuất hiện lần đầu trong Xuất tam tạng ký
tập 4 ĐTK 2145 tờ 22a5 và được xếp vào loại “thất dịch tạp kinh”. Chúng
kinh mục lục 6 ĐTK 2146 tờ 144b7 của Pháp Kinh ghi tên Tạp thí kinh 2
quyển, một tên là Bồ tát độ nhân kinh. Chúng kinh mục lục 2 ĐTK 427 tờ
161b19 của Ngạn Tôn năm Nhân Thọ thứ 2 cũng ghi thế và xếp vào loại
“trùng phiên”. Chúng kinh mục lục 2 ĐTK 2148 tờ 196a24 của Tỉnh Thái
thay vì tên Tạp thí kinh, lại ghi Tạp thí dụ kinh 2 quyển, một tên Bồ
tát độ nhân kinh, 26 tờ và cũng xếp vào loại “trùng phiên”. Đạo Tuyên
viết Nội điển lục 7 ĐTK 2149 tờ 301c23 và 9 tờ 325b21 ghi Tạp thí dụ 2
quyển 26 tờ, một tên Bồ tát độ nhân kinh và xếp vào loại “Tiểu thừa tạng
kinh” và “cử yếu chuyển độc”. Tỉnh Mại viết Cổ kim dịch kinh đồ ký 1
ĐTK 2151 tờ 250n27 ghi Tạp thí dụ kinh 2 quyển vào loại “thất dịch nhân
danh” của đời Hán. Đây là lần đầu tiên Tạp thí dụ kinh được xếp vào loại
“thất dịch đời Hán”. Đến Minh Thuyên soạn Đại Châu san định chúng kinh
mục lục 11 ĐTK 2153 tờ 438b20 và 442a17 cũng xếp nó vào loại “thất dịch”
thuộc đời Hán. Tạp thí dụ kinh 1 bộ 2 quyển, một tên là Bồ tát độ nhân
kinh 26 tờ. Trí thăng viết Khai Nguyên thích giáo lục 13 ĐTK 2154 tờ
623a10 chép: “Tạp thí dụ kinh 2 quyển, một tên Bồ tát độ nhân kinh, thất
dịch, tại Hậu Hán Lạc Dương...” Trinh Nguyên tân định thích giáo mục
lục 2 ĐTK 2157 tờ 781a6 của Viên Chiếu cũng xếp vào loại “thất dịch” đời
Hán.
Qua
các bản kinh lục, Tạp thí dụ kinh như thế được xác định là một bản
“thất dịch nhân danh” từ lâu và đến Tỉnh Mại thì được xếp hẳn vào loại
“thất dịch” của đời Hán. Minh Thuyên, Trí Thăng và Viên Chiếu đồng ý với
lối xếp loại và niên đại đó. Về tên gọi, ngoài tên Tạp thí dụ kinh, từ
Pháp Kinh trở đi, nó còn có tên Bồ tát độ nhân kinh. Tên này gọi rõ ràng
là lấy bốn chữ đầu của bản kinh mà đặt. Điều đó chứng tỏ có lúc người
ta đã không biết tên chính thức của bản kinh là gì. Cho nên, họ lấy bốn
chữ bắt đầu bản kinh để đặt tên cho nó. Và cũng nhờ tên gọi bốn chữ này,
ngày nay ta có thể chắc chắn là truyền bản Tạp thí dụ kinh 2 quyển, mà
Pháp Kinh chỉ có chép là Tạp thí kinh và Ngạn Tôn cũng như Tỉnh Thái
cũng đều làm như thế, thực sự là chỉ bản Tạp thí dụ kinh của Tỉnh Mại,
Minh Thuyên, Trí Thăng, Viên Chiếu và bản in Tạp thí dụ kinh hiện nay.
II. PHÂN TÍCH NỘI DUNG
Truyền
bản hiện nay gồm hai quyển thượng và hạ, có cả thảy 32 truyện. Quyển
thượng có 14 truyện từ 1 đến 14. Quyển hạ gồm 18 truyện còn lại từ 15
đến 32. Gọi là “truyện”, nhưng thực chất có những “truyện” không phải là
truyện. Cụ thể là các truyện đánh số 1, 2 và 32. Đó là các lối nói ví
von, “thí dụ”, mà Lý hoặc luận có dịp đề cập và phê phán (điều 18). Còn
lại như vậy là 29 truyện.
Trong
29 truyện này, 11 truyện là những ngụ ngôn, nói lên một khía cạnh của
giáo lý, gồm các truyện 4, 8, 16, 23, 24, 25 và 27 đến 31. Thí dụ,
truyện 4 nói đến lý thuyết 4 “đại” là bốn con rắn độc cắn chết người.
Hay truyện 23 ghi nhận một sự thực là con người ai cũng phải chết qua
việc người mẹ không đi xin lửa được từ một nhà “không có ai chết”, xác
nhận cho tuyên bố của Mâu Tử trong Lý hoặc luận là “không có cái đạo bất
tử” (điều 34). Nói tóm lại, chúng chủ yếu là những truyện ngụ ngôn,
minh họa cho một luận đề giáo lý.
Còn
lại 18 truyện. Nét nổi bật của các truyện này là việc nhấn mạnh đến
“oai thần” của đức Phật, “thần thông” của các nhà sư. Đây phải nói là
một khía cạnh đặc trưng của nền Phật giáo truyền vào nước ta ở những thế
kỷ đầu. Tuy cũng quan tâm một cách nồng nhiệt đến những vấn đề thiết
thân của đời sống, những vấn đề của đất nước, chính quyền, phẩm chất đạo
đức của từng con người v.v... như đã thấy trong Lục độ tập kinh, nền
Phật giáo ấy không quên trình bày mặt “siêu phàm” của đời sống Phật giáo
với một đức Phật có “oai thần” và các phương pháp để đạt tới một số
phẩm chất “siêu phàm” đó.
Tình
trạng này phản ảnh quan niệm Phật thể của Mâu Tử trong điều 2 của Lý
hoặc luận, theo đó “Phật là nguyên tố của đạo đức, là đầu mối của thần
minh.... nhanh chóng biến hóa, phân thân tán thể, hoặc còn hoặc mất, hay
lớn hay nhỏ, hay tròn hay vuông, hay già hay trẻ, hay ẩn hay hiện, đạp
lửa không bỏng, đi dao không đứt, muốn đi thì bay, ngồi thì phóng
quang...”
Và
phương pháp để đạt đến những phẩm chất ấy không phải không được đề ra.
Lục độ tập kinh 7 ĐTK 152 tờ 39b16-23 viết: “Bồ tát tâm tịnh, đạt được
tứ thiền kia thì tự do theo ý, cất nhẹ bay bổng, đạp nước mà đi, phân
thân tán thể, biến hóa muôn cách, ra vào liên tục nơi không hở, còn mất
tự do, rờ trời trăng, rung đất trời, nghe thông thấy suốt, không gì là
không thấy nghe...” Đó là phương pháp “sáu mầu nhiệm”, mà Khương Tăng
Hội giới thiệu trong An ban thủ ý kinh tự do Tăng Hựu chép lại trong
Xuất tam tạng ký tập 6 ĐTK 2145 tờ 43a1-c3, bao gồm sổ, tùy, chỉ, quán,
hoàn và tịnh.
Những
phẩm chất “siêu phàm” ấy do thế không chỉ là những phẩm chất giả định
biểu lộ một ước mơ. Ngược lại, chúng là những phẩm chất có thực, có thể
đạt được thông qua một quá trình luyện tập sáu phương pháp “mầu nhiệm”
(lục diệu pháp môn) vừa nói, chứ không phải bằng việc tắm “nước sông
Hằng” để được thần thông, như truyện 14 đã ghi. Chúng là những phẩm chất
phụ của một người giác ngộ, có tác dụng giác ngộ người khác như truyện
11, 12 và 13 mô tả. Nhưng những người chưa giác ngộ vẫn có thể sở hữu
chúng, và đem phục vụ những mục đích phàm tục, thậm chí tội ác, như
truyện 13 và 15 chứng tỏ. Chúng có những hạn chế của chúng với một xác
nhận là “sức mạnh của thần thông không bằng sức mạnh của trí tuệ”, như
truyện 10 đã long trọng tuyên bố.
Điểm
lôi cuốn là xác nhận ấy lại chính do một người nổi tiếng là thần thông
số một của Phật giáo nói ra, đó là Mục Liên. Điều này phản ánh một thực
tế là Phật giáo tuy có nói đến thần thông, nhưng bản chất vẫn là đạo trí
tuệ, coi trí tuệ vừa là phương tiện vừa là mục tiêu của giác ngộ, là
“thành tát vân nhã”, đầy đủ mọi thứ, “không gì là không có” như truyện
18 đã nói. Tát vân nhã là phiên âm của tiếng Phạn Sarvajnõa và thường
dịch là “nhất thiết trí”, trí hiểu biết hết thảy. Nó thường dùng để tôn
xưng đức Phật. Do thế, vai trò trí tuệ vẫn được chú trọng và đề cao.
Vậy,
nền Phật giáo những thế kỷ đầu tại nước ta, dù có một Phật thể quan
mang tính quyền năng, vẫn không để vuột mất sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch
sử Phật giáo, đó là trí tuệ và việc nhấn mạnh đến vai trò của trí tuệ.
Cho nên, bên cạnh công trình tôn thờ “tứ pháp” của Lĩnh Nam chích quái,
ta vẫn có những tác phẩm mang đầy tính trí tuệ như Lý hoặc luận của Mâu
Tử, trình bày hết sức khúc chiết, minh bạch quan điểm của người Phật
giáo Việt Nam trước những vấn nạn đưa tới cho họ. Bên cạnh việc nói đến
thần thông, người ta vẫn nhấn mạnh đến sự nghiệp, “vâng lời thánh giáo,
giữ thân miệng ý” (truyện 18 ), “đến việc chọn bạn mà chơi” (truyện 2 ),
“đến việc gầy dựng công đức” (truyện 6), “tuân giữ năm giới, mười lành,
bốn đẳng, sáu độ” (truyện 8, 16).v.v... Đặc biệt việc xác nhận “được
năm thần thông không phải là đạo kiên cố, không thể nhờ cậy được”
(truyện 15).
Ngoài
ra, một nét nổi bật khác của Tạp thí dụ kinh là sự kiện nhấn mạnh đến
việc cúng dường và những lợi ích của nó. Trong 12 truyện đề cập đến khía
cạnh này, ba truyện nói tới việc cúng dường đức Phật (truyện 10, 17 và
28), hai truyện nói tới việc cúng dường tháp tượng. Bảy truyện còn lại
đề cập tới việc cúng dường cho các đệ tử Phật, các “đạo nhân”. Có hai
điểm thú vị của việc đề cập này.
Thứ
nhất, nó đặt vấn đề “vô ích” của các “sa môn đạo nhân”. Đó là họ “không
làm ruộng, không đi lính, không làm bề tôi cho vua” (truyện 7). Một vấn
đề phải đợi đến hơn 500 năm sau Hàn Dũ mới nêu lên ở Trung Quốc. Trong
khi đó, ngay vào những thế kỷ đầu của Phật giáo nước ta, nó đã được bàn
tới một cách công khai với một biện pháp giải quyết khá triệt để, ấy là
nạp xác cho “quỉ ăn thịt”. Cuối cùng, bằng thần thông, một “sa di mới 13
tuổi” đã bắt hết quỉ, cạo đầu, giảng đạo cho chúng và chúng đã chứng
quả. Tất nhiên, đó là một lối giải quyết theo truyện kể.
Thực
tế có thể phức tạp hơn nhiều. Cho nên, đối diện với vấn đề ấy, Mâu Tử
một mặt thừa nhận “sa môn giữ 250 giới, ngày ngày chay, (...) suốt ngày
thâu đêm giảng đạo, tụng kinh, không dự việc đời” (điều 1) và “sa môn
mặc áo đỏ, ngày ăn một bữa, đóng cửa sáu tình, tự dứt với đời” (điều
19). Nhưng mặt khác ông cũng ghi nhận tình trạng “sa môn mê thích rượu
ngon, hoặc nuôi vợ con, mua rẻ bán đắt, chuyên làm dối trá” (điều 16).
Điều này cho thấy, đứng trước hai yêu cầu đôi khi mâu thuẫn nhau của đời
sống Phật giáo, đó là yêu cầu tỉnh tu truyền giáo và yêu cầu tham gia
lao động sản xuất, người Phật tử Việt Nam đã sớm nhận ra vấn đề và cách
thức giải quyết, mà sau này Đạo Cao đã nói rõ trong lá thư gửi Lý Miễu
của ông: “Có người ngồi thiền trong rừng rú, có kẻ tu phước bên cạnh
thành, ca tán tụng vịnh đều là làm việc đạo cả”.[18] Yêu cầu nào cũng
đều thể hiện đời sống đạo cả, nên phải được đáp ứng một cách thỏa đáng
và chứng tỏ đời sống đạo là hữu ích.
Điểm
thứ hai là khi nói đến cúng dường, Tạp thí dụ kinh đã có một quan tâm
đặc biệt đến những người nghèo, đến những người với những phương tiện
hạn chế, như ba tiều phu của truyện 31, thậm chí không có một phương
tiện gì như lão mẫu của truyện 3. Đây là một mối quan tâm đặc biệt, bởi
vì theo truyện 21, nó là bản nguyện của vị đệ tử số một của đức Phật là
Ma Ha Ca Diếp. Ca Diếp chỉ muốn “độ người bần cùng, một mình không chịu
nhận” sự cúng dường của nhà giàu. Phải nói đó là một nét đặc trưng khá
lôi cuốn của bản kinh này. Nó nói lên một thực trạng là vào những ngày
tháng đầu tiên lúc mới truyền tới nước ta, Phật giáo đã chọn đứng về
phía những người nghèo (truyện 3, 21,28, 30 và 31), bất hạnh, đang khổ
đau (truyện 20, 23), chống đối những kẻ giàu keo kiệt bủn xỉn (truyện
17), những kẻ ỷ quyền, ỷ vào sức mạnh (truyện 13), bạo lực (truyện 8).
Nó
xác định cho Phật giáo một chỗ đứng giữa lòng dân tộc Việt Nam, đặc
biệt sau sự biến năm 42, khi nhà nước Hùng Vương bị quân đội Mã Viện
đánh sụp, kéo theo một loạt đổ vỡ dây chuyền trong đời sống kinh tế, xã
hội và văn hóa, mà phải mất hàng chục năm mới có thể ổn định lại được.
Trong cơn lốc chính trị, kinh tế, văn hoá đó, việc chọn đứng về phía
những người nghèo, người bất hạnh, khổ đau nhất định đem lại cho Phật
giáo một vị thế có được những tiếng nói có quyền uy giữa đại đa số dân
chúng. Đây cũng là lý do tại sao Phật giáo trở thành nơi gửi gắm những
đạo lý tinh hoa của dân tộc, những truyền thống ngàn đời của người Việt,
như ta đã thấy trong Lục độ tập kinh.
Ngoài
hai nét đặc trưng vừa nói, Tạp thí dụ kinh với chức năng là một bản
kinh, tất phải chuyển tải một hệ thống giáo lý. Tuy đơn giản, hệ thống
này tương đối hoàn chỉnh với các giáo lý “bốn sự thật, khổ, không, phi
thân” (truyện 4) “năm giới, mười lành, bốn đẳng, sáu độ” (truyện 8),
“bốn đẳng, sáu độ, 37 phẩm trợ đạo” (truyện 18), ngu không biết gì là
gốc của 12 nhân duyên (truyện 22), “năm ấm không có gì” (truyện 27),
“năm ấm, bốn đại, khổ, không” (truyện 29). Và đặc biệt nó nhắc tới Duy
Ma Cật và giáo lý bốn ơn (truyện 27 và 2).
Như
vậy, ngay từ những thế kỷ đầu của Phật giáo ở nước ta, không chỉ những
giáo lý cơ bản chung cho các hệ phái như bốn sự thật, mười hai nhân
duyên, khổ, không, vô ngã, bốn đẳng, sáu độ, 37 phẩm trợ đạo, năm giới,
mười lành được thuyết giảng, mà một số tư tưởng đặc biệt Đại thừa đã
truyền vào và được phổ biến rộng rãi. Cụ thể là tư tưởng “Năm ấm không
có gì”. Tư tưởng này về sau được biết dưới tên “Năm ấm đều không” và trở
thành cốt lõi của hệ tư tưởng bát nhã. Điều này chứng tỏ cùng với quan
niệm Lục độ tập kinh, tư tưởng bát nhã được truyền vào nước ta rất sớm,
song lôi cuốn nhất là việc nhắc đến Duy Ma Cật và lời phát biểu của ông:
“Thân như đám bọt” (truyện 27).
Nhân
vật Duy Ma Cật là một nhân vật đặc biệt đại thừa và tư tưởng của ông
cũng là một hệ tư tưởng đặc biệt đại thừa. Nó tiêu biểu cho khuynh hướng
thế tục hóa Phật giáo, xác định một lối sống Phật giáo lấy thế tục làm
mục đích và chỉ hiện diện ở thế tục. Đó vừa là bản chất vừa là diệu dụng
của giác ngộ, là cốt lõi của tư tưởng “Phật giáo bất ly thế gian giác”
của Huệ Năng và chủ trương “Cư trần lạc đạo” của Trần Nhân Tông. Việc
xuất hiện khá sớm của nhân vật Duy Ma Cật đây là khá lôi cuốn, dù lúc ấy
bản kinh Duy Ma Cật được dịch qua tiếng Trung Quốc nếu không phải do
Nghiêm Phù Điều vào năm 188 như Cổ kim dịch kinh đồ kỷ 1 ĐTK 2141 tờ
350a-29b1 và Nội điển lục 1 ĐTK 2149 tờ 224c5 đã ghi, thì cũng không thể
muộn hơn năm 250, khi Chi Khiêm dịch nó, như Chi Mẫn Độ nói trong Hợp
Duy Ma Cật kinh tự của Xuất tam tạng ký tự tập 8 ĐTK 2148 tờ 58b25 đã
xác nhận.
Việc
xuất hiện khá sớm này là lôi cuốn, vì nó giải thích không ít cho ta
quan điểm “đạo” của Mâu Tử trong điều 4 của Lý hoặc luận là “tại gia có
thể dùng để thờ cha mẹ, giúp nước có thể dùng để trị dân, sống riêng có
thể dùng để tu thân”. Nó cũng lý giải cho ta tại sao lại tồn tại hai
hình ảnh trái ngược về “sa môn”, về những người lấy Phật giáo làm lẽ
sống duy nhất của đời mình, của Phật giáo nước ta thời Mâu Tử. Một bên
là các sa môn “mê thích rượu ngon, hoặc nuôi vợ con, mua rẻ bán đắt,
chuyên làm dối trá” (điều 16), và bên kia cũng là “các sa môn mặc áo đỏ,
ngày ăn một bữa, đóng cửa sáu tình, tự dứt với đời” (điều 19). Như vậy
bên cạnh những Phật tử tự dứt với đời để đi tìm giác ngộ, vẫn có những
Phật tử đi tìm giác ngộ giữa cuộc đời và trong cuộc đời muôn mặt của nó.
Dù
lối sống của những Phật tử dạng sau bị người đối thoại của Mâu Tử cho
là “đại ngụy”, trái với lý tưởng “vô vi” của đạo Phật đời ấy, sự thật
vẫn cho thấy có một khuynh hướng sống đạo theo điều 16 mô tả. Phải chăng
họ là những Duy Ma Cật bằng xương bằng thịt hoạt động giữa lòng cuộc
đời Việt Nam thời Mâu Tử? Đây là một có thể, vì hiện nay ta chưa có đầy
đủ dữ kiện để phủ định hay hoàn toàn khẳng định. Điều thú vị là người
Phật giáo thời ấy vẫn có một quan tâm đặc biệt về cuộc đời, về đất nước,
như chính Lục độ tập kinh đã chứng tỏ, nếu họ không vươn lên để trở
thành Duy Ma Cật Việt Nam. Đây là một điểm cần lưu ý khi tìm hiểu Phật
giáo nước ta những thế kỷ đầu. Và chính họ đã tạo nên mô hình sống đạo
cho những người Phật giáo về sau như Lý Miễu, Vạn Hạnh, Trần Nhân Tông,
Lương Thế Vinh, Ngô Thì Nhiệm v.v...
Kinh
Tạp thí dụ như thế tỏ ra khá lôi cuốn cho việc nghiên cứu không chỉ
lịch sử Phật giáo nước ta, mà còn ngôn ngữ, tư tưởng, và văn học Việt
Nam.
III. VẤN ĐỀ NIÊN ĐẠI VÀ NGÔN NGỮ
Vậy,
từ thời Tỉnh Mại trở đi, Tạp thí dụ kinh được xếp vào loại “thất dịch”
của đời Hán. “Thất dịch” nói cho đủ là “thất dịch nhân danh”, nghĩa là
“mất tên người dịch”. Như thế, đối với Tỉnh Mại, Tạp thí dụ kinh phải
được dịch từ những năm 220 trở về trước. Tất nhiên, khi xếp loại kiểu
ấy, Tỉnh Mại, Minh Thuyên, Trí Thăng và những người về sau đã thực hiện
công tác, mà Tăng Hựu của Xuất tam tạng ký tập 4 tờ 21b22 đã gọi là “thù
giảo hiệu”, tức là so sánh các bản văn với nhau, đánh giá khả năng xuất
hiện của chúng vào thời điểm nào. Bản thân Tăng Hựu chắc chắn đã làm
công tác ấy, nhưng hẳn vì thiếu dữ kiện, nên chưa đi đến một kết luận về
thời điểm xuất hiện của Tạp thí dụ kinh. Ông viết: “Rồi đạo lớn truyền
vào, qua sáu triều đại, soạn ghi các sách, chỉ thấy An Công”. An Công
đây là Đạo An và bản Tổng lý chúng kinh mục lục của ông.
Thế
nhưng, đến Phí Trường Phòng soạn Lịch đại tam bảo ký và Đạo Tuyên viết
Đại Đường nội điển lục 10 ĐTK 2149 tờ 336b11 họ kể một loạt tên “24 nhà,
xét truyện ghi thì có, mà chưa thấy văn bản, nên chỉ kê mà thôi”, như
Cổ kinh lục có vẻ của Thích Lôi Phòng thời Tấn, Cựu lục có vẻ của Lưu
Hướng thời Hán, Hán thời Phật kinh mục lục có vẻ do Ca Diếp Ma Đằng
soạn, Hán lục của Chu Sĩ Hành, Chúng kinh lục của Trúc Pháp Hộ v.v...
Những liệt kê này, chắc chắn đã qua tiếp thu thành quả từ các kinh lục
của Bảo Xướng, Lý Quách, Pháp Thượng, ngoài Tăng Hựu và Chúng kinh biệt
học của một tác giả vô danh đời Lưu Tống. Như thế, đến thời họ, đặc biệt
sau khi Dương Kiên đã thống nhất Trung Quốc và lập nên nhà Tùy, một
loạt các kinh lục đã xuất hiện.
Do
vậy, việc xếp Tạp thí dụ kinh như một dịch phẩm đời Hán chắc chắn đã có
một lịch sử lâu dài, chứ không phải chỉ từ thời Tỉnh Mại trở đi.
Có
khả năng Tỉnh Mại đã tiếp thu ý kiến của một số kinh lục trước. Dù tiếp
thu hay tự nghiên cứu rồi kết luận về thời điểm đời Hán của Tạp thí dụ
kinh, Tỉnh Mại đã không để lại lý do cho một xếp loại như thế. Tuy
nhiên, ta ngày nay có thể đoán ra là ông phải dựa vào việc phân tích
ngôn ngữ và tư tưởng của bản kinh để có kết luận trên. Cụ thể là việc sử
dụng một số từ đặc thù dùng cho một thời kỳ nhất định trong lịch sử
dịch thuật Trung Quốc. Thí dụ những cụm từ “phát vô thượng chánh chân
đạo ý” (truyện 9,10,11,13), “ngũ ấm, lục suy, khổ, không, phi thân”
(truyện 4), “vô thân chi quyết” (truyện 29) v.v... những phiên âm “a duy
tam Phật” (truyện 8), “tát vân nhã” (truyện 18) v.v... những quan điểm
“đời sau thọ phước thiên đường” (truyện 16), “năm giới mười lành...
không phá mất, được cùng ở với Phật” (truyện 16) v.v... Thông qua những
vết tích như thế, bất cứ một người nghiên cứu nào, chứ không nhất thiết
là Tỉnh Mại, cũng có thể kết luận Tạp thí dụ kinh là một bản kinh thuộc
về thời kỳ cổ dịch, tức thời kỳ Hán Ngụïy.
Vấn
đề niên đại của Tạp thí dụ kinh tự thân nó do đó không lôi cuốn chúng
ta cho lắm. Điểm lôi cuốn nằm ở chỗ với một niên đại thuộc đời Hán như
thế, nó cung cấp cho chúng ta những tín hiệu gì về bản thân nó? Về mặt
ngôn ngữ, nó hiện chứa đựng một số cấu trúc ngữ học không được viết theo
ngữ pháp Trung Quốc. Trái lại, chúng được viết theo ngữ pháp tiếng
Việt. Nổi bật và điển hình nhất là cấu trúc “tượng Phật” của truyện 31
trong Tạp thí dụ kinh quyển hạ tờ 510a5. Cấu trúc này, các bản khắc đời
Tống (1239), Nguyên (1290) và Minh (1601) có điều chỉnh lại thành “Phật
tượng” theo đúng ngữ pháp tiếng Trung Quốc. Nhưng các bản khắc Cao Ly
(1151 và sau đó) trước các bản khắc Trung Quốc hiện còn vẫn giữ nguyên
cấu trúc cũ.
Cấu
trúc cũ đó phải chăng là một khắc chép sai cần điều chỉnh, như các bản
in Tống, Nguyên, Minh đã làm? Bình thường người ta sẽ nghĩ như thế, bởi
vì Tạp thí dụ kinh là một bản văn tiếng Trung Quốc. Cho nên, nếu có
những cấu trúc viết không đúng theo ngữ pháp tiếng Trung Quốc, chúng
phải được xem như những sai lầm lệch lạc cần điều chỉnh lại cho đúng.
Tuy nhiên, do hiện tượng Lục độ tập kinh có quá nhiều cấu trúc viết theo
ngữ pháp tiếng Việt, ta không thể đơn giản coi những cấu trúc kiểu
“tượng Phật” ở trên, tuy đơn độc, là những khắc chép sai của những người
làm công tác khắc chép trong quá trình lưu truyền bản kinh. Ngược lại,
phải đánh giá chúng như những chứng tích còn sót lại báo cho chúng ta
biết việc từng tồn tại một thời một văn bản viết theo ngữ pháp của những
cấu trúc đó.
Đúng
là cấu trúc “tượng Phật” là cấu trúc duy nhất rõ ràng viết theo ngữ
pháp tiếng Việt không thể nào chối cãi được, trong toàn bộ bản văn Tạp
thí dụ kinh. Nó có vẻ đơn độc và dễ đưa ta đến nhận định nó là một lệch
lạc, một khắc chép sai trong quá trình lưu truyền. Thực tế, nếu không có
bản khắc Cao Ly, mà chỉ có các bản khắc Tống, Nguyên, Minh, ta ngày nay
chắc chắn không thể có cấu trúc “tượng Phật” để bàn cãi, chứ khoan nói
chi tới chuyện xác định xem Tạp thí dụ kinh xuất phát từ đâu? Tuy vậy,
như đã nói, việc tồn tại một loạt các cấu trúc tiếng Việt trong Lục độ
tập kinh buộc ta phải xem xét các cấu trúc có vẻ lệch lạc, đơn độc trên
với một nhãn quan mới đầy trân trọng, nghiêm túc. Phải thừa nhận sự xuất
hiện của chúng là có tính hệ thống và phản ảnh một hiện thực. Thế cấu
trúc “tượng Phật” báo cho ta điều gì?
Thứ
nhất, nó là một cấu trúc thuần túy theo ngữ pháp tiếng Việt, phản ảnh
một phần nào hiện thực tiếng nói dân tộc ta cách đây trên 1800 năm vào
thế kỷ thứ II. Thứ hai, nó giúp ta giả thiết, như trường hợp Lục độ tập
kinh, là có sự tồn tại một nguyên bản tiếng Việt của Tạp thí dụ kinh làm
bản đáy cho việc dịch lại bản Tạp thí dụ kinh tiếng Trung Quốc hiện
còn. Thứ ba, người dịch có thể là một dịch giả Việt Nam. Cho nên, ngoài
cấu trúc “tượng Phật” đây, ta thấy còn có một số cấu trúc khác mang dáng
dấp ngữ pháp tiếng Việt. Cụ thể là câu “hành đạo trì trì” (tờ 508a17
truyện 22) và “sử ngã hậu thế nhiều tài bảo” (tờ 510a9 truyện 31).
Rõ
ràng câu “hành đạo trì trì” với nghĩa tiếng Việt “đi đường chậm chậm”,
phản ảnh cấu trúc ngữ pháp tiếng Việt nhiều hơn tiếng Trung Quốc. Điểm
lôi cuốn là câu này một lần nữa lại lấy từ đoạn thứ hai của bài thơ Cốc
phong của Kinh Thi ở Mao thi chính nghĩa:
Hành đạo trì trì
Trung tâm hữu vi
Bất viễn y nghĩ
Bạc tống ngã kỳ
Vậy,
cùng với dạng cú pháp trung tâm, dạng cú pháp hành đạo trì trì của Kinh
Thi lại phản ảnh trong cú pháp tiếng Việt hiện đại. Không những thế,
việc sử dụng những câu thơ của Kinh Thi vào trong các văn bản viết như
thế này cho phép ta giả thiết người dịch Tạp thí dụ kinh có ít nhiều
liên quan với Khương Tăng Hội. Có thể là Mâu Tử chăng? Ta hiện không thể
trả lời dứt khoát được, bởi vì phong cách viết văn điển nhã của người
Trung Quốc ngày xưa, đặc biệt là vào thời Hán và Tam Quốc trở đi thường
giả định người viết sử dụng một ít câu của Kinh Thi trong bài văn mình.
Tuy vậy, bút pháp này ít nhiều vẫn gợi cho ta y nghĩ Mâu Tử như là người
chấp bút, đã dịch kinh Tạp thí dụ từ một bản tiếng Việt ra bản tiếng
Hán.
Dạng
cú pháp ấy cũng phản ảnh trong một số các câu khác như “sử ngã hậu thế
nhiều tài bảo” nghĩa là “khiến ta đời sau nhiều của báu”. Đặc biệt việc
dùng lượng từ “nhiều”, mà ngày nay đã trở thành một lượng từ tiêu chuẩn
của tiếng Việt hiện đại. Lượng từ này không thấy xuất hiện trong các
dịch phẩm của An Huyền v.v… nhưng lại có mặt trong các dịch phẩm của Chi
Khiêm. Cụ thể là Soạn tập bách duyên kinh, và trong Lý hoặc luận điều
17 (Hoằng minh tập 1 ĐTK 2102 tờ 4b5) của Mâu Tử. Điều này chứng tỏ khả
năng “nhiều” từ nguyên thủy là một lượng từ của tiếng Việt được sử dụng
rộng rãi trong các vùng đất tổ tiên của người Việt bao gồm cả miền Nam
của Trung Quốc phía dưới sông Dương Tử cho đến nước ta.
Chính
việc sử dụng rộng rãi này mới tạo cơ hội cho việc xuất hiện khá thường
xuyên của lượng từ ấy trong các tác và dịch phẩm thực hiện tại miền Nam
Trung Quốc và nước ta vào giai đoạn đó. Điều thú vị là trong các tác và
dịch phẩm của Khương Tăng Hội, lượng từ đó không thấy có mặt. Đây có thể
do yêu cầu văn bản cũng như văn phong của Khương Tăng Hội. Nhưng cũng
có thể từ khoảng năm 250 trở về sau quá trình Hán hóa xảy ra mạnh mẽ ở
miền Nam Trung Quốc, nên đưa đến việc loại bỏ một số từ ngoại lai xâm
nhập vào Hán ngữ. Dù với trường hợp nào đi nữa, việc vắng mặt lượng từ
“nhiều” trong các tác dịch phẩm của Khương Tăng Hội là một sự thật cần
quan tâm xử lý một cách thấu đáo nhằm đóng góp cho việc tìm hiểu quá
trình tiến hóa của tiếng nói dân tộc ta mà giới hạn ở đây không cho phép
làm ngay bây giờ.
Tất
nhiên, với một bản kinh lưu hành trên quê người, mà còn bảo tồn cho ta
một số cấu trúc mang tính ngữ pháp tiếng Việt như thế, thì đó là những
đóng góp to lớn và quý giá. Tuy ít ỏi, chúng vẫn mang tính hệ thống, vì
chúng xuất hiện trên một bối cảnh, trong đó những tác dịch phẩm khác
cũng có những cấu trúc tương tự và được biết chắc chắn xuất phát từ đất
nước ta như Lục độ tập kinh, Cựu tạp thí dụ kinh, Lý hoặc luận... Chính
nhìn trên bối cảnh các tác dịch phẩm vừa nêu, mà những chứng tích như
cấu trúc “tượng Phật” trên mới không tỏ ra rời rạc, lạc lõng giữa một
biển toàn các cấu trúc tiếng Trung Quốc. Không những thế, không những
không bị nhận chìm, mà qua gần 1000 năm tồn tại và luôn luôn có nguy cơ
bị điều chỉnh theo ngữ pháp tiếng Hán, chúng vẫn bộc lộ một sức sống
riêng, một nét đặc trưng đôi khi có vẻ huyền bí.
Chúng
tôi nói “huyền bí”, vì những cấu trúc có tính ngoại lai ấy, tại sao các
độc giả và nhà sao chép Trung Quốc không điều chỉnh lại? Tại sao chúng
có thể tồn tại trong một biển các cấu trúc Trung Quốc? Dĩ nhiên quá
trình điều chỉnh không phải đã không xảy ra. Và đây là một nguy cơ, mà
các cấu trúc ngoại lai ấy phải thường xuyên đối phó. Ta đã thấy trường
hợp “tượng Phật” ở trên. Nếu không có bản khắc Cao Ly, nguy cơ điều
chỉnh đã trở thành hiện thực, và cấu trúc “tượng Phật” theo ngữ pháp
tiếng Việt vĩnh viễn bị nhận chìm trong biển các cấu trúc Trung Quốc
“Phật tượng”. Sự tồn tại các cấu trúc như “tượng Phật” do thế đôi khi có
vẻ như một “mầu nhiệm”, một “huyền bí”. Dẫu sao đi nữa, dẫu huyền bí
hay không, thì sự thật vẫn là việc tồn tại các cấu trúc như “tượng
Phật”, và sự kiện ấy chứng tỏ Tạp thí dụ kinh đã từng một thời lưu hành ở
nước ta và lưu hành vào một giai đoạn khá sớm trong lịch sử Phật giáo
dân tộc ta, khoảng vào thế kỷ thứ II sau dương lịch.
BẢN DỊCH TIẾNG VIỆT
TẠP THÍ DỤ KINH
1
Bồ
tát độ người giống như mẹ vú khéo nuôi con. Có bốn việc. Một là tắm rửa
cho sạch. Hai là cho con bú no. Ba là dỗ ngủ yên. Bốn là bồng bế ra vào
cho vui vẻ. Dùng bốn việc ấy nuôi lớn con mình khiến được thành tựu. Bồ
tát cũng lại như thế. Có bốn việc nuôi lớn chúng sinh. Một là dùng
chính pháp rửa sạch lòng. Hai là dùng kinh pháp cho ăn uống no đủ. Ba là
tùy lúc mà thiết lập thiền định tam muội. Bốn là dùng bốn ân làm lợi
ích hết thảy luôn khiến cho vui vẻ. Dùng bốn việc ấy khuyên dạy mọi
người, nuôi dưỡng chúng sinh khiến được đạo trí lớn.
2
Thế
gian có hai loại bạn, thường cùng người kết bạn làm nhân duyên, khiến
người mắc tội lớn mà cũng khiến người được phước lớn. Hai loại bạn đó
gọi là gì? Một là bạn dữ, hai là bạn lành. Ví như quân giặc làm chuyện
ác nghịch, giết hại vua cha, phá loạn thiên hạ, chúng sinh bị độc hại,
không ai là không bị. Đó là bạn dữ. Theo chúng mà làm việc, khiến người
mắc tội lớn. Ví như Bồ tát Thích Ca Văn phát lòng cầu đạo cứu hộ chúng
sinh, dùng lòng thương bốn bậc, bốn ân tiếp hộ hết thảy, ba cõi năm
đường không ai là không được độ. Đó gọi là bạn lành. Theo họ mà làm
việc, khiến người được phước lớn.
3
Xưa
Nam Thiên Trúc có một nước tên Tư Ha Khê nằm trên bờ biển, thành nó
rộng hơn bốn vạn dặm. Bấy giờ nước khác có một bà lão tên A Long gặp nạn
đói loạn, trôi dạt đến nước đó, cô đơn không nơi nương tựa, nhờ xin ăn
mà sống. Bèn đến nhà trưởng giả định xin ở nhờ. Khi trưởng lão trở về
gặp, bèn hỏi han bà lão. Bà lão bèn tỏ rõ cảnh cùng khổ của mình. Trưởng
lão buồn rầu thương xót, bảo bà lão: “Có thể tại gia tôi, tôi sẽ nuôi
nấng bà”. Bà lão vui mừng nói: “Tôi không có gì để đền ơn, chỉ chút ít
sức mọn để giúp việc. Mọi việc cần làm, tôi không sợ khó nhọc”. Rồi bèn
dừng chân ở lại.
Lòng
vừa buồn vừa vui nghĩ: “Ta ngày xưa cúng dường chúng tăng thết đãi theo
ý. Bây giờ bỗng gặp nghèo khổ, lòng cho không đạt”. Lòng tự cảm thương,
bèn đến lễ nhà sư. Hỏi han xong xuôi bèn thưa: “Không biết sáng nay các
thần được cúng chưa?” Nhà sư đáp: “Từ sáng vào thành xin ăn, không được
một chút gì. Vì thế đã trở về cởi áo ở đây”. Bà lão liền nghĩ muốn có
cơm dâng cúng tăng mà tự mình không có gì, bèn bạch các sư: “Con nay vào
thành xem, nếu sửa soạn gì, con sẽ trở về bạch lại. Nếu không cũng sẽ
báo cho biết tin”. Lúc ấy, chúng tăng đồng ý, mỗi người cởi áo dưới gốc
cây.
Rồi
thì, bà lão trở về nhà, thưa lại với vị trưởng giả: “Tôi cần vài ngàn
quan tiền. Nay tôi tuy giúp việc ở đây, nguyện tự thân bán làm đứa ở
suốt đời, có thể làm giấy chứng”. Vợ trưởng giả hỏi: “Bà ở đây ăn ở với
chúng tôi, sao lại cần tiền đem làm việc gì?” Bà lão nói: “Tôi cần dùng
gấp không thể nói được”. Liền đó, vợ trưởng giả lấy tiền cho bà, nói:
“Bà đem đi, nếu có dịp bà có thể tự trả lại, chứ tôi dùng giấy chứng làm
gì? “
Bà
lão được tiền, bèn đến những người quen biết trước ở chung quanh, đem
sự tình nói hết, lấy tiền đưa cho từng người, nhờ làm cúng đủ sáu mươi
người. Chốc lát làm xong, bèn mang đến các sư nói: “Vốn không thật định,
chỉ sự chí thành mà thôi”. Họ đều lấy làm lạ về sự tinh tấn xuất kỳ bất
ý, mà hỏi: “Bà lão ở chỗ nào, ban sáng ta đi xin ăn khắp hết làng xóm,
mà sao không gặp?” Bà lão nói hết gốc ngọn: “Con là người nước kia, gia
tiên phụng Phật, cúng dường chúng tăng, gặp đời loạn lạc, một mình cô
độc, tại gia đại trưởng giả nước này, giúp việc cho ông, sống nhờ cơm
áo, thân nghèo sống gửi không có một đồng tiền. Vừa rồi gặp các nhà sư,
buồn vui lẫn lộn, lòng có chỗ muốn, sợ ý nguyện không thành, thưa với vợ
trưởng giả, đem thân tự bán, tìm kiếm chút đỉnh, muốn dâng cơm chúng
tăng. Bà vợ nhân từ thấy thương, nên lòng thành mọn của con được toại”
Nhà sư khen: “Thật có thể gọi là việc bố thí tận tín”. Họ bảo nhau:
“Chúng ta cũng vì thân năm ấm, mà đi xin ăn. Bữa ăn hôm nay, chính là ăn
thịt người, nên mỗi người phải lập chí để đáp lại công đức bố thí”.
Mỗi
người một lòng ấy nhập định. Việc tám phương tinh thành cảm thông, liền
được định siêu, thần trí uy linh, rung chuyển cảnh giới, cây cối cúi
mình, như muốn quì vái. Các sư thấy điềm, ca ngợi thí chủ. Quốc vương
kinh ngạc, lấy làm lạ tại sao, bèn triệu quần thần, cùng bàn điềm lành
cảm ứng do đâu mà có. Thần hạ ra bốn cửa thành xem xét nguồn gốc, thấy
bên ngoài thành các sư nhóm họp, người cúng nờm nợp cùng vui vẻ nhờ
nhau. Họ cùng tâu vua, vua bảo: “Chính do họ làm mau mời họ vào”. Bề tôi
trở lại truyền lệnh vua. Bà lão sợ hãi, e có tai vạ, trả lời bề tôi:
“Thân tôi thuộc về vợ trưởng giả, không được tự do”. Bề tôi về báo ý đó.
Vua bảo: “Vẫn cứ mời đến”.
Lúc
ấy, vợ trưởng giả nghe lệnh vua, liền cùng bà lão đến chỗ vua. Vua hỏi ý
bà: Bà lão đem hết ngọn nguồn, trình vua. Vua nói: “Ta làm chúa một
nước, giàu có tự tại, nhưng không biết vâng kính Tam Bảo, cúng dường
chúng tăng, như bà lão đây đến nỗi có cảm ứng như vậy”.
Vua
nói: “Bà này là thầy ta”. Bèn đón rước vào trong cung, dùng nước thơm
tắm rửa, đặt ngồi vị trí thầy. Cung nhân thể nữ gồm hai vạn người. Vua
tự nhận thọ giới làm Ưu bà tắc. Phu nhân và thể nữ là Ưu bà di. Người
trong nước hết thảy đều phát lòng đạo.
4
Xưa
nhà sư học đạo ở trong núi. Trong núi có nhiều rắn bành. Nhà sư sợ, bèn
dựa vào gốc cây, treo cao giường dây mà ngồi thiền định. Chỉ khổ nỗi
buồn ngủ không tự ngăn được. Người trời trong hư không cười làm thức
giấc, bèn buồn ngủ không hết. Người trời nhân thế tạo phương tiện, muốn
làm sư sợ, khiến không buồn ngủ. Nửa đêm, người trời nói: “Này nhà sư!
Rắn độc đến!”. Nhà sư quá sợ, bèn đốt đèn tìm khắp, không thấy. Người
trời nhiều lần làm không ngưng. Nhà sư bèn nổi giận, nói: “Người trời
sao nói hai lưỡi? Không thấy có con gì, sao nói là rắn độc”. Người trời
nói nhà sư: “Sao sư không thấy có rắn độc trong mình. Thân mình có bốn
rắn độc, không trừ sao lại đi tìm nó bên ngoài?” Nhà sư nghe người trời
nói, liền tự suy nghĩ, thấy rõ thân thể mình, mới biết là bốn đại, bị
năm ấm sau suy nhận chìm vô số kiếp đến nay vẫn chưa thoát được, liền
hiểu bốn chân lý khổ, không, vô ngã. Trời chưa sáng, thì lậu hết, trí
hiểu, sáu thần thông đầy đủ, bèn chứng được quả la hán.
5
Xưa
có vua A Dục xây trong nước được một ngàn hai trăm ngôi tháp. Sau khi
bị bệnh rất nặng, có một sa môn đến thăm vua. Vua gặp mặt, buồn không
thể kể xiết. Nhà vua nói: “Vua trước sau làm việc công đức không thể kể
xiết, nên cởi mở cõi lòng, chớ có ân hận”. Vua nói: “Giả sử có chết đi
cũng không ân hận. Sở dĩ buồn là vì trước đây có xây dệt một ngàn hai
trăm chiếc phướn bằng chỉ vàng, muốn tự mình treo phướn rải hoa ở các đồ
dùng của tháp thì mới xong, mà nay mắc bệnh nặng, sợ không thành bốn
nguyện mình, nên tự buồn thôi”. Nhà sư bảo: “Vua hãy chắp tay một lòng
khiến vua thấy hết các tháp trong nước”. Nhà sư liền hiện thần thông, tự
khắc 1200 ngôi tháp đều hiện ra trước mặt vua. Vua thấy rất vui mừng,
bệnh liền lành hẳn. Bèn lấy phướn hoa vàng treo trên các tháp. Các tháp
cúi mình đến tay vua. Vua thỏa ý nguyện mình, thân thể hại hết bệnh,
liền phát nguyện lớn, sống thêm 25 năm, làm các công đức cho đến khi
được bất thối chuyển.
6
Xưa
có vua A Dục, khi lên ngôi, 28 vạn dặm thì thuộc hết về vua. Rồng, dạ
xoa... trên đất liền cũng cúi đầu làm tôi, không ai không phục về. Chỉ
có một vua rồng ở hồ phía bắc rộng hơn 300 dặm, có được một phần xá lợi
của Phật, ngày đêm cúng dường, một mình không chịu cúi đầu trước vua A
Dục.
Vua
liền cử bốn thứ quân đến bên hồ. Rồng không ra đánh. Rồng có uy thần,
vua cũng không thể tiến quân. Như vậy ba lần đến đều không thể tiến
quân. Như vậy ba lần đều không thể bắt được rồng. (Vua nghĩ): “Sở dĩ oai
thần nó gồm thân vì phước nó lớn hơn ta. Ta nay nên làm nhiều công đức
cúng dường Tam Bảo, rồi đến bắt chắc được không nghi ngờ gì”. Do thế,
vua sửa xây chùa tháp, rộng mời chúng tăng nhiều lên không nghỉ. Để tự
thử công đức, vua đúc một rồng vàng và một hình vua, đặt hai đầu cân,
cân xem nặng nhẹ. Lúc mới làm công đức, mà đem cân hai tượng, thì rồng
nặng, vua nhẹ. Lúc sau lại cân thì hai bên nặng nhẹ như nhau. Lại làm
công đức, sau vua lại cân ngày càng nặng, rồng cân ngày càng nhẹ. Vua
biết công đức ngày càng nhiều, dấy binh đánh. Chưa đến nửa đường vua
rồng lớn nhỏ cúi đầu đón rước, đem một phần xá lợi Phật mà họ có được,
dâng cho vua A Dục. Vua A Dục lại dựng chùa tháp, rộng giảng Phật pháp.
7
Xưa
sau khi đức Phật nhập niết bàn được 100 năm thì có vua A Dục yêu thích
Phật pháp. Trong nước có hai vạn Tỳ kheo, vua thường cúng dường. Chín
mươi sáu nhóm ngoại đạo sinh lòng ghen ghét, âm mưu muốn hại Phật, phá
sư. Chúng cùng nhau nhóm họp, suy nghĩ phương pháp. Trong chúng có một
tay giỏi việc làm huyễn, nó bảo mọi người: “Ta muốn làm huyễn, biến
thành hình ác quỉ, bắt sa môn. Họ nghe mà trốn mất thì sẽ biết là họ
không bằng ta, nên chắc chắn trở về với đạo chúng ta”. Vị thần đạo lạ
này thờ tên là Ma Di Thủ La (Mahisuna), một đầu bốn mặt, tám mắt tám
tay, đó là vị thần đáng sợ nhất của các vị thần. Phạm chí liền hóa làm
thân ấy, đem hơn hai trăm quỉ xấu dương dương đi khắp trong nước, từ từ
tiến dần đến cung vua. Gái trai một nước không ai là không sợ hãi. Vua
ra đón thấy quỉ quá ghê, lên tiếng hỏi: “Không biết thần lớn muốn bảo
ban gì?”. Quỉ bảo vua: “Ta muốn ăn thịt người”. Vua lại nói: “Không thể
vậy được”. Quỉ bảo: “Nếu vua thương tiếc nhân dân, thì trong nước ai vô
ích với vua, hãy giao cho ta ăn”. Vua nói: “Không có ai”. Quỉ bảo: “Các
sa môn không làm ruộng, cũng không đi lính, không thuần thuộc vua. Đó là
những người vô ích, hãy giao cho ta ăn”.
Lòng
vua không vui. Việc bất đắc dĩ, bèn sai sứ đến Kỳ Hoàn báo tin. Trong
hai vạn Tỳ kheo, có sa di nhỏ nhất, mới mười ba tuổi, tên Đoan Chính,
thưa với các Tỳ kheo: “Con phải đi đối phó nó”. Họ đồng ý. Sa di ra
ngoài, thưa với vị điển chủ: “Nếu có vị Phạm chí nào rớt xuống Kỳ Hoàn,
thì xin thầy cứ cạo đầu, không cho thoát”. Rồi đến chỗ quỉ, bảo quỉ:
“Biết ngươi đến muốn ăn thịt chúng ta. Ta là người nhỏ nhất trong tăng
chúng, nên đến trước cho ngươi sai sử, các Tỳ kheo còn lại đúng lượt sẽ
đến”. Sa di lại nói: “Tôi sáng đến chưa được ăn, ông cho tôi ăn được một
bữa no, rồi hãy ăn tôi”. Quỉ bèn cho ăn.
Bấy
giờ, từ quỉ Phạm chí cũng có hơn hai vạn người. Vua đang làm bếp lớn
dọn cho chúng ăn. Sa di bèn lấy phần ăn hai vạn người bỏ hết trong
miệng, rồi bằng thần thông bay về Kỳ Hoàn, nên chưa no. Bèn lại bắt lấy
hai vạn Phạm chí nuốt luôn, cũng dùng thần thông đưa về Kỳ Hoàn.
Lúc
ấy, Phạm chí làm huyễn, bỏ chạy rất sợ hãi, trở lại làm người cúi đầu
xin lỗi, xin làm đệ tử. Các Phạm chí bị các Tỳ kheo cạo đầu hết, được
giảng kinh pháp, đều chứng được la hán. Nhân dân cả một nước không ai là
không vui mừng, được may mắn được độ. Vua suy nghĩ, nói: “Một sa di nhỏ
tuổi cảm động như thế, huống nữa lại biển đại thừa, chỗ nào là không có
người nhỏ thế”. Bèn phát lòng đạo vô thượng chính thân. Từ ấy trở đi,
Phật pháp hưng thịnh, bất diệt tới nay.
8
Xưa
có quốc vương thích ăn thịt người, bảo anh nấu bếp: “Các ngươi đêm đi
lén bắt người về cung cấp cho bếp, lấy đó làm thường”. Bề tôi sau đó đều
biết, liền cùng tống đi, vứt ra ngoài nước, rồi tìm bậc hiền lương để
lập vua.
Từ
đó, vua ăn thịt người sau 13 năm, mình mọc hai cánh, đi ăn thịt người,
không kể xa gần. Ở trong núi, bèn đến cầu đạo với thần cây của núi nói:
“Sẽ bắt 500 quốc vương cúng thần cây núi, nếu thần khiến ta được trở về
nước làm vua”.
Từ
đó, bèn bay đi bắt, được 499 người đem vào hang núi, lấy đá bít cửa.
Lúc ấy quốc vương đem các hậu cung đến hồ tắm chơi. Mới ra cửa cung, gặp
một nhà sư nói kệ xin ăn. Vua liền hứa là trở về cung sẽ cho vàng bạc.
Bấy giờ, vua xuống hồ, sắp định tắm rửa thì vua ăn thịt người từ không
trung bay đến ôm vua đem đi về trong núi. Vua gặp vua ăn thịt người
không sợ không hãi, sắc mặt như cũ.
Vua
ăn thịt người hỏi: “Ta vốn muốn bắt lấy năm trăm người, để tế trời. Đã
có bốn trăm chín chín người, nay lại bắt được một người, thế là số đã đủ
giết để tế trời. Ngươi biết điều đó, sao không khiếp sợ?”. Vua trả lời:
“Người sống tất có chết, vật thành có bại, gặp gỡ tất có chia ly, dọ
lại mà phân tích, nên không dám buồn. Nhưng sáng nay khi ra khỏi cung,
giữa đường gặp đạo sĩ nói kệ cho tôi, tôi hứa bố thí, nay chưa cho được,
nên lấy làm ân hận. Nay vua rộng thương nhân thứ, cho tôi mấy ngày, bố
thí xong sẽ trở lại, không trái lời thề nặng”. Vua ăn thịt người đồng ý
cho đi, còn bảo thêm: “Hẹn ông bảy ngày, nếu không đến, ta đến bắt ông
cũng không khó”.
Vua
liền trở về cung ở kinh đô, trong ngoài không ai là không vui mừng. Bèn
mở kho tàng, bố thí xa gần, phong thái tử làm vua, ủy lạc trăm họ, rồi
giã từ mà đi. Vua ăn thịt người, xa thấy vua đã đến, nghĩ: “Đây ta được
người không lạ thường sao? Từ chết được sống mà cố đến trở lại”. Liền
hỏi: “Thân mạng là cái người yêu chuộng, mà ông lại xả bỏ, đời khó mà
tin có được. Không biết ông giữ chí hướng gì, xin nói ý cho biết”. Vua
nói: “Việc thương cho của ta chí thành đáng tin, nên sẽ được giác ngộ
hoàn toàn, độ khắp mười phương”. Vua kia nói: “Nghĩa lý của việc tìm
Phật, việc nó ra sao?”. Bèn nhân đó rộng giảng năm giới, mười lành, bốn
bậc, sáu độ. Lòng mở thênh thang, vua kia theo thọ năm giới làm thân tín
sĩ, thả 499 người, mỗi mỗi cho về nước.
Các
vua đi theo cùng về nước của vua, vì cảm động trước lời thề đáng tín
của vua mà họ được cứu sống, nên không ai chịu về chính nước mình. Họ
bèn ở lại nước đó. Ở nước đó mỗi vua dựng một ngôi nhà chạm trổ khắc vẽ
trang hoàng tráng lệ theo kiểu nhà vua, ăn uống phục sức ngự dụng không
khác gì vua. Người bốn phương đến hỏi: “Sao lại có chuyện giống như nhà
vua khắp cả một nước?”. Mọi người trả lời: “Đều là nhà của các vua”.
Danh tiếng truyền xa. Từ đó đến nay mới gọi là thành nhà vua. Đức Phật
đắc đạo rồi, tự kể lại ngọn nguồn, nói vị vua giữ chữ tín, chính là thân
ta. Vua ăn thịt người là Uông Quân Man rồi trở về thành Vương Xá thuyết
pháp độ người vô lượng đều là những người có nhân duyên kiếp trước làm
vua.
Đức Phật thuyết pháp lúc ấy, không ai không vui mừng, được phước được độ không thể kể xiết.
9
Xưa
núi Tuyết có con voi trắng, mình có 6 ngà. Voi chúa có hai vợ, một vợ
lớn tuổi, một vợ trẻ tuổi. Mỗi khi ra chơi, hai vợ đều đi kẹp hai bên.
Khi voi chúa ra đi chơi, đường đi qua một, hoa cây nhiều đẹp, bèn định
lấy hoa cho hai vợ trang sức trên mình, vòi cuốn lấy cây lay xuống. Gió
thổi nên làm hoa chỉ rụng trên mình vợ cả. Vợ bé đứng dưới gió nên không
được hoa, bảo voi chúa có ý thiên vị, lòng sinh ý dữ. Sau trong hồ voi
chúa có mọc một hoa sen ngàn cánh màu vàng. Voi nhỏ gặp, lấy đem dâng
voi chúa. Voi chúa được hoa đem cho vợ cả bảo gắn trên đầu. Vợ bé càng
ghét tức, nghĩ muốn hại vua.
Trong
núi Tuyết có nhiều nhà tu, do thế vợ bé hái lấy trái ngon mỗi lần đem
dâng một trăm ngàn Phật Bích Chi. Sau đó đến một chỗ hiểm trên núi, tự
thề nguyền đem hết phước báu cúng dường trước sau các Phật Bích Chi để
sinh vào trong loài người có của cải thế lực, tự biết đời trước, để giết
hại voi chúa ấy. Rồi buông mình phóng xuống dưới núi mà chết.
Hồn
đến sinh vào cõi người làm con gái trưởng giả thông minh biết khắp, đẹp
đẽ vô cùng. Người con gái lớn lên, quốc vương cưới về làm vợ và thương
trọng. Người vợ nghĩ: “Đây chính lúc báo được oán xưa”. Bèn dùng trái
dành xoa vàng mặt, nằm ủ kêu bệnh. Vua vào hỏi! Nàng đáp: “Đêm qua nằm
mơ thấy đầu voi sáu ngà, em muốn được ngà nó, đem làm khuyên tai. Vua
nếu không bắt được ngà đó thì bệnh em ngày một nặng”.
Vua
quá thương trọng, nên không dám trái ý, bèn gọi các thợ săn trong nước
đến, được vài trăm người và nói với họ: “Các ngươi có thấy có voi sáu
ngà trong núi không?”. Họ đều trả lời: “Chưa từng thấy”. Lòng vua không
vui, bèn khiến người vợ gọi các thợ săn đến nói ý bà. Bà nói: “Vùng này
gần đây thật không có con voi đó. Trong các ngươi ai có gan chịu khổ
không?”. Có một người quì nộp xuống nói: “Tôi rất có thể chịu”.
Nhân
đó người vợ cho anh một vạn lạng vàng và một móc sắt, một búa đẽo và
một bộ y bảo: “Ngươi đi thẳng vào núi Tuyết, đường rẽ có một đại thụ,
hai bên có mãng xà mình dài vài trăm trượng, không thể đến gần, dùng búa
đẻo cây xuyên qua mà đi, đi tới sẽ gặp một con sông lớn, có cây cối bủa
ra trên sông, lấy móc sắt lên cây theo cành mà tiến lên vượt tới chỗ
voi ở, xem chỗ nó thường nghỉ ngơi, thì hãy xuống đào một cái hầm sâu,
phủ cỏ mỏng trên rồi ở trong rình lúc voi đến, dùng tên bắn nó, xong
liền mặc cà sa như phép của sa môn. Voi thờ Tam Bảo nên rốt cuộc không
hại người. Thợ săn nhận lời chỉ giáo, liền lên đường ra đi. Bảy năm bảy
tháng bảy ngày thì đến chỗ voi ở, bèn đào hầm vào trong ở. Chốc lát voi
chúa trở về. Thợ dùng tên độc bắn. Voi bị trúng tên đó, biết không đến
từ xa, bèn dùng vòi quật đất trúng hai bên, thấy người trong hầm, liền
hỏi ai. Người kia quá sợ hãi, tự thú nói: “Tôi là người ứng mộ”. Voi
chúa liền biết đó là việc làm của người vợ vua, bèn tự cắt ngà mình đem
cho thợ săn, bảo người ấy: “Ngươi trở về đi, đàn voi mà thấy tức sẽ giết
ngươi, nên nghe chỉ bảo xong thì đi ngay. Đàn voi tất tìm dấu người mà
đuổi theo”.
Voi
chúa dùng uy thần đem che chở, nên trong khoảng bảy ngày thì ra khỏi
vùng ấy, trở về nước mình đem ngà voi dâng cho vợ vua. Vợ vua được ngà,
xem qua xem lại, vừa vui vừa hối hận. Chẳng bao lâu thì thổ huyết mà
chết.
Lúc
Đức Phật Thích Ca vẫn còn ở đời, trời rồng quỉ thần, bốn chúng đệ tử
đại hội nghe thuyết pháp. Trong những người ngồi nghe, có một đại Tỳ
kheo ni, xa trông Đức Phật, bèn cười lớn tiếng, chốc lát lại cất tiếng
khóc. Những người ngồi nghe, không ai là không lấy làm lạ. Đức A Nan hỏi
đức Phật: “Vì sao Tỳ kheo ni ấy đã chứng được A la hán, do nguyên nhân
nào mà vừa buồn vừa vui không thể tự kiểm soát được, xin được nghe sự
việc”. Đức Phật bảo A Nan: “Voi chúa trắng lúc ấy chính là thân ta. Vợ
cả nay là Cù Di. Vợ bé nay là vị Tỳ kheo ni ấy vì chứng được thần thông,
biết việc ngày xưa, nên buồn vì không chịu được việc lòng vui, còn cười
vì đã giết hại người lành, từ đó mà đắc đạo”.
Chúng
hội nghe, đều nghĩ: “Kết nhân duyên ác với đức Thế Tôn, mà vẫn còn được
độ, huống nữa kết nhân duyên đạo đức”. Hết thảy chúng hội đều phát lòng
đạo chính chân vô thượng thề khắp mười phương, rộng độ hết thảy.
10
Xưa
đức Phật đến nước ở truồng, nhận lời mời của Tu Kiệt. Nước đó gần biển.
Rồng gây mây mưa. Đức Phật sợ trôi chìm nhân dân, nên nhân ăn uống
xong, dẫn chúng tăng đến hồ A Nậu Đạt. Đức Phật họp xong, chúng tăng
ngồi ổn định thì được báo Xá Lợi Phất không có mặt trong buổi hội. Vua
Trời nghĩ: “Tả hữu của Phật thường có thần thông trí huệ càng làm rực rỡ
ánh sáng của Phật”. Đức Phật biết ý vua trời nghĩ, bảo Mục Kiền Liên:
“Con gọi Xá Lợi Phất đến”. Mục Kiền Liên làm lễ mà đi.
Xá
Lợi Phất đang vá áo pháp. Mục Liên nói: “Phật đang đại hội ở trời hồ A
Nậu Đạt. Phật bảo tôi đến gọi ông, xin đến đúng giờ”. Xá Lợi Phất trả
lời: “Đợi áo tôi xong”. Mục Liên đáp: “Nếu đến không đúng giờ, tôi sẽ
dùng thần thông đem ông và ngôi nhà đá trong núi của ông đặt trong bàn
tay mặt của tôi để đưa tới chỗ Phật”. Xá Lợi Phất bèn cởi chiếc dây lưng
đặt trên đất, nói với Mục Liên: “Ông nếu có thể khiến chiếc dây lưng
rời đất thì thân tôi ông mới có thể dở nổi”. Mục Liên liền dở lên, đất
vì thế rung động, nhưng dây lưng không thể dở được. Mục Liên dùng thần
thông trở về chỗ Phật thì Xá Lợi Phất đã về trước, ngồi bên Phật. Mục
Liên mới biết sức của thần thông không bằng sức của trí tuệ.
Bấy
giờ trong tọa chúng có một Tỳ kheo, trong tai có hoa tu mạn. Tọa chúng
nghi ngờ vì phép Tỳ kheo là rời bỏ yêu trang sức bằng hoa, mà Tỳ kheo
này mang hoa là vì sao? Vua trời liền thưa Phật: “Không biết vì sao Tỳ
kheo ấy mang hoa”. Đức Phật bảo vị Tỳ kheo vứt bỏ hoa trong tai. Tỳ kheo
thọ giáo, bèn dùng tay lấy hoa vứt đi, nhưng hoa tiếp tục như cũ. Như
vậy lấy vứt mà chỗ đó vẫn có. Đức Phật bảo vị Tỳ kheo dùng thần thông
vứt đi. Bèn dùng sức định tạo ra vài ngàn muôn bàn tay từ không trung
vứt bỏ hoa trong lỗ tai. Hoa vẫn không hết. Tọa chúng mới biết đó là do
nhân duyên đạo đức, chứ không phải do tạm mang hoa. Vua trời bạch Phật
xin nói ngọn nguồn khiến chúng hội cỗi hết nghi ngờ.
Đức
Phật bảo vua trời: “Xưa vào thời Phật Duy Vệ cách đây 91 kiếp, lúc bấy
giờ đức Phật đại hội thuyết pháp, có một khách say rượu trong đại hội
nghe kinh, vui mừng lấy hoa trên tai mình rải lên Phật, rồi làm lễ mà
đi. Sau khi chết trong 91 kiếp thọ phước trên trời và cõi người không
còn trở lại ba đường dữ. Muốn biết người trời đó thì nay chính là vị Tỳ
kheo ấy. Rãi một cành hoa mà phước báu đến nay đắc đạo vẫn chưa hết”.
Vua trời thưa Phật: “Một khách say ngày xưa không thọ giới cũng không
thực hành sáu ba la mật, chỉ rải một cành hoa, mà phước qua 91 kiếp đến
nay không hết, huống nữa là người làm nhiều!”. Đức Phật bảo vua trời:
“Nên biết đấng Nhất Thiết Trí làm lợi ích cho hết thảy như vậy”. Hết
thảy chúng hội nghe nói như thế, rất vui mừng, rộng phát lòng đạo vô
thượng chính chân.
11
Xưa
đức Phật mới đắc đạo, giáo hóa thiên hạ, không ai là không vâng theo.
Chỉ vua nước Xá Vệ không tin hiểu đúng lúc. Tịnh xá Phật cùng vườn vua
gần nhau, chỉ cách bức vách, đều nằm ra bờ sông. Trong tịnh xá có hơn ba
trăm sa di để các tôn đức sai khiến. Bấy giờ vị duy na sai các sa di
đem bình đến sông lấy nước.
Các
sa di đến bờ sông, họ cởi cà sa đùa giỡn. Lúc ấy vua Ba Tư Nặc với phu
nhân ngồi trên lầu thấy các sa di cùng đùa giỡn như vậy, liền bảo phu
nhân: “Ta không tin Cù Đàm chính vì như vậy. Đám Cù Đàm tự xưng thanh
tịnh, không che giấu. Nay họ đùa giỡn không khác gì ta thì sao được gọi
là chân”. Phu nhân đáp: “Ví như rắn rồng trong biển, pháp Đại thừa cũng
như thế. Có người đắc đạo, có người chưa đắc đạo, không thể bàn gồm vào
một”.
Phu
nhân nói chưa xong, các sa di mặc lại cà sa, mỗi mỗi lấy nước đi thẳng
về tịnh xá, dùng thần thông tung ba trăm chiếc bình lên không trung, mỗi
mỗi bay theo đều về tịnh xá. Phu nhân bèn chỉ ra: “Những gì đại vương
nói, ý vua chưa xong. Nên nay hiện thần thông thì sao?”. Vua thấy rất
vui, liền xuống lầu cùng quần thần trăm quan đến chỗ Phật, cúi đầu làm
lễ qui y hối lỗi. Đức Phật vì họ thuyết pháp. Vua và phu nhân hết thảy
chúng hội đều phát lòng đại vô thượng chính chân.
12
Xưa
trưởng giả Phạm chí nước Xá Vệ ra thành đi chơi, dần dà đến bên Kỳ
Hoàn. Đức Phật biết người này có công đức có thể độ. Đức Phật liền ra
ngồi dưới gốc cây, phóng hào quang lớn rọi khắp vùng Kỳ Hoàn, cây cối
đất đá đều thành sắc vàng. Phạm chí thấy ánh sáng, hỏi người đi theo:
“Ánh sáng đó là gì?” Người đi theo nói: “Không biết”. Trưởng giả hỏi:
“Chẳng phải là ánh sáng mặt trời sao?” Người đi theo nói: “Ánh sáng mặt
trời thì nóng. Ánh sáng này mát lạnh vừa phải, nên chẳng phải là ánh
sáng mặt trời”. Trưởng giả lại hỏi: “Phải chăng là ánh lửa ư?” Người đi
theo nói: “Chẳng phải ánh lửa. Ánh lửa thì lung lay không định. Ánh sáng
này im phắc, không giống ánh lửa”. Người đi theo suy nghĩ biết, bảo
trưởng giả: “Đó là ánh sáng đức của sa môn Cù Đàm”. Trưởng giả liền nói:
“Đừng nói điều đó. Ta không thích Cù Đàm. Mau trở về”.
Đức
Phật liền biến hóa ba mặt đều tự nhiên có suối lớn, đi về hướng nào
cũng không thể qua được. Chỉ ở trước Phật có đường thẳng. Người đi theo
thưa: “Phía Cù Đàm có đường qua”. Việc bất đắc dĩ, Phạm chí tiến lên, xa
thấy đức Như Lai liền lấy quạt che mặt. Đức Phật lại dùng uy thần khiến
trong ngoài cất hết, chính mắt thấy Phật giác ngộ, xuống xe, cúi đầu
làm lễ. Đức Phật thuyết pháp cho họ, bèn phát lòng đạo vô thượng chính
chân, rồi chứng bất thối chuyển. Quay lưng với Phật mà đi còn chứng được
trí tuệ đạo, huống nữa người tin hướng Phật ư ?
13
Xưa
nước Ba La Nại có tám người đại lực sĩ. Một người đương được sức 60 con
voi. Trong đó có một người riêng có nhiều phép linh quyền biến lạ lùng,
64 biến hóa văn vũ đều đủ, vì thế tự thị không biết sợ một ai. Đức Phật
thấy người ấy tất rơi vào con đường dữ, nên đến chỗ y định độ thoát.
Người giữ cửa báo vào: “Cù Đàm đến bên ngoài, muốn gặp”. Lực sĩ nghe,
nói với tả hữu: “Trí tuệ Cù Đàm có, há thắng ta, vì không bằng ta”. Rồi
bảo người giữ cửa đuổi đi, không thể gặp.
Đức
Phật đến cửa ba lần không gặp. Do thế, đức Phật làm một lực sĩ trẻ tuổi
đến đòi đấu. Người giữ cửa vào thưa! Lực sĩ hỏi: “Phải chăng là tám
người trong nước sao?” Người giữ cửa đáp: “Là người trẻ tuổi, chưa từng
thấy”. Lực sĩ ra ngoài gặp, đem đến diễn trường, khinh nó trẻ tuổi, định
quật giết đi, bảo người trẻ tuổi: “Mạnh đến trước nhau, cùng đánh
nhau”. Hai người tiến ra, sắp định giao hiệp thì Phật dùng thần thông
cất mình lên không trung cách đất hơn mười trượng, xem xuống đất chỉ
thấy mũi gươm lửa. Người ấy đều mất hết lòng cao ngạo tức giận, chỉ e sợ
chết, xa ở không trung nói quy mạng, lực sĩ ở dưới xin được toàn mạng.
Đức Phật hạ xuống đất, hiện lại thân Phật. Lực sĩ biết đó là Phật, bèn
cúi đầu làm lễ: “Con nếu biết Phật thần thông lực như vậy thì không dám
kiêu ngạo cho đến nay. Xin được tha thứ để giảm vạ nặng”. Đức Phật nhận
lời, vì y thuyết pháp sâu sắc, bèn phát lòng đạo vô thượng chánh chân,
liền chứng được bất thối chuyển. Đạo quyền biến độ người của Phật là như
vậy.
14
Xưa
nước La Duyệt Kỳ có đứa con Bà la môn một mình ở với mẹ. Tuổi nhỏ, lớn
lên, tự hỏi mẹ nó: “Cha con phụng thờ đạo gì? Con muốn đi theo dấu cha
con”. Bà mẹ bảo con: “Cha con lúc sống, một ngày ba lần xuống sông tắm
rửa”. Con hỏi: “Cha con làm thế hy vọng chuyện gì?” Bà mẹ nói: “Nước
sông Hằng rửa sạch bụi dơ thì có thể được thần thông”. Con nói: “Không
phải”. Mẹ bảo con: “Con há có thuyết khác ư?” Con nói: “Nếu như vậy thì
cư dân ở phía bắc mỗi ngày xua bò vượt sông thả ở phía nam, mỗi ngày hai
lần tắm rửa, sao không đắc đạo? Vả trong sông có loài cá rùa sống trong
nước, sao lại không đắc đạo?” Mẹ nói: “Ý con thế nào?” Người con nói:
“Chỉ có hồ tắm giải thoát của Như Lai và nước tam muội. Tắm nước ấy mới
vô vi”. Nhân bảo mẹ: “Nên đến chỗ Phật, xin tắm gội sự thần hóa”. Rồi mẹ
con đến chỗ Phật. Đức Phật vì họ thuyết pháp. Người con làm sa môn
chứng được quả A la hán, trở về thuyết pháp cho mẹ lại được quả Tu đà
hoàn.
15
Xưa
trong nước Kế Tân có một Tỳ kheo rộng dạy môn đồ hơn vài trăm người.
Trong đó có người chứng tứ thiền, có người chứng ngũ thông, chứng Tu đà
hoàn, chứng A la hán. Bấy giờ có người An Tức đến nước Kế Tân, thấy Tỳ
kheo dạy dỗ như vậy, có lòng tin vui, xin làm đệ tử, chưa bao lâu đã
chứng ngũ thông bèn hiện thần thông trước mọi người. Thầy bảo: “Ngươi
nay chứng được ngũ thông, nhưng lòng kết chưa giải, thì chớ hiện thần
thông để tự cống cao”. Lòng bèn giận thầy, bảo thầy đố kỵ, tự nghĩ: “Nên
trở về quê mình, làm vẻ đạo đức”. Bèn liền bay về nước mình, đến trước
đền vua An Tức, hiện thần thông bay tới.
Vua
vì thế làm lễ hỏi: “Nhà tu là người nước nào?” Tỳ kheo nói: “Ta là
người nước vua, đến nước Kế Tân học đạo, nay được trở về, muốn làm phước
cho đất nước đền đáp ơn đã sinh ra”. Vua rất vui mừng, quì mọp thưa:
“Xin nhà tu từ ngày nay trở đi thường ở luôn trong cung ta, nhận ta cúng
dường”. Tỳ kheo đồng ý. Vua tự tay cúng dường, hoặc sai phu nhân và thể
nữ đến. Tỳ kheo bèn sinh ý dục đối với cô áo xanh. Các thần hạ biết,
đem trình vua. Vua la mắng. Vua sở dĩ không tin, vì vốn đã thấy Tỳ kheo
bay đến.
Chẳng
bao lâu, cô áo xanh lớn bụng. Các bề tôi lại tâu vua. Vua giao cho phu
nhân xét nghiệm mới biết sự thật, bèn lột áo tu đuổi đi ra khỏi cung, vì
nhà tu nên không đánh đập. Tỳ kheo ra ngoài đi làm giặc cướp, không ai
dám chống. Vua không biết đó là vị Tỳ kheo thuở trước, bảo mộ hùng sĩ
khiến người ta bắt sống đem đến thì rõ ràng là vị Tỳ kheo thuở trước.
Vua hỏi: “Ngươi trước phạm dâm, bảo là lỡ, (bây giờ) sao lại đi cướp của
người ta?”. Tỳ kheo cúi đầu nói: “Vì nghèo, không có nghề gì khác”. Vua
bảo: “Ta vốn thấy ngươi thần thông bay đến, nên không nỡ hành hạ, nay
tha ngươi, chớ phạm trong bờ cõi ta”. Rồi cởi trói, thả cho đi.
Tỳ
kheo nghĩ: “Thử đi làm thuê, tìm sống”. Rồi tự ra đi. Có nhà đồ tể thuê
làm, giết bò, thọc dê, mọi việc đều làm. Sau chủ sai đập xương, xương
văng trúng mặt, làm hư mắt không thấy lại được, nên không trúng thuê
lại. Người chủ bảo phải đi. Do thế, bèn cầm một cái bát vỡ, lần đường
xin ăn thành ra người hèn.
Tỳ
kheo ấy thay đổi trong khoảng mấy năm, thầy dùng mắt đạo xem xét muốn
biết ở đâu, thì thấy Tỳ kheo như thế đang ăn xin tại chợ An Tức. Bấy giờ
trong số học trò chỉ học ngũ thông mà không cần diệt khổ, là hơn năm
trăm người, Thầy bảo: “Các con mau sửa soạn, ngày mai sẽ cùng đi thăm
người đệ tử An Tức ngày trước”. Đệ tử đều vui mừng nói: “Người ấy đạo
đức ắt hẳn to lớn”.
Thầy
bèn hạ mình đi thăm. Họ đều nhờ thần thông chốc lát đã đến ở trước mắt
người ấy. Thầy gọi tên y. Y liền đáp lời thầy, nói: “Hòa thượng đến
sao?” Thầy nói: “Phải, đến thăm”. Thầy hỏi: “Sao lại thế?”. Đệ tử nói
hết ngọn nguồn, biện giải ý mình đã phạm. Thầy bảo các đệ tử: “Chứng ngũ
thông không phải đạo vững chắc, không thể trông cậy được”.
Thầy
nói xong, lúc ấy năm trăm đệ tử đều chứng được sáu thần thông, thành
quả A la hán. Vị đệ tử kia xấu hổ, không nói lời nào. Thầy và trò hết
thảy trở về chỗ mình.
16
Xưa
có một nước được mùa. Nhiều người nước khác muốn tới chiếm lấy, bèn dấy
binh dẫn đến. Trong nước đã biết bèn phát đại binh, mười lăm trở lên,
sáu mươi trở xuống đều phải đi lính. Bấy giờ có một người làm nghề dệt
chăn, tuổi sắp sáu chục. Người vợ đẹp thường khinh mạn chồng. Mỗi khi
vặn hỏi, chồng thường đáp ứng. Chồng hỏi vợ: “Nay phải đi, có lệnh tự
sắm sửa binh khí, lương thực đồ dùng, xin sắm cho kịp thời để đi”. Vợ
cho chồng một cái hộc năm thăng để đựng lương thực và một máy dệt chăn
dài một trượng một xích. Vợ nói: “Ông mang chúng đi mà đánh, không có
vật gì khác. Nếu ông làm vỡ hộc và đánh mất máy dệt, thì tôi không còn
ăn ở với ông”.
Chồng
bèn giã từ ra đi, không nghĩ sẽ bị quân địch làm bị thương hay giết
hại, mà chỉ sợ hai vật thất thoát thì mất lòng vợ. Đường đi gặp lính
địch cùng đánh. Quân mình không bằng liền rút lui. Người thợ dệt chăn
quí hai vật trên, nếu có sai sót thì mất lòng vợ. Mọi người đều chạy,
chỉ người thợ dệt chăn đưa máy dệt lên đầu, nhắm hướng giặc mà đứng một
mình. Quân giặc thấy vậy, bảo ông dũng cảm, không dám tiến lên, rồi rút
lui. Quân nước ông chỉnh đốn lại được trận địa, hết sức tiến đánh, liền
được thắng lợi. Quân kia không bằng, chết tẩu tán gần hết. Vua rất vui
mừng, sắp thưởng những người có công. Mọi người tâu vua: “Người dệt
chăn, nên thưởng cho công đầu”. Vua nhân đó, cho gọi gặp, hỏi lý do:
“Người vì sao một mình mà cự được đại quân của địch?” Ông trả lời: “Tôi
thực chẳng võ sĩ, vợ tôi cấp cho tôi hai món đồ khi đi lính. Nếu để mất
hai món đồ đó, vợ tôi sẽ bỏ đi, không ăn ở với tôi. Cho nên, dù có chết,
tôi cũng giữ thành hai món ấy, nhân thế đánh được địch quân, thực chẳng
phải do dũng mãnh mà đánh được”. Vua bảo các bề tôi: “Người này vốn tuy
sợ vợ, mà cứu được nạn nước nên thưởng công đầu”. Bèn phong làm bề tôi,
ban cho của báu, nhà cửa, thể nữ, chỉ dưới bậc vua, con cháu hưởng
phước, đời đời nối nhau.
Đó
là sự việc xảy ra được ở thế gian. Đức Phật mượn để làm thí dụ. Vợ cho
chồng hộc năm thăng, máy dệt một trượng một xích là ví dụ như Phật trao
cho đệ tử năm giới mười lành. Dặn chồng nói giữ kỹ hai món đồ đừng làm
hư mất thì mới được cùng ta ăn ở, ấy gọi là giữ đạo cho đến chết, chết
cũng không vi phạm thì mới được cùng Phật lên nhà đạo. Đã đánh được quân
địch, lại được phong thưởng là ví như người giữ giới đời này tiêu diệt
được oan gia chống đối, đời sau nhận được phước tự nhiên ở thiên đàng.
17
Xưa
trong thành Xá Vệ có một Phạm chí giàu sang, của cải vô số, thông minh
hiểu biết, nhưng rơi vào đạo tà, không tin điều lành, bảo là vô ích. Bấy
giờ Xá Lợi Phất dùng mắt đạo thấy nghĩ: “Vị trưởng giả này, xưa có
phước lớn, nay được giàu sang, chỉ nghĩ ăn vốn xưa, mà không tạo thêm
vốn mới, tất sẽ trở lại đường dữ, nên phải đến độ ông ta”. Bèn hiện thần
thông, ôm bát đi qua chỗ ông đang ngồi. Lúc ấy, Phạm chí mới ngồi định
ăn, thấy Xá Lợi Phất, nên rất tức giận, bèn xua gia nhân ra đánh đuổi,
rồi rửa tay, trở lại ngồi ăn, cũng không mời ngồi, cũng không đuổi đi.
Ăn xong, bèn rửa tay, súc miệng, ngậm một ngụm nước, nhổ vào trong bát
Xá Lợi Phất, nói: “Mang đó đi, ta cho”. Xá Lợi Phất, bảo: “Mong ông suốt
đêm được phước vô lượng”. Rồi trở ra đi.
Vị
trưởng giả sợ Xá Lợi Phất đi nói lời bài xích, sai người đuổi theo. Xá
Lợi Phất về thẳng tịnh xá, dùng nước hòa với bùn, trét chỗ đức Phật kinh
hành, rồi bạch Phật: “Ông kia bủn xỉn, chỉ cho một ngụm nước, nay dùng
trét chỗ Phật kinh hành, xin Phật kinh hành trên đó, để cho ông kia suốt
đêm hưởng phước vô lượng”. Đức Phật liền nhập định kinh hành. Người do
trưởng giả sai đi, rình nghe hết như vậy, trở về thưa trưởng giả: “Đức
Phật bỏ ngôi vua chuyển luân, đi làm sa môn, ôm bát xin ăn, ấy chẳng
phải vì tham cầu, mà vì muốn độ chúng sinh”. Rồi đem hết ngọn nguồn nói
cho trưởng giả. Trưởng giả sám hối, tạ lỗi vì ngu si không biết, xin tha
thứ tội nặng. Đức Phật nhân đó qui y và thuyết pháp, bèn bỏ nghi, trừ
kiết, chứng được bất thối chuyển.
18
Xưa
nước Ba Ly Phất so với các nước khác là giàu có thịnh vượng nhất. Chân
nhân, thần nhân cho đến bất tiếu chín loại đều đầy đủ đạo đức. Kinh tiên
và sách đời cũng đầy đủ, vàng bạc lúa vải, không món nào là không có.
Đức Phật thường khen là nước văn vật.
Bấy
giờ chín mươi sáu phái ngoại đạo cùng bàn: “Phật bảo nước ấy không gì
là không có. Mình sẽ đến xin thứ nước ấy không có, nhân đó chiết phục
khiến họ không còn chí thành. Sau đó chúng ta mới được kính thờ”. Phạm
chí bàn: “Chưa nghe nước đó có quỉ La Sát, sẽ cố xin tất không thể có
được, điều đó làm rõ việc Phật chứng đạo không đúng”. Rồi đi khắp chợ
búa muốn định mua quỉ đều không có. Phạm chí vui vẻ nói, bảo đó là đắc
sách.
Vua
trời biết mưu kế của Phạm chí, bèn hạ xuống, biến làm một người đi buôn
ngồi ở chợ như có đồ muốn bán. Phạm chí đi vào chợ, lần lượt đến trước
vua trời, hỏi: “Có quỉ bán không?”. Vua trời nói có. Muốn bao nhiêu con.
Phạm chí bảo nhau: “Đó là lời nói dối, lấy đâu có quỉ bán, mà còn hỏi
mấy con”. Họ nói: “Muốn mấy chục con”. Vua trời bèn mở cửa quán, bỗng có
mấy chục con ác quỉ. Phạm chí thấy, quá sợ hãi, mỗi mỗi tâm niệm, biết
Phật là chí thành, đều đến qui y Phật nói: “Nước Ba Ly tuy mọi vật đều
có, người tay không đến thì một vật cũng không có được, nhưng nếu đem
tiền của ra mua thì không vật gì là không được”.
Ấy
là mượn để làm thí dụ thị hiện ở thế gian. Ví như trong thành Nhất
Thiết Trí không gì là không có. Lòng thương bốn bậc, sáu độ, ba mươi bảy
món giúp đạo, thanh văn, duyên giác lên đến Như Lai, nếu người không tu
đức hạnh, mà mong thu hoạch một món gì trong thành Nhất Thiết ấy là
không thể được. Còn nếu vâng theo thánh giáo, giữ gìn thân, miệng, ý thì
như người có tiền của không nguyện ước gì không thành”.
19
Xưa
nước Thiên Trúc có chùa Tùng. Trong có bốn nhà sư đều chứng lục thông.
Trong nước có bốn cư sĩ, mỗi người thỉnh một nhà tu cúng dường lâu dài.
Bốn nhà tu mỗi người đi giáo hóa. Một người đến chỗ trời Đế Thích. Một
người đến chỗ vua rồng biển. Một người đến chỗ chim cánh vàng. Một người
đến chỗ con người. Như vậy, những gì bốn nhà tu nhận cúng dường còn lại
trong bát thì đem về chia lại cho đàn việt mình ăn. Trăm vị đầy đủ chưa
từng thấy, mỗi người hỏi nhà tu do đâu có được. Các nhà tu ấy vì mỗi
người, họ nói rõ ngọn nguồn. Do thế bốn cư sĩ mỗi người phát một nguyện.
Một người nói: “Nguyện sinh vào trời Đế Thích”. Một người muốn sinh
trong biển làm rồng. Một người muốn sinh trong loài chim cánh vàng. Một
người muốn sinh làm con vua người. Sau khi chết họ đều vãng sinh bốn vua
thần, đồng thời có ý nghĩ muốn tu bát quan trai. Họ xem khắp các chỗ
thanh tịnh, thì chỉ có hậu viên của vua Ma Kiệt là vắng vẻ, nên đều đến
trong vườn, mỗi người ngồi dưới gốc cây, từ tâm giữ chay, thực thành sáu
tư niệm. Mỗi ngày một đêm cho tới sáng hôm sau việc xong, họ mới đến
nói chuyện với nhau.
Vua
Ma Kiệt hỏi: “Các ông là ai?” Một người nói: “Tôi là vua trời”. Một
người nói: “Tôi là vua rồng”. Một người nói: “Tôi là vua chim cánh
vàng”. Một người nói: “Tôi là vua người”. Bốn người nói hết nguồn ngọn
xong, đều rất vui mừng. Vua trời bèn nói: “Chúng tôi đều giữ chay ai
được phước nhiều?” Vua người nói: “Tôi đến định ở gần ngoài vườn, tiếng
nhạc nghe rõ tới đó, mà tôi trong đó vẫn chuyên tâm nên phước tôi là số
một”. Vua trời nói: “Tôi lên trên trời, cung điện bảy báu, ngọc nữ vui
chơi, ăn mặc tự ý, vẫn không tưởng nghĩ, mà từ xa đến vẫn giữ trọn ngày
chay, nên phước phải là số một”. Vua chim cánh vàng nói: “Tôi chỉ thích
ăn rồng là ngon, hơn cả năm món khoái lạc, nay cùng ở một chỗ, không có
niệm ác, nhỏ như tóc tơ nên phước tôi là số một”. Vua rồng nói: “Loài
chúng tôi là cung cấp lương thực cho chim cánh vàng, thường sợ bị ăn
thịt, nên kinh hãi trốn tránh, nay ở một chỗ, đến chết cũng giữ trọn
ngày chay, nên phước tôi là số một”.
Vua
Ma Kiệt nói: “Tôi có bề tôi mưu trí tên Phi Đà Loại, tôi phải mời đến,
khiến ông quyết định ra sao”. Bèn cho mời đến, nói hết ý mình. Phi Đà
Loại bèn lấy tấm lụa bốn màu xanh vàng trắng đem treo lên giữa trời, rồi
hỏi bốn vua: “Bốn màu trời, mỗi màu có tự khác nhau không?” Bốn vua trả
lời: “Khác nhau rất rõ”. Vị bề tôi hỏi: “Ảnh lụa dưới đất có khác nhau
không?” Đáp: “Không khác”. Vị bề tôi nói: “Nay bốn vị chịu sắc dáng mỗi
khác nhau, ví như màu tấm lụa, chất màu không giống nhau. Nhưng nay theo
pháp giữ chay, chí thú một vị, ví như bóng tấm lụa trên đất không sai
khác. Nay bốn vị tâm phương phát lòng đạo lớn, tinh tấn vui vẻ giữ chay
thì khi thành Phật, cũng đều số một không có sai khác gì”. Bốn vua vui
mừng, liền được mắt đạo.
20
Xưa
người Phú Ca La Việt có hai con. Cha mắc bệnh gần chết, dặn đứa con
lớn: “Em con nhỏ dại, chưa có biết gì, nên nay phải nhọc con khéo làm ăn
giúp đỡ nó, chớ khiến nó đói rét”. Cha con buồn bã giã từ nhau, rồi cha
mất. Sau đó vợ anh nói với chồng: “Em trai anh lớn lên, sẽ làm rắc rối
nhà anh, những vật hiện có, nên chia ra. Bây giờ nó chưa lớn, sao không
trừ khử nó đi?” Ban đầu người anh không chịu nghe, nhưng nói nhiều lần,
bất đắc dĩ người anh bèn làm theo, đem em mình ra ngoài thành, đến vùng
gò mả sâu, cột vào một cây bách, không nỡ ra tay giết, muốn để cho cọp,
sói, quỉ dữ hại, nên nói với em: “Mày nhiều lần xúc phạm tao, nên để mày
lại đây qua đêm, suy nghĩ lỗi mình, sáng mai sẽ đến đón”. Rồi bỏ mà đi.
Chốc lát trời chiều, cú quạ chồn cáo ở đó kêu hú, người em rất sợ hãi,
nhưng không có chỗ nương kêu, bèn ngửa mặt lên trời than thở: “Trong ba
cõi, ai há nhân từ nhận sự qui y ư? Hôm nay khốn nguy, lòng sợ vô kể”.
Lúc
ấy đức Như Lai thấy người em kia cầu cứu, ngồi thẳng dùng định phóng
một luồng ánh sáng lớn tên là dẹp tối rọi sáng gò mả tức thì sáng tỏ.
Rồi phóng một luồng ánh sáng gọi là cởi trói. Ánh sáng đến, đứa trẻ bị
trói liền cởi, mình không còn đau. Rồi phóng một luồng ánh sáng tên gọi
no đủ hết thảy. Trẻ thấy ánh sáng, tức không còn đói. Nhân đó, đức Như
Lai theo ánh sáng, đi đến trẻ kia, khiến tay tự cởi trói mà nói: “Muốn
hướng tới gì?” Trẻ thưa: “Con nguyện làm Phật thoát chết mọi nguy ách
như Phật hôm nay”. Liền phát lòng đại chính chân vô thượng. Phật vì nó
giảng một số chính yếu, cho đến chứng được pháp nhẫn vô sinh. Trẻ bạch
Phật nói: “Anh con tuy có ý ác, trái đạo hiếu, giết con, nhưng nhân đó
con được gặp Phật, dứt khổ sống chết, nên con muốn đền ơn...” Đức Phật
nói: “Lành thay! Nên biết đúng lúc”. Bèn dùng thần thông bay đến nhà
người anh. Vợ người anh thấy, sợ xấu xanh mặt, liền nói với người anh:
“Tuy dùng lời của vợ dữ ác, trói tôi bỏ gò mả, nhân việc ấy mà hôm nay
tôi đắc đạo, đều nhờ ơn anh”. Bèn vì anh chị dâu thuyết pháp, họ chứng
được Tu đà hoàn.
21
Xưa
đức Phật ở Vương Xá. Đế Thích nhiều lần xuống cúng dường Tam Bảo. Chỉ
Ma Ha Ca Diếp riêng không chịu nhận. Vì sao? Vì bản nguyện chỉ muốn độ
những người nghèo khổ. Do thế, vua trời dùng quyền biến, cùng vợ hạ
xuống làm hai ông bà nhà nghèo dưới một mái nhà tranh xấu. Bấy giờ Ma Ha
Ca Diếp vào thành khất thực. Ông bà trời đón làm lễ, tự nói mình bần
hàn xin nhận một bữa ăn sơ sài. Ca Diếp đồng ý, thì ngược lại bát của Ca
Diếp đầy tràn cam lộ, dẫu dáng sắc thô xấu, kỳ thực là trăm vị, mới đưa
lên miệng thì thơm ngọt phi thường. Bèn dùng tam muội xem xét thì mới
biết là vua trời. Ca Diếp nói: “Ơn phước quí vòi vọi mới thế. Vì sao?
Không chán đủ ư?” Vua trời nói: “Phước báo của Tam Bảo quá phong phú vô
kể, nên kẻ trí chưa từng chán đủ”.
22
Xưa
nước ngoài có một chùa Thông, trong thường có chúng tăng hơn trăm người
cùng ở học. Có một ưu bà di tinh tấn hiểu kinh, cách chùa không xa, mỗi
ngày cúng cơm một sa môn. Chúng tăng tự xếp đặt thứ tự, từ đầu đến
cuối, hết rồi lại bắt đầu. Ai đến thì ưu bà di liền theo hỏi ý nghĩa của
kinh. Nên những người tự giấu sở học cạn cợt, thường không thích đi. Có
một sa môn Ma Ha Lư, cuối đời mới làm sa môn, không biết một chút gì,
tới lượt mình đến ăn, bèn đi đường chầm chậm, để đến không đúng lúc. Ưu
bà di gặp thấy, nói: “Vị trưởng túc này tuổi lớn, đi đứng khoan thai”.
Bèn cho là đại trí tuệ, nên càng vui mừng. Làm thức ăn ngon xong, bà
thiết tòa cao, muốn khiến thuyết pháp. Nhà sư lên tòa, thật không biết
gì, tự nói với mình: “Người ngu không biết thật khổ”. Ưu bà di nghe vậy,
bèn suy nghĩ: “Ngu không biết gì là gốc của mười hai duyên, sống chết
không dứt đưa đến các khổ não, vì thế nói là rất khổ”. Suy qua nghĩ lại,
bà chứng được quả Tu đà hoàn, nên đứng dậy đi mtại gia kho, định lấy
chăn bố thí cho nhà sư. Nhưng nhà sư đã xuống tòa bỏ đi, trở về tịnh xá.
Ưu bà di đi ra không biết nhà sư ở chỗ nào. Trong cửa thì nhìn ra cũng
không thấy. Thật đáng gọi là đắc đạo thần thông bay đi. Ưu bà di bèn đem
chăn trắng đến tịnh xá tìm nhà sư. Nhà sư sợ bị đuổi gọi theo, bèn vào
phòng đóng cửa trốn. Thầy của nhà sư đã chứng sáu thần thông, thấy có
người đuổi theo, cho là có chỗ xúc phạm, bèn định ý xem, biết ưu bà di
đã chứng quả Tu đà hoàn, nên gọi Ma Ha Lư bảo ra nhận bố thí. Thầy vì
thế nói hết ngọn nguồn. Ma Ha Lư vui mừng, cũng chứng được quả Tu đà
hoàn.
23
Xưa
có mẹ già, chỉ có một con mắc bệnh chết mất. Bèn đem ra mả, đặt thây,
buồn khóc, không thể ngăn được, nghĩ: “Chỉ có một con để lo tuổi già, mà
bỏ ta chết đi thì ta sống làm gì nữa”. Rồi không về nhà, định bỏ mình
một xó, không cơm nước, đã bốn năm ngày.
Đức
Phật dùng hiểu biết, đem trăm ngàn Tỳ kheo đến gò mả. Mẹ già xa thấy
Phật đến, oai thần sáng rực, khiến say được tỉnh, ngủ được thức dậy, đi
đến trước Phật làm lễ, rồi đứng. Đức Phật bảo mẹ: “Làm gì ở gò mả?”. Bà
thưa: “Thưa đức Thế Tôn, con chỉ có một đứa con, nó bỏ con chết mất,
lòng thương nó quá, nên định chết cùng một chỗ”. Đức Phật bảo mẹ già:
“Mẹ có muốn con sống lại không?”. Bà mẹ vui mừng nói: “Thật vậy! Thế
Tôn!”. Đức Phật nói: “Đi tìm lửa thơm lại, ta sẽ chú nguyện, khiến con
sống lại”. Lại bảo mẹ già thêm: “Nên có được ngọn lửa của nhà không có
người chết”.
Như
vậy mẹ già bèn đi tìm lửa. Gặp người đầu tiên, bà hỏi: “Nhà ông trước
sau có ai chết chưa?”. Đáp: “Từ tiên tổ đến nay đều có chết đi qua”.
Những nhà được hỏi, trả lời đều như vậy. Đã qua mấy chục nhà, bà không
dám lấy lửa. Bèn trở về chỗ Phật thưa: “Thưa đức Thế Tôn, con đi khắp
tìm lửa, nhưng không có nhà không chết, nên đã về không”. Đức Phật bảo
mẹ già: “Từ trời đất xuất hiện đến nay, không có gì sống mà không chết.
Người sống muốn sống cũng lại đáng vui. Mẹ sao mê tìm con để chết”. Lòng
mẹ liễu ngộ, biết lẽ vô thường. Đức Phật nhân đó rộng giảng pháp yếu.
Mẹ già liền chứng được quả Tu đà hoàn. Kẻ xem ở gò mả vô số ngàn người
đều phát lòng đạo chính chân vô thượng.
24
Xưa
trong thành Vương Xá, nhân dân nhiều, giàu có, chín nhóm ở riêng, không
xen lẫn nhau. Riêng có xóm một ức, người có của một ức, bèn vào ở trong
xóm. Bấy giờ có cư sĩ ý muốn ở trong xóm đó, nên bèn đi buôn. Nhọc thân
dùng sẻn, rộng các phương kế, trong mấy chục năm, số của chín mươi vạn,
chưa đủ một ức thì mắc bệnh rất nặng, tự biết không thể sống, có một
đứa con, mới bảy tám tuổi, bèn trăn trối với vợ: “Con ta lớn lên, sẽ
giao của cải, khiến rộng buôn bán, cho đủ một ức, tất ở trong xóm đó thì
hoàn thành ý nguyện ta khi còn sống”. Nói xong bèn mất.
Đám
tang xong xuôi, mẹ đem con vào kho, chỉ của báu, nói: “Cha con có trăn
trối, đợi con trưởng thành, làm có mười vạn, đủ một ức, để ở trong xóm
ức”. Người con trả lời mẹ: “Sao phải đợi lớn? Có thể giao phó cho con,
để sớm cùng ở đó”. Người mẹ liền giao. Nhân đó, đứa con đem của cải trân
quí cúng dường Tam Bảo, bố thí cho người nghèo thiếu. Trong khoảng nửa
năm, của cải hết sạch. Người mẹ buồn rầu, lấy làm lạ việc người con làm.
Người con chẳng bao lâu thân mắc bệnh nặng, rồi chết mất. Người mẹ đã
mất của, con lại chết non, bèn buồn nhớ thương. Trong xóm có người giàu
nhất, ở xóm 80 ức mà không có con. Nhân thế, đứa con đến sinh vào nhà
đó, làm con của người vợ cả, đủ mười tháng sinh ra, đẹp đẽ, thông minh,
tự biết kiếp trước. Mẹ tự ẵm bú, chống không chịu ăn, đứa ở ẵm nuôi,
cũng lại như vậy. Người mẹ trước của bé nghe sinh con như thế, tình cờ
đến xem, thấy thương, liền bồng hôn hít. Trẻ mở miệng đòi ăn, trưởng giả
rất vui, tăng giá thuê ở, khiến nuôi giữ trẻ. Trưởng giả bàn cùng vợ:
“Tính con nhỏ ta, người khác bồng nuôi, không chịu ăn uống. Người đàn bà
này bồng ẵm, trẻ liền vui vẻ. Tôi nay định đến đón, lấy làm vợ nhỏ,
khiến trông nuôi con ta, có được không?”. Người vợ đồng ý, bèn đem lễ
vật đón về, xây nhà riêng, chia của cải, cấp cho không có gì thiếu thốn.
Bé
bèn nói với mẹ: “Mẹ biết không?”. Mẹ rất sợ hãi nói không biết. Bé thưa
với mẹ: “Con là người con trước của mẹ, đem phần 90 vạn của mẹ dùng bố
thí, nay cùng đến làm chủ 80 ức, không nhọc sức mà ăn, phước nào hơn thế
ư?”. Người mẹ nghe lời ấy, vừa buồn vừa vui. Người con lớn lên, giáo
hóa xóm một ức theo đạo Đại thừa. Cho nên nói chính khiến ức ngàn xuất
ra, có thể làm một xóm thành cửa nhà, dùng đạo ổn định việc bố thí. Ta
đi vào đạo Bồ tát là như vậy.
25
Xưa
nước ngoài có người trồng nhiều bông vải. Nếu quá thời không hái thì
mất màu không đẹp. Nên đến mùa, thuê nhiều tay làm, ngày đêm đều làm,
suốt không được nghỉ. Người chủ nghĩ, người làm cực khổ, nấu cho họ
nhiều canh thịt để ăn cơm. Lúc canh sắp chín, mùi thơm nghe tỏa ra bốn
bên, thì có một con quạ già bay ngang qua, trong chân kẹp phân rơi ngay
vào trong canh. Người nấu thấy, muốn tách lấy thì mất tiêu hết canh.
Người nấu nghĩ: “Muốn nấu lại canh thì thời giờ đã muộn, mà muốn đem cho
người ăn, thì trong có đồ dơ. Kể ra một chút phân ấy không đủ làm hư
nồi canh, có thể đem cho khách làm ăn, mình sẽ không ăn”. Khách đến ngồi
ăn, múc canh. Khách làm đã ăn. Người nấu cũng đói, không ăn canh đó.
Khách kêu người nấu gắp lấy thịt ngon để ăn. Người nấu biết dơ, sợ mất
lòng người, gắng nuốt, nhưng không thấy ngon.
Đức
Phật mượn truyện để làm thí dụ. Chúng sinh ba cõi nói sắc đẹp ái dục,
mà chẳng thấy dơ dáy, dần dần mê đắm, giống như kẻ đói ăn canh ngon. Bồ
tát đại sĩ vào cõi sống chết, dạy sắc hiện đang cảm nhận, đủ hết những
gì không sạch, không ngọt, không sướng, như người nấu bếp gượng ăn thịt
ngậm nuốt vào mà không thấy ngon.
26
Xưa
A Nan vào thành khất thực, lúc ấy con gái nhà đạo tà ra đi lấy nước,
thấy A Nan đẹp đẽ, có ý thương yêu, về nhà nói với mẹ: “Ngoài có đệ tử
Cù Đàm, xin mẹ đem đến cho con”. Bà mẹ bèn triệu quỉ mình thờ, khiến mê
hoặc A Nan. A Nan bất giác bỗng đến nhà đó. Bấy giờ, mẹ đạo tà bảo A
Nan: “Nay ta đem con gái cho anh, anh không được đi nữa”. A Nan trả lời:
“Tôi không làm theo lời bà”. Bà mẹ đạo tà làm một hầm lửa, bảo A Nan:
“Anh đến lửa cháy, hay anh đến con gái ta?”. A Nan sợ hãi, một lòng nghĩ
Phật.
Đức
Phật liền duỗi tay xa xoa đầu A Nan. Quỉ nhà đạo tà thấy tay Phật từ
không trung đến, oai thần vô lượng, đều vội vã chạy qua đẩy mẹ đạo tà
rớt vào hầm lửa, thân thể cháy rụi, thế mà vẫn được sống. A Nan tức thì
được trở về chỗ Phật. Sau đó mẹ đạo tà triệu quỉ mà trách kể: “Các ngươi
không thể chuyển đệ tử Cù Đàm khiến mê hoặc, sao lại xô ta rớt trong
hầm lửa”. Quỉ đáp: “Ta xưa cùng Ba Tuần hợp một đám tám mươi ức, đến cây
bồ đề định phá Bồ tát. Bồ tát dùng tay chỉ đất, ngón tay thon dài sát
nhau, bàn tay trong ngoài có ngàn xoáy, oai thần vô lượng. Tám mươi ức
chúng đều rớt lộn nhào, không phục hình được. Nay lại ruổi tay đến,
chúng tôi thật rất sợ, vì thế tẩu tán, không thể trụ được. Chúng ta là
quỉ, tự có nết thương, nếu làm trúng người, không trúng, bèn trở hại
mình, tưởng đó cũng biết đã lâu, sao lại trách ta?”. Mẹ đạo tà mới biết
đức Phật là đáng kính, liền qui y Tam Bảo, chứng được quả Tu đà hoàn.
27
Xưa
bờ biển có cây cối trong mấy mươi dặm, có hơn năm trăm con khỉ. Bấy giờ
trên nước biển có đám bọt cao mấy chục trượng giống như núi Tuyết, theo
thủy triều mà trôi đến ở bờ biển. Các con khỉ thấy, tự bảo nhau: “Chúng
ta lên đầu núi đó, đi du hí đông tây, cũng không sướng sao?”. Lúc ấy,
một con khỉ leo lên đầu núi thì rơi tuột chìm xuống đáy nước. Bọn khỉ
thấy, lấy làm lạ, lâu không ra lại, bảo trong núi sung sướng vô cùng,
nên không trở ra. Chúng đều tranh nhau nhảy trong đám bọt. Cùng lúc chết
chìm.
Đức
Phật mượn đó làm thí dụ. Biển là biển sinh tử. Nước bọt là thân năm ấm.
Con khỉ là thần thức con người, không biết năm ấm không có, vì ái dục
si mê đeo đuổi, là chết chìm trong biển sống chết, chẳng có lúc ra. Nên
Duy Ma Cật nói: “Thân này như đám bọt, tắm rửa gắng chịu”.
28
Xưa
trưởng giả Tu Đạt bảy lần nghèo. Lần chót rất nghèo đến nỗi không có
một tiền. Sau trong giỏ rác có được một ghế gỗ, kỳ thật là chiên đàn.
Bèn đem ra chợ bán. Được bốn đấu gạo, về nói với vợ: “Đem hầm một đấu,
anh sẽ đi tìm về”. Bấy giờ Phật nghĩ: “Nên độ Tu Đạt, khiến phước sinh
lại”. Hầm gạo mới chín, Xá Lợi Phất lại. Người vợ thấy vui mừng, đem cơm
cả đấu gạo đặt vào trong bát. Rồi nấu một đấu khác. Mới chín thì Mục
Kiền Liên lại đến, bà cũng vui vẻ cho hết. Lại nấu một đấu khác, Ca Diếp
lại đến, bà cũng lại đem cho. Chỉ còn có một đấu, lại đem nấu chín. Đức
Như Lai tự thân đến. Người vợ tự nghĩ: “Mấy ngày hết gạo, chẳng có
người đến. Nay có gạo này, đức Như Lai tự thân đến, thì há không được
chuyện hết tội, phước sắp muốn sinh ư?”. Bèn đem cơm cả đấu gạo cúng đức
Như Lai. Đức Phật miệng chú nguyện: “Tội diệt phước sinh, từ nay trở
đi”.
Tu
Đạt bỗng trở về, người vợ sợ ông nổi giận, bèn nói: “Như nay đức Phật
đến và Xá Lợi Phất, Mục Liên, Ca Diếp cùng đến hết để xin khất thực,
trong nhà có bao nhiêu gạo, có nên cho chăng?”. Đáp: “Nên cho ruộng
phước khó gặp, nếu ai đến xin, ấy là gặp gỡ”. Người vợ nói: “Bốn đấu gạo
ban nãy, tôi dùng hết rồi”. Người chồng rất vui mừng. Chỉ còn lại nước
cơm, hai ông bà cùng uống. Chốc lát chẳng bao lâu, trân báu, lúa ăn, vải
vóc tự nhiên chất đầy các nhà, như lúc trước giàu có. Tu Đạt mừng rỡ,
biết Phật thương nghĩ, lại thỉnh Phật và chúng tăng cúng dường hết sạch.
Đức Phật vì họ thuyết pháp, họ đều được dấu đạo.
29
Xưa
có người con trưởng giả, mới cưới vợ và rất chi thương kính. Chồng bảo
vợ: “Em vào trong bếp lấy rượu nho ra cùng uống”. Vợ đi lấy, mở hủ, tự
thấy bóng mình trong hũ ấy, cho là có người đàn bà khác, rất tức giận,
trở lại nói với chồng: “Anh tự có vợ giấu trong hũ, lại đi cưới tôi làm
gì?”. Chồng tự mình vào bếp xem, mở hũ thấy bóng mình, giận ngược lại
người vợ, cho vợ giấu trai. Hai người càng giận nhau, mỗi người tự bảo
mình là đúng. Có một Phạm chí vốn rất thân tình với người con trưởng giả
đi qua thấy hai vợ chồng cãi nhau, hỏi lý do, lại đi xem, cũng thấy
bóng mình, tức giận trưởng giả tự có người thân hậu đem dấu trong hũ, mà
giả bộ cãi nhau. Bèn liền bỏ đi. Lại có một Tỳ kheo ni, mà trưởng giả
thờ phụng, nghe họ cãi nhau như vậy, bèn đến xem trong hủ, thấy có Tỳ
kheo ni, cũng tức giận bỏ đi. Chốc lát có nhà sư cũng đến xem, biết đó
là bóng, bùi ngùi than: “Người đời u mê, lấy không làm có thật”. Rồi kêu
người vợ cùng vào xem. Nhà sư nói: “Ta sẽ vì con mà lấy người trong hũ
ra”. Bèn lấy một cục đá lớn đập vỡ hũ rượu thì rõ ràng không có gì hết.
Hai người lòng hiểu, biết chắc là bóng mình, ai cũng cảm thấy xấu hổ. Tỳ
kheo vì họ giảng giáo lý chính yếu. Vợ chồng cùng chứng được bất thối
chuyển.
Đức
Phật lấy việc ấy làm thí dụ. Thấy bóng cãi nhau, ví người trong ba cõi
không biết năm ấm, bốn đại, khổ, không, ngã, bất độc, nên sống chết
không dứt. Đức Phật giảng xong lúc ấy, vô số ngàn người đều chứng được
lẽ vô ngã.
30
Lúc
đức Phật còn ở đời, có một nhà giàu lớn sáu người ăn. Nô tỳ, vàng bạc,
trân báu không thể kể xiết. Đức Phật cùng A Nan đi vào phố xóm khất
thực. Qua nhà có duyên trước, đức Phật đến ngoài ngõ thì cha mẹ con dâu
cháu chắt nhảy nhót mừng vui, mời Phật vào ngồi. Trong phòng chỉ thảm
nhung, chén bát cúng dường đều bằng vàng bạc pha lê. A Nan quì xuống
bạch Phật: “Người này vốn có công đức gì mà giàu lớn đến thế?”. Đức Phật
bảo A Nan: “Người này thời trước, gặp đời đói rách, trong nhà nghèo
khổ, cỏ cây khô hạn, chỉ đến bờ sông, lặt lượm khắp nơi đêm về dùng để
sống, nấu canh vừa chín, thì bên ngoài có nhà sư đến khất thực, bèn ra
xem thấy sa môn. Cha mẹ liền nói: “Đem phần ta cho sư”. Con cái cháu
chắt mỗi đứa tự đem phần mình nhường cho cha mẹ, mời cha mẹ ăn. Sáu
người cùng một lúc phát nguyện mỗi người cúng phần ăn một ngày của mình.
Nhờ phước mà sinh lên trời hay trong cõi người, thường được yên ổn,
giàu có nhiều của cải. Vì cùng phát tâm giống nhau, cha mẹ con cái lớn
nhỏ cùng lúc thọ năm giới, chết sinh lên trời, thọ phước vô lượng.
31
Xưa
có ba người cùng nghèo khổ, chỉ đi làm nghề bán củi. Bấy giờ là ngày
tám tháng tư, chúng Tỳ kheo ở trong chùa làm lễ tắm tượng Phật. Phật
Thích Ca Văn lúc ấy cũng ở trong chúng làm duy na. Ba người qua trước
chùa, nghe hôm nay tắm tượng, bèn vào xem. Ba người cùng phát tâm, cùng
lấy một tiền đem đặt trước tượng, mỗi người khấn tâm nguyện mình. Một
người nói: “Xin cho tôi đời sau nhiều của báu, chớ khiến gặp lại cảnh
này”. Nên khi chết được sinh vào nhà đại phú, chỉ có một con, tới tuổi
trưởng thành, làm đệ tử Phật, luôn sinh lên trời hay trong cõi người.
Một người nói: “Xin cho biết làm thầy trị hết bệnh mọi người, khiến tôi
được nhiều của”. Nên khi chết sinh nhà Kỳ Vụ, hiểu biết y phương, trị
không bệnh gì là không lành, cũng lại sinh lên trời hay trong cõi người,
luôn giàu sướng lớn. Một người nói: “Xin cho tôi đời sau sống lâu,
chẳng phải vắn số”. Sau sinh lên trời thứ 24, thọ sáu mươi kiếp.
Đức
Phật dạy: “Ba người này mỗi người có một nguyện, đời đời được phước vô
lượng. Nay ba người ấy đều làm đệ tử của ta, chứng được quả la hán”.
32
Người
thế gian vào biển tìm báu, có bảy nạn. Một là gió lớn bốn mặt đồng thời
nổi lên khiến thuyền lật úp. Hai là thuyền muốn vỡ mà thủng. Ba là
người muốn rớt nước chết mà lên được bờ. Bốn là hai rồng lên bờ muốn ăn
thịt. Năm là được chỗ đất bằng, ba rắn độc đuổi theo muốn ăn. Sáu là đất
có cát nóng, đi trên cháy gót chân người. Bảy là trông lên không thấy
trời trăng, thường tối tăm không biết đông tây. Ấy là nạn lớn.
Đức
Phật bảo: “Các đệ tử! Các con cũng có bảy việc khó. Một là bốn mặt gió
lớn thổi, tức sinh, già, bệnh, chết. Hai là sáu tình cảm nhận vô hạn, ví
như thuyền thủng. Ba là rớt nước sắp chết, tức bị vua bắt được. Bốn là
hai rồng trên bờ muốn ăn thịt, tức ngày tháng gặm nhấm mạng sống. Năm là
đất bằng có ba rắn độc, tức ba độc trong người mình. Sáu là cát nóng
cháy gót chân, tức lửa trong địa ngục. Bảy là ngó lên không thấy trời
trăng, tức chỗ chịu tội tối tăm mịt mùng không có ngày ra”.
Đức Phật dạy: “Các đệ tử phải biết nghe lời dạy đó, chớ bỏ qua, phải siêng làm sáu việc, mới có thể được giải thoát”.