11/06/2011 21:13 (GMT+7)
Số lượt xem: 16984
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tựa KINH PHÁP KÍNH


Khương Tăng Hội

 Rằng tâm là cội nguồn của mọi pháp, là căn gốc của thiện ác, cùng ra khác tên, họa phúc chia dòng, lấy thân làm xe, lấy nhà làm nước, đi khắp mười phương, vốn không ngưng nghỉ.

Dục nhà khó thỏa mãn, như biển nuốt sông, lửa có thêm củi. Sáu tà hung tàn còn hơn lưới giăng giết cả. Người nữ nịnh bậy sánh với ma quỉ, khéo dối ít tín. Đào nhà gây họa. Tôn tà uế, khinh thanh chân, nối nhiều xích, chê thánh hiền, gây ngục tụng, chôn cửu thân, ấy là do nhà cả.

Vì thế, thượng sĩ thẹn nói dơ, sợ nói dữ, mà run run rẩy rẩy, lặng nghĩ trốn đi, như bậc minh triết tránh kẻ vô đạo. Bèn xuống tóc hủy dung, áo pháp là quí, yên ở chùa chiền, rèn lòng gột dơ, ôm đạo nói đức, mở điếc dẫn đui.

Hoặc có người ở ẩn núi đầm, gối đá uống suối, chuyên lòng rửa bẩn, hồn hợp với đạo, chí vắng sánh với vô danh, dạy sáng khắp cả quần sinh. Hiền thánh đua nhau thanh tịnh, gọi đạo đó là Đại Minh, nên tên là Gương Pháp (Pháp kính). 

Kỵ đô úy An Huyền, Nghiêm Phù Điều đất Lâm Hoài, hai vị hiền này khi tuổi mới lớn, chí rộng nghiệp thánh, tìm sâu với xa, dồn lòng tới chỗ u vi, thương đời mê lầm, không thấy vẻ đẹp lớn, vắt óc truyền dịch nét lớn kinh này. Đô úy miệng nói, Nghiêm Điều bút ghi, lời đẹp đã hợp xưa, nghĩa lại vi diệu. Nhưng thời can qua chưa hết, chí sĩ chẳng dám rảnh nghĩ. Đạo lớn suy dần, kẻ học Phật ít.

Hội tôi thấy lời dạy của kinh có thể cứu lầm than nơi lắm hiểm. Song nghĩa chặn không thông, nhân rảnh đem hết chỗ ngu làm ra chú nghĩa. Tang thầy trải năm, bồi hồi, ngừng bút buồn bã, nhớ người xưa, mến đạo thánh, nước mắt tuôn trào. Nay tôi xin ghi chỗ thiếu ngờ, đợi chờ minh triết về sau, nếu có thông hành, là để làm rõ Tam Bảo vậy.

 
 
KINH PHÁP KÍNH
(GƯƠNG PHÁP)
Kỵ đô úy An Huyền

Nước An Tức đời Hậu Hán dịch
 

BẢN DỊCH TIẾNG VIỆT 


Nghe như vậy, một thời Thế Tôn đến nước Xá Vệ, vườn Kỳ thọ Cấp Cô Độc, cùng đại chúng Tỳ kheo một ngàn hai trăm năm mươi người và năm trăm Bồ tát đứng đầu là các Bồ tát Từ Thị, Văn Thù, Thi Khí và Quan Thế Âm. Lúc ấy hàng trăm người vây quanh đức Thế Tôn để nghe thuyết kinh. 

Bấy giờ trong thành Xá Vệ có trưởng giả tên Thậm cùng một chúng năm trăm người từ trong thành Xá Vệ đi ra đến vườn Kỳ thọ Cấp Cô Độc tới chỗ đức Thế Tôn, rồi đảnh lễ chân đức Thế Tôn, xong về chỗ ngồi. Cùng đi có trưởng giả Ái Ngộ, trưởng giả Đắc Ngộ, trưởng giả Thượng Thọ, trưởng giả Đại Uy, trưởng giả Cấp Cô Độc, trưởng giả Long Uy, trưởng giả Đế Tư, hết thảy đó với chúng năm trăm cùng đến chỗ Phật, đến rồi đảnh lễ chân đức Thế Tôn, đều về ngồi chỗ ngồi trước đức Thế Tôn.

Các trưởng giả hết thảy phát lòng cầu đạo lớn, đều cùng chúng mình đi trên gốc đức, có quyết tâm đối với đạo vô thượng chính chân. Chỉ Cấp Cô Độc không thế. Do vậy, trưởng giả Thậm đã thấy đại chúng trưởng giả nhóm lại ngồi yên, từ chỗ ngồi đứng lên, sửa áo cúi đầu trưởng quỳ, chấp tay thưa rằng: “Con có điều muốn hỏi, xin đức Thế Tôn có rảnh rỗi, giải điều con hỏi”.

Đức Thế Tôn đáp trưởng giả Thậm, nói: “Như Lai thường vì trưởng giả, có rảnh rỗi diễn giải điều ông hỏi. Trưởng giả cứ hỏi theo ý tìm cầu đạo đức Như Lai ứng nghi chính chân. Ta sẽ giảng điều ông hỏi, thỏa mãn được ý ông”.

Trưởng giả Thậm hỏi Phật rằng: “Như thế xin Đức Thế Tôn! Nếu thiện nam tín nữ phát lòng cầu vô thượng chính chân, vui thích đạo lớn, thực hành đạo lớn, muốn tới đạo lớn, muốn trụ đạo lớn, muốn hiểu đạo lớn, chìu chuộng hết thảy chúng sinh, an ủi chúng sinh, cứu giúp chúng sinh, thề rằng người chưa độ, ta sẽ độ họ, chưa giải thoát ta sẽ giải thoát họ, không an ổn, ta sẽ an ổn họ, chưa được Niết bàn ta sẽ giúp họ Niết bàn, sẽ nhận hết thảy gánh nặng cho chúng sinh vì muốn cứu giúp chúng sinh mà tự phát lời thề rộng lớn đó, biết sinh tử bao nhiêu ác, ác ý, mà không mệt mỏi, sinh tử vô số kiếp ý mà không nhác biếng. Xin Đức Thế Tôn hoặc có Bồ tát xuất gia tu đạo để pháp đạo phẩm, hoặc có vị tại gia. Lành thay xin Đức Thế Tôn xót thương chúng sinh, ban cho thêm đạo lớn ấy để làm hưng thịnh Tam bảo, khiến hết thảy kinh điển hay mãi ở đời. Xin Như Lai dạy phép học đức Bồ tát tại gia. Xin Như Lai, sao gọi Bồ tát tại gia mà vâng làm lời dạy của đức Như Lai để không sứt cũng không thiếu bản nguyện họ là đạo vô thượng chân chính, đời nay không có làm tội, đời sau đạt đạo thù thắng. Cũng xin đức Thế Tôn, Bồ tát xuất gia hành đạo, vứt bỏ ghét thương, cắt trừ râu tóc, mặc áo pháp, tại gia có đức tính, rời nhà hành đạo, bày tỏ lời dạy dạng pháp, dạng đạo, dạng đức hiệu đủ. Xin đức Thế Tôn, Bồ tát xuất gia hành đạo và tại gia tu đạo thì thế nào?”

Do thế, đức Thế Tôn khen trưởng giả Thậm nói: “Lành thay, lành thay, trưởng giả, nay ông biết hỏi đức Như Lai việc làm của Bồ tát tại gia, xuất gia. Vậy, này trưởng giả, hãy nghe tôi nói, gắng sức nghĩ nhớ. Bồ tát tại gia hành đạo, thì tu học đức làm lành”.

Trưởng giả Thậm thọ giáo lắng nghe. Đức Thế Tôn nói: Như thế, này trưởng giả, Bồ tát tại gia hành đạo, phải tự quy y Phật, tự quy y Pháp, tự quy y Tăng, lấy tự quy y làm gốc của đức, biến thành đạo vô thượng chính chân. Này trưởng giả, tự quy y Phật, Pháp, Tăng là thế nào? Ta sẽ dùng 32 tướng đại sĩ thành tựu thân Phật để tự trang nghiêm, cũng dùng các gốc đức mà đạt 32 tướng đại sĩ, để đạt các gốc đức ấy liền tinh tấn thực hành. Bồ tát tại gia, tự quy y Phật là như vậy.

Tự quy y Pháp là thế nào? Nghĩa là cung kính Pháp, cầu pháp, muốn Pháp, vui niềm vui của Pháp, làm Pháp thịnh, làm Pháp y, hộ trì Pháp, canh chừng Pháp, ở như Pháp, nói theo Pháp, viết sách Pháp, làm sức mạnh của Pháp, cầu Pháp tài, làm Pháp trong sạch, làm việc Pháp. Ta sẽ phân bố Pháp ấy trên trời dưới thế, Bồ tát tại gia tự quy y Pháp là thế.

Tự quy y Tăng là thế nào? Nếu Bồ tát tại gia hoặc thấy Dự lưu, hoặc thấy Nhất lai, hoặc thấy Bất lai, hoặc thấy la hán, hoặc thấy người phàm cầu đạo Thanh Văn, thì cung kính, vâng thờ cúng dường, thờ làm thầy, tôn trọng, dùng lễ để đãi. Nếu vì vâng thờ chính pháp chính thuật kia mà được chí ấy, ta cũng sẽ được đạo vô thượng chính chân để giảng trao kinh điển, thành tựu để tự đức hạnh, mà cung kính họ, cũng không khinh rẻ. Bồ tát tại gia, tự quy y tăng là như vậy…

Lại nữa, này trưởng giả, Bồ tát tu giữa bốn pháp để tự quy y Phật. Sao gọi là bốn? Một là lòng đạo mãi mãi không rời. Hai là giới thọ mãi không phạm. Ba là lòng thương đại bi mãi không dứt. Bốn là đạo khác mãi không làm. Đó là bốn pháp. Bồ tát tại gia tự quy y Phật là như vậy.

Lại nữa, này trưởng giả, tu giữ bốn pháp để tự quy y Pháp. Sao gọi là bốn? Một là kẻ sĩ dạy pháp xin vâng thờ đi theo. Hai là pháp được nghe thì cung kính. Ba là đã nghe pháp gốc ngọn thì suy nghĩ. Bốn là đúng như pháp đã nghe, tùy theo khả năng mà nói rõ ràng cho người khác. Đó là bốn pháp. Bồ tát tại gia, tự quy y pháp là như vậy.

Lại nữa, này trưởng giả, tu giữ bốn pháp để tự quy y tăng. Sao gọi là bốn? Một là coi mạt hạ đạo Thanh Văn, Duyên Giác, lòng vui trí nhất thiết. Hai là ai đem đồ ăn cho, thì dùng pháp mà dạy dỗ. Ba là dựa vào chúng bất thối chuyển, mà không dựa vào chúng thanh văn. Bốn là cầu được đức độ Thanh văn, nhưng không dùng đức độ ấy mà độ. Đó là bốn Pháp. Bồ tát tại gia, tự quy y Tăng là như vậy.

Lại nữa, này trưởng giả, tại gia tu đạo, thấy như Như Lai thì thực hành nghĩ nhớ Phật. Đó là tự quy y theo Phật. Đã nghe pháp thì nhớ pháp. Đó là tự quy y Pháp. Nếu đã thấy thánh chúng của đức Như Lai thì vẫn nghĩ nhớ lòng đại. Đó là tự quy y Tăng.

Lại nữa, này trưởng giả, tại gia tu đạo, phát lòng mong gặp Phật mà bố thí là tự quy y Phật. Nếu vì ủng hộ chính pháp mà bố thí là tự quy y Pháp. Nếu đã bố thí để đạt đạo vô thượng chính chân là tự quy y Tăng.

Lại nữa, này trưởng giả, tại gia tu đạo, nếu tu hạnh người hiền, không thực hành hạnh phàm phu, đó là hạnh người hiền, dùng pháp cầu tài, mà không dùng phi pháp, dùng chính không dùng tà mà sống đúng, không quấy nhiễu người, dùng pháp mà đạt tới. Của nhiều thì thực hành quán vô thường. Để nhận trân bảo, để được mãi thịnh, thì bố thí cúng dường cha mẹ, bạn bè, bề tôi, anh em, thân thuộc với sự kính trọng, còn khách tớ, kẻ hầu người trông coi sai chia đều, cũng đem lời giáo hóa. Pháp thù thắng ấy là để nhận gánh nặng, đó gọi là gánh nặng chúng sinh, tinh tấn không mệt mỏi. Không nhận gánh nặng, không nhận nó, đó gọi là việc của Thanh Văn, Duyên Giác. Thành tựu chúng sinh không mệt mỏi, không ham sướng thân vì để làm sung sướng chúng sinh. Lợi hại, hủy báng, ngợi ca, khen chê, khổ sướng, không làm khuynh động, vì vượt xa pháp thế gian, giàu có của không vui.

Lại đối với đạo, không lợi lộc, không lời khen, không tiếng tăm, không phong thưởng, việc làm đã được suy nghĩ chín chắn, nhận được chính (đạo) là mừng vui. Thấy biết nhận tà, nhưng lòng có chính hạnh, hai thứ khen ngợi để cởi bỏ, cho được lời thề, đó là lo việc người, không tự lơ là việc hội, có ơn với người, rốt cuộc không mong được trả, làm ơn bao nhiêu người, biết ơn biết trả nên lại làm hạnh ân đức. Người nghèo cho của, người sợ cho an ủi, người bồn chồn thì cởi mở nỗi lo, người không sức thì lặng chịu đựng, kẻ cường hào thì làm bỏ kiêu mạn. Để bỏ lỗi lớn kiêu mạn thì dùng tôn kính tôn trưởng, vâng chờ bậc nghe nhiều, hay hỏi người biết rõ ngay thẳng, bày ra không hư dối vẻ vời  mọi người mà vẫn có phương tiện hành đức để có thể tìm hiểu được. Để nghe nhiều không chán, không đủ, phải siêng năng đúng đắn, nên cùng thánh nhân gặp gỡ, đi theo thánh nhân mà cung kính, thờ bậc đa văn, hỏi người hiểu biết. Vì vậy ngay thẳng bày ra, không thờ việc che giấu các kinh mà mình đã nghe, mà trình bày những điều đã được nghe và làm người khác hiểu nghĩa của nó là hết thảy ham muốn vui vui thú của dục nghĩa là vô thường, không tiếc thương thân mệnh, từ quán tuổi thọ như giọt sương mai, nghĩ của cải mình có như mây huyển, gia thuộc khách khứa như oán thù, vợ con trai gái nghĩ là địa ngục vô gián, có những gì mình có là khổ hết thảy, đất đai nhà cửa cơ nghiệp mọi vật thường nghĩ là vết đau, đức mình đạt được có tưởng là bại hoại, nhà ở có tưởng khốn ách, bạn bè bề tôi anh em thân thuộc có tưởng chúa địa ngục. Suốt ngày đêm có cùng tưởng, đem chiếc thân không thật có tưởng là thật, đem tuổi thọ không thật có tưởng cảm là thọ thật, đem của cải không thật có tưởng cảm là thật. 

Vị kia nếu đem mọi vật lễ nghĩa thờ kính người, ấy là dùng thân không thật mà nhận được thật. Nếu các vốn đức xưa không phá, lại làm tăng thêm, đó là đem mạng sống không thật để mà nhận được thật. Nếu để ngăn keo kiệt mà bố ân thi đức, đó là đem của không thật để nhận lấy thứ thật. Đó là Bồ tát tại gia tu đạo làm hạnh việc người hiền. Như vậy là không tội. Đem lời dạy đức Phật mà giảng dạy không chê không bớt bản thệ của Ngài, đó gọi là đại vô thượng chính chân, thì đời này là hạnh không tội và đời sau được đạo thù thắng.

Lại nữa, này trưởng giả, Bồ tát tại gia tu đạo nên tự vâng giữ giới, đó gọi là vâng giữ năm giới. Đó là không thích sát sinh, không dùng dao gậy đối với loài máy cựa, không quấy nhốt người. Đó là không thích trộm cắp của cải người, của mình có là biết đủ, không nghĩ đến của người khác cho đến ngọn cỏ, cây kim, không cho thì rốt cuộc không lấy. Đó là không thích muốn hạnh tà, vợ mình có biết là đủ, mắt không thích nhìn vợ người khác, lòng thường tự lo lắng nghĩ nhớ lòng dục là khổ, nếu sinh niệm dục với vợ mình, thì quán chất dơ để có nỗi sợ hãi, nhọc mệt vì việc dục để không sợ không khổ vì mến mộ vô thường, chí đạt tưởng tịnh lạc, nên như vậy ta sẽ tự tu, tư tưởng dục ta đã không có huống nữa nhiều lần làm. Đó là không thích nói dối, dùng lời thật, lời thành không dối trá, không làm nản lòng, nói đúng như lòng thành, như mình thấy nghe, cẩn thận giữ gìn kinh pháp, không dùng thân thể nên không nói dối. Đó là không thích uống rượu, để không say, không mê hoặc, không gắt gỏng, để không bị hình phạt mà đi theo, không ép chí mà biết đúng. Giả sử lấy lòng bố thí hết thảy những gì ta có sẽ đem cho người, xin ăn cho ăn, xin uống cho uống, xin xe cho xe, xin áo cho áo, thì cho người rượu là để dựng chí. Như vậy là bố thí vượt không bờ mé, ấy là khi có người xin mà cho, thì ta có thể cho họ rượu để khiến họ theo đó mà đổi chí, vì mình biết mà làm, nên không mê hoặc. Vì sao như vậy? Bồ tát vì chúng sinh thỏa mãn hết các nguyện vọng của họ, bố thí vượt bậc không bờ mé nhất loạt như vậy. Bồ tát tại gia đem rượu cho người mà không bị tội. 

Vì thế, này trưởng giả, Bồ tát dùng vốn đức được tu học biến thành đạo vô thượng chính chân, nếu khéo tu thân giữ năm giới ấy.

Lại thêm có lời đẹp, không nên có lời dèm pha mọi người, phân tranh mà làm họ hòa hợp, không dùng lời thô mà dùng lời nhu nhuyễn luôn nói trước người, không dùng lời thêu dệt mà dùng lời nghĩa để thuyết pháp, nói đúng lúc, nói đúng việc, không có lưới si, để an ổn cho chúng sinh. Lòng không bại loạn, thường dùng sức nhẫn nhục để tự làm đẹp mình, dùng chính kiến bỏ rời tà kiến, như kính lễ chư Phật Thế Tôn, không kính lễ thiên thần khác. 

Lại nữa, này trưởng giả, tại gia tu đạo, hoặc tại xóm làng quận huyện kinh đô, nên ở đó ủng hộ kinh pháp. Làm thế nào ủng hộ kinh pháp? Là người không tin, giáo hóa cho họ tin; người xan tham, giáo hóa họ bố thí; là người ác giới dùng giới luật giáo hóa họ; người loạn ý giáo hóa họ nhẫn nhục; người biếng nhác giáo hóa họ tinh tấn; người thất trí giáo hóa họ tư duy, người biết tà, lấy việc trí giáo hóa họ; kẻ nghèo khó, đem của cho giàu lên; người bệnh tật đem thuốc cho; người cô độc đem về làm bà con; người không nơi trở về, đem làm nơi trở về; người không nơi nương tựa, làm chỗ nương tựa cho họ. Vì hết thảy những kẻ phá hoạt làng nước thì việc ủng hộ kinh pháp là như thế này. Này trưởng gỉ, hoặc vị Bồ tát kia từ một, hai, ba, cho đến trăm lần dạy dỗ nhân dân, khiến họ tu tập các pháp đạo đức, vị Bồ tát ấy đem lòng thương đến chúng sinh, để làm mạnh mẽ lời thề của hết thảy mọi lời thề sáng suốt. Lời thề nói rằng: “Đối với nhân dân khó giáo hóa mà chưa được thành tựu, tôi rốt cuộc không nhận đạo vô thượng chính chân. Vì sao? Vì tôi nay nhân việc đó để tự thề với mình. Tôi không vì người chất trực, không vì người không siểm nịnh, không vì người không dối trá, không vì người giữ (ý), không vì răn dạy kẻ hữu đức, mà vì những người đó nên đem lời thề trên tự thề với mình, chỉ muốn khiến những người đó nghe kinh pháp, dùng kinh để giáo hóa họ. Tôi vì điều đó nên dùng lời thề ấy tự thề với mình. Tôi phải luôn luôn làm mạnh mẽ lòng tinh tấn thực hành. Tôi quyền biến để không bị khốn khổ, nếu ai có thấy thì không ai là không thích tin.

Này trưởng giả, nếu nơi chỗ có nhà Bồ tát ở, mà không tha thiết đối với người dân rơi vào đạo khác hung ác, đó là lỗi Bồ tát. Này trưởng giả, ví như làng xóm kinh đô có thầy thuốc giỏi, giả sử nếu có người không trọn mạng sống mà phải chết, mọi người đều có lỗi trong việc chữa trị. Như vậy, này trưởng giả, nếu ở chỗ Bồ tát cư trú mà không tha thiết đối với người rơi vào đạo khác hung dữ, thì đức Như Lai ứng nghi chính chân giác giả bắt lỗi vị Bồ tát đó, vì thế, này trưởng giả, Bồ tát tại gia tự thề như thế này: “Nếu kinh đô ta đến, người si thờ nhau, sẽ không khiến một người nào rơi vào đạo khác hung ác”.

Lại nữa, này trưởng giả, Bồ tát tại gia tu đạo phải hiểu nhà là ác, tại gia làm hại đến hết thảy gốc của mọi điều lành, vì nhà không có lối ra, làm hại pháp thanh tịnh, nên gọi là nhà. Tại gia là ở vào hết thảy mọi nỗi khó nhọc, là ở với mọi niệm ác, là ở với mọi hạnh ác. Không cải hóa, không giữ mình được, cùng ở với người phàm ngu, tập hội với người không thật. Đó là nhà. Nhà là tên gọi đó, ở đấy không ai là không làm việc không đúng, ở đấy thì không cung kính đối với cha mẹ mình, vị xuất gia, ở ẩn, tôn trưởng, các thánh. Vì thế gọi là nhà. Lao ngục quan huyện tra khảo, đánh đập, chửi rủa, ép buộc đến nỗi chết đều do đó, nên gọi là nhà. Vì ở đó mà đi vào đường ác, vì ở đó mà rơi vào các dục, rơi vào sân nhuế, mà mắc sợ hãi, mà mắc ngu si. Đó gọi là nhà. Để không giữ canh việc giới, xa lìa mà thực hành việc định, để không tu việc huệ, không đạt được việc giải thoát, nên gọi là nhà. Ở đó tức có lòng yêu cha mẹ, yêu anh em, yêu chị em, yêu vợ, yêu con, yêu nhà cửa, yêu của cải, yêu tôi tớ, yêu sở hữu, yêu tiền của không chán, nên gọi là nhà.

Tại gia ấy khó thỏa mãn, vì biển lớn mọi sông chảy về, tại gia ấy khôn chán ví như lửa được thêm củi. Tại gia ấy nhiều niệm không ngừng nghỉ, ví như gió không ngừng nghỉ, như bị chìm đắm, như ăn uống ngon mà bị thuốc độc, bị mọi khổ sở. Nó ví như kẻ thù mà làm vẻ bạn bè để làm lầm lạc hạnh của người ta, không để thực hành kinh điển thánh hiền, mà gây phân tranh, càng tạo thêm điều kiện cho bất hòa, làm nhiều vết nứt, làm hạnh thiện ác, điều kiện có mặt, luôn luôn làm cho người ta hiềm nghi, mà người ta chẳng có. 

Vì có điên đảo nên còn bất thiện. Dù thiện vẫn có quyền trá, như tánh hạnh hiện ra giống kẻ hề, biến chuyển nhanh chóng giống người làm xiếc. Người mới đến tụ hội, hạnh nó không chân thành. Giống như giấc mơ, mọi thành bại đầu cuối giống như sương mai, vì nó mau tan rời. Nó giống như giọt mật vì nó ít vị. Nó giống như lưới gai, bị sắc, tiếng, hương, vị trơn mịn làm hại. Nó giống như sâu lỗ sắt, vì dùng niệm chẳng thiện làm thức ăn. Nó giống như kẻ trái lệnh vì liên tục dối trá nên luôn ôm lòng sợ hãi. Vì có ý làm loạn nên phần lớn cùng cho huyện quan là giặc cướp, oan gia xấu ác thì sẽ bị kẻ vương giả hại chết. Tại gia ấy, ít nếm sung sướng, vì có nhiều khuyết điểm hung ác. Này trưởng giả, Bồ tát tại gia hiểu nhà hung ác như vậy.

Lại nữa, này trưởng giả, tại gia tu đạo lấy bố thí làm của báu. Nếu đã cho thì ta có. Nếu còn nhà thì chẳng phải ta có. Nếu đã cho là trân báu, nếu còn nhà là chẳng trân báu, nếu đã cho là giàu của, nếu còn nhà là không có của, nếu đã cho là hết nhọc mệt. Nếu còn nhà là nhọc mệt thêm. Nếu đã cho là không ta, nếu còn nhà là ta. Nếu đã cho là không có, nếu còn nhà là có. Nếu đã cho là không bao giờ hết, nếu còn nhà là vô thường. Nếu đã cho là không phải giữ, nếu còn nhà là phải giữ lấy. Nếu đã cho là hạnh người hiền, nếu còn nhà là ý phàm phu. Nếu đã cho là dựa vào đạo giải thoát, nếu còn nhà là dựa vào bọn tà. Nếu đã cho là đức Phật khen, nếu còn nhà là người ngu ca ngợi.

Này trưởng giả, Bồ tát tu tại gia, xem bố thí quý báu như vậy. Do thế thấy người đến xin gì, thì sẽ sinh ba ý tưởng. Ba ý tưởng là gì? Là ý tưởng bạn lành, ý tưởng dựa vào đạo giải thoát, ý tưởng gắng làm giàu của thêm. Sinh ba ý tưởng đó, lại tạo ba ý tưởng. Sao gọi là ba? Là ý tưởng tôn trọng lời dạy của đức Như Lai, ý tưởng hàng phục tà vạy, ý tưởng không mong cầu phước đức. Vì sao? Nếu Bồ tát ấy, như có người đến xin gì đều được thì tham dâm sân hận ngu si, được coi là mỏng. Mỏng là vì sao? Nếu mình có vật gì đem bố thí hết thảy không tiếc, đó là tham dâm mỏng. Nếu đối với người đến xin vật gì, đem lòng thương yêu cho thêm, đó là sân giận mỏng. Nếu đem bố thí biến thành một sự hiểu biết hết thảy, thì gọi là ngu si mỏng.

Lại nữa, này trưởng giả, đã thấy người đến xin vật gì thì nhanh chóng thành tựu hạnh sáu độ vô cực. Làm sao thành tựu hạnh ấy? Nếu có người đến theo mình xin vật gì, mà mình có thể cho không thương tiếc, đó là bố thí độ vô cực. Nếu có người đến xin vật gì, mà không sân giận, đó là nhẫn độ vô cực. Giả sử còn tự suy nghĩ ăn làm gì, tự làm mạnh thêm ý ấy mà không buông bỏ hạnh mình, đó là tinh tấn độ vô cực. Nếu sắp bố thí, nếu đã bố thí mà không uất ức, không có hối hận, đó là thiền độ vô cực. Này trưởng giả, Bồ tát dùng bố thí để thành tựu hạnh sáu độ vô cực như vậy.

Lại nữa, này trưởng giả, tại gia là phải xa rời việc thuật theo nhẫn loạn, mà thân cận phép tách rời. Nếu được của cải, gạo thóc, được trai gái thì không lấy làm vui. Nếu hết thảy hư mất, thì lòng không lấy làm buồn rầu, vì đã quán vạn vật như huyễn, thực hành tưởng không ngừng nghỉ. Hạnh huyễn này đã đạt được, thì cha mẹ vợ con nô tỳ khách khứa không phải là ta có. Ta cũng không có nó, cũng không phải ta có, ta cũng không nên có, vì chẳng phải ta có chúng. Nay ta vì chúng mà làm tội ác thì chỉ ở đời này, mà chẳng có ở đời sau. Đó là có cái khổ thỉ chẳng phải cái ta nên giữ gìn. Còn cái ta có thì ta nên giữ gìn. Cái ta có là gì? Đó là bố thí giáo hóa, điềm đạm tự giữ cội nguồn của đạo, cũng chứa cất vốn đức. Đó là ta có. Đến chỗ ta trụ, đó là đuổi ta. Điều đó không dùng thân mạng, không vì trai gái vợ con mà gây hạnh ác.

Cho nên tại gia có vợ mình, nên tạo ra ba ý tưởng. Sao gọi là ba? Là ý tưởng vô thường, ý tưởng không lâu dài, ý tưởng biệt ly. Đó là ba ý tưởng ta nên gây ra. Lại nên tạo ra ba ý tưởng? Sao gọi là ba? Vì nếu ở vui sướng thì nghĩ tới khổ đời sau, nếu ăn uống thì nghĩ tới tột ương, nếu đang sướng thì nghĩ tới khổ. Nên tạo ba ý tưởng này. Lại tạo ba ý tưởng. Sao gọi là ba? Là ý tưởng trọng lụy, ý tưởng hao phí, ý tưởng có chỗ tục. Nên tạo ba ý tưởng đó. Lại tạo ba ý tưởng. Sao gọi là ba? Là ý tưởng vào địa ngục, ý tưởng vào súc sinh, ý tưởng vào ngạ quỉ. Nên tạo ba ý tưởng đó. Lại nên tạo ba ý tưởng. Sao gọi là ba? Là ý tưởng quỉ mỵ, ý tưởng cối đổ, ý tưởng sắc tượng. Nên tạo ba ý tưởng đó. Lại nên tạo ba ý tưởng. Sao gọi là ba? Là ý tưởng không phải ta, ý tưởng vô chủ, ý tưởng như tạm mượn. Nên tạo ba ý tưởng đó.

Này trưởng giả, suy nghĩ các tưởng như thế, Bồ tát tại gia phải tự quán thân vợ mình như vậy, do đó sẽ không yêu con mình. Giả sử sinh lòng yêu con, thì không gia lòng ấy cho thiên hạ. Cho nên, phải dùng ba can ngăn mà tự can ngăn lòng mình. Ba can ngăn đó là gì? Lòng bình đẳng làm đạo, không dùng lòng tà. Chính hạnh làm đạo, không dùng hạnh tà. Không đa hạnh làm đạo, đa hạnh là sai. Dùng ba can ngăn ấy tự can ngăn lòng mình. Tự tạo ý tưởng oán thù với con mình, là oán thù của ta, chứ chẳng phải bạn bè của ta. Vì sao vậy? Vì do nó của ta trái mất lời dạy răn của đức Phật từ bi là khiến ta càng thêm nhiều lòng thương người tha thiết như thương con mình. Đem lòng thương chúng sinh, như sự tự yêu thương thân mình, thì đem lòng từ thương yêu tới cho chúng sinh. Do thế, phải quán gốc ngọn của họ, họ do đâu mà khác, ta do đâu cũng khác. Chúng sinh đời trước đã từng con ta, ta cũng từng là con cái chúng sinh. Đó là lỗi của sinh tử, không thể để yên. Vì sao thế? Đó là con đường tới lui để có hạnh xa rời, mà chuyển thành oán thù. Ta nay nên phải tự tu để khiến ta không có bạn bè, cũng không có oán thù. Vì sao vậy? Vì để tạo nên bạn bè là lại muốn làm ra nhiều để tạo nên oán thù ấy đều vì lòng dục làm ác. Hết thảy chúng sinh, họ chẳng phải là ta. Ý người không được thì cho là được, ý không được lại cho là được, để hiểu thông các kinh. Vì sao vậy? Làm đúng thì được đạo đúng, làm bậy thì được đạo bậy. Nay ta không có làm bậy, mà làm đúng ý đối với chúng sinh, thì có thể được trí hết thảy.

Này trưởng giả, Bồ tát tại gia mọi vật đừng nên lưu luyến, đừng nên ái mộ, đừng nên đi tới, đừng nên thương yêu, đừng nên đồng ý, nên làm như vậy. Lại này trưởng giả, Bồ tát tại gia giả sử có người đến xin gì, giả sử mình không muốn cho vật đó, thì nên phải tự can ngăn lòng mình. Giả sử ta không đem cho vật đó, thì vật đó rút cuộc cũng tách rời khỏi ta. Nếu không muốn cho, đến khi chết vật đó cũng sẽ bỏ ta, và ta cũng sẽ bỏ nó. Thà cho trân báu mà chết. Ta cho vật đó, lúc chết, lòng mới rũ bỏ. Giả sử suy nghĩ như vậy mà không thể cho vật đó, thì dùng bốn từ tạ để từ tạ người đến xin. Sao gọi là bốn? Ta vì không có sức nên các đức chưa thành tựu. Ta mới bắt đầu ở đạo lớn nên lòng bố thí không tự do. Ta mới thấy đạo, còn các hạnh khác, ta tạm thời luyện hiền, không thể ép được. Ta có thể vâng làm điều đã làm, còn những điều đã thọ mới thỏa mãn sở nguyện của ngài và của người thiên hạ. Từ tạ người đến xin đồ là như thế.

Lại nữa, này trưởng giả, Bồ tát tại gia tu đạo rời thầy đi giảng dạy, nhằm thời không có Phật, không thấy kinh, không gặp gỡ thánh chúng, thì nên đảnh lễ chư Phật mười phương hạnh cầu đạo đời trước của các ngài, chí nguyện rộng rãi, nguyện cho hết thảy thành tựu các đức của Phật pháp, lấy đó mà nghĩ nhớ thay cho niềm vui. Từ đó mỗi ngày ba lần, đêm ba lần, đọc kinh ba phẩm. Hết thảy các hạnh đã làm đời trước, đem ra tự sám hối, cải lỗi, làm tốt tới cầu xin hết thảy chư Phật đem giáo pháp thương xót, đem vô số vô biên pháp thương xót.

Lại nữa, này trưởng giả, Bồ tát tại gia tu đạo phải hiểu nghi thức dứt lòng. Vì thế, nếu thấy nghi thức dứt lòng đặc biệt của Tỳ kheo, thì nên kính trọng áo pháp. Đó là pháp phục do giới định tuệ của Phật Thế Tôn Như Lai ứng nghi chính chân làm ra, đem vô ác để tách rời hết mọi ác. Nó là biểu thức của mọi thánh tiên. Do thế phải kính trọng nó. Cũng nên thương xót đến các Tỳ kheo. Họ chẳng phải là hiền, vì còn làm điều không đúng. Nhưng đến khi mặc áo đó, họ được gọi là người điều phục, người trong sạch, người thần thông, là biểu thức của Như Lai, dù làm hạnh không điều phục trong sạch.

Đức Như Lai lại nói: Người chưa học thì không nên lơ là, nếu chẳng thế thì hị sẽ gặp lỗi lầm trần lao. Từ việc đi theo trần lao đó mà họ có những sự mất mát. Nếu họ không lơ là như thế, thì họ sẽ thấy Phật, nghe được pháp yếu đúng như thứ tự phải có, nếu họ vứt bỏ trần lao, để quán gốc ngọn nó mà giữ đức số một tất biết đúng trí sắp cắt đứt mọi trần lao, như đức Thế Tôn đã gọi bậc đại sĩ không thể lơ là khinh miệt. Đó chẳng phải là lúc đức Như Lai có. Đó biết chẳng phải ta có. Vì thế không sân, không giận, không tức đối với họ. Nếu vào chùa, đã ở ngoài cửa, thì năm vóc đảnh lễ, rồi mới vào chùa. Đó là việc ở chùa trống, cũng thương yêu vui vẻ giữ gìn việc ở chùa. Nó chính là việc của những người sống đúng. Đạt điều đó, khiến ta được ở chùa. Làm như vậy để rời xa quan vị nhà cửa. Đạt điều đó, ta trai giới, tội được cấm ngăn. Ngăn như vậy là có lòng xuất gia.

Chưa từng có Bồ tát tại gia mà được đạo. Họ đều xuất gia vào núi đầm, vì đến núi đầm là được đạo, chê bỏ việc nhà. Xuất gia, người trí khen ngợi như cát sông suối. Ta một ngày lễ bái làm tất cả các việc bố thí thì lòng xuất gia vẫn thù thắng hơn. Vì sao? Vì bố thí là thấp kém, huống nữa là bố thí cho người không tin, không suy nghĩ, trộm cướp xấu ác. Vương giả và đại thần không cho việc bố thí những kẻ ấy là quý, là được đủ, mà cho ta giới hạnh, văn hạnh. Vì thế, vào chùa, nên xem việc làm của chúng Tỳ kheo. Những Tỳ kheo nào là nghe nhiều. Những ai là hiểu kinh. Những ai là vâng luật. Những ai là vâng khiến. Những ai là Bồ tát tạng. Những ai ở núi đồng, những ai làm việc nhận cúng. Những ai thiền định. Những ai đạo hạnh. Những ai là đạo Bồ tát. Những ai là trợ tá. Những ai là chủ sự, để xét việc làm hết thảy chúng Tỳ kheo, đúng như việc họ làm, để tùy theo hiệu quả làm mà làm, không nên trở thành ganh ghét.

Nếu ở xóm chợ mà nói tới chùa chiền, nếu ở chùa chiền mà nói chợ xóm thì nên cẩn thận giữ gìn lời nói việc làm. Không nên đem việc trong chùa nói ở chợ xóm, cũng không nên đem chuyện xóm chợ nói ở chùa. Do thế, vâng thờ vị đa văn là để luyện tập. Vâng thờ vị rõ kinh là để giải quyết việc hiểu kinh. Vâng thờ vị giữ luật là để giải thoát khỏi tội ương. Vâng thờ Bồ tát tạng sâu (Bồ tát) là để rõ việc sáu độ phương tiện vô cực. Nếu có Tỳ kheo thiếu bình bát hay thiếu pháp y, nên cấp cho họ, chớ khiến sinh ganh ghét ở người. Vì sao? Người ta kết với nhau bằng ganh ghét, nên phải phòng hộ kẻ phàm, chứ không phải ứng nghi. Vì sao? Người phàm là có lỗi, còn bậc ứng nghi không có lỗi. Nếu có Tỳ kheo chưa vào chính đạo, hoặc tích chứa pháp y, hoặc tích chứa ứng khí, thì dùng đạo vô thượng chánh chân khai đạo cho Tỳ kheo đó. Vì sao? Việc có đo lường. Vì thế, vật chứa đựng là nhằm đến đạo. Chứa đựng dứt lòng. Nếu có bất hòa, nên hòa giải. Nếu chính pháp sắp suy vi, thì tự mình chịu nguy tới thân mạng, để ủng hộ chính pháp. Nếu thấy Tỳ kheo khổ vì tật bệnh, thì đem cho máu thịt khiến cho người bệnh được lành.

Này trưởng giả, nếu Bồ tát tại gia không bố thí thì không lấy gì để cấm chỉ người. Nếu có bố thí mà rốt cuộc không hối hận, nếu có các gốc đức, thì hãy dùng lòng ấy làm đầu mối. Này trưởng giả, nếu những việc, những loại, những nên làm, Bồ tát tại gia tu đạo làm như vậy.

Khi đức Thế Tôn đang thuyết dạy pháp kiến mà Bồ tát tại gia thi hành này, thì có ngàn người phát lòng cầu vô thượng chính chân. Lại có trời cùng người hai ngàn người xa bẩn lìa dơ, mắt pháp sinh ra. Do thế, trưởng giả Thậm bạch đức Thế Tôn nói: “Xin đức Thế Tôn Như Lai diễn giải đất nhà thiện ác của Bồ tát tại gia, cùng bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ ở đạo lớn phải nên thi hành. Xin đức Thế Tôn, Bồ tát xuất gia tu đạo làm gì, xin ngài hiện cho chút thiện. Xin đức Thế Tôn, Bồ tát xuất gia thì làm thế nào? Việc phải thi hành là gì?”

Đức Thế Tôn bảo trưởng giả Thậm: “Lành thay trưởng giả, nay ông hỏi đức Như Lai hạnh làm Bồ tát xuất gia tu đạo. Lành thay trưởng giả, ta đang vì ông nói hạnh làm của Bồ tát xuất gia. Ông gắng tinh tấn, khéo nhớ nghĩ. Trưởng giả Thậm thọ giáo, nghe đức Thế Tôn”.

Đức Thế Tôn nói: “Này trưởng giả, Bồ tát xuất gia tu đạo như cứu đầu cháy, như mặc áo giáp, tinh tấn để cầu trí tuệ”. Xuất gia ban đầu là như vậy. Tiếp đến là tu học thánh điển. Thánh điển của người xuất gia gọi là gì? Đó là nhắm được một y là đủ, cũng khéo có một bữa, một giường, bệnh ốm một thuốc trị là đủ là tốt. Đó là thánh điển. Vì sao gọi là thánh điển? Vì để tu hết thảy các pháp đạo phẩm, nên gọi là thánh điển.

Lại Bồ tát xuất gia tu đạo có mười đức biết đủ, mình mặc áo pháp. Mười là gì? Hổ thẹn nên mình mặc áo pháp, vì tránh gió nóng nên mình mặc áo pháp. Vì tránh muỗi, mòng, bò mắt, nên mình mặc áo pháp. Vì muốn biểu lộ hình dạng dứt lòng nên mình mặc áo pháp. Vị thần áo pháp cũng là thần mười phương nên mình mặc áo pháp. Vì hoạn nạn, rời dâm dục, vì không thích niềm vui dâm dật. Vì thích yên ổn thanh tịnh, nên từ bỏ niềm vui các trần lạo. Vì không cho béo mập là đạo hạnh. Thực hành gánh nặng đạo thánh, ta cũng tự tu, như có áo pháp một lúc là như mặc áo pháp. Đem mười đức đó, tự quán mình cho đến chết ở chỗ vắng lặng, mà không đi xin ăn. Mười là gì? 

Ta tự nhờ nghề mình để sống, mà không nhờ nghề chẳng phải khác. Nếu có người đến bố thí cho ta, thì nên trước dùng để làm việc Tam bảo, sau mới nhận của bố thí đó. Ta nếu theo người xin ăn, nếu gặp người không muốn cho, thì xót thương họ. Ta nên tự ăn đồ ăn do mình làm, để không trái với lời giáo huấn của đức Như Lai, để được thành tựu trách nhiệm nặng nề của việc biết đủ, để hàng phục lòng kiêu mạn, để thành tựu gốc đức vô kiến đỉnh. Ta cũng biểu lộ bố thí, để tự dạy mình nếu đi xin ăn. Ta cũng không được có sự lựa chọn trai gái, vì ta có lòng bình đẳng đối với người thiên hạ, để được thành tựu trách nhiệm nặng nề trí sáng. Này trưởng giả, đó là mười đức, mà Bồ tát xuất gia dùng để tự quán mình cho đến khi chết ở chỗ vắng lặng, không đi xin ăn.

Nếu có người đến mời, chỗ đến người ta lòng chí vui tin đạo, ta không nên sẽ đến. Giả sử đến ăn, nếu có thể làm lợi cho mình và cũng làm lợi cho người, thì có thể đến nhận thí. Ta dạy Bồ tát có thể xin họ. Ấy là mười đức có thể ngồi nghỉ đêm dưới gốc cây để tự quán. Mười là gì? Là để tự do đến đi, để không gọi có giường nằm, để không đóng cửa, để rời bỏ ái mà ở núi đầm, để thiếu dục thiếu sự làm thành đức, bỏ vứt thân mạng mà không tự tiếc, thích riêng tịnh để xa rời lòng lưu luyến làng xóm, để tu hành thân không ăn, để định ý làm an tịnh nhất ý, thiền định chỗ vắng là vô ích. Này trưởng giả, đó là mười đức mà Bồ tát xuất gia có thể nghỉ ở dưới gốc cây tự quán.

Lại này trưởng giả, hoặc Bồ tát kia xuất gia tu đạo đến ở núi đầm, nếu muốn học kinh, nếu để tụng kinh, nên vào chùa. Nếu ở chùa lòng hướng đến ở núi đầm, thì ở núi đầm kia. Người thực hành cầu pháp, thì có ý tưởng mọi vật không là ta, có ý tưởng hết thảy các pháp là tha nhân có.

Lại Bồ tát xuất gia tu đạo, nếu đến ở núi đầm, nên tự xem xét ta nay vì sao đến trong núi đầm này, không phải chỉ để ở núi đầm, gọi đó là dứt lòng. Vì sao? Vì ở vùng này có nhiều thứ không thể dạy, không thể giữ, không thể độ, không thể đáp, không thể tu hành được cũng đều đến núi đầm. Đó là cầm thú các loài chim, khỉ, gà lôi, người ác, trộm cướp, đều đến ở núi đầm, ai cũng không gọi chúng là dứt lòng. Đến như ta tìm ở núi đầm, nên vì thành tựu điều ta tìm cầu, đó là tìm dứt lòng. Nhưng vì sao Bồ tát dứt lòng? Đó gọi là chí không loạn. Đạt được nó, thì mang đi khắp để hiểu việc đầy đủ nên nghe là không đủ, nên được biện từ, nên lòng từ không thiếu lòng thương lớn, nên không chuyên rời năm thần thông, hưng long sáu độ vô cực, dẹp hết thảy thù địch. Lòng không chọn bỏ, thực hành trí tuệ quyền mưu, đem pháp bố thí, tập hợp nhân dân, thành tựu bốn việc tập hợp nhân dân. Không chọn bỏ cũng đáng nhớ. Đem tinh tấn nghe không thiếu sót là gốc ngọn của trạch pháp, là điều kiện của đạo chính độ. Trí cũng không là việc vào chính đạo vì việc hộ vệ chánh pháp.

Tin tội phước là thấy đúng. Suy nghĩ việc mình làm để cắt bỏ là suy nghĩ đúng. Tùy sở thích để thuyết minh pháp nói đúng. Tùy việc làm đầy đủ hết là làm đúng. Trừ bỏ những tỳ vết đang tiếp tục là sống đúng. Dùng đạo để đạt tới là phương tiện đúng. Vì không quên nhẫn là chí đúng. Dùng mọi trí sắc bén để đạt tới là định đúng. Nếu dùng không làm niềm vui hạnh bất tưởng, nếu dùng việc đạt bất nguyện làm cắt đứt thế tục, dựa vào nghĩa mà không dựa vào văn, dựa vào pháp mà không dựa vào người, dựa vào trí mà không dựa vào thức, diễn nghĩa về văn gốc mà không dùng nghĩa tả ở ngọn, này trưởng giả, đó là việc cầu dứt lòng của Bồ tát xuất gia.

Lại nữa, người xuất gia tu đạo không nên có nhiều tùng sự, vì suy nghĩ như vậy về gốc ngọn của mình, nếu không tùng sự hết thảy chúng sinh, dù mình triết một người cũng không tùng sự. Lại có bốn tùng sự đức Như Lai giáo huấn cho Bồ tát xuất gia. Sao gọi là bốn? Một là tùng sự giảng kinh. Hai là tùng sự người đã thành tựu. Ba là tùng sự người cúng dường Như Lai. Bốn là tùng sự với người phát lòng nhất thiết trí không loạn. (Vậy) rời bỏ kia, không nên tùng sự nhiều. 

Lại nữa Bồ tát đến núi đầm phải tự xem xét ta tại sao lại đến đây. Họ suy nghĩ ta vì sợ hãi mà đến đó. Sợ hãi gì? Sợ hãi sự quần tụ đó. Sợ hãi cùng người tùng sự tham dâm, sân nộ, ngu si, kiêu mạng tự buông lung. Sợ hãi bạn ác. Sợ hãi ghen ghét, keo kiệt. Sợ hãi sắc, tiếng, hương, vị, trơn mịn. Sợ hãi khen công, lợi cung kính. Sợ hãi không thấy nói thấy, không nghe nói nghe, không biết nói biết, không hiểu nói hiểu. Sợ hãi vết dơ của dứt lòng. Sợ hãi càng ganh ghét. Sợ hãi rơi vào năm đường tới lui sinh tử. Sợ hãi cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc. Sợ hãi ấm bậy, chết bậy, bận rộn, thiên tử bậy. Sợ hãi ác đạo, địa ngục, súc sinh, quỉ thần. Sợ hãi mọi niệm các ác thảng thốt đó.

Ta đến đó, không thể vì thế mà tại gia. Nếu ở trong quần tụ, làm các hạnh không đúng đạo, thì không được miễn các nỗi sợ hãi kia. Những vị Bồ tát ngày xưa miễn thoát các nỗi sợ hãi ấy, họ tất cả đều nhờ thế ở núi đầm. Đạt tới được sự không sợ hãi đó gọi là tự nhiên. Do đó, ta vì sợ hãi, muốn vượt qua các nỗi sợ mà ở núi đầm. Lại nữa, mọi nỗi sợ ấy đều do thân sinh. Vì lưu luyến thân, vì sửa sang thân, vì yêu thân, vì làm đầy thân, vì nghĩ thân, vì thân, vì ở thân, vì tưởng thân, vì giữ thân mà sinh ra. Giả sử đến núi đầm ở vì có lòng do thân, có lòng luyến mộ thân, sửa thân, phải thân, yêu thân, nghĩ thân, thấy thân, ở thân, tưởng thân, có thân, giữ thân. Ta trống vắng nên ở núi này.

Lại nữa, người ở núi đầm là vì tưởng không thân. Người ở núi đầm vì không có tưởng khác. Người ở núi đầm không thấy bàn cãi, không sửa sang tự thấy thân mình, không có điên đảo, không có tưởng vô vi. Huống nữa là có tưởng trần lao. Ở núi đầm có tên gọi là mọi pháp vắng lặng, không bám víu các pháp, không bám víu các niềm sướng, không yêu các tưởng, không lẫn lộn sắc, tiếng, hương, vị, trơn mịn, không dựa vào các định, lòng tự chỉnh không tán loạn, đã đặt xuống nỗi sợ các gánh nặng, đã vượt qua đầm rộng bát ngát, đã tạo được thánh điển vĩ đại, đã biết hết thân thuộc của gian ác, là nhiệm vụ thiếu dục nặng nề, dùng trí tuệ để hiểu biết, là đáp ứng đúng, là hiểu việc làm gốc ngọn, là làm xong việc cắt đứt hết mọi tù ngục, vì đã vĩnh viễn cởi bỏ.

Này trưởng giả, ví như trong núi đầm có các thứ cây cối cỏ rác đều không đáng sợ, đều không đáng hãi. Như vậy, này trưởng giả, Bồ tát đến ở núi đầm, giữ chí nên giống như thí dụ về cây cối tường đá. Thân nhờ thọ nhận mà hành động, thì họ còn sợ ai, họ vì sợ mà suy nghĩ gốc ngọn của thân rằng ta chẳng có thân, chẳng phải người, chẳng phải mình, chẳng phải trượng phu, chẳng phải loài, chẳng phải nữ, chẳng phải trước, chẳng phải kẻ làm, chẳng phải kẻ bảo làm, chẳng phải kẻ cho, chẳng phải kẻ gây. Những nổi sợ ấy vì có tưởng bất thành mà có. Nay ta nên tưởng bất tạo bất thành thì có nổi sợ hãi ấy. Nay ta không nên gây tưởng bất thành thì sẽ giống như loài cây cây gỗ cỏ rác, chúng cũng là như vậy. Không có tiếng vang để hiểu tất cả. Pháp kia dùng tiếng vang làm đủ để cắt đứt việc ở núi đầm, bỏ rời bụi dâm  có các tiếng vang việc ở núi đầm, chẳng phải ta, chẳng phải người có vật.

Lại nữa, người đến ở núi đầm lại suy nghĩ vì để thông đạt pháp đạo phẩm nên ở núi đầm. Ở núi đầm để họp tụ mười hai tinh. Ở núi đầm để hiểu các sự thật. Ở núi đầm để biết các ấm dùng thanh tịnh ngăn chặn các tình, để bắt các cuộc xâm nhập, không quên lãng lòng đạo, mà chư Phật tán thán, các thánh ca ngợi và kẻ muốn để đời thờ phụng. Ở núi đầm để hiểu hết thảy phương thuật của trí tuệ sắc bén.

Lại nữa, đi ở núi đầm là để nhanh chóng chu toàn hạnh sáu độ vô cực. Để đạt chúng, sao phải đi ở núi đầm? Nếu không tự tiếc thân mạng mình, đó là bố thí độ vô cực. Nếu lòng không loạn có thể hết thảy nhanh chóng cảm các đạo không khác, đó là hạnh nhẫn nhục độ vô cực. Cho đến khi chưa được nhẫn nhục thì rốt cuộc không đứng lên, đó là tinh tấn độ vô cực. Nếu đã đạt nhất tâm không theo trí nhanh mà chỉ để làm mạnh gốc đức, đó là nhất tâm độ vô cực. Nếu thấy như đạo núi đầm thì cũng làm như vậy để phân biệt mọi việc, đó là trí tuệ độ vô cực, bày tỏ để dùng đạo mà đạt tới.

Lại nữa này trưởng giả, hãy tu trị bốn pháp ta đã dạy Bồ tát ở núi đầm. Sao gọi là bốn? Hoặc có Bồ tát nghe nhiều, biết rõ yếu quyết giáo pháp, đem điều mình nghe thực hành gốc ngọn, có thể ở núi đầm. Lại Bồ tát đã được năm thông, muốn để thành tựu trời rồng quỉ thần, có thể ở núi đầm. Hoặc có Bồ tát trần lao nhiều, họ bèn không theo việc, trần lao thành mỏng, có thể ở núi đầm cũng muốn ức chế trần lao, để tự khích lệ mình. Đó như thế đều do nghe. Đến ở kia (núi đầm) đã đầy đủ hết thảy pháp thanh tịnh, sau đó mới đi xuống làng xóm quận huyện kinh đô, đi xuống mọi người, giảng dạy giáo pháp, tu hành giáo pháp. Như vậy, này trưởng giả, ta dạy Bồ tát ở núi đầm.

Lại xuất gia tu đạo đi ở núi đầm là để tu trị kinh điển, tụng tập kinh điển. Vào chúng là để chấp hành cung kính khiêm tốn. Thầy bạn giảng dạy, thanh thiếu niên phải tôn trọng, không lười biếng điều mình tự tu, không bỏ phế điều người tu, cũng không tìm cầu sự cung kính, nên quan sát như vậy. Đức Phật Như Lai ứng nghi chính chân được Phạm Thiên, Đế Thích, trời người chúng sinh cúng dường, là ruộng phước được trên trời, dưới trời tôn trọng, mà vẫn không tìm cầu người vâng thờ, tự làm việc mình, không phiền đến người. Huống nữa là những người khác chưa học xong, mới định học lại muốn người vâng thờ mình ư?

Lại nữa ta phải nuôi dưỡng người thiên hạ. Ta phải cúng dường người. Ta không theo người xin cúng dường. Vì sao? Vì cúng dường nặng nề. Này trưởng giả, Tỳ kheo không được phép giúp cúng dường, nên để giúp ta không dùng pháp. Muốn dùng pháp giúp người, để làm như vậy, dùng cúng dường đó mà giúp ta không dùng giáo pháp. Muốn dùng pháp giúp người, để làm như vậy, thì dùng cúng dường đó nên giúp ta không dùng giáo pháp. Kẻ có mang lòng chính tín, thì đáng cúng dường, còn người xen tạp với việc đời thì không phải là người có ơn lớn. 

Do thế, nếu muốn đi đến Phật và thầy bạn, những gì thân ý làm đã quyết, mới có thể đến. Mến mộ lời dạy ta là thầy bạn, dùng hạnh khác không lỗi vì không trách hỏi đọc gọi tụng tập, dồn chứa cho việc dạy dỗ. Do thế, muốn đọc kinh thì không cần đến thân mạng, chỉ mến thích giáo pháp tùy thuận ý thầy, để cầu lợi ích giáo pháp, chứ không phải để cầu lợi ích mọi thứ cung kính khen ngợi. Nếu theo thầy nhận mấy bài tụng bốn câu nhỏ để tụng đọc, nếu trong khi bố thí, giữ giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ mà đem chúng cúng dường thầy, thì số chữ bốn câu tụng do mình đọc như số của kiếp để cúng dường thầy vẫn chưa hết được lòng kính thầy. Há lại bảo là được lòng kính pháp.

Lại nữa, này trưởng giả, nếu ý niệm đó sinh, dùng ý có đức, ý có Phật và pháp, ý có sợ rời tham dâm, ý có tịch tịnh, nên tu trị bài tụng bốn câu, tuân hành nó, như số của kiếp, để cúng dường thầy mình, vẫn chưa hết được lòng kính trọng pháp. Này trưởng giả, nên biết việc ấy như vậy. Phước đức của pháp là như vô số, nhân được trí tuệ cũng vô lượng. Vì thế, Bồ tát muốn chọn được pháp cao thượng, còn phải đem vô số lòng kính trọng đối với chính pháp. Nếu suy nghĩ như vậy, họ đáng nghe tịnh giới. 

Sao gọi là tịnh giới? Bồ tát xuất gia có 4 tịnh giới. Một là tạo chép thánh điển. Hai là mến thích đức tinh tấn. Ba là không cùng tại gia, mà xuất gia làm việc. Bốn là không siểm nịnh, ở núi đầm. Đó là bốn tịnh giới của Bồ tát xuất gia.

Lại có bốn tịnh giới. Sao gọi là bốn? Cẩn thận giữ thân, thân không mắc ngại. Cẩn thận giữ lời nói, lưỡi nói không ngại. Cẩn thận giữ lòng, lòng không mắc ngại. Bỏ rời tàn nghi, tạo nên ý sắc bén. Đó là bốn tịnh giới của Bồ tát xuất gia.

Lại có bốn tịnh giới. Sao gọi là bốn? Một là tự hiểu biết. Hai là không tự cống cao. Ba là không tỏ vẻ mặt với người. Bốn là không hủy báng người. Đó là bốn tịnh giới của Bồ tát xuất gia.

Lại có bốn tịnh giới. Sao gọi là bốn? Một là hiểu các ấm là huyễn pháp. Hai là đã hiểu các tình là pháp tình. Ba là đã hiểu các nhập là hư tụ. Bốn là không đi theo nghi thức tục lệ địa phương. Này trưởng giả, đó là bốn tịnh giới của Bồ tát xuất gia.

Lại có bốn tịnh giới. Bốn là gì? Một là không tự lo về ta. Hai là xa rời những gì ta có. Ba là cắt đứt bỏ những gì thường tại. Bốn là đặt xuống các pháp nhân duyên. Đó là bốn tịnh giới của Bồ tát xuất gia.

Lại có bốn tịnh giới. Sao gọi là bốn? Một là hiểu không. Hai là dùng vô tưởng không sợ. Ba là dùng đại bi đối với mọi người. Bốn là biết được vô ngã. Đó là bốn tịnh giới của Bồ tát xuất gia.

 Bồ tát thường nghe tịnh định, nên quán như vậy. Tịnh định đó gọi là gì? Để thông hết thảy pháp, không thực hành các ý khác, vì có quyết ý, vì có đoan ý, vì ý không lầm trái, vì ý không theo tình dục làm việc, vì dùng pháp quán huyền. Ta nếu là pháp huyền thì tình cũng vậy, nên không làm hại, nó cũng không thể tồn tại. Đã đi theo sự đúng đó, thì gọi là chính định. Nếu trụ pháp như pháp, như vậy gọi là định.

Quán như vậy, Bồ tát thường nghe tịnh huệ. Huệ đó gọi là gì? Trí chọn các pháp gọi đó là tuệ. Tướng không nhận thì không làm, tướng không tạo thì không tồn tại, tướng vô vi thì không theo đuổi. Do thế, này trưởng giả, dùng pháp quán như vậy, đó gọi là việc làm của Bồ tát xuất gia.

Lại khi nói kinh này xong có năm trăm người dấy lên lòng đạo chính chân. Còn trưởng giả Thậm và những người của mình để thốt lên lời: “Chưa từng có, bạch đức Thế Tôn. Lời lành của đức Như Lai đến mới như vậy! Ác đức của nhà, việc làm của gánh nặng cũng như vậy. Các đức lành của việc xuất gia cũng vậy. Tôn giả Thế Tôn đã nói rõ nhiều đức ác của người tại gia, đến tới vô số đức lành của việc xuất gia, thì chúng con được đi theo Thế Tôn, nhận giới xuất gia, noi hạnh Tỳ kheo”.

Đức Thế Tôn trả lời: “Này trưởng giả, xuất gia là khó khăn. Ông có thể nghiên cứu thuần đức gốc lành, vâng giữ lời giáo huấn”. 

Trưởng giả lại bạch Phật nói: “Thưa đức Thế Tôn, xuất gia tuy khó kham chịu, đức Như Lai còn có thể tự mình lấy việc xuất gia làm đạo”.

Đức Thế Tôn bèn khiến Bồ tát Từ Thị và Bồ tát Nhất Thiết Hành Tịnh đồng ý nhận các trưởng giả kia. Bồ tát Từ Thị nhận hai trăm trưởng giả, Bồ tát Nhất Thiết Hành Tịnh nhận ba trăm trưởng giả xuất gia tu đạo.

Bấy giờ, hiền giả A Nan gọi trưởng giả Thậm nói: “Ngài ở nước nhà, thấy gì mà có thể vui thích đạo thánh xuất gia?” Trưởng giả Thậm trả lời A Nan, nói: “Tôi không vì tham muốn nỗi sướng của thân mình, mà muốn đưa chúng sinh đến vui sướng, nên tôi đã tại gia. Lại nữa, đức Như Lai tự hiểu tôi, Ngài nhận lời dạy kia kiên cố mà tại gia”.

Lúc ấy, đức Thế Tôn bảo A Nan: “Này A Nan, ông đã thấy trưởng giả Thậm. Như vậy đức Thế Tôn cũng đã thấy trưởng giả Thậm. Này A Nan, ở trong hiền kiếp này, đã thành tựu nhiều người làm Bồ tát xuất gia, mà trong cả trăm kiếp cũng không bằng vậy. Vì sao vậy? Này A Nan, Bồ tát xuất gia tu đạo trong một ngàn người không thể có đức mới thế. Trưởng giả này có đức ấy”.

Bấy giờ A Nan bạch Phật nói: “Bạch đức Thế Tôn, nên gọi kinh pháp này tên gì? Nên phụng trì thế nào?” Đức Thế Tôn nói: “Như thế, này A Nan, kinh pháp này tên Diễn biến tại gia xuất gia, ông nên phụng trì. Cũng có tên Diễn biến đức nội tính, ông nên phụng trì. Cũng gọi là Thậm sở vấn, ông nên phụng trì. Và người đã nghe kinh pháp này rồi, này A Nan, là đầy đủ pháp tinh tấn đặc biệt mạnh mẽ, mà người tinh tấn thực hành hết thảy mọi uy nghi cũng không bằng nó. Vì thế, này A Nan, nếu ai muốn dấy tâm tinh tấn, nếu muốn khuyến khích nó, nếu muốn lập hết thảy mọi công đức, muốn tạo lập các đức hạnh con người thì nên dùng kinh pháp này. Đã nghe rồi, đã nhận rồi, ta đem giao phó cho ông, này A Nan, kinh pháp này nhiều lần dùng đem tuyên giảng cho mọi người. Vì sao vậy? Nó chính hạnh của mọi đức pháp. Này A Nan, Kinh pháp này đáp ứng đúng đắn”.

Đức Thế Tôn nói xong. Ngài A Nan vui mừng. Và trưởng giả Thậm, trời cùng người cũng hân hoan. Đức Thế Tôn nói xong. Họ đều suy nghĩ.
 

PHÁP KÍNH KINH HẬU TỰ

 Tựa nói: Hễ không soi gương sáng thì không thấy bóng mình. Không khen kinh thánh thì không thấy tình mình. Tình có chân ngụy, tính có cương nhu, chí có thuần dữ, ý có tốt sáng, biết có sâu cạn, không thể đồng nhất. Không thấy kinh thánh thì không gì để tự làm sáng mình. Cho nên, đức Phật viết kinh, tên gọi là Pháp kính, trao cho các vị thượng thủ Bồ tát truyền dạy thiên hạ, để bậc hiền lương hữu thức, học giả thông đạt, hành giả chí ngay mau được đạt đạo thành vô thượng.

Họ Khương đức lớn, lòng thông bát đạt, đã viết chú giải, diễn bày ý nghĩa, lời văn nhã đẹp, rực rỡ sáng tươi, để lại giáo huấn cho đàn hậu tấn, khai đạo mới học. Đối với việc học, có ích để dâng trình, ý tứ chặt chẽ, thật đáng ca ngợi.

Nhưng diệu chỉ của thượng thánh, mục đích sâu thẳm, không thể tìm hết. Tôi xét nghĩa lớn, có nhiều sai khác, sợ kẻ hậu học lấy đó làm đúng, mà đánh mất nghĩa chính. Cả hai đều có lỗi. Tôi trải qua suy nghĩ kỹ càng, xử lý chỗ thiếu sót, có bảy mươi tám việc, kính dẫn các kinh, so định nghĩa nó, hầu khiến ứng hợp, không còn tỳ vết.

Lại nữa, câu chữ bản kinh phần lớn lần mất do tước bỏ cải dịch chữ dịch chữ nó, khiến câu đọc không khớp, âm vận không sánh, nghĩa lý sai lầm, không tiếp liền nhau, mất nhiều thích đáng. Hễ thánh thượng chế kinh, lời gọn nghĩa đúng, đầy đủ không có tỳ vết, không thể lại thêm bớt. Nó giống như tay chân con người, nhận từ cha mẹ, dài ngắn đẹp xấu, mỗi do gốc cội, há có thể lại canh cải được ư? Đó gọi là thêm thì gây tỳ vết, bớt thì đục khoét vết thương.

Vả lại, thi thơ lễ nhạc thế tục, chữ sót ngày xưa, tuy chẳng phải chính thể, đám hậu học chẳng dám cải đổi, mà đều tôn kính sách xưa, chuyền nhau vâng thuận. Huống nữa là kinh này rõ ràng do thánh thần chế ra, mọi tiên thánh trên trời dưới trời chẳng ai là chẳng cúi đầu vâng nhận để làm mẫu sáng. Người học thêm trí, kẻ hành được độ, số là không kể.

Thế mà người học muôn đời mạt tục này, thấy nghe chưa rộng, lại đem ý riêng mình, bỏ bớt lời đúng, trái phạm sách kinh, há không lầm lạc ư? Tiếng nói học Phật, mà trái lời Phật dạy, thế muốn cầu gì?

Xưa thời Phật Duy Vệ có người trái tên Phật một chữ, sau mắc phải tội mù năm trăm năm, mờ mờ mịt mịt, khốn khổ lâu lắm. Đến thời Phật Thích Ca Văn, người ấy nghe đức Thánh, nên đến tự quy, hầu được cứu giúp. Đức Phật xa thấy ông và gọi, mắt ông liền sáng. Bèn gieo mình hối lỗi, xin được chữa lành. Đức Phật bảo: “Tội con xong rồi, nay không có lo gì khác”. Xem đó thì không thể không thận trọng. Hễ người nếu có thể phục thiện thứ lỗi ăn năn, cải lỗi qua, làm tốt tới, đó cũng là ý của bậc hiền giả.


Tiêu điểm:

Âm lịch

Ảnh đẹp