GIỚI THIỆU PHÁP KÍNH KINH TỰ
Trong
số ba bản chú giải, mà ta biết Khương Tăng Hội đã thực hiện đối với các
kinh An ban thủ ý, Pháp kính và Đạo thọ, bản An ban thủ ý kinh chú giải
cùng bài tựa đó còn nguyên vẹn và chúng tôi đã cho nghiên cứu và phiên
dịch. Bản Đạo thọ kinh chú giải với bài tựa thì ngày nay hoàn toàn thất
lạc. Còn về bản chú giải kinh Pháp kính do An Huyền và Nghiêm Phù Điều
dịch thì hiện cũng đã thất lạc, nhưng bài tựa được bảo lưu trong Xuất
tam tạng ký tập 6 ĐTK 2145 tờ 46b19-c11 và ngay trước phần chính văn của
Pháp kính kinh ĐTK 322 tờ 15a2-24 dưới nhan đề Pháp kính kinh tựï.
Do
thế, để việc tìm hiểu Khương Tăng Hội một cách đầy đủ, chúng tôi cho
nghiên cứu Pháp kính kinh tự. Đồng thời chúng tôi cũng cho dịch luôn bản
kinh Pháp kinh của Kỵ đô úy An Huyền ra tiếng Việt, nhằm cung cấp một
số ý niệm cho người đọc biết kinh ấy có nội dung gì, từ đó có thể lý
giải nguyên do vì sao Khương Tăng Hội đã chọn bản kinh này để chú giải.
Nói khác đi, nó cung cấp cho ta ít nhiều quan điểm giáo lý của Khương
Tăng Hội.
I. VẤN ĐỀ TRUYỀN BẢN
Bản
Pháp kính kinh tựï nằm trước phần chính văn này theo lời chua của bản
in đời Nguyên năm 1290 là “lấy ra từ bản chú giải” (xuất chú bản). Điều
này có nghĩa Pháp kính kinh giải tử chú cho đến năm 1290 vẫn còn lưu
hành, để cho bài tựa được trích từ bản chú giải và in vào trước bản
kinh. Sự thực, trong bản in Pháp kính kinh hiện nay của Đại Chính tân tu
Đại tạng kinh, vào phần cuối kinh có in thêm Pháp kính kinh hậu tự với
lời chua: “Hậu tự này y vào hai bản Nguyên và Minh để đối chiếu với Tống
bản”. Thế cũng muốn nói rằng bài Hậu tự ấy xuất hiện lần đầu tiên trong
bản in Đại tạng kinh của nhà Tống. Nhưng bản in nhà Tống này không phải
chỉ bản in năm 972, cũng không phải bản in Sùng Ninh Vạn Thọ năm 1080,
vì nó không xuất hiện trong bản in Cao Ly. Nó chỉ có trong bản đời Tống
năm 1239 và sau đó bản in Nguyên và Minh.
Hậu
tự ấy, do thế, tuy ngày nay không đề tên tác giả, ta có thể đoán là
phải được viết sau năm 972 và trước năm 1239. Cứ vào nội dung thì người
viết đã đọc bản chú giải của Khương Tăng Hội và có nhận xét: “Lời lẽ nhã
đẹp, rực rỡ sáng tươi (. . .) ý tứ chặt chẽ, thật đáng ngợi ca. Nhưng
diệu chỉ của thượng thánh, mục tiêu sâu thẳm, không thể hiểu biết. Tôi
xét nghĩa lớn, có nhiều sai khác, sợ người hậu học cho đó là đúng, mà
đánh mất nghĩa hay, cả hai đều có lỗi, tôi nghĩ kỹ nhiều, sửa chỗ thiếu
sót, có bảy mươi tám việc …” Vậy, khoảng giữa những năm 972 và 1239 đã
có một tác giả nghiên cứu kỹ Pháp kính kinh giải tử chú của Khương Tăng
Hội, phát hiện nó có những “khiếm khuyết” lên tới số 78 việc.
Tất
cả dữ kiện trên cho thấy ít nhất đến giữa những năm 1239 và 1290 Pháp
kính kinh giải tử chú vẫn còn lưu hành và lôi cuốn sự quan tâm của những
người học tập nghiên cứu kinh Pháp kính nói riêng và Phật giáo nói
chung. Việc thất lạc như thế chỉ xảy ra từ năm 1290 trở đi, đặc biệt là
sau năm 1601 của bản in đời Minh. Lý do có lẽ một phần nào xuất phát từ
nhận định về “78 khiếm khuyết” của Pháp kính kinh giải tử chú do tác giả
bài Hậu tự trên nêu lên, tác động tới những người đứng khắc bản có bản
in đời Tống năm 1239, Nguyên năm 1290 và Minh năm 1601, dẫn cuối cùng
tới việc loại Pháp kính kinh giải tử chú khỏi những lần in này.
Thế
lần in Đại tạng kinh đầu tiên năm 972 và lần in Sùng Minh Vạn Thọ năm
1080, phải chăng Pháp kính kinh giải tử chú cũng không được khắc bản?
Đây là một khả năng, bởi vì bản in Cao Ly năm 1151 đã sử dụng bản in đời
Tống năm 972 làm bản đáy, và hiện không có bản chú giải ấy. Như vậy,
chắc bản in năm 972 đã không khắc nó. Từ đó, nếu bản in đời Nguyên năm
1290 có nhắc đến “chú bản”, thì “chú bản” này hẳn được lưu hành dưới
dạng một bản chép tay.
Dạng
bản đây trên một nghìn năm đã lưu truyền được bản chú giải ấy, để cho
Tăng Hựu trong Xuất tam tạng ký tập 13 ĐTK 2145 tờ 97a15 và Huệ Hạo
trong Cao tăng truyện 1 ĐTK 2059 tờ 326a23 nhắc tới. Rồi các kinh lục về
sau từ Lịch đại tam bảo ký 5 ĐTK 2034 tờ 59b2 của Phí Trường Phòng đến
Đại Đường nội điển lục 2 ĐTK 2149 tờ 230a17 của Đạo Tuyên, Cổ kim dịch
kinh đồ kỷ 1 ĐTK 2151 tờ 352b20 của Tỉnh Mại, Khai Nguyên thích giáo lục
2 ĐTK 2145 tờ 491b20-21 của Trí Thông và Trinh Nguyên tân định thích
giáo mục mục 3 ĐTK 2157 tờ 788c18 của Viên Chiếu đều xác nhận Pháp kính
kinh giải tử chú vẫn lưu hành để truyền cho tới khoảng năm 1290, khi bản
in đời Nguyên, kinh Pháp kính còn ghi nhận như đã nói.
Ấy
vậy mà trong bảy trăm năm qua bản chú giải đó đã thất lạc. Đây không
chỉ là một mất mát đối với lịch sử Phật giáo thế giới mà còn là một mất
mát đối với lịch sử Phật giáo dân tộc ta. Nếu còn, nó giống như An ban
thủ ý kinh chú giải chắc chắn sẽ cung cấp cho ta khá nhiều thông tin cho
việc tìm hiểu không chỉ tình trạng Phật giáo Việt Nam thời Khương Tăng
Hội, mà còn tình hình tư tưởng, văn học và học thuật nước ta lúc ấy.
Điều may mắn là, dù bản chú giải đã mất, lời tựa viết cho bản đó vẫn
còn. Do thế nó có thể cung cấp cho ta ít nhiều thông tin về thời điểm
Khương Tăng Hội có khả năng viết Pháp kính kinh giải tử chú và quan điểm
của Hội đối với nội dung tư tưởng của bản kinh.
Tăng
Hựu và Huệ Hạo chỉ nói Hội “lại viết chú giải cho ba kinh An ban thủ ý,
Pháp kính, Đạo thọ cùng đề tựa”, mà không ghi các bản chú giải ấy cụ
thể có tên gì. Đến Phí Trường Phòng viết Lịch đại tam bảo ký 5 ĐTK 2034
tờ 59b2, ta lần đầu tiên mới biết tên chính thức của bản chú giải Pháp
kính là Pháp kính kinh giải tử chú. Tên này sau đó Đạo Tuyên trong Đại
Đường nội điển lục, Tỉnh Mại trong Cổ kim dịch kinh đồ kỷ đã lặp lại.
Trí Thăng trong Khai Nguyên Thích giáo lục và Viên Chiếu trong Trinh
Nguyên tân định thích giáo mục lục chỉ có tên Pháp kính kinh chú giải.
Về
tên bài tựa, ngay từ thời Tăng Hựu cho “sao soạn” nó lại trong Xuất tam
tạng ký tập 6 ĐTK 2145 tờ 46b19-c11, ta có tên Pháp kính kinh tựï. Đó
cũng là tên các bản in Tống, Nguyên, Minh và Cao Ly hiện có trong bản
Đại Chính tân tu Đại tạng kinh. Điểm cần chú ý là tuy có tên Pháp kính
kinh tựï, nó không phải thuần túy “là bài tựa về Pháp kính”. Trái lại,
theo nội dung, nó thực chất là “bài tựa về bản chú nghĩa kinh Pháp
kính”, như chính nó đã viết: “Kỵ đô úy An Huyền, Nghiêm Phù Điều, đất
Lâm Hoài (v.v..) truyền dịch kinh này (…) Hội tôi thấy lời dạy lớn của
kinh có thể cứu lầm than nơi vực thẳm, nhưng nghĩa bị chặn không thông,
nhân rảnh đem hết chỗ ngu chú nghĩa”.
II. VẤN ĐỀ NIÊN ĐẠI
Vậy,
Khương Tăng Hội viết Pháp kính kinh giải tử chú cùng lời tựa vào thời
điểm nào? Kể từ ngày Tăng Hựu viết tiểu sử Hội trong Xuất tam tạng ký
tập 13 ĐTK 2145 tờ 96a29-97a17 và nói: “Hội ở chùa Kiến Sơ dịch ra các
kinh pháp (…), lại chú ra kinh An ban thủ ý, Pháp kính, Đạo thọ cùng
viết tựa kinh”, Huệ Hạo cùng các nhà kinh lục về sau như Phí Trường
Phòng trong Lịch đại tam bảo ký 5 ĐTK 2034 tờ 59b5-60a24 và Đạo Tuyên
trong Đại Đường nội điển lục 2 ĐTK 2149 tờ 320a10-c23 đều nhất trí tán
thành quan điểm vừa nêu của Hựu. Điều này có nghĩa Khương Tăng Hội đã
viết Pháp kính kinh giải tử chú sau năm 247, khi Tôn Quyền dựng chùa
Kiến Sơ cho Hội xong.
Phí
Trường Phòng, rồi sau đó Tỉnh Mại trong Cổ kim dịch kinh đồ kỷ 1 ĐTK
2151 tờ 352b15 thậm chí còn xác định thời điểm dịch thuật và trước tác
của Hội vào năm Thái Nguyên thứ hai Tân Mùi, bao gồm luôn việc viết Pháp
kính kinh giải tử chú. Soạn Khai Nguyên thích giáo lục 2 ĐTK 2145 tờ
491b14 hơn ba mươi năm sau, Trí Thăng nhận ra năm Thái Nguyên Tân Mùi
không phải là năm thứ hai mà là năm thứ nhất (21) và đồng ý với Tỉnh Mại
để nói Khương Tăng Hội dịch Lục độ tập kinh, Cựu tạp thí dụ kinh v.v …
vào năm 251. Trí Thăng vì chủ trương không xếp các bản chú giải trên vào
mục các tác phẩm phiên dịch của Hội, nên không quan tâm đến chúng. Đây
cũng là quan điểm của Viên Chiếu trong Trinh Nguyên tân định Thích giáo
mục lục 3 ĐTK 2157 tờ 788c12-20.
Nói
chung, lập trường của các nhà kinh lục Trung Quốc là đặt toàn bộ sự
nghiệp trước tác và dịch thuật của Khương Tăng Hội sau năm 247, khi Hội
đã đến Trung Quốc. Lập trường này tỏ ra không đứng vững lắm, nếu ta đi
sâu vào việc nghiên cứu chính những tác dịch phẩm hiện còn của Hội. Cụ
thể là Cựu tạp thí dụ kinh và đặc biệt An ban thủ ý kinh chú giải mà ta
còn có những bằng chứng hết sức đáng tin cậy, xác nhận chúng phải được
viết giữa những năm 221-230 tại Việt Nam, rất lâu trước lúc Hội cất bước
“chống gậy đông du” đem Phật giáo đến khai hóa vùng đất đang nỗ lực nô
dịch dân tộc ta và đang gặp những thất bại lớn trước sự chống đối mạnh
mẽ của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của những anh hùng dân tộc như Sĩ
Nhiếp, Triệu Thị Trinh, Triệu Quốc Đạt và Lữ Hưng.
Nếu
An ban thủ ý kinh chú giải được viết vào những năm 221-230, như ta đã
chứng minh thì có khả năng Pháp kính kinh giải tử chú cũng viết trong
khoảng thời gian đó không? Đây là câu hỏi khó trả lời nhất do việc thất
lạc các tư liệu liên hệ đến bản chú giải, nhất là chính bản thân Pháp
kính kinh giải tử chú. Những gì chúng ta hiện có là bài tựa Pháp kính
kinh tựï và bài Hậu tự vô danh viết khoảng giữa những năm 972-1229. Bản
Hậu tự này cũng không cung cấp một điểm chỉ hữu ích gì cho việc xác định
thời điểm ra đời của Pháp kính kinh giải tử chú, trừ việc nó nêu lên 78
chỗ “khuyết nghì” của bản chú này.
Tuy
nhiên, lời tựa của chính Khương Tăng Hội viết: “Hội tôi thấy sự giáo
hóa lớn của kinh, có thể dùng để cứu lầm than nơi vực thẳm, nhưng nghĩa
bị chặn không thông, nhân rảnh đem hết chỗ ngu viết ra chú nghĩa. Tang
thầy trải năm, không do đâu hỏi lại (. . .) nay ghi chép chỗ khuyết
nghi, đợi chờ minh triết về sau”. Thế cũng có nghĩa Hội đã viết Pháp
kính kinh giải tử chú theo những gì thầy ông đã dạy cho ông khi vị thầy
này còn sống. Ta đã biết “ba vị thầy” của Hội đã mất khoảng năm 220. Cho
nên, Hội đã thu thập tài liệu cho việc viết bản chú giải ấy không thể
chậm hơn năm 220 ấy, nhưng để thực hiện biên tập nó thì phải sau thời
điểm đó.
Như
vậy thì sau thời điểm đó bao lâu? Hội chỉ viết một câu: “Tang thầy trải
năm, không do đâu hỏi lại được”. Thế, “trải năm” là trải bao nhiêu năm?
Đây là câu hỏi khó trả lời nhất, bởi vì “trải năm” (lịch tải) có thể có
nghĩa trải qua hằng trăm năm, như câu “lụy thế tập dư, lịch tải số
bách” trong lời sớ của Phạm Thăng ở truyện Tế Tuân của Hậu Hán thư 50 tờ
8a4-5. Nhưng nó cũng có thể chỉ mấy năm, khi ta so những gì Khương Tăng
Hội viết trong bài tựa này với bài tựa viết cho An ban thủ ý kinh chú
giải, mà ta biết Hội đã thực hiện giữa những năm 221-230, nhất là khoảng
226-228.
Trong
Pháp kính kinh tựï, Hội viết: “Tang thầy trải năm, không do đâu hỏi
lại, lòng buồn bã, miệng bồi hồi, ngừng bút rầu rĩ, nhớ thầy, thương
Phật, nước mắt tuôn trào. Nay ghi chép chỗ khuyết nghi, đợi chờ minh
triết về sau . . .”. An ban thủ ý kinh tự do Tăng Hựu chép trong Xuất
tam tạng ký tập 6 ĐTK 2145 tờ 43b25-29 lại nói “ . . . Ba thầy viên
tịch, ngửa trông mây trời, buồn không do đâu hỏi học, nghẹn lời nhìn
quanh, lệ tuôn lã chã. Song phước xưa chưa mất, may đã gặp Hàn Lâm từ
Nam Dương, Bì Nghiệp từ Dĩnh Xuyên, Trần Tuệ từ Cối Kê, ba vị hiền này
tin đạo dốc lòng, giữ đức rộng đúng… Tôi theo xin hỏi, vuông giống tròn
khít, nghĩa không sai khác…”.
So
sánh hai đoạn văn vừa dẫn, chúng gây cho ta một ấn tượng khá rõ nét về
khả năng chúng được viết ra không cách xa nhau bao nhiêu về mặt thời
gian. Chúng đều nói tới việc thầy Khương Tăng Hội mất sớm, nên bây giờ
khi tiến hành giải thích kinh, không biết hỏi ai, làm cho Hội buồn bã
“nước mắt tuôn trào” hay “lệ tuôn lã chã”. Viết như thế, rõ ràng tình
cảm bộc lộ đối với các vị thầy đã mất có tính đồng nhất. Cho nên, có khả
năng Khương Tăng Hội đã viết Pháp kính kinh giải tử chú và An ban thủ ý
kinh chú giải trong cùng một khoảng thời gian, tức những năm 225-230.
Thêm
vào đó, văn phong của hai bài tựa này rất gần nhau. Chẳng hạn, lối
trích dẫn các câu thơ từ Kinh Thi để diễn tả ý mình của Khương Tăng Hội,
ta đã thấy xuất hiện trong An ban thủ ý kinh tự với các câu “nghẹn lời
nhìn quanh, lệ tuôn lã chã” (quyện ngôn cố chi, sàn nhiên xuất thế), mà
ta đã truy về bài thơ Đại đông của Kinh Thi ở Mao thi chính nghĩa 13/1
tờ 4b1-3:
Châu đạo như chí
Kỳ trực như thỉ
Quân tử sở lý
Tiểu nhân sở thì
Quyện ngôn cố chi
Sàn nhiên xuất thế
Thì
ở bài tựa kinh Pháp kính, Khương Tăng Hội lại dùng cùng một bút pháp.
Khi nói về tình hình chiến tranh loạn lạc của thời An Huyền dịch kinh
Pháp kính Khương Tăng Hội đã nói đến việc “chí sĩ chẳng dám rảnh nghỉ”
(chí sĩ mạc cảm hoặc hoàng). Một lần nữa câu Mạc cảm hoặc hoàng lại rút
ra từ đoạn thơ thứ nhất của bài thơ Ân kỳ lôi ở Mao thi chính nghĩa:
Ân kỳ lôi
Tại Nam sơn chi dương
Hà tư vi tư
Mạc cảm hoặc hoàng
Chân chân quân tử
Quy tai quy tai
Và
nếu ta xác định An ban thủ ý kinh chú giải viết trong khoảng những năm
223-230, thì Pháp kính kinh giải tử chú còn có thể được thực hiện trước
cả những năm 225 ấy. Lý do vì nó không nhắc gì đến sự có mặt của “ba vị
hiền” là Hàn Lâm, Bì Nghiệp và Trần Tuệ. Giả như Hội có dịp gặp ba người
này, như An ban thủ ý kinh chú giải đã ghi, thì không lẽ gì Hội không
hỏi họ về kinh này, đặc biệt khi ông đã được thầy ông dạy và bản thân
ông đã có những nghi ngờ cùng những hiểu biết chưa đầy đủ (khuyết nghi)
cần “thỉnh vấn” học hỏi thêm.
Hơn
nữa, vì được viết quá sớm trong sự nghiệp trước tác dịch thuật của
Khương Tăng Hội, nên Pháp kính kinh giải tử chú đã chứa đựng quá nhiều
“thiếu sót”, mà gần một nghìn năm sau một tác giả vô danh đã vạch ra cả
thảy “78 việc”, như Pháp kính kinh hậu tự đã ghi. Và những thiếu sót ấy
Khương Tăng Hội khi thực hiện Pháp kính kinh giải tử chú, cũng sẵn sàng
thừa nhận: “Nay ghi chép chỗ thiếu ngờ, đợi chờ minh triết về sau”. Cho
nên, không có gì đáng phải ngạc nhiên trước những “thiếu sót”với con số
78 vừa thấy.
Không
những không ngạc nhiên, ta còn phải khâm phục trước một tác phẩm như
Pháp kính kinh giải tử chú, khi ta biết tình hình học Phật ở Trung Quốc
cuối thế kỷ thứ ba và nửa đầu thế kỷ thứ tư tỏ ra cực kỳ bế tắc trước
các bản kinh Phật đã được dịch, như Huệ Hạo đã ghi nhận trong truyện của
Đạo An ở Cao tăng truyện 5 ĐTK 2059 tờ 352a27-23: “Xưa kinh dịch đã
lâu. Nhưng cựu dịch có lúc sai lầm khiến nghĩa sâu chìm mất chưa thông.
Mỗi đem giảng thuyết, chỉ nói sơ đại ý, rồi chuyển qua tụng kinh mà thôi
. . .” Và theo Hạo, người đầu tiên làm rõ nghĩa kinh chính là Đạo An
(Kinh nghĩa khắc minh, tự An thỉ giả).
Bây
giờ ta biết Khương Tăng Hội mới là người tiên phong trong phong trào
nghiên cứu nghĩa kinh, không những cho Phật giáo Việt Nam, mà còn của
lịch sử Phật giáo Trung Quốc. Sự tình này chứng tỏ Phật giáo nước ta đã
phát triển tới mức những người học Phật có thể đặt vấn đề và giải thích
những bản kinh tới tay họ. Nó xác nhận Phật giáo nước ta thời Khương
Tăng Hội, nếu không phải là thời Mâu Tử, đã vượt qua giai đoạn tiếp thu
thụ động và đang mạnh mẽ tiến lên hoàn thành giai đoạn tìm hiểu, chủ
động đặt vấn đề, mà ở Trung Quốc phải đợi thêm hơn một trăm năm nữa mới
đạt tới với Đạo An. Đây là một bằng cớ khác chứng minh cho giả thiết
Phật giáo truyền vào nước ta trước Trung Quốc. Nó cũng giúp ta xác định
Khương Tăng Hội đã viết Pháp kính kinh giải tử chú tại nước ta trước khi
qua giáo hóa ở Trung Quốc vào năm 247.
Với
tư cách một tác phẩm chú giải tiên phong viết ra trước cả An ban thủ ý
kinh chú giải, Pháp kính kinh giải tử chú tất không thể nào tránh được
“khuyết nghi”, mà chính Khương Tăng Hội đã thừa nhận. Ngày nay nó đã bị
thất lạc và tác phẩm viết về nó do một tác giả đời Tống cũng hiện chưa
tìm thấy. Ta do thế không thể bình luận gì thêm về nội dung của nó. Tuy
nhiên, chỉ cần đọc lời tựa của Hội, ta có thể thấy những thông tin nó
cung cấp có mức độ chính xác khá cao và rất đáng hoan nghênh.
Chẳng
hạn, viết về người dịch kinh Pháp kính, Khương Tăng Hội nói: “Kỵ đô úy
An Huyền và Nghiêm Phù Điều đất Lâm Hoài, hai vị hiền này tuổi đang
thanh niên, chí nhằm nghiệp thánh, tìm sâu với xa, dồn hồn u vi, thương
đời mê lầm, không thấy vẻ đẹp lớn, vắt óc truyền dịch lời dạy vĩ đại. Đô
úy miệng dịch, Nghiêm Điều bút ghi, lời đã hợp xưa, nghĩa lại vi diệu
…” Theo Tăng Hựu trong Xuất tam tạng ký tập 13 ĐTK 2145 tờ 96a9-16 và
Huệ Hạo trong Cao tăng truyện 1 ĐTK 2059 tờ 324b26-c4 thì An Huyền và
Nghiêm Phù Điều dịch Pháp kính kinh vào những năm cuối cùng (184-189)
của Hán Linh đế.
Vậy
mà trong vòng chưa đầy 30 năm, kinh Pháp kính đã truyền xuống nước ta
và được phổ biến rộng rãi, để cho Khương Tăng Hội viết chú giải. Tình
hình chính trị giữa những năm 190-220 tại Trung Quốc cực kỳ rối loạn,
“đường vua cách tuyệt, mục bá các châu giống như chư hầu thời Thất
quốc”, như Trần Thọ đã nhận định trong Ích châu kỳ cựu truyện do Bùi
Tùng Chi dẫn trong Thục chí 8 tờ 3b12-13. Và thực tế chúng ta không cần
đi tìm chứng cứ đâu xa. Chỉ cần đọc lại lá thư Hứa Tỉnh viết cho Tào
Tháo trong truyện Hứa Tỉnh của Thục chí 8 tờ 2a3-3b8 kể lại cuộc vượt
biên của Tỉnh cùng gia đình bà con bạn bè từ Cối Kê xuống nước ta vào
năm 195 thì cũng đủ rõ. Đó là một chuyến đi kinh hoàng với nhiều kết cục
bi thảm đầy nước mắt.
Cho
nên, một dịch bản xuất hiện trước năm 190 không lâu và sau đó đã được
chuyển qua nước ta thì đó không phải là một công tác giao lưu văn hóa
bình thường. Trái lại, phải nói ấy là một kỳ công. Điểm đáng nói hơn nữa
là lai lịch nguồn gốc những người thực hiện bản dịch cũng được nắm
vững, như lời ghi trên của Khương Tăng Hội chứng tỏ. Có thể nói những gì
Hội viết về An Huyền, Nghiêm Phù Điều và An Thế Cao là những tài liệu
xưa nhất về những nhân vật Phật giáo này hiện còn. Thế Khương Tăng Hội
đã nhận những nguồn tin của mình từ đâu?
Dĩ
nhiên, lời tựa của Hội viết, Hội đã nhận chúng từ các vị thầy của mình.
Trong khi nghiên cứu về An ban thủ ý kinh chú giải, chúng tôi đã thử
tìm hiểu xem chúng ta ngày nay có thể truy lại tên tuổi của các vị thầy
này không. Và kết quả tỏ ra khá khích lệ. Chúng ta có một số dữ kiện cho
thấy Mâu Tử có khả năng là vị thầy đã giảng dạy Khương Tăng Hội kinh An
ban thủ ý. Vậy, phải chăng Mâu Tử cũng đã giảng kinh Pháp kính? Chỉ với
lời tựa hiện còn, ta không thể trả lời dứt khoát câu hỏi vừa nêu. Nhưng
nếu Mâu Tử giữ một vai trò nhất định trong quá trình hình thành An ban
thủ ý kinh chú giải, thì không có lý do gì mà ta không giả thiết Mâu Tử
với tư cách người thầy đã đóng góp đối với Pháp kính kinh giải tử chú,
đặc biệt đối với những thông tin về người truyền dịch bản kinh ấy.
Tính
chính xác đáng quý của những thông tin chứng tỏ quan hệ giao lưu văn
hóa, nhất là văn hóa Phật giáo, giữa nước ta và Trung Quốc vào những năm
190-220 rất mật thiết và có tác động qua lại mạnh mẽ. Thực tế người
nước ta đã theo dõi những phát triển văn hóa Phật giáo ở Trung Quốc bằng
một quan tâm cuốn hút với mục đích khá rõ ràng. Đó là nhằm đưa Phật
giáo Việt Nam qua Trung Quốc, truyền bá cho những người nổi tiếng về thi
thơ lễ nhạc, một nhiệm vụ mà Khương Tăng Hội được chuẩn bị kỹ càng và
đã thực hiện một cách thành công vang dội sau này tại Kiến Nghiệp.
Do
thế, việc giảng dạy tại nước ta các kinh sách Phật giáo dịch ở Trung
Quốc trở nên một yêu cầu bức thiết và cần phải tiến hành một cách chính
xác, sáng tạo, có khả năng đáp ứng đòi hỏi của tình hình Phật giáo Trung
Quốc thời bấy giờ. Trong những đòi hỏi nóng bỏng lúc ấy, việc hiểu rõ
tư tưởng Phật giáo nổi bật lên hàng đầu. Cho nên, những vị thầy của Hội
như Mâu Tử đã mở ra một hướng mới, lần đầu tiên xuất hiện ở Viễn Đông,
cụ thể là tại nước ta. Đó là chú giải các kinh tiếng Trung Quốc đã dịch
sẵn, nhằm giải thích tư tưởng Phật giáo cho những Phật tử Trung Quốc và
những người Trung Quốc ngoài Phật giáo.
Từ
đó quan điểm của Huệ Hạo nói rằng Đạo An là người đầu tiên chú giải
kinh điển Phật giáo Trung Quốc chỉ đúng đối với lịch sử Phật giáo Trung
Quốc. Bởi vì trước An cả 150 năm, Khương Tăng Hội đã tiến hành công tác
chú giải ấy tại nước ta. Thực tế, trong khoảng 30 năm, từ năm 190 đến
220, dưới những chính quyền tự trị Sĩ Nhiếp- Chu Phù rồi Sĩ Nhiếp-Trương
Tân, Bộ Chất, nước ta là một trung tâm sôi sục những hoạt động Phật
giáo. Một mặt, nó giáng trả đích đáng những đòn tấn công chết người của
nền văn hóa nô dịch Trung Quốc, mà đỉnh cao là sự ra đời của Mâu Tử Lý
hoặc luận vào năm 198. Mặt khác, nó đồng thời chuẩn bị phản công và đã
phản công một cách thắng lợi qua con người Khương Tăng Hội, khi Hội
chống gậy đông du năm 247 qua Kiến Nghiệp.
Hướng
đào tạo đối với Khương Tăng Hội và chắc chắn cả với những người Phật
giáo Việt Nam khác như Đạo Hinh là nhằm đáp ứng đòi hỏi của những hoạt
động vừa nói. Việc Hội viết các bản chú giải như Pháp kính kinh giải tử
chú, An ban thủ ý kinh chú giải, Đạo thọ kinh chú giải, do thế, là một
cụ thể hóa hướng đào tạo ấy. Và ta cũng không ngạc nhiên tại sao chúng
được viết bằng tiếng Trung Quốc. Tất nhiên, một hướng đào tạo như vậy
chỉ được hoạch định và phát triển trên cơ sở một nền học thuật, kinh tế
và chính trị Việt Nam đang trên đà đi lên, đang khẳng định mạnh mẽ bản
lĩnh văn hóa, chính trị của mình, mà một biểu lộ cụ thể là sự kiện Sĩ
Huy chống lại việc Tôn Quyền chỉ định Tải Lương và Trần Thì qua làm thứ
sử và thái thú Giao Chỉ.
Xuất
phát từ một hướng đào tạo như thế, ta không ngạc nhiên là Khương Tăng
Hội đã được các vị thầy của mình dạy cho những bản kinh cơ bản có tính
nhập môn về Phật giáo. Điển hình là kinh Pháp kính mà chúng ta đang đề
cập tới ở đây. Như đã nói, bản chú giải của Hội về kinh này ngày nay đã
mất. Tuy nhiên, để cho ta thấy quan điểm giáo lý của Hội, chúng tôi cho
dịch lại bản dịch của An Huyền và Nghiêm Phù Điều và tóm tắt sơ bộ nội
dung kinh này ở đây, kèm theo với nội dung Pháp kính kinh tựï.
III. VẤN ĐỀ NỘI DUNG TƯ TƯỞNG
Nội
dung chủ yếu của kinh Pháp kính có thể mô tả như một trình bày về lối
sống của các vị Bồ tát tại gia và các vị xuất gia. Nó do thế có hai phần
chính. Phần trình bày về lối sống của các vị Bồ tát tại gia và phần về
lối sống của Bồ tát xuất gia ra ở núi đầm chùa chiền.
Phần
về lối sống của Bồ tát tại gia chỉ rõ những thành tố để tạo nên lối
sống Bồ tát tại gia. Bắt đầu với việc xác định thành tố đầu tiên là ba
tự qui, tức qui y Phật, Pháp và Tăng, nó định nghĩa ba tự qui là gì và
mô tả 13 tác nhân nhằm “tu trị” ba tự qui ấy, trong đó nổi bật nhất là
tác nhân bố thí.
Tiếp
theo nó trình bày thành tố thứ hai, đó là năm giới, tức không sát sinh,
không trộm cướp, không tà hạnh, không nói dối, không uống rượu. Riêng
về giới không uống rượu, nó đặt vấn đề nếu có người đến xin rượu, mình
có cho không? Nếu không cho thì không thực hành hạnh bố thí, mà “người
tại gia tu đạo coi bố thí là việc làm quý báu”. Nếu cho, thì có phạm
giới không? Câu trả lời là: “Bồ tát tại gia đem rượu cho người, mà không
mắc tội, vì Bồ tát đem gốc đức tu học của mình biến thành đạo vô thượng
chính chân”. Đây là một câu trả lời khá lôi cuốn và khá thực tế.
Để
“thận hộ” (giữ gìn cẩn thận) năm giới ấy, ngoài việc dùng lời “hòa
hiệp”, “nhu nhuyễn”, “nghĩa thuyết”, để giúp những người khác cùng về
“chính kiến”, điều chủ yếu vẫn là thực hành “sáu độ vô cực”. Nghĩa là,
“người xan tham thì đem bố thí ra giáo hóa, kẻ ác giới thì đem giới luật
ra giáo hóa, người loạn ý thì đem nhẫn nhục ra giáo hóa, người biếng
nhác thì đem tinh tấn ra giáo hóa, người 'thất chí' đem thiền định ra
giáo hóa, người tà trí đem trí tuệ ra giáo hóa”. Và phải nhớ là “Bố thí
thành tựu sáu độ vô cực”. Bố thí vẫn được nhấn mạnh có vai trò hàng đầu
trong lối sống Bồ tát tại gia.
Kinh
đồng thời chỉ ra “Kẻ tại gia tu đạo nên hiểu cái ác của nhà đều nằm tại
gia cả, làm hại gốc hết thảy mọi điều thiện”. Nhà là “lưới đắng tật lê
giết cá”, là “biển lớn nuốt hết mọi dòng sông”, là “lửa đỏ được thêm
củi”. Do thế, nó đã kết luận “Chưa từng có Bồ tát tại gia mà đắc đạo. Họ
đều xuất gia vào núi đầm, nhờ vào núi đầm mà đắc đạo”.
Sau
khi nhắc lại một lần nữa Bồ tát tại gia phải “bố thí, trì giới, nhẫn
nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ”, bản kinh đi qua phần trình bày lối
sống của những người Bồ tát xuất gia. Thứ nhất, nó nói đến “thánh điển
của người xuất gia” là “một áo”, “một bữa”, “một giường”, dưới “gốc
cây”, và kê ra mười phẩm chất ưu tú (thập đức) của lối sống đó. Thứ hai,
nó mô tả Bồ tát xuất gia nên tùng sự với ai? Đó là tùng sự với người
giảng kinh, người thành tựu, người cúng dường Như Lai, và người đã phát ý
vô thượng không tán loạn. Thứ ba, nó kể ra một loạt các “tịnh giới” của
các Bồ tát xuất gia, bao gồm từng nhóm bốn điều. Cụ thể nhóm tịnh giới
thứ nhất gồm bốn điều là “tạo sách thánh”, “mến thích đức tinh tấn”,
“không hợp với tại gia, mà tùng sự kẻ xuất gia”, và “không siểm nịnh, mà
ở núi đầm”. Ngoài nhóm thứ nhất này, còn có thêm năm nhóm nữa. Cuối
cùng, nó định nghĩa thế nào là tịnh định và tịnh tuệ một cách ngắn gọn.
Nội
dung của kinh Pháp kính như vậy tập trung chủ yếu vào việc trình bày
nếp sống của những “người tại gia tu đạo”. Nó đồng thời cũng nhấn mạnh
sự kiện là “chưa từng có Bồ tát tại gia mà đắc đạo”. Do thế, muốn đắc
đạo phải “xuất gia vào núi đầm”. Tuy nhiên, việc trình bày lối sống của
các “Bồ tát xuất gia” lại rất ngắn gọn. Sự tình này chắc chắn xuất phát
từ yếu tố là một số qui định về lối sống xuất gia không được phép phổ
biến rộng rãi, một điều mà vào những năm 198 Mâu Tử đã biết tới và ghi
lại trong Lý hoặc luận.
Điểm
lôi cuốn đối với chúng ta là trong lời tựa cho bản chú giải, Khương
Tăng Hội lại nhấn mạnh đến lối sống xuất gia, coi nhà là nguồn gốc của
mọi tai họa từ việc “tôn tà uế, khinh thánh chân” cho đến “gây ngục
tạng, chôn cửu thân”, tất cả đều “do nhà” mà ra cả. Sự nhấn mạnh này rõ
ràng phản ảnh mối quan tâm hàng đầu của Hội. Đó là kêu gọi một số người
tham gia vào hàng ngũ xuất gia, cùng chấp nhận lối xuất gia, dù là một
lối sống “khó kham”.
Ta
đã thấy hướng đào tạo của Khương Tăng Hội là nhằm truyền bá đạo Phật
nước ta qua Trung Quốc. Mà để thực hiện thành công sự nghiệp quang vinh
nhưng vô cùng khó khăn này, tất nhiên phải chuẩn bị một đội ngũ những
người xuất gia đồng tâm đồng chí với mình. Và để có đội ngũ này, Khương
Tăng Hội phải đưa ra một lời kêu gọi đủ sức thuyết phục và hấp dẫn cho
những ai quan tâm đến Phật giáo, đặc biệt là người Trung Quốc. Đây hẳn
là lý do tại sao Hội đã chọn kinh Pháp kính để viết chú giải.
Diễn
biến Phật giáo ở Kiến Nghiệp mười lăm năm sau khi Khương Tăng Hội
“chống gậy đông du” chứng thực cho ta một giả thiết như vậy. Truyện Tôn
Lâm của Ngô chí 19 tờ 18a 5-6 nói sau khi giết Lưu Thừa, phế Tôn Lượng
vào tháng 9 năm Thái Bình thứ 3 (259) và qua tháng 10 năm Vĩnh An thứ
nhất (259), đưa Tôn Hưu lên thay, “Lâm ý càng phóng túng, khinh rẻ dâm
thần, bèn đốt miếu Ngũ Tử Tư ở đầu cầu Lớn, lại phá chùa Phật, chém nhà
sư”. Ngày Hội qua Đông Ngô, nước Ngô vì lần đầu mới thấy sa môn, ngó
hình mà chưa biết đạo, nghi là lập dị. Hữu ty tâu nói: “Có người Hồ nhập
cảnh tự xưng sa môn, dung mạo y phục chẳng thường việc nên kiểm xét”.
Vậy mà chỉ 15 năm sau, Tôn Lâm đã “phá chùa, chém sư” thì cũng đủ thấy
Khương Tăng Hội đã thành công trong việc xây dựng đội ngũ những người
xuất gia của mình như thế nào?
Ngoài
ra, nếu niên đại ra đời của Pháp kính kinh giải tử chú trên của chúng
tôi được chấp nhận, thì Khương Tăng Hội đã viết nó khi còn rất trẻ,
khoảng 23 đến 25 tuổi, một độ tuổi tràn trề hy vọng và đầy ắp lý tưởng.
Chính bở độ tuổi này, Hội đã hoàn thành chủ yếu các bản chú giải của
mình, cụ thể về các kinh Pháp kính, An ban thủ ý, Đạo thọ và đưa vào
chúng không những kiến thức, mà cả tâm tình của Hội. Từ đó, chúng chứa
đựng những thiếu sót, mà riêng về Pháp kính kinh giải tử chú có tác giả
đã đếm có đến “78 việc”. Song bên cạnh kiến thức thiếu sót ấy là một tâm
tính nóng bỏng muốn “cứu lầm than nơi vực thẳm”, mà cơ bản là kêu gọi
những người trẻ tuổi cùng có lối sống “xuất gia” như Hội.
Thực
tế, vào thời điểm Pháp kính kinh dịch ra tiếng Trung Quốc cho đến lúc
Hội viết chú giải, bối cảnh chính trị và Phật giáo được Hội mô tả như
sau: “Lúc ấy can qua chưa dứt, chí sĩ chẳng dám rảnh rỗi. Đạo lớn suy
sụp, người học Phật ít. Hội (tôi) thấy lời dạy lớn của kinh có thể cứu
lầm than nơi vực thẳm, nhưng nghĩa nó chặn không thông, nhân rảnh đem
hết chỗ ngu làm ra chú nghĩa”.
Viết
vậy hoàn toàn phản ánh đúng thực trạng chính trị và Phật giáo Trung
Quốc giữa những năm 190-220, lúc các thế lực kình chống đang ra sức
thanh toán chém giết nhau, từ Đổng Trác, Lữ Bố, Tào Tháo, Đào Khiêm, Tôn
Sách, Viên Thiệu, Viên Thuật, Lưu Bị, Tôn Quyền, dẫn cuối cùng đến thế
chân vạc tam phân thiên hạ với sự ra đời của ba triều đại Ngụy, Ngô và
Thục. Về phía Phật giáo, sau giai đoạn sôi nổi công tác dịch thuật của
An Thế Cao, Chi Lâu Ca Sấm, v.v … hoạt động truyền giáo về kinh sách
cũng như về lối sống đang đi vào thời kỳ trì trệ. Thậm chí có những Phật
tử vì quyền lợi chính trị đã chém giết lẫn nhau, như trường hợp Trác
Dung, một Phật tử nhiệt thành xây chùa to, đúc tượng lớn ở Hạ Bì, đã
giết hai đồng đạo của mình là Tiết Lễ và Triệu Dục[9].
Đúng
là “thời ấy can qua chưa dứt, chí sĩ chẳng dám có lúc rảnh rỗi, đạo lớn
suy sụp, người học Phật ít”, như Khương Tăng Hội đã viết. Do thế, riêng
phía Phật giáo có yêu cầu phải chấn chỉnh lại lối sống của những giáo
đoàn và của từng cá nhân Phật tử. Việc phổ biến những bản kinh cơ bản
kiểu kinh Pháp kính là nhắm vào mục đích ấy, nhắm “cứu lầm than nơi vực
thẳm”, chứ không phải chỉ duy nhất chuẩn bị đội ngũ những người xuất
gia đồng tâm đồng chí với mình, dù hai mục đích ấy tất yếu tác động và
bổ sung cho nhau.
Như
thế, tuy nhấn mạnh đến lối sống “xuất gia”, Khương Tăng Hội vẫn không
đánh mất một nội dung lớn nếu không phải là chủ yếu, của kinh Pháp kính.
Đó là xác định một cách chi tiết và minh bạch lối sống mới, lối sống
“tại gia”, kêu gọi mở rộng lòng thương thông qua việc bố thí, khẳng định
một lối sống cá nhân lành mạnh, không chém giết bừa bãi, không trộm
cướp dưới nhiều dạng nhiều hình, một cuộc sống gia đình một vợ một
chồng, không dối trá rượu chè bê tha. Trên bối cảnh chính trị xã hội cực
kỳ hỗn loạn và băng hoại của giai đoạn 190-220, rõ ràng một lối sống
mới tất nhiên phải có một sức hấp dẫn nhất định đối với người Trung Quốc
thời bấy giờ.
Ngay
khi hợp tác với An Huyền để dịch Pháp kính kinh vào khoảng những năm
184-189, Nghiêm Phù Điều với tư cách một người Trung Quốc, chắc chắn đã
dự cảm những cơn lốc lịch sử sắp nổ ra, đi kèm theo là một sức tàn phá
ghê gớm đối với xã hội Trung Quốc. Cho nên, ông đã chuẩn bị cho những
người khác một số hành trang để vượt qua các cơn lốc ấy một cách an
toàn, giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất, trong đó kinh Pháp kính
đóng một vai trò quan trọng. Hành trang đây là một lối sống mới có lý
tưởng rõ ràng và đầy ắp tình người ấm áp, mở ra trước mắt một thế giới
mới, yêu thương hạnh phúc, khác với các thế giới chết chóc, tham lam,
sân hận đang diễn ra từng giây phút cho người Trung Quốc đời ấy.
Chính
xuất phát từ lối sống mới này, mà từng ngày, thông qua những con người
cụ thể bằng xương bằng thịt, Phật giáo đã mở rộng ảnh hưởng của mình, để
cuối cùng trở thành một lực lượng văn hóa xã hội có trọng lượng của
cuộc sống Trung Quốc. Nó dần dà thu hút vào hàng ngũ mình những người
con ưu tú nhất của nhân dân Trung Quốc, từ đó tạo nên một diện mạo văn
hóa Trung Quốc khác hẳn với những gì được quan niệm trong quá khứ.
Nhìn
từ góc độ ấy, ta thấy không phải ngẫu nhiên mà Khương Tăng Hội đã chọn
kinh Pháp kính để chú giải và các vị thầy của Hội đã dạy ông bản kinh
này. Trong số các kinh điển Phật giáo được dịch ra tiếng Trung Quốc từ
thời Hán Minh Đế cho đến năm 230, không có kinh nào có một trình bày rõ
ràng cụ thể và ngắn gọn về lối sống “tại gia” và “xuất gia” của Phật
giáo hơn kinh Pháp kính. Những người Phật giáo Trung Quốc đang cần đến
những chỉ dẫn chính xác minh bạch về lối sống đó. Các vị thầy của Khương
Tăng Hội như Mâu Tử chắc chắn đã nhìn thấy yêu cầu bức thiết của Phật
giáo Trung Quốc. Cho nên, họ đã đem dạy cho Hội bản kinh Pháp kính ấy.
Việc
Hội viết Pháp kính kinh giải tử chú như vậy là một thể hiện có ý thức
cụ thể nhận thức tình hình vừa nói. Dùng ngay chính lời của Hội là: “Hội
tôi thấy lời dạy lớn của kinh có thể cứu lầm than nơi vực thẳm”. Viết
thế không phải một phát biểu có tính đưa đẩy suông, mà như những phân
tích trên cho thấy, phản ảnh khá trọn vẹn chủ trương và quan tâm của nền
Phật giáo nước ta thông qua những con người như Mâu Tử, Khương Tăng Hội
v.v … đối với việc phát triển của Phật giáo ở Trung Quốc. Mỗi bước tiến
ở Trung Quốc là một bước đẩy lùi áp lực của mặt trận văn hóa nô dịch do
Trung Quốc đang tiến hành đối với dân tộc ta thời Khương Tăng Hội với
những tên biệt kích nguy hiểm như Lưu Hy, Tiết Tông[10] v.v …
Bước
tiến ấy, một mặt chứng tỏ lực lượng văn hóa Trung Quốc không phải là
lực lượng văn hóa duy nhất xứng đáng với danh nghĩa văn hóa, vì bên cạnh
nó còn có những lực lượng văn hóa khác, cụ thể trong trường hợp này là
lực lượng văn hóa Phật giáo đang hoạt động. Mặt khác, bước tiến ấy cũng
chứng tỏ thêm là lực lượng văn hóa Trung Quốc không phải là một lực
lượng văn hóa bách chiến bách thắng, mà là một lực lượng văn hóa có
những thiếu sót, khuyết tật, cần điều chỉnh bổ sung. Do thế, người nước
ta có thể rút ra một kết luận hiển nhiên, như Mâu Tử đã làm trong Lý
hoặc luận, là nó có thể chặn đứng và đánh bại, từ đó có thể khẳng định
bản lĩnh văn hóa dân tộc ta.
Quá
trình phát triển Phật giáo ở Trung Quốc vào thời Khương Tăng Hội như
vậy có một tác động mạnh mẽ đến cuộc đấu tranh văn hóa đang diễn ra tại
nước ta, một cuộc đấu tranh gay gắt khốc liệt. Bởi vì nền văn hóa dân
tộc ta sau biến cố năm 42 đã tiếp thu nền văn hóa Phật giáo Ấn Độ mới
được đưa về để hình thành một nền văn hóa hậu Lạc Việt, thách đố nền văn
hóa Trung Quốc đang ào ạt tràn sang, đặc biệt những năm 190-220, bộc lộ
trắng trợn tính chất nô dịch hung hãn của nó qua những cái tên như Lưu
Hy, Tiết Tôn … Mỗi bước tiến của Phật giáo ở Trung Quốc, vì thế là một
bước đột phá vào thành trì văn hóa Trung Quốc. Nó có nhiệm vụ phân hóa
lực lượng của nền văn hóa đó, để cuối cùng triệt tiêu áp lực của nó đối
với nền văn hóa hậu Lạc Việt của dân tộc ta mới hình thành qua việc
thách thức thành công nền văn hóa Trung Quốc của Mâu Tử Lý hoặc luận.
Nhận
thức được bối cảnh chính trị, văn hóa nước ta vào những năm 190-220 ta
mới thấy hết ý nghĩa của việc Khương Tăng Hội viết Pháp kính kinh giải
tử chú cũng như sự nghiệp đào tạo, giáo dục của những vị thầy của Hội
như Mâu Tử. Nó biểu thị một nỗ lực có ý thức nhằm mở rộng vùng ảnh hưởng
của văn hóa Việt Nam, để củng cố tiền đồ cho một nền độc lập chính trị
thực sự lâu dài và bền vững. Thực tế, trong cả thế kỷ thứ III, những
chính quyền độc lập liên tục lên nắm quyền từ Sĩ Nhiếp, Sĩ Huy
(180-230), Triệu Thị Trinh, Triệu Quốc Đạt (248-?), Lữ Hưng (264-272),
Quách Mã (279) và ngay cả những người do phía Đông Ngô phái tới như Lục
Dận (250-260) cũng chưa hẳn đại diện hoàn toàn cho quyền lợi của chính
quyền Trung Quốc.
Cũng
cần nhắc lại là Đạo Hinh và Cương Lương Lâu Tiếp dịch xong Pháp hoa tam
muội kinh năm 256, lúc Lục Dận trên nguyên tắc còn làm thứ sử Giao Châu
và nước ta còn “thuộc” nhà Ngô. Thế mà bản kinh đó đã được đưa lên đất
Ngụy, để sau này Trúc Đạo Lưu và Trúc Đạo Tổ viết Ngụy thế mục lục đã
xếp nó vào kinh điển của nhà Ngụy. Nhà Ngụy, như ta đã biết, tồn tại từ
năm 221-265. Vậy, ngay trước khi Lữ Hưng giết Tôn Tư và Đặng Cá vào năm
264, nước ta vẫn có những quan hệ với nhà Ngụy. Chỉ có một giả thiết như
thế, ta mới hiểu tại sao Pháp hoa tam muội kinh được xếp vào kinh lục
của nhà Ngụy. Bởi vì khi viết Ngụy thế mục lục, Đạo Lưu và Đạo Tổ chắc
chắn phải có một bản thư mục sách vở của nhà Ngụy. Mà nếu đến tháng 12
năm Hàm Hy thứ 2 (265) Tào Hoán đã nhường ngôi cho Tư Mã Viêm để thành
lập nhà Tấn và nhà Ngụy chấm dứt, thì Pháp hoa tam muội kinh phải được
đưa lên đất Ngụy một vài năm trước đó.
Dù
với trường hợp nào đi nữa, những hoạt động Phật giáo thời Khương Tăng
Hội có một gắn bó với cuộc đấu tranh chung của dân tộc ta thời bấy giờ,
cả trên mặt trận chính trị lẫn văn hóa. Vì thế, khi viết “lời dạy lớn”
của kinh Pháp kính “có thể cứu lầm than nơi vực thẳm”, Hội không chỉ
thốt một lời suông, mà còn phản ảnh khá rõ những hoạt động của cộng đồng
Phật giáo Việt Nam lúc ấy. Do vậy, để cung cấp tài liệu cho người
nghiên cứu sau, dù bản chú giải của Hội đã mất, chúng tôi cho dịch toàn
văn kinh Pháp kính, ngoài lời tựa của Hội.
IV. VẤN ĐỀ HIỆU BẢN
Lời
tựa của Hội hiện nay còn được bảo tồn qua hai truyền bản, đó là truyền
bản kinh Pháp kính ĐTK 322 và truyền bản của Xuất tam tạng ký tập ĐTK
2145. Văn cú trong mỗi truyền bản đã có những xuất nhập và những người
đứng in Đại Chính tân tu Đại tạng kinh đã cho làm hiệu bản cho từng
truyền bản. Tuy nhiên, những xuất nhập giữa hai truyền bản họ chưa làm.
Cho nên, để tiện phiên dịch và nghiên cứu, chúng tôi cho thiết lập bản
so sánh những xuất nhập văn cú sau:
Dòng
Bản ĐTK
322 tờ 15
Dòng
Bản ĐTK
2145 tờ 46
a4
lữ toàn
b21
du
d5
quyện
22
quyện
5
tân
22
tân
6
điền
23
võng
7
sam
23
vật
7
vi nhi tín điều
24
ngụy nhi xúc quả
7
tư gia
24
gia
9
gia
25
tư gia
9
trọc kỳ quảng
26
cuộc kỳ lệ
11
thế
27
Thế
11
di vĩ
28
Vi trân
12
khai
28
khải
14
c1
hồ
14
dạng giả
1
đồng hồ
14
vu
2
hồ
18
thích
5
dịch
19
văn
6
hựu
19
vu
6
can
20
thiên
7
đại
20
hội
7
văn
21
duyên
8
chửng
22
pháp
10
chú
Trong
khi dịch bài tựa, chúng tôi chọn chữ thích hợp giữa các xuất nhập đó.
Còn về bản kinh Pháp kính của An Huyền và Nghiêm Phù Điều, vì là một bản
cổ dịch, nên văn cú cực kỳ phức tạp, chữ dùng chưa chuẩn. Do thế, khi
dịch, chúng tôi có tham khảo thêm bản dịch của Chi Khiêm Du Ca La Việt
vấn bồ tát hạnh kinh ĐTK 323.