NIÊN ĐẠI CỦA ĐẠO CAO, PHÁP MINH VÀ LÝ MIỄU
Qua
những bàn luận trên, bây giờ nó có thể trở nên rõ ràng là, trong tình
trạng tư liệu và dữ kiện hiện tại, chúng tôi không thể xác định được một
cách chắc chắn như mong muốn những tác giả của Sáu lá thư trên là những
người ra sao, sống vào những năm tháng nào và viết những lá thư tại
những thời điểm nhất định nào. Điểm chắc chắn là, họ phải viết chúng sau
năm 435, năm Quân thiện luận lưu hành, và trước năm 455, năm Đàm Hoằng
tự thiêu tại chùa Tiên Sơn. Từ những dữ kiện chắc chắn ấy, chúng tôi đã
dựa vào một số những bằng cớ trường tại và rút ra niên đại 454-455 như
là khoảng thời gian ra đời của Sáu lá thư.
Nếu
chấp nhận khoảng thời gian đó, niên đại của Lý Miễu, Đạo Cao và Pháp
Minh có thể giả thiết như thế này. Miễu có lẽ sống vào khoảng 400-470 và
rất có thể đồng nhất với Lý Trường Nhân. Lý Đam Chi, trước khi làm thứ
sử Giao Châu vào năm 435 đến 437, đã làm thứ sử Giao Chỉ. Ông do đó, căn
cứ vào nguyên lai của những thái thú, tất có thể là người nước ta. Ông
cùng với Lý Miễu và Lý Trường Nhân có những liên lạc gì, ngày nay chúng
ta không thể bàn cãi được. Nếu Lý Đam Chi là Lý Miễu, thì cố nhiên niên
đại của Lý Miễu phải mở rộng ra và thành khoảng 390-470. Nói cách khác,
niên đại của Lý Miễu có lẽ nên đặt trong khoảng 390-470, ngay cả khi ông
chỉ sống giữa những năm 420-470.
Niên
đại của Pháp Minh, nếu lá thư thứ sáu của ông viết vào khoảng 434-455,
thì chúng ta có thể đặt ông giữa khoảng 370-460, bởi vì khi viết nó, ông
đã “đầu bạc”. Về niên đại của Đạo Cao, tuy Cao không cho biết tóc tai
của ông thế nào, nhưng với cách xưng danh “đại hòa thượng” của Lý Miễu,
ta có thể giả thiết ông sống cùng thời với Pháp Minh, và chắc già hơn
Pháp Minh. Hơn nữa, hai lá thư đầu trả lời cho Lý Miễu thì do Đạo Cao
viết, nhưng đến lá thư thứ ba, Pháp Minh phải viết. Tại sao? Có thể Cao
vì đau yếu hay không muốn trả lời, nên đã giao cho Pháp Minh viết hộ.
Hay cũng có thể Đạo Cao đã chết, nên không thể viết được. Dù với trường
hợp nào chăng nữa, thì rõ ràng Đạo Cao với chức vị “đại hòa thượng” của
mình cũng phải già hơn Pháp Minh. Vì vậy, chắc Đạo Cao phải sống giữa
những năm 365-455.
Bây
giờ, phối hợp niên đại này với những phê bình và dữ kiện nêu trên, ta
có thể vẽ sơ lại cuộc đời của Đạo Cao thế này. Sinh khoảng năm 365. Ông
viết Tá âm và Tá âm tự khoảng những năm 390-450. Khoảng những năm
435-455 ông viết những lá thư cho Lý Miễu. Ông mất khoảng năm 455 hay
trước đó, khi đang có những trao đổi thư tín giữa ông và Miễu. Cuộc đời
ông chắc viết nhiều, nên đã có Đạo Cao pháp sư tập lưu truyền ở Trung
Quốc cho đến khi nó lưu lạc đến Nhật Bản và được ghi vào Nhật Bản quốc
kiến tại thư mục lục vào thế kỷ thứ IX.
Một
lần nữa, những niên đại ấy là những niên đại giả thiết. Nếu nay mai
những dữ kiện mới tìm thấy, như việc khai quật gặp ngôi mộ hay bia văn
của một trong những người vừa kể chẳng hạn, chúng ta đương nhiên phải
tái kiểm và tái cải định chúng. Ở giai đoạn này, nếu chúng có thể được
chấp nhận, thì ít nhất trước Huệ Thắng và Đạo Thiền, Phật giáo nước ta
còn có hai vị sư khác, đó là Đạo Cao (365-455) và Pháp Minh (370-460).
Trong
khi Đạo Cao và Pháp Minh đối diện với cuộc khủng hoảng niềm tin do Quân
thiện luận gây ra dưới ngòi bút của Lý Miễu, thời một vị sư khác vẫn
tiếp tục lối tín ngưỡng thực tiễn của nền Phật giáo truyền thống. Vị sư
ấy ngày nay được biết dưới tên Hiền pháp sư. Để thấy rõ những xu hướng
cũng như những thái độ phản ứng chung của Phật giáo thời bấy giờ đối với
vấn đề tín ngưỡng, ta nên tìm hiểu về vị sư này.
VỀ HIỀN PHÁP SƯ
Hiền
pháp sư lần đầu tiên được Maspéro nêu ra trong bài nghiên cứu về giấc
mộng người vàng của Hán Minh đế trong liên hệ với câu chuyện giấc mộng
người vàng do Vương Diệm ghi lại ở Minh tường ký. Có lẽ là Maspéro, đã
Trung hóa cách đọc tên của pháp sư thành Kiên, nên cả Trần Văn Giáp lẫn
thầy Mật Thể, mặc dù có kể đến bản nghiên cứu vừa nói của Maspéro, đã
không liệt ra cái tên Hiền pháp sư, và không tra khảo nó, trong những
luận văn của họ[69]. Thêm vào đó, vì chú trọng đến giấc mộng người vàng
Maspéro không bao giờ thử nghiên cứu vị sư tên Hiền pháp sư ấy, trừ
chuyện kể tới tên, như đã nói.
Ngày
nay, chúng ta có cả thảy ba tư liệu cho việc nghiên cứu vị sư này, đó
là một tóm tắt của Đạo Tuyên trong Tập Thần châu tam bảo cảm thông lục
quyển trung ĐTK 2106 tờ 419a15-b6 viết năm 664, mà hai năm sau Đạo Thế
cho chép lại trong Pháp uyển châu lâm 14 tờ 388c10-29 và tạo nên tư liệu
thứ hai. Cuối cùng là lời tự của chính Vương Diệm cho tác phẩm Minh
tường ký của ông, mà may mắn là Đạo Thế đã cho trích một cách hoàn toàn
cũng trong Pháp uyển châu lâm 17 tờ 411a8b13.
Căn
cứ vào tóm tắt của Đạo Tuyên thì: “Vào khoảng đầu Tề Kiến Nguyên, Vương
Diệm xưa khi tuổi còn nhỏ dại, ở Giao Chỉ thọ ngũ giới với Hiền pháp
sư. Sư cho một tượng Quan Âm bằng vàng bảo cúng dường, Diệm bèn đem về
Dương Đô, gửi ở chùa Nam Giản. Diệm ban ngày ngủ, mộng thấy tượng đứng ở
một góc nhà, bèn cho là thật lạ, liền đến chùa thỉnh về nhà. Chiều đó,
Nam Giản mất hơn 10 tượng, người ta ăn trộm, để hủy mà đúc tiền. Đến mùa
thu Tống Đại Minh năm thứ 7, nó liền phóng quang, rọi tới 3 thước, ánh
vàng rọi lóa mắt, cả nhà đều thấy. Sau đem tượng gửi ở chùa Đa Bảo, vì
Diệm đi lên đất Sở châu kinh. Trải gần 10 năm, không biết tượng ở đâu.
Đến khi về lại Dương Đô, bèn mộng thấy tượng rõ ràng ở giữa những tiểu
tượng tại phía đông của điện chùa. Sáng mai bèn đến chùa thì tìm được
như trong mộng, ấy là ngày 13 tháng 7 năm Kiến Nguyên thứ nhất. Cho nên
lời tự của Diệm trong Minh tường ký nói rằng...”.
Đấy
là lời tóm tắt của Đạo Tuyên, mà Đạo Thế đã trích dẫn. Chúng tôi cho
dịch hết, trừ đoạn dẫn lời tự tựa của Vương Diệm. Chúng tôi không cho
dịch đoạn dẫn ấy, bởi vì nó chỉ là một trích dẫn ngắn không đầy đủ và vì
chúng tôi có ý dịch cả lời tự tựa dưới đây.
Với
tóm tắt vừa nêu, thì Vương Diệm là người Thái Nguyên, lúc nhỏ đến ở
nước ta và thọ năm giới với một vị sư, mà ký ức bé nhỏ của Diệm chỉ cho
biết là tên Hiền pháp sư. Vị sư cho Diệm một tượng Quan Âm và sau đó
những thần dị đã xảy ra giữa khoảng Tống Đại Minh và Tề Kiến Nguyên, tức
giữa khoảng năm 457- 483. Lời tóm tắt này như vậy quá đại lược. Vì nó
quá đại lược và vì tầm quan trọng của việc xác định niên đại của vị sư,
toàn lời tự tựa của Diệm đáng được dịch ra đây.
Lời tự tựa ấy như đã nói, may mắn được Đạo Thế cho dẫn một cách đầy đủ trong bộ Pháp uyển châu lâm của ông. Nó như thế này:
“Diệm
dưới thời Tống lúc nhỏ ở tại Giao Chỉ. Xứ ấy có Hiền pháp sư là một vị
sư chùa Đạo Đức - hay một vị sư Đạo Đức - bèn thấy trao cho Diệm ngũ
giới, rồi lấy một cái tượng vàng Quán Thế Âm đem cho, bảo cúng dường.
Hình của tượng làm khác với ngày nay, nhưng không phải là loại rất xưa.
Nó được đúc trong khoảng Nguyên Gia, thêm công trau chuốt nên tợ như có
sự chân hảo. Diệm thỉnh về Dương Đô, thì lúc đó tuổi mới lên tám, cùng
với hai người em, thường hết lòng siêng năng chuyên tinh cúng dường
không mệt. Sau nhà hư phải sửa, nên không có chỗ an thiết, phải đem gửi
trong chùa Nam Giản ở Kinh sư. Bấy giờ, trăm họ đua nhau đúc tiền, cũng
có kẻ ăn trộm vàng về phá ra mà đúc. Khi ấy, tượng ở tại chùa đã trải
vài tháng. Diệm ban ngày nằm ngủ thì mộng thấy tượng đứng ở một góc nhà,
ý cho là rất lạ. Lúc ấy ngày đã chiều, Diệm lập tức chạy đến chùa xin
nghênh về. Tối hôm đó, hơn mười cái tượng tại Nam Giản bị ăn trộm mất.
Sau đấy khá lâu vào lúc hoàng hôn, tượng phóng ánh sáng, chiếu dọi hơn
ba thước, ánh vàng đẹp dậy, sáng chóa cả mắt. Anh em của Diệm và nô bộc
trong nhà đều thấy, cả thảy hơn mười người. Bấy giờ vì Diệm đang còn bé
nhỏ, không thể lập tức ghi chép, sau đó viết ra thì đã quên ngày tháng;
chỉ nhớ là ở vào mùa thu năm Tống Đại Minh thứ 7 thôi. Đến cuối đời Thái
Thỉ, Diệm dời đến ở chùa Chu Toàn phố Ô Y. Nhà sư chùa ấy đem tấm tượng
ấy quyền ngụ chùa Đa Bảo. Diệm lúc đó tạm lên ở Giang Đô, vị sư ấy đồng
thời cũng đi lên Kinh sở, nên không biết tượng ở nơi đây, trải gần mười
năm, thường sợ thần tượng nhân đó mất tuyệt. Đến cuối đời Tống Thăng
Minh, lại lướt gót tới Giáp Biểu, trong khi đi ngang qua Giang Lăng, thì
gặp vị sa môn ấy, mới biết cái tượng ở đâu. Năm ấy Diệm trở về kinh sư,
liền đến chùa Đa Bảo hỏi. Vị chủ chùa là Ái Công nói 'không có cái
tượng ấy'. Diệm trở về nhà, nghĩ vị sư đó đi đứng đó đây nên làm mất cái
tượng ấy, lòng buồn vô hạn. Đêm ấy nằm mộng thấy một người hiện ra nói
rằng: 'Tượng ở tại Đa Bảo, Ái Công quên đó thôi, đáng nên được đó'. Rồi
hiện đem Diệm tới chùa, người ấy tự tay mở điện, thì thấy tượng rõ ràng
rành rành giữa những tượng nhỏ tại phía đông của điện. Đến sáng mai Diệm
liền đến chùa nói cho Ái Công biết hết thảy những gì mình mộng thấy. Ái
Công liền vì thế mở điện, thì quả nhiên thấy tượng tại phía đông của
điện, như ở trong mộng, liền đem tượng về. Lúc bấy giờ là ngày 13 tháng 7
năm Kiến Nguyên thứ nhất. Tượng ấy, Diệm ngày ngày thường tự cúng
dường, gần như là rường cột cho suốt đời mình. Chép lại việc này, lòng
tôi vẫn xúc động sâu xa, nhân đó đem những gì mình đã thấy, dệt thành
cuốn ký này. Rằng soi nhận tình gần, không gì hơn là nghi tượng; thụy
nghiệm phát ra, phần lớn từ đấy mà nổi lên. Kinh nói rằng: 'Những loại
hình tượng đúc, đẽo, vẽ, dệt đều có hành động và phát ra ánh sáng'. Nay
hai bức tượng Thích Ca và Di Lặc ở Tây Vức đã phát ra ánh sáng như ánh
bình minh, ấy bởi thuộc loại hình tướng đấy ư? Nay Hoa Hạ đã rộng noi
theo, nên thần ứng rất hiển trước, ấy cũng vì qua năm, quần sinh nhạn
gặp mà cảm, thì thánh linh liền mượn nhờ ở gỗ đá mà hiện ra sự u dị, mà
không cần phải hình dung cho đẹp đẽ mới có thể được vậy. Cho nên, đá
chìm nổi đáy, thật làm rõ sự giáo hóa của Mân Ngô; bụi vàng dờn dụa,
dùng chỉ ra cái họa của Hành Tống. Số còn lại giải bày cũng có liên hệ,
tuy khó cắt nghĩa một cách khúc chiết, nên đem hết chỗ hay của chúng
cùng họp lại thành từng mục. Rằng, nếu kinh tháp có hiển hiệu thì sự chỉ
chứng của chúng cũng giống thế. Về những chuyện không được nhất quán
cho lắm, tôi xếp chúng tiếp theo ở cuối sách”.
Đấy
là toàn bộ lời tự tựa của Vương Diệm viết cho cuốn Minh tường ký của
ông vào khoảng những năm 479-502. Chúng tôi cho dịch hết, không những vì
nó sẽ giúp xác định niên đại của vị sư tên Hiền pháp sư mà còn vì Vương
Diệm là một người đã sống tại nước ta và tiên phong khai sáng ra nền
văn học tiểu thuyết của Trung Quốc.
Nguyên
bản Minh tường ký ngày nay đã tán thất, nhưng được nhiều tác phẩm Phật
giáo trích dẫn, mà với một kiểm điểm sơ sài, chúng tôi đã đếm tới hơn
một trăm câu chuyện của nó đã xuất hiện chỉ trong Pháp uyển châu lâm
thôi. Nó chắc chắn phải viết thời Nam Tề, tức khoảng năm 479-502, bởi vì
Huệ Hạo đã dẫn nó như một nguồn tài liệu trong lời tựa ông viết vào năm
519 cho Cao tăng truyện 14 tờ 418b29-c1.
Căn
cứ vào lời tự tựa trên thì trong khoảng Nguyên Gia, Diệm đang ở tại
nước ta và thọ giới với một Hiền pháp sư. Pháp sư cho ông một cái tượng
đức Quán Thế Âm bằng vàng. Đến tám tuổi, ông trở về Dương Đô, đem theo
cái tượng vàng ấy. Số tuổi này, chúng tôi dịch sát nghĩa đen của chữ
“điêu sấn” trong câu “thời niên đại điêu sấn”, dựa trên định nghĩa của
Hàn thi ngoại truyện, theo đó “con trai tám tháng thì sinh răng, tám
tuổi thì điêu răng; con gái bảy tháng thì sinh răng, bảy tuổi thì sấn
răng”. Thuyết văn giải tự cho biết “sấn” có nghĩa “rụng”.
Đến
năm Tống Đại Minh thứ bảy, tức năm 463, Diệm đang còn than vãn là “ấu
tiểu” nên không thể làm chuyện “đề ký tỷ gia soạn lục”, đến nỗi sau khi
lớn lên, quên cả ngày tháng xảy ra cái biến cố thần dị, ở đó cái tượng
Quán Thế Âm do Hiền pháp sư cho phóng quang, và chỉ nhớ năm Đại Minh thứ
7 vừa nêu.
Bằng
hai chi tiết này, chúng ta có thể giả thiết là, Diệm ở tại nước ta vào
khoảng năm 445-450. Hiền pháp sư của chú bé Diệm như vậy chắc phải sống
giữa những năm 360-450. Vì Hiền pháp sư truyền giới cho Diệm, lúc Diệm
còn quá nhỏ, nên trong lúc viết về nhà sư này, ông không có một ký ức rõ
ràng nào cho việc mô tả, mà chỉ có thể viết một cách ngắn ngủi: “Hiền
pháp sư giả, đạo đức tăng dã”.
Bốn
chữ “đạo đức tăng dã” này, ở trên chúng tôi cho dịch thành hoặc như “là
một nhà sư chùa Đạo Đức” hoặc như “là một nhà sư đạo đức”. Hai trường
hợp này đều có thể. Nếu là trường hợp đầu, chúng ta biết thêm một ngôi
chùa xưa nhất của nước ta, đấy là chùa Đạo Đức. Nếu là trường hợp sau,
giá trị tin tức của nó không gì là nhiều, đấy là cách hiểu thông thường
về bốn chữ ấy. Dù với trường hợp nào đi nữa, Hiền pháp sư đã phải sống
vào khoảng 360-450 và đã có một ảnh hưởng sâu đậm trên nhà văn nổi tiếng
Trung Quốc với cái tượng Quan Âm của người.
Về
Vương Diệm, một số người viết văn học sử Trung Quốc đã coi ông như một
nhà sư xuất gia tại nước ta[70], và như vậy là một đệ tử của Hiền pháp
sư. Nhưng căn cứ vào lời tự tựa trên, thì điểm này không rõ ràng gì hết,
ít nhất là trước lúc Diệm tới ở chùa Ô Y khoảng những năm 470-472, bởi
vì ông không những nói tới căn nhà tranh của ông, mà còn nói tới những
nô bộc trong nhà. Trước năm 470-472, Diệm chắc hẳn đang còn tại gia, và
Hiền pháp sư không gì hơn là một bổn sư qui y, chứ không phải là một bổn
sư thọ giới.
Với
sự có mặt mới này của Hiền pháp sư, lịch sử Phật giáo nước ta trước năm
440 bây giờ có thêm một người nữa. Điều đáng tiếc là, trong tình trạng
nghiên cứu và tư liệu hiện tại, chúng ta không thể biết gì hơn ngoài cái
tên của nhà sư. Và ngay cả cái tên ấy, nó cũng không phải là một cái
tên tiêu chuẩn đầy đủ ý nghĩa như đa số những tên Phật giáo tiêu chuẩn
khác.
Cố
nhiên, việc Diệm nhớ cái tên ấy như Hiền pháp sư, chứng tỏ, vị sư ấy
chắc hẳn được gia đình cha mẹ Diệm kính trọng và tin tưởng một cách đặc
biệt. Ông rất có thể có một liên lạc mật thiết với gia đình Diệm, điển
hình là cái tượng ông cho Diệm và bảo Diệm hãy cúng dường.
Trong
lời tự tựa trên, Diệm không cho ta biết nguyên quán ở đâu. Theo Huệ
Hạo, từ đấy Đạo Tuyên, thì Diệm đến từ quận Thái Nguyên tỉnh Sơn Tây.
Một lần nữa, đó là tất cả những gì chúng ta biết về nhà văn, và rất có
thể nhà sư này, vì thế không thể bàn cãi gì thêm. Tuy thế, chúng tôi
nghĩ, dù phát tích từ Trung Quốc, Diệm rất có thể đã sinh ở nước ta, căn
cứ vào sự thọ giới sớm kể trước.
Điều
đáng ngạc nhiên là, trừ cái tượng Quan Âm thần dị ấy, những trích dẫn
còn lại hiện nay trong những bộ sách Phật giáo Trung Quốc như Tập Thần
châu tam bảo cảm thông lục hay Pháp uyển châu lâm v.v... không một câu
chuyện nào đã liên hệ với tình trạng Phật giáo nước ta. Trong khi đó,
nước ta chắc chắn không phải là thiếu những chuyện thần dị kiểu của Minh
tường ký.
Sự
vắng mặt này không biết đã đến chính từ Diệm hay từ những người trích
dẫn Trung Quốc, vì nguyên bản của Minh tường ký ngày nay đã tán thất,
như đã nói[71]. Dù không có một bằng cớ hiển nhiên nào, chúng tôi nghĩ,
sự vắng mặt xảy ra vì những người trích dẫn. Bởi vì về một mặt Diệm nói
tới chuyện ông “tu phục kỳ sự, hữu cảm thân hoài, diên thử trưng dịch”,
để “chuyết thành” cái cuốn Ký của ông. Về mặt khác, nước ta có những
chuyện thần dị xuất hiện vào thời Diệm làm chuyện chuyết thành đó, kiểu
câu chuyện Lý Thúc Hiến và Huệ Đào, mà chúng ta đã có dịp thưởng thức ở
trên.
Dẫu
với những thiếu thốn và bất xác đáng tiếc ấy, việc có một pháp sư tên
Hiền sống vào khoảng những năm 360-450, là một điều chắc chắn. Qua những
phân tích trên, ta thấy dù có những luận điểm do những lá thư của Lý
Miễu nêu lên, niềm tin vào sự thần dị linh ứng vẫn tiếp tục được ngợi ca
và cổ xúy. Dĩ nhiên, xu hướng chung hẳn phải là chống một niềm tin như
vậy, nên sau này Vương Diệm, vị học trò của Hiền pháp sư, đã phải viết
Minh tường ký để xác định và tuyên truyền niềm tin tưởng vào u minh, vào
những điềm lành, điềm gở. Điều này, ta sẽ thấy rõ, khi phân tích nội
dung của cuộc khủng hoảng.