BẢN DỊCH SÁU LÁ THƯ
Lá thư thứ nhất:
Lý Miễu của Giao Châu
viết cho Cao pháp sư
Rằng,
chỗ đạo trong vắng, bốn đại lẽ thường, nhưng giáo pháp nhiệm mầu lan
khắp mọi cõi. Nếu bảo lời dạy ấy khéo hay lợi vật, độ thoát nhiều người
thì sao chân hình nó lại không hiện ở đời? Ấy phải chăng chẳng qua là
nói suông không thật? Nay chính là lúc phải nên tìm nguồn gốc phương Tây
của nó. Nguyện xin đại Hòa thượng rủ lòng thương xót, nhận lấy lòng
con, mà không tiếc lời dạy thần tình.
Đệ tử Lý Miễu cúi đầu đảnh lễ.
Lá thư thứ hai:
Đáp lại thư của Lý Giao Châu
Thích Đạo Cao thưa rằng:
Nhận
được câu hỏi về dấu tích ẩn hiện của đấng Chí Thánh, lý vị đã sâu rộng,
mà từ nghĩa lại rõ ràng, trân trọng xem qua đọc lại, thì lời hay càng
thêm. Sứ quân, thành quách cao sâu, nhận được giáo pháp mà tự hỏi, thì
xin đem hết ống ngu của mình, để làm chuyện võng tượng đi tìm huyền
châu.
Rằng,
đức Như Lai ứng vật, phàm có ba cách, một là hiện ra xác thân, phóng
quang động địa; hai là để lại chính pháp, như khi Phật còn tại thế; ba
là để lại tượng giáo từa tựa, Pháp tắc từa tựa. Pháp tắc ngày nay đang
đáp lại nhân tình, nhân tình đang cảm lấy tượng giáo thì ai làm cho Phật
hiện ra ư? Cho nên kinh Tịnh Danh nói rằng: “Khéo hiểu được pháp tướng
thì biết được căn cơ của chúng sinh”. Đến khi có ba hội Long Hoa ở thành
Sí đầu mạt, nhân tình cảm lấy sự hiện thân thì ai làm cho Phật ẩn đi ư?
Cho nên kinh Pháp hoa nói rằng: “Lúc bấy giờ đức Phật cùng chúng Tăng
đều ra khỏi núi Linh Thứu”. Cung vua Nhượng Khư đương nhiên có thể định
kỳ như thế, thì nguồn gốc phương Tây sao lại không thấy? Nhưng kẻ nghi ở
đời phần nhiều nói lời kinh không hợp, nên mắc phải sự ám muội thiếu
tình, ấy là vì lấy chuyện không thấy mà sinh trệ.
Rằng,
Tam hoàng Ngũ đế, Tam đại Ngũ bá, Cơ Đán Khổng Khưu san kinh Thi chế
sách Lễ, đều chỉ nghe ở sử sách, có ai thấy đâu? Họ Thích gióng trống
Pháp tại vườn Nai, đức Phu Tử dương lời đức ở Châu Lỗ, ấy đều là những
việc tai mắt không biết được và đều phải tin vào sách vở. Nếu không tin
việc sau, thì chẳng nhọc lòng nghi chuyện trước. Nhưng nếu đã hay rõ
được việc sau thì sao lại chỉ trệ ở chuyện trước?
Sứ
quân nghĩ suy sâu rộng, xem suốt ba đời, thì xin hãy tìm xem lời dạy
của Thọ Lượng chưa dứt, gần theo dấu Định Quang Nho Đồng, giữa suy tập
Đại Thông Trí Thắng, để cởi mở chỗ trệ mọi người. Như đem mây đùn che
lấy thái dương, lời cạn văn quê của bần đạo nói không hết lòng. Mong đến
ngày gặp nhau, thì sẽ nói rõ ràng hơn về vấn đề trên.
Kính bạch.
Lá thư thứ ba:
Thư của Lý Miễu
viết cho Pháp sư Đạo Cao
Lý con xin cúi đầu đảnh lễ,
Con
xem đi xem lại lời bàn thanh nhã của thầy, vị thứ đã khu biệt, mà lời
lẽ lại sâu đẹp. Con mong đến ngày gặp rất nhiều. Cái gọi là “cảm hóa có
lúc khác nhau, chánh pháp và tượng pháp lời lẽ hơi khác”, thầy đã viện
việc ngoài để rõ nghĩa trong, trưng lấy văn để nghiệm sự thật, cẩn thận
theo lối mà dẫn tới đích, tất cả chúng không có chỗ nào hở hang hết.
Song
rằng, căn do của sự giác ngộ tất phải nhờ nhìn thấy, khi đã mắc vào ám
muội thì phải sinh nghi. Nghi ngờ không phải là cội nguồn của sự giác
ngộ. Nếu sách vở đang còn, thì những đời khác đều có thể hiểu được, và
vạn thế về sau có thể không đợi một bậc thánh để làm thầy. Nếu nay đã
nhờ đến cả tiếng tăm lẫn dấu tích, thì lời nói và hiện thân phải giúp đỡ
cho nhau. Đạo nghĩa đã bị khó khăn, bọn Nho Mặc đang tranh nhau nổi
lên, thì há để cho chính tín lu mờ, làm cho sự hủy báng hiểu lầm càng
tăng hấn sao? Có thể nào không thấy sự thị hiện và ấn ký để làm chứng
nhằm giữ lấy mình sao? Đấng Đại Thánh ban ra cái trí vô ngại, duỗi lòng
thương không cầu, thì sao lại tiếc cái ánh sáng rực rỡ của mình, để làm
tăm tối hơn những tài năng đi tìm hiểu, dứt hết cả hy vọng của mọi người
sau khi nhập diệt và gia thêm tội lỗi trước lúc có ba hội Long Hoa? Chó
rơm suông đặt, thì ai mà có thể giác ngộ được? Nghi tượng giả bày, thì
ai mà có thể tin được?
Đến
cái chuyện đế vương Cơ Khổng, thì lời dạy của họ đều dừng lại ở đời
này. Việc lai sanh, họ để ra mà không bàn tới. Cho nên, sự ẩn hiện phế
hưng quyền thật của họ không cần phải nói. Nay đức Như Lai đạo nghiệp
bao gồm cả ba đời, lòng thương thấm nhuần khắp cả, thì không được lấy
đời hiện tại mà làm giới hạn. Mọi người mê muội đang tìm xin hiểu biết,
thì không được lấy việc nhập diệt mà cho là chỗ cùng. Vì thế, mà việc
hóa độ không thể hạn cục vào sách vở và việc Phật la liệt bày ra hàng
vạn. Xin hỏi rằng, cái gọi là việc Phật ấy ngày nay nằm ở đâu ư? Nếu như
dẫn chuyện tin bên này, nghiệm bên kia, nhưng đấng Chí Thánh không ra
đời, Khổng và Thích hai đường khác nhau, tức sự mà bàn không phải là
không mâu thuẫn, thì chúng có cái gì có thể chứng nghiệm cho nhau ư?
Vì
chưa thể im lặng bỏ đi, nên con lại phải mượn lời, xin thầy giải rõ
thêm một lần nữa, trong khi chờ đợi gặp nhau cho việc trình bày rõ ràng
hơn.
Lá thư thứ tư:
Lại đáp thư của Lý Giao Châu
Thích Đạo Cao thưa rằng:
Lại
nhận được lời dạy sâu sắc. Ý nghĩa đã đẹp đẽ, mà tôn chỉ lại cao xa, ba
đọc chín suy mới nắm hết chỗ uyên áo. Cho nên biết rằng, điều chí lý
thì không phải người tầm thường thiển cận có thể lường đo, lẽ vi tế ẩn
khúc thì không phải kẻ cạn cợt dốt nát có thể tham hiểu. Nay xin đem sự
thường thiển mà trình bày sơ cái sở hoài của mình.
Rằng,
lấy muôn điều lành làm lời dạy thì đường đi không phải là một. Có kẻ
ngồi thiền trong rừng rú, có người tu đức ở bên cạnh thành, hoặc cung
kính chấp tay, hoặc ca hát tán tụng ngâm vịnh, đều là những việc tai mắt
cùng biết, và người thực hành chúng cũng rất nhiều. Đó là bến bờ của sự
thọ ngộ. Gọi việc mắc sự ám muội, sao lại là nguồn gốc của sự thọ ngộ,
ấy là vì nếu đã nhìn thấy thì hà tất lại có sự mắc phải ám muội. Có mắc
ám muội thì mới sinh nghi. Nghi ngờ do thế cũng là cội gốc của sự giác
ngộ. Xin đáng bàn rõ điều này. Có nghi ngờ thì người ta đi tìm sự hiểu
biết. Có hiểu biết thì người ta có thể giác ngộ. Đã giác ngộ thì vào
đạo. Nếu không phải gốc thì nó là gì?
Tuy
Nho Mặc đang tranh nhau nổi lên, các học phái cãi cọ phải trái, ấy là
vì ngọn đuốc cháy mãi không dứt, chứ đâu phải trời trăng không sáng
chiếu, thì sao lại phải gấp gáp trong việc thị hiện và hấp tấp trong
việc đồng qui? Nay không phải là giống lúc đời mạt không chứng. Chứng
nghiệm là để bày tỏ sự chân thành, đồng thời cũng để tỏ ra nó không phải
là lỗi của đấng Chí Thánh đầy dẫy ánh sáng rực rỡ. Nhưng kẻ nghi cứ lấy
việc không thấy bản thân Ngài, rồi dài mê trong đại mộng, ngang ngạnh
chìm trôi, để mà chết đắm trong sanh tử. Tiên Nho vãng triết đều có nói
sơ điều này từ lâu. Đường không khác lối. Họ chỉ thuật lại mà không
làm.
Rằng,
quên mình mà đem hết lòng thành thì tất có cảm. Có cảm tất phải có
thấy. Không có cảm thì không thấy. Người có thấy đem nói với kẻ không
thấy, kẻ không thấy cuối cùng cũng không tin sự thấy. Thánh nhân đâu
phải là không thường ở với quần sanh, đâu phải là không thường thấy ư?
Nghe Pháp âm mà bảo là hay, thì chó rơm không thể nói là đặt suông, thấy
hình tượng mà cung kính thì linh nghi há là bày giả.
Cơ
Khổng cứu đời đọa lạc không nổi, thì rảnh đâu mà bày tỏ sự việc của lai
sinh? Nếu Khâu và Đán sinh gặp thời kết nốt, họ đã nói rõ chuyện ba đời
chẳng thôi. Ngài hỏi, nay việc Phật nằm ở đâu ư, thì cúi đầu chắp tay,
không gì là không phải việc Phật. Chúng chỉ nhằm khiến người ta thâm ngộ
một cách có phương pháp. Chúng thù đồ mà đồng qui. Thư trước đã dẫn bên
này bên kia, kẻ nghi người tin, ấy chính vì người đời hễ không thấy thì
cho là không có thật. Cho nên phải nói chuyện không thấy của Chu và
Khổng để làm mực thước vậy. Đấy là để dắt dìu mà cùng theo nhau, há có
thể gọi là mâu thuẫn sao?
Sứ
quân sinh ra đã biết sự không giả dối. Với tài năng phú bẩm, ở vào địa
vị của một đấng thiên tử, dùng lấy sự nghĩ suy dĩnh thoát, bơi lội trong
rừng nghĩa, đi lại tại vườn sách, thì ngài có thể nghỉ ăn búi tóc tiếp
khách, có rỗi bàn hay suốt ngày. Lời hay đã nói thì không thể không lắng
nghe. Bần đạo học nghiệp thô thiển, rất thẹn lá thư. Trả lời xằng gọn,
sợ làm bẩn vẻ đẹp của văn đầy. Nghĩ lại càng thêm thẹn thùng, mồ hôi lấm
tấm.
Kính bạch.
Lá thư thứ năm:
Thư của Lý Miễu
viết cho Pháp sư Đạo Cao
Lý con xin cúi đầu đảnh lễ,
Lời
bàn thanh nhã của thầy đã làm rõ bến bờ của sự thọ ngộ, ấy là sự tự
nghi. Được mắc ám muội có thừa, chứ không cần phải nhìn thấy, có cung
kính tán tụng thì đều đủ để dẫn vào đạo vậy. Xem đi đọc lại, con càng
thấy sự sâu sắc của nó.
Song,
cái gọi là tượng pháp và chính pháp trái nhau, nên đi tìm sự giác ngộ,
vì lý thô, phải mượn nơm để chỉ bày tôn chỉ mà không cần phải nhờ đến sự
thị hiện, điều này vẫn giống như lý do Cơ và Khổng đã ban ra lời dạy
của họ và ánh sáng đã tỏ ra sự chiếu minh của nó. Một khi đã bày tỏ thì
ai cũng nhận được. Điểm này, sách vở đời ghi chú cũng đã nhiều đủ. Thế
thì phóng quang động địa mà làm chi ư?
Nếu
chính tín không dừng lại ở sự lạy lục, và việc Phật gồm đủ cả sự thực
hành lẫn giáo hóa, thì nguyên do của sự đại giác phải làm thần diệu cái
nét đẹp của nó, để cho việc đi tìm có thể định được sự bắt nguồn. Cho
nên, biết rằng, người tin thì tất phải dùng đến Nho Mặc để giải quyết
những nghi ngờ và kẻ học thì sẽ do dự không chứng mà tự hối hận. Tam
hoàng Ngũ đế, dù có bỏn sẻn sự minh triết, cũng không phải là lỗi của
họ. Mười hiệu của đức Phật, tuy thầm lặng chiếu sáng, đã diễn hết mọi
đạo đức. Chúng há lại không thế sao?
Còn
về chuyện Cơ và Khổng chỉ chú trọng đến cứu đời đọa lạc, mà không rảnh
để đề cập tới lai sinh, và chuyện giả như họ sống vào thời kết nốt thì
đã tự nói rõ cả việc ba đời, những chuyện này lại cũng không phải thế.
Bảy kinh trình bày, ý nghĩa gồm cả tới những gì chưa đến. Sách Phật phu
diễn sự việc thì dừng lại ở duyên báo. Cho nên kinh Dịch nói rằng: “Chứa
lành thừa vui, chứa dữ thừa khổ”, và kinh Phật dạy: “Không có chủ thể
làm, không có đối tượng làm, không có kẻ bị làm, hành động lành và dữ
cũng không mất”. Điều này chứng tỏ lời dạy về duyên báo là một lẽ thường
mà giáo huấn cả hai bên đều đã truyền rộng, há có thể bảo bên này vụ
điểm này, bên kia chú trọng điểm kia ư?
Bàn
lại những điểm ấy càng hay, nên con xin nói lại chúng vậy. Hy vọng thầy
lại đem điều mới trình bày những chỗ khác để gột rửa cái trệ của xưa
nay, khiến cho đường cong thành thẳng, chướng ngại lại thông. Thầm
nguyện Đại hòa thượng duỗi lòng thương rộng nhận chút lòng con.
Đệ tử Lý Miễu kính trình.
Lá thư thứ sáu:
Đáp lại thư của Lý ở Giao Châu
Thích Pháp Minh thưa rằng:
Lá
thư dài vừa mới tới, trân trọng xem nó suốt ngày. Nó thơm tựa lan rừng,
thanh như gió huệ. Bần đạo tài năng không phải là của Sương Dĩnh, thời
vận không phải là của Bào Sinh, việc làm thì sai trái, lý luận thì hở
hang, chỉ vấp phải nghi ngờ từng đống, ấy đều vì lời dốt ý trệ. Song đã
gắt hỏi thì xin trình tỉ mỉ vụn vằn như sau:
Kẻ
ngu này cho rằng, nghi ngờ điều mờ ám, ghi nhớ sự lạ lùng, nhìn thấy
việc thị hiện, cung kính tán tụng, cảm động linh biến, đều là bến bờ dẫn
về chỗ đạo, là cơ hội đẹp đẽ cho sự thăng hoa. Cho nên thắc mắc và nhìn
thấy đáng được nêu đều, nghi ngờ và chứng nghiệm đáng phải đi đôi, thì
há có thể quăng phăng sự thị hiện, mau tiết lộ vỏ thần thái, để đặt đức
Phật ngang hàng với Cơ và Khổng, xếp giáo pháp cùng với lời dạy của đời
được sao? Phóng quang động địa đều là lời suông.
Rằng,
pháp thân ngưng tịch, sắc màu sáng trong, cho nên có thể ẩn hiện theo
thời, hành tàng chẳng biết. Hiển thì dựa theo sự thật mà ra. Ẩn thì khéo
trôi mà đi. Thế, đã nói đi tìm tôn chỉ, sao lại phải dòng dài về mười
hiệu? Tia lóe của một ánh thừa cũng đủ làm sáng rạng cả cái đời đồi trụy
này thì người tin há đi lấy một đốm lửa leo lét để làm tăng thêm nỗi
nghi ngờ của mình sao? Chỉ cần hướng đến mặt trời mới rạng thì trắng đen
sẽ sánh vai nhau. Tháp tượng kinh sách đầy khắp cả thế giới, kẻ học há
lại đi lấy điều không chứng để tự hối hận sao?
Ngài
lại dẫn đến bảy kinh, ý nghĩa gồm cả những gì thuộc vị lai như “chứa
lành thừa vui, chứa dữ thừa khổ”, thì tuy nói thế, chúng đã không nói
đến việc sinh diệt mỗi mới, đổi vai gánh thay, hành động lành dữ không
thể không chịu báo được. Điều này quả đã rõ cả ba đời, càng rộng rãi sâu
sắc hơn cả bảy kinh. Dù vậy, trưng văn để nghiệm lấy sự thật, điểm ấy
vẫn được lắm. Thư trước ngài nói rằng: “Đế vương Cơ Khổng lời dạy dừng
lại ở đời này, việc lai sinh họ để riêng ra mà không bàn tới, cho nên sự
ẩn hiện phế hưng quyền thật của họ không cần phải rõ”, thì tựa hồ như
có vẻ mâu thuẫn. Song, ý nghĩa nó bây giờ đã ổn ký thì đáng lòng thương
không nên trách. Chỉ xin nghe rõ hơn nữa điều sâu sắc.
Thơ
đáp trước có nói sơ đến đấng Chí Thánh và sự chìm nổi của chúng sinh,
nhưng nghĩa cứ chưa rõ ràng, lời lẽ chưa thông suốt, nên nay xin bàn rõ
lại, để cùng nhau rộng truyền đạo lớn.
Rằng,
quần sinh dài mê trong ba cõi, chúng thức tối mờ trước sáu trần, trôi
chìm với sinh tử là ông chúa của sự cấu xé ăn nuốt, tương tục ở tâm thức
là bánh xe của sự lăn lóc luân hồi, xác thân thì đầy dẫy quán trọ của
nghịch lữ, tâm hồn thì chỉ đáng cho khách khứa nghỉ chân, lui tới trong
ba ác mà khổ sở, qua lại trong tám nạn mà chua cay, hân lạc thì tạm vui
mà lo sợ lại suốt kiếp; một thân chết đi lại chịu một thân khác. Dẫu thế
trí biện thông, sách vở đầy bụng, trăm nhà thấu suốt, chín phái rõ qua,
biết sống chết có mạng, giàu sang tại trời, quỉ thần không thể đòi hỏi,
thánh hiền không thể dự tri, ấy cũng chưa thoát khỏi sự sai lầm để che
lấp tâm tình hay sự nghi ngờ từa tựa để lo nghĩ lông bông. Rồi phó thác
cho đồng bóng, đầu thành với phù chú, ôm lấy chuyện bậy để hy vọng điều
phải, giữ chặt việc giả để chờ đợi sự chân, chần chờ hai lòng, trù trừ
đôi ngả, thì Phật dù có phóng quang động địa, ai mà có thể thấy cho ư?
Sở dĩ sách Phật lưu bố, ấy là giống như bày nơm mà chờ cơ. Căn cơ động
thì tất có cảm. Có cảm thì sau đó tất có ứng vậy.
Tự
khi đặt chí vào nhà huyền, dốc hết lòng vào chỗ uyên áo, rõ được mạng
người như giọt sương mai, hiểu được ba đời là không giả, thì phải tung
mở cái thuật thanh chân, kiểm chận lấy con đường trược giả, gầy đức nhổ
tà mà tà vẫn um tùm, trồng phước vun chính mà chính vẫn thưa thớt, khổ
tiết giành lấy thời gian với tấc bóng, sạch mình tranh lại phút giây với
già nua, ôm ấp lòng thành, bảo hoài chí hướng, cho đến khi có cảm thì
mọi việc liền thông. Há lại không tự mình đem lấy ánh sáng quang minh mà
thấy được sự linh biến của nó đó hay sao? Hoặc qua sự chứng kiến rõ
ràng của tai mắt hoặc qua sự mơ thấy trong giấc mộng như Hán Minh đế
nhơn mộng mà thấy được đấng Chí Thánh, đại pháp do thế mà đã du nhập
Trung Quốc, vua chúa đem hết lòng thành để trở về với bậc đức, anh hào
vén áo để được giáo hóa, sa môn sánh vai với vương công, tăng ni trực
cung trước thiên tử. Đối với 96 thứ ngoại đạo thì ai là cao hơn?
Tống
Vũ Hoàng đế, khi mới lên ngôi, nằm mộng thấy một thầy tu mang bát đến
xin, nhân thế mà nói rằng: “Ông đời trước vì bố thí cho Phật Di Vệ một
bát cơm, nên nay mới được ở ngôi này”, bèn sai đến hỏi Nghiêm công giải
bày thực giả. Nghiêm công liền đưa kinh Bảy Phật cho xem. Chúa Ngô là
Tôn Quyền ban đầu nghi Phật pháp không nghiệm, đáng nên đình chỉ bãi bỏ,
thì liền nhận được ngọc xá lỵ, chiếu sáng rực rỡ, vàng sắt không thể
đập nát, lò nung không thể thiêu chảy, nay đang còn thấy ở chùa Kiến Sơ
tại kinh đô. Ngô quận có một tượng Phật đá, nổi trên nước biển, đạo sĩ
đồng cốt, người theo hàng trăm, ra vẽ phù đọc chú, đánh trống nhảy múa,
không một tên có thể làm nhúc nhích. Năm sáu thầy tu cùng Chu Trương và
khoảng bốn người đã nhẹ nhàng nâng lên và cùng nhau bưng đi một cách dễ
dàng, tức nay thấy tại chùa Ngô quận Bắc. Thuần thành chí đạo, thì không
gì là không có cảm ứng. Nhà Chu Trương suốt đời thờ Phật, do thế mà
thấy được sự ứng nghiệm. Quách Văn Cử sùng phụng Tam bảo, chính tín kiên
minh, tay rờ họng cọp, rất biết sự an nguy. Lan công phủi tuyết buốt
cho thú dữ, Hộ công cảm suối khô thành dòng nước lũ, họ đều là những bậc
cao hạnh siêu quần, thanh trần thoát tục mà hành tích khác thường đều
có ghi lại ở đời vậy. Ngoài họ ra còn không biết bao nhiêu nữa.
Bần
đạo lúc nhỏ học hành nhác nhớm, nên đến khi bạc đầu trở thành quê mùa
cạn cợt; tỏ rõ lòng thành của mình, thì lời thẳng văn vụn, vị tất có thể
hoa mỹ nên sợ không duẫn đáng. Suy đi nghĩ lại càng thêm thẹn thùng.
Kính bạch.
Hậu bút:
Tống
cư sĩ ở Kinh Châu làm ra quyển Minh Phật luận, bảo rằng, theo lời thuật
của Bá Ích trong Sơn hải kinh thì nước Thân Độc gần người mà thương
người. Quách Phác chú thích là, Thân Độc tức là Thiên Trúc, nơi Phù đồ
đang nổi lên - Phù đồ tức Phật đó vậy. Liệt tiên truyện của Lưu Hướng kể
lại 47 người tiên trong kinh Phật. Đó phải là do cái nhìn hẹp hòi về
vấn đề ấy của những học giả, chứ không phải là Phật giáo bắt đầu với Hán
Minh đế. Nhờ sự nhân từ thánh thiện tên Trừng vào thời Thạch Lặc và
Thạch Hổ đã gọi Hổ bảo rằng: “Tại chỗ chùa vua A Dư xưa trong thành Lâm
Truy còn có cái tháp hứng sương có một bức tượng ở dưới một gốc cây lớn
tại rừng sâu cách đất khoảng hơn 20 trượng”. Hổ sai sứ giả y theo bản đồ
đào tìm thì được đúng như lời nói - Vua A Dư tức là vua A Dục vậy. Chú
của Diêu Lược là Tấn vương ở Phố Pha Hà Đông. Ở chỗ mà những người già
gọi là chùa vua A Dục, ông thấy có ánh sáng lóe ra, bèn dục tìm được
xương Phật trong một hộp bạc tại một tráp đá sáng tỏa lạ thường, theo
đường nghênh về kinh đô ở Nghiệp, dâng lên cho các Tỳ kheo, nay thấy tại
chùa Tấn. Do đó, thấy rằng, Phật sự có khắp đất Tấn đã lâu vậy. Sở dĩ
nó không được nói đến ở thời Tam đại, ấy cũng giống như các cuốn sử của
Can Bảo và Tôn Thạnh đã không nói đến sự diệu hóa thật rõ của đức Phật
đã có tiến bộ và thạnh hành ở Giang tả vậy.