Hai
năm chăn bò có lẽ cũng quá đủ để nhà thi sĩ thả hồn mình rong ruổi theo
những dặm đường du mục. Những ấn tượng sâu đậm trong thời kỳ này đã
được Bùi Giáng tái hiện trong một số bài thơ mà ông sáng tác sau này.
Ngoài
bài thơ độc đáo Nỗi lòng Tô Vũ, còn có bài Anh lùa bò vào đồi sim trái
chín. Tuy không hay bằng Nỗi lòng Tô Vũ nhưng bài thơ này cũng thể hiện
một tình yêu thiên nhiên đắm say và mãnh liệt của Bùi Giáng:
“Anh nằm xuống để nhìn lên cho thỏa
Anh thấy lòng mở rộng đón trời xanh
Chìm ngây ngất vào trong đôi mắt lả
Anh lim dim cho chết lịm hồn mình",
"Cây lá bốn bên song song từng lứa
Sánh đôi nhau như ứa lệ ngàn ngàn
Hạnh phúc trời với đất mang mang
Với bò giữa rừng hoang đương gặm cỏ
Với người ngó ngất ngây đương nằm đó
Không biết trời đất có ngó mình không"
Quả thật là một tâm hồn quá khoáng đạt.
Tháng
5 năm 1952, Bùi Giáng bỏ lại sau lưng những đàn bò cùng "hồn hoa dại
cỏ" trên những đồi sim trái chín để ra Huế thi lấy bằng tú tài tương
đương. Bằng tú tài trước đây do Liên khu V thuộc Chính phủ Kháng chiến
cấp, đổi lại để vào Sài Gòn là khu vực đang thuộc vùng địch tạm chiếm
ghi danh theo học Đại học Văn khoa. Nhưng một lần nữa ông cũng quyết
định bỏ học khi đọc danh sách các giáo sư giảng dạy ở Đại học Văn khoa
vì thấy không "tâm phục khẩu phục". Theo tác giả Thụy Khuê thì đây là
lần cuối cùng ông bận tâm với chuyện học hành. Sau sự cố này, Bùi Giáng
không bao giờ đi học nữa.
Sau khi kết thúc chuyện học hành, Bùi
Giáng chuyên tâm vào việc nghiên cứu, viết sách và sáng tác thơ văn. Từ
năm 1957, ông lần lượt cho ra đời một loạt sách giới thiệu về văn học
Việt Nam như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Chinh phụ ngâm... Sau đó ông bắt
tay vào dịch tác phẩm văn học, giới thiệu tác gia danh tiếng của nước
ngoài. Ngoài việc nghiên cứu và viết sách, Bùi Giáng còn đi dạy ở một số
trường trung học. Và vì thế mới có những câu chuyện ly kỳ về việc giảng
Kiều của Bùi Giáng.
Câu chuyện sau đây do một tác giả thuật lại
trong một đặc san về Bùi Giáng, không nói rõ là mình chứng kiến hay giai
thoại. Chuyện kể rằng, một lần nọ Bùi Giáng giảng Kiều cho các em học
sinh, đến đoạn Từ Hải bị chết đứng giữa trận tiền, ông cảm thấy uất ức
quá. Ông không chịu nổi việc một người anh hùng như Từ Hải mà phải bỏ
thân nơi chiến trường vì bị mắc lừa. Từ bức xúc thái quá dẫn đến kích
động thần kinh nên Bùi Giáng la hét dữ dội. Càng căm tức Hồ Tôn Hiến bao
nhiêu thì ông càng la hét bấy nhiêu. Rồi ông khóc tức tưởi, đập bàn đá
ghế, gục đầu thổn thức trên bàn giáo viên. Hết hét lại khóc, hết khóc
lại hét.
Học sinh lúc đầu còn ngạc nhiên thích thú nhìn ông thầy
mình thể hiện cảm xúc, nhưng sau thấy ông làm quá thì đâm ra sợ hãi. Bởi
trước mặt chúng đang là một ông thầy đạo mạo bỗng nhiên trở thành một
con người không còn biết gì đến chung quanh, chỉ la hét than khóc như
cha chết mẹ chết. Quả thật Bùi Giáng đã biến tiết dạy của mình thành đám
ma của Từ Hải, khiến từ học sinh cho đến ban giám hiệu phải một phen
hết hồn. Sau sự cố "đám ma Từ Hải" đó, nhà trường đành phải mời thầy
nghỉ dạy vì không dám để thầy làm các em học sinh phải thêm một phen
hoảng hồn bạt vía nữa.
Cung Tích Biền cũng kể một câu chuyện tương
tự nhưng kỳ dị hơn nữa. Theo Cung Tích Biền thì đây chỉ là một giai
thoại, tuy nhiên căn cứ vào những gì xảy ra với Bùi Giáng trước nay thì
chúng ta có thể tin được đó là câu chuyện có thật. Câu chuyện xảy ra vào
khoảng đầu thập niên sáu mươi. Bùi Giáng đi dạy môn Việt văn cho một
trường trung học ở một vùng tỉnh lỵ nọ. Hiển nhiên dạy Việt văn thì phải
đến lúc ông đụng đến Truyện Kiều và Nguyễn Du. Và chuyện gì đến phải
đến.
Trong một giờ Việt văn, khi giảng đến đoạn nàng Kiều phải bán
mình chuộc cha để hồng trần lưu lạc, Bùi Giáng đã bật khóc òa, khóc tức
tưởi, khóc nức nở ngay giữa lớp học. Có lẽ nước mắt cũng không làm ông
nguôi bớt nỗi cảm thương người con gái tài hoa bạc mệnh Thúy Kiều. Vì
thế ông vừa khóc vừa nhảy phóc qua cửa sổ lớp học, chạy bộ ra bến xe rồi
đón xe đò về Sài Gòn tức thì. Học trò nam nữ trong lớp thì cứ ngồi chờ
mãi, tưởng thầy đi rửa mặt cho sạch nước mắt để dạy tiếp hoặc đi đâu đó
một lát rồi sẽ trở lại, bởi vì trên bàn thầy vẫn còn sách vở, bao thuốc
lá.
Nhưng hết tiết học cũng không thấy thầy trở lại. Ngày hôm sau
cũng không thấy thầy trở lại. Cả tuần sau thầy cũng không quay lại. Bởi
vì thầy đã quyết định bỏ lớp bỏ trường, bỏ luôn cả vùng đất tỉnh lỵ ấy
đến nhiều năm sau. Hỏi thầy nguyên nhân vì sao thì thầy ngậm ngùi nói
"mần răng mà trở lại nơi em Kiều đã một lần hy sinh cho cái trò chơi
nhân gian kỳ ảo chỗ liên tồn" ấy.
Cuộc đấu tranh bảo vệ nàng Kiều và tình yêu loài vật
Đến
Sài Gòn được ít lâu, Bùi Giáng bắt tay vào việc viết sách. Nhưng những
cuốn sách đầu tiên Bùi Giáng viết ra, vì chưa có "thương hiệu" nên dĩ
nhiên chưa có nhà xuất bản nào chịu bỏ tiền ra in, do vậy ông phải tự
lo.
Nhưng với một người vừa chân ướt chân ráo đi lập nghiệp như ông,
làm sao có tiền để in sách. Vì vậy, ông phải xoay xở bằng nhiều cách.
Một số người cho rằng Bùi Giáng đã nhờ người bà con đang làm ăn phát đạt
lúc đó là bác sĩ Bùi Kiến Tín cho mượn tiền để in sách. Nhưng những
người thân cận với Bùi Giáng cho biết ông đã về quê bán tất cả ruộng
vườn được thừa hưởng ở Quảng Nam để lấy tiền in sách. Theo chúng tôi,
chi tiết này là chính xác, vì nó đúng với bản chất con người Bùi Giáng.
Khởi
đầu, Bùi Giáng tập trung vào việc nghiên cứu Truyện Kiều. Đây là tác
phẩm đã gây ấn tượng mạnh mẽ với ông trong thời kỳ còn học trung học.
Năm Bùi Giáng mười sáu tuổi, đọc những cuốn sách của Nguyễn Bách Khoa,
ông đã cảm thấy bức xúc vì những lời Nguyễn Bách Khoa đả phá Truyện Kiều
quá nặng nề.
Lúc đó, không khí tranh luận về Truyện Kiều khá sôi
nổi. Bùi Giáng đã hăng hái bước vào cuộc. Cuốn Một vài nhận xét về
Truyện Kiều và Truyện Phan Trần do Tân Việt xuất bản vào năm 1957 có
những bài viết rất hay về Truyện Kiều. Cùng với một vài tác giả khác,
ông chống lại những quan điểm cho rằng Truyện Kiều là một tác phẩm phản
đạo đức, không mang tính nhân bản. Ông bênh vực quyết liệt cho nàng
Kiều.
Lúc này, tác giả Nguyễn Sĩ Tế vừa tái bản tập sách Luận đề về
Nguyễn Du, trong đó phê phán nhân vật Kiều nhu nhược, lẩn thẩn, ham mê
vật chất... Bùi Giáng bèn "ra tay nghĩa hiệp" bênh vực giai nhân. Ông
đối thoại thẳng thắn với Nguyễn Sĩ Tế, cho rằng Nguyễn Sĩ Tế hẹp hòi
trong cách nghĩ: "Sao ở mọi chốn khác ông Tế tỏ ra chu đáo là thế, mà
riêng đây, ông nỡ cứ hẹp hòi. Mười năm trước ông Nguyễn Bách Khoa từng
lớn tiếng: hoàn cảnh xã hội chi phối con người.
Nhưng khi đem cái
nguyên tắc ấy áp dụng trong việc phê phán nhân vật, bao lần ông đã không
chịu xét cái cảnh ngộ nào đã trực tiếp chi phối tâm trạng con người
nào"..., rằng: "Ông tàn nhẫn quá. Mà chúng tôi tự lượng sức mình không
đủ để bênh vực cho giai nhân. Chúng tôi đành quay mặt đi, không dám
thấy, và chỉ xin phép yếu ớt khẽ kêu lên một tiếng xuýt xoa một đôi bận
mà thôi - những bận nào mũi dao của ông tỏ ra tàn bạo quá". Với một
giọng văn lúc thiết tha trầm lắng, lúc sôi nổi mạnh mẽ, Bùi Giáng góp
phần làm cho người đọc cảm thương nàng Kiều hơn.
Những cuốn sách đầu
tiên của Bùi Giáng có lẽ bán chạy nên các nhà xuất bản bắt đầu chú ý
đến ông. Những cuốn sau, Bùi Giáng không cần phải bỏ tiền ra in nữa mà
ông giao bản thảo cho các nhà xuất bản in để lấy tiền. Từ lúc đó trở đi,
Bùi Giáng kiếm được kha khá nhờ những khoản nhuận bút. Vừa dạy học vừa
viết sách, nếu khéo thu xếp như Nguyễn Hiến Lê, hẳn ông đã tạo dựng được
cơ ngơi.
Thế nhưng Bùi Giáng hầu như không giữ lại cho riêng mình
được cái gì. Một phần lớn khoản tiền nhuận bút ông đem tiêu pha rất lung
tung, trong đó dành khá nhiều cho việc mua chó và khỉ về nuôi. Những
người thần tượng hóa Bùi Giáng tỏ ra rất đắc ý với những việc làm khác
người đó của ông.
Vào những năm về sau, khoảng gần cuối thập niên
sáu mươi, ông in được nhiều sách, tiền nhuận bút cũng nhiều, ông càng
tiêu tiền một cách kỳ cục hơn. Nhiều người kể có lúc thấy đàn chó của
ông lên đến mấy chục con. Phạm Mạnh Hiên cho biết: "Hồi đó, sách của Bùi
Giáng thường in ở nhà xuất bản An Tiêm, mỗi lần thầy Thanh Tuệ đưa tiền
nhuận bút, tôi phải đi với anh Bùi Giáng. Lại lên đường ngao du nhờ cái
bộ vó thư sinh hiền lành của tôi mà nhiều lần mấy cái khách sạn ở Chợ
Lớn đã để cho chúng tôi cùng vào trú ngụ, bởi bên cạnh tôi có cái ông
trung niên kỳ dị, ăn mặc cổ quái chẳng giống ai, lại dẫn theo cả đàn chó
hay vài ba chú khỉ nhỏ"...
-"Ngày đó hễ có tiền là anh Giáng ra
ngay khu chợ Bến Chương Dương mua cả bầy chó, cả bầy khỉ". Cái thú đi
giang hồ đã làm cho Bùi Giáng “nướng” hết những khoản nhuận bút vừa
nhận. Có lần say ngất ngưởng, sáng tỉnh dậy, thấy mình đang nằm ở vỉa
hè.
Một người quen khác của Bùi Giáng kể:
-"Hơn 25 năm trước,
tôi thấy ông nuôi một đàn chó nhỏ, đi đâu cũng dẫn theo làm chúng sủa
vang các hẻm đường, có lúc ông cho hết vào bao bố và vác trên vai làm
chúng cũng muốn ngất ngư, ngộp thở, kêu hục hục trong bao. Có lần ông để
quên đàn chó ở nhà bà Bé Ký cả tuần lễ làm bà Bé Ký phải nuôi ăn và
chăm sóc rất mệt, hở tay ra là chúng sủa vang nhà không ai chịu nổi".
Khoảng năm 1974, một người em ruột của Bùi Giáng mua được ngôi nhà ở Thị
Nghè và mời ông về ở. Ông đến, dắt theo cả đàn vừa chó vừa khỉ khiến
hàng xóm hết sức kinh ngạc.