Tiếp theo những cuốn sách giới thiệu các tác giả cổ điển VN, Bùi Giáng
chuyển qua viết khá nhiều cuốn sách về con người, tác phẩm và tư tưởng
của các nhà văn, nhà triết học phương Tây.
Đầu tiên là cuốn Tư tưởng
hiện đại in năm 1960, đề cập đến Gabriel Marcel, Karl Jaspers, Albert
Camus, Simone Weil, Paul Claudel, Saint Exupéry, Jean Paul Sartre, André
Malraux. Cuốn sách này thể hiện một kiến thức uyên bác của tác giả, tuy
Truyện Kiều thứ thiệt, thơ giả Kiều do tác giả sáng tác, thơ Tản Đà,
thơ của nhiều nhà thơ khác được đưa vào đây không ít.
Năm 1963, bộ
sách 2 tập dày ngót ngàn trang Martin Heidegger và tư tưởng hiện đại ra
đời. Đây là một cuốn sách vừa uyên thâm vừa kỳ lạ. Hãy đọc một đoạn văn ở
phần Lời tựa: "Đã là con người quay chong chóng trên quả địa cầu tròn,
có một ai không cảm thấy mình là lá cỏ lá rêu mù sương lá lách, lau cồn
lìa kim dứt cải…Vậy phải biết nhắm hai con mắt lại để làm một cái giây
leo như Tố-Như leo khắp mình mẩy Hoa Thi Đường Thi không chừa một chỗ".
Người
đọc có cảm giác như ông nhảy phóc vào trong tư tưởng của triết gia này
và… quậy. Xin hãy đọc đoạn văn sau đây nằm trong chương Martin Heidegger
và vấn đề hữu thể:
"Người yêu ta xấu với người
Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau
Nỗi niềm tưởng tới mà đau
Hàng rào giun dế gặm sâu cẳng gà
Con ơi học lấy nghề cha
Một đêm ăn trộm bằng ba năm làm.
Tại
sao một đêm ăn trộm bằng ba năm làm? Bằng ba năm hay bằng hai? Bằng hai
hay bằng bốn? Một đêm mà bằng bốn năm kia ư? Nhiều quá? – Mấy thì vừa? –
Hai năm? Ít quá? – Vừa bằng là ấy ấy ấy chính lààà BAAA. Và ta xin trở
lại với nguyên ý của nguyên tình nguyên mộng lụy
CA DAO LÀ MUÔN NĂM NGÀN ĐỜI VẠN ĐẠI NƯỚC VIỆT LÀ SƯƠNG TUYẾT KIỀU ĐẠM IN PHA:
Con
ơi! Nhớ lấy lời cha. Một đêm ăn trộm bằng ba năm làm. – Vâng. Con nhớ
lời cha. Tại sao nhớ? – Vì con có nghe. – Tại sao nghe? – Vì con có
thấy. – Thấy gì? – Thấy rõ ràng lù lù trước mặt là… - Là gì? Là: Một đêm
ăn trộm bằng ba năm làm. – Ai ăn trộm? – Sartre ăn trộm áo quần của
Heidegger – Áo quần đẹp mới hay không? Đẹp mới vô ngần. Nhưng… Nhưng
sao? Nhưng than ôi! Tại sao lại xảy ra cái chuyện này là cái nỗi nông kỳ
bí… - Kỳ bí như thế nào? Cái nỗi nông nông nỗi gì? – Thưa rằng áo quần
của Heidegger vốn của Heidegger thì vốn của Heidegger mặc áo Heidegger
coi ra rỡ ràng thật đẹp là Heidegger rỡ ràng quắc thước là hùng dũng
Heidegger rạng vẻ cân đai Heidegger râu hùm mày ngài Heidegger hàm én đồ
sộ cả cười hàm én Heidegger có nhìn đêm tế ngộ trông mặt là Heidegger
trông mặt cả cười với Kiều và Thúy và Tố và Như và Nguyễn Du là ấy chính
Heidegger đúng điệu thiên tài vùng vẫy trong bấy nhiêu niên đáng lẽ từ
thiên thu làm nên kinh thiên động địa nếu gặp người từ lâu tri kỷ là
đúng điệu tri kỷ của Heidegger…". Đoạn văn kiểu như vậy dài ngót cả mấy
chục trang sách. Đọc nó người ta thấy như bước vào một mê hồn trận.
Trong
hai tập sách dày hơn một ngàn trang này có rất nhiều đoạn văn như thế.
Không ai có thể biên tập được những cuốn sách này. Bùi Giáng cũng biết
điều đó nên trong phần mở đầu một chương của cuốn Tư tưởng hiện đại, Bùi
Giáng viết: "Bài này trước kia chúng tôi đăng ở tạp chí MAI, ký tên
chung với ông Hoàng Minh Tuynh. Ông Tuynh đã có nhã ý muốn bày tỏ niềm
thông cảm đối với tôi là một kẻ xưa nay vốn chịu nhiều những hững hờ của
độc giả. Bùi Giáng, đó là một danh từ có âm hưởng lăng nhăng, không gây
được tin tưởng. Ông Tuynh đã chịu khó bỏ giúp tôi những đoạn nào tôi
viết quá trớn theo điệu du côn của Sartre và loại hẳn những tiếng bê bối
lai rai là những tiếng tôi quen dùng".
Bùi Giáng đã cám ơn người
biên tập cho ông trong phần mở đầu đó. Có lẽ đây là người duy nhất biên
tập văn Bùi Giáng, và nhờ đó cuốn sách này trở nên gọn gàng, ta có thể
hiểu được một số nội dung mà Bùi Giáng đưa ra. Nhưng bởi vì ông Tuynh là
đồng tác giả. Còn nếu biên tập viên thì không thể làm được như ông
Tuynh.
Có một số người Bùi Giáng nhắc lại mãi trong những trang viết
của mình như là một nỗi ám ảnh. Hình bóng họ đã ăn sâu vào tiềm thức
ông do những ấn tượng mạnh mẽ lúc ban đầu. Khi bệnh tình bộc phát, những
hình bóng đó sẽ xuất hiện trở lại trong văn thơ ông theo những cách
khác nhau. Trên lĩnh vực tri thức, đại thi hào Nguyễn Du và triết gia
người Đức Martin Heidegger được ông lặp lại nhiều nhất.
Khi bước vào
con đường nghiên cứu, Bùi Giáng quan tâm đến Nguyễn Du đầu tiên cùng
với một số tác giả cổ điển khác. Chúng ta nhớ lại, cuốn Một vài nhận xét
về Truyện Kiều và Truyện Phan Trần được ông viết vào năm 1957 thật sáng
trong mạch lạc. Kể từ đó, thiên tài Nguyễn Du bắt dầu "nhập hồn" Bùi
Giáng. Ước tính có đến cả ngàn lần Bùi Giáng nhắc tên Nguyễn Du. Trong
thơ, trong văn, trong giới thiệu tư tưởng và triết học, thậm chí cả
trong những bản dịch tiểu thuyết nước ngoài… đâu đâu ta cũng bắt gặp
hình bóng Nguyễn Du. Bùi Giáng còn sáng tác nhiều bài thơ về Nguyễn Du.
Một số bài thơ khác không liên quan, thì ông lại đề tặng Nguyễn Du.
Tuy
nhiên, không phải như thế là Bùi Giáng sẽ dành những câu chữ hay ho
nhất để viết về "cố nhân" của mình. Ngược lại, phần lớn những bài thơ
viết về Nguyễn Du đều rất cà rỡn. Ta hãy đọc vài đoạn thơ Bùi Giáng viết
về Nguyễn Du. Đây là một đoạn trong bài
Nhớ ông:
"Nhớ hoài ông Nguyễn ông Du
Ông Như ông Tố Điếu Đồ biển Nam
Hồng Sơn Liệp Hộ hội đàm
Hồng Sơn sơn nguyệt minh quang một mình".
Hoặc một đoạn khác trong bài Tố Như nhớ quê:
"Tôi nay lão nhược hơn ông
Tôi ngoài bảy chục thong dong một mười
Ông chưa tới tuổi sáu mươi
Lìa đời lúc mới tuổi ngoài năm lăm".
Đó
là trong thơ. Vì thơ thì không phải lúc nào cũng đưa được một người nào
đó vào mãi nên sự xuất hiện của Nguyễn Du cũng có giới hạn. Nhưng trong
văn xuôi thì Bùi Giáng liên tục đưa Nguyễn Du vào. Đi sâu vào các trang
sách của Bùi Giáng, ta thấy Nguyễn Du xuất hiện dày đặc. Khen thơ Hồ
Dzếnh, Bùi Giáng viết:
- "Cũng may cho ông Nguyễn Du sinh ra ở thế
kỷ trước. Nếu sinh ra đồng thời với Hồ Dzếnh, ắt ông Nguyễn Du không còn
chịu viết Đoạn Trường Tân Thanh làm gì".
Viết về một câu chuyện
không đâu vào đâu, Bùi Giáng cũng lại nói về Nguyễn Du: "Lại cũng như
ông Nguyễn Du ham có hơn ba trăm năm sau có kẻ khóc mình. Có một mẫu
thân Phùng Khánh cho con bú trong hiện tại đã đủ rồi, hà tất phải dỗ con
nín khóc ba trăm năm sau".
Viết về Albert Camus, Bùi Giáng cũng không quên Nguyễn Du:
-
"Rồi những điều Nguyễn Du nói với ma, thì quỷ lại tưởng là nói với quỷ.
Những điều Nguyễn Du nói với quỷ, thì thần thánh lại tưởng là nói với
thánh thần. Những ngộ giải chạy tràn lan. Quỷ không hài lòng về Nguyễn
Du, thần thánh bực bội vì Nguyễn Du".
Trong những cuốn sách như Mùa
thu trong thi ca, Thi ca tư tưởng, Đường đi trong rừng… cứ một đôi trang
là ta bắt gặp hình ảnh Nguyễn Du hiện lên qua cái lăng kính hài hước
của Bùi Giáng:
"Nguyễn Du không kinh hoàng nhảy lui. Cũng không bị
tẩu hỏa nhập ma, vùng vẫy rú lên một tiếng như Zarathustra also sprach.
Ông điềm nhiên làm Nam Hải Điếu Đồ. Kẻ câu ấy câu cái gì tại Nam Hải?"…
"Và đó cũng là duyên do kỳ dị thiên biến vạn hóa đã khiến Nguyễn Du mở
một trận Ẩn Tàng kỳ bí cổ kim bằng cách: cả hư không đặt để nên lời, cả
nỗi đêm khép mở nỗi ngày riêng chung của song trùng tịch hạp thượng thừa
huyền môn tâm pháp – Nguyễn Du đều đem gán vào môi miệng Bạc Bà Tú Bà"…
Bùi Giáng còn có cái thú làm thơ giả Kiều để ký tên chung Bùi Giáng
- Nguyễn Du hoặc Bùi Giáng - Tố Như. Đó là những đoạn lục bát chen vào
giữa những đoạn văn xuôi, có tí chút "chất Kiều". Trong cuốn Martin
Heidegger và tư tưởng hiện đại có nhiều đoạn giả Kiều rất dài. Những câu
giả Kiều ấy có khi sai cả vần sáu tám.
Cùng với Nguyễn Du là
Heidegger. Ông này cũng xuất hiện rất nhiều trong các trang viết của Bùi
Giáng, không kém gì Nguyễn Du. Không rõ triết gia người Đức này "nhập
hồn" Bùi Giáng lúc nào mà đến năm 1963, khi Bùi Giáng viết bộ sách hai
tập Martin Hedegger và tư tưởng hiện đại thì đã thấy ông bị "tẩu hỏa
nhập ma" bởi triết gia này rồi. Bùi Giáng đã viết đến năm sáu cuốn sách
liên quan đến Heidegger. Nhưng như thế vẫn chưa thỏa mãn, ông lại đưa
triết gia này vào trong rất nhiều cuốn sách khác. Tuy nhiên khác với
Nguyễn Du, Bùi Giáng ít dám "sờ cằm vuốt râu" Heidegger, dù đôi lúc cũng
cà rỡn kiểu như: "Ông Cụ Già Nua Nước Đức Heidegger", "Heidegger Đức
Quốc Nua Già". Người ta có cảm giác Heidegger được ông kính nể như một
người thầy còn Nguyễn Du thì ông mến yêu như một người ông vậy…
* Vị trí hai người đẹp Kim Cương và Marilyn Monroe trong lòng Bùi Giáng
Bùi
Giáng yêu cũng thật lạ lùng. Trong lòng ông có rất nhiều người đẹp, nữ
nghệ sĩ Kim Cương và diễn viên điện ảnh Mỹ Marilyn Monroe chiếm một vị
trí đặc biệt. Đối với hai người này, Bùi Giáng mạnh dạn nói năng mà
không hề e ngại điều gì. Bởi trong tâm thức ông, họ là hiện thân của cái
đẹp nhân gian.
Hiện có rất nhiều giai thoại về chuyện Bùi Giáng mê
Kim Cương, nhưng có lẽ ta cũng không cần tìm hiểu rằng chúng thật giả
bao nhiêu phần trăm, bởi điều đó không mấy quan trọng. Vì như trường hợp
Marilyn Monroe, một người ở tận bên kia đại dương mà vẫn nhập vào hồn
ông được, huống gì là Kim Cương tài sắc ở ngay tại VN.
Kim Cương là
đối tượng số một của Bùi Giáng. Hình bóng của người đẹp này dường như
thường trú trong vô thức của ông chứ không phải thỉnh thoảng mới hiện ra
như một số người khác. Bùi Giáng đã dùng mọi cách biểu đạt kỳ quái nhất
để nói về Kim Cương. Bài thơ sau đây hẳn sẽ làm cho một số độc giả nữ
cảm thấy "kỳ kỳ" nhưng đồng thời nó cũng cho thấy sự ám ảnh kinh khủng
của người đẹp Kim Cương đối với ông. Đó là bài Cô Kim Cương ơi, in trong
tập Sa mạc phát tiết, nguyên văn như sau: "Nếu ngày sau tôi chết đi, mà
cô không thể giỏ cho một giọt nước mắt/Thì cô có thể giỏ cho một giọt
nước tiểu cũng được/(Nhớ giỏ ngay trên nấm mồ)/Ở dưới suối vàng tôi sẽ
ngậm cười mà đón nhận/(Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây)". Thật là
một bài thơ không thể nào tưởng tượng nổi.
Nhưng không chỉ có vậy.
Trong cuốn sách Con đường ngã ba, Bùi Giáng còn bị ám ảnh dữ dội hơn
nhiều. Suốt mấy trang liền, ông nhắc đi nhắc lại "lời đề nghị" ở trên:
"Cô Kim Cương hãy đi tiểu trên nấm mồ tại hạ. Thiên tài buổi Hoàng Hôn
thốt một lời như thế. Nhưng Vũ Lâm Xuân của Thệ Đa Lâm vẫn không thể
trùng sinh trên đống xương tơi tả của mình..."... "Cô Kim Cương hãy đi
tiểu trên nấm mồ tại hạ. Đó quyết nhiên là lời rốt ráo tối hậu. Không
cách gì nói khác. Nấm mồ tại hạ. Không thể đổi tiếng đó ra làm một tiếng
nào khác. Hãy đi tiểu. Có thể nào đổi tiếng đi tiểu ra làm một tiếng
khác..."... "Cô Kim Cương hãy đi tiểu trên nấm mồ tại hạ vẫn vĩnh viễn
là ngôn ngữ tuyệt trù bất tận thi nhiên. Vì chỉ nói như vậy thì ngàn vạn
năm sau riêng hình ảnh cô Kim Cương sẽ vĩnh viễn đi về Trong Tháng Ba
Lễ Hội để giải oan cho Tượng Vương hồi xứ Hoa Nghiêm Kinh..."... "Cô Kim
Cương hãy đi tiểu trên nấm mồ tại hạ là sự vụ cần yếu ban sơ cho cuộc
tối sơ đi về hủy thân giữa trần thổ. Cô Kim Cương vén xiêm đi tiểu xong
rồi, thì từ nấm mồ của trần thổ hủy thân đó sẽ nảy nở ra cuộc đầu thai
nơi núi đá...". Cứ một ý như vậy mà Bùi Giáng nói dông nói dài mãi.
Nhưng sau đó, cách khoảng mấy trang, Bùi Giáng lại đổi ý, không muốn giữ
lời đề nghị trên nữa: "Hỡi mẫu thân Kim Cương! Mẫu thân hãy dừng cuộc
đi tiểu trong một thời gian để suy ngẫm trở lại xem có thể tạo ra một vũ
trụ khác để đi tiểu".
Chúng ta không cần quan tâm đến ý nghĩa của
từng câu chữ. Nhưng chúng mang cái ý nghĩa tổng quát, đó là sự ứng xử
của vô thức đối với từng khái niệm. Ở đây là sự ứng xử với cái đẹp khác
giới tính của thi sĩ trong trạng thái tâm thần không bình thường.
Theo
sau Kim Cương, Marilyn Monroe cũng được Bùi Giáng mê cuồng. Ông đã sáng
tác một số bài thơ về người đẹp này. Ta hãy đọc bài Trời khóc Marilyn
để xem Bùi Giáng viết về người đẹp này như thế nào:
"Trời xanh úp mặt nghe tin
Thôi rồi! Em Má Ri Lyn đi rồi
Từ đây ta bỏ ngai trời
Thu thời gian đập tơi bời càn khôn
Giữa hư vô nếu em còn
Nhớ ta em gửi cái hồn cho ta
Úp môi ôm mặt khóc òa
Cồn lê lên miệng là ba bốn lần".
Đó
là bài thơ ông in trong tập Hoa lá cồn, xuất bản năm 1963. Sau đó trong
phần Mưa nguồn hòa âm, ông lại viết một bài thơ với cái tựa cũ là Trời
khóc Marilyn. Bài thơ có mấy chục câu bắt đầu từ chữ luống, một loạt câu
khác bắt đầu từ chữ một. Bài thơ này có một số câu chữ đi vượt quá giới
hạn "đố tục giảng thanh", không thể trích dẫn vào đây được. Nhưng nó
cho thấy rõ cái cách mà Bùi Giáng trình bày về cái đẹp trần tục theo cảm
hứng của ông.
Có lẽ nói mãi cũng không hết được chuyện Bùi Giáng
làm thơ về những người đẹp. Cho nên ta hãy đọc mấy câu thơ mà ông "phân
loại đánh giá người đẹp" trong bài Quốc sắc Việt Nam sau đây: "Nam
Phương Hoàng hậu đẹp một cách thong dong/Kim Cương Nương tử đẹp một cách
thoải mái/Hà Thanh Công chúa đẹp một cách cởi mở/Trí Hải Ni cô đẹp một
cách không lời". Bài thơ này còn dài nhưng chỉ trích dẫn chừng này câu
cũng đủ cho thấy "vị giám khảo cuộc thi Người đẹp Việt Nam" này có con
mắt tinh đời lắm.