Năm 1970, Bùi Giáng được các bác sĩ ở Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa cho
xuất viện. Ngay trong năm đó, ông đã in hai cuốn sách là Biển Đông xe
cát và Mùa thu trong thi ca. Qua năm 1971 ông in Ngày tháng ngao du. Lúc
này ông cũng đã bắt đầu ngao du thực sự trên khắp những nẻo đường Sài
thành chứ không chỉ ngao du trong các trang sách.
Phạm Xuân Đài một
người gần gũi với Bùi Giáng kể: "Bây giờ anh ít làm thơ lắm, còn các cơn
điên thì viếng anh gần như định kỳ. Những lúc ấy anh đi nhiều nơi,
nhưng thường xuất hiện vùng chợ Trương Minh Giảng, chỗ Đại học Vạn Hạnh
là nơi ngày xưa anh từng trú ngụ, đứng giữa đường vung tay điều khiển xe
cộ, cử chỉ rất linh động, đặc biệt đôi mắt sáng quắc bừng bừng. Anh
đang thể hiện một năng lực nào đấy đang đầy ắp trong người anh. Có khi
anh múa may trong một lớp áo lòe loẹt, động tác mạnh mẽ chính xác gần
như múa võ, miệng hò hét như đang nạt nộ với một đối tượng vô hình đang
hiện diện ngay trước mặt mình. Đêm khuya một hai giờ sáng người ta nghe
thấy một người đi vừa tranh luận với chính mình, lời lẽ khó hiểu, thì ai
nấy đều biết đó là Bùi Giáng".
Năm 1972 ông in khá nhiều sách:
Đường đi trong rừng, Lời cố quận, Lễ hội tháng ba, Con đường ngã ba -
Bước đi của tư tưởng. Năm 1973 in Bài ca quần đảo, Hoàng tử Bé. Năm 1974
in Mùi hương xuân sắc.
Khi không làm gì, ông lại ngao du nhiều hơn.
Một người quen biết khác với Bùi Giáng, ông Nguyễn Văn Thức kể lại như
sau: "Có một lần gặp một người bạn, người bạn đó đã nói với tôi: Bùi
Giáng dạo này điên lắm. Tôi bán tín bán nghi tự hỏi không biết có thật
không”. Nhưng một hôm, Nguyễn Văn Thức đã tận mắt chứng kiến những gì
xảy ra trước mắt mình, mới tin lời người bạn nói lúc trước: "Một ông lão
ăn mặc thời thượng đang nhảy múa trên đường Duy Tân (nay là đường Phạm
Ngọc Thạch). Quần áo lếch thếch, dơ dáy, màu sắc lung tung. Tay cầm một
ống sáo, đầu đội khăn có cắm lông gà lua tua. Râu ria xồm xoàm. Ống sáo
trên đầu bịt một chiếc bong bóng đỏ, mỗi lần thổi bung lên tóp xuống,
không phát ra một thứ âm thanh nào.
Đang từ ở một mé đường ông lại
chạy tông ra giữa đường nhảy múa. Chiếc bong bóng cứ liên tiếp phùng ra
tóp vào. Lũ trẻ chạy theo bu quanh hò reo thích chí. Cứ thế ông diễu
hành dọc theo đường Duy Tân lên đường Hiền Vương (nay là đường Võ Thị
Sáu). Đám trẻ cứ bu theo ông chọc ghẹo. Ông rượt đuổi chúng chửi rủa
thậm tệ và miệng lẩm nhẩm những gì không ai hiểu nổi. Đứng ngoài nhìn
ông diễu hành, tôi thấy cám cảnh nên đã trờ xe đến gần gọi ông, nhưng
ông không hề nghe vẫn tiếp tục nhảy múa. Vài đứa trẻ nhìn tôi lấy làm
lạ. Tôi tiếp tục gọi ông. Lần này ông quay lại nhìn và nhận ra tôi rồi
nhờ tôi chở đến nhà Đinh Cường. Khi ngồi ở sau xe tôi, Bùi Giáng trở nên
hiền khô. Tôi thấy hai đòn bánh treo tòn teng ở cổ kỳ kỳ. Bùi Giáng
hiểu và cho tôi hay là mẹ Trịnh Công Sơn vừa mới cho".
Và đây là một
cảnh tượng khác xảy ra trên đường phố Sài Thành mà "diễn viên chính"
không ai khác hơn ngoài thi sĩ của chúng ta: "Bùi Giáng nhảy múa trước
Bệnh viện Nhân Dân Gia Định đường Nơ Trang Long quận Bình Thạnh. Ông cầm
một cây đu đủ khô queo dài cỡ hơn hai mét. Lúc nào cũng vung cây đu đủ
lên nhảy múa, quần áo vẫn lôi thôi, chằng vá đơn kép, màu sắc linh tinh.
Đám trẻ con, người lớn bu vào. Giữa đám đông ấy tôi đến gần Bùi Giáng,
vỗ vai ông: Nhảy múa gì mãi vậy, ông? Nghe hỏi, ông quay phắt lại phía
tôi, nhếch cặp mắt trắng dã, dữ tợn với dáng vẻ thủ thế. Tôi mỉm cười
cầu hòa. Khi nhận ra tôi - vẫn một tên trung niên ông đã từng gặp: À,
mày, mày cho tao về xóm gà đi. Vào nhà tao chơi. Không cần gì phản ứng
của tôi, ông nhảy phóc lên yên sau xe đạp. Lúc này xe gắn máy của tôi đã
mất nên chở ông rất khó khăn, vả lại trên tay ông đang cầm một cây đu
đủ dài hơn hai mét.
Bùi Giáng và tôi đang là trò cười cho đám đông.
Tôi nói là bận không thể chở được. Ông nói như phán: Cứ đi đi, chở cây
này về dùm tao. Bùi Giáng cứ gác gốc cây đu đủ lên tay lái xe đạp, ngọn
thì ông đặt lên vai. Ông lại phán: Đi mày ! Giây phút này tôi bỗng trở
nên một gã hề, rất hề. Giá ông đọc vài câu thơ Pháp lên giọng rồi xuống
giọng thì tuyệt. Nhất định là một sân khấu ngoài trời. Hình ảnh này tôi
đã gặp nhiều lần ở quán cà phê Huy Tưởng. Tôi cố sức đạp đi mà không
nổi, vì lỉnh kỉnh quá. Vài người trong đám đông đề nghị, đi xích lô
thôi. Tôi đồng ý ngay. Bùi Giáng thì lưỡng lự. Nhưng trời xui đất khiến
ông cũng nhảy xuống. Tôi đưa ông ít tiền để ông đi xe, nhưng ông chỉ lấy
một nửa trước sự ngạc nhiên của tôi và nhiều người..."
Nói về
chuyện ngao du của Bùi Giáng, Phạm Xuân Đài kinh ngạc: "Cái ông già gầy
gò ngoài sáu mươi ấy lấy đâu ra sức lực để trải qua các cơn điên dữ dội
của mình? Đấy là một điều bí ẩn. Đi lang thang hàng chục cây số bất kể
nắng mưa, múa may la hét suốt mấy ngày liền, kẻ lực sĩ chưa chắc đã làm
được".