26/08/2010 09:44 (GMT+7)
Số lượt xem: 6074
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Trong các nhà văn Nam Bộ đầu thế kỷ XX, có lẽ Đông Hồ và Mộng Tuyết, đôi thi sĩ đất Hà Tiên, là hai người có nhiều tình cảm, gắn bó nhất đối với miền Bắc, với Thăng Long – Hà Nội.

Có phải vì quê hương ở mảnh đất cực Tây của đất nước, giáp với biên giới xứ người, nên ý thức về tổ quốc luôn thường trực trong tâm hồn họ? Nhìn cảnh sắc Hà Tiên,  Đông Hồ như nhìn thấy một đất nước thu nhỏ: “Có một ít hang sâu động hiểm của Lạng Sơn. Có một ít ngọn đá chơi vơi giữa biển của Hạ Long. Có một ít núi vôi của Ninh Bình, một ít thạch thất sơn môn của Hương Tích. Có một ít Tây Hồ, một ít Hương Giang. Có một ít chùa chiền của Bắc Ninh, lăng tẩm của Thuận Hoá. Có một ít Đồ Sơn Cửa Tùng, một ít Nha Trang Long Hải” (1).

            Tên tuổi Đông Hồ từ đầu đã gắn liền với tờ báo nổi tiếng Nam Phong tạp chí của xứ Bắc. Theo tâm sự của Đông Hồ, chính Nam Phong đã đánh thức nơi ông niềm say mê với quốc văn, quốc ngữ:

“Nằm nhà buồn buồn, tôi lấy mấy quyển sách ra xem thì là mấy tập Nam Phong cũ. Tôi giở từng số, xem qua một lượt. Tôi gặp bài thơ Le Lac của Lamartine dịch ra quốc ngữ của cô Lê Cẩm Nhung và của ông Nguyễn Văn Bông. Tôi để ý đọc, chỉ đọc bài quốc ngữ thôi, vì bài chữ Tây thì tôi đã thuộc lòng (…) Thì ra quốc văn có thể diễn nổi những cảnh sắc sảo sáng sủa của thơ Tây, và cũng có thể diễn nổi những ý tứ thâm trầm, những tư tưởng cao thượng của thơ Tàu. Tôi tỉnh ngộ. Tôi thấy rằng nước ta còn có chữ, giống ta còn có tiếng nói. Quốc văn ta có nghèo hèn kém cỏi gì đâu. Tôi bỏ Pháp văn, quay ra chuyên tâm học quốc ngữ. Cái duyên của tôi với báo Nam Phong cũng bắt đầu từ đó, mà cái cảm tình của tôi đối với tiếng nước nhà đằm thắm mặn mà cũng bắt đầu từ đó”(2).

         Đông Hồ còn có hẳn một căn gác nhỏ để viết lách, lưu trữ sách vở của Nam Phong tạp chí  với cái tên “Nam Phong các”. Từ năm 1923, ông bắt đầu nổi tiếng với nhiều bài khảo cứu, tùy bút, ký sự đăng trên báo Nam Phong như Thăm đảo Phú Quốc, Linh Phượng ký, Phú Đông Hồ, Hà Tiên Mạc thị sử ... Chính vì thế mà ông được các nhà văn học sử xếp vào văn phái nhóm Nam Phong. Trúc Hà, một trong “Hà Tiên tứ tuyệt” (gồm Đông Hồ, Mộng Tuyết, Lư Khê, Trúc Hà), cháu gọi ông bằng cậu, cũng chọn Nam Phong làm nơi để khởi nghiệp văn chương.

            Vốn có khát vọng vun đắp, xây dựng tương lai cho “tiếng Việt huy hoàng”, nên vào năm 1926, tức lúc mới tròn hai mươi tuổi, chàng trai trẻ Trác Chi đã mở Trí Đức học xá bên bờ Đông Hồ dạy toàn chữ quốc ngữ. Thành lập Trí Đức học xá, Đông Hồ muốn thực hiện lời của Tagore khi mở nhà Santiniketan để dạy cho thanh niên Ấn Độ cái đạo giải phóng tinh thần, sống gần thiên nhiên: “Có học tiếng mẹ đẻ, thì chúng ta mới vỡ trí khôn ra được”. Giữa lúc tiếng Việt đang bị rẻ rúng, coi khinh như lúc đó, hành động của ông giáo trẻ Lâm Tấn Phác quả là rất dũng cảm. Nhiều bài làm văn của học trò Trí Đức học xá đã được Đông Hồ biên tập và gửi đăng trên báo Nam Phong, trong đó có bài của người học trò xuất sắc nhất là nữ sĩ Mộng Tuyết, sau này trở thành người bạn đời của ông.

        Ngoài Nam Phong, Đông Hồ còn viết bài cho các tạp chí ở Bắc như Văn Học tạp chí, Khai trí Tiến đức tập san, Tri Tân. Mộng Tuyết ngoài Nam Phong cũng viết nhiều bài cho Tri Tân. Bà cũng có rất có duyên với các giải văn chương ở đất Bắc. Truyện ngắn Tình trong sạch của bà đã được giải nhất của Nam Ký thư quán Hà Nội. Năm 1939 tập thơ Phấn hưong rừng của bà lại được tặng Giải thuởng văn chương danh giá của Tự Lực văn đoàn.

        Vào năm 1935, các nhà văn của Hà Tiên (gồm Đông Hồ, Trúc Hà, Trúc Phong, Lư Khê, Trọng Toàn, Quang Đẩu, Bạch Như, Mộng Tuyết) đã thành lập báo Sống ở Sài Gòn, một tờ  báo chuyên về văn chương. Đây là tờ báo viết đúng chính tả hỏi ngã đầu tiên của Nam Bộ. Các nhà văn đất Bắc như Tản Đà, Á Nam Trần Tuấn Khải, Đồ Nam Nguyễn Trọng Thuật, Vân Đài… cũng đóng góp rất nhiều bài viết cho báo. Những người làm báo Sống chủ trương không phân biệt Nam – Bắc trong chữ viết. “Khi báo Sống mới ra đời, chúng tôi chủ ý chen trong câu văn ít nhiều tiếng Bắc, mục đích là muốn làm cho tiếng nói được thống nhứt, và không có sự chia rẽ người trong hai xứ Bắc – Nam. Trong khi viết văn, chúng tôi chỉ chọn lựa những chữ nào thanh nhã hay không thanh nhã, đúng nghĩa hay không đúng nghĩa – tất nhiên là theo ý của chúng tôi – chớ không còn nhớ nó là tiếng Nam hay tiếng Bắc nữa. Chúng tôi đều coi là một tiếng chung của cả nước: tiếng Annam”(3).

          Năm Ất Dậu 1945, bọn thực dân, phát xít Pháp, Nhật gây ra nạn đói khủng khiếp ở miền Bắc làm cả hai triệu người chết. Đau lòng trước thảm cảnh ấy của dân tộc, Mộng Tuyết đã sáng tác mười bài thơ gọi là Mười khúc đoạn trường. Bà đã đem bán mười bài thơ ấy để lấy tiền cứu đói. Trong lịch sử văn học Việt Nam, cũng đã có trường hợp rao bán thơ văn của mình, như trường hợp của Tản Đà khi viết “Còn trời còn đất còn non nước, Còn có thơ ca bán phố phường”, nhưng bán thơ để cứu đói như Mộng Tuyết quả là một trường hợp hi hữu.

          Mười khúc này được Đông Hồ viết và vẽ trên giấy trinh Bạch ngọc, bằng bút thỏ Tảo thiên quân và mực thơm Vạn niên chi cùng với mấy vần thơ rao bán:

Mười khúc đoạn trường thơ cứu đói

Bốn phương tri kỷ gió đưa duyên

Non sông cố quốc lòng đang rộn

Son phấn tài hoa nợ chửa đền.

          Trong mười khúc đoạn trường này, có bài Nạn đói nước Ngô đề tặng Ân Ngũ Tuyên, một bút hiệu của nhà văn Nguyễn Tuân, bởi nhà văn có viết thư hỏi về tin nghe đồn trong Nam người Nhật đem lúa thóc đốt làm củi. Bài thơ đầu của tập thơ này nhan đề Giá gạo Tràng An đã được Hoài Thanh chọn để giới thiệu trong Thi nhân Việt Nam:

 

Gởi Vân muội

Cô hàng hoa vườn Trí Đức

 

Tràng An tửu giá cao như mễ

Ngã mại kỳ văn nhĩ mại hoa

 

Nghe nói Tràng An giá gạo cao

Đói cơm cửu hạn khát mưa rào

Bà con ta ở miền Trung Bắc

Thóc gạo Đồng Nai những ước ao

 

Tổ quốc bâng khuâng hồn nghệ sĩ

Cô em rủ chị học làm thơ

Em vui bể mực dầm ngòi thỏ

Chị mải rừng văn xây lối mơ

 

Cấp báo về đây tự nẻo xa

Người đang ngoắc ngoải đợi chờ ta

Vốn nghèo biết giúp gì em nhỉ

Ngã mại kỳ văn nhĩ mại hoa.

 

          Tập thơ được một người bạn của Đông Hồ và Mộng Tuyết đem lên Sài Gòn triển lãm và bày bán, có tập đã ra tận Hà Nội. Nữ sĩ Mộng Sơn trước 1954 cho biết còn giữ được một bản. Việc làm ấy, ngày đó, quả là ngây thơ, nhưng tấm lòng của nữ sĩ đối với đồng bào miền Bắc thật đáng trân trọng.

          Không chỉ gắn bó với miền Bắc, với Thăng Long – Hà Nội qua thơ văn, đôi thi sĩ năm 1939 còn ra tận miền Bắc để được thăm Thăng Long, thăm lầu Khuê Văn, chùa Một cột, hồ Hoàn Kiếm, cầu Thê Húc…, những danh thắng mà người Việt Nam nào ở xa thủ đô cũng một lần ao ước được đến. Đây cũng dịp để đôi thi sĩ gặp gỡ các bạn văn mà mình đã rất trân quý. Chuyến Bắc du này đã được ghi lại trong một loạt du ký của Mộng Tuyết, trong đó có Lần đầu tiên tôi gặp Nguyễn Tuân, Hà Nội Tây Thi, Gặp tác giả Quả dưa đỏ

         Hà Nội trong không khí chiến tranh lúc đó dưới mắt Mộng Tuyết giống như nàng Tây Thi đang nhíu mày, đang “đau bụng::

Hà Nội cô em bé mĩ miều

Đêm ngày mong gặp dấu tình yêu

Chau mày nũng nịu làm Tây Tử

Ủ rũ Hồ Gươm bóng liễu chiều

         Cuộc tiễn đưa đôi thi sĩ về Nam đầy lưu luyến chiều ngày 2 tháng 9 năm 1939 đã được Mộng Tuyết ghi lại trong hồi ký Núi Mông gương Hồ. Sau này Tô Hoài cũng có nhắc lại: Có “bác nhà Nho khăn đóng áo the thâm Đồ Nam Tử Nguyễn Trọng Thuật, tác giả tiểu thuyết phiêu lưu Quả dưa đỏ”(4); có “Nguyễn Tuân mới từ vùng mỏ Mông Dương – Vàng Danh về, mặt mũi tóc tai còn sạm đen mùi than bụi, vậy mà khi ra tiễn khách đã áo quần chững chạc, phong thái ung dung” (5); có “nhà thơ Lưu Trọng Lư tất tả, ngơ ngác” (6)… Cụ Đồ Nam lên hẳn toa xe để đọc bài thơ tiễn biệt. Đông Hồ cũng ứng khẩu để đáp lại (7). Mộng Tuyết trong bài Lần đầu tiên tôi gặp Nguyễn Tuân đã ghi lại không khí ở sân ga Hàng Cỏ chiều hôm ấy:

Đạm đạm trường giang thủy

Du du viễn khách tình

Lạc hoa tương dữ hận

Đáo địa nhất vô thanh

Tạm dịch:

Nao nao nước sông dài

Miên man tình khách xa

Hoa rơi cảm nỗi sầu

Về đất một tĩnh không

          Sau chuyến đi này, năm 1943 Mộng Tuyết đã cùng với các bạn thơ nữ Vân Đài, Hằng Phương, Anh Thơ in chung tập thơ Hương xuân ở nhà xuất bản Nguyễn Du, Hà Nội.

         Năm 1952 đôi thi sĩ ra Hà Nội lần thứ hai, lúc thủ đô bị thực dân Pháp chiếm đóng, có lẽ vì thế nên Đông Hồ đã viết bài Thăng Long hành mang một cảm hứng bi tráng:

Bão táp tơi bời trời cố quốc

Gió mưa ủ rũ đất danh đô

Tiêu điều cỏ lấp hoa Long đỗ

Lạnh lẽo trăng soi nước Kiếm hồ

Bút Tháp viết trời xanh chữ hận

Nghiên Đài tràn mực đậm mùa thu…

          Bài thơ là một tấm lòng của Đông Hồ đối với những chặng đường lịch sử của Thăng Long, từ “Chiến công dẫu kín thành Lầu Bắc, Chính khí còn cao dấu Cột Cờ” cho đến “Cờ đào áo vải non Tây phất, Còn Đống Đa trông thấp thoáng gò”.

          Thăng Long như một mối tình sâu đậm trong lòng thi sĩ:

Hoa cúc để gầy thu đất Bắc

Tháng ngày vương một mối tương tư.

          Tác giả đã hẹn với Thăng Long:

Hồng nhạn về Nam trời trở rét

Trùng lai họa có đợi xuân sau.         

          Tháng 3 năm 1955, Mộng Tuyết còn tranh thủ đi một chuyến ra Bắc và đã gặp được Xuân Diệu, Nguyễn Xuân Sanh, Mộng Sơn, Đỗ Nhuận, Lê Thương.

          Ngoài Nguyễn Tuân, Anh Thơ,… nhiều nhà văn miền Bắc khác cũng có giao tình thân thiết với Đông Hồ và Mộng Tuyết. Nguyễn Bính năm 1944 đã từng ghé bến Hà Tiên, được Đông Hồ nhường gian Nam Phong tiểu các để thi sĩ nằm đó mà làm thơ. Gia đình Vũ Hoàng Chương trước 1975 cũng từng ở Úc Viên với Mộng Tuyết.

         Tháng 8 năm 1955, Đông Hồ có một buổi diễn thuyết ở Câu lạc bộ Văn nghệ Sài Gòn, trong đó ông đã nói về Thăng Long như sau:

          “… Từ thưở thiếu thời, chỉ được biết Thăng Long qua những trang sách xa xôi. Yêu văn chương mà cảm mến Thăng Long, yêu lịch sử giống nòi mà coi Thăng Long là nơi chôn rau chắn rún.

Từ nhỏ đã cảm mến Thăng Long qua những Nguyễn Trãi, Thị Lộ, qua những Chiêu Lỳ, Quỳnh Như, qua những Chiêu Hổ, Hồ Xuân Hương, qua những Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm, qua những Lê Quý Đôn, Phạm Quý Thích.

Kế đó, đã từng cảm mến Thăng Long qua những Tiêu Đẩu, Thượng Chi, qua những Tùng Vân, Đồ Nam, Nguyễn Triệu Luật. Rồi mới mẻ hơn, đã từng cảm mến Thăng Long qua những Nhất Linh, Khái Hưng, qua những Thế Lữ, Xuân Diệu, qua những Huy Cận, Nguyễn Tuân, qua những Anh Thơ, Hằng Phương vân vân…”

“… Thăng Long chẳng những là kinh đô của chính trị, là trọng tâm của lịch sử mà Thăng Long cũng là kinh đô của chữ nghĩa, là trọng tâm của văn hóa Việt Nam. Thăng Long xưa nay được coi là nơi chôn rau cắt rún của văn nhân thi sĩ. Trải bao nhiêu thời đại, trải bao nhiêu thế hệ, đã có biết bao nhiêu văn nhân thi bá ca tụng Thăng Long…”

        Trong hoàn cảnh đất nước đang bị chia cắt, bài diễn thuyết của Đông Hồ được xem là một tiếng nói rất can đảm, một tiếng nói yêu nước thiết tha. Việc ông cho Ban Tuyên huấn Xứ Ủy Nam Bộ sử dụng Yiễm Yiễm Thư Trang, cơ sở xuất bản của ông ở đường Nguyễn Thái Học để làm cơ sở hoạt động sau hiệp định Genève (8) cũng chính là từ tấm lòng đó đối với đất nước.

Và người thi sĩ của miền cực Tây đất nước này, vào ngày 25.03.1969 (tức ngày mồng 8 tháng 2 năm Kỷ Dậu), trên một giảng đường ở lầu hai lộng gió của Đại học Văn Khoa Sài Gòn, đã ngã xuống trong vòng tay của những sinh viên rất mực yêu mến mình, lúc đang ngâm dở dang bài thơ Trưng nữ vương của nữ sĩ Ngân Giang, một nhà thơ của Thăng Long – Hà Nội.

          Sau ngày thống nhất đất nước, nhiều nhà văn từ miền Bắc vào như Huy Cận, Xuân Diệu, Tô Hoài, Anh Thơ,… cũng đã nhiều lần đến thăm Thất Tiểu Muội ở Úc Viên đường Nguyễn Trọng Tuyển, Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh. Khi bà về Hà Tiên quê cũ, Huy Cận, Anh Thơ, Nguyễn Đình Thi,…cũng xuống tận nơi thăm bà và để lại nhiều dòng lưu bút rất cảm động.

         Sinh thời, Đông Hồ một thời bị nhạo báng là “nhà văn Bắc Kỳ” (9), bị chê trách là không có tính cách Nam Bộ. Thật ra, nguyện vọng tha thiết của ông, cũng như của Mộng Tuyết, đó là làm sao có sự thống nhất Bắc Nam trong chữ viết và văn học, xoá nhoà những phân biệt, rẽ chia, vì tất cả đều là người Việt Nam, cùng nói chung một thứ tiếng mẹ đẻ. Đó cũng là lý do khiến đôi thi sĩ này tha thiết với Thăng Long – Hà Nội, trái tim của cả nước, đến như vậy.

 

CHÚ THÍCH:

1.     Đông Hồ, (1970), Văn học Hà Tiên: Văn học miền Nam, Nxb. Quỳnh Lâm, Sài Gòn, tr2.

2. Đông Hồ, (1935), “Nam Phong đình bản”, Sống, (11), tr.4.

3. Trúc Hà, (1935), “Một vài mẹo luật trong quốc ngữ”, Sống, (11), tr.11.

4. Nhiều tác giả, Hương vườn Úc, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, tr.22.

5. Sđd, tr.22.

6. Sđd, tr.22.

7. Sđd, tr.37.

8. Thạch Phương – Lê Trung Hoa (chủ biên), Từ điển thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2001, tr. 165.

10. Nguyễn Văn Trung, Một mảng văn học bị bỏ quên, bỏ qua, http://nguyenvantrung.free.fr/lucchauhoc/chuongdau.html

Các tin đã đăng:

Âm lịch

Ảnh đẹp