Bùi Giáng qua Phạm Văn Hạng (đất nung)
Từ
trước đến nay có rất nhiều người đặt câu hỏi: Bùi Giáng có phải là một
người bị mắc bệnh điên hay không? Cũng đã có rất nhiều bài viết về Bùi
Giáng đề cập đến vấn đề này, trong đó một số tác giả khẳng định Bùi
Giáng là người điên trong khi một số khác lại nói ngược lại.
Trong một bài viết, tác giả Trần Đới khẳng định:
-
"Một sự thực là Bùi Giáng chưa bao giờ điên. Cũng như anh chẳng bao giờ
giả điên. Càng chưa bao giờ Bùi Giáng bất mãn trước bất cứ thời thế
nào. Bởi lẽ dễ hiểu là Bùi Giáng chẳng sống theo thời thế, mà chỉ biết
sống từ cõi văn nghệ lúy túy càn khôn của anh. Thời kỳ của Bùi Giáng bộc
phát ra bên ngoài mà chúng ta gọi là điên, ấy là thời kỳ tỉnh lại và
hưng phấn cùng độ của người nghệ sĩ. Tất cả lẽ chân thiện mỹ của nghệ
thuật thi ca từ nhiều đời nhiều kiếp đều dồn về lúc đó... Bây giờ người
thi sĩ này chỉ còn một cách duy nhất để sáng tác nguồn cảm hứng kia là
sống".
Một người khác, ông Nhất Thanh, thì viết như thế này:
-
"Ồ, chẳng có ngôn từ nào thích hợp với Bùi Giáng cả. Ông chỉ là một ông
già bình thường nhất, dễ thương nhất. Nếu có điên chăng, có lẽ là tất cả
chúng ta".
Bùi Giáng hiển nhiên cũng biết việc nhiều người tranh
cãi nhau rằng ông có điên hay là không điên. Ông đã tự viết về mình như
sau: "Nó điên? Vâng nhưng điên một cách vui vẻ. Bạ đâu gọi đó là mẫu
thân bát ngát của con. Người ta bảo rằng nó không điên. Có kẻ bảo rằng
nó giả vờ điên. Muốn biết nó điên hay không điên, hay giả vờ điên, thì
trước hết phải đáp vào câu hỏi: Sao gọi là điên? Nhưng mà? Nhưng mà đó
là một câu hỏi chưa hề có một lời giải đáp dưới gầm trời và suốt xưa nay
vậy".
Đọc đoạn đó của ông người ta thấy hơi bối rối. Vậy thì Bùi
Giáng là người như thế nào? Ông là một người điên hay là một người bình
thường? Nhưng có một sự thật không thể chối cãi: Bùi Giáng đã từng là
bệnh nhân của bệnh viện tâm thần hẳn hoi. Năm 1969 là năm ông in được
nhiều tác phẩm nhất nhưng cũng là năm mà ông vấp phải cú sốc lớn thứ hai
trong đời. Bùi Giáng bị hỏa hoạn thiêu cháy hết toàn bộ sách vở quý
hiếm, một số tranh và đặc biệt nhiều bản thảo hoàn chỉnh mà ông rất tâm
đắc. Con người hồn nhiên của Bùi Giáng có lẽ không bị sốc vì chuyện này,
nhưng sau đó người thân của ông phải đưa ông vào Bệnh viện Tâm thần
Biên Hòa để chữa trị.
Cung Tích Biền kể: "Khoảng đầu thập niên 70 có
lẽ người ta đưa ông vào nhà thương điên Biên Hòa chữa cái bệnh đứng ngã
ba nhìn ra ngã bảy. Từ nhà thương điên trở ra, bữa gặp nhau thấy ông
rất tỉnh. Bèn hỏi một câu thường tình:
-"Nhà thương Biên Hòa trị cái tẩu hỏa hay nhỉ!".
Ông trả lời tỉnh queo:
-"Chữa
trị quái gì đâu. Chẳng là ở ngoài mình thấy mình điên số một, khi vô
nhà thương điên mới hiểu ra mình là đồ bỏ, điên nhí, điên tiểu thủ công
nghiệp; trong nhà thương điên nhiều cha điên thượng thừa, điên vĩ đại
hơn mình nhiều. Do vậy mà mình tự động thôi điên".
Nghe Bùi Giáng
nói như thế, hẳn người ta cảm thấy ngờ ngợ rằng những việc làm không
giống ai của ông là do ông muốn thế chứ chẳng phải do bệnh tật gì gây
ra. Nhà văn Đào Hiếu viết:
-"Cũng có thể hiểu Bùi Giáng như thế này:
Ông coi đời là hữu hạn, là phi lý, là chốn lưu đày, là cõi phù du là
cái mớ bòng bong vớ vẩn...".
Chung quanh vấn đề Bùi Giáng, có hai
điều cần nêu ra sau đây. Một là, không phải chỉ có mình Bùi Giáng vừa có
những biểu hiện tâm thần vừa làm thơ viết văn. Có rất nhiều bệnh nhân
của các bệnh viện tâm thần là nhà văn, nhà thơ, họa sĩ... Họ có thể vẽ
tranh, sáng tác văn thơ ngay trong thời gian điều trị bệnh. Có điều họ
không có sẵn cái gốc tài năng xuất chúng như Bùi Giáng nên không trở
thành hiện tượng đặc biệt mà thôi.
Hai là, những hành vi khác người
của Bùi Giáng đã được các nhà chuyên môn xác định có nguyên nhân bệnh lý
hẳn hoi chứ không phải là vấn đề tư tưởng hay nhân sinh quan gì cả. Có
điều, vì ta thấy cái điên của ông cũng hơi khác người nên cảm thấy ngờ
ngợ. Nhưng dần dần ta sẽ được rõ hơn khi xem xét đến các vấn đề khác.
Cần biết rằng, không riêng gì Bùi Giáng mà nhiều bệnh nhân tâm thần
khác, tiếp xúc với họ đôi khi ta cũng dễ nhầm lẫn vì thấy họ có vẻ thật
thật giả giả, nửa điên nửa tỉnh. Cho nên chúng ta không thể kết luận
được về tình trạng của họ mà phải là các nhà chuyên môn.
Không ai
biết Bùi Giáng, đọc Bùi Giáng mà không yêu mến ông. Đó là sự thật. Gọi
ông là người tỉnh cũng được, điên cũng được, dù là tỉnh hay điên ông
cũng đã để lại cho đời những vần thơ mênh mang trác tuyệt. Ông mở ra một
thế giới thi ca cao vời, ảo diệu. Nói như một người từng gần gũi với
ông: "Nhiều người bảo ông chỉ là một thằng điên. Tôi chỉ muốn nghĩ thầm
cho tôi là nếu có được thêm ít người điên như Bùi Giáng, thơ ca ta còn
được lạ lùng được kỳ ảo biết bao nhiêu". Quả đúng như vậy !