Để tôi viết xong tiểu thuyết rồi hãy bắn!


Tác giả: Phùng Nguyên (Tiền Phong)
12/12/2010 20:18 (GMT+7)
Số lượt xem: 4881
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Ngồi trong khám tử tù, chẳng ai ngờ kẻ giang hồ gần quên hết mặt chữ đang chờ ngày ra pháp trường ấy lại viết ...tiểu thuyết. Tử tù Phạm Ngọc Định viết tiểu thuyết cũng chẳng phải hư cấu nhiều bởi bản thân cuộc đời của Định cũng đã như tiểu thuyết.


Từ giảng đường đại học tới khám tử tù

Tôi không nghĩ người tù có gương mặt trông hiền khô này lại từng là tay chơi khét tiếng ở đất cảng Hải Phòng. Một buổi sáng trong trại giam Nam Hà, Định kể: "Tôi sinh năm 1961, trong một gia đình công nhân ở Hạ Lý. Bố mẹ công nhân, gia đình nề nếp, nhưng tôi lười học, ghét sách vở. Vậy mà cũng thi tốt nghiệp được loại khá, rồi đậu vào Đại học Thể dục thể thao Trung ương 2.

Tôi nghĩ đơn giản thi vào trường đó thì chủ yếu vận động tay chân, đỡ phải học nhiều. Nhưng ngay cả khi vào đó, tôi cũng vẫn bỏ học triền miên, gia nhập vào đám bạn giang hồ gây ra những vụ đâm chém. Học được hai năm thì bỏ hẳn. Những trùm giang hồ một thời như Hùng A Lý, Nguyễn Văn Tám đều là chiến hữu cả.

Năm 1990, tôi bị bắt vì nhúng tay vào phi vụ của một băng nhóm, nhận án 5 năm tù giam ở trại giam Phi Liệt, Hải Phòng. Sau khi tôi vào tù, người vợ chung sống với nhau 7 năm nhưng chưa có con đã bỏ sang Đức. Tôi cũng chẳng trách cô ấy vì cô ấy chịu đựng cái tính ngang ngược của tôi như vậy là quá đủ rồi. Tôi tuy là kẻ giang hồ nhưng cực ghét cờ bạc và ma túy. Không ngờ tôi vẫn dính vào cờ bạc và ma túy".

Sau 5 năm "bóc lịch", ra tù, Định trắng tay nhưng quyết làm lại cuộc đời. Bắt đầu từ việc chung vốn với bạn bè mở công ty buôn bán xe và các đồ điện tử. Khi tiền bắt đầu rủng rỉnh thì Định muốn lập gia đình. Nhưng quá khứ tù tội khiến nhiều người con gái không dám đến với Định. Chỉ có một cô gái tên Huyền cảm nhận được khí chất đàn ông của Định đã quyết lấy kẻ giang hồ này, bất chấp bố mẹ phản đối. Hai người làm đám cưới và Huyền sinh cho Định hai đứa con, đủ cả nếp tẻ.

Cuộc đời những tưởng đã rất bình yên, nào ngờ dòng máu giang hồ vẫn chảy trong huyết quản của Định. Định lại lao vào những cuộc ăn chơi. Cuộc chơi lần này cuốn Định vào ma túy.

Định lắc đầu cay đắng: "Hồi đó mấy người bạn ở Nam Định cứ nhờ tôi bán hộ ma túy. Tôi nhiều lần từ chối, nhưng họ cứ nài nỉ rồi gửi heroin lại. Thế rồi tôi trở thành kẻ mua bán hàng chục bánh heroin.

Năm 1999, tôi bị bắt. Tòa tuyên án tử hình. Tôi không ngạc nhiên nhưng lòng đau vô hạn. Tôi bị đưa lên trại tạm giam T16 Bộ Công an ở Thanh Oai, Hà Tây, bị cùm một chân. Tôi hát suốt ngày cho quên nỗi sợ ra pháp trường.

Có lúc tôi ngồi gẫm về cái sự vô tích sự của mình. 40 tuổi đầu chưa làm được gì gọi là có ích. Trong thời gian chờ mong lệnh ân xá của Chủ tịch nước, tôi được viết thư về cho vợ con và bỗng phát hoảng vì mình quên gần hết mặt chữ và có những từ chẳng biết viết ra sao.

Từ khi bỏ học, tôi gần như không đọc bất cứ cái gì có chữ. Thế là ở trong khám tử tù, tôi liền tìm tất cả những gì có chữ để tự học lại. Cuối cũng tôi cũng hoàn thành được lá thư gửi vợ. Đó là lá thư khuyên vợ đi lấy chồng".

Cựu tử từ Phạm Ngọc Định, Ảnh Tiền Phong

Sau khi tìm đọc những gì có chữ, Định bỗng nghiện sách báo. Càng đọc Định càng cảm thấy đầu óc như được khai hóa. Từ một kẻ ghét chữ, Đinh trở thành con mọt sách. Định đọc những cuốn sách kinh tế, và cả những tiểu thuyết dày cộp của các tác giả kinh điển như Chiến tranh và hòa bình, Cuốn theo chiều gió, Tình yêu và quyền lực... rồi truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng...

Mỗi lần gấp cuốn sách lại, cảm giác tiếc đời xâm chiếm tâm hồn Định. Sách cho Định trải nghiệm những mảnh đời éo le, những nỗi đau nhân thế và thổi bùng vào kẻ từ tù khát vọng được sống đẹp, khác xa quá khứ ngập chìm trong bạo lực và ma túy.

Những cuốn sách về kinh tế thậm chỉ còn "kích hoạt" trí tưởng tượng, khiến Định tưởng tượng và vẽ ra những mô hình thủy điện, mô hình kinh tế biển và mơ một ngày mình thành doanh nhân.

Nhưng kẻ từng quên gần hết mặt chữ này sẽ chưa bao giờ nghĩ mình sẽ cầm bút viết tiểu thuyết. Cho đến một ngày xuân năm 2004. Định nhớ rất rõ trong chương trình Xuân trên Đài tiếng nói Việt Nam có cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Phan Văn Khải và các văn nghệ sỹ, Thủ tướng kêu gọi các nhà văn hãy viết về công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, về khát vọng làm giàu của những người dân nước Việt.

Định tâm sự: "Tôi viết thư cho vợ còn ngọng nghịu, không bao giờ dám nghĩ mình là nhà văn, nhưng những lời nói của Thủ tướng đã "kích động" tôi. Tôi càng khao khát làm được một điều gì có ích cho xã hội. Và tôi biết, trong hoàn cảnh này, điều duy nhất tôi có thể làm là cầm bút. Tôi đánh liều bắt tay vào viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên với ý nghĩ đó".

Viết như ngày mai bị bắn

Đó là những ngày đông rét buốt. Cái lạnh của những kẻ tử tù bị cùm chân như Định còn tê tái hơn rất nhiều. Nhưng ý tưởng về một cuộc tiểu thuyết đã phôi thai trong khám tử tù giá lạnh. Việt Nam chưa có một cuốn tiểu thuyết kinh tế nào lớn, Định nghĩ: "Mình sẽ viết một cuốn sách về kinh tế, viết cho giới trẻ, viết về khát vọng làm giàu".

Ở trong khám tử tù, một chân bị còng, viết tiểu thuyết xem ra có gì đó quá sang trọng, xa xỉ và thậm chí mỉa mai chăng. Lấy đâu ra giấy bút? Lấy đâu ra sự điềm tĩnh để tư duy khi có thể bị đưa ra dựa cột bất cứ lúc nào?

 

Định vẫn tự tin bắt tay vào công việc của mình. Anh lôi một tập tạp chí Thế giới Phụ nữ và cẩn thận xé đôi tờ báo. Tỉ mẩn làm công việc đó trong một tháng trời, anh tự tạo ra được một tập giấy trắng mỏng tanh. Sau đó anh nghiền ngẫm xây dựng nhân vật cốt truyện.

Nhớ về ngày đó, Định trở nên nghiêm trang: "Lúc đó tôi lo lắm vì trước đấy đã phải đắn đo và xấu hổ sợ không làm nổi mặc dù chỉ có một mình trong phòng tử tù. Mấy năm trời không đọc, không viết gì nên tôi cảm thấy trước mắt là một màn sương dày đặc không lối đi"...

Trung tuần tháng mười, Định bắt tay vào viết. Trước khi viết văn, kẻ tử tù thực hiện nghi lễ trai giới, đánh răng rửa mặt sạch sẽ, dọn dẹp mấy mét vuông trong xà lim. Tĩnh tâm. Và bắt đầu cầm bút. Lần đầu tiên cầm bút viết văn không hiểu sao Định có cảm giác hồi hộp và cả sợ hãi. Những ngày cầm dao đâm chém ở đất Cảng, Định không sợ, vậy mà cầm bút cầm bút lại thấy sợ.

Những khi viết những con chữ đầu tiên, Định không còn cảm giác về thời gian, chỉ khi cánh cửa sắt mở ra mới biết đến giờ ăn cơm. Cứ thế Định viết từ sáng cho đến 10 giờ tối. Có ngày viết được 15 trang, nhưng cũng có ngày chỉ được vài trang. Mỗi tuần được 1-2 tiếng buổi chiều thứ 6 tháo cùm đi tắm. Nhưng có hôm đang tắm, bỗng nghĩ ra ý tưởng mới, hay một từ đắt giá nào đó, Định bỏ về khám tử tù, tra chân vào còng viết luôn một mạch, không thèm tiếc khoảng thời gian được ra nhìn thấy bầu trời cao rộng.

Sợ nhất đang viết dở cuốn tiểu thuyết thì bị đưa đi bắn, Định cứ viết như ngày mai không còn trên cõi đời nữa. Vừa viết vừa chỉnh sửa với hy vọng có thể xuất bản. Cứ thế, sau 8 tháng, đến trung tuần tháng 4 năm 2005, Định hoàn thành cuốn tiểu thuyết 800 trang. Chưa bao giờ kẻ từ tù này hạnh phúc đến vậy. Và lần đầu tiên, không còn cảm thấy sợ cái chết.

Hai tháng sau khi hoàn thành cuốn tiểu thuyết, Định nhận được một kết thúc có hậu: được Chủ tịch nước ân giảm từ tử hình xuống chung thân. Niềm vui vỡ ào. Định lại thêm một lần nữa cảm thấy mình mắc nợ cuộc đời. Định viết tiếp cuốn tiểu thuyết thứ hai, rồi thứ ba để trả món nợ ấy. Viết như một sự giải thoát. Có những lúc Định đã òa khóc với nỗi đau của nhân vật. Nhiều bạn tù đã chuyền tay nhau đọc sách của Định. Nhiều người đọc xong đã khóc.
Cuối tiểu thuyết được đặt tên là "Đen và Trắng", Định cẩn thận gửi về cho vợ cất như báu vật. Cuốn tiểu thuyết nói về những câu chuyện làm giàu của giới trẻ mà Định hy vọng "Đen và Trắng" trở thành cuốn sách cho tất cả mọi người. "Tôi biết đó là ảo tưởng, nhưng tôi không thể thiếu ảo tưởng đó", Định cười bảo. Tôi nói: "Ảo tưởng là dấu hiệu cho thấy anh sắp trở thành nhà văn cũng nên. Hình như ai viết văn mà chẳng nuôi ảo tưởng về tác phẩm của mình".

Định bảo: "Tôi từng là giang hồ, tôi ít ảo tưởng, nhưng từ khi viết văn thì tôi ảo tưởng. Tôi quan hệ với mọi thành phần trong xã hội, nên tôi xây dựng những tuyến nhân vật đa dạng như cuộc sống, kể cả là người anh hùng thì cũng có gì đó xộc xệch, cũng có lúc yếu đuối, nản lòng, cũng có tật xấu... Song chỉ khác vai phản diện là biết vượt qua những ranh giới mong manh. Tôi đã từng là kẻ phản diện vì không vượt qua được ranh giới đó".

Tôi lật từng trang bản thảo cuốn tiểu thuyết "Tuổi thơ anh hùng" và "Truyện dài Phạm Ngọc Định". Nét chữ nhỏ, hơi nghiêng ngả, kể về những năm tháng tuổi thơ của Định ở thành phố Hải Phòng. Cậu bé 12 tuổi trở thành nhân vật anh hùng khi dùng trò chơi đánh pháo của mình đánh lừa được một tốp máy bay Mỹ đánh bom trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không. Những trang viết gây xúc động bởi sự giản dị, chân thành.

Từ khi cầm bút, người tù này hay trăn trở với một câu hỏi mà chẳng biết Hội Nhà văn Việt Nam sẽ vui hay buồn: "Vì sao văn chương nước mình không có tác phẩm lớn. Đặc biệt là tác phẩm viết về chiến tranh như cuốn "Chiến tranh và Hòa bình" của Lep Tonxtoi?". Định lại ấp ủ về một cuốn tiểu thuyết về chiến tranh đồ sộ nhất, chưa từng có ở Việt Nam. Có thể đó lại là ảo tưởng nhưng ý thức về trách nhiệm của người tù này khiến tôi cảm động. Ở ngoài nhà tù, có những người được gọi là nhà văn nhưng chắc gì đã tự đặt ra cho mình câu hỏi đau đáu như thế?

Hình ảnh xuyên suốt trong cuốn tiểu thuyết ấy sẽ là cô gái với cây vĩ cầm đỏ sáng bừng lên trong mưa bom, giúp người lính đi qua trận chiến....

Định bắt tay viết cuốn tiểu thuyết dự kiến 2.000 trang, nhưng cái thiếu nhất bây giờ là tư liệu và vốn sống về chiến tranh. Định đã đọc, nghiên cứu về chiến tranh nhiều vẫn chưa thấy đủ...

Chỉ còn ít năm nữa, Định sẽ được ra tù (anh đã được Chủ tịch nước ân giảm án). Chẳng hiểu sao, tôi cứ tin, người tù viết văn này chắc chắn sẽ sống lương thiện khi được tự do. Ở trong khám tử tù, văn chương đã đánh thức cái thiên lương trong sâu thẳm của kẻ chờ ngày ra pháp trường này. Và một khi đã cầm bút viết văn dưới ánh sáng thiên lương chắc không thể làm điều ác được nữa chăng?

Tôi cứ nghĩ nếu được đặc xá để sớm về với vợ con và cuộc sống đời thường, chắc Định sẽ trở thành một nhân vật chính diện biết vượt qua những ranh giới mong manh mà anh đã dựng nên trong tiểu thuyết của mình.

Đăng lại từ: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-12-10-de-toi-viet-xong-tieu-thuyet-roi-hay-ban-

Âm lịch

Ảnh đẹp