07/10/2010 16:21 (GMT+7)
Số lượt xem: 5226
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Nhà văn Hoàng Quốc Hải ra tận đầu ngõ đón khách. Nhìn ông gầy yếu quá! Hình như ông đã rút hết sinh lực để viết trường thiên tiểu thuyết tái hiện lịch sử bi hùng của nước Việt rồi!

Lễ hội 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đang tưng bừng ngoài phố. Đâu mấy người biết có một nhà văn già đã cả đời âm thầm lao động cho tiên tổ ngàn xưa soi rọi đến mãi ngàn sau...

Nhà văn Hoàng Quốc Hải với một tập trong Tám triều vua Lý - Ảnh: Thuận Thắng

“Thôi, sách của tôi đã in rồi. Hãy để bạn đọc phán xét. Chỉ trò chuyện ngoài lề thôi nhé” - ông Hoàng Quốc Hải nhẹ nhàng nói.

Bạn đọc đã ngưỡng mộ tên tuổi Hoàng Quốc Hải qua hai bộ trường thiên tiểu thuyết đồ sộ nhất từ trước đến nay ở VN về Tám triều vua Lý và Bão táp triều Trần. Nhưng mấy người biết phía sau 6.000 trang sách tái hiện lịch sử dân tộc oanh liệt đó là tất cả tâm huyết của một đời lặng lẽ cầm bút, như con chim hót đến giọt máu cuối cùng.

"Các triều đại hưng vong, thành bại xoay vần như con thò lò sáu mặt: chợt mặt nhất, thoắt đã mặt tam, mặt lục. Chỉ có dân tộc, phải, chỉ có dân tộc là mãi mãi trường tồn"

Hoàng Quốc Hải (Trong Vương triều sụp đổ)

Lịch sử từ cuộc sống

Ông rót tách trà, trầm ngâm kể tôi nghe nghiệp văn mình bắt đầu từ năm tháng làm báo thực tế. Đất nước thời chiến, rồi giai đoạn bao cấp khó khăn, nghề báo đã giúp ông bôn ba, trải cùng nhiều sự kiện và nỗi niềm người dân.

Có những điều ông giãi bày trên báo, nhưng cũng có chuyện ông không thể viết được. Đó là những lúc ông phải dồn nén trong lòng, đau đáu suy tư đến mất ngủ và trở lại nghiền ngẫm lịch sử. Ông không lánh hiện thực mà muốn tường minh chuyện xưa để suy ngẫm và kiến giải thế cuộc hôm nay.

Về sau, những suy tư này đã được ông cô đọng thành câu kết của tập tiểu thuyết Vương triều sụp đổ: “Các triều đại hưng vong, thành bại xoay vần như con thò lò sáu mặt: chợt mặt nhất, thoắt đã mặt tam, mặt lục. Chỉ có dân tộc, phải, chỉ có dân tộc là mãi mãi trường tồn”.

Và đó chính là lý do ông đã dồn hết tâm huyết viết tiểu thuyết lịch sử, làm sống lại bao vinh quang, thành bại, đúng sai của thời đại tổ tiên để soi rọi đến hôm nay...

Suốt buổi chiều, ông Hoàng Quốc Hải tẩn mẩn lần giở cho tôi xem biết bao hình ảnh, ghi chép về các miền đất đã đặt chân qua.

Tôi bất ngờ về sức đi thực tế của nhà văn. “Đặt cược” cả đời vào tiểu thuyết lịch sử nhưng ông không đóng cửa phòng văn, ôm chính sử để “phăng” chữ nghĩa. Ông chọn dấn thân điền dã, trải nghiệm cảm xúc thực tế, ghi chép phong tục tập quán, truyện dân gian truyền lưu, bổ sung sự thiếu hụt và khô lạnh của chính sử.

Để viết tập Huyền Trân công chúa trong bộ tiểu thuyết lịch sử sáu tập Bão táp triều Trần, ông Hoàng Quốc Hải đã rời Hà Nội, lang thang miền Trung suốt mấy năm ròng.

Có chuyến ông đi hơn 10 tháng. Sống luôn ở nhà dân Ninh Thuận, ông tìm hiểu văn hóa, lịch sử Champa để viết về miền đất mà nàng Huyền Trân hiến thân vì Đại Việt. Thực tế chân xác và cảm xúc hơn nhiều tư liệu trên giấy ố vàng. Chính ở nhà dân nghèo, ông đã phát hiện người Chăm có kỹ thuật trát vách nhà bằng phân bò.

Rồi để miêu tả người tạc tượng công chúa Huyền Trân, ông đã hằng ngày ngồi lặng lẽ nhìn nghệ nhân điêu khắc đá tạo tác ở Ngũ Hành Sơn. Ông còn về đến tận nơi thờ tự Chế Bồng Nga để nhìn tận mắt giáp, mũ và kiếm của viên thống soái người Chăm đã nhiều lần gây trận can qua với Đại Việt này.

Trong tập tiểu thuyết Huyết chiến Bạch Đằng, ông Hoàng Quốc Hải đã đi suốt năm chuyến điền dã tìm kiếm chất liệu và cảm xúc để viết. Ông chèo thuyền ra tận bãi cọc xưa, rồi lần mò nhiều ngày ở hai bờ sông.

Nhà văn còn vào quân cảng hiện ở Vân Đồn, tìm hiểu mực thủy triều cho đoạn mô tả chiến trận. Vị chỉ huy ngần ngại không muốn thông tin. Ông Hoàng Quốc Hải nói thẳng: “Anh giấu thì người Trung Hoa, người Pháp đã biết lâu rồi và tôi cũng có thể tìm thông tin được. Tôi chỉ muốn biết thực tế để viết chính xác lịch sử cha ông oai hùng, chứ không ý gì”.

Sau đó, đích thân vị chỉ huy này dẫn nhà văn đi đo thủy triều. Và ông phát hiện đây có thể chính là quân cảng của các danh tướng nước Việt xưa từng đánh bại kẻ thù phương Bắc.

Hỏng mắt vì “đuổi quân Mông Thát”!

Tôi là khách trẻ hiếm hoi được ông Hoàng Quốc Hải mời lên phòng viết. Nơi ấy chẳng có gì ngoài sách với bộ ấm trà trên chiếu ngồi.

Ông mải đi, say đọc, trong đầu đầy ắp chất liệu. Mỗi khi ngồi vào bàn, ông viết liền mạch suốt ngày đêm và không muốn tiếp ai. Ông mải viết đến quên ăn quên ngủ mà đứa con chăm học, thức khuya dậy sớm cũng phải hỏi: “Sao chẳng thấy bố ngủ lúc nào?”.

Ông không viết đề cương, cũng chẳng dùng máy tính để dễ sửa chữa. Mực bút máy chỉ chảy một lần trên trang viết, bởi tất cả đã được ông chất chứa, suy ngẫm kỹ trong đầu. Điền dã sáu tháng ở chiến trường Bạch Đằng, ông về nhà viết ròng rã suốt sáu tháng đến 16g ngày 30 tết thì hoàn tất Huyết chiến Bạch Đằng.

Trước khi quen ông Hoàng Quốc Hải, tôi được một người bạn cao niên ở Hội Sử học kể ông Hải đã rút sinh lực để viết đến mù một mắt. Đến giờ, tôi mới được chính nhà văn tâm sự: “Đó là lúc viết tập Đuổi quân Mông Thát, tôi nhập tâm như sống lại thời quân thù phương Bắc gây tội ác trên Tổ quốc mình và những cuộc đánh trả oanh liệt của cha ông”.

Ông kể khi cầm bút viết tập này cũng là lúc nổ ra tình hình biên giới. Ông viết ngày đêm trong tâm trạng đau đớn, bức bối đến một mắt sụp xuống rồi cứ mờ dần. Vợ phải kéo ông ra khỏi phòng viết, dẫn đến bác sĩ mới biết ông bị xuất huyết đáy mắt. Nhưng vừa về đến nhà, ông lại lao vào viết trong tình trạng một mắt bị băng kín, và sáu tháng thì hoàn thành tập tiểu thuyết tái hiện thời đại lịch sử dân tộc thà chiến đấu hi sinh chứ không để mất Tổ quốc!

Tính nhà văn Hoàng Quốc Hải trầm lặng, ít biểu lộ cảm xúc. Nhưng tôi cảm được nụ cười và nước mắt ông luôn chảy tràn trong tim. Ông cảm thương công chúa Huyền Trân, đau đớn khóc trước án oan Nguyễn Thị Lộ đến mức đòi hậu thế tái lập phiên tòa trả lại công bằng cho bà.

Mải mê điền dã, cặm cụi viết lịch sử nhưng ông không bàng quan thời cuộc. Một dạo rộ chuyện nhiều đất đai của nông dân bị lấy làm sân golf, ông đã đóng cửa phòng văn, đi tìm sự thật để viết tâm thư gửi chủ tịch hiệp hội golf.

Không hùa theo cảm xúc, nhưng ông quyết liệt phân tích cái được, mất khi sân golf mọc lên thì bao ngàn nông dân mất đất, và ông đòi chủ tịch hiệp hội phải trả lời sòng phẳng. Trước khi gửi đi, ông cho vợ xem tâm thư này. Cả hai cùng đồng cảm một câu: “Nếu vì dân thì đừng nghĩ đến thiệt hơn”.

Tôi hiểu mực chảy từ trái tim ông như con chim hót đến giọt máu cuối cùng, cũng vì tâm nguyện gột sạch bụi mờ thời gian để sáng mãi những tấm gương tiên tổ ngàn xưa cho con cháu ngàn sau...

Ông Hải tìm lịch sử trên các văn bản cổ

30 năm cho 6.000 trang sách

Nhà văn Hoàng Quốc Hải sinh năm 1938 tại Hải Dương. Ông viết nhiều tác phẩm như tiểu thuyết Chiến lũy đá, Sau mùa lá rụng, Chờ đến ngày mai, Đêm qua làng, Trắng án Nguyễn Thị Lộ... Đặc biệt, ông đã dành trọn thời gian gần 30 năm cho hai bộ tiểu thuyết lịch sử 10 tập (6.000 trang) Tám triều vua LýBão táp triều Trần.

QUỐC VIỆT

tuoitre.vn

Âm lịch

Ảnh đẹp