Không chỉ có Kim Cương và Marilyn Monroe, Bùi Giáng còn say đắm nhiều
phụ nữ khác. Mỗi người một vẻ, họ hiện ra trong nhiều màu sắc kỳ bí khác
nhau. Đó không phải là những nàng thơ theo nghĩa thông thường mà là
hiện thân của cái đẹp.
Một cách vô thức, Bùi Giáng phân biệt họ theo
những tiêu chí khác nhau. Những người đầu tiên có thể kể đến là Hoàng
hậu Nam Phương và ni cô Trí Hải. Khác với nghệ sĩ Kim Cương và cô đào
rực lửa người Mỹ Monroe Marilyn là hiện thân của cái đẹp nhân gian trần
tục, hai người này thuộc về thế giới của cái đẹp thoát trần.
Một
ngày nọ, Bùi Giáng nhận được một phong bì gửi đến, trên có dán con tem
in hình Nam Phương Hoàng hậu. Sự kiện nhỏ nhoi ấy lập tức gây xúc động
lớn với ông. Từ lúc đó, Hoàng hậu Nam Phương trở thành một hình bóng ám
ảnh ông. Bà bắt đầu xuất hiện trong các trang viết của thi sĩ. Trong
cuốn Mùa thu trong thi ca Bùi Giáng viết: "Suốt bao năm dài tại hạ làm
thơ, chung quy chỉ vì cái màu xuân xanh bất tuyệt ban sơ của Dương Hoàng
Hậu. Màu xuân ấy đã một lần tái sinh cách đây ba mươi năm trong hình
hài máu me Nam Phương Hoàng hậu. Tại hạ yêu Dương Quý Phi bao nhiêu thì
cũng yêu Nam Phương Hoàng Hậu bấy nhiêu".
Mặc dù Bùi Giáng luôn tôn
kính Nam Phương, nhưng ông cũng hài hước, cà rỡn, lan man trên hình ảnh
của bà cũng bởi tính của ông như vậy. Tuy nhiên, Bùi Giáng cố gắng giữ
"chuẩn mực", không bao giờ đi quá đà. Một đôi khi ngẫu hứng quá thì ông
cũng chỉ viết như thế này: "Chiêm bao anh thấy Hoàng hậu Nam Phương dắt
tay Marilyn Kim Cương nương tử tới gõ cửa xin vào thăm viếng anh thì anh
bảo rằng anh đang bận viết lá thư cho em nên không thể nào đón tiếp
Hoàng hậu được thì cảm phiền Hoàng hậu hãy lui gót chờ qua ngày mai anh
sẽ ân cần chiếu cố".
Bùi Giáng cũng có sáng tác một đôi bài thơ về
Nam Phương. Trong bài Chiêm bao Nam Phương Hoàng hậu, dù là một bài thơ
thuộc vào thể "điên loạn", nhưng ông vẫn đủ "tỉnh táo" để ngòi bút không
chệch qua chỗ thiếu đứng đắn:
"Kê bô tí xí đêm đà
Ki ba ri xí i à xán da
Xã dan xoàng xĩnh giang hà
Ồ mô pha cố cồ ri xa ì
Tử tì mỉm tí tì ti
Miệng vàng hợp nhất nhu mì nhị biên
Ra sông ngồi ngó diện tiền
Ngần sương sái diện uy quyền nữ vương".
Bên
cạnh Hoàng hậu Nam Phương, ni cô Trí Hải xuất hiện trong các trang sách
Bùi Giáng một cách khá dày. Bà là một người có trình độ uyên thâm, tác
giả của một số đầu sách. Có lúc Bùi Giáng gọi bà là Trí Hải ni cô, có
lúc gọi là mẫu thân Phùng Khánh. Bùi Giáng làm rất nhiều bài thơ về bà.
Có thể kể tên một số bài như Mẹ Phùng Khánh, Kính tặng Phùng mẫu thân,
Mẹ Phùng Thăng Khánh, Phùng Khánh Mẫu Thân...
Rất nhiều người thắc
mắc vì sao Bùi Giáng gọi người này là mẹ, là mẫu thân. Bùi Giáng cũng
từng "giải thích" chuyện đó trong Thi ca tư tưởng như sau: "Phùng Khánh
vốn là bà mẹ Việt Nam. Tôi lại là con dân Việt Nam. Vậy thì tất nhiên
Phùng Khánh là mẹ của tôi vậy. Nếu tôi không nhận Phùng Khánh là mẹ, thì
chẳng ra tôi là người Lào? Hoặc là người Cao Miên? Hoặc con dân Âu Mỹ ư
? Huống nữa là: Phùng Khánh là bà mẹ loài người. Vậy Phùng Khánh là mẹ
của tôi. Nếu tôi không phải là con của Phùng Khánh, thì chẳng ra tôi
chẳng phải con người? Chẳng ra tôi là con vật?".
Có lẽ Bùi Giáng đã
tìm thấy nơi người nữ tu này điều gì đó gần gũi với hình bóng người mẹ
xa xưa của ông, hoặc là tấm lòng nhân ái của bà làm ông cảm động, hoặc
là trí tuệ mẫn tiệp của bà khiến ông nể phục... Vì một trong những lý do
nào đó mà ta không thể đoan chắc được, thi sĩ bật ra tiếng gọi mẹ trong
vô thức một cách da diết. Những bài thơ của ông vì thế đọc lên thấy vừa
tức cười vừa tội nghiệp:
"Mẹ còn nhớ nữa con chăng
Mẫu thân Phùng Khánh con hằng chẳng quên
Tuy đôi phen chết nếp nền
Cung vang lừng bậc điệu đền bù xoang
Mẹ về ngõ vắng vườn hoang
Thừa thiên sông lạnh kéo sang khu rừng"
..."Mẹ nhìn con nữa còn chăng
Mẹ đi đứng gót mẹ hằng hằng qua
Lúc vui buồn mẹ nhớ nhà
Quận châu xứ sở con đà lãng quên
Phùng thăng mẹ chớ xui nên
Từng cơn điên dại khôn đền cho con"
... "Nghe tin con chết giữa đường
Mẫu thân Phùng Khánh càng thương con nhiều
Con bèn tái điệp giấn liều
Chết thêm một trận hoang liêu song trùng
Mẹ càng bất tuyệt nhớ nhung
Ngày đêm mẹ khóc vô cùng vì con".
.. "Con thương Phùng Khánh vô ngần
Phùng thăng thân mẫu cũng gần như nhiên
Nguyệt rừng lộng lẫy man nhiên
Trăng ngàn thơ dại ngậm nghiêng nghiêng vành"...
Những
câu thơ này, dù không được bình thường, nhưng nó lại gieo vào lòng
người đọc một nỗi niềm man mác. Phải chăng trong tiếng gọi mẹ thiêng
liêng ấy là một sự cô độc tận sâu thẳm hồn người ? Nhưng Bùi Giáng là
như vậy. Trong suy tư, trong cảm xúc, trong cuộc đời... ông lúc nào cũng
hồn nhiên như con trẻ.
Theo Thanh Niên