CHƯƠNG TÁM
THIỀN ĐỊNH
(Tịnh lự, lóng sạch)
1- Sau khi phát khởi
tinh tấn, hãy để tâm an trú trong thiền định. Người mà tâm tán loạn thì sẽ
bị rơi vào nanh vuốt của phiền não mê muội.
2- Nếu cả thân và tâm
đều viễn ly (thân viễn ly là ở nơi vắng vẻ, tâm viễn ly là không tham
đắm thế tục) thì kể tán loạn không sinh. Bởi thế, cần phải xa lìa trói
buộc của đời sống thế tục (gia đình, bè bạn) và từ bỏ những tư
tưởng thế tục (liên hệ tài sắc, danh, ăn, ngủ).
3- Vì ái luyến thân
bằng quyến thuộc, yêu mến danh lợi nên khó bỏ thế tục. Bậc trí hoàn toàn
từ bỏ những thứ ấy đẻ tuần tự thực hành thiền quán theo những nguyên tắc
sau đây :
4- Vì biết rõ chỉ có
tuệ quán thù thắng (gọi tắt là tuệ, hay chiếu, sáng suốt) nghĩa là
có kèm theo tịnh chỉ (định, hay tịch, vắng lặng) mới diệt được mê
lầm phiền não, trước tiên nên tu tịnh chỉ. Tịnh chỉ thành tựu là do lìa
tham ái.
5- Tự bản thân đã vô
thường (nay còn mai mất, chóng thay đổi), lại còn đi tham luyến
những kẻ khác cũng vô thường, thì dù có tái sinh trở lại cả ngàn lần cũng
không gặp được những người mình yêu mến.
6- Khi chưa tìm thấy
họ, đương nhiên ta sẽ sầu khổ không vui, vì không vui nên không thể đi vào
chánh định (còn gọi tam ma địa, đẳng chí… là
CHỈ).
Dù có gặp được cũng không biết đủ (muốn gặp hoài), nên cũng lại sầu
khổ vì ái luyến như trước.
7- Tham đắm những
người, vật hữu tình là hoàn toàn ngược với thực chất của các pháp (hay
hiện tượng, vì thực chất chúng là vô thường, như huyễn). Sự tham đắm
ấy cũng huỷ hoại cái tâm cầu đạo hướng đến giải thoát, chán lìa sinh tử,
và rốt cuộc phải rước lấy sầu khổ khóc than.
8- Nếu ta cứ nhớ
thương những người thân, thì cuộc đời này trôi qua một cách vô nghĩa. Và
như vậy là ta để cho những thân bằng quyến thuộc vô thường phá hỏng cơ hội
tu chứng đạo lý chân thường.
9- Hành vi đã giống
với phàm phu ngu si như vậy, thì chắc chắn ta phải đọa lạc vào ba ác đạo
(ba cõi xấu : địa ngục, quỷ đói, súc sanh). Nếu mục đích của ta là
hướng đến cảnh giới giải thoát thì cần gì phải thân gần những người phàm
phu ngu độn ? (Câu cuối này bản Hoa ngữ là Tâm dục phó thánh
cảnh/Hà nhu cận phàm phu. Bản dịch Anh Pháp giống nhau nhưng khác với
bản Hoa ngữ. Anh dịch : And if I am led there by thoe unequal to
the Noble Ones/What is the use of entrusting myself to the childish ?
Pháp dịch : Et quand m’y conduisen ceux qui ne ressemblent pas aux être
nobles/A quoi bon m’enremettre à eux ? Tự phó thác thân phận cho những
kẻ phi thánh làm gì khi chúng chỉ dẫn ta đến ác đạo ?)
10- Mới phút trước
bạn bè thân thiết, phút sau đã thành thù địch. Vào dịp vui cũng có thể
chuốc oán cừu, ôi, kẻ phàm phu thật khó mà làm cho họ vừa lòng.
11- Khi ta lấy lời
thành thật bảo họ, họ nổi giận và lại còn xúi ta từ bỏ việc lành. Nếu ta
không nghe lời, họ sẽ nổi sân nà rơi vào đường ác.
12- Ganh ghét với kẻ
hơn mình, cạnh tranh với kẻ bằng mình, ngạo nghễ với kẻ thua mình, được
khen thì kiêu căng, nói lời trái tai thì nổi giận. Làm bạn với những người
ngu như thế đâu có ích gì ?
13- Làm bạn với kẻ
ngu chắc chắn sẽ sinh cái lỗi khen mình chê người, ưa bàn chuyện thế tục
và những điều không tốt.
14- Bởi thế, gần thân
tộc bạn bè chỉ rước lấy tổn hại. Họ không có lợi gì cho ta, ta cũng không
ích gì cho họ.
15- Vậy cần phải xa
lìa phàm phu ngu si. Khi gặp họ hãy vui vẻ chào đón, nhưng đừng quá thân
mật, hãy theo cách giao tiếp của chính nhân quân tử (nghĩa là không vồn
vã lắm).
16- Như ong lấy mật
hoa, khi vì pháp (sống đúng theo giới luật Phật chế) ra ngoài hóa
duyên (khất thực, xin ăn) xong, hãy an nhiên như vầng trăng mới.
(Sngon chad ma mthong bzhin, Matics dịch : like the new moon.
Dịch giả Hoa ngữ cho rằng rất khó lý giải, và dịch thành như tích vị
mưu diện, nghĩa là chưa từng toan tính gặp nhau trước đấy. Bản dịch Anh,
Pháp cũng tương tự. Tôi theo cách dịch của Matics trên đây do dịch giả Hoa
ngữ cung cấp, vì nó nên thơ và phù hợp với Luận Thanh Tịnh Đạo nói về hạnh
khất thực từng nhà, vị khất sĩ như vầng trăng chiếu ngàn nhà, không có
thân sơ, luôn mới mẻ).
17- Nếu ôm giữ ý nghĩ
kiêu mạn, cho rằng ta đây giàu có, được mọi người cung kính, ai cũng yêu
mến ta, người như vậy lúc chết nhất định sẽ đâm ra hãi sợ (sợ sa ác
đạo).
18- Này ý thức ngu si
kia ơi, bất kể tham luyến vật gì, nhất định ngươi sẽ rước lấy ngàn lần nỗi
đau khổ mà ngươi phải chịu trong đời này.
19- Do vậy, kẻ có trí
không bao giờ tham luyến, vì tham luyến sẽ đưa đến nỗi sợ đọa vào ba đường
ác. Hãy giữ vững sự tin hiểu như sau : những sự vật kia tự bản chất nó là
đáng bỏ.
20- Dù ta có nhiều
tiền lắm của, nổi danh khắp thiên hạ, thì những danh lợi thâu thập được ấy
cũng không thể chiều theo ý muốn của ta.
21- Lời ca tụng đâu
đáng để làm ta vui khi cũng có người hủy báng ta ? Lời chê bai đâu đáng
làm ta sầu khổ, khi cũng có người khen ta ?
22- Hữu tình chúng
sanh có đủ loại tâm linh, ngay đến chư Phật cũng không thể làm cho họ vui
lòng, huống chi kẻ hèn kém như ta ? Vậy nên xả bỏ ưu tư ấy.
23- Họ khinh miệt kẻ
bần cùng và nói xấu người giàu có. Bản chất họ khó kết thân như thế, thì
làm bạn với họ có gì vui ?
24- Đức Như Lai có
dạy rằng : Kẻ phàm ngu nếu không được lợi lộc thì sầu não không vui, bởi
thế đừng làm bạn với họ.
25- Những chim thú và
cây trong rừng không có phát ra những âm thanh châm chích nhĩ căn. Làm bạn
với chúng thì ta thường an vui. Đến bao giờ ta mới được ở yên với chim thú
trong núi rừng ?
26- Bao giờ tôi mới
được ở gốc cây, trong hang động hoặc chùa hoang vắng ? Nhưng tôi nguyện
tâm này không còn tơ tưởng đến thân bằng quyến thuộc, cắt đứt ham muốn đối
với trần thế.
27- Bao giờ tôi mới
được dời đến chỗ thiên nhiên khoáng đạt để khỏi chấp đây là chỗ của tôi,
tâm không còn tham đắm, được tự do tự tại ?
28- Bao giờ tôi mới
được ở an không sợ hãi, chỉ giữ ít vật dụng cần thiết, y phục thì kẻ trộm
không thèm lấy, thậm chí không cần phải che thân ?
29- Bao giờ tôi mới
đến được rừng thây, tiếp xúc cảnh ấy mà phát sinh ý nghĩ : Bộ xương của tử
thi với thân thể của ta đều là những thứ sẽ đi đến hoại diệt.
30- Thân ta nhanh
chóng vữa nát, hôi thối đến nỗi chồn sói cũng không dám đứng ăn ở đầu gió.
Sự biến đổi của thân này chung cuộc sẽ như vậy.
31- Chỉ một tấm thân
này lúc sống thì xương thịt liên kết nhau, nhưng chết rồi là phân tán mỗi
thứ một nơi, huống chi những người thân thuộc.
32- Khi sinh ra đã
một mình, lúc chết cũng đơn độc chết, những thống khổ khi tứ đại phân tán
không ai san sẻ được với mình, thì thân bằng quyến thuộc có ích gì ?
33- Như lữ khách trên
đường dài không tham đắm chỗ tạm dừng chân, kẻ đang đi trên đường ba cõi
(cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc) cũng không nên ái luyến gia đình từ
đấy mình đã sinh ra.
34- Sao ta phải chờ
đến lúc thân thể được bốn người khiêng, với thân bằng quyến thuộc đau đớn
khóc lóc đi theo mới chịu vào rừng ?
35- Không cùng người
thân hoặc kẻ thù, một mình ở ẩn trong rừng núi xem như đã chết, thì khi
chết chẳng còn ai phải khóc than.
36- Khi ấy, vì xung
quanh chẳng có người nào để đau buồn cho ta, hoặc để làm hại ta, nên lúc
tu các pháp như niệm Phật theo hơi thở.v.v… sẽ không có ai làm cho tâm ta
tán loạn.
37- Bởi thế, hãy ở
một mình, ít việc, dễ an vui, trong cảnh núi rừng xinh đẹp khiến tâm người
hoan hỷ, ngõ hầu đình chỉ tâm tán loạn.
38- Khi đã bỏ hết
những lo nghĩ thế tục rồi, tâm ta nên chuyên nhất để có thể đi vào tịnh
chỉ, và tinh tấn cắt đứt phiền não (bằng tuệ quán).
39- Đời này và đời
sau, sự ham muốn khoái lạc giác quan dẫn đến tai họa, sự bắt trói,chặt
giết trong đời này làm cho đời sau bị sa địa ngục.
40- Trước mặt các ông
tơ bà mối, tại sao người ta khẩn cầu họ xe duyên nhiều thế ? Sao họ không
kiêng kỵ phạm những tội lỗi hay tiếng xấu ?
41- Dù nguy hiểm bao
nhiêu cũng lao vào, tài sản khánh tận cũng mặc, chỉ cần ôm gái đẹp vào
lòng là khoái chí tiêu hồn.
42- Các cô gái ấy trừ
xương xẩu ra, chẳng có gì, thế mà vì luyến ái họ ta đã không còn tự chủ
được thân mình. Sao không hướng đến Niết-bàn tịch tịnh ?
43- Luc đầu (những
cô gái) phải gan dạ lắm mới thò đầu ra, khi ta kéo voan che mặt của cô
thì cô thẹn thùng cúi mặt nhìn xuống. Trước khi đem chôn, cái mặt ấy, dù
có người thấy hay chưa ai thấy, đều được che đậy dưới một tấm voan.
(Hoa dịch : Táng tiền kiến vị kiến/Tất dĩ sa phú diện. Cả hai bản
Anh, Pháp đều không có ý gì ám chỉ việc chết chóc như bản Hoa. Theo mạch
văn về quán bất tịnh của tử thi, thì bản Hoa có lẽ đúng hơn, khi nhìn một
cô gái đẹp che mặt sau tấm voan theo tục lệ thời ấy, mà tác giả nghĩ đến
xác chết của cô cũng sẽ được che mặt y như thế).
44- Cái dung mạo ẩn
sau màn che đã mê hoặc ngươi ngày xưa, nay bị chim kên kên tha mất tấm
voan, hiện ra trước mặt ngươi, sao ngươi thấy lại bỏ chạy dài ?
45- Ngày xưa có kẻ
nào nhìn trộm nó, ngươi vội vàng giữ kỹ, nay chim kên kên ăn thịt nó, sao
ngươi không giữ đi ?
46- Khi đã thấy một
khối thịt vữa nát bị chim thú tranh nhau ăn ấy, thì sao ta còn khổ công
trang sức cho một món ăn được ân cần phụng hiến cho cầm thú ?
47- Nếu trông thấy
một bộ xương trắng sạch sẽ nằm bất động cũng đủ khiến ngươi kinh hãi, thì
sao không sợ một nữ nhân linh hoạt như một thây ngo ngoe ?
48- Ngày xưa cô gái
mặc y phục đàng hoàng ngươi ham thích, sao nay lõa hình lại không ham ?
Nếu nói tôi không thích cái thây chết lõa hình, thì tại sao ăn lại thích
cái thây sống có áo mặc ?
49- Phân tiểu và nước
bọt đều do ăn uống sinh ra, tại sao ngươi chỉ tham nước bọt mà không tham
phân hôi ?
50- Những kẻ tham dục
không thích xúc chạm cái gối mềm mại sạch sẽ, bảo rằng nó không có mùi
thân thể đàn bà. Hóa ra họ mê những thứ ô uế.
52- Kẻ đam mê nhục
dục nói : “Cái gối tuy mềm mại thật, nhưng ngủ với cái gối thì đâu có
thành giấc ngủ của đôi uyên ương”. Họ còn nổi giận với cái gối.
53- Nếu ngươi bảo :
“Tôi không thích những thứ dơ uế”, vậy tại sao lại ôm ấp một phụ nữ gồm bộ
xương có gân dính liền, với thịt như bùn đắp lên ?
53- Những dơ uế của
tự thân ngày nào ngươi cũng kinh nghiệm, hưởng chưa đủ hay sao mà còn tham
cái túi da dơ uế của kẻ khác ?
54- Nếu bảo rằng chỉ
thích nhìn và vuốt ve thịt da mềm mại kia, thế thì sao không muốn da thịt
một tử thi hồn đã lìa khỏi xác ?
55- Vậy chính do cái
tâm của cô gái làm ngươi ham muốn, nhưng tâm ấy thì không thể thấy hay sờ
; cái có thể thấy, sờ được thì chẳng phải tâm, vậy ôm giữ sự si mê vô lối
ấy làm gì ?
56- Không rõ biết sự
dơ uế nơi thân người khác cũng chưa phải là điều kỳ lạ, nhưng không biết
sự dơ uế nơi chính thân mình mới thực là lạ kỳ.
57- Hỡi cái tâm tham
luyến những vật bất tịnh kia, sao ngươi lại bỏ đóa sen non mới nở dưới ánh
mặt trời mà đi ham thích cái túi da dơ uế ?
58- Nếu ngươi không
muốn sờ một chỗ đất bị trát đầy đồ dơ, thì sao lại muốn sờ cái thân thể từ
đó tiết ra đủ thứ uế bẩn ?
59- Nếu nói ngươi
không ham dơ uế, thì tại sao lại ôm vào lòng một vật do hạt giống bất tịnh
(tinh trùng, noãn) sinh ra, và thoát ra ở chỗ dơ dáy ?
60- Con dòi sinh từ
phân tiểu tuy nhỏ nhít ngươi còn không ham, tại sao lại ham thích cái thân
thể do bất tịnh sinh ra và đầy những thứ dơ bẩn ?
61- Ngươi chẳng những
không coi rẻ cái thân bất tịnh của mình, lại còn vì ham vật bất tịnh mà
tham luôn cả túi da dơ bẩn của kẻ khác.
62- Ngay cả những
dược phẩm cùng thực phẩm thích hợp khẩu vị con người như băng phiến, gạo,
cơm, rau rán,… đã vào cơ thể bài tiết ra thì khiến đại địa cũng ô uế.
63- Thân thể dơ bẩn
như vậy rõ ràng ai cũng tự thấy. Nếu còn nghi thì nên quan sát thây chết
ngoài nghĩa địa và những vật bất tịnh khác.
64- Khi lớp da ngoài
được xẻ ra, người trông thấy phải kinh hãi. Khi đã biết vậy thì tại sao
còn có thể ham thích cái thân này ? Vậy nên từ bỏ tư tưởng cho thân là
sạch đẹp.
65- Mùi thơm mà kẻ
kia thoa vào thân là hương của chiên đàn (hay các hương khác, như nước
hoa ngày nay) chứ đâu phải của thân thể. Sao lại vì mùi hương không
liên can gì đến thân thể mà tham cái thân của cô nàng ?
66- Nếu thân thể vốn
hôi hám, thì đừng ham nó chẳng phải tốt hơn chăng ? Những người tham
chuyện vô nghĩa trên đời bôi hương lên thân để làm gì nhỉ ?
67- Nếu mùi hương là
của nước hoa (chiên đàn) thì thân thể toát ra mùi gì ? Cần gì nhân
một mùi hương chẳng can hệ gì đến cái thân cô gái, mà ham thích thân ấy ?
68- Nếu tóc và móng
tay dài ra, răng vàng hôi thối, thân thể như trạng thái tự nhiên của nó,
thì phải khiến người ta khiếp sợ. Thế thì sao ngươi còn ham thân ấy ?
69- Tham dục như vũ
khí tự hại mình, đã không để cho nó cùn nhụt bớt thì chớ, sao còn mài cho
nó sắc bén thêm ? Than ôi, bọn người cuồng si tự mê hoặc mình, thật đầy
dẫy trong thiên hạ.
70- Chỉ cần thấy một
nắm xương ngoài nghĩa địa ta cũng đủ khởi tâm chán lìa (sinh tử),
thế sao lại vui được khi thấy đầy dẫy những bộ xương trắng đang di động
trong thị trấn ?
71- Lại nữa, cái thân
bất tịnh của nữ nhân nếu không trả một giá rất đắc thì không có được. Đời
này phải vì nó mà mệt mỏi chạy theo cát bụi , đời sau chịu khổ nạn ở địa
ngục.
72- Tuổi nhỏ không có
năng lực kiếm ra tài sản, lớn lên làm sao hưởng thú (cưới vợ) ? Khi
có được tài sản thì thọ mạng sắp hết, cái già đã đến thì sắc dục mà làm gì
?
73- Những kẻ hạ liệt
nhiều ham muốn suốt ngày lao động kiệt sức, buổi tối về nhà bao nhiêu tinh
khí tiêu tan, lăn ra ngủ say như thây chết.
74- Có kẻ đi tha
hương mưu sinh, trải nhiều gian nan cay đắng, dù có muốn hội ngộ vợ đẹp,
suốt năm cũng không thấy nhau.
75- Có kẻ vì tự lợi,
ngu si tự bán thân mình, nhưng chưa được lợi lộc gì vào tay mà phải bị gió
nghiệp cuốn đi một cách vô định.
76- Có kẻ tự bán thân
làm tôi tớ người, tha hồ cho kẻ khác sai sử. Thê thiếp họ sinh nở ở chỗ
hoang dã, dưới gốc cây.
77- Những phàm phu bị
dục vọng lừa dối, lại nói là vì kiếm sống mưu sinh. Họ ra sa trường mặc dù
sợ chết hoặc vì ham lợi mà biến thành nô bộc.
78- Vì dục vọng có
người tự sát, hoặc bị giáo nhọn đâm suốt thân, hoặc bị kiếm ngắn đâm
thủng, hoặc bị lửa đốt.
79- Trải cho hết
những khổ về tom góp, giữ gìn và mất mát, mới thấy tài sản thật đem lại
nhiều tai họa. Kẻ vì tham vàng mà tiêu tán tâm lực thì không còn có kỳ hạn
nào để thoát ra khỏi khổ sinh tử.
80- Tham dục phát
sinh nhiều khổ, hại nhiều, phước lợi ít ; chẳng khác nào những con vật kéo
xe chỉ ăn được vài nạm cỏ mà thôi.
81- Cái lợi nhỏ nhoi
ấy súc sinh còn dễ kiếm, nhưng những con người thiển cận kia lại vì nó mà
bôn ba chịu đủ thứ thống khổ, hủy hoại thân người khó được của mình.
82- Năm đối tượng của
dục rốt cùng cũng hoại diệt, nhưng do đam mê chúng mà con người đoạ địa
ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Vì cái vui chốc lát mà phải chịu khốn đốn trường
kỳ.
83- Vậy mà chỉ cần
chịu đựng một phần ngàn, phần vạn của sự khổ ấy để tu hành cũng đủ thành
Vô thượng Bồ-đề. So với Bồ-tát tu hạnh giác ngộ thì người tham dục chịu
nhiều khổ mà không được quả giác ngộ.
84- Tư duy về những
thống khổ ở các ác đạo mới biết tai họa của các dục. Những tại họa do độc
dược, lửa, binh khí, vực thẳm hoặc kẻ thù gây ra cũng không thể sánh bằng.
85- Bởi thế nên chán
đối tượng năm dục, vui với cảnh nhàn tịnh ở trong núi rừng tịch tĩnh, lìa
tranh chấp, không phiền não.
86- Dưới ánh trăng
trong sang mát mẻ tợ hương chiên đàn, thư thái trên phiến đá phẳng như
trong cung điện, được ngọn gió rừng êm ái quạt mát, bậc thiền giả tốt
phước tản bộ nghĩ đến an lạc cho muôn người.
87- Theo thời tiết
tha hồ mặc ý ở trong ngôi nhà trống, hoặc nơi hang động, hoặc dưới gốc
cây, nhờ đã xả bỏ cái khổ của sự giữ gìn tài vật, vị ấy được tự do tự tại.
88- Lìa tham ái, hành
động tự do, không can dự bất cứ ai, vua chúa cũng khó hưởng được cái thú
tri túc ở chốn núi rừng tĩnh mịch.
89- Sau khi tư duy về
những tai hại của năm dục và công đức của sự xa lánh duyên trần, nên chấm
dứt vọïng tưởng phân biệt và tu quán tâm Bồ-đề.
90- Trước tiên nên
quán ta với người cũng giống nhau ở chỗ tránh khổ tìm vui, do vậy cần
thương chúng sanh như thương chính mình.
91- Chân tay tuy
nhiều, nhưng giữ gìn tay chân thì cũng như giữ gìn thân thể. Khổ vui ở mỗi
người tuy khác nhau, nhưng sự tìm cầu an lạc thì ai cũng giống ta.
92- Cái khổ mà ta
chịu không làm tổn hại thân người khác, nhưng do xem là tôi khổ, vì chấp
ngã nên ta khó mà kham nhẫn.
93- Cái khổ của người
khác cũng không dính đến thân ta, nhưng nếu xem khổ ấy cũng như tôi khổ,
thì cũng khó kham nhẫn.
94- Ta nên xua tan
nỗi khổ của người như xua tan khổ của chính ta, và nên làm lợi lạc cho
người vì họ cũng là hữu tình như ta.
95- Ta lẫn người, cả
hai đều tìm vui nên giống nhau, họ có gì khác ta đâu ? Tại sao chỉ tìm vui
cho mình ?
96- Ta lẫn người, cả
hai đều ghét khổ nên giống nhau. Mình người có gì khác nhau, sao chỉ tự
che chở mình mà không che chở người ?
97- Ngươi bảo : “Cái
khổ của người khác không hại gì tôi, thì sao phải che chở họ khỏi khổ ?”.
Vậy cái khổ về sau không hại cho bây giờ sao ngươi phải đề phòng ?
98- Nếu bảo : “Tôi
chấp nhận chịu khổ tương lai, vì khi chết đi là một thân khác, cái thân
tái sinh cũng là một thân khác nữa”. Thấy như vậy gọi là tà kiến, nên bỏ.
99- Nếu bảo “ Ai khổ
thì tự lo lấy thân, can chi tôi phải che chở họ”. Thế thì chân khổ không
phải tay khổ, sao tay lại che chở chân ?
100- Nếu bảo : nghĩ
như trên (98,99) mặc dù phi lý thật, nhưng vì chấp ngã mà ra như
thế. Nhưng sự chấp trước thật có ta và người hiện hữu biệt lập là tà kiến,
nên bỏ.
101- Vì cái gọi là
mình hay người chỉ là tính tương tục (thời gian) và năm uẩn hòa hợp
(không gian) chỉ là giả danh, như chuỗi tràng (gồm nhiều hạt kết
lại) hay như quân đội (từng binh sĩ họp lại), vốn thật không có
người chịu khổ, thì ai là kẻ trừ khổ của ai ?
102- Đã không có
người chịu khổ thật sự, thì tuyệt đối không có gì khác nhau giữa khổ mình
hay khổ người. Có khổ nhất định nên xua tan, cần gì phân biệt gượng gạo
mình và người ?
103- Không nên cãi
rằng cần gì phải trừ khổ của người khác, vì không thật có sự khổ và người
chịu khổ. Nhưng khi đã xua tan đau khổ của chính mình thì đương nhiên cũng
phải xua tan tất cả đau khổ. Nếu không, thì tôi cũng như hữu tình khác,
cần gì trừ khổ cho chính tôi ?
104- (Hỏi :) - Tâm
thương xót kẻ khác đem lại cho tôi nhiều đau khổ, thì sao phải nỗ lực làm
nó phát sinh ? (Đáp :) - Nếu nghĩ đến nỗi khổ của chúng sanh, thì khổ của
mình sao lại tăng được ?
105- Nếu nỗi khổ của
một người có thể trừ thống khổ của rất nhiều người khác, thì vì tự lợi lợi
người, kẻ có tâm từ sẽ rước lấy nỗi khổ kia.
106- Như trong kinh
Tam Ma Địa Vương nói : Bồ-tát Diệu Hoa Nguyệt mặc dù biết nhà vua có ý hại
mình, song vì muốn chấm dứt thống khổ cho hàng vạn người, Bồ-tát đã chấp
nhận khổ đau.
107- Người tu quán
mình người bình đẳng như vậy thì ưa trừ diệt thống khổ cho kẻ khác, dù
phải vào địa ngục Vô gián cũng vui vẻ như con thiên nga sà xuống ao sen.
108- Khi biết chúng
sanh đã được giải thoát thì tâm vui mừng dạt dào như biển lớn. Nỗi vui ấy
chưa đủ sao, cần gì phải cầu giải thoát cho riêng mình ?
109- Bởi thế hãy mưu
cầu lợi ích cho tha nhân mà đừng kiêu căng tự đắc ; chuyên tâm ham thích
làm lợi lạc cho người mà không hy vọng được quả báo lành.
110- Cũng như tôi tự
giữ cho mình khỏi bị những khó chịu nhỏ như một lời nói khiếm nhã, tôi nên
tu tập tâm thương xót che chở kẻ khác.
111- Đối với tinh
huyết của người khác vốn không phải thân tôi, mà vì tập quán tôi đã xem sự
kết tụ tinh huyết ấy là tôi ;
112- Vậy sao thân
người khác tôi không thể xem là mình ? Do vậy, đem đổi thân mình thành
thân người cũng không khó lắm.
113- Tự thương thân
thì gặp nhiều tai họa, thương thân người thì được nhiều công đức. Biết vậy
nên thường tu tập thương người, từ bỏ ngã chấp.
114- Ai cũng chấp
nhận rằng tay chân là những phần tử của thân thể, vậy sao không nhận rằng
hữu tình là một phần của sự sống ?
115- Đối với thân thể
vốn vô ngã này, mà do thói quen ta xem nó là của ta, vậy sao đối với kẻ
khác không thể phát sinh ý tưởng họ là ta ?
116- Nên mưu cầu lợi
ích cho tha nhân mà không kiêu căng ngã mạn, như người nuôi thân mình
không bao giờ mong ai đền đáp.
117- Dù một khó chịu
nhỏ nhặt như một lời khiếm nhã mà ta cũng không muốn xảy đến cho mình và
cẩn thận tránh né, hãy có tâm thương xót giữ gìn như vậy đối với chúng
sanh.
118- Bởi thế mà đấng
Chúa tể của sự cứu hộ là Bồ-tát Quán Thế Âm mạnh mẽ phát nguyện đại bi
bằng cách gia trì năng lực vào Thánh hiệu của ngài để trừ nỗi khiếp sợ khi
đến giữa chúng đông người.
119- Trước khi nghe
tên (một người nào) ta đã tán đởm kinh hồn, nhưng về sau nhờ thân
gần lâu, khi mất con người ấy ta lại buồn sầu, ấy là do thói quen. Vậy ta
không nên thối chí khi (lúc đầu) thấy khó.
120- Nếu ai muốn
nhanh chóng tự cứu và cứu người, thì hãy tu đổi địa vị tự với tha, đấy là
bí quyết tốt nhất.
121- Vì tham đắm tự
thân, gặp việc nhỏ cũng sinh lo sợ. Đối với thân thể, nguồn gốc phát sinh
mọi lo sợ này, ai mà không giận nó như cừu địch ?
122- Người muốn trị
bệnh thân thể đói khát thường dùng trăm phương ngàn kế như bắt giết cá,
chim, thú, nấp rình giữa đường để cướp bóc.
123- Có kẻ vì cầu
danh lợi cung kính mà đi đến chỗ giết cha mẹ, trộm vật Tam bảo, nhân đấy
bị đọa vào ngục Vô gián.
124- Ai là người
thông minh mà lại còn muốn bảo hộ, cung dưỡng cái thân này, không xem nó
như cừu địch, không khinh miệt nó ?
125- Con đường sa làm
quỷ đói là ý nghĩ : “Nếu bố thí hết, tôi còn hưởng được gì ?”. Con đường
lên cõi trời, người ta có ý nghĩ : “Nếu tôi hưởng hết thì lấy gì để bố thí
?” .
126- Vì bản thân mà
hại kẻ khác thì sẽ chịu khổ địa ngục. Hại mình để lợi người thì việc gì
cũng thành công.
127- Muốn cho mình ở
địa vị cao tột thì sẽ rơi vào những cõi ác ngu si thấp hèn ; đề cao kẻ
khác thì sẽ lên các cõi lành cao thượng, được tôn kính.
128- Sai sử kẻ khác
phục dịch cho mình thì sẽ chịu cái khổ làm tôi đòi bị sai sử. Chịu nhọc
mình để lợi tha thì sẽ được phong tước vương hầu.
129- Bao nhiêu hạnh
phúc trần gian đều do lợi tha mà có ; bao nhiêu thống khổ trên đời đều do
ích kỷ chỉ muốn lợi mình mà ra.
130- Điều này đã quá
rõ không cần nói nhiều lời : Phàm phu ngu si chỉ cầu lợi cho bản thân, còn
bậc thánh thì chỉ mong lợi lạc tha nhân. Xem sự khác biệt giữa hai người
ấy thì đủ biết.
131- Nếu ta không
thật tình đổi hạnh phúc mình lấy khổ đau kẻ khác, thì không những ta sẽ
không đạt thành Chánh giác, mà ở trong sinh tử luân hồi ta cũng không được
an vui.
132- Tạm gác lại
chuyện đời sau, ngay đời này nếu không làm tôi tớ thì chủ không trả thù
lao, như vậy cũng khó mà có được cái lợi trong đời hiện tại.
133- Lợi tha khiến
được an vui, bỏ lợi tha thì mất vui. Hại người khiến chịu khổ, kẻ ngu chắn
chắn gặp tai ương.
134- Tất cả tai hại
trên đời như sợ hãi và những thống khổ khác đều do ngã chấp mà ra. Vậy ta
còn cần gì con ma chấp ngã đó ?
135- Ngã chấp chưa
tận trừ thì không thể trừ hết khổ, cũng như chưa quăng bỏ lửa thì không
khỏi bị phỏng tay.
136- Bởi thế hãy đình
chỉ tự hại và diệt thống khổ cho kẻ khác bằng cách bỏ bản thân mà cho mọi
người tất cả, thương người như chính mình.
137- Này tâm ý, sau
khi đổi địa vị mình với người, ngươi nên nhận thức rõ từ nay ta hoàn toàn
thuộc về chúng sanh, trừ việc lợi ích hữu tình, ngoài ra ta không nghĩ
việc gì khác.
138- Từ nay trở đi,
không nên lấy con mắt đã thuộc về hữu tình để mưu lợi cho riêng mình, cũng
đừng lấy mắt (tai, mũi, lưỡi, thân) để làm những việc tổn hại chúng
sanh.
139- Từ nay nên tôn
trọng hữu tình, trong thân có gì đều đem làm lợi ích chúng sanh.
140- Trước tiên chọn
ba đối tượng : thấp kém, ngang hàng và cao quý hơn mình, rồi trao đổi địa
vị mình với ba người ấy. Dùng tâm xác tín không nghi ngờ mà thiền quán về
ganh ghét, cạnh tranh và kiêu mạn (như sau)
141- (Quán người
kém mình sẽ nghĩ về mình : ) Kẻ ấy được kính trọng, ta không. Tài sản
ta không bằng kẻ ấy. Kẻ ấy được khen, ta không. Kẻ ấy hạnh phúc còn ta thì
chịu đau khổ.
142- Ta làm lụng nhọc
nhằn, kẻ ấy sống an nhàn thoải mái. Kẻ ấy được mọi người ca tụng, còn ta
thì thân bại danh liệt.
143- Sao bảo ta không
tài cán gì ? Đương nhiên ta có tài. Kẻ ấy so với X, Y thì còn kém xa. Ta
cũng còn hơn nhiều người khác.
144- Những sự suy
thoái về giới luật và kiến giải (hiểu biết đạo lý) nơi ta là do
phiền não chứ không phải ta. Kẻ kia đáng nên tận lực giúp đỡ ta, dù có gặp
khó khăn nào ta cũng cam chịu.
145- Vậy mà ta chẳng
những không được giúp đỡ, ngược lại còn bị rẻ rúng là sao ? Kẻ ấy dù có
đầy đủ công đức, song có ích lợi gì cho ta đâu ?
146- Kẻ ấy không
thương xót chúng sanh ngu muội bị kẹt vào cửa khẩu ác đạo, mà chỉ hướng
ra ngoài để khoe khoang đức hạnh mình, muốn hơn những bậc trí.
147- (Quán tâm
niệm kẻ ngang mình : ) Để thắng vượt kẻ được xem ngang hàng với ta, ta
nhất định phải có tài lợi và danh vọng.
148- Ta sẽ tận lực
tuyên dương công đức của mình, làm cho danh tiếng vang khắp thiên hạ,
ngoài ra ta nên dìm công đức của kẻ ấy, không để cho mọi người nghe đến.
149- Lại phải nên che
giấu những lỗi lầm của ta, để ta được cúng dường, không phải kẻ ấy. Thế là
nay ta được lợi lớn, được cung kính, chứ không phải kẻ kia.
150- Ta sẽ sung sướng
thấy nó liên miên gặp nạn, trở thành đối tượng cho mọi người trào lộng,
quở trách.
151- (Quán sự ngã
mạn của kẻ hơn mình : ) “Nghe nói cái kẻ điên khùng kia lại muốn tranh
với ta, nhưng thử nghĩ tài sản, tướng mạo, trí tuệ, hiểu biết, dòng họ của
nó làm so bằng ta được ?”
152- “Bởi thế mà mỗi
khi nghe mọi người khác miệng đồng lòng, đều ca tụng công đức ta, thì ta
vui sướng ran cả người, lông dựng lên, mình nổi gai ốc.
153- “Dù nó có giàu
phất lên, ta cũng sẽ chiếm đoạt tài sản nó. Nếu nó làm công cho ta, ta chỉ
cấp lương vừa đủ sống, ngoài ra ta sẽ chiếm hết.
154- “Ta phải làm cho
chúng mất sự an vui, luôn luôn bị tai họa…”. Trong sinh tử ngã chấp như
vậy đã từng hại ta cả trăm lần.
155- Hỡi tâm ý, vì
muốn lợi cho mình, ngươi đã trải qua vô số kiếp chịu đủ thứ nhọc nhằn mà
chỉ có tăng thêm đau khổ.
156- Bởi thế, nay
ngươi nên tận tâm tận lực làm lợi ích cho chúng sanh. Đấng Đại Thánh
(Phật) không nói dối, hãy vâng làm theo giáo lý Ngài thì chắc chắn
được lợi ích.
157- Nếu xưa nay
ngươi đã tu tập trao đổi địa vị mình với người như thế, thì ngươi đã được
viên mãn an vui như Phật, không đến nỗi khổ như ngày nay.
158- Từ một giọt tinh
huyết cha mẹ kết tụ mà ngươi có thể chấp làm tôi, thì với người khác ngươi
cũng nên tập xem là tôi vậy.
159- Sau khi xét kỹ
xem mình có thật đổi địa vị với người, thấy tự thân có vật gì trộm hết đem
làm lợi ích cho chúng sanh.
160- Mình an vui, kẻ
khác không an vui ; mình ở trên cao, kẻ khác thấp kém ; mình chỉ làm lợi
cho mình, không đoái hoài kẻ khác thì làm sao họ không ganh ghét ?
161- Ta nên xa lìa
hạnh phúc mình để chịu khổ thay cho người, thường xem cách khởi tâm động
niệm của mình để xét những lỗi lầm.
162- Kẻ khác dù phạm
lỗi lớn, ta cũng nên vui vẻ chịu tội thay, lỗi mình dù nhỏ nhặt cũng thành
thật sám hối trước đại chúng.
163- Nên tán dương
tiếng tốt của người mà giấu kín vinh dự của mình ; tự nguyện làm kẻ tôi tớ
hạ liệt, nỗ lực mưu cầu lợi ích cho đại chúng.
164- Tự thân ta vốn
nhiều lỗi lầm, công đức chẳng đủ để đáng khen, nên hãy che giấu đức mình
đừng để ai biết.
165- Tóm lại, xưa nay
vì ích kỷ muốn lợi mình nên bao nhiêu việc làm tôi đều phương hại đến kẻ
khác, nay vì lợi lạc cho người, bao nhiêu tai hại tôi nguyện lãnh hết về
mình.
166- Đừng để cho thân
này hiện cái tướng thô bạo cứng cỏi, hãy như cô dâu mới về nhà chồng, hết
sức rụt rè cẩn thận.
167- Phải kiên trì
hạnh lợi tha, nhất là đừng thương tổn chúng sanh. Nếu tâm khởi lên tham
muốn ích kỷ thì chế phục tâm (bằng chánh tri chánh niệm). Nếu tâm
vượt qua giới (lợi tha) này, hãy xử phạt nó.
168- Nay tâm ý, đã
được răn dạy như thế mà ngươi không thực hành thì những tội lỗi rốt cuộc
sẽ về ngươi, chỉ còn nước phải bị đọa.
169- Trước đây ta đã
bị ngươi khống chế, nay thì ta đã rõ, bất luận đi đến chân trời góc biển
nào ta cũng phải đập cho tan tành thói kiêu mạn của ngươi.
170- Nay thì ngươi
nên bỏ cái nghĩ như sau : “Tôi sẽ hưởng quyền lợi cho mình”, vì ta đã bán
ngươi cho người khác, chớ bi ai mà hãy tận lực phục vụ người.
171- Nếu ta đã thiếu
cẩn thận, lơ đễnh một chút, chưa đem ngươi mà bố thí cho hữu tình, thì
chắc chắn ngươi đã bán ta xuống mười cửa địa ngục mất rồi.
172- Quả vậy, ta đã
bao phen bị ngươi bán đứng như thế, nay nhớ lại thù xưa, ta phải đập tan
cái tâm ích kỷ tự lợi trong ngươi.
173- Nếu còn tiếc cái
mạng của ngươi thì ngươi không nên ôm lòng chấp ngã, mà phải thường thương
giúp hữu tình.
174- Ngươi càng ân
cần che chở, phụng hiến cho tấm thân bất tịnh này bao nhiêu, nó càng đọa
vào thống khổ khó nhẫn chịu bấy nhiêu.
175- Thân thể thì suy
yếu mà dục ái lại gia tăng, dù tất cả tài sản trên địa cầu này cũng không
đủ làm cho nó thỏa mãn. Ai còn có thể làm thỏa mãn dục vọng này ?
176- Chạy theo dục
vọng không bao giờ thỏa mãn thì chỉ chuốc lấy não nề thất vọng. Kẻ không
cầu mong gì lại được phước vô cùng.
177- Hưởng lạc chỉ
tăng thêm lòng tham thân, vậy đừng để cho thân thể có cơ hội hưởng lạc.
Không ôm giữ những vật thích ý, tâm thái ấy là tài sản quý báu chân thật.
178- Tấm thân bất
tịnh đáng sợ này, tự nó bất động, phải chờ kẻ khác (tâm ý) thôi
thúc, chung cục sẽ ra tro bụi, tại sao chấp nó làm cái tôi ?
179- Dù sống hay
chết, cái thân này để làm gì ? Nó có khác gì một khối than, cục
đất đâu ? Vậy sao không trừ ngã mạn đi ?
180- Do phụng thị hầu
hạ cái thân mà ta đã phải tích chứa bao nhiêu khổ đau một cách vô nghĩa.
Đối với cái thân chẳng khác khúc cây này, cần gì tham với sân cho mệt ?
181- Dù ta có cẩn
thận che chở cho nó, hay bỏ nó cho quạ chồn ăn, nó cũng chẳng nổi tham hay
giận, thế thì sao còn ham cái thân này ?
182- Chê thân, nào
khiến cái thân giận ? Khen nó, nào khiến nó vui ? Nó đã vô tri vô giác như
vậy thì siêng năng lao nhọc vì nó làm gì ?
183- Nếu ngươi bảo :
“Ai yêu mến cái thân này, người ấy là bạn tôi”, nhưng mọi người đều yêu
mến bản thân mình, sao ngươi không ưa thích họ ?
184- Bởi thế hãy lìa
tham, hy sinh bản thân dể làm lợi ích cho đại chúng. Thân này tuy lắm tai
họa, nhưng là một lợi khí để làm việc lành.
185- Tôi đã quá chán
lối hành xử ấu trĩ của kẻ ngu, nay tôi sẽ hành động theo bậc trí. Nhớ lời
giáo huấn về không buông lung, tôi sẽ tinh tấn dẹp lui thói lừ đừ ngủ gà
ngủ gật.
186- Như con Phật đại
từ bi, tôi sẽ nhẫn nại làm những gì phải làm. Nếu không siêng năng tu tập
cho thường, thì đến ngày nào mới ra khỏi khổ ?
187- Muốn trừ các
chướng ngại, phải tránh xa nẻo tà, thường theo đường chính, chuyên chú tu
tập chánh định.