CHƯƠNG BỐN
THỰC HÀNH BỒ-ĐỀ TÂM
(Bồ-đề tâm hạnh)
1- Sau khi mạnh mẽ
phát Bồ-đề tâm, Bồ-tát con Phật phải thường tinh tấn tu tập không được
biếng nhác, nhất là không được làm trái học giới Bồ-tát.
2- Một việc làm nếu
ta không suy nghĩ cẩn thận, hoặc do ngẫu hứng mà làm thì dù đã hứa, ta
cũng có thể xét lại xem nên theo hay nên bỏ.
3- Nhưng làm sao có
thể từ bỏ Giới, mà với trí tuệ bao la chư Phật Bồ-tát đã xét thấy có vô
lượng công đức, và chính ta cũng đã từng suy nghĩ trước khi lãnh thọ ?
4- Đã phát nguyện
làm lợi lạc hữu tình mà không làm như lời hứa, thì hóa ra lừa dối tất cả
chúng sanh ? Như vậy số phận ta sẽ ra sao ?
5- Kinh dạy, kẻ nào
đã định cho người khác một vật tầm thường mà cuối cùng không cho, cũng
sẽ đọa làm quỷ đói.
6- Thế mà ta đã mời
chúng sanh đến dự yến tiệc vô thượng an lạc rồi lại dối gạt chúng, thì
làm sao sinh đến cõi tốt lành ?
7- Trường hợp
A-a-hán xả tâm Bồ-đề mà vẫn được quả giải thoát là việc khó nghĩ bàn,
chỉ bậc Nhất thiết trí (Phật) mới hoàn toàn thấu rõ nguyên nhân.
8- Trong các tội
đọa thuộc Bồ-tát giới, cái tội xả tâm Bồ-đề là nặng nhất, vì nếu khởi
cái tâm này thì làm cho tất cả chúng sanh mất lợi lạc.
9- Kẻ nào gây trở
ngại cho thiện hành của Bồ-tát, dù chỉ một sát-na, thì vì tổn hại cả hữu
tình nên sẽ bị quả báo đọa ác đạo không cùng tận.
10- Phá hoại an lạc
của một chúng sanh mà còn gặp khốn đốn, huống gì hủy hoại an lạc của vô
biên hữu tình đầy khắp biên giới hư không ?
11- Bởi thế, người
vừa có sức mạnh dám phát tâm Bồ-đề, lại vừa có khả năng phạm tội đọa,
thì vẫn quanh quẩn mãi trong vòng luân hồi, khó có ngày bước lên các địa
vị Bồ-tát.
12- Vậy nên ta phải
cung kính thực hành những gì đã thệ nguyện. Từ nay về sau nếu không tinh
tấn, chắc chắn ta sẽ đọa vào những nơi thấp hèn.
13- Vô lượng chư
Phật đã ra đời để làm lợi ích chúng sanh, nhưng do tội lỗi quá khứ mà ta
đã không gặp được sự cứu độ của các ngài.
14- Nếu nay ta cũng
lại phạm tội như trước, chắc chắn sẽ không thoát khỏi cảnh bị bệnh, bị
trói, bị xẻ cưa trong các ác đạo.
15- Được gặp Phật
xuất thế, được làm người có lòng tin Phật thích hợp để tu thiện hành,
đấy là những điều kiện hiếm có, biết bao giờ ta mới được lại ?
16- Dù hiện nay ta
khỏe mạnh, đủ ăn, không bị tổn thương, nhưng mạng sống trôi qua từng
giây phút, cái thân này chỉ như vật tạm.
17- Cứ theo cách
hành xử của ta hiện nay, thì được lại thân người cũng khó. Mà nếu không
được thân người thì chỉ có thể làm ác, không thể tạo thiện hành.
18- Khi đã đủ cơ
hội để làm điều lành mà không chịu làm, đến lúc bị đọa vào ác đạo, bị
các thống khổ bức bách, ta liệu làm được gì ?
19- Nếu không làm
lành, chỉ tạo toàn nghiệp ác thì dù trải qua một ức kiếp, ta cũng không
được nghe đến cái tên của cõi tốt lành.
20- Đó là lý do đức
Thế Tôn dạy : thân người vô cùng khó được, như con rùa mù từ dưới biển
mới ngoi lên mà cổ nó chui ngay được vào lỗ hổng nơi một tấm ván trôi
bềnh bồng.
21- Phạm tội nặng
chỉ trong sát-na cũng bị một kiếp đoạ vào địa ngục Vô gián, huống chi từ
vô thủy luân hồi đến nay ta đã tạo tội, thì làm sao có thể sinh vào nẻo
lành ?
22- Chờ trả cho
xong những ác báo ấy để được giải thoát đã là việc khó, huống chi trong
lúc thọ quả báo ta lại còn tạo thêm nhiều tội lỗi.
23- Đã được thân
người nhàn rỗi mà không lo tu hành, thì thật không gì điên cuồng ngu
xuẩn hơn.
24- Nếu biết vậy mà
vẫn ngu si làm biếng, thì khi lâm chung, ta sẽ hết sức đau khổ.
25- Lửa địa ngục
thiêu đốt thân thể trong nhiều kiếp đã khó chịu nổi, mà ngọn lửa ăn năn
hối hận còn làm cho tim ta đau đớn vô vàn.
26- Điều lợi lạc
khó được mà ta may mắn đã được, lại có đủ khôn ngoan, vậy mà vẫn đoạ vào
địa ngục ;
27- Có khác gì ta
đã vướng phải bùa chú làm cho mất hồn. Không biết ta đã bị cái gì làm
cho hôn ám, con ma nào ẩn nấp trong tâm ta ?
28- Tham, sân,
những kẻ thù ấy không có tay chân, mặt mũi, cũng không dũng cảm, thông
minh gì, sao chúng có thể sai sử ta như sai đầy tớ ?
29- Phiền não trong
tâm tự tung tự tác làm tổn thương ta, vậy mà ta vẫn chịu đựng không giận
tức chúng, sự nhẫn chịu vô lối ấy thực là đáng trách.
30- Dù cho chư
thiên và các loài khác nhất tề tấn công ta, cũng không thể đẩy ta vào
địa ngục Vô gián được.
31- Nhưng năng lực
của kẻ thù phiền não tham dục lại rất lớn, có thể ném ta vào ngọn lửa
địa ngục mà ngay cả núi Tu Di gặp phải cũng cháy ra tro.
32- Kẻ thù phiền
não trong tâm ta sống dai vô thủy vô chung. Những địch thù trên đời
không có kẻ nào sống lâu đến thế.
33- Nếu thuận theo
kẻ địch ở đời, ta còn có được lợi lạc. Nhưng nếu chiều theo phiền não
trong tâm thì ta chỉ có gặp toàn những khổ hại mà thôi.
34- Kẻ thù địch
sống dai ấy, cái nhân duy nhất tăng trưởng tai họa ấy, nếu cứ để cho nó
ở trong tâm mình, thì làm sao ta sống an vui không lo sợ cho được ?
35- Phiền não là
ngục tốt bảo vệ ngục sinh tử, là kẻ hành quyết tội nhân trong địa ngục.
Nếu nó còn ở trong tâm ta thì làm sao ta có được an vui ?
36- Đừi này nếu
chưa đích thân tiêu diệt được kẻ thù phiền não thì ta không nên xả bỏ
tinh tấn. Người đời khi bị kẻ khác làm hại chút xíu cũng còn nổi giận,
tráng sĩ khi chưa diệt xong kẻ thù thì ngủ không yên giấc.
37- Trong khi đánh
nhau kịch liệt giữa chiến trường, người ta còn nỗ lực tiêu diệt kẻ thù,
mặc dù những kẻ thù địch ấy rốt cuộc tự nhiên cũng sẽ chết. Nhưng vì
những thù địch ấy gây cho họ khổ não, nên bất kể thân mình trúng phải
tên đao, khi chưa đạt mục đích tiêu diệt kẻ thù, họvẫn không đào tẩu
thối lui.
38- Huống ta nay
tinh tấn quyết tiêu diệt kẻ thù tự nhiên (là si mê phiền não),
cái nhân của thống khổ, thì thật không nên biếng nhác thối chí, dù có
gặp trăm ngàn gian khổ.
39- Khi vì mưu cầu
chút danh lợi mà thân bị trúng thương của kẻ thù, người ta còn lấy đó
làm vinh. Nay ta vì lợi ích lớn lao mà siêng năng tinh tấn, thì đau khổ
sao có thể làm ta chùn bước ?
40- Những kẻ chài
lưới, đồ tể, nông phu…v.v… chỉ vì sinh kế mà phải chịu nóng chịu rét
cùng bao nhiêu gian nan cay đắng. Nay ta vì an lạc chúng sanh, sao lại
không nhẫn chịu khó khăn ?
41- Ta đã phát
nguyện cứu độ chúng sanh khắp mười phương ra khỏi phiền não ái dục, thế
mà chính ta thì lại chưa lìa xa phiền não.
42- Thốt lời không
tự lượng sức, có phải là điên cuồng không ? Bởi thế từ nay ta không bao
giờ nên khiếp nhược thối lui trong lúc triệt tiêu phiền não.
43- Ta hãy yêu mến
phương pháp đối trị phiền não, hãy ôm hận quyết chiến đấu với nó. Chỉ
nhờ phát một cái tâm mãnh liệt ngang với tham sân phiền não mới mong
diệt được não phiền.
44- Ta thà bị
thiêu, bị giết, bị chặt đầu, quyết không khuất phục giặc phiền não.
45- Kẻ địch thông
thường khi bị đánh đuổi ra khỏi một nơi nào, lại rút đi nơi khác ẩn náu
dưỡng sức, chờ khi phục hồi lực lượng sẽ trở lui đánh tiếp, nhưng kẻ thù
phiền não thì không thế.
46- Khi con mắt tuệ
xuyên suốt để tống khứ phiền não ra khỏi tâm thì phiền não đi đâu ? Nó
không thể ẩn trú chỗ nào để về sau trở lại. Thế thì sao ta lại nhu
nhược, không chịu tinh tấn tiêu diệt nó.
47- Phiền não không
ở ngoại cảnh, không ở nội thân, cũng không ở giữa thân và cảnh. Ngoài ba
chỗ đó chẳng có chỗ nào cho nó trú. Vậy nó trú chỗ nào để hại ta ? Vậy
nên biết phiền não chỉ là tâm huyễn, không đáng sợ. Hãy nên vì sự nghiệp
trí tuệ mà siêng tu, sao ta vẫn cứ ở trong địa ngục để bị tổn hại một
cách vô nghĩa ?
48- Tư duy như vậy,
ta nên tận lực tu hành viên mãn các học giới Bồ-tát. Bệnh nhân cần
thuốc, nếu không tuân theo lời dặn lương y thì làm sao khỏi bệnh ?