NHẬP BỒ TÁT HẠNH


Nguyên tác Phạn ngữ Bodhisattvacharyavatara Nguyên tác: Tịch Thiên (Shantideva) Hoa dịch: Trần Ngọc Giao Việt dịch: Thích Nữ Trí Hải
18/06/2011 14:23 (GMT+7)
Số lượt xem: 23831
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

CHƯƠNG BẢY

 

TINH TẤN

 

1- Sau khi tu nhẫn, cần tu tinh tấn. Có tinh tấn thì mới có thể an trú tâm Bồ-đề. Cũng như không có chuyển động nếu thiếu gió, phước đức không sinh nếu không tinh tấn.

2- Tinh tấn là hăng hái đối với điều lành. Những chướng ngại cho tinh tấn là biếng nhác, tham đắm những chuyện thấp hèn, tự khinh mình, nản chí thối lui.

3- Vì tham hưởng thú vui làm biếng, ưa ngủ nghỉ , không chán khổ luân hồi, mà ta càng ngày càng giải đãi.

4- Đã bị vướng vào lưới mê, kế tiếp lại mắc cái bẫy thọ sinh. Sao ta không biết mình sẽ sa vào miệng thần chết ?

5- Không thấy tử thần đã tuần tự giết đồng loại ta sao ? Thế mà những kẻ tham ngủ vẫn bất động như trâu thấy đồ tể.

6- Sau khi niêm phong tất cả lối thoát, tử thần đang rình rập, sao người có thể ham ăn và ngủ ?

7- Tử vong sẽ đến rất nhanh, hãy sớm trữ lương thực cho kịp. Nếu chờ tử thần đến bên hông mới hết lười biếng thì đã quá muộn, còn ích gì ?

8- Có khi việc chưa làm, hoặc mới khởi sự, hoặc còn dang dở, tử thần đột nhiên xuất hiện : Ôi, mạng ta hết rồi !

9- Khi thân thuộc bằng hữu ta đã tuyệt vọng, đau buồn sưng mắt, hai dòng lệ chảy dài trên má, đấy là lúc ta thấy sứ giả thần chết đến.

10- Kinh sợ nhớ lại tội lỗi mình, hãi hùng nghe những âm thanh ở địa ngục, ta hoảng hốt vùi thân trong phẩn uế, lúc ấy còn làm được gì ?

11- Hiện tại, cái khổ chết đã khiến ta sợ hãi như con cá lăn lộn trên cát nóng, nói gì cái khổ khó nhẫn ở địa ngục, quả báo tội lỗi ta đã làm ?

12- Như thịt da trẻ sơ sinh chạm phải nước sôi thì đau đớn kinh khủng, kẻ đã tạo nghiệp địa ngục là ta làm sao có thể an nhiên được ?

13- Kẻ yếu đuối không nỗ lực mà muốn được kết quả, thì phải chịu nhiều tai hại. Khi cái chết đến, họ kêu trời, tôi đau khổ chết mất.

14- Nhờ nương vào chiếc bè là thân người này, ta có thể vượt qua biển khổ lớn. Chiếc bè này khó có lại, hỡi kẻ ngu, đừng ham ngủ !

15- Sao lại bỏ pháp hỷ thù thắng, nguồn gốc của tối thượng an lạc, mà vui với những thói hèn hạ chỉ đưa đến tán loạn lăng xăng ?

16- Đừng khiếp sợ, hãy tích lũy hai thứ hành trang là thiền định khiến thân tâm được tự chủ, và quán bình đẳng ta người. Hãy siêng tu pháp đổi địa vị, xem người như mình.

17- Không nên khiếp nhược tự thối lui, cho rằng “chắc mình không thể nào đạt giác ngộ”. Đức Như Lai đã nói lời chân thật (trong kinh Diệu Tý Thưa Hỏi) rằng :

18- Nếu phát khởi năng lực tinh tấn thì cả đến những côn trùng như ruồi muỗi cũng chứng được Vô thượng Bồ-đề.

19- Huống nay ta được sinh làm người, có khả năng phân biệt lợi hại, nếu không xả giới Bồ-tát, thì sao lại không chứng đạo ?

20- Nếu bảo “tôi sợ phải xả bỏ tay chân.v.v…” đó là kẻ ngu lo sợ vô lối khi chưa phân biệt được nặng nhẹ.

21- Vì trải qua vô số kiếp, ta đã từng cả ngàn lần bị đâm, đốt, cưa xẻ mà đến nay vẫn chưa thành Chánh giác.

22- Nay những khổ ta phải chịu để giác ngộ thì có giới hạn, như vì muốn chữa bệnh mà ta phải chịu cái đau giải phẫu.

23- Y sĩ khi muốn chữa bệnh cũng phải dùng những biện pháp gây đau đớn để trị liệu, vậy ta hãy nhẫn chịu những khổ nhỏ để diệt trừ tất cả khổ.

24- Đấng Vô thượng Y vương thì không cần sử dụng cách chữa trị tầm thường ấy. Bằng một phương thuốc hết sức êm dịu, Ngài chữa trị tất cả các chứng bệnh nan y.

25- Trước hết, Ngài dạy chúng sanh bố thí những thực phẩm như rau rán.v.v…Khi đã tập quen bố thí những vật nhỏ rồi, mới có thể bố thí thịt trên thân mình.

26- Khi đã giác ngộ bản thân mình cũng nhỏ nhặt không khác gì rau cỏ, thì xả thịt trên thân cũng như cho một mớ rau, đâu khó khăn gì ?

27- Bồ-tát đã tận trừ điều ác nên không còn khổ, có trí tuệ nên không lo sầu. Vì chính tà kiến chấp ngã và ác nghiệp làm cho thân tâm sầu khổ.

28- Bồ-tát không bao giờ sinh tâm nhàm chán khi ở lại trong sinh tử để cứu vớt chúng sanh. Nhờ có phước đức, Bồ-tát được thân thư thái, và nhờ có trí tuệ mà tâm an vui.

29- Nhờ năng lực tâm Bồ-đề, Bồ-tát tiêu trừ mọi ác nghiệp quá khứ và gặt hái vô lượng công đức. Do đó mà nói Bồ-tát thù thắng hơn Thanh văn.

30- Vậy, hãy tiêu trừ tất cả chán mệt, ngự trên con tuấn mã là tâm Bồ-đề để đi từ an vui đến an vui. Người có trí sao còn thối thất ?

31- Những điểm tựa (cho Bồ-tát) để siêng làm lợi lạc hữu tình gồm có 4 : Dục (nguyện), Tín, Hỷ và Xả. Dục phát sinh do sợ khổ và do quán sát lợi ích của dục.

32- Vậy, muốn tăng trưởng tinh tấn, ta phải cố từ bỏ những năng lực đối nghịch của nó như giải đãi, khiếp nhược, và tích lũy những năng lực là Dục, Tự tin, Hỷ, Xả.

33- Ta đã phát nguyện diệt trừ lỗi lầm của bản thân và tha nhân, và để trừ diệt mỗi lỗi lầm này cũng cần phải tu trải qua vô số kiếp.

34- Nhưng nếu ta chưa có một phần nhỏ nào của sự tinh tấn cần thiết để tận diệt lỗi lầm, thì nhất định ta sẽ đọa vào vô lượng khổ. Làm sao tim ta không hoảng sợ ?

35- Cũng thế, ta đã nguyện thực chứng vô lượng công đức cần thiết cho ta lẫn người. Và muốn có được chỉ một trong những công đức này, ta cũng đã phải tu vô số kiếp.

36- Thế mà ta lại chưa từng sinh khởi được một phần nhỏ nào của công đức cần tu tập. Thật lạ lùng thay, ta đã lãng phí một cách vô nghĩa tấm thân người khó được này.

37- Tôi chưa cúng dường chư Phật, chưa bày tiệc vui lớn (mời Phật và chúng sanh đến hưởng, xem Chương ba), chưa thực hành theo giáo lý, chưa thỏa mãn mong ước của kẻ nghèo.

38- Tôi chưa ban vô úy cho nững người sợ hãi. Tôi cũng chưa đem vui cho người khổ. Vậy tôi chỉ còn nước phải chịu thống khổ nhập thai, cùng với những khổ già, bệnh, chết.

39- Trong đời hiện tại và các đời trước, những nỗi khổ như trên phát sinh do tôi đã không nhiệt tình học Pháp. Khi đã biết vậy, thì ai còn từ bỏ nhiệt tâm tu hành ?

40- Chính đấng Thiện Thệ đã nói rằng dục (mong cầu) là căn nguyên của mọi đức tính. Gốc rễ của mong cầu Pháp là luôn tư duy về nhân quả nghiệp báo.

41- Tất cả những đau khổ kém vui, những sợ hãi, mong cầu không toại ý đều phát sinh từ tội lỗi quá khứ.

42- Nhờ làm các thiện hành được thúc đẩy bởi thiện dục, đi đâu ta cũng gặp lành do quả báo công đức đem lại.

43- Dù mong cầu hạnh phúc, kẻ làm ác đến đâu cũng gặp toàn quả báo của tội ác hiện ra trước mắt, bị đánh gục bởi khí giới sắc bén của thống khổ.

44- Nhờ những thiện nghiệp về trước, tôi sẽ sinh vào trong lòng mát rượi của một đóa sen thơm tho khoáng đạt. Nhĩ căn tôi được nuôi dưỡng bằng Pháp ngữ vi  diệu của đức Như Lai, thân tâm thấm nhuần phát sáng. Khi hào quang Phật chiếu đến, hoa sen trắng nở ra một thân thể thù thắng, tôi sung sướng thành con Phật, đứng trước đức Như Lai.

45- Nhưng hậu quả của bất thiện là tôi sẽ chịu khổ bị ngục tốt Diêm vương lột da rồi dội nước đồng sôi lên thân thể. Tôi lại còn bị đâm bằng những gươm nhọn tóe lửa làm cho thịt nát nhừ, và tôi sẽ ngã quỵ trên nền sắt nóng bỏng.

46- Bởi thế, tôi cần phải ham thích việc lành và cung kính tu thiện nghiệp. Theo quy tắc nói trong kinh Kim Cương Tràng, tôi khởi sự hành thiện và tập đức tự tin.

47- Khi muốn làm việc gì, trước hết hãy tự lượng sức xem mình có khả năng theo đuổi việc ấy không, nếu không thì đừng làm. Nhưng khi đã làm thì không được thối lui.

48- Vì nếu thối lui, thói quen này sẽ tiếp tục trong những đời sau, và sự ác cùng đau khổ sẽ gia tăng. Lại nữa, khi ấy mọi hành vi cùng kết quả hành vi cũng sẽ yếu ớt, không thành tựu.

49- Nên có tâm tự tín đối với sự làm lành dứt ác, và khả năng mình để àm việc ấy, với ý nghĩ : “Tự ta sẽ làm việc này”. Đó là tự tín để hành động.

50- Người đời vì bị phiền não khống chế nên không thể làm việc để tự lợi cho bản thân. Họ không thể tinh tấn tu lợi tha như tôi, bởi thế tôi sẽ cố gắng hết sức mình.

51- Người khác vì những công việc thế tục thấp hèn mà còn siêng năng cần mẫn, sao tôi lại ngồi không ? Nhưng cũng không nên vì kiêu căng ngạo mạn mà tu hành, tốt nhất là đừng kiêu mạn.

52- Khi những con quạ gặp một con rắn chết, chúng sẽ dũng cảm như chim phượng hoàng. Cũng vậy, nếu đức tự tin nơi tôi (để đối trị phiền não) yếu kém thì một lỗi lầm nhỏ cũng đủ khiến tôi suy sụp.

53- Làm sao những kẻ vì yếu kém đã từ bỏ nỗ lực hành thiện, có thể giải  trừ sự nghfo thiếu phước đức ? Nhưng với người có đức tự tin, lại nỗ lực tu hành, thì dù gặp trở ngại lớn cũng không sao.

54- Bởi thế, với một tín tâm kiên cố, tôi sẽ thắng lướt mọi sa đọa, vì nếu tôi để cho tội lỗi sa đọa đánh bại mình, thì cái ước muốn vượt ngoài tam giới của tôi sẽ trở thành chuyện đùa.

55- Tôi sẽ chiến thắng mọi phiền não tội ác, không để cho phiền não thắng lướt tôi. Tôi, đứa con của đấng Chiến thắng, như một sư tử con, sẽ kiên trì đức tự tin này.

56- Người bị ngã mạn khống chế là không đủ đức tự tin. Người có tự tin thì không bị giao động vì giặc phiền não, nhưng người ngạo mạn thường bị đánh gục vì chính phiền não ngã mạn nơi mình.

57- Người bên trong ngã mạn (tự cho mình nhất), bên ngoài lộ vẻ kiêu căng, thì sẽ đi đến các cõi ác, đọa xứ, mất hết phúc lạc đời người, trở thành nô bộc ăn cơm thừa canh cặn.

58- Ngu si, xấu xí, thân thể suy nhược, đến đâu cũng bị khinh rẻ, những kẻ tu khổ hạnh ngạo mạn cũng được kể vào hạng tự tin, thì hạng người thấp kém lại giống gì ?

59- Kẻ nào nắm lấy đức tự tín để khắc phục kẻ thù ngã mạn, chính là người hùng chiến thắng. Hơn nữa, kẻ nào quyết chinh phục sự bành trướng kẻ thù ngã mạn này, thì hoàn toàn đạt được kết quả của một đấng Chiến thắng, viên mãn ước nguyện của thế gian.

60- Nếu tôi thấy mình ở giữa một đám phiền não, tôi sẽ dùng trăm phương ngàn kế để chịu đựng, như một con sư tử giữa đám chồn, không để cho phiền não tác hại.

61- Như người ta giữ gìn đôi mắt mình lúc gặp nguy hiểm lớn, cũng vậy khi  lâm nguy tôi sẽ giữ gìn mắt tuệ của mình, không để cho phiền não thao túng.

62- Thà bị thiêu đốt, bị chặt đầu, bị giết hơn là khuất phục giặc phiền não. Dù ở đâu, lúc nào tôi cũng quyết không làm những việc vô nghĩa.

63- Như trẻ con thích thú theo đuổi những trò chơi, ta nên sinh tâm đam mê thích thú đối với việc lành, không bao giờ chán.

64- Tất cả hành động con người đều cốt để đạt đến hạnh phúc,mà chắc gì đãđược. Việc làm vừa tự lợi, lợi tha nhất định đem lại an vui, nhưng nếu không làm thì đâu có được niềm vui ấy ?

65- Người đời tham cầu năm dục không chán, như ong tham hút mật bôi đầu lưỡi dao bén, thế thì sao tôi lại chán làm các công đức đưa đến hạnh phúc an vui của Niết-bàn ?

66- Vì muốn viên thành phước đức, tôi sẽ hoan hỷ dấn thân làm việc lành như một con voi đang bị mặt trời giữa ngọ thiêu đốt, gặp được ao mát vội nhào xuống tắm.

67- Khi thân tâm suy yếu mỏi mệt, tôi nên tạm xả hơi để có thể tiếp tục lâu dài. Sau khi làm tốt một công việc cũng nên xả để hướng đến những thiện sự khác.

68- Như một chiến sĩ lão luyện trên chiến trường phản công trước mũi kiếm kẻ thù, tôi cũng sẽ đánh trả mũi nhọn của phiền não và trói kẻ thù này một cách thiện nghệ.

69- Trong khi đánh nhau lỡ làm rơi kiếm, người ta sợ hãi nhặt lên ngay ; cũng thế, khi mất chánh niệm, tôi sẽ đề khởi lại ngay vì sợ sa địa ngục.

70- Như độc dược lan khắp thân thể do máu tuần hoàn, cũng vậy, nếu phiền não có được cơ hội thì tội ác sẽ hoàn toàn che lấp bản tâm.

71- Hành giả cần phải chuyên chú giữ tâm như kẻ mang bát dầu bị người đưa gươm kề cổ dọa sẽ giết nếu làm rơi một giọt.

72- Lại như khi con rắn bò lên bụng, ta phải tức tốc đứng bật dậy để hất nó ra ; nếu tình cờ nổi cơn làm biếng hay ưa ngủ, phải nhanh chóng xua tan.

73- Mỗi khi lỡ phạm lỗi ầm, nên tự thống trách, thường nghĩ từ nay về sau ta sẽ không bao giờ tái phạm.

74- Để phòng lỗi lầm phát sinh, vào mọi thời nên tu chánh niệm. Với động lực này ta nên đi tìm minh sư để hoàn tất sự nghiệp chánh đạo.

75- Muốn có năng lực để làm thiện sự, trước khi bắt tay vào việc gì nên nhớ lại lời khuyên trong Chương bốn nói về bất phóng dật, rồi hân hoan khởi sự làm công việc.

76- Như bông tơ mềm nhẹ bay theo làn gió thổi, khi thân tâm phấn chấn thì mọi thiện sự đều dễ thành.

 


Tiêu điểm:

Âm lịch

Ảnh đẹp