CHƯƠNG SÁU
NHẪN NHỤC
1- Tất cả những thiện
hành như lễ Phật, bố thí,… đã được tích luỹ trên ngàn kiếp đều bị phá hủy
trong phút chốc vì giận dữ.
2- Không có điều ác
nào bằng sân hận, không có điều lành nào bằng nhẫn nhục. Bởi thế ta nên nỗ
lực bằng nhiều cách để tu hạnh nhẫn nhục.
3- Tâm ta sẽ không
tịch tịnh nếu nuôi dưỡng những ý nghĩ hận thù. Ta sẽ không tìm thấy niềm
vui hay hạnh phúc, phải mất ngủ và cảm thấy bất an.
4- Một người chủ nổi
sân có thể bị giết bởi chính những người nhờ lòng tốt của ông ta mà có tài
sản và hạnh phúc.
5- Vì ta giận dữ mà
bạn bè thân quyến đâm chán, mặc dù ta bố thí rộng rãi, họ cũng không nương
ta. Tóm lại, không ai sống hạnh phúc được khi ôm lòng sân hận.
6- Chính sự giận dữ -
kẻ thù địch ấy - tạo nên những đau khổ như trên. Người nào tinh cần khắc
phục giận dữ sẽ tìm thấy hạnh phúc trong đời hiện tại và những đời sau.
7- Được nuôi dưỡng
bằng nỗi bất mãn do phải làm những việc ta không muốn, còn những gì ta
muốn thì bị cản trở, sự thù hận tăng trưởng trong ta và cuối cùng hủy diệt
ta.
8- Bởi thế ta nên trừ
diệt thức ăn nuôi dưỡng kẻ thù sân hận này, vì nó chỉ có làm hại ta mà
thôi.
9- Dù bất cứ gì xảy
đến cũng chớ để nó quấy động niềm hỷ lạc trong tâm ta. Vì dù có bực tức ta
cũng chẳng làm được điều mình mỏi, mà còn mất công đức.
10- Cần gì phải khổ
sở về một sự việc nếu còn có biện pháp cứu vãn ? Nhưng nếu không còn biện
pháp nào nữa, thì đau khổ cũng đâu có ích gì ?
11- Ta không muốn sự
khổ đau, khinh miệt, lời thô ác khiếm nhã đến với bản thân và bằng hữu.
Nhưng với kẻ thù thì ngược lại.
12- Trên đời hiếm hoi
thay những nguyên nhân tạo nên hạnh phúc, nhưng nguyên nhân đem lại đau
khổ thì rất nhiều. Nếu không có khổ đau, thì không có sự từ bỏ. Bởi thế
này tâm ta ơi, ngươi hãy dũng cảm mà chịu khổ đi !
13- Nếu có một số
người tu khổ hạnh và ngoại đạo Karnapa (Nam Ấn) vô cớ chịu
đựng những đau đớn xẻ cưa và nung đốt, thì tại sao ta không can đảm chịu
khổ vì mục đích giải thoát ?
14- Không có gì không
hóa ra dễ dàng nhờ tập quán. Bởi thế, nhờ dần quen với những hại nhỏ, ta
có thể nhẫn chịu những hại lớn.
15- Ai cũng thấy vậy,
với những nỗi khổ tầm thường như khi bị rắn rết sâu bọ cắn, bị đói khát và
những ung nhọt vặt vãnh.
16- Ta không nên mất
kiên nhẫn vì những khổ như nóng, lạnh, gió, mưa, đau ốm, cột trói, đánh
đập… Vì nếu mất kiên nhẫn thì ta càng đau khổ thêm thôi.
17- Có người khi thấy
máu mình chảy thì đâm ra dũng cảm và cương quyết hơn, nhưng cũng có ngươi
khi thấy máu kẻ khác thì thì té xỉu, bất tỉnh nhân sự.
18- Những phản ứng
khác nhau ấy là do tâm quả cảm hay nhát gan. Bởi thế ta nên xem thường
những tai hại đến với mình, đừng để bị khổ đau quật ngã.
19- Bậc trí dù trải
nghiệm đau khổ, tâm vẫn minh mẫn không tán loạn. Vì khi đánh giặc phiền
não, dù phải gặp nhiều tai họa trong trận chiến,
20- Những chiến sĩ
vinh quang vẫn xem thường để chiến thắng địch thủ. Những chiến sĩ tầm
thương thì chỉ đâm vào những thây chết.
21- Hơn nữa, đau khổ
có nhiều đức tính : nhờ đau khổ mà ta phát sinh tâm chán lìa sinh tử, kiêu
căng tan biến, ta phát tâm thương xót những chúng sanh trong cõi luân hồi,
hổ thẹn về việc ác và hoan hỷ làm điều lành.
22- Nếu ta không giận
những căn bệnh như bệnh đau gan, và những thống khổ to lớn khác của nhân
loại thì sao lại giận dữ với hữu tình, khi tất cả đều do nhân duyên
(điều kiện) sinh ra.
23- Mặc dù không ai
muốn, những bệnh tật vẫn sinh khởi. Cũng vậy, mặc dù không ai muốn, những
phiền não vẫn nổi lên.
24- Người ta nổi giận
không cưỡng được, không nghĩ trước rằng “ta sẽ nổi giận”. Cũng thế, cơn
giận tự phát, không nghĩ rằng “ta sẽ phát sinh”.
25- Tất cả lỗi lầm và
tội ác đủ loại đều do duyên sinh (do hoàn cảnh thúc đẩy), không tự
phát vô duyên cớ.
26- Những duyên này
khi nhóm họp lại đều không có ý định “ta sẽ nổi sân”, và những tham, sân…
do đấy mà sinh cũng không nghĩ “ta vừa được sinh ra”.
27- Nếu cho rằng có
một “nguyên lý” (Ski.Prakrti, thần ngã, căn bản bất biến của vạn pháp
theo Số luận) và có một chủ thể gọi là “Ngã” (atman, linh hồn hay
ngã trường cửu theo Số luận) thì cả hai đều không nghĩ “ta sẽ xuất
hiện” (để làm hại) rồi mới xuất hiện.
28- “Nguyên lý” đã là
thường, nên không có quả. Sự hại cũng không có. Cái ngã muốn hưởng quả
cũng trường cửu nên mãi mãi chấp trước cảnh không bao giờ ngưng.
29- Hơn nữa, nếu Ngã
là thường, thì nó sẽ bất động như hư không. Bởi thế, dù nó có gặp gỡ những
duyên khác, bản chất bất động của nó cũng không biến đổi.
30- Dù có bị tác động
bởi ngoại duyên, Ngã vẫn như trước thì tác động để làm gì ? Vậy, nói các
duyên tác động lên ngã, hai thứ có tương quan gì đâu.
31- Do vậy tất cả
pháp đều do các duyên khác sinh ra, không pháp nào tự dưng mà có. Khi hiểu
được điều này, ta không nên tức giận về những hiện tượng chỉ như huyễn như
hóa.
32- “Nếu mọi sự là
không thực, như huyễn, thì ai là người chế ngự cơn giận ? Vậy nói trừ sân
là vô lý”. Không vô lý đâu, vì trên phương diện tục đế phải nhận rằng, nhờ
chế ngự giận dữ mà cắt đứt được các khổ đau.
33- Bởi thế, khi thấy
một kẻ thù hay người bạn vô cớ làm hại mình, thì hãy nghĩ việc này cũng do
duyên sinh, rồi vui vẻ mà chấp nhận.
34- Nếu khổ là do tự
chọn (không phải duyên sinh), thì đáng lẽ không hữu tình nào đau
khổ cả, vì không ai chọn lựa khổ đau.
35- Có kẻ không cẩn
thận mà tự làm mình bị thương vì gai nhọn và các vật khác. Hoặc vì ham
muốn nữ sắc.v.v… người ta có thể quá sầu khổ đến nỗi tuyệt thực.
36- Có người tự hại
mình bằng những việc phi phước như treo cổ, nhảy xuống vực, ăn độc dược và
thực phẩm không lành.
37- Nếu vì phiền não
người ta có thể tự đoạn dứt cái ngã mà họ rất yêu quý, thì làm sao họ có
thể không tác hại đến thân người khác ?
38- Dù ta không thể
phát tâm thương xót những người do phiền não mà giết hại ta, ít nhất ta
cũng không nên tức giận họ.
38- Với những kẻ bản
chất ngu muội chuyên làm hại kẻ khác, thì nổi giận với họ cũng phi lý như
giận ngọn lửa vì nó đốt cháy.
40- Nếu lỗi lầm chỉ
ngẫu sinh nơi người vốn hiền lành thì giận họ cũng vô lý như giận hư không
đã để cho khói vươn lên mù trời.
41- Khi tự thân bị
đánh bằng gậy, ta thường oán ghét người sai sử cây gậy. Nhưng chính người
ấy cũng bị cơn giận sai sử, vậy đáng nên ghét cơn giận thay vì ghét người.
42- Trước kia có lẽ
ta đã từng tác hại chúng sanh như thế, nên bây giờ ta - kẻ đã tổn hại hữu
tình - đáng chịu sự tổn hại.
43- Vũ khí của kẻ kia
và thân của ta, cả hai gây sự đau đớn. Kẻ kia tạo ra vũ khí, còn ta tạo ra
cái thân, vậy ta nên giận ai đây ?
44- Thân thể cũng như
một vết thương to lớn có hình dạng con người, dù một xúc chạm nhỏ cũng đau
đớn không chịu nổi. Chỉ vì ngã ái mù quáng mà ta ôm giữ nó, vậy khi nó bị
hại thì nên tức giận ai ?
45- Kẻ ngu dù không
muốn khổ đau mà vẫn tạo những nguyên nhân đau khổ. Khi bị hại vì những gì
mình đã tự tác tự thọ (vì những lỗi lầm của chính mình) thì tại sao
lại ghét giận người ?
46- Ví như quỷ canh
giữ địa ngục núi đao rừng kiếm đều do nghiệp mình sinh ra, vậy nên oán
giận ai ?
47- Vì bị nghiệp quá
khứ kích động mà kẻ khác gây não hại cho ta. Nếu do ác nghiệp này mà họ
đọa địa ngục, thì có phải chính ta đã hại họ không ?
48- Nhờ những kẻ hại
ta, mà ta tu nhẫn nhục, tiêu trừ được nhiều tội lỗi. Ngược lại, vì sự nhẫn
nhục của ta mà họ phải sa địa ngục chịu khổ lâu dài.
49- Rốt cuộc, chính
ta mới là kẻ làm hại họ, trong khi họ làm lợi ích cho ta. Vậy tại sao
ngươi trở lại giận tức họ, hỡi cái tâm thô bạo hồ đồ ?
50- Nhờ công đức nhẫn
mà ta sẽ không sa xuống địa ngục. Phần ta như vậy đã được bảo đảm, nhưng
kẻ hại ta thì được cái gì ?
51- Nếu ta ăn miếng
trả miếng thì ta cũng chẳng che chở được tội lỗi cho họ, mà còn thối thất
hạnh nhẫn nhục của ta, cái hạnh khó làm sẽ bị hủy hoại.
52- Tâm ý vốn không
có hình thể tướng trạng gì, nên bất cứ ai cũng không thể tổn hại nó được.
Nếu tâm chấp trước cái thân, thì tâm sẽ bị tổn hại (do thân gây nên).
53- Những lời khinh
miệt thô ác và những lời tiếng khó nghe khác không hại gì cho cái thân cả.
Vậy thì này tâm, tại sao chúng khiến ngươi nổi giận (vì những lời ấy)
lâu đến thế ?
54- Ngươi bảo “Vì
người khác không ưa tôi”, nhưng dù ở đời này hay đời sau, sự “không ưa” ấy
cũng chẳng thể làm gì ngươi được, thì sao lại ghét thái độ ấy ?
55- Ngươi bảo “vì
(những lời bôi bác kia) trở ngại lợi lộc”, nhưng dù không muốn chịu
tổn thất, cuối cùng ta cũng phải bỏ lại tất cả lợi lộc, chỉ còn những ác
nghiệp thì vẫn tồn tại lâu dài.
56- Thà nay chết sớm
còn hơn sống bằng nghề ác, vì nếu làm ác để mưu sinh thì dù sống lâu cuối
cùng cũng phải chết.
57- Giả sử người thì
mộng thấy mình hưởng vui trăm năm, người khác mộng thấy mình hương vui chỉ
trong khoảnh khắc, nhưng cả hai đều phải tỉnh lại.
58- Khi tỉnh, cái vui
trong cả hai giấc mộng đều không trở lại. Cũng thế, dù tuổi thọ có dài
ngắn, song lúc chết đều giống nhau.
59- Dù có được nhiều
lợi dưỡng, hưởng vui thú lâu dài, thì khi chết cũng phải ra đi tay không,
mình trần thân trụi như bị giặc cướp sạch.
60- Nếu nói : “Có tài
sản mới sống được, mới tránh ác làm lành được”, nhưng nếu vì tài sản
(lợi dưỡng) mà giận dữ thì hết phước mà lại sinh tội.
61- Nếu vì mưu cầu sự
sống mà làm toàn việc ác để rồi phải đọa thì đời sống ấy đâu có ích gì ?
62- Ngươi nói : “Vì
lời phỉ báng kia khiến người ta mất niềm tin nơi tôi, nên tôi tức giận
người phỉ báng”. Vậy sao không tức giận người nào phỉ báng kẻ khác ?
63- Nếu ngươi kham
nhẫn được sự mất niềm tin đối với kẻ khác (vì không dính líu đến mình),
thì tại sao ngươi không nhẫn được những lời khó chịu do phiền não (nơi
người kia) sinh ra (cũng không dính gì đến mình) ?
64- Sân giận những
người phá hại tượng, tháp, và chánh pháp cao thượng là vô lối, vì những
bậc giác ngộ không bao giờ bị tổn hại về điều ấy.
65- Đối với những
người làm hại bậc thầy và thân hữu, nên nghĩ sự tổn hại ấy đều do nhân
duyên sinh khởi, biết vậy nên đình chỉ sân hận.
66- Người ta bị hại
do vật hữu tình cũng như vô tình, tại sao ta chỉ tức giận loài hữu tình ?
Bởi thế, ta nên nhẫn chịu tất cả mọi tai hại (do hữu tình cũng như vô
tình gây ra).
67- Có người do ngu
si mà làm hại, có người do ngu si mà nổi sân, vậy thì ai có lỗi, ai không
lỗi ?
68- Tại sao xưa kia
ta đã tạo nghiệp để bây giờ chịu quả báo bị hại ? Mọi sự đều do nghiệp ta
đã gây ra, sao lại tức giận kẻ khác ?
69- Khi đã thấy biết
như vậy, thì ta nên nhất tâm tinh tấn làm lành và đem tình thương đối đãi
với mọi người.
70- Ví dụ khi một
ngôi nhà bốc lửa cháy, lan qua nhà khác, thì đáng nên mau rút bớt cỏ tranh
hay bất cứ gì khiến ngọn lửa cháy lan.
71- Cũng vậy, khi
ngọn lửa sân cháy lan đến những gì tâm ta ái luyến, ta nên mau trừ khử sự
ái luyến ấy, nếu không ngôi nhà công đức sẽ bị thiêu rụi.
72- Như người bị trói
tay chờ chết, chịu chặt bàn tay để thoát, nếu nhờ cái khổ trong lúc tu
hành mà thoát địa ngục, không phải sung sướng hay sao ?
73- Nếu hiện tại ta
không chịu đựng được những khổ nhỏ nhặt, thì tại sao không trừ khử sân
hận, cái nhân của những thống khổ lớn trong địa ngục ?
74- Vì tham dục, ta
đã ngàn lần chịu khổ ở địa ngục, lợi ích gì cho bản thân hay người khác.
75- Cái khổ này không
đáng kể, nhưng lại có thể đem lại lợi ích lớn là trừ tổn hại cho tất cả
chúng sanh. Vậy ta nên hoan hỷ chịu đựng nỗi đau khổ này.
76- Nếu có người sung
sướng ca tụng công đức kẻ thù ngươi, thì hỡi tâm ý, tại sao ngươi không
cùng ca tụng để làm cho mình sung sướng ?
77- Sự hoan hỷ phát
sinh kiểu ấy sẽ là suối nguồn an lạc vô tội, được chư Phật khen, và là
cách hay để thu phục người.
78- Ngươi nói : “Khi
được khen như thế, người kia sung sướng, nhưng tôi không muốn nó sung
sướng”. Nếu vậy ngươi cũng nên chấm dứt trả thù lao cho tôi tớ ngươi
(vì điều ấy làm chúng sung sướng), và ngươi sẽ bị khổ sở trong đời
hiện tại cũng như những đời sau.
79- Khi người khác ca
tụng công đức ngươi, ngươi mong cho họ được an vui. Nhưng khi họ ca tụng
công đức kẻ thù, thì sao ngươi không vui ?
80- Lúc đầu ngươi
phát tâm Vô thượng Bồ-đề, mong đem an lạc cho tất cả hữu tình, nay hữu
tình được an vui tại sao ngươi lại tức giận ?
81- Lúc đầu, ngươi
phát tâm mong tất cả hữu tình thành Phật, được cung kính cúng dường, nay
sao ngươi lại sầu khổ khi thấy kẻ khác được chút ít lợi dưỡng cung kính ?
82- Tất cả hữu tình
đều là cha mẹ, đáng lẽ ngươi phải lo cấp dưỡng chu đáo. Nay họ đã tự túc
được, sao ngươi không mừng mà lại nổi sân ?
83- Nếu không mong
cho chúng sanh được những mối lợi nhỏ nhặt (trong sinh tử) thì làm
sao mong họ thành Chánh giác ? Còn đâu tâm Bồ-đề nơi một kẻ ghét người
khác được giàu sang ?
84- Dù lợi dưỡng đã
được hiến cho kẻ thù hay còn ở trong nhà thí chủ thì cũng không phải phần
của ngươi, đâu can hệ gì đến ngươi khi thí chủ đem cúng hay không ?
85- Tại sao tự từ bỏ
hạnh phúc và công đức của mình cùng tín tâm của người khác ? Không khéo
gìn giữ gia tài công đức của chính mình, sao ngươi không tự giận mình đi ?
86- Chẳng những ngươi
không lo sợ về những ác hành mình đã tạo, mà còn muốn cạnh tranh với những
kẻ đã tô bồi phước đức hay sao ?
87- Giả sử kẻ thù
ngươi gặp khổ thì có gì làm cho ngươi vui ? Đương nhiên không phải chỉ vì
ngươi mong cho kẻ thù đau khổ mà kẻ ấy bị tổn hại.
88- Dù kẻ thù bị khổ
sở như ngươi mong muốn, thì có gì để vui mừng ? Nếu ngươi nói “thế là tôi
mãn nguyện” thì không gì khiến người ta đọa lạc cho bằng thái độ ấy.
89- Đó là một lưỡi
câu sắc nhọn vô cùng mà ông câu là vô minh phiền não đã tung ra, và khi đã
cắn câu thì ta chỉ còn nước bị ngục tốt nấu nhừ trong chảo đồng sôi ở địa
ngục.
90- Sự vinh quang,
lời ca tụng mà ta nhận được không đem lại công đức, trường thọ hay vô
bệnh, cũng không khiến cho thân thể được khinh khoái an vui.
91- Nếu ta biết phân
biệt thế nào là thực sự lợi ích cho bản thân, thì sự khen ngợi ca tụng đâu
ích gì ? Nếu chỉ muốn cầu vui chốc lát thì nên trang sức và uống rượu cũng
đủ.
92- Nếu chỉ vì muốn
được nổi danh mà phải mất cả tài sản, tính mạng, thì lúc chết, tiếng tăm
ấy có ích gì, ai là người vui ?
93- Khi lâu đài bằng
cát sụp đổ, kẻ ngu và trẻ nít khóc lóc thảm thiết ; cũng vậy, khi bị tổn
thương danh tiếng, tâm ta giống như trẻ ngu.
94- Âm thanh là vô
thường, vô tâm (không có ý ca tụng ta), vậy nhận lời khen thì có gì
vui ? Ngươi bảo : “Nó làm cho người khen vui, còn danh tiếng của tôi làm
tôi vui”
95- Nhưng dù khen ta
hay khen kẻ khác thì với ta có ích gì ? Vì cái vui thuộc về bản thân người
khen, ta không được một chút gì.
96- Nếu nhân người
vui mà ta vui, thì đáng lẽ phải vui với tất cả mọi người, chứ tại sao khi
họ vui vẻ khen ngợi kẻ thù ta thì ta lại không vui ?
97- Vậy khi nghĩ rằng
mình được ca tụng mà tâm sinh vui mừng, thì thái độ vui mừng ấy không
thích đáng, chỉ là cách hành xử của trẻ ngu.
98- Sự ca tụng, danh
dự làm cho tâm tán loạn, phá hoại tâm chán lìa sanh tử, khiến ta ganh ghét
với những người có đức, và hủy hoại những việc lành.
99- Nếu hiện tại có
người muốn phá hủy danh tiếng ta, thì không phải họ đang cứu ta khỏi đọa
vào các ác đạo đấy sao ?
100- Người chỉ tìm
cầu giải thoát thì không cần bị lợi lộc, cung kính trói buộc. Sao ta lại
tức giận người cở mở cho ta những dây trói ấy ?
101- Nếu khi ta muốn
đi đến một nơi đầy dẫy những thống khổ, mà nhờ ơn Phật gia bị, (kẻ hại
ta) đã đóng cửa không để ta đi. Vậy sao ta lại tức giận họ ?
102- Nếu nói : “Kẻ
thù làm trở ngại công đức” thì giận họ cũng vô lý. Vì không có hạnh tu nào
khó cho bằng nhẫn nhục, tại sao không nhẫn kẻ ấy đi ?
103- Nếu vì những lỗi
lầm phiền não của chính mình mà ta không chịu nổi kẻ thù, vậy là ta tự trở
ngại sự tu hạnh nhẫn nhục, cái nhân của phước đức.
104- Nếu không bị hại
thì hạnh nhẫn nhục không sinh khởi. Có bị oán thù mới sinh cái phước của
sự kham nhẫn. Kẻ thù đã là cái nhân cho ta tu phước, thì sao ta lại bảo họ
trở ngại phươc ?
105- Người đến xin
đúng lúc thì không phải là chướng ngại cho sự bố thí, cũng như không thể
nói các thầy truyền giới là trở ngại cho việc xuất gia.
106- Trên đời, những
người ăn xin - cơ hội cho hạnh tu bố thí - thì rất nhiều, nhưng kẻ thù, cơ
hội cho hạnh tu nhẫn nhục thì rất hiếm. Vì nếu ta không ra ngoài để gây
thù kết oán với ai, thì cũng chẳng ai đến hại ta cả.
107- Bởi thế, kẻ thù
nghịch cũng như báu vật vào nhà, ta không nhọc sức mà bỗng dưng có được.
Họ giúp ta thực hành hạnh giác ngộ, vậy ta nên ưa thích kẻ thù nghịch với
mình.
108- Vì kẻ thù nghịch
và ta cùng hợp tác mới viên thành hạnh tu nhẫn nhục, nên cái quả báo công
đức của hạnh ấy trước hết hãy nên phụng hiến cho kẻ thù, vì họ là cơ hội
cho ta tu nhẫn.
109- Ngươi bảo : “Kẻ
thù đâu có ý muốn giúp cho ta, nên không đáng cung phụng”, nhưng nếu vậy
cũng không nên cúng dường chánh pháp giúp ta tu thiện (vì Pháp cũng vô
tư, không có ý định gì)
110- Nếu nói : “Kẻ
thù nghịch chỉ nghĩ chuyện làm hại tôi, nên không đáng cung dưỡng”. Nhưng
làm sao tu nhẫn được, nếu kẻ thù toàn như y sĩ hết trọi ? (nghĩa là tuy
gây khổ đau nhưng có thiện ý)
111- Bởi thế, nhờ một
người sân si tột độ, ta mới có thể tu hạnh nhẫn nhục kiên cố, chỉ có kẻ
thù mới làm nhân cho hạnh nhẫn, nên đáng cúng dường họ như cúng dường
chánh pháp.
112- Do vậy, đức Mâu
Ni đã dạy : “Chúng sanh và Phật đều là hai ruộng phước thù thắng. Hãy
thường kính trọng hai ruộng phước ấy thì hoàn tất được các hạnh Ba-la-mật”
.
113- Trong các đối
tượng ta nương vào để tu hành thì chúng sanh có giá trị ngang với chư
Phật. Nếu kính Phật, không kính chúng sanh, đâu có lời kinh nào nói thế ?
114- Dĩ nhiên không
phải Phật, chúng sanh tương đương về phương diện trí và đức, mà do hiệu
quả từ hai đối tượng ấy phát sinh ra. Vì chúng sanh giúp ta thành Phật,
nên cả hai (Phật và hữu tình) bình đẳng.
115- Cúng dường chúng
sanh với tâm từ bi thì có phước vô biên, vì chúng sanh là nhân đem lại sự
tôn quý, phước đức do sự kính Phật đem lại là ruộng phước rộng lớn, cũng
vì sự tôn quý của Phật.
116- Vì cả hai đều
giúp cho cái nhân thành Phật, nên Phật và chúng sanh đều bình đẳng. Nhưng
chúng sanh không thể nào bằng Phật về phương diện biển công đức vô biên.
117- Đầy đủ công đức
tối thắng quy tụ lại nơi một thân thể, thì chỉ có Phật mà thôi. Đối với
người chỉ có một ít phần của công đức thù thắng ấy, dù có cúng cả ba cõi
cho họ cũng chưa đủ.
118- Vì hữu tình có
tham dự trong sự phát sinh những công đức thù thắng của Phật pháp, chỉ vì
một phần công đức phù hợp nhau ấy, ta nên cúng dường chúng sanh.
119- Chư Phật không
dua dối đã thành thân hữu của chúng sanh, ban vô lượng lợi lạc cho hữu
tình. Vậy còn cách nào khác để báo ân Phật hơn là làm cho chúng sanh an
vui ?
120- Chỉ có làm lợi
ích chúng sanh mới đủ báo ân đức chư Phật đã xả thân vào địa ngục Vô gián
để cứu độ hữu tình. Bởi thế, dù có chịu tổn hại vì những chúng sanh này,
ta cũng nên làm các thiện hành lợi lạc cho chúng.
121- Chư Phật vì hữu
tình còn không tiếc thân mạng, thế thì sao ta còn ngu si kiêu mạn không
chịu phục vụ chúng sanh, tự xem mình như tôi tớ ?
122- Chúng sanh vui
thì chư Phật vui, chúng sanh bị tổn hại thì chư Phật thương xót. Do vậy,
nếu ta làm cho hữu tình hoan hỷ thì Phật sẽ hoan hỷ, mạo phạm chúng sanh
cũng là làm Phật tổn thương.
123- Khi thân thể
đang bị lửa vây thì dù ai đem đến đủ thứ dục lạc cũng không khoái. Cũng
thế, nếu làm tổn hại chúng sanh thì không cách gì khiến chư Phật hân hoan.
124- Trong quá khứ
con đã tổn hại chúng sanh, khiến Phật với tâm đại bi rộng lớn không được
hoan hỷ. Tất cả những tội lỗi ấy con nay đều xin sám hối. Xin Phật đại từ
bi tha thứ hết cho con.
125- Vì muốn làm đức
Như Lai hoan hỷ, từ nay trở đi con sẽ chấm dứt tác hại chúng sanh, làm lợi
lạc cho tất cả. Dù chúng sanh có đạp lên đầu con, thà chết con cũng rán
làm vui lòng Phật, đấng Chúa tể thế gian.
126- Phật với tâm đại
bi vô ngại, xem chúng sanh không khác chính mình, xem hữu tình vốn có Phật
tính. Như vậy sao ta không kính trọng chúng sanh ?
127- Làm chúng sanh
vui chẳng những khiến Như Lai hoan hỷ, mà còn thành tựu được lợi ích cho
bản thân và xóa tan đau khổ trên đời. Bởi thế, ta nên thường tu tập hạnh
ấy.
128- Ví như có vị đại
thần của vua làm tổn hại nhiều người, nhưng kẻ nhìn xa trông rộng dù có
khả năng cũng không làm hại vị ấy.
129- Vì họ biết đại
thần kia không cô thế, sau ông ta còn có thế lực của vua. Kẻ làm tổn hại
ấy tuy sức yếu nhưng không nên coi thường.
130- Chính đức Phật
đại bi và ngục tốt hung ác ở địa ngục là những chỗ dựa cho kẻ thù ta. Bởi
thế, ta nên làm cho chúng sanh hoan hỷ như bề tôi hầu bạo chúa.
131- Dù bạo chúa có
nổi trận lôi đình cũng không thể lôi ta xuống địa ngục để chịu khổ, như
quả báo của sự mạo phạm hữu tình.
132- Và dù bạo chúa
ấy có hoan hỷ cũng không thể biếu cho ta Phật quả Niết-bàn, quả báo của sự
đem lại an vui cho chúng sanh.
133- Sao không thấy :
làm hữu tình an vui đem lại kết quả là đời này được vinh quang, tương lai
thành Chánh giác.
134- Trong vòng sinh
tử luân hồi, nhờ nhẫn nhục ta sẽ được sắc đẹp, không bệnh, tiếng tốt, sống
lâu, hạnh phúc như vua Chuyển luân.