Ca Dao Tục Ngữ Phật Giáo Việt Nam


Lệ Như Thích Trung Hậu sưu tập
21/03/2013 18:45 (GMT+7)
Số lượt xem: 173267
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

MỤC LỤC 
 Lời nói đầu Lời giới thiệu 
 Chương một
NỘI DUNG CA DAO TỤC NGỮ 
 (Sắp theo vần A, B, C …)
Vần chữ     A, Ă, Â, B, C, D, Đ, E, G, H, I, K, L, M, N, O, Ô, Ơ, P, Q, R, S, T, U, Ư, V, X, Y


 

Chương hai

PHÂN LOẠI THEO CHỦ ĐỀ

 

PHẦN MỘT - Đức Phật

PHẦN HAI – Pháp

  1. Giáo lý tổng quát

  2. Tịnh Độ, niệm Phật

  3. Thiền

  4. Giới luật

  5. Từ bi

  6. Bồ Đề, Bồ Tát

  7. Cây đa

  8. Nghiệp

  9. Phiền não, khổ hạnh

  10. Khổ

  11. Khổ hạnh

  12. Kiếp số, kiếp

  13. Đời, Đời người

  14. Vận, Số phận, Mệnh

  15. Vô minh, Ngu si, Địa ngục

  16. Bố thí

  17. Vô thường

  18. Tham lam, ích kỷ

  19. Lành, Thiện, Ngay thẳng

  20. Ác, Tội lỗi, Gian dối

  21. Nhân quả, Quả báo

  22. Tâm

  23. Hiếu, Báo hiếu

  24. Duyên, Nhân duyên

  25. Căn duyên

  26. Ái dục

  1. Duyên nợ

  2. Duyên phận, Duyên kiếp

  3. Duyên

  4. Ngôn ngữ ảnh hưởng Phật Giáo

 

PHẦN BA – Tăng

  1. Tu hành

  2. Chùa

  3. Chay, Ăn chay

  4. Làm chay, Ma chay

  5. Ân nghĩa

  6. Phước đức

  7. Oan nợ

  8. Thập phương

  9. Thể, nguyện ước

  10. Hoa sen

  11. Hội hè

  12. Chuông mõ, Phướn, Tượng, Hương đèn

  13. Công quả

  14. Hộ pháp

  15. Lễ bái, Thờ phụng

  16. Tương chao

  17. Xôi chùa oản Phật

  18. Quỷ ma, Thần thánh

 

PHỤ LỤC – Thai đố

Bảng kê khai Tham khảo

 

 

LỜI NÓI ĐẦU

Trải suốt hơn 2000 năm từ khi du nhập, Phật giáo đã bắt rễ sâu rộng trên mảnh đất Việt Nam, cùng với dân tộc trải qua những thăng trầm lịch sử. Ảnh hưởng của Phật Giáo đối với dân tộc thật sâu đậm. Từ trong tư duy, tình cảm, thể hiện ra trong ngôn ngữ và trong mọi sinh hoạt của cuộc sống.Ở đây chúng tôi muốn nói riêng đến ca dao, tục ngữ, một mảng văn học rất phong phú vô cùng quan trọng, định hình cho văn hóa Việt Nam.

Chúng tôi vào chùa từ thuở nhỏ nhưng dư âm câu hò câu hát của mẹ, của lời dẫn dụ của cha vẫn còn như văng vẳng. Được học kinh kệ ở chùa lại được Bổn sư chỉ cho cách ghi chép những câu ca dao tục ngữ liên quan đến Phật Giáo nên cũng tích lũy được khá nhiều. Sau này lại có duyên may gần gũi với văn học Việt Nam qua học tập, nghiên cứu, giảng dạy chúng tôi càng cảm nhận được sự gắn bó mật thiết giữa Phật giáo và mọi hình thái sinh hoạt của người Việt Nam, đặc biệt là trong ca dao tục ngữ mà chúng tôi vẫn hằng mến yêu, trân trọng. “CA DAO TỤC NGỮ PHẬT GIÁO VIỆT NAM” là một nỗ lực sưu tập của chúng tôi từ hơn 30 năm qua.

Gần 2000 năm câu ca dao tục ngữ trong tập sách này được sưu tầm, chọc lọc qua các tài liệu văn học, qua các bậc Trưởng lão, các vị Thiện tri thức, đồng sự và quần chúng Phật tử và nhất là chị tôi, người đã giúp tôi nhiều trong khi sưu tập.Chị tôi cũng đã lấy đề tài về “Ảnh hưởng Phật giáo qua ca dao tục ngữ” khi làm luận văn ra trường ở Đại học Sư phạm vào thập niên 60. Chúng tôi thầm biết ơn tất cả. Chủ trương của chúng tôi là cố gắng sưu tập tối đa những câu ca dao tục ngữ liên hệ đến Phật giáo, dù sự liên hệ này là rõ rang hay chưa đậm nét, kể cả những câu phê bác về một số nhân cách Phật giáo riêng lẻ.

Lại nữa, cái sức sống của tư tưởng khiến tư tưởng chuyển biến theo hoàn cảnh xã hội; tư tưởng Phật giáo Ấn Độ trở thành tư tưởng Phật giáo Việt Nam, trong đó có sự kết hợp với tư tưởng Phật, Nho, Lão của Trung Hoa và với tư duy của người Việt; cho nên cónhững câu ca dao tục ngữ đặc biệt mang hình thức Phật giáo, nhưng phù hợp với giáo lý của Đức Phật vẫn được người Phật tử xem là ca dao tục ngữ Phật giáo. Vì lý do đó, độc giả có thể tìm thấy trong tập sách này những câu ca dao tục ngữ nói đến Phật, đến Pháp, đến chư Tăng; nhiều câu có nhắc đến một số thuật ngữ Phật giáo như nhân duyên, quả báo, công đức, thiện ác, hiếu thảo, hào quang, chân lý … và nhiều câu xem ra chỉ phản ảnh cái quan niệm thiện ác thông thường thậm chí nhiều câu diễn dãi chưa đúng mức về Phật giáo cũng được xem là có liên hệ với Phật giáo. Đối với một số độc giả việc sưu tầm của chúng tôi có thể có phần tham lam, thậm chí có chỗ quá tham lam, nhưng chúng tôi tin rằng đối với đa số độc giả, nhất là các Phật tử hẳn cũng chấp nhận quan điểm của chúng tôi về việc sưu tập.

Để độc giả tiện việc tìm kiếm, các câu ca dao tục ngữ trong sách này một mặt được xếp theo thứ tự của bảng chữ cái, mặt khác, một cách tương đối, được xếp theo chủ đề. Ba chủ đề lớn là Phật, Pháp và Tăng. Những câu có nhắc đến Đức Phật, đến Chư Tăng không nhiều bằng những câu có liên hệ đến giáo lý của Đức Phật, tức Phật pháp. Lại nữa, từ Pháp ở đây được hiểu theo một nghĩa rộng rãi, vừa có ý nghĩa là giáo lý, vừa có ý nghĩa là sự vật, sự kiện, đề tài … liên hệ đến Phật giáo như tu hành, chuông mõ, chùa chiền, tranh tượng …

Sưu tập  ca dao tục ngữ Phật giáo mới chỉ là những bước đầu tiên trong quá trình nghiên cứu văn học Phật giáo dân gian. Những bước đầu tiên này tưởng đơn giản nhưng thật ra cũng đòi hỏi lắm công sức. Tập sách nhỏ này chỉ là một trong những bước. Nó cần được bổ sung hoặc thay thế bởi những công trình sưu tập đầy đủ hơn, có hệ thống hơn của những nhà sưu tầm, nghiên cứu khác. Và công việc nghiên cứu ca dao tục ngữ Phật giáo Việt Nam còn phải được nhiều khối óc uyên bác đóng góp vào để làm nổi bật các ý nghĩa Phật giáo Việt Nam ở trong tâm khảm và trong mọi hình thái sinh hoạt của người Việt Nam.

Thô thiển mấy lời, kính mong các Thiện tri thức, chư độc giả thông cảm.

Vạn Hạnh Thiền Viện,

Mạng hạ, PL 2545, Tân Tỵ 2001

Lệ Như Thích Trung Hậu

 

Lời giới thiệu

ĐỌC SÁCH CỦA THẦY TRUNG HẬU

Ca dao, tục ngữ là gia tài văn hóa của dân tộc. Chúng ta thừa hưởng gia tài đó từ quần chúng, vì quần chúng vừa là người sáng tạo vừa là người lưu giữ bằng cách truyền miệng từ đời này qua đời khác. Một lời thốt ra đây đấy, rồi đồng thanh tương ứng, như thử đó là sự thực của chính lòng mình, như chính mình thốt ra.

Nói sáng tạo tức là nói cảm hứng. Quần chúng rút cảm hứng tư đâu để sáng tạo? Từ trong sâu thẳm của vốn liếng văn hóa un đúc từ ngàn xưa. Cũng từ trong sâu thẳm đó, sáng tạo bắt gặp hưởng ứng của tập thể, được truy nhận, trút bỏ tính cánh riêng tư cá nhân và biến thành gia tài của tập thể.

Từ ngàn xưa, Phật giáo đã tô bồi văn hóa cho đất nước này, đã trở thành văn hóa của dân tộc. Như vậy, tất nhiên Phật giáo đã cung cấp cảm hứng, đã là nguồn cội chính của sáng tạo và truy nhận tập thể trong việc hình thành ca dao tục ngữ. Nhận định có tính cách hiển nhiên này tạo ra hai phản ứng đối nghịch nhau nơi người nghiên cứu về ca dao tục ngữ, vừa hứng khởi vừa nhụt bước. Hứng khởi vì mưa gió thuận hòa như thế giữa Phật giáo và nhân gian, mùa gặt ca dao tục ngữ chắc chắn phải đầy ắp Nhụt bước, vì chính mưa thuận gió hòa đó trong tâm hồn quần chúng khiến cho sự quan sát ảnh hưởng của Phật giáo trong tục ngữ ca dao thành ra phức tạp. Trái cây đang chín trên cành, làm sao phân biệt đâu là cống hiến của đất, đâu là góp phần của phân bón?

Tác giả cuốn sách này đã nhụt bước như vậy không phải một lần, ngay từ câu hỏi đầu tiên. Làm sao chọn lựa? Đứng trên tiêu chuẩn nào? Không tiêu chuẩn nào hoàn toàn khách quan cả. Lấy một ví dụ: nhân duyên. Tư tưởng rất bác học này của Phật giáo được dân gian tiếp nhận như một chuyện hiển nhiên trong đời sống thường ngày, như chim hót bướm bay. Trai gái gắn bó với nhau? Nhân duyên. Phụ bạc nhau? Cũng nhân duyên. Hàng trăm câu tục ngữ ca dao như vậy, biết lấy câu nào bỏ câu nào? Lấy ít thì bất công, lấy nhiều thì lạm phát, lấy nửa chừng thì vừa lạm phát vừa bất công.

Tình cha nghĩa mẹ là một ví dụ khác. Ở đây vừa có chữ hiếu của Nho giáo vừa có chữ hiếu của Vu Lan. Hai tình cảm trộn lẫn với nhau, tùy lúc phần này đậm hơn phần kia. Làm sao phán đoán khách quan để chọn lựa: đây đậm màu Phật giáo hơn đó? Đã trích câu này sao lại bỏ câu kia? Giống như một tiếng chuông ngân, ai dám quả quyết đâu là lúc ngân nga tan biến hẳn trong không trung?

Cũng vậy, những khái niệm ngôn ngữ như phước, đức, tội, nghiệp, phận, số, kiếp … hoặc những hình ảnh, âm thanh như chùa, tượng, hương đèn, hoa sen, chuông mõ … nằm trong rất nhiều thề thốt, ví von, hẹn hò, trách móc giữa trai gái, vợ chồng. Chẳng lẽ nghe tiếng chuông này mà bỏ tiếng chuông kia?

Chọn lựa của tác giả quả là ray rứt, bỏ thì thương vương thì tội. Tác giả đành mang tội, đành gánh tội nghiệp trên vai, gánh mọi phê bình chỉ trích mà tác giả biết trước. Bù lại, người đọc tha hồ thướng thức hoa thơm quả lạ mà tác giả đã hái trong nhiều chục năm qua với lòng thương trải rộng trên cả những trái đắng chát, độc.

Ở đâu, trong bất kỳ văn hóa nào, quần chúng cũng thích  hóm hỉnh, trào lộng, tiếu lâm. Đặc tính đó phát biểu tràn đầy trong tục ngữ. Ở Pháp, hồi thế kỷ XVII, César Oudin, trong Les Curiosités Francaises (1640), đã phân loại tục ngữ theo thứ lớp như sau: familières, vulgaires, basses, triviales (trêu chọc, tầm phào, hạ tiện, thô bỉ). Trong sách này, bốn loại đó không thiếu. Cùng với những chấp tay cung kính, những tiến cười bốn loại này vẽ ra hình ảnh của Phật giáo trong dân gian sung kính từ bi, nhân quả, nghiệp báo, nhân duyên, hiếu hạnh trong đạo Phật. Và nhân gian đòi tôn trọng chữ giới. Không đặt chữ giới lên hàng đầu, hãy cúi đầu gánh chịu tiếng cười, kể cả tiếng cười độc, của nhân gian. Hãy quán tiếng cười đó, biết ơn những người đã cười độc, và trải lòng từ bi đến với họ.

Tôi rất hân hạnh được Thượng Tọa Trung Hậu cho cái phước viết mấy dòng này ở đầu sách. Sự kính trọng và tình cảm thân mật lâu đời của tôi đối với Thượng Tọa cho phép tôi cũng cười một tiếng với tác giả qua hai câu chuyện thiền.

Câu chuyện thứ nhất, tôi nghĩ là chuyện thiền nhưng quá phổ thông trong quần chúng đến nỗi đã thành ra chuyện ngụ ngôn mà thế hệ của tôi đã học từ lớp ba trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư. Một chú bé thọc tay vào hũ kẹo, bốc cả một nắm kẹo, rút tay không ra. Nhưng nếu Thượng Tọa cho một chiếc kẹo để có thể rút tay ra dễ dàng thì lại thương mấy chiếc kẹp kia quá trong nắm tay.

Chuyện thứ hai là chuyện gió thổi. Mùa hè nóng bức, sư phụ ngồi quạt phe phẩy. Chú tiểu lại gần, thưa: “Bach Thầy, bản chất của không khí là hiện diện cùng khắp, còn gió thì chỗ nào cũng thổi cả. Bach Thầy, tại sao Thầy phải dùng quạt? Tại sao Thầy phải tạo ra gió?

Chú tiểu thông thái quá, nhưng những bậc thông thái.

Sư phụ đáp: “Chú chỉ biết rằng bản chất của không khí là hiện diện cùng khắp, nhưng chú không biết tại sao chỗ nào cũng có gió thổi.”

Chú tiểu hỏi lại: “Bach Thầy, Thầy nói “không có chỗ nào mà không có gió thổi”, như vậy là nghĩa làm sao?”

Sư phụ không nói gì nữa, im lặng tiếp tục phe phẩy. Chú tiểu cúi đầu, chấp tai vái rồi bước ra.

Thượng Tọa Trung Hậu ngồi phạt phe phẩy. Chỗ nào mà không có làn gió Phật giáo?

Phật lịch 2545

Tân Tỵ 2001

Gs. Cao Huy Thuần.

(Paris)


Âm lịch

Ảnh đẹp