Con mắt còn lại
Thi
sĩ Bùi Giáng xuất khẩu thành thơ, ông sống trong cõi giới riêng ông,
trong hư tưởng mông mênh lạ kỳ, nên khi lời thơ ông thốt ra, với chúng
ta có khi rất bỡ ngỡ xa lạ, khó hiểu. Ta cố hiểu, ráng hiểu về ông, tuy
vậy cũng chưa chắc đúng ý ông. Thôi thì cứ mỗi người một cách mà cảm
nhận, mà hiểu.
Thơ hai câu của ông rất nhiều, tôi chỉ nhớ được vài câu thôi :
Em ơi em đẹp vô cùng,
vì em có cái lạ lùng bên trong.
Đi tu thứ nhất ở chùa,
Thứ nhì ở tận cuối mùa lang thang.
Dược Sư thơ mộng vô vàn,
Sầu lên vút tận mây ngàn tần thân.
“Còn hai con mắt khóc người một con“. Chính câu thơ này mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có cảm hứng sáng tác bài nhạc “Con mắt còn lại”.
Trịnh Công Sơn, Bùi Giáng, Văn Cao, Nguyễn Tuân là những thiên tài Việt
Nam, rất hạp nhau và chơi với nhau, bất chấp tuổi tác chênh lệch. Có
những ý tưởng gặp nhau, thầm hiểu nhau, vô ngôn thinh lặng vẫn hiểu. Có
những điều Trịnh Công Sơn định nói bằng ca từ thì Bùi Giáng đã nói trước
bằng thi ca. Ta có thể nói bài nhạc “Con mắt còn lại“
Trịnh Công Sơn và Bùi Giáng cùng sáng tác vẫn được. Ý vô cùng quan
trọng, không có tác ý thì thân và khẩu đâu có hành động, Phật dạy như
vậy mà !
Bài con mắt còn lại, gồm 24 câu, chia làm ba khổ.
Khổ một
Còn hai con mắt khóc người một con Còn hai con mắt một con khóc người Con mắt còn lại nhìn cuộc đời tôi Nhìn tôi lên cao nhìn tôi xuống thấp Con mắt còn lại nhìn cuộc tình phai Tình trong hai tay một hôm biến mất Con mắt còn lại là con mắt ai Con mắt còn lại nhìn tôi thở dài |
Bùi Giáng (tranh Đinh Cường)
|
Nếu chúng ta có ba con mắt như Dương Tiễn trong Tây Du Ký thì dễ cho
ta suy đoán ý của tác giả biết mấy, đằng này ta chỉ có hai con khiến
phải động não đây. Trong nhà Phật có năm thứ mắt: nhục nhãn, thiên nhãn,
tuệ nhãn, pháp nhãn, Phật nhãn… Phàm phu chúng sinh đều có nhục nhãn và
tuệ nhãn, tuệ nhãn hiển thị, thấu thị nhiều hay ít, thấp hay cao là tùy
ở sự tu tập, chuyển hóa khổ đau của mỗi chúng sanh. Ai mà có Định có
Tuệ có tu tập nghiêm chỉnh đàng hoàng thì có mắt tuệ (tuệ nhãn)
thấy biết hết, dự cảm chuyện tương lai, đoán việc như thần. Tuệ nhãn ở
nơi chúng sinh có và sáng từng lúc, lúc nào có tu, có thao thức nghĩ đến
vận mệnh của quê hương và đạo pháp, thì lúc đó đôi mắt rực sáng, có
nhiều vị lãnh tụ cũng có đôi mắt này. Còn lúc nào vong thân quên lãng,
sống say chết mộng thì mắt chỉ còn thấy mờ mờ, một con mà thấy sáng vẫn
quý hơn hai con mà mờ.
Con người vốn dĩ mau quên, mà mau quên thì bị người đời chê trách và
nhắc: Thôi thì khóc người một con thôi, khóc cả hai con bị dư nước mắt,
mà còn phải dự phòng nữa chứ. Câu một câu hai là nhục nhãn. Câu ba bốn
năm sáu là nhìn bằng mắt tuệ (tuệ nhãn), có tuệ nhãn nên mới biết nhìn lại mình, xếp bằng ngồi quán chiếu “nhìn tôi lên cao, nhìn tôi xuống thấp”. “Con mắt còn lại nhìn cuộc tình phai, tình trong hai tay một hôm biến mất“.
Ngộ lý vô thường chưa ? Có khi nào lên cao mãi mà không xuống thấp, có
cuộc tình nào mãi ấm nồng mà không phai lạt, cứ ngỡ cứ tưởng chồng mình
con mình vợ mình tài sản mình, là mãi mãi thuộc về mình, luôn khư khư
nắm chặt trong tay, nhưng đùng một cái một hôm biến mất.
Trong đau thương mất mát hụt hẫng vô vọng, bỗng lóe lên một vầng
sáng, trong vầng sáng đó có một con mắt từ bi nhìn mình, mời gọi mình.
Mắt ai vậy ? Vẫn chưa rõ chưa nhận là mắt ai à ? Mắt Phật chớ còn mắt ai
(từ nhãn thị chúng sinh) lấy mắt từ bi mà nhìn mọi loài chúng sinh. Ngài thương quá nên nhìn tôi, nhìn chị, nhìn em… thở dài. “Con mắt còn lại là con mắt ai, con mắt còn lại nhìn tôi thở dài“ câu bảy, tám.
Khổ hai
Còn hai con mắt khóc người một con Còn hai con mắt một con khóc người Con mắt còn lại nhìn một thành hai Nhìn em yêu thương nhìn em thú dữ Con mắt còn lại ngờ vực tình tôi Cuồng điên yêu thương cuồng điên nỗi nhớ Con mắt còn lại nhìn mây trắng bay Con mắt còn lại nhìn tôi bùi ngùi |
Tranh Bửu Chỉ |
Nguyên nhân của khổ đau là từ một mà nhìn thành hai. Tâm ban đầu (Sơ Tâm)
con người dễ thương lắm, trong veo không phân biệt người thân kẻ sơ,
chưa phân biệt như các bé thơ nên nhìn ai cũng cười, cũng quơ tay đòi
ẵm, nhưng đến khi ý thức lớn mạnh, biết phân biệt người lạ kẻ quen thì
không còn một nữa, mà đã hóa thành hai. Chân tâm, Phật tánh, bản thể
chân như, tự tánh thanh tịnh… hay nói như thi sĩ Bùi Giáng “vì em có cái lạ lùng bên trong“
Sống với tự tánh thanh tịnh, cái lạ lùng bên trong đó, nên em mới đẹp,
chớ không phải phấn son lòe loẹt mà em đẹp. Từ cái đẹp bên trong, mới
biểu hiện cái đẹp bên ngoài. Bởi không sống với vô phân biệt trí nên mới
thấy một thành hai, khi thì nhìn em yêu thương, khi thì nhìn em như thú
dữ. Bởi sống trong ngã chấp, ngã ái nên sợ mất. Bởi chưng sợ mất nên
cuồng điên yêu thương, cuồng điên nỗi nhớ. Yêu mà chân thật đàng hoàng,
thì luôn tỉnh táo, tỉnh táo để nhận diện, chấp nhận ưu khuyết điểm của
nhau để sống chung. Chứ cuồng điên khi yêu, khi tỉnh lại ta không còn
yêu nữa. Cũng vậy, nhớ mà cuồng điên thì khi tỉnh lại ta không còn nhớ
nữa. Biết tu tâm một chút, bớt phù phiếm xa hoa đua đòi một chút. Biết
nỗi khổ của vợ của con ở nhà với canh rau dưa muối mà nén lòng trong
những bữa dạ tiệc cao sang một chút. Được như vậy chỉ yêu bình thường
thôi, bởi bình thường tâm thị Đạo, không cần phải cuồng điên gì hết. Bốn
câu này là nhìn bằng mắt thịt (nhục nhãn).
Và khi nhận diện chuyển hóa niềm đau nỗi khổ rồi, một không thành hai
nữa, mà một là tất cả, tất cả trong một. Lúc bấy giờ ngồi trước hiên
nhà, nghe thoang thoảng hoa cau, mà nhìn mây trắng bay. Và vẫn còn một
chút hối hận ngày qua, bỗng thốt lên: May mà, may mà ! len vào trong tâm
một chút bùi ngùi. Hai câu bảy, tám này là quán chiếu bằng tuệ nhãn.
Khổ ba
Còn hai con mắt khóc người một con Còn hai con mắt một con khóc người Con mắt còn lại nhìn đời là không Nhìn em hư vô nhìn em bóng nắng Con mắt còn lại nhẹ nhàng từ tâm Nhìn em ra đi lòng em xa vắng Con mắt còn lại là đêm tối tăm Con mắt còn lại là đêm nồng nàn. |
Mắt Phật |
Thực tính của cuộc đời, của vạn hữu là không. Không đây không phải là
không ngơ, là trống không, mà nhìn sắc thấy có không, nhìn không thấy
có sắc, sắc tức là không, không tức là sắc, tất cả chỉ là nhân duyên hòa
hợp giả có giả không. Không đây là Không của trung quán luận, vượt
thoát tất cả mọi ý niệm đối đãi. Nhìn đời là Không, nhìn em hư vô, nhìn
em bóng nắng. Tuyệt quá ! Nhìn được như vậy tức là nhìn bằng mắt tuệ.
Nhìn em hư vô, nhìn em bóng nắng. Từ hư vô của tây phương khác với từ
Không của Phật giáo, dịch chữ Không là hư vô là không chính xác. Hư vô
mà Trịnh Công Sơn viết trong ca từ là ám chỉ, còn đó mất đó, nắm trong
tay rồi một hôm biến mất, như vậy hư vô đây là vô thường. Đi giữa sa mạc
hay đi vào vùng nhiều đồi cát nóng, những ngày nắng gắt, mắt ta thấy có
hiện tượng như sóng dợn,lóm đóm lao xao, nhà Phật gọi là hoa đóm, để
chỉ cho những hiện tượng mong manh sanh diệt đổi dời của vũ trụ nhân
sinh, cứ tưởng thật mà chẳng thật chút nào, Trịnh Công Sơn gọi hoa đóm
là bóng nắng. Thấy em là hư vô, là bóng nắng thì em có bỏ ta mà đi, thì
cũng nhẹ nhàng từ tâm thôi, vì ta đã hiểu sự đời tình đời, duyên nghiệp
vốn như vậy mà, dẫu em ra đi lòng em xa vắng không còn nhớ gì ân tình kỷ
niệm ngọt ngào một thuở. Có tuệ nhãn trong bốn câu này.
Trịnh Công Sơn có quy y Phật với pháp danh Nguyên Thọ, lúc nhỏ thường
theo mẹ lên chùa Phổ Quang lễ Phật, thiên phú có chất giọng trầm ấm và
mê nhạc lễ chùa, nên được các thầy ở chùa Phổ Quang dạy nghi lễ, chính
vì vậy mà một số nhạc phẩm của anh, trong đó có bài Ca Dao Mẹ, chỉ cần
có cái chuông cái mõ là đệm tốt cho bài hát.
Đến với đạo Phật từ nhỏ, học đạo, học Phật rất sớm, trưởng thành tiếp
tục học trường Triết, nên Trịnh Công Sơn luôn nghĩ đến vô thường, đến
hư vô, đến cái chết, chết là một ám ảnh đối với anh. Thỉnh thoảnh anh
nằm mơ thấy mình qua đời. Có duyên với đạo, biết đạo là một chuyện, còn
có tu tập để chuyển hóa khổ đau, vượt thoát ý niệm sanh tử, còn mất có
không để thong dong tự tại nhìn mây trắng bay như các Thiền Sư là một
chuyện khác. Ta không nên đòi hỏi ở anh quá nhiều, nhưng nếu Trịnh Công
Sơn gặp một đạo sư tâm linh hợp gu với anh, như anh kỳ vọng , hướng dẫn
anh tu tập thì chúng ta đã có được thánh sư - nhạc sĩ Trịnh Công Sơn,
như trường hợp ở Ấn Độ có thi hào Tagore, được xưng tụng là bậc thánh
trong thi đàn thế giới. Chúng ta tiếc vô cùng cho hai câu kết: ”Con mắt còn lại là đêm tối tăm, con mắt còn lại là đêm nồng nàn“.