Con về còn trọn niềm tin (Tập một)


Tác giả: Thích Giác Tâm
15/07/2013 08:15 (GMT+7)
Số lượt xem: 112578
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tác phẩm:  "CON VỀ CÒN TRỌN NIỀM TIN". Tác giả: Thích Giác Tâm - Nhà xuất bản Phương Đông - TP.Hồ Chí Minh, xuất bản tháng 01 năm 2012. Ấn bản giấy 368 trang, cả bìa. Khổ 13x20.5cm

Bản điện tử chia thành hai tập. Tập 1 - 30 truyện. Tập 2 - 34 truyện.


Tập 1

Hạnh phúc đơn sơ


Các con thương yêu !

Nhiều khi chúng ta có suy nghĩ : “Muốn có hạnh phúc thì phải làm cho thật nhiều tiền ,phải có được bằng cấp hoặc địa vị, chỗ làm mà mình mơ ước .

Có người vợ đẹp như tranh tố nữ , có những đứa con dễ thương kháu khỉnh như trong tranh cát tường Trung Quốc . Thực ra những ước mơ đó cũng rất khó nắm bắt, mà nếu nắm bắt được thì cũng rất mong manh dễ vỡ .Riêng thầy niềm hạnh phúc đến rất đơn sơ , nghe giọng tụng kinh trong veo lãnh lót của các sư em các con trong đêm trường tĩnh mịch, buổi chiều ngồi

nhìn điệu Thường Lạc ,Thường Minh ,Thường Tín đá bóng sau nhà Tổ , đứa làm thủ môn , đứa làm cầu thủ giành bóng ngã lăn cù trên sân . Nhất là mùa Vu Lan năm nay hạnh phúc ùa về từng ngày, khiến lòng Thầy phơi phới như trẻ ra, các con biết vì sao không? Thầy được đọc các bài viết của các Phật tử trẻ và các sư em các con , viết về Đức Phật về Thầy về cha mẹ. Giới trẻ hiện nay phần đông đã lãng quên nguội lạnh, dửng dưng với đạo hiếu ! Nơi gương mặt hốc hác tiều tuỵ sạm nắng gió sương của các bậc cha mẹ đã nhỏ không biết bao nhiêu là giọt lệ vì những đứa con bất hiếu. Ý thức về điều đó nên chùa mình lễ Vu Lan nào, Thầy cùng với các đạo hữu bằng mọi phương thức tạo cho ngày lễ Vu Lan thành một ngày hội lễ Báo Hiếu không chỉ cho giới Phật tử mà chung cho tất cả mọi người, mọi giới. Những bài viết cho báo tường của các thiếu niên, thiếu nhi Phật tử tại chùa mình , là một trong những phương cách khơi gợi nhắc nhở giới trẻ ở địa phương mình hôm nay.

 nghia-sun_031.jpg

Thầy sẽ trích một số bài viết cho các con đọc :

Mẹ gần gũi con như trái tim trong một cơ thể , ngọt ngào như đường mía lau, nhân hậu như bà tiên trong chuyện cổ tích, bởi vậy các nhà văn nhà thơ viết về mẹ rất dễ và cũng rất dễ hay. Còn cha thì thường quá nghiêm , nhìn bên ngoài thấy dường như khô khan tình cảm, chỉ biết làm ra tiền để đưa cho vợ nuôi con, con cần tiền chỉ cần xin mẹ và mẹ thì luôn chìu con, do vậy mẹ là bà tiên, còn cha thì dấu mặt sau tờ giấy bạc kiếm được, nên con ít nhìn rõ mặt. Phật tử Nguyễn Thị Như Lan chùa mình đã nhìn tỏ tường mặt cha và ví von cha như một vì sao lạ. Đã so sánh mẹ mình như như một vầng trăng và vầng trăng ấy đã khuất.

“ Tôi thầm trách ông trời sao lại cướp đi của tôi một vầng trăng, nhưng tôi lại thầm cảm ơn ông bởi đã ban cho tôi một vì sao lạ đến như vậy. Có lẽ bố tôi cũng như hàng trăm ngàn vì sao trên bầu trời kia, nhưng ánh sáng dịu dàng mà vô tận ấy không như bất cứ vì sao nào. Hay đó là do trái tim tôi đã tràn ngập bóng hình thân thương ấy. Ngày ngày tôi trưởng thành và thành công trên con đường của mình đã đổi lại những nếp nhăn và mái tóc bạc của bố tôi. Nhưng đó là tình thương mà bố đã dành cho cuộc đời tôi . Hai tiếng “Bố ơi” ngày nào tôi vẫn gọi mà giờ đây tôi vẫn muốn hét lên từ trái tim của mình. Tôi mong muốn hai tiếng “Bố ơi” sẽ dõi bước suốt trên con đường đầy gian khó của tôi để tôi thêm vững bước “ .

Không có người cha nào lại không thương con , nhất là con gái. Nhưng khi có rượu vào rồi thì đứa con gái cưng nhất cũng giống như một con búp bê thôi, cầm ném thẳng tay vào trong góc nhà không thương tiếc . Thản nhiên sai con cầm chai đi mua rượu, đâu biết rằng con mình đã biết cảm nhận biết nhói đau trong trái tim bé bỏng. Ấy vậy mà vẫn không ghét ba , vẫn thầm mong ba sống lại để sai mình đi mua rượu cho ba uống .

Ba ơi ! Bây giờ con lại muốn ba sai con đi mua rượu như ngày xưa, nhiều lần con làm ba cười, cười đến đau cả bụng. Nhớ lại lúc đó khi ba vừa gọi bé ơi là con đã biết sai đi mua rượu rồi, nhưng ba chỉ uống một xị thôi, chỉ một xị đó thôi cũng đủ làm cho gia đình ly biệt. Ba ra đi, trên tay vẫn còn cầm chén rượu đầy. Lúc ở nhà thì uống một xị, chứ có bạn bè rủ rê thì ít nhất cũng là một lít . Uống rượu là vậy nhưng ba không bao giờ đánh mẹ con cả, ba chỉ trút giận lên đầu con thôi. Con biết ba không đánh con mà là rượu đánh. Đau lòng lắm ba ơi! Ba biết không? Thể xác con không đau nhưng tâm con đau lắm, xót xa vô cùng . Con cũng thầm mong ba của các bạn con sẽ không rượu chè như vậy nữa.

Ba mất tôi đi chùa với bà với mẹ , từ đó tôi có đức tin nơi Phật, tôi rất thương Thầy. Những lời dạy của Thầy tôi sẽ gói ghém để làm hành trang trên con đường tu học . Thầy tôi rất hay đau ốm bởi Thầy cũng đã già. Thầy như những cây tre già trong chùa, âm thầm lặng lẽ,chắn che gió bão , cho những búp măng non đang lách mình ra khỏi lòng đất. Những búp măng non ấy đang mỗi ngày một lớn lên trong vòng tay bảo vệ của những cây tre mẹ.
(Phật Tử Thường Nhã Nghiêm)

Diễm phúc lắm mới có cha mẹ nhiều đức tin nơi Phật Pháp và hướng dẫn các con tu học Phật. Thường thường chỉ có Bà và Mẹ là hay dắt con cháu đi chùa lễ Phật, chính những ngày thơ ấu được hít thở không khí trầm hương và chiêm ngưỡng dung nhan từ ái và đẹp như vầng nguyệt của Đức Phật mà hình thành nên tính cách nhân hậu, biết yêu thương của các cháu sau này. Bà và mẹ các cháu không ngờ rằng việc đưa con cháu mình đi chùa đã để lại một dấu ấn sâu đậm trong tâm của các cháu suốt cả cuộc đời.

Con người ai cũng giống nhau cả , khi sinh ra thì cũng giống như xuất phát từ một đưòng biên, đều đứng trên cùng một ván dậm nhảy, hay cũng đều chạy chung trên một con đường đời . Mọi sự sau này đều do nỗ lực mà có, nếu ai cố gắng ắt sẽ gặp một con đường hạnh phúc , còn nếu như không thì con đường người đó đang đi sẽ trở nên gập ghềnh sỏi đá ,khó khăn .Mẹ tôi cũng vậy , mẹ đã nỗ lực rất nhiều để cho chúng tôi hôm nay được đi trên một con đường bằng phẳng , không sỏi đá , không chông gai mà vẫn trở thành những công dân tốt của xã hội, những người có thể vì người khác giúp đỡ. Thậm chí, con đường dẫn tôi đi tới cửa Phật cũng được mẹ dìu dắt , bảo ban ngay từ những ngày còn thơ.
(Phật Tử Thường Huệ Nghiêm-Nguyễn Thị Phát Lợi)

Thầy không ngờ rằng ở một ngôi chùa quê hẻo lánh như chùa mình lại có những Phật tử trẻ dạt dào tình cảm,văn chương tài hoa như Phật tử Nguyễn Thị Phát Lợi, Nguyễn Thị Như Lan, Thường Diệp Nghiêm, Thường Nhã Nghiêm,Thường Quang Cơ…lại có những Phật tử viết không có văn chương gì hết, nghĩ gì viết nấy viết rất thật .Chính cái thật cái hồn nhiên đó, lời văn hoá ra lại trong trẻo dễ thương .

Ba con thì làm nông còn mẹ con thì đi buôn bán , công việc nào cũng đều v ất vả . Để có miếng cơm manh áo ba phải lặn lội ngoài đồng từ sáng đến khuya mới về cho nên cuộc đời ba rất là vất vả . Ba là người sống nghiêng về thế giới nội tâm , ba rất ghét cảnh đua chen,luồn cúi làm giàu, bởi vì lẽ đó mà suốt cuộc đời ba cực nhọc và lam lũ .Còn mẹ con thì đi buôn bán , tuổi cũng đã cao mà không biết còn nghề nào khác ngoài việc xách xe chạy ngoài đường . Có khi gặp ai bán cà phê hay lúa , mà không có công bốc vác mẹ cũng phải nai lưng ra mà khiên lên xe , khiên xuống xe . Cũng như ba và mẹ, con chỉ mong ba mẹ được khoẻ mạnh sống một cuộc sống an nhàn thảnh thơi. Những ngày ba mẹ đi làm về nhiều lúc đau ốm mệt mỏi , nhất là mẹ vì mẹ đang bị một chứng bệnh là đau khớp xương. Đó là những lúc ba mẹ cần có con bên cạnh để an ủi và chăm sóc cho ba mẹ.
(Phật Tử Thường Quang Cần )

Sống lẻ loi giữa một xóm Đạo Chúa , đức tin với Phật vẫn không hề lung lay, nghiêng ngã suốt những năm tháng dài đạo pháp ít người biết đến. Đó là gia đình bé Duy Thư , Pháp Danh Thường Diệp Nghiêm (15 tuổi) nhà gần núi ven sông , có phải do gần sông nước mà cháu cảm nhận được câu tục ngữ: “Nước chảy đá mòn” đã ví tình mẹ như giòng nước chảy.
Mẹ! Một tiếng gọi nghe sao trang trọng mà cao sang . Thật xứng với tiếng mẹ, bên trong tiếng gọi đó chứa đựng biết bao điều tốt đẹp . Tình thương con của mẹ có bao giờ dừng lại đâu. Cũng như nước chảy vậy: “Nước chảy thì đá mòn “, đá có thể mòn chứ tình yêu thương của mẹ dành cho con thì không bao giờ mòn .
Riêng tôi còn có một vị Thầy. Người tuy không phải là giáo viên .nhưng Thầy đã dạy tôi hiểu được đạo lý của một đệ tử nhà Phật. Cả cuộc đời của
Thầy đều hy sinh cho đại chúng. Từ bao năm qua Thầy đã đưa một ngôi chùa nằm giữa một cánh đồng chè vắng vẻ trở thành một ngôi chùa luôn có đạo hữu đến quy y , tụng niệm. Và cũng từ ngôi chùa đó đã có những bạn trẻ , những con người tiếp tục đi theo bước chân , theo con đường của Thầy đã đi qua .

Có những người trải qua tháng năm dài không hề nghĩ đến chuyện viết lách , chỉ biết mỉm cười và lui cui dưới bếp phục vụ cơm nước cho đại chúng ăn uống tu tập, nhưng gần đến ngày Vu Lan bỗng nhớ đế mẹ già ở dưới quê , cũng cầm bút viết về mẹ.
Mẹ hiền tôi , mẹ goá chồng năm 33 tuổi nuôi bảy người con khờ dại. Cuộc đời mẹ tôi khổ vì chồng vì con, ba tôi hay cờ bạc đánh đập lung tung. Khi ba tôi còn sống mẹ tôi đi giặt đồ mướn để về sinh sống , khi ba mất rồi trong thời chiến tranh tên rơi đạn lạc, mẹ tôi đưa các con vào chùa ẩn náu . Mẹ tôi vất vả sớm hôm dãi dầu mưa nắng không quản nhọc ngày đêm . Ngày thời lên rừng núi để kiếm trái ổi, trái trâm, trái sim và tất cả các thứ trái cây khác trên rừng để về ăn và bán , rồi lại mót khoai lang khoai mì để về ăn, tối thời làm võng để bán nuôi con ăn học. Cuộc đời mẹ tôi tả tơi, tơi tả như vậy mà các con còn làm phật lòng ý mẹ.
.( Phật tử Pháp Danh: Nhật Hoan, hơn 40 tuổi )

Câu kinh Phật: “ướt mẹ nằm khô ráo phần con” đã lay động đánh thức lương tâm của rất nhiều người con, nhưng vẫn còn những người con chưa hề nghĩ đến cha mẹ. Mẹ mong ước biết bao !Mong con mồng một, ngày rằm chở mẹ đi chùa lễ Phật, già rồi còn có niềm vui nào nữa đâu, ngoài niềm vui chùa chiền ( trẻ vui nhà già vui chùa ).Mắt loà tai điếc Ti Vi, ca nhạc đối với mẹ đâu có nghĩa gì. Các con vẫn không hề nghĩ đến , mẹ vẫn lủi thủi đội mưa đi trên con đường trơn trợt đến chùa.Tuy nhiên vẫn còn những người con sung sướng ngập tràn vì có ba có mẹ đi chùa tu tập để phước lại cho con cho cháu , dõi theo công việc phật sự của cha mẹ làm mà hạnh phúc tự hào.

Năm tháng trôi đi , những nếp nhăn trên mặt ba má tôi đã hiện rõ. Tuổi đã cao, sức yếu nhưng hằng ngày ba má tôi vẫn luôn đi chùa dâng hương cúng Phật. Ngoài ra mỗi khi nhà ai có đám tang, làm tuần hay bốn mươi chín ngày, ba đều theo Thầy lặn lội mưa gió đến tận nhà để hộ niệm cầu siêu, ước mong cho linh hồn người chết được siêu thoát và thảnh thơi nơi chín suối.Giờ đây một tình thương vĩnh cửu luôn nằm trong tâm hồn tôi, đó là hỉnh ảnh của ba má. Hồi đó lúc tôi không nghe lời bị má đánh thật đau nhưng tôi không khóc, còn giờ đây bị má đánh tuy rất nhẹ nhưng tôi lại khóc. Vì sao lại như vậy? Vì giờ đây sức khoẻ của má đã yếu, sức đâu mà đánh tôi nữa nghĩ như vậy mà tôi khóc.
( Đặng Thị Kim Hương- Pháp Danh Thường Quang Vân)

Cha mẹ tôi không đua chen với cuộc sống bên ngoài , nên cũng chẳng cần giàu sang chỉ muốn lo cho con được nên người. Gia đình tôi là một gia đình nhà Phật, nên cho dù cực khổ hay khó khăn đến đâu trong một tháng cha mẹ tôi cũng nghỉ một vài ngày để phụng sự chùa . Thường hay đi chùa nên cha mẹ tôi cũng biết được một số nghi lễ cúng kính, nên trong các đám tang nào cha mẹ tôi cũng tham gia hộ niệm, cũng chỉ mong tìm được chút phước đức cho con cháu.
( Phan Thế Duy Pháp Danh Thường Tánh )

Không ai thương con bằng mẹ , và cũng không ai thương mẹ bằng con. Nhưng rồi theo tháng năm có một hình ảnh khác ngoài mẹ len vào trong tâm tưởng mình, để nhớ để thương và cuối cùng thì bỏ mẹ mà đi theo về nhà họ. Tuy có niềm vui hạnh phúc mới nhưng cũng không thể nào quên được hình ảnh mẹ già . “ Chồng gần không lấy , đi lấy chồng xa , mai sau cha yếu mẹ già, bát cơm đôi đũa kỹ trà ai dâng “. Có chồng mà quá xa về thăm mẹ không phải là chuyện dễ dàng, ngày Vu Lan Báo Hiếu về, bỗng nhớ đến mẹ nhưng không thể nào về thăm được, thấy mình không khác gì trẻ mồ côi.

Thầy kính thương của con !

Thấm thoát mà ngày tháng qua mau, con đi xa đã gần ba tháng và một mùa hạ nữa cũng sắp đi qua. Trời vào thu thật buồn, nắng hiu hắt, gió heo may báo hiệu lễ Vu Lan đã về. Tâm trạng của đứa con xa nhà nào có khác gì một kẻ mồ côi, chiều xuống sao nghe lòng buồn chi lạ!

“Đoái trông muôn dặm tử phần
Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa”

Con ngồi đây mà hồi tưởng lại những tháng ngày đã qua. Mỗi mùa Vu Lan về, con thường hay dắt mấy nhỏ đến chùa để được ngắm nhìn khuôn mặt rạng rỡ của các con khi được cài lên áo đoá hoa hồng. Và riêng con đắm mình trong lời kinh tiếng mõ mà nghe thấm thía lời Phật dạy: “Phận con gái còn nương cha mẹ…” Nghĩ lại về mình con thấy tự bao giờ con luôn sống trong tình yêu thương vô bờ bến của má và chị, mà con thì chưa báo đáp được gì. Chỉ làm cho má và những người thân yêu luôn lo lắng cho con, má con không hề đòi hỏi con phải làm gì cho má , chỉ mong được có con ở gần bên được nghe con nói, được thấy con cười là má đã vui lắm rồi. Một ước muốn giản đơn như vậy nhưng con đâu có làm được.
( Phật tử Pháp Danh : Thường Duyên)

Chưa có lúc nào hình ảnh tảo tần lam lũ ,thầm lặng chịu đựng , hy sinh khổ đau cho dân tộc cho gia đình của người mẹ Việt Nam , hiện về trong tâm Thầy rõ nét như lúc này. Mỗi người mẹ mỗi hoàn cảnh , ít có người mẹ nào được hạnh phúc về đường chồng con. Phật tử Bùi Thị Tiên đã viết về mẹ mình.

Thưa Thầy ! Con nhận thấy mẹ con là người phụ nữ bất hạnh nhất đó Thầy . Bà ngoại mất sớm mẹ đã thiếu tình thương từ nhỏ, sống trong cảnh mẹ ghẻ con chồng thật tội nghiệp. Lớn lên có chồng cũng do người khác sắp đặt cho mình, mọi cử chỉ hành động đều theo sự sắp đặt không có một chút tự do. Cứ tưởng đâu sau này mẹ sẽ được bù dắp chút ít về con cái , nhưng không ngờ hai em trai con mất cùng một lúc , khiến mẹ con càng đau khổ hơn . Con thương mẹ nhiều lắm nhưng không biết làm cách nào để giành bớt cái khổ cho mẹ. Em mất con mới đến chùa đọc kinh cầu Phật, từ những buổi nghe Thầy giảng dạy trên chánh điện , tình thương mẹ ở nơi con được vun đắp nhiều hơn nữa, lan đến những em bé mồ côi những cụ già đơn độc.
Đạo Phật là đạo Từ Bi, cho nên luôn tôn trọng mạng sống mọi loài. Bởi vậy có những gia đình thờ Phật và nhận mình là Phật tử , vì đàn con phải mưu sinh bằng nghề săn bắt hoặc chài lưới cá , lòng họ cũng luôn bị ray rứt dày vò giữa chân lý đạo và nghề nghiệp đang làm.
Biết là con nhà Phật thờ Phật , nhưng vì đàn con ba tôi phải ra biển đánh cá , bắt tép đem về để mẹ đi bán mua gạo nuôi con ăn học. Mỗi khi đi đánh cá về không hiểu sao lòng ba không vui, ba đi uống rượu thật say và khi về với gương mặt rất buồn. Thấy vậy tôi chảy nước mắt , có lẽ ba buồn vì nghĩ rằng mình là con Phật tại sao lại đi chài lưới.
( Phật tử Nguyễn Thị Tâm – Thường Lập Nghiêm )

Tuổi 18 nhưng không đua đòi như các thiếu nữ khác , hướng về nội tâm, luôn tự vấn mình về thân phận của kiếp người. Nhìn sâu sắc nỗi khổ ở nơi thân của mẹ, và nỗi khổ sâu kín trong lòng không thể nói ra của mẹ mình và mẹ của tất cả.Người viết , viết riêng cho mẹ mình nhưng khi ta đọc văn , ta thấy bóng dáng mẹ ta trong những dòng chữ đó . Lời văn mượt mà quý phái .
Mùa Vu Lan lại về, mùa để cho tất cả mọi người luôn ý niệm về chữ Hiếu . Phải chăng con người được sinh ra và lớn lên để làm những việc mà tạo hoá đã ban cho . Đó là một quá trình sống thật dài và có mấy ai biết được vì sao ta lại được sinh ra , vì sao ta lại được sống và được hưởng những niềm vui , cũng như những nỗi buồn theo dòng thời gian. Giá trị thật sự của con người là phải sống , phải biết hướng về cội nguồn , hướng về đấng sinh thành đã sinh ra ta, đã tặng cho ta một hình hài, một trí não, để ta có thể nhìn nhận cuộc đời cho riêng mình.
Chín tháng mang nặng đẻ đau , mẹ phải chịu nhiều đau khổ để tượng nên một hình hài con người. Những nhọc nhằn gian nan in hằn trên cơ thể mẹ , vầng trán ấy, những nếp nhăn ấy đã bào mòn đi tuổi thanh xuân thời con gái đẹp đẽ. Bàn tay ấy , đã sạm đen đi vì những cái nắng gay gắt cháy da . Mái tóc đã pha sương , lốm đốm những sợi bạc khiến con thật sự đau lòng. Bàn chân mẹ đã ngược xuôi trên khắp nẻo đường cơm áo, để mong cho con mình được ấm no. Phải hiểu rằng tất cả những người mẹ đều giống nhau ở đức hy sinh.
(Phật tử Thường Quang Cơ )

Đức Phật dạy ở đời có hai hạng người được gọi là có sức mạnh. Hạng thứ nhất là hạng người không bao giờ gây ra tội lỗi. Hạng thứ hai là người lỡ gây ra tội nhưng ý thức được tội lỗi, ăn năn sám hối không bao giờ tái phạm lại nữa. Có những thanh thiếu niên, với những hành động quậy phá nghiêm trọng, nếu chúng ta không đem tâm hiểu biết thương yêu để đến với các cháu và tìm mọi phương tiện khéo léo để hướng các cháu có nhận thức tốt mà sửa đổi. Nếu dùng tâm nóng nảy mà trừng phạt thì cách duy nhất là đưa các cháu vào trại cải tạo, nhưng đó không phải là giải pháp tốt . Duyên lành Phật pháp đã khiến các cháu hồi tâm , đây là lời các cháu tâm sự với mẹ.
Do con mang tâm niệm ích kỷ nên sống trong cảnh thù hận, giận hờn.Lấy bạo lực làm niềm vui, lấy thù hận làm lẽ sống. Con đâu biết rằng cái chúng con gọi là niềm vui ấy chính là nước mắt của mẹ.
Từ khi con cất tiếng khóc chào đời đ ến nay đã mười bảy năm trời, trong mười
bảy năm trời dài đằng đẳng mẹ đã chăm sóc , lo lắng cho con nhiều biết dường nào. Ngoài những vất vả , cay đắng ra thì mẹ chẳng nhận được gì hơn nữa cả. Vậy mà khi chúng con lớn khôn đã không nghĩ đến công ơn nuôi dưỡng , không mang lại niềm vui, hãnh diện về cho gia đình. Ngược lại con đã làm nhiều điều trái ngang , khiến ba mẹ phải mang tiếng với bà con xóm làng .
Cũng may nhờ Đức Phật một đấng từ bi,nhờ Thầy ân cần phân tích khuyên bảo . Con rất ân hận về những việc đã làm trước nay, cuộc sống của con vô nghĩa đến dường nào khi không biết được hiếu đạo của người làm con.
(Phật tử Tạ Tấn Vi )

Cha tôi là một người rất mực thương con , ít khi nào tôi thấy cha tôi la rầy tôi. Chỉ có những lúc tôi không nghe lời, thì cha tôi mới lấy roi vụt cho vài cái đỡ tức. Nhiều lúc đau quá tôi cũng không dám khóc , vì sợ cha tôi buồn . Tôi thương cha tôi nhất trên đời , cha tôi là niềm vui và hạnh phúc cho cả gia điình . Nhưng niềm vui và hạnh phúc đó chẳng được bao lâu, thì cha tôi mất sau vụ tai nạn xảy ra. Để lại mẹ già, vợ yếu , con thơ . Cha tôi mất đi là tổn thất lớn cho gia đình, một đời mẹ chưa khi nào thấy thanh thản an nhàn cả . Ba mất mẹ lâm vào cảnh khó khăn ,lam lũ nuôi mẹ chồng , nuôi con ăn học.Nhưng vì mê chơi quá , theo bè bạn gây ra nhiều chuyện đáng trách và bỏ học, làm cho mẹ khóc hết nước mắt.
Trong cuộc sống đời thường , đôi lúc chúng ta vấp phải lầm lỗi quá nghiêm trọng,
mà cứ ngỡ rằng không bao giờ hối cãi được. Nhưng từ khi được Đức Phật và Thầy nâng đỡ dìu dắt, giảng dạy nhiều lần tôi mới hiểu rõ ơn cha nghĩa mẹ không gì sánh nổi . Tôi đã rút ra một bài học về phận làm con .
(Phật tử Bùi Minh Hùng )

Truyền thống phương đông rất coi trọng vai trò của người Thầy ( Quân,Sư , Phụ ) Vua là trên hết, rồi tới Thầy mới đến Cha . Mà nhất là vị Thầy hướng dẫn tâm linh tu tập, vị trí hết sức đặc biệt trong lòng tín đồ đệ tử . Người cha sinh ra mình trong gia đình huyết thống là người cha thứ nhất. Còn người Thầy trong đạo là vị cha thứ hai trong gia đình tâm linh của mình.
Trong tôi chỉ có vị Thầy mà tôi hằng thương kính, cảm ơn trời Phật đã cho tôi được biết Thầy biết Phật, và nhờ mẹ tôi được gần Thầy . Tôi được biết Thầy từ năm 6 tuổi , cho đến bây giờ càng nghĩ tôi lại càng thương Thầy hơn. Thầy tôi là người hay suy nghĩ lo lắng nhiều cho Phật Pháp , cả cuộc đời Thầy đều hy sinh cho đại chúng , có phải vì vậy không mà thầy hay ốm đau ? Với thân thể gầy gò như vậy mà Thầy có ý chí thật sắt đá . Chùa tôi ngày xua rất khổ, nghĩ lại mà tội cho Thầy . Thầy đã cỡi xe đạp để đi quyên góp từng đồng xây tượng Phật Bà Quan Âm , lúc ấy thật khó khăn. Tôi còn nhớ lúc tôi được 10 tuổi thì Thầy đang xây nhà Tổ , khi xây nhà Tổ xong Thầy tôi mặt mày hốc hác xanh xao , người gầy nhom da thì đen sạm . Trên con đường làm đạo Thầy tôi rất khổ , nhờ sự khổ nhọc của Thầy tôi nên cơ ngơi chùa mới được như ngày hôm nay , để cho bà con Phật tử có nơi tu tập .

Ngoài Thầy tôi ra tôi còn một người mẹ nữa : “Ở nhà, tôi là đứa con hay tự ái và ngang bướng nhất . Tôi còn nhớ có lần khi đi học mẹ đã nhắc tôi mang mũ và đem theo áo mưa , lỡ khi trời mưa , nhưng tôi đã không nghe. Đến khi tan học bỗng có đám mây đen kéo lại và mưa thật to, tôi không sao về được, Trong không gian ẩm lạnh chỉ còn mình tôi, lúc này tôi run sợ và oà khóc thật to, thật hối hận khi không nghe lời mẹ . Nhìn ra xa thấp thoáng bóng dáng ai như mẹ mình . Trời ơi, đó chính là mẹ mình ! Tôi đã ào tới ôm mẹ và lòng vô cùng hối hận. Mẹ ơi !
( Phật tử Thường Hương Nghiêm )

Thầy khuyên dạy con từng điều , ánh mắt Thầy ánh lên bao tình thương, vẻ mặt Thầy nhân hậu và phúc đức. Khi con mười ba tuổi, còn tuổi ăn tuổi chơi, đã nguyện xin thầy học đạo. Thầy cười nói: “Từ từ đã con, kiếp trước đã từng là Thầy trò rồi hay sao mà kiếp này lại chịu xuất gia theo Thầy. Con có quyết tâm không ? “. Tự đáy lòng con bỗng nói ra năm chữ : “ Dạ thưa Thầy có ạ !”.
(Phật tử Thường Thảo Nghiêm )

Và hai sư em các con mới mười tuổi, cách đây bốn hôm sư anh Thường Chiếu các con vừa cạo tóc xong , hai chiếc đầu nhẵn bóng vào đoàn quán ngồi hì hục viết về Thầy. Nhất là thiện chí của Thường Tín , ăn cơm vừa xong bỏ chén đũa vào bàn viết tiếp, Thường Tín không phải là không thông minh, nhưng ham chơi và lơ đễnh lắm nên học dở. Cùng một tuổi nhưng Thường Minh già dặn hơn Thường Tín nhiều phương diện, luôn chú tâm vào việc học, những lần Thầy thuyết giảng luôn để ý lắng nghe,và viết bài cũng được lắm ! Hai bài viết của Thường Minh, Thường Tín Thầy chép nguyên văn không thêm bớt gì hết, chỉ sửa lỗi chính tả.
( Sư em Thường Lạc có viết về Thầy nhưng em đã bỏ thất lạc mất )

Khi tôi được 4 tuổi , thì mẹ tôi dẫn tôi qua chùa để biết Thầy biết Tổ, biết Phật pháp. Khi tôi 5 tuổi tôi bị xe tông, tôi nghĩ chắc Phật Bà Quan Âm thương xót tôi nên cho tôi qua khỏi ách nạn này. Cũng vì lí do đó tôi đã chọn một con đường chân chính cho bản thân của mình. Bây giờ tôi đã đi vào cửa Phật, làm đệ tử của Phật, làm đệ tử của Thầy, coi như tôi là con Phật, con Thầy. Tôi đã bỏ hết tất cả để xuất gia theo Phật, trước khi xuống tóc cho tôi thì Thầy có đọc một bài thơ như sau:

“Bỏ cái đẹp trần thế
Cắt đứt dây ái ân
Đi trên đường của Bụt
Nguyện độ hết xa gần”

Thầy tôi rất hay bị bệnh , có một thời Thầy tôi mắc phải bệnh bao tử , mới gọi điện cho sư anh Thường Chiếu ở Huế về để chăm sóc nuôi dưỡng Thầy già yếu. Những khi tôi bị bệnh Thầy còn mua Thuốc cho tôi uống được , chớ Thầy mà bị đau thì tôi chẳng làm gì được cho Thầy bớt bện, tôi phải đành bó tay.Bởi vì tôi còn quá nhỏ chưa đủ tuổi để làm chuyện này. Nhưng hiện giờ thì Thầy đã bớt bệnh, Thầy trò chúng tôi sống thanh tịnh an nhàn . Chúng tôi sống như một gia đình đầy đủ hạnh phúc chẳng có điều gì khiến cho chúng tôi buồn phiền cả.
(Điệu Thường Minh)

Gần đến mùa báo hiếu mà tôi không có gì để đền đáp công ơn của cha mẹ nuôi dưỡng tôi khôn lớn cho đến bây giờ . Buổi tối tụng kinh tôi thấy đức Phật dạy không có cái gì lớn bằng công lao của cha mẹ.

Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Đấy là ca dao nói về cha mẹ đã nuôi con.

Trong kinh Đức Phật dạy chỉ đi tu mới đền đáp công ơn của song thân nuôi dưỡng , nhờ Mẹ Ba tôi mới hiểu đạo Phật nên tôi mới chọn lựa một con đường tu tập , để đi tu làm con Phật con Thầy , đấy là ước mong sâu sắc nhất của tôi . đến ngày lễ Vu Lan tôi cũng dành dụm ít tiền để mua quà báo hiếu cho cha mẹ. Tôi nguyện một lòng không làm cho cha mẹ , và Thầy buồn phiền nữa. Tôi chỉ làm cho vui lòng mà thôi . Từ nay trở đi tôi ráng cố gắng học giỏi và không làm cho Thầy tức bực và la rầy , khi Thầy la Thầy cũng đau lòng lắm. Khi làm lễ Thầy cũng dùng cái kính lão để nhìn kinh mà tụng, tôi biết Thầy tôi đã già . Cầu ân Tam Bảo , Chư Phật gia hộ cho cha mẹ tôi và Thầy được sống lâu trăm tuổi.
( Điệu Thường Tín )

Đức Thế Tôn dạy Tâm chúng ta là Tâm con vượn, còn Ý thì như con ngựa. Lăng xăng chuyền nhảy không khi nào dừng, không khi nào chịu đứng yên, dễ thay đổi. Khổ đau do vậy mà xảy ra. Tấm lòng mẹ cũng vậy, rất sợ con mình đánh mất bản tính hiền lành và chân chất của làng quê. Trước khi đưa con lên phố thị ( để học để làm ) với rất nhiều ánh đèn màu mờ tỏ và nhiều cám dỗ xa hoa , sợ con hư đã thống thiết căn dặn con mình. Âm hưởng của bài thơ có khí vị bài Chân Quê của thi sĩ Nguyễn Bính .

Chốn đô thành nhộn nhịp những chuyến xe
Cuộc sống bon chen, lòng người chật hẹp
Quê mình nghèo tình người không đóng khép
Như câu dân ca mẹ hát đêm nào
Giữa chốn thị thành tấp nập ồn ào
Luôn nhớ nghe con một điều giản dị
Bản chất con người vốn là như thế
Đừng thay đổi nhiều dáng vẻ quê hương
Lời mẹ dặn con trước lúc lên đường
Con vẫn mãi khắc ghi trong cuộc sống
Nhưng mẹ ơi ! Giữa cuộc đời biến động
Con sợ một ngày chân lí sống đổi thay .
( Thường Dung Nghiêm- Nguyện Thị Kiều Hạnh)

Bài thơ đã khép lại những ý tưởng của Thầy và trò , Thầy thật rất bất ngờ .
Đức Phật dạy chúng ta nên tập lắng nghe cho kỹ và nhìn thật sâu.Quả thật như vậy nếu không nhìn thật sâu làm sao Thầy phát hiện được những Phật tử trẻ ở một vùng quê hẻo lánh, thiếu thốn vật chất , lại tràn đầy cái tâm thương yêu hiểu biết , chuyển tải được ý tưởng của mình với văn chương trong sáng tài hoa đến vậy. Thầy đã đãi cát và tìm thấy đựơc vàng, Thầy trân trọng và quý vô cùng .
Mùa Vu Lan năm nay Thầy rất hạnh phúc và muốn chia sẻ niềm hạnh phúc đơn sơ đó với các đệ tử ở xa của Thầy, bằng những bài viết của các đệ tử ở gần Thầy.
 
CHÙA BỬU MINH, GIA LAI
Mùa Vu Lan Phật Lịch 2546 –DL.2002
Thầy của các con


Âm lịch

Ảnh đẹp