Con về còn trọn niềm tin (Tập một)


Tác giả: Thích Giác Tâm
15/07/2013 08:15 (GMT+7)
Số lượt xem: 112617
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tác phẩm:  "CON VỀ CÒN TRỌN NIỀM TIN". Tác giả: Thích Giác Tâm - Nhà xuất bản Phương Đông - TP.Hồ Chí Minh, xuất bản tháng 01 năm 2012. Ấn bản giấy 368 trang, cả bìa. Khổ 13x20.5cm

Bản điện tử chia thành hai tập. Tập 1 - 30 truyện. Tập 2 - 34 truyện.


Tập 1

Biển Hồ Pleiku

Trên cao nguyên cách mặt biển gần ngàn mét, vậy mà có được cái Hồ như thế, quả là ông trời có mắt, Pleiku không có Biển Hồ thì trống vắng biết chừng nào. Bởi vậy ta có thể nói Biển Hồ là Mắt cao nguyên, là bà Mẹ dịu dàng từ ái mở rộng vòng tay ôm tất cả những đứa con nóng bức vào lòng.

Với tôi: Tình và cảnh Biển Hồ ( Hồ Tơ Nưng ) tựa như trái cam để trong lòng bàn tay. Muốn nói gì viết gì mà chẳng được, dễ như ăn ớt. Ấy vậy mà hơn ba mươi năm, bây giờ mới viết về Biển Hồ. Tôi sinh trưởng xóm Trại Mộ, nhà cách bờ Biển Hồ khoảng cây số. Tuổi thơ, thơ thẩn rong chơi quanh Hồ nên thuộc lòng từng chỗ: Chỗ này là nhà nghỉ mát của ông chủ Tây, chỗ kia là nhà bà Nâng, người đàn bà không biết chữ, chỉ biết bán cá Biển Hồ, vậy mà làm chấn động tâm hồn của người dân quanh Biển Hồ một thuở . Chỗ nọ là thuyền đắm học sinh chết, tôi thuộc lòng vị trí của từng hòn đá lớn đá nhỏ nằm quanh Hồ, mỗi khi Hồ cạn nước ( Hồ có khi đầy khi vơi tùy theo mùa mưa nắng) .

Tâm lý con người  hay coi thường cái gì có trong nắm tay, tầm tay, khi vuột mất rồi mới hối hận, mới nuối tiếc, mới thấy nó quý giá, mới thấy nó đẹp. Phong cảnh Biển Hồ đối với cư dân quanh vùng thì chẳng có gì đáng nói, đáng bàn, bởi họ đã nhìn thấy hằng ngày,lờn cảm xúc, với lại họ nhìn bằng đôi mắt thường, nên khi thấy cái gì thì chỉ thấy một cái, nhìn núi thì thấy núi, nhìn mây thì thấy mây, nhìn nước thì thấy nước, nhìn thông thì thấy thông, cái thấy tách bạch ra từng món như vậy nên không thấy Biển Hồ đẹp. Phải nhìn Biển Hồ trong tổng thể vừa nêu( núi,mây, thông,nước)  mới thấy Biển Hồ đẹp.   Đẹp với những người đã từng có những kỷ niệm với Biển Hồ, bây giờ ly hương xa xứ, trong cõi nhớ của họ Biển Hồ đẹp như một bức tranh, như một cõi tiên mà văn nghệ sĩ đã mô tả. Nhưng Biển Hồ đẹp nhất vẫn là đẹp trong những bài viết của giới văn nghệ sĩ, tâm hồn họ quá nhạy cảm,quá bao la nhìn cảnh vật như một cái máy thu hình nên bao quát tất cả hình ảnh, âm thanh, cọng với lời văn điêu luyện trong sáng thơ mộng, thêm một chút tưởng tượng nữa nên Biển Hồ càng thêm thơ mộng, trữ tình, huyền thoại, tràn ngập tiếng chim đủ loại, tràn ngập hoa, tràn ngập cá, cá lội nhởn nhơ từng đàn, vựa cá cung cấp cho cả tỉnh, hoa sen hoa súng trên nở trên mặt hồ….khiến cho ban biên tập Bách khoa toàn thư mở Wikipedia phải e dè nói rằng những tin nầy chưa được kiểm chứng (http://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%93_T%27N%C6%B0ng).

Biển Hồ năm nào cũng có người chết, có năm chết nhiều có năm chết ít, có năm 6 cháu học sinh học lớp 12, nghỉ ôn thi rủ nhau chơi Biển Hồ và cùng chết một lúc vì thuyền lật. Năm 2007 chùa chúng tôi có thiết lập đàn tràng vớt vong siêu độ cho những người chết tại Biển Hồ: Xin đăng tải lại bài văn khấn nguyện khi cúng rước vong về chùa.

BIEN HO TONUNG.jpg

 Biển Hồ - Pleiku hiện nay

LỜI KHẤN NGUYỆN THỈNH LINH CHẾT NƯỚC Ở BIỂN HỒ NƯỚC

Kính thưa liệt vị hương linh !

Chúng tôi Tỳ Kheo Thích Giác Tâm thay mặt cho 03 gia đình Phật tử :

PHƯƠNG XUÂN TÙNG - LÊ VĂN SANG - LÝ THỊ THUỲ TRANG  cùng người thân của liệt vị và tất cả quý phật tử xa gần góp công góp sức kiến lập đàn tràng ngày 10 - 11 tháng 04 âm lịch, Đinh Hợi - 2007 tại chùa Bửu Minh, xin có vài lời thưa đến liệt vị .

Quý liệt vị đâu có muốn mình chìm đắm và nằm nơi biển cả, nhưng rồi nghiệp lực dắt lôi, các vị đã bơ vơ đói lạnh suốt những tháng năm dài trong lòng biển cả.

-Trong các vị có người vì vợ vì con phải mưu sinh trên biển cả, gió to thuyền lật các vị đã không còn hiện hữu ở cõi đời.

-Trong các vị có người khổ đau chồng chất, oan khuất không giải bày được, hoặc bất đắc chí trên đường công danh sự nghiệp, hoặc bị phụ tình đã tìm đến biển cả để tự huỷ mình .

-Trong các vị có người còn rất trẻ, là những nhân tố tốt đẹp cho tương lai của gia đình và đất nước, trong ngày vui, trong đêm vui có những hoan lạc bất ngờ đã tìm đến biển để vui với biển. Biển vốn bao dung nhưng vẫn có những cơn thịnh nộ bất ngờ, thế là các vị lại bị kéo lôi vào lòng biển cả, dang dở con đường công danh sự nghiệp .

-Trong các vị có những người chỉ biết sợ lửa, luôn tránh xa lửa, bởi vì tánh lửa luôn nóng, luôn Dương. Nhưng lại rất thích gần nước, không sợ nước, bởi vì tánh nước vốn lạnh, vốn Am , mát dịu dễ gần gũi, các vị đã buông thả dễ duôi coi thường nên sẩy bước sa chân chìm đắm .

Chúng tôi đã đánh mất các vị, luôn nghĩ đến các vị từ những ngày các vị chìm đắm, nhưng maĩ đến hôm nay, nhờ Tâm Bồ Đề của 03 gia đình Phật tử : Phương Xuân Tùng-Lê văn Sang-Lý thị Thuỳ Trang trợ duyên cho chúng tôi, chúng tôi mới thiết lập đàn tràng được để cầu siêu cho liệt quý vị.

Hôm nay là ngày mồng 10 tháng 04 âm lịch, chúng tôi là những người con Phật với tấm lòng thành sắm sửa hương hoa phẩm vật trần thiết bên bờ hồ mà những ngày trước đây quý liệt vị đến để bỏ thân mạng mình. Nương vào pháp phật cung kính thỉnh hương linh của quý liệt về tại đàn tràng chùa Bửu Minh, thôn 01 Xã Nghĩa Hưng, huyện Chưpăh Tỉnh Gia Lai mà thính pháp nghe kinh, tham dự hội vô giá, thọ hưởng cam lồ pháp vị. Trượng thừa công đức mà siêu thăng chuyển hoá vào cảnh giới cực lạc của Đức Phât A Di Đà đời đời an vui không còn đau khổ .

NAM MÔ TIẾP DẪN ĐẠO SƯ A DI ĐÀ PHẬT

 

( Niệm Phật tiếp dẫn chư hương linh chết nước về tại đàn tràng chùa Bửu Minh )

 

Tôi vừa cỡi xe HonDa đi thăm Biển Hồ về để viết, Biển Hồ mà tôi thấy, tôi quan sát khác nhiều lắm so với các bài viết về Biển Hồ đăng ở các trang mạng. Biển Hồ của tôi dễ thương nhất là không khí, không khí trong lành. Hơi nước của 230 hecta mặt Hồ bốc lên, cùng với rừng thông trồng quanh Hồ ta cảm nghe như đây là trời Đà Lạt. Trái đất mỗi ngày mỗi nóng lên, thời tiết khí hậu của Pleiku-Gia Lai hiện nay so sánh với  vài chục năm về trước khác nhiều, nóng lắm. Cái mát của Biển Hồ toả ra khiến cho tâm hồn của cư dân Pleiku dịu đi rất nhiều . Trái đất  nóng hừng hực, cuộc sống của con người thời nay cũng nóng theo, ăn uống sinh hoạt toàn đồ nóng, ( Dương ) nên dương thái quá. Hơn lúc nào hết, con người muốn trở về với thiên nhiên, với mát dịu, nhu nhuyễn, thanh lương ( Âm ) Khách thập phương đến với Biển Hồ hóng mát, nghỉ chân, thư giản, là muốn tìm lại thế quân bình nội tại. Trên cao nguyên cách mặt biển gần ngàn mét, vậy mà có được cái Hồ như thế, quả là ông trời có mắt, Pleiku không có Biển Hồ thì trống vắng biết chừng nào. Bởi vậy ta có thể nói Biển Hồ là Mắt cao nguyên, là bà Mẹ dịu dàng từ ái mở rộng vòng tay ôm tất cả những đứa con nóng bức vào lòng.

 

Biển Hồ trong ký ức của tôi

Bien Ho 02.jpg

Biển Hồ - Pleiku ( trước năm 1975)

 Nhắc lại lần nữa: Tôi sinh và lớn lên tại xã Biển Hồ. Trước năm 1975, bà con thành phố Pleiku ( hồi đó là Thị Xã ) gọi khu vực Biển Hồ ( Hồ Tơ Nưng) là Biển Hồ nước. Gọi khu vực nhà máy chè Biển Hồ, chùa Bửu Minh là Biển Hồ Trà. Biển Hồ Trà và Biển Hồ nước liền kề nhau, tuổi thơ tôi, ngoài giờ học luôn tha thẩn chơi quanh Biển Hồ, Biển Hồ của tuổi thơ tôi rất đẹp, bờ Hồ thoai thoải có nhiều loại đá hình dáng khác nhau , nằm rải rác đó đây, ta có thể ngồi trên những tảng đá đó chụp hình. Xung quanh bờ hồ có rất nhiều cây trâm, trâm trâu, trâm sẻ, tuổi thơ của chúng tôi không thích gì hơn là thích trâm. Rồi đến khi làm đoàn sinh GĐPT thì thỉnh thoảng lại cắm trại ở Biển Hồ. Có nhiều kỷ niệm không thể nào quên được. Nhắc đến Biển Hồ là tôi nhớ đến một người đàn bà trên 50 và dưới 60 tuổi tên Nâng, không biết chữ, không ai biết tên họ bà, chỉ biết bà từ Quy Nhơn lên Biển Hồ lập nghiệp( từ thời còn chủ Pháp, khoảng năm 1943-1944) bà cùng hai người con trai làm một căn nhà tạm ở cạnh bờ hồ, dưới tán một cây Da. Hai người con trai làm nghề biển đánh cá, phần bà đem cá đi bán. Hồi đó chỉ mỗi mẹ con bà đánh cá bắt cá ở Biển Hồ, cá nhiều vô số kể, cá lóc cá chép và nhiều nhất là cá bà rãi, cá bà rãi nhỏ, dài khoảng 2-4 cm màu trắng bạc, lúc nhỏ mẹ tôi có mua kho tiêu, không có loại cá  nào ngon bằng ! Bây giờ thì giống cá này đã không còn nữa. Anh con trai đầu tên Bê,anh con thứ tên Xê, anh Bê ngoài cái tài đánh cá anh đi săn rất giỏi, anh vô rừng, vô núi nhìn dấu vết trong cỏ biết con gì vừa đi qua và lần theo dấu, nếu cọp thì né tránh, còn nai, chồn, thỏ , heo rừng thì truy đuổi đến cùng, và không con vật nào thoát được tay anh. Chỉ buôn bán cá mà bà Nâng nổi tiếng mới lạ, dân trong vùng gọi bà bằng bà, tỏ vẻ kính trọng. Kính trọng vì tính hào phóng của bà, mua một ký bán ký mốt ký hai, xe Lam ba bánh chở cá của bà qua thị xã bán, tiền xe 10 đồng bà trả 15 đồng,vân vân. Bên cạnh bờ Hồ có một nhân vật thứ hai được kính trọng đó là ông Lâm Phan, hoa kiều. Ông làm giám đốc đồn điền Trà Biển Hồ  (từ năm 1964 -1975) có đức tin nơi Đạo Phật và giúp đỡ chùa Bửu Minh  nhiều mặt. Ông rất thương công nhân và quản lý đồn điền Trà như ngưòi cùng một giòng tộc làm chung, sống chung với nhau, bà con xã Biển Hồ và công nhân hái trà gọi ông là ông chủ (bởi họ nghĩ họ là tôi tớ) tất cả xưng hô với ông bằng  ông chủ và xưng con. Bà Nâng bắt được con cá nào ngon thì đem biếu tặng ông, ông cũng rất quý bà. Thỉnh thoảng kẹt tiền bà có mượn ông, có khi mượn vàng nữa. Lúc trả, trả rất xộp, mượn một trả hai, trả và nói rất khéo nên ông Lâm Phan nhận. Tính hào phóng chơi đẹp của bà đã lan ra rất xa, bà được nhiều người ngưỡng mộ. Luôn cho bà mượn tiền, mượn vàng mỗi khi bà cần. Năm cưới vợ cho anh Bê bà đi về Quy Nhơn rước dâu bằng máy bay, cả làng Biển Hồ tôn vinh bà như một đại gia chơi sang ẩn mặt, cứ nói nhỏ với nhau bà này có của kín.

 Một năm nọ bà đi thăm từng người quen, những người đã từng cho bà mượn vàng, thăm ông Lâm Phan và hỏi mượn vàng (số vàng rất lớn) ai ai cũng cho bà mượn, bởi tin chắc rằng khi bà trả mình sẽ có lãi lớn, cho bà mượn với tâm trạng hoan hỷ hả hê vô cùng.

Đùng một cái, một hôm ba mẹ con biến mất, để lại cái chòi tranh bên cạnh cây Da, sóng vỗ nhấp nhô dưới chân chòi, không ai biết ba mẹ con bà đi đâu. Hồi ức lại chuyện này không phải để nói xấu bà, con cháu bà hiện nay kẻ còn người mất như thế nào, ở đâu, ở nơi nào trên trái đất, thành đạt hay khổ sở? Khi tình cờ đọc những dòng này xin đừng trách tôi, tôi chỉ thuật lại những gì mà bà con làng Biển Hồ kể lại, về một người đàn bà làm cá bán cá mà nổi tiếng. Phúc đức tại mẫu, tôi sợ đời con bà cháu bà không sung sướng, bởi vì bà,  đã không để lại âm đức cho con cháu mình.

Tôi viết bài này để tái hiện một chân dung. Ngàn năm trước con người vẫn thế, ngàn năm sau con người vẫn thế. Bị lừa đẹp,nhưng không biết kiện tụng với ai, âm thầm dấu chồng dấu vợ, cười cười nói nói mỗi khi ai hỏi:” có cho tiền bà Nâng mượn không, không có đâu chị ơi, tôi biết bả quá mà, ai dại gì” Đức Phật ơi ! Không ai dại hết chỉ tại con ma tham nó xúi dục thôi.

Pleiku, tháng 2, năm canh dần
Thích Giác Tâm


Âm lịch

Ảnh đẹp