Tiếng chuông xứ Huế
Trong chúng ta, phần đông ao ước được một lần đến Huế, để
nhìn tận mặt, để nghe tận tai, Huế là ai, Huế là gì, Huế thơ mộng sâu
lắng như thế nào, mà nói hoài nói mãi vẫn không hết. Viết về Huế là dịp
để thể hiện mình, để cùng thơm, cùng thơ, cùng lãng mạn với Huế.
Cũng giống như khi ta viết về một chút kỷ niệm với Bùi Giáng,
Trịnh Công Sơn, bài viết dù không hay mấy nhưng khi đọc xong độc giả
cũng mỉm cười chấp nhận, bởi vì ngay trong bài viết đã có bóng hình nhân
ảnh của Bùi Giáng, của Trịnh Công Sơn.
Với tôi, Huế như người thân ruột thịt, ngày thọ giới lớn, tôi thọ
giới tại Đại Giới Đàn chùa Báo Quốc, những năm tháng ốm đau nằm chữa
bệnh ở nhà Cư Sĩ Lê Quý Ngưu - Trần thị Như Đức ở An Cựu, những năm
tháng Huế thăng trầm tôi có đến, đến ăn Tết. Chứng kiến cảnh chùa Huế
trong ba ngày Tết cắt một nải chuối rời ra, mỗi bàn đơm vài trái, đền
đài lăng tẩm rêu phong, không mấy người lui tới. Huế đã dạy cho tôi bài
học vô thường, bài học chịu đựng vươn lên từ trong gian khổ bão giông.
Huế nay đã thay da đổi thịt bằng con đường giữ gìn văn hoá ông cha, Huế
trở thành thành phố cấp một, thành phố luôn tổ chức Festival, nơi giao
lưu văn hoá đông tây. Huế luôn nhớ ơn đền ơn, đã xây đền Huyền Trân công
chúa ở Núi Ngũ Phong, thôn Ngũ Tây, xã Thuỷ An, khói hương nghi ngút,
bái vọng tháng ngày. Huế ơi biết nói sao cho vừa. Ngoài những ân tình kỷ
niệm vừa mới nêu, trong tôi Huế còn có tiếng chuông chùa.
Năm 1980 tôi thọ giới tại Huế, một buổi sáng tôi cới xe đạp đi từ
chùa Bảo Quốc về đàn Nam Giao, lúc đó khoảng 3 giờ 30 đến 04 giờ sáng,
tiếng chuông chùa đây đó đồng loạt thỉnh lên, trong thành phố và ngoại
vi Huế có hơn 100 ngôi chùa lớn nhỏ, Trên một trăm quả chuông Đại Hồng
Chung (xin được viết tắt ĐHC) lớn nhỏ khác nhau, chuông xưa có, chuông
mới đúc có, nên âm thanh khác nhau. Chuông Huế có một đặc điểm khác với
chuông đúc ở địa phương khác, dù là chuông xưa hay chuông nay, đều âm
trầm sâu lắng mang âm hưởng tính tình của người đúc, của cư dân địa
phương. Người nghệ nhân đúc chuông xứ Huế, hầu hết là Phật tử, mà đã là
Phật tử thì luôn quý kính Tam Bảo, có tu có học với sự hướng dẫn của chư
Tăng, nên cách đi đứng nói cười sinh hoạt của nghệ nhân Phường Đúc nói
riêng và của cộng đồng Phật tử xứ Huế nói chung có tĩnh lặng, khoan
thai, có chất thiền. Bề ngoài là biểu hiện của nội tâm, tâm có Đạo, có
ung dung, tĩnh tại thì khi hành nghề sản phẩm cũng tĩnh tại, nhu hoà,
phẩm chất, người nghệ nhân Phật tử luôn chú ý đến chất lượng chứ không
phải số lượng. Do vậy tiếng chuông chùa Huế buổi sáng như một dàn hợp âm
với nhiều cung bậc khác nhau. Tiếng ĐHC chùa Từ Đàm vừa thỉnh lên, thì
tiếp theo tiếng ĐHC chùa Báo Quốc, rồi nối nhau tiếng chuông chùa Linh
Quang, Hiếu Quang, Hải Đức, Châu Lâm, Từ Hiếu, Bảo Lâm, Kim Tiên, Tường
Vân.v.v...Những âm thanh trầm lắng u viễn kia cứ đan xen lại với nhau,
khởi đầu thì khoan thai, chậm rải, càng về sau càng thúc dục như âm điệu
kết thúc của bài Kinh Bát Nhã: Gate Gate Paragate Parasamgate Bodhi
Svaha.
Bởi chùa nào cũng có một Đại Hồng chung, nên triêu mộ chuông được
thỉnh lên. Khi thỉnh chuông, chùa tự nhắc nhở chính mình phải luôn tỉnh
thức, phải trên thì cầu Phật đạo, dưới phải đem giáo pháp từ bi yêu
thương đến với mọi người, cầu cho quốc thái dân an, thế giới hoà bình,
chúng sanh an lạc, kẻ âm siêu thoát người dương an lành. Và ngoài kia,
ngoài không gian tĩnh lặng của nhà chùa, là cả một thế giới bao la trần
luỵ, não phiền của cõi người ta, tiếng chuông là thông điệp kêu gọi
chúng ta trở về với tính thiện có sẵn ở nơi mình, đưa thân và tâm chúng
ta hợp nhất:
Nguyện tiếng chuông này vang pháp giới
Khắp nơi u tối mọi loài nghe
Siêu nhiên vượt thoát vòng sanh tử
Giác ngộ tâm tư một hướng về
Nghe chuông phiền não tan mây khói,
Ý lặng thân an miệng mỉm cười.
Hơi thở nương chuông về chánh niệm
Vườn tâm hoa tuệ nở xinh tươi
Để có được tiếng chuông trầm ấm sâu lắng lan toả trong không gian bao
la vô tận, thức tỉnh lòng người kia, người nghệ nhân Phường Đúc phải
làm sao? Phải làm gì? Phải sống như thế nào để khi đúc ra có được tiếng
chuông gọi là chuông Huế? Chúng ta thử tìm hiểu:
Đức Phật dạy Tâm và Vật không hai, Tâm và cảnh nhất như, tương dung
tương nhiếp lẫn nhau, cụ Nguyễn Du cũng đã phát biểu “Người buồn cảnh có
vui đâu bao giờ”. Người nghệ nhân đúc chuông, ngoài tay nghề cha truyền
con nối, phải lấy chữ Tâm làm đầu. Lỡ nhận Đại Hồng Chung (ĐHC) trong
lúc giá đồng hạ, đột biến giá đồng tăng, đành cam chịu. Không phải giá
đồng tăng mà làm tắc trách trong công việc, hoặc pha đồng tạp nham, nếu
vậy ĐHC sẽ không có tiếng. Các cơ sở đúc ĐHC ở phường đúc rất nhiều, có
cơ sở làm không hết việc, cũng có cơ sở rất ít khách. Qua tìm hiểu chúng
tôi biết được, cơ sở nào mà người chủ biết tu tập, biết trân quý tiếng
chuông xứ Huế, biết bảo lưu vốn quý của ông cha, cơ sở đó không đặt lợi
nhuận lên hàng đầu, chỉ mong sao khi ĐHC đúc xong, có âm thanh thanh
thoát trầm ấm, tiêu biểu được cho tiếng chuông xứ Huế. Muốn có tiếng ĐHC
hay, người nghệ nhân luôn tưởng nhớ Phật, bởi Phật là người Giác Ngộ,
là người tỉnh thức và tiếng chuông là tiếng tỉnh thức, kêu gọi mọi người
quay về với sự tỉnh thức. Không để tâm đến sự ăn chay, ăn uống không
kềm chế, trước ngày rót đồng mà ăn uống bù khú, say sưa. Ngày hôm sau
rót đồng tiếng ĐHC rất khó mà hay, mặc dù công thức pha đồng với thiết
đúng tỷ lệ, lửa đốt lò với nhiệt độ chuẩn….
Nơi chùa tôi đang ở còn giữ được một ĐHC khoảng 300 kg, đúc năm 1966
tại Phường Đúc, Huế, âm thanh khi thỉnh lên tiếng trong và thanh, ngân
vang rất lâu, tựa như trong ĐHC có vàng, từ lâu tôi cứ đinh ninh tiếng
ĐHC hay là tuỳ thuộc số vàng bỏ vào khi đúc chuông nhiều hay ít. Vậy mà
mới đây thôi, chùa chúng tôi được gia đình đạo hữu Trần Kỳ, pháp danh
Nhật Bích. Cao thị Phượng pháp danh Đồng Hoàng cúng dường cho chùa một
quả ĐHC nặng 900 kg, chúng tôi có đến lò đúc của cụ Nguyễn văn Sở pháp
danh Nguyên Tại, ở thôn thượng 4, Thuỷ Xuân, Thành Phố Huế liên hệ đúc,
qua vài lần trao đổi tìm hiểu cụ cho biết không phải bỏ nhiều vàng khi
rót đồng là ĐHC tiếng hay. Vàng là vật quý trong đời sống, biểu thị đức
tin của mình không gì bằng cúng dường vàng khi đúc chuông hay tạo tượng
do vậy thập phương Phật tử thích cúng dường bằng cách này. Tiếng chuông
hay là ở tỷ lệ pha chế giữa đồng tốt không tạp chất và thiết, cách làm
khuôn không dày mỏng chênh lệch nhau, khi nấu đồng bằng mắt thường vẫn
phải cảm nhận được nhiệt độ khi nấu, bằng trực quan, bằng kinh nghiệm
nghề nghiệp Tổ truyền, và hơn hết vẫn là cái Tâm của người nghệ nhân thì
tiếng chuông ĐHC sẽ hay.
Nhìn hình ảnh một cụ già 76 tuổi, mặc chiếc áo tràng màu lam, bạc
thếch, lúi húi cắm hoa, chưng trái cây trên bàn Phật, bàn Tổ nghề đồng,
rồi tụng kinh lạy Phật lạy Tổ trước ngày rót đồng đúc ĐHC, tôi đã hiểu
được vì sao cơ sở cụ Nguyễn văn Sở được các chùa trong nước, ngoài nước
biết đến, tìm đến nhờ cụ đúc cho một quả chuông ĐHC để kỷ niệm, thâm tâm
các vị trụ trì, các vị phụ trách các cơ sở tự viện sợ cụ ra đi, những
người thừa kế không còn được cái Tâm như cụ.